Saturday, June 4, 2022

ĐỌC ‘KỂ CHUYỆN TÌNH BUỒN’

 Phan Tấn Hải
 
GS Nguyễn Văn Sâm &
Tác phẩm ‘Kể Chuyện Tình Buồn’
 
LỜI GIỚI THIỆU: Giáo sư Nguyễn Văn Sâm đã tái bản truyện thơ “Kể Chuyện Tình Buồn” của cụ Hồ Biểu Chánh (1885-1958) trong những ngày cuối tháng 5/2022. Bản gốc tác phẩm là “U Tình Lục” được viết với tên khai sanh của tác giả là Hồ Văn Trung, ấn hành năm 1913. Bản giới thiệu và chú giải do Giáo sư Nguyễn Văn Sâm thực hiện lần đầu là năm 2013, khi tác phẩm tròn 100 năm tuổi, và bản chú giải được đặt tên là "Kể Chuyện Tình Buồn" cho phù hợp với độc giả của thế kỷ 21. Bản in lần thứ nhì là năm 2022 dày 208 trang, cùng với ba bài nhận định của ba nhà văn Ngự Thuyết, Nguyễn Văn Trang, Phan Tấn Hải. Sách  ấn hành với sự bảo trợ của Viện Việt Học (http://www.viethoc.com/  -- phone: (714) 775-2050). Tác phẩm "Kể Chuyện Tình Buồn" của cụ Hồ Biểu Chánh hay "U Tình Lục" của Hồ Văn Trung (1913) do GS Nguyễn Văn Sâm giới thiệu và chú giải là một viên ngọc quý trong kho tàng văn học Việt Nam. Bài viết của Phan Tấn Hải trong ấn bản 2022 được in nơi các trang 39-51, sẽ đăng nơi đây hy vọng giúp độc giả nhìn thấy nỗ lực văn học của cụ Hồ Biểu Chánh --- một nhà nho, một nhà văn sinh vào cuối thế kỷ 19 --- đã sáng tác bằng một văn phong rất Nam bộ, và phù hợp với tư tưởng mà bây giờ chúng ta gọi là "nữ quyền." Bài viết, được hiệu đính năm 2022, như sau. 

Sách "U Tình Lục'
 
Tác phẩm “Kể Chuyện Tình Buồn” của cụ Hồ Biểu Chánh (HBC), bản do Giáo sư Nguyễn Văn Sâm giới thiệu và chú giải vừa hoàn tất cuối năm 2013. Và bây giờ tái bản năm 2022. Tên cũ của sách này có tên là “U Tình Lục,” nghĩa là chuyện tình buồn.
ch U TìNhư thế là tròn 100 năm, tính từ năm “U Tình Lục” (UTL) xuất bản là 1913, lúc đó cụ Hồ Biểu Chánh in với tên thật là Hồ Văn Trung. Trong thời gian một thế kỷ đó, rất nhiều ý tưởng nhà văn Hồ Biểu Chánh nêu lên trong UTL bây giờ vẫn còn là cấp tiến, vượt qua vòng rào dư luận xã hội Việt Nam.
nh L 
cCâu hỏi đầu tiên nên là, tại sao tập truyện thơ lục bát hay tuyệt vời như UTL lại ít được công chúng biết tới như thế? Có thể thấy tức khắc rằng, cuốn UTL đã đụng vào một số cấm kỵ thời đầu thế kỷ 20. Thời xưa, ông bà mình ưa nói câu:
Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều...
Trong khi đó, UTL có vẻ như đã đụng tới nhiều cấm kỵ xã hội hơn cả Phan Trần, hơn cả Truyện Kiều. Hay là, có chăng một ông phú hộ đạo đức ở Nam Kỳ đã tung tiền ra mua hết các sách UTL ngoàì tiệm về và lặng lẽ đốt? Tại sao, thơ Lục Vân Tiên không văn chương bằng UTL, lại được phổ biến hơn?
Nên nhớ rằng, chỉ mới vài thập niên trước cuốn UTL, cụ Nguyễn Đình Chiểu kể chuyện Lục Vân Tiên giữa đường, đánh tan băng hung đồ để cứu cô Nguyệt Nga, nhưng khi cô Nga tính bước ra xe cảm ơn thì chàng họ Lục cản lại:
Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái, ta là phận trai.
 
Nghĩa là, bước ra xe để ngó mặt cũng không được. Trong khi đó, UTL đã rất mực lãng mạn, vượt qua vòng lễ giáo.
Với vị trí xã hội của cụ HBC, những gì cụ viết lẽ ra đã được đón nhận rộng rãi hơn. Nhưng có lẽ, trừ cuốn UTL. Theo Tự Điển Bách Khoa Mở Wikipedia, cụ HBC xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ Nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn, rồi làm các chức vụ thông ngôn, làm ký lục, thông ngôn, thăng dần đến đốc phủ sứ, từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi. Ông vốn có tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ... Khi về hưu vẫn được mời làm nhiều chức vụ cao cấp khác. Cụ từng được Pháp mời làm cố vấn với danh hiệu Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương và Phó Đốc lý thành phố Sài Gòn, đồng thời làm giám đốc những tờ báo tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp-Việt. Nhưng UTL là khác, là văn chương tuyệt vời về chuyện giường chiếu một đêm, thế là bị kỳ thị...
 
Hai nhân vật chính, nữ là cô Lâm Cúc Hương, và nam là chàng Lê Tấn Nhơn đều có học vấn, đều con nhà gia giáo, đều là người tốt. Thế nhưng, chính cô đã tỏ tình trước. Tại sao, cụ HBC lại cho cô Hương tỏ tình trước, mà không phải chàng Nhơn? Thế rồi, khi chàng nhớ quá, nửa đêm leo tường vào, chính cô lại mở cửa đón chàng vào. Trong khi chàng và nàng đang nói chuyện nửa khuya, đột ngột cô Hương ôm chàng Nhơn, thế là họ sa ngã... Tại sao cô xông tới ôm trước, mà không phải là chàng ôm trước?
Rồi sau đó, khi bị ly gián, chàng ngộ nhận, tưởng cô không chung thủy, mới ra Bắc theo đường quan chức. Chỉ có một đêm giường chiếu, nhưng cô đã có bầu, và bị cha đánh đuổi đi... Câu chuyện có đầy đủ những tình tiết lãng mạn để làm các bậc phụ huynh lo sợ.
Phải chăng, cụ HBC là người đầu tiên nêu tư tưởng nữ quyền tại Việt Nam, đòi các quyền xã hội bình đẳng cho phụ nữ, và do vậy tập truyện thơ hay tuyệt vời này đã bị xã hội bỏ lơ trong khi tập trung đề cao truyện Lục Vân Tiên?
Cuốn UTL không chỉ mang đặc điểm văn chương Nam Bộ với những chữ đặc chất của vùng lục tỉnh, mà còn là một mô tả về hoàn cảnh xã hội dưới thời Pháp thuộc và cách ứng xử của người thời cuối thế kỷ 19 và đầu 20. Thí dụ, học trò học ở huyện xong, muốn học cao hơn, là phải lên Mỹ Tho học. Hay khi con gái không chồng mà có bầu, là bị cha đánh roi tới bật máu, và mẹ cho tiền khuyên tìm nơi ẩn náu để sinh nở. Cô Cúc Hương ôm bụng bầu từ quê lên Mỹ Tho, rồi cô lên Sài Gòn nghĩ là có thể kiếm việc thợ may nuôi con. Nghe không khác gì thời nay.
Nhân vật chính trong UTL là cậu Lê Tấn Nhơn, có chị tên là Hạnh Nương. Cậu Nhơn lúc nhỏ học chữ Nho rồi sau học tiếng Pháp, đều giỏi. Gần nhà họ Lê ở Huyện Tân Hòa, có gia đình phú hộ họ Lâm, chỉ có duy một cô con gái tên là Cúc Hương. Cậu Nhơn thường xuyên tới thăm Cúc Hương, cả hai đôi trẻ học lực ngang nhau, tâm đầu ý hiệp. Ông bà họ Lâm quan sát kỹ, thấy cả cậu Nhơn và cô Hương giữ gìn lễ giaó, nên rất hài lòng.
Cô Cúc Hương có cô chị bạn dì là Xuân Lan, tuy kém đức và tài nhưng nhan sắc cũng đẹp như cô Hương. Cả cô Hương và cô Lan đều thầm yêu thương cậu Nhơn.
Cả mấy lần, cô Hương đều thăm dò tình cảm trước. Lần đầu là một buổi, cậu Nhơn tới thăm, gặp cả cô Hương và Lan. Chàng Nhơn đáp, như từ chối tình cảm:
Người tin ta, ta giữ gìn
Ai đi lấy nghĩa làm tình cho đang... (UTL, các câu 229-230)
 
Thế là:
Hương nghe ủ mặt châu mày
Biển sầu càng khắc càng đầy càng sâu (câu 234-235)
 
Nghĩa là, cô Hương thất tình rồi.
Thế rồi, có chàng tên Triệu Luân tới cầu hôn với cô Hạnh Nương. Trong tiệc cưới ở nhà họ Lê, cô Lâm Cúc Hương sang giúp cỗ bàn, khi bước ra vườn gặp chàng Lê Tấn Nhơn, hai người mới bộc lộ tình cảm và thề nguyền với nhau. Chàng Nhơn nói:
Mấy lời xin nhớ mấy lời,
Ví dầu vật đổi sao dời chớ quên.
Vái cùng vai vác hai bên,
Ai mà đen bạc xin biên chép vào. (câu 351-354)
 
Rồi chàng Nhơn lên Mỹ Tho học. Giáo sư Nguyên Văn Sâm trong chú giải, ghi rằng: “Nhập tràng Mỹ Tho: Vào học thi tại trường Mỹ Tho. Nghĩ là trường Nguyễn Đình Chiểu ngày nay. Hân hạnh cho ngôi trường, đi vào văn học rất là sớm...” (UTL, trang 33)
Trong khi chàng Nhơn lên Mỹ Tho du học, con trai của ông quan Huyện Tân Hòa là cậu Tạ Văn Thiên, vốn người tính ngang, ưa cờ bạc rượu trà, đã nhờ người tới làm mai với gia đình họ Lâm. Lâm ông có ý muốn con gái mình chờ cậu Lê Tấn Nhơn học xong rồi về để gả con, nhưng Lâm bà muốn gả cô Hương cho con quan Huyện, vì sẽ ấm thân nơi nhiều thế lực và tiền bạc.
Cô Hương nghe ba mẹ nói chuyện lại, mới phản đối:
Sá chi lên võng xuống dù
Rạng ngời ư ngoại, tối hù ư trung
Sá chi con giống cháu dòng,
Tham quan ô lại, giống dòng mà chi? (câu 513-516)
 
Thế là Lâm bà mắng con là “phường gái lanh,” trong khi Lâm ông nói là con hãy suy nghĩ cho sâu trong nửa tháng rồi tính. Lúc đó, chàng Lê Tấn Nhơn sau khi học xong, đang về thăm nhà để sẽ còn đi làm xa:
Nghĩ nay công toại danh thiềng,
Thang mây nhẹ bước, rước tiêng khó gì... (câu 565-566)
Cậu Nhơn sang thăm gia đình họ Lâm, được cô Cúc Hương kể hết sự tình bị ép duyên, mới:
Đau lòng lỡ khóc lỡ cười,
Giã ông chàng mới về nơi thảo đường. (câu 593-594)
Đêm hôm đó, chàng Nhơn không ngủ được, mới tới nhà cô Hương, thấy tường cao cửa đóng, liền nhảy tường vào sân, rồi bẻ cây tre chốt cửa vào phòng. Nhảy tường? Chỗ này y hệt chuyện tình Romeo và Juliet.
 
Tuyệt vời là cô Hương vừa nghe động, đã biết ngay chàng Nhơn sẽ nhảy rào nên mở “thừa cơ mở nẻo Thiên Thai cho chàng” (câu 644):
Ngoàì song sanh mới dỉ hơi,
Phòng trong nàng đã biết rồi là ai. (câu 641-642)
Thế rồi, trong khi nói chuyện, nước mắt hai người đầm đìa, cô Hương đột ngột ôm cậu Nhơn:
Dứt lời giọt lụy chứa chan
Xót đau đòi đoạn thở than đòi hồi.
Ôm chàng nói chẳng ra lời,
Nhìn rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại mê. (câu 671-674)
Thế thì liều quá, con gáí lại nhào vào ôm con trai trước. Các cụ xưa đâu có chịu. Như thế cũng là cách mạng quá, và cái ôm của cô Hương có thể hiểu là một tuyên ngôn đòi nữ quyền vào lúc đó.
 
Trong khi cô Hương kể rằng bị mẹ cương quyết ép duyên, thì chàng Nhơn khóc thảm thiết:
Nhơn nghe rõ hết mọi bề,
Dật dờ hồn quế, dầm dề giọt châu.
Vật mình ngã xuống giây lâu,
Hết mê rồi tỉnh, hết sầu rồi than. (câu 689-692)
Con trai mà khóc tới té xỉu, hết mê rồi tỉnh, rồi than... thì yếu quá. Các cụ xưa đâu có chịu.
 
Thế rồi cô Hương nói với chàng Nhơn rằng, thôi thì hai đứa trốn nhà đi, rồi lâu về sau sẽ về thú tội với mẹ cha khi các cụ nguôi giận. Đây cũng là hình ảnh rất là nữ quyền: vì trong khi chàng còn đang khóc sướt mướt, cô đã rủ chàng trốn nhà đi xa. Cô nói:
Như mà tận kế vô phang,
Đem nhau vạch nẻo tìm đàng mai danh.
Nổi trôi góc bể đầu gành,
Trời cao đất rộng tung hoành mặc ta.
Chờ khi gió thuận mưa hòa,
Bây chừ ta sẽ về mà thú ngay. (câu 709-714)
 
Trong khi cô Hương liều như thế, chàng Nhơn lạnh cẳng. Thương là một chuyện, nhưng rủ nhau trốn lại là chuyện khác. Chàng nói:
Làm điều nhục nhã tổ tông,
Người mà tri lễ đành lòng hay sao? (câu 721-722)
Dù vậy, khi chàng Nhơn cứ mãi nhắc nhở “tri lễ” như thế, thân xác có tiếng nói riêng của nó. Thế là, chuyện đi tới chỗ không có bậc ba mẹ nào hài lòng cả, dù thời đó hay thời này. Cụ HBC kể giây phút cậu Nhơn và cô Hương sa ngã bằng ngôn ngữ thơ mộng:
Mấy thu nhạn núi cá gành,
Đêm thanh gần gũi giữ gìn sao đang.
Tiệc xuân một giấc mơ màng,
Vườn xuân ong đã mở đàng vào ra. (câu 727-730)
 
Tới sáng, khi tiếng gà kêu, chàng mới leo tường về. Sau đó, cô kể thật hết với ba mẹ. Lâm bà nghe, nổi giận ầm ầm, la mắng. Cô mới tính kế viết thư cho cậu họ Tạ, để xin cậu này nên tìm chỗ khác kết hôn, và xin đừng đòi cưới cô vì, theo cô:
Lại là người đứng nam nhi,
Mai tàn cúc rụng lẽ đi lượm về.
Hoa tiên một bức tay đề,
Đành rành tâm sự, mọi bề thảo ra. (câu 765-768)
Cô bỏ vào bao thư, nhờ cô chị bạn dì là Xuân Lan trao giùm thư cho cậu họ Tạ để xin đừng cưới. Cô Lan vốn đã say mê cậu Nhơn từ lâu, nên nghĩ ra gian kế. Cô Lan giả nét chữ cô Hương, viết một thư tình đắm đuối cho cậu họ Tạ, để vào bao thư. Cô Lan tới tìm cậu Nhơn, và trách cậu Nhơn rằng sao lại tin cô Hương:
Chơi hoa trách chẳng chọn hoa,
Ngỡ là bạch cúc, ngỡ là huỳnh mai.
Té ra nhằm giống hoa lài,
Dẫu quăng thì cũng lỡ tay đã rồi. (câu 827-830)
 
Cô Lan đưa bức thư giả cho cậu Nhơn xem, phong bì đúng là của cô Hương; thế là cậu Nhơn phừng phừng nổi giận, vò xé lá thư mà cậu tưởng là thư tình gửi chàng ho Tạ.
Thế là, cậu Nhơn bỏ ra xứ Bắc để theo ông chú để lập công danh. Cô Hương nghe tin cậu Nhơn bỏ ra xứ Bắc, mới té xỉu, rồi khóc thảm thiết:
Ngã lăn xuống đất kinh hoàng,
Hồn lìa vóc ngọc, lụy tràn thâm bâu. (câu 293-294)
 
Cô nghĩ là chàng dứt tình:
Như mà xa chạy cao bay,
Sao không trước liệu cho đây hay cùng. (câu 597-598)
 
Vì áp lực của nhà quan, ông bà họ Lâm chuẩn bị gả cô Hương cho cậu họ Tạ. Thế nhưng, cô có bầu rồi. Ai nhìn cũng biết, tin này tới tai quan Huyện. Quan Huyện triệu Lâm ông lên tra vấn, hăm dọa:
Chưa chồng thai nghén bởi đâu,
Con hư sao lãnh trầu cau lễ người.
Chuyện này chẳng phải là chơi,
Chiếu theo luật cũ họa rơi tới già. (câu 945-948)
 
Thế là phạt một ngàn quan tiền. Lâm ông về bán đủ thứ để nộp phạt. Gọi cô Hương ra sân, lấy gậy đánh con tới bật máu mới ngưng tay gậy, rồi đuổi con đi. Lâm bà mới cho một nữ tỳ đi theo con gái, cho cô Hương hai trăm bạc, bảo kiếm nơi góc núi ẩn thân, sinh nở rồi sau sẽ liệu.
 
Cô Hương và nữ tỳ hướng về miền Ngưu Giang, tức là Bến Nghé, còn gọi là Sài Gòn. Chuyện xưa mà cũng nghe như không xưa, vì bây giờ cũng thế, hễ gái lục tỉnh bị mang tiếng là cứ lên Sài Gòn ẩn thân.
Thế rồi cô Hương buồn quá, trong khi đi ghe, cô nhảy sông tự tử. Người chèo ghe thấy nhưng không kịp cứu lên. Cô nữ tỳ khóc than, trở về báo tin cho ông bà họ Lâm. Linh vị cô để ở bàn thờ, ngày đêm được ông bà khói hương để cho con sớm siêu thoát.
Cô Hương may mắn được một lão ngư ông cứu lên, mới đem về nhà nuôi, khuyên giải. Cô Hương sinh một bé trai, đặt tên là Tuấn Anh. Mỗi lần nhìn con, cô lại nhớ tới chàng và trách cứ chàng; rồi cô lại thương ba mẹ ở quê. Thơ tả những cảm xúc này của cô tuyệt vời. Thơ lục bát của cụ HBC chỗ này không thua gì Nguyễn Du.
 
Khi lão ngư ông bệnh chết, cô Hương xây mồ cho cụ ngư ông xong, rồi dắt con đi từ Mỹ Tho lên Sài Gòn, đường xa ba ngày, tính làm thợ may nuôi con. Những bất trắc nơi đất Sài Gòn có quá nhiều, nhất là với một phụ nữ nhan sắc như cô. Những gian nan này, nơi đây chúng ta không cần kể ra, để độc giả đọc từng dòng để tự thấy lại hoàn cảnh xã hội Sài Gòn lúc đó.
Trong khi đó, chàng Nhơn đã làm tới chức quan Huyện ở xứ Bắc. Được nhiều người mai mối, nhưng lòng chàng đã lạnh như băng. Một hôm chàng ra chơi ở Tây kiều. Nhà văn HBC không nói rõ xứ Bắc là tỉnh nào, nhưng nói Tây kiều, tức cây cầu ở hướng Tây, hay chúng ta có thể nghi là chiếc cầu ở Hồ Tây hay không? Đột nhiên, chàng Nhơn gặp Triệu Luân, tức là ông chồng của bà chị. Nhơn mời về Huyện đường hàn huyện, và Triệu Luân khuyên Nhơ nên về quê cho tròn đaọ hiếu với ba mẹ.
Khi về quê, chàng Nhơn mới biết rằng cô Hương buồn chuyện mang bầu, đã nhảy sông hủy mình, và hai ông bà họ Lâm đã vào chùa đi tu.
 
Chàng Nhơn gặp lại cô Lan. Cô Lan cho biết đã kết hôn với con trai quan Huyện và mẹ chồng hung dữ quá. Cô Lan mới tỏ tình với chàng Nhơn, xin bao dung:
Đôi ta nghĩ cũng là duyên,
Tình xưa nghĩa cũ ước nguyền nên chăng? (câu 1645-1646)
Chàng Nhơn bực dọc từ chối. Cô Loan về suy nghĩ, tự thấy ân hận, nên viết thư gửi chàng Nhơn, kể chuyện năm xưa làm trò ly gián để hại cơ Hương. Rồi cô Lan cầm dao, tự sát. Chàng Nhơn đọc thơ mới ân hận, năm xưa sao mắc lừa dễ quá.
Lúc đó, cô Hương dẫn con về thăm quê, tới gặp ngay quan Huyện xứ Bắc mới về quê Nam. Chàng Nhơn nhìn thấy kinh hoàng, vì không nghĩ nàng còn sống. Cô Hương mới bật khóc, trách chàng bạc tình. Chàng mới nói, bây giờ nên kết hiệp lại. Cô Hương nói, thôi để chàng nuôi con, còn cô sẽ vào chùa tu. Bất ngờ, lúc đó có tin ông bà họ Lâm về thăm. Nghe chàng khuyên nhủ, cô Hương đồng ý làm đám cưới với chàng Nhơn... Câu chuyện tới đây là hết.
 
Tác giả HBC kết thúc bằng đoạn kết rất có hậu. Chú ý, hai dòng đầu truyện, HBC đã nêu thuyết tiền định:
Xưa nay muôn việc ở đời,
Nên hư cũng bởi ý trời định phân. (câu 1-2)
 
Và hai câu kết là bày tỏ rằng chuyện này để đọc chơi thôi, đừng bắt chước:
Quê mùa lượm lặt ít lời,
Canh khuya giải muộn giúp người đồng văn. (câu 1787-1788)
Trong khi khởi đầu, cụ HBC nói triết lý, rằng ý trời thế này, thế kia... nhưng tới cuối truyện, cụ ngừa trước sự phê bình bằng cách nói rằng sách này chỉ để đọc cho vui, không phải giảng đạo lý gì, cũng không khuyến khích các cô, các cậu chuyện gì. Phải chăng, cụ HBC đoán là sách này sẽ bị búa rìu?
 
Về văn chương, cụ HBC không chỉ xuất sắc khi mô tả các nhân vật chính diện, cụ cũng nói rất tinh vi khi kể về nhân vật phản diện. Thí dụ, về cậu con quan Huyện Tân Hòa:
Tên chàng là Tạ Văn Thiên,
Dọc ngang cậy thế, mượn quyền mẹ cha.
Ngày cờ bạc, tối rượu trà,
Nét ngang chưa biết chữ a chưa từng. (câu 435-438)
 
Ngày đêm hư hỏng như thế, tất nhiên cậu Thiên không học gì được, không học tới nét ngang là chữ nhất trong chữ Nho, không học tới chữ a trong vần abc. Thơ lục bát như thế, thật tuyệt vời.
Hay là khi Lâm bà, xiêu lòng, muốn gả con gái cho nhà quan, mới cãi Lâm ông, nên không muốn để con mình chờ cậu học trò:
Tin quân hay chữ mà nhờ,
Ở không, nói phách, ngâm thơ, phá tiền. (câu 461-462)
Dùng thơ lục bát chê các chàng thư sinh như thế là cực kỳ xuất sắc. Đúng giọng các bà già Nam Bộ. Không biết chỗ này, cụ HBC có ám chỉ gì tới cụ Tú Xương hay không?
   Nói tóm lại, UTL là một truyện thơ xuất sắc, cốt truyện ly kỳ gay cấn, ngôn ngữ điển hình Nam Bộ, và đã mang nhiều tư tưởng cấp tiến, đặc biệt là đã gỡ rào cho phụ nữ -- tới mức độ, ngay bây giờ, cũng sẽ có nhiều bậc ba mẹ không hài lòng.
   Không đọc cuốn này, là một thiếu sót lớn đối với những người nghiên cứu văn học VN nói chung, và văn học Nam Bộ nói riêng. Và riêng bản này, với giới thiệu và chú giải của Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, tất cả những chữ lạ của Miền Nam đều được giải thích tận tường, công phu.
   Và dòng cuối nơi đây, xin phép nói lên lời trân trọng cảm ơn về cơ duyên được đọc bản thảo này trước khi in, tới Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, một người thầy của người viết và là thầy của rất nhiều người muốn tìm hiểu về văn học Nam Bộ. Xin trân trọng cảm ơn Thầy Sâm.
PHAN TẤN HẢI
(Westminster, CA - 2013-2022)
 
GHI CHÚ:
Sơ lược tiểu sử Giáo sư Nguyễn Văn Sâm.
Sanh tại Sài gòn, 1940. Từng dạy ở trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, Pétrus Ký, Đại Học Văn Khoa (Sài gòn) và các trường Đại Học Vạn Hạnh, Cao Đài, Hoà Hảo, Cần Thơ. Sang Mỹ từ năm 1979, vẫn sống bằng nghề dạy học. Viết cho Văn, Văn Học và các tạp chí Việt ngữ của người Việt. Trước 1975 chuyên viết về biên khảo văn học. Qua Mỹ viết truyện ngắn vì những thôi thúc phải nói lên sự suy nghĩ của mình về quê hương và thân phận người Việt, ngay trên quê hương, hay lạc loài tha hương. Gần đây, trở về gia tài cổ của dân tộc bằng cách phiên âm các tuồng hát bội, truyện thơ viết bằng chữ Nôm chưa từng được phiên âm mà nguyên bản hiện còn đang nằm trong các thư viện lớn ở Âu Châu. Thành viên Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn. Trưởng ban Văn chương, Viện Việt-Học. Hiện cư ngụ tại California, Hoa Kỳ.

GS Nguyễn Văn Sâm và phu nhân, nhà văn Trần Ngọc Ánh,
hôm 29/5/2022 tại Little Saigon, Quận Cam, CA. 
 
BIÊN KHẢO:
1. Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam. Kỷ Nguyên, Sàigòn, 1969.
2. Văn Học Nam Hà. Lửa Thiêng, Sàigòn, 1971, 1973.
3. Văn Chương Nam Bộ và Cuộc Kháng Pháp. Lửa Thiêng, Sàigòn, 1972.
4. Trương Ngáo hay Người Đi Đòi Nợ Phật (Phiên âm và giới thiệu một tuồng hát bội Nôm xưa), Viện Việt Học, CA, 2008.
5. Tội Vợ Vợ Chịu (Phiên âm và giới thiệu một truyện thơ Nôm xưa), Viện Việt Học, CA, 2010 (GS Trần Ngọc Ninh viết tựa).
6. Người Hùng Bình Định Nổi Loạn Truông Mây (Phiên âm và giới thiệu thơ tuồng Chàng Lía), Viện Việt Học, CA, 2012.
7. Mà Lòng Tôi Thương (Phiên âm và giới thiệu thơ tuồng Nam Kinh Bắc Kinh), CA 2013.
8. Kể Chuyện Tình Buồn (U Tình Lục) của Hồ Biểu Chánh (Giới thiệu và nhận định), Viện Việt Học CA, 2014.
 
SÁNG TÁC, TẬP TRUYỆN:
1. Miền Thượng Uyển Xưa, Bách Việt, CA, 1981. (Chung với Đặng Phùng Quân)
2. Câu Hò Vân Tiên, Gió Việt, TX, 1984.
3. Ngày Tháng Bồng Bềnh, Gió Việt, TX, 1987.
4. Khói Sóng Trên Sông, Văn, CA, 2000.
5. Quê Hương Vụn Vỡ, Viện Việt Học, CA, 2012.
6. Giọt Nước Nghiêng Mình, tập truyện, Viện Việt Học, CA, 2021.
7. Ước Vọng Bay Tan, kịch thơ, Tiếng Quê Hương, Virginia, 2016.
 
BIÊN SOẠN:
Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn (Chung với một nhóm học giả), Viện Việt Học, CA, 2009.
(Những tác phẩm điện tử xin xem www.namkyluctinh.org )
 

No comments:

Post a Comment