Sunday, June 26, 2022

SỰ MẦU NHIỆM CỦA NGHỆ THUẬT

Trần Hoài Thư
 
Kodi Lee
1.
Lúc chưa có đại dịch ồ ạt tấn công quả đất, thế giới mạng xôn xao về chuyện một thí sinh của chương trình  “America’s Got Talent”  đã làm chấn động những người yêu nghệ thuật qua sự diễn xuất tuyệt vời có một không hai của chàng. Đó là Kodi Lee. 22 tuổi, mù và bị chứng tự kỷ (autism). Autism là căn bệnh về thần kinh não bộ, ảnh hưởng phần lớn ở tiếng nói (communication).
Thú thật tôi đã xem biết bao nhiêu lần về cái video này. Cứ mỗi lần xem là mỗi lần muốn rưng rưng!
Có phải đây là một ân sủng mà Thượng đế đã dành cho người bị mất mát quá nhiều chăng. Mù đã là một sự bất hạnh khủng khiếp rồi, huống hồ lại thêm chứng autism.
Và cái ân điển này chính là âm nhạc. Chính âm nhạc đã cứu Kodi Lee như lời của thân mẫu chàng nói trước ban giám khảo khi giới thiệu về con bà:
“Through music and performing he was able to withstand living in this world, When you’re autistic, it’s really hard to do what everybody else does. It actually has saved his life, playing music.”
Trên trang này có nhiều lần tôi đã nói lền niềm cảm tạ nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Nó đã giúp Y. giúp tôi. Cứ mỗi lần Y. lên cơn, là mỗi lần tôi mở youtube, cho Y. nghe bài Chùa Hương, Tóc Mây, hay những bài thơ của TTKH qua giọng ngâm của Hoàng Oanh. Không phải lần nào cũng có hiệu quả. Nhưng phần lớn chúng giúp cho Y. giảm cơn mê loạn, bão từ từ rời xa để trôi ra biển. Và Y. đắm chìm trong cõi âm nhạc. Y. nín thinh, Đôi mắt đăm đăm nhìn vào màn ảnh nhỏ.
Sau một hồi, là Y. lim dim mắt.
Dưới đây là một bài thơ và bài văn tôi làm  vào cuối năm 2018, để nóii lên sự mầu nhiệm của nghệ thuật:
 
NGỦ
Với em bây giờ một vạn lời kinh
Cũng không bằng ‘Hà Nội Ngày Tháng Cũ’
Một vạn lời cầu nguyện
Cũng không bằng một giấc ngủ
để em quên đi những khổ nạn cuộc đời
Em có hay là tôi cũng ngủ rồi
Nhưng cuối cùng cũng sẽ thức cùng nỗi buồn  khủng khiếp
 
2.
Ông bác sĩ chuyên khoa tâm lý hỏi Y.: Bà ăn được không. Bà ngủ được không. Bà có thấy ác mộng không. Chiến tranh VN có ảnh hưởng đến bà không… Tôi đứng bên, dịch những câu hỏi của ông ta. Nhưng Y. cứ nhìn chăm chăm vào ông, đôi mắt vô hồn. Tôi biết Y. đâu có bao giờ hiểu câu hỏi để mà trả lời. Y. đã mất cái ý  thức hay nhận thức. Bây giờ tôi đại diện Y. để trả lời ông. Ông lại hỏi tiếp: Thú vui của bà là gì. TV? Dọc sách ?
Trời ơi, ông làm như Y. là một người bình thường. Tôi lại trả lời: Nhà tôi rất thích âm nhạc, hội họa…  Cách đây một năm, nhà tôi lên cơn la gào, bảo bạn bè tôi đến nhà lấy hết những bức tranh của bả hết rồi. Tôi chỉ còn cách là chụp hình những bức tranh ấy để làm bằng cớ. Bà rất yêu tranh ảnh. Cũng như âm nhạc hay những folk song  Khi cho bả ăn xong là tôi mở tablet để bả nghe nhạc… Một đỗi bả ngủ. Ông bác sĩ  nghe xong liền rà iphone mở một bản nhạc Việt. Có lẽ ông search google “Vietnamese song”. Ông đưa iphone đến trước mặt Y. hỏi.  Bà thích không. Y.. nhìn chăm chăm chăm vào iphone, bỗng buột miệng. I like classic music. Danuble bleue… Tiếng Mỹ tiếng Pháp trộn chung. Ông bác sĩ ngẩn ngơ. Tôi lại thay mặt nói với ông về sở thích của Y cũng như về sự mầu nhiệm của nghệ thuật. Có lẽ tôi là sư phụ của ông. Bởi ông chỉ có bằng cấp. Và tôi thì có kinh nghiệm. Bởi cái bằng cấp này chẳng giúp gì một người bệnh như Y. Làm sao hiểu cái não bộ bị “damaged” nghĩ gì. Ông cũng đã từng nói job của ông là nói chứ không phải cho thuốc mà. (my job is talking not giving medecine)  Nhưng tôi không nói. Nói cũng vô ích. Tôi có thuốc. Làm sao ông biết có một phương thuốc mầu nhiệm là nghệ thuật mới có thể giúp bệnh nhân trong lúc này. Và làm sao giúp tôi còn đứng vũng đôi chân khi suốt ngày nước mắt thấm lạnh trước những cơn điên loạn tội tình của người bạn đời. Làm sao ông biết tôi lịm thiếp trươc một câu thơ hay ngây ngất trước mợt ý tưởng trong cuốn tiểu thuyết "L'homme qui voyagea seul" của CV Gheorghiu....
 
3.
Nghệ thuật không phải là món ăn ngon lạ hiếm. Nghệ thuật không phải là đi xem Chùa Hương, Vịnh Hạ Long, Vạn Lý Trường Thành...Chúng là hình ảnh. Chúng chẳng mang gì cảm xúc như khi ta đứng trên đỉnh đồi hỏa lực ở Tân Cảnh, mây làm oai đụng ta, nhưng rẽ làm dôi xuôi chiều tiếp tục tái giang hồ. Va sương thấm dày đầu tóc. Để một ngày sương núi áy biến thành cước trắng. Nhưng thứ đó thật bình thương nhưng thật vô cùng cảm động làm sao.
 
4.
Nghệ thuật. Hôm qua tôi post một bài tôi viết cách đây 18 năm về một buổi chiều  chủ nhật trong quán cà phê Mỹ, trong đó tôi có dề cập đến vai trò quan yếu trong đời sống tinh thần của con người:
Cám ơn nghệ thuật đã cho đời lên hương lên phấn. Cám ơn nỗi vui nỗi buồn nức nở rưng rưng đọng theo từng giọt nhỏ âm thanh quyện vào tim vào óc. Nghệ thuật. Phục vụ nhân sinh hay vị nhân sinh. Không cần thắc mắc. Không cần bận tâm. Chỉ biết ta đang ngây ngất. Chân ta đập theo. Tim ta cũng đập theo. Như theo một nhịp luân vũ. Mùa xuân.
Và bây giờ thêm một lần tôi cảm tạ nghệ thuật. Nó là tiếng ca của Út Trà Ôn qua Gánh Nước Đêm Trăng, Tình anh bán chiếu… Nó là Con đường Cái Quan hay trường ca Mẹ Việt Nam… Nó là những video về Mùa nước nổi, về sông nước quê nhà…. Khi cai tablet đặt trên bàn bệnh nhân, sau khi bát chén, dĩa muỗng thu dọn, và sau những cơn cuồng nộ như bão cấp 10, thì tiếng ca cất lên. Người bệnh tự nhiên yên lặng, mắt chăm chú nhìn vào màn ảnh nhỏ… Tôi thì ngồi cạnh, chờ hết bài để bắt qua một bản nhạc hay một chương trình khác vì tay Y. không thể một mình làm được. Những lúc như vậy, tôi cũng để hồn vào tiếng nhạc lời ca… Có khi tôi lim dim ngủ quên…
Tôi bỗng thương hại ông bác sĩ tâm lý khi mở Iphone chọn bài Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây. Bởi ông không hiểu nghệ thuật là gì...
THT
 

Friday, June 24, 2022

C Ử A M Ở

Hoàng Xuân Sơn
 
 Tranh Henri Matisse
 
                       [ mở cửa ra
                         và khép lại bằng mắt ]
 
Tôi sẽ không ra mở cửa
người cứ lẳng lặng đẩy vào
ở giữa hai đầu căng thẳng
tuồng như có tiếng lao xao
 
Tiếng của chiếc mầm mới mọc
tiếng của cành khô đoạn lìa
chiếc lá hiến thân đâu đó
mù mắt đốm sao rất khuya
 
Cứ vật vờ thân bóng chiếc
cứ gầy tre treo lên cao
thuyết âm mưu của hình tượng
mầu đính hôn khúc xé rào
 
Hãy dang xa và gần lại
hát nối điệp khúc tương phùng
và rồi bỏ đi lưng lửng
một phía gần một vai chung
 
Lần hồi quen nghe thương tật
những vết sẹo bắt đầu chai
khởi nguyên từ một vết xước
kéo mãi u mê chạy dài
 
Tôi sẽ không ra mở cửa
gió máy đã biết thông đồng
 
)( )(
 
H O À N G  X U Â N  S Ơ N
16.6.22
 

Thursday, June 23, 2022

TÌM HIỂU VĂN HỌC BELARUS: BỐN NHÀ THƠ

Phan Tấn Hải
 
 
Chúng ta đều biết rằng Belarus là một nhà nước toàn trị, tuy mức độ cai trị không khắc nghiệt như ở Nga nhưng vẫn là độc tài hơn hầu hết các nước ở Châu Âu. Tuy nhiên văn học Belarus lại là một lĩnh vực không liên hệ bao nhiêu tới những cam kết chính trị của nhà nước Belarus trong nỗ lực hỗ trợ cuộc chiến của Putin tại Ukraine. Những bài thơ được dịch từ tiếng Belarus sang tiếng Anh đang phổ biến trên nhiều mạng trong học giới Hoa Kỳ cho thấy một khuôn mặt văn học Belarus rất mực thơ mộng của một dân tộc đang tìm tới chân, thiện, mỹ.
Belarus có khoảng 9 triệu dân, thủ đô là Minsk, từng là một phần của Liên Xô cho tới năm 1991 tới tách ra, được cai trị bởi Tổng Thống Alexander Lukashenko từ năm 1994 (quá lâu, tới 28 năm nắm quyền tối cao). Biên giới Belarus vây quanh bởi Nga, Ukraine, Ba Lan, Lithuania và Latvia. Hơn 40% trong 207,600 cây số vuông (80,200 dặm vuông) là rừng. Belarus bị Thế Chiến 2 tàn phá, mất 1/3 dân số và hơn ½ tài nguyên kinh tế.
Hơn 70% trong dân số 9.49 triệu dân sống ở thành thị. Hơn 85% dân số là sắc tộc Belarusian, hầu hết còn lại là sắc tộc Nga, Ba Lan và Ukraine. Belarus có 2 ngôn ngữ chính thức: tiếng Belarus và tiếng Nga. Tôn giáo lớn nhất là Chính Thống Giáo Nga.
Văn học Belarus khởi nguồn từ kinh điển Thiên chúa giáo bằng văn tự Cyrillic vào Belarus từ thế kỷ 11 tới thế kỷ 13, được dịch ra tiếng Belarus từ thế kỷ 16. Trong thời kỳ bị Đức phát xít chiếm đóng, nhiều nhà văn, nhà thơ Belarus phải lưu vong; nhiều người trở về trong thập niên 1960s. Sau đây, chúng ta sẽ đọc thơ của bốn thi sĩ Belarus để nhìn thấy những góc trời độc đáo của từng người.
 
 
VOLHA HAPEYEVA
 
 
Volha Hapeyeva (sinh năm 1982 tại Minsk) là một nhà thơ, nhà văn, dịch giả, và nhà ngữ học. Bà có văn bằng Tiến sĩ về ngôn ngữ đối chiếu, đang dạy tại hai đại học ở Minsk và Vilnius (thủ đô của Lithuania). Bà đã xuất bàn nhiều tập thơ, tập truyện, và kịch kể từ 1999. Bà cũng dịch thơ và tiểu thuyết từ tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật.  Sáng tác của bà được dịch sang hơn một chục ngôn ngữ, trong đó có tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức. Bà được nhiều giải thưởng văn học. Sau đây là hai bài thơ, dịch từ một chuỗi bài không nhan đề của Volha Hapeyeva (tạm đặt tên theo số, để không lẫn vào nhau). Cả hai bài thơ đều liên hệ tới “chữ” (word) – một ảnh hưởng từ Kinh thánh Thiên chúa giáo: Khởi thủy là Ngôi Lời, và Lời ở cùng Thượng Đế (John 1:1 viết: In the beginning was the Word, and the Word was with God…). Nơi đây chúng ta dịch “word” là “chữ” để có nghĩa trực tiếp và gần với cuộc đời, vì “lời” có nghĩa trừu tượng hơn. Thơ của bà viết rất đơn giản, như mang hơi thở đạo vào đời.
 
BÀI I
 
và nàng đã mơ thấy chữ
và nàng đã tỉnh thức
và nàng không thể nhớ được
và chữ đó đơn giản và tự đủ nghĩa
làm cho thế giới này bật sáng và tịch lặng
như dường nếu bây giờ mọi thứ được biết
và mọi thứ đã trở thành rõ nghĩa
được giải thích và là chứng cớ
và nàng muốn nhớ chữ đó
và trong khi tìm kiếm, nàng đã học ngôn ngữ
lưỡi nàng chạm vào nướu
-- của chính nàng và của những người khác --
nàng lắng nghe chim và nghe tiếng cây
nàng lắng nghe tiếng thầm thì và nghe những con ong
nàng lắng nghe sự im vắng và nghe không một chữ
và nàng trở về các thành phố
và ngồi đó trong im lặng
như để không làm hoảng sợ chữ e lệ của nàng
và giữa đám đông nàng đã thấy những người khác
và đã gọi họ --- chữ, có phải người đó chăng?
và nhiều người trong đó đã trả lời nàng
và nàng tin nhiều người trong đó
bời vì nàng muốn tin, bởi vì nàng đã quá mệt mỏi
bởi vì nàng đã không ngủ quá lâu
và nàng bắt đầu ngờ vực có phải chữ của nàng đã từng hiện hữu
bất kể ai nàng đã hỏi, không ai từng nghe tới nó
chỉ một lần có ai đã nói
chữ này sẽ là chữ cuối cùng
và khi bạn nhớ nó, bạn sẽ quên tất cả các chữ khác
và sẽ tự thân bạn trở thành một chữ.
 
.
BÀI 2
 
có ai đang đốt những trang thơ
trong căn gác của vũ trụ
có lẽ như một dấu hiệu phản kháng
bởi vì những con chim cứ quên các dòng chữ trong những bài hát của chúng
bây giờ và rồi đưa vào [các ca khúc] tiếng run rẩy của các dây điện
hay bắt chước tiếng máy đều đặn của các toa xe lửa
hay có thể đây là cách nhanh nhất để im lặng tới được những người nghe
im lặng
trong đó ý nghĩa của tất cả các tự điển trên thế giới được giấu kín
và quá nhiều ý nghĩa khác
nhẹ nhàng như thế
ý nghĩa như thế
tuyết màu tro này
bên ngoài cửa sổ
chỉ cần chưa tới một phút
nhưng với tôi, nó sẽ là vô tận.
.
 
DMITRY STROTSEV
 

Dmitry Strotsev (sinh năm 1963) là một nhà thơ được nhiều giải thưởng, và là một nhà xuất bản. Ông là tác giả 17 tập thơ, và là người giữ gìn “trường phái thơ Minsk” một phong cách kết hợp các nhà thơ sáng tác bằng tiếng Nga tại Belarus. Strotsev tốt nghiệp ngành kiến trúc, cư ngụ ở Minsk, cũng nổi tiếng trong các bài tiểu luận về văn hóa. Hồi tháng 10/2020, ông bị bắt cóc trên đường phố trong khi đang đi bộ về nhà và rồi bị tống giam 13 ngày vì tham dự các cuộc biểu tình phản đối Tổng Thống Lukashenko không chịu xuống chức bất kể thua phiếu bầu cử. Ông được tổ chức Vaclav Havel Library Foundation trao giải thưởng “2021 Disturbing the Peace Award to a Courageous Writer at Risk” (Giải thưởng quấy rối hòa bình 2021 cho một Nhà văn Can đảm trong Nguy khốn). Ngày 10 tháng 3/2022, Strotsev đưa ra một tuyên ngôn phản đối Putin xâm lăng Ukraine. Dmitri Strotsev là tác giả 17 tập thơ. Bài thơ đầu tiên dưới đây nói về cái đói. Bài thơ thứ nhì dưới đây nói về những que diêm là ông làm khoảng một hay hai tuần sau khi được nhà nước Belarus thả ra khỏi tù.
 
TẶNG ALEXANDER SKIDAN
 
trong công viên mùa thu
những đôi mắt đói
thức ăn thừa
trên một tờ báo
giữa chúng ta
những con thú thở
gầm gừ trong một cái chuồng
tiếp tục lộ xương sườn
giống chó chăn cừu lang thang
giữa chúng ta
hãy nói lên, hãy nói lên
Tôi là
chung phận
với mi.
Ngày 14 tháng 9/2009.
 
.
NHỮNG QUE DIÊM
 
Bước ra ngoài
tìm những que diêm
.
rời nhà
vì bất kỳ nhu yếu phẩm nào
.
trang phục
cần trọng
.
gọn gàng như thể
bạn có thể biến mất trong mươi,
mười lăm ngày.
.
bạn không bao giờ biết
nơi đâu móng vuốt khủng bố
sẽ chụp lấy bạn.
.
cặp mắt dò xét liên tục
có thể thấy bạn
bất kỳ nơi đâu.
13.11.2020
.
HANNA KOMAR


Hanna Komar sinh năm 1989, là một nhà thơ, dịch giả và nhà hoạt động, đã ấn hành ba tuyển tập thơ, trong đó có một tuyển tập song ngữ nhan đề “Recycled” và một tuyển tập thơ-tài-liệu (docu-poetry). Bà tham dự nhiều cuộc biểu tình vì dân chủ năm 2020. Phần lớn, bà làm thơ trong tiếng Belarus, rồi dịch sang tiếng Anh. Bà từng bị bắt hồi tháng 8/2020 khi toàn quốc biểu tình, nhưng không bị giam lâu. Bà là Tổng Thư Ký PEN Belarus (Văn Bút Belarus) và trong tình trạng được PEN America mô tả là thường trực cơ nguy bị bắt. Thơ của bà phần lớn nói lên kinh nghiệm khi là một thiếu nữ, rồi một phụ nữ, trưởng thành trong một đất nước tộc trưởng phụ hệ. Sau đây là hai bài thơ nói lên những cảm xúc đó.
 
SAU ĐÓ
 
chim bay ra
chim non
từ trong tổ nhìn theo:
chim vỗ hai cánh
đuôi chim xoay,
quạt không khí
chân trời nghiêng đi
thế giới chung quanh
chật lại trong một quả trứng.
nếu chim không quay lại
vỏ trứng sẽ là nhà.
.
BỊ BUỘC LẠI
Bị buộc lại bởi sữa mẹ đóng cục,
bên viền váy của mẹ
bên chiếc tách rạn nứt
dọc theo đóa hồng,
bên cánh hoa
trao cho mẹ không từ người chồng,
bị buộc lại bởi người chồng của mẹ
trong khi ông bị buộc lại bởi ký ức
về cái đầu gà mà thân phụ ông
chặt đứt trước mắt ông, làm sao
bạn không thể bị buộc lại sau đó, mà
đột nhiên đó là bạn
hay đó là đầu của bạn
bị buộc lại bởi một cái trứng
bởi hàng rào chuồng
bởi một hạt ngũ cốc, bởi đỉnh cao
bởi tên của người cha
bởi sữa đóng cục từ ngực mẹ
biên giới
của váy mẹ…
Bây giờ bạn biết rồi
tôi là thứ quái vật nào.
hãy cho tôi tự do
hay là chạy.
.
 
VALZHYNA MORT
 
 

Valzhyna Mort sinh năm 1981 tại Minsk, thủ đô Belarus, hiện đang sống tại Hoa Kỳ. Mort học Đại học Ngữ học (State University of Linguistics) tại Minsk. Tốt nghiệp Thạc sĩ Sáng tác Văn học tại đại học American University. Mort nổi tiếng khắp Châu Âu về các buổi đọc thơ trực tiếp trước công chúng. Mort được nhiều giải thưởng về thơ. Tập thơ đầu tiên của bà là “I'm as Thin as Your Eyelashes” (Em gầy như lông mi của anh), ấn hành tại Belarus năm 2005. Nhưng trước đó, vào năm 2004, bà được giải thưởng Crystal Vilencia Award vì trình diễn thơ xuất sắc ở Slovenia. Bà cũng được nhiều giải thưởng thơ khác. Thơ và các bài tiểu luận của bà thường xuyên đăng trên các báo, như The Best American Poetry, The New Yorker, The New York Times, The Financial Times, Poetry, Poetry Review, Granta, The White Review, The Baffler và nhiều nữa. Mort dạy ở đại học Cornell University và viết trong 2 ngôn ngữ: Anh văn và Belarus. Thơ của bà được dịch ra hàng chục ngôn ngữ. Bài thơ sau đây của bà mang dấu ấn chiến tranh đè nặng lên dân tộc Belarus.
.
BELARUSIAN I
ngay cà các bà mẹ của chúng tôi cũng không biết cách nào chúng tôi ra đời
cách nào chúng tôi đã chui ra giữa hai chân mẹ và bò vào thế giới này
cách mà bạn bò ra khỏi đống đổ nát sau một trận bom
chúng tôi không thể nói được trong chúng tôi đứa nào là gái hay trai
chúng tôi ăn đất mà cứ ngỡ đó là bánh mì
và tương lai chúng tôi
một vận động viên thể dục dụng cụ trên một dây chỉ mỏng của chân trời
đang trình diễn nơi đó
ở âm vang cao nhất
đứa con gái tội nghiệp
.
chúng tôi lớn lên trong một đất nước nơi
trước tiên, cánh cửa nhà bạn bị một dấu phấn ghi dấu
rồi đêm về, một cỗ xe chạy tới
và không ai còn thấy bạn nữa
nhưng ngồi trên những cỗ xe đó không phải
là những người đàn ông vũ trang cũng không
phải là một kẻ lang thang tay cầm lưỡi hái
đó là cách những thân quyến tới thăm chúng tôi
và lôi chúng tôi đi trong khi che mặt
.
hoàn toàn tự do chỉ có trong nhà vệ sinh công cộng
nơi chỉ tốn chút tiền và không ai bận tâm chúng tôi làm gì
chúng tôi chống lại nắng mùa hè, tuyết mùa đông
khi chúng tôi khám phá ra chúng tôi chính là ngôn ngữ
và lưỡi chúng tôi đã bị cắt đi, chúng tôi bắt đầu nói chuyện bằng mắt
khi đôi mắt chúng tôi bị chọc thủng, chúng tôi đã nói bằng hai bàn tay
khi tay chúng tôi bị chặt đứt, chúng tôi nói bằng các ngón chân
khi chúng tôi bị bắn vào chân, chúng tôi gật đầu để nói là vâng
và lắc đầu để nói là đừng, và khi họ ăn sống đầu chúng tôi
chúng tôi bò ngược trở lại bụng của các bà mẹ đang ngủ của chúng tôi
như dường chui vào hầm tránh bom
để được sinh ra lần nữa.
.
và nơi đó, trên chân trời, người vận động viên thể dục dụng cụ của tương lai chúng tôi
đang phóng người xuyên qua cái vòng lửa cháy
của mặt trời.
 
PTH
.
 
 
 

TRANH HẢI PHƯƠNG

 

Núi nằm như tượng chiêm bao
Tranh sơn dầu


Monday, June 20, 2022

RỪNG KINH DƯƠNG VƯƠNG. QUA TRANH VÀ VĂN.

nguyễnxuânthiệp
 

Rừng và tranh
 
Một tài năng nữa vừa ra đi. Tin từ họa sĩ Nguyễn Đình Thuần cho biết Rừng đã từ trần. Họa sĩ Rừng (1941-2022) -- khi viết truyện ký bút hiệu là Kinh Dương Vương, khi làm thơ ký bút hiệu Dung Nham.  đã bị đột quỵ vào tháng 1/2022 và ra đi ngày 8 tháng 6 tại Los Angeles, California.
Vậy là hỡi ơi Rừng tức Kinh Dương Vương đã ra đi.
 
 Nguyễn không nhớ mình quen biết Rừng Kinh Dương Vương từ bao giờ trong dịp nào. Chắc là qua Đinh Cường thôi. Và lần gặp đầu tiên đâu ở Sài Gòn hay Đà Lạt. Nhưng con người của bạn thì không thể nào quên được. Rừng Kinh Dương Vương lúc nào cũng tươi cười với bạn bè. Đúng như Nguyễn Mộng Giác ghi nhận: Rừng “hiền như ma xơ", hồn nhiên như đứa trẻ, vội vàng tin ngay những điều người ta nói mà không hề nghi ngờ những khuất lấp ẩn giấu bên trong. Bản tính anh như thế, cho dù chính anh sống qua biết bao nhiêu thăng trầm lừa đảo, biết bao nhiêu thất vọng ê chề. Anh viết văn, làm thơ, vẽ tranh theo ý anh thích, bất chấp thiên hạ quanh anh có thích hay không thích những điều anh viết anh vẽ.
 
 Nhà nghiên cứu Huỳnh Hữu Ủy từng nói: "Với họa sĩ Rừng, một thời kỳ dài trước năm 1975, luôn luôn đập vào mắt người xem những hình ảnh dữ dội, đẩy ta trở lại đối mặt với những gốc rễ nền tảng nguyên thủy. Những gốc rễ ăn sâu vào trái đất của nhục dục mà đâm chồi, nẩy nụ những cành lá xanh tươi siêu hình. Rừng thích Salvador Dalí và Marc Chagall; nghệ thuật của anh có nhiều tính cách thơ mộng và quái dị mà anh đã nghiệm ra từ hai bậc thầy này, dĩ nhiên đã tinh lọc hoàn toàn qua cách nhìn của một nghệ sĩ Việt Nam" (trong chuyên luận Hai mươi năm hội họa miền Nam (1954 - 1975)).
 
  Đinh Cường ghi lại trong đặc san Quán Văn năm 2013 của Nguyên Minh tình bạn qua tranh và văn của Rừng Kinh Dương Vương
                   
                    … Khanh với tôi là bạn mày tao
như Mai Thảo và Ngọc Dũng là bạn mày tao
 
nhớ lại thời ở Huế những năm đầu sáu mươi
hay lang thang cùng nhau vào cà phê Dung
thời Ngô Kha làm tập thơ Hoa Cô Độc
Rừng vẽ bìa, một tập thơ lạ, cái bìa cũng lạ thời đó
 
dưới những bức tranh ký tên Rừng rất ngộ
có hoa xương rồng có chim phượng hoàng
autoportrait Rừng ngậm ống vố xem cũng đã
như sau này đọc truyện Kinh Dương Vương
 
tôi nhớ hoài lời văn khô khốc dồn nén trong Bí Đái
hay Những Chiếc Mặt Nạ Cười đăng trên Bách Khoa,
trên Văn, sau này Đường Kiến có người bạn trẻ
ở Hà Nội làm thành phim rất giống mà Rừng thây kệ
 
  Nguyễn tôi cũng theo bạn bè xin ghi ra đây mấy dòng gởi về Rừng Kinh Dương Vương bên kia cõi gió.
 
Rừng ơi
bạn đã ra đi
chiều nay
tôi nói những lời mộng mị
của chim
và cánh bướm. trong tranh và văn bạn
nhớ năm 1974 lần tôi cùng kim tuấn. trần trọng thuyên. hồ sum
đi ghi hình eo gió. trở về đọc thơ nhà bạn ở kontum. có chị vân ngồi nghe
rồi chia tay nhau
xa thẳm
vàng lá trên cây
ngóng đợi
ngày tôi bỏ nước ra đi
nguyễn phan thịnh tặng tôi. bức tranh chim và người. của bạn
để nhớ những đêm ngồi uống bia với nhau. ở câu lạc bộ trường
nguyễn thị minh khai. với ánh ngọc
rồi chia tay
để gặp nhau năm 1998
ở nhà nguyễn mộng giác
cùng rất đông bạn bè
với tôi cùng gió mùa*
tôi tặng bạn. và bạn mang cho tôi
những chiếc mặt nạ cười**
mà như khóc. lệ đá
rơi trong hồn. qua chiến tranh
lần cuối. gặp nhau
nhà thu thuyền
rừng cùng các con
lái một chiếc xe
mang theo gạo. mắm muối. cá khô
soong nồi
za zu qua nước mỹ
để lại nhà thu thuyền một bức chân dung thiếu nữ
rồi biền biệt
nhưng tôi vẫn gặp bạn. trong tranh
và văn
mãi mãi
cho tới ngày
rừng ơi…
 
Tháng 6. 2022
NXT
 
*Tập thơ NXT
**Tập truyện ngắn Kinh Dương Vương
 

Sunday, June 19, 2022

TỪ CÁI GIÁ ĐÈN

Trần Hoài Thư
 


Khung cửa sổ nhìn trời &
Trần Hoài Thư ngồi khâu sách sau tai biến vừa qua

1.
Bài TRÍCH sau đây của Tuệ Sỹ, đăng trên tạp chí Vấn Đề số 49 năm 1971: "”cái giá đèn – Con chuột đói và hai đầu gối":
"Chỉ như cái ngày lạnh cuối năm của đất này lại càng khủng khiếp, nếu tình cờ có khách quen từ phương Nam mang đến một chút hơi ấm ; hơi ấm của tình người và của tấm lòng trời đất. Nó khủng khiếp như người đứng trên chóp núi chênh vênh. Không phải sự khủng khiếp của cơn lạnh, mà chính là sự khủng khiếp của một năm sắp đi qua và một ngày cuối năm sắp tắt, giữa cái lặng lẽ không cả đến nắng chiều. Ban đêm, ông ngồi khơi đống tro lạnh, nghe từng tiếng mưa rơi ; đưa tay che mắt để bớt cải sáng chói của ngọn đèn, một người bạn của tình già ; che mắt trong dáng đọc văn thơ, nhưng văn thơ chẳng còn đọc được nữa. Ông làm thơ:
Nam lai bất giác tuế tranh vanh
Dạ bát hàn hôi thính vũ thanh
Già nhãn văn thơ nguyên bất độc
Bạn nhân đăng hỏa diệc đa tình.
Một ông già, một đống tro, một ngọn đèn, một trời mưa xứ lạnh: chừng ấy đã đủ hay còn thiếu, nếu muốn dành cho một
khoảng trống giữa lòng người ? Nơi đây vẫn còn có một điệu cười. Nguyên lai, trong cái tuổi học trò, giá chân đèn ấy đã từng là người bạn giao đầu đọc sách. Rồi từ cửa son cửa đỏ, nay cũng y nhiên như tuổi học trò. Ông già lại làm tiếp bốn câu thơ, ý nói : Than ôi ! Ta lận đận thế này chẳng trông thấy ngày về, để cho cháu – khách – cũng dây dưa hơn nửa đời người. Ngài Hàn Dũ khỏi phải lên giọng cảm thản chuyện đời. Này nhé : đây bạc đầu vẫn còn ngồi nhìn cái giá đèn ngắn từ thuở nào :
Ta dư lạo đảo vô qui nhật
Linh nhũ ta đã đề bản sanh
Miễn sử Hàn Công bi thế sự
Bạch đầu hoàn đối đoản đăng thanh.
(trích hết)
(Tuệ Sỹ “”cái giá đèn – Con chuột đói và hai đầu gối” – tạp chí Vấn Đề số 49 năm 1971)
 
2.
Người xưa một mình nơi đất trích, tự hỏi còn thiếu gì cho khoảng trống của lòng ông, để lấp đầy ? Với một ngọnđèn. Một đống tro tàn  và sự " khủng khiếp của một năm sắp đi qua và một ngày cuối năm sắp tắt, giữa cái lặng lẽ không cả đến nắng chiều"
Tuổi già buồn như thế đó.
Nhưng vẫn có một thứ giúp ông già lấp khoàng trổng khủng khiếp âý:
Cái giá đèn.
" Nơi đây vẫn còn có một điệu cười. Nguyên lai, trong cái tuổi học trò, giá chân đèn ấy đã từng là người bạn giao đầu đọc sách. Rồi từ cửa son cửa đỏ, nay cũng y nhiên như tuổi học trò."
"Này nhé : đây bạc đầu vẫn còn ngồi nhìn cái giá đèn ngắn từ thuở nào "
 
3.
Còn ta ?.. Không có đất trích, không có đống tro tàn, không có chân đèn, không có vợ con ở bên cạnh. Đêm hôm qua Gout hành, lê tới bàn thuốc, lấy 2 viên Tylenol. Đôi mắt trừng trừng trong bóng tối. Tro tàn người xưa là tro tàn kỷ niệm, là tro tàn thời gian. Ít ra vân còn nhớ. Còn ta ? Tro tàn là những nền nhà, những mái tranh, cột kèo cháy đen tro vụn . Rồi nó rồi sẽ được dọn sau khi hết chíến tranh, thế hệ sau về lại làng cũ thấy những vườn lá xanh, nhưng với ta chúng là những đụn mối , sống mãi trong những cơn ác mộng một thời.
 
4.
Ông già ngày xưa  chỉ nghe tiếng mưa rả rích mà cảm thán , còn ta thì khác:  tiếng chim gõ mõ ngoài vườn sau nghe vui tai:
:
Đêm ngày quạnh hiu tôi làm con chim gõ mõ
Cốc cốc hoài trên bàn phiếm keyboard
Ngón tay phải này gõ những nút lạnh trơ
Ngón tay trái kia sẵn sàng ctrl, shift
Gõ, gõ, bao nhiêu ngày và đêm mi miết
Tôi là  con chim gõ mõ già nua
Và ngón tay ngày xưa tôi dùng để bóp  lãy cò
Nay  làm phép để  biến thành những bit 1 và 0 yêu dấu
Gõ, tôi dang gõ trên keyboard hay vào tim mình rướm máu
Để những  linh hồn chữ chết được hồi sinh
Mừng quá đi thôi, con chữ đã lung linh
Và hai ngón gõ của tôi chừng như mầu nhiệm
con chữ đã lung linh. Mầu nhiệm thật. Mầu nhiệm vì khơi tro để tìm ngọc và được ngọc …
THT
 

M Ù A H È *

Hoàng Xuân Sơn



xé thư tình khum tay
đường chỉ loi ngoi những đoạn phim buồn
thả bướm lượn xuống hồn mương cạn
chữ vướng huyền lên tóc
con thuyền giấy trôi đi tuổi mù
bế sương vai mọn
,
đồng trống chiều xuyên mưa ngũ sắc
chui rúc một mình
sáng ảo
bay chầm mảng luyến thương vồng qua lạc nhớ
lưu bút ngày xanh
,
mới đó tóc tơ vùi êm tay măng
chầm chậm rề âm kinh mùa sau gió nhọn
thổi ngược bụi hồng
tuồng mắt thâm
cầu xứ
 
*Nữ sĩ Bạch Diệp (Ngọc Diệp) vừa gởi cho phóng ảnh một bài thơ của HXS đăng trên Tinh Văn
số 27 . Nhớ là mình chưa gởi bài cho báo này. Chắc hồi còn sinh tiền, nhà thơ Phan Như đã chuyển tiếp.  Cám ơn BD và báo Tinh Văn.  Mùa hè rồi,  đọc chơi một chút. Bài thơ có 2 đoạn, TV cắt bớt một đoạn.
HXS
 

Thursday, June 16, 2022

NHỚ CUNG TIẾN

 Trần Đại Phước
 
 

 
Kẻ Ở
khóc Thu Vàng,
ôm niềm Hoài Cảm,
còn nhớ Hương Xưa
Mùa Hoa Nở.
 
Đường Hoa
thương Mắt Biếc,
lắng khúc Nguyệt Cầm,
chưa phai Sáng Mát
Vết Chim Bay.
 
TĐP

Monday, June 13, 2022

CŨNG CÓ KHI TRĂNG ĐỎ

Lê Chiều Giang
 
 
Mùa trăng, với chúng tôi chỉ có một ngày duy nhất. Đúng rằm, phải đúng ngày 15.
Nghe cứ như ngày của cúng bái khói hương, với hoa trái cùng tiếng chuông chùa trong những chiều lao xao, đình đám...
 
Có tiếng vỹ cầm cũng như một hồi chuông, đã ngân vang cùng chúng tôi mỗi đêm rằm trăng sáng.
Em, người bạn của gia đình, mà lần đầu tiên gặp trong đám đông bè bạn tới chơi nhà, tôi đã ngồi mê man nghe tiếng đàn em, lắng sâu nhưng đầy sôi nổi.
Chỉ duy nhất một lần em lên căn chung cư nhỏ, sau đó em khẩn khoản, và nhất định chỉ đàn cho riêng tôi, với tôi ngay bên bờ sông vắng, mỗi đêm trăng.
Thương em mang bịnh tự kỷ, đã có phần ít hơn so với mê tiếng vỹ cầm, cùng với dáng em thấp thoáng chút hay hay giang hồ, bạt mạng.
Tôi đã rất đúng hẹn, ngồi đợi em mỗi tháng một lần trong đêm rằm, bên dòng sông trước căn chung cư nhỏ.
Có những khi em tới sớm, ngồi chờ tôi với khói thuốc mà đứng trên lầu cao nhìn xuống, tôi nghĩ em đang thả khói như một tiếng gọi mong chờ, giục giã. Phảng phất, mà tôi cũng hít hà cái hương thơm quen thuộc, đã theo gió bay quanh tới tận balcony cùng với bóng chiều tà, sắp tối.
 
Em ít nói, nhiều khi em không nói. Im lặng của em đã được thay bằng một thứ âm thanh khác, dìu dặt, mơ hồ: Massenet, Beethoven....
Ánh mắt em tôi khó nhìn ra những xúc cảm, bởi ánh trăng mờ sáng chỉ đủ thấy nhờ nhờ kiếng trắng em mang, trên gương mặt có chút gì man dại. Và như thế, đêm với tôi và em đã chẳng ai nhìn nhau cho rõ mặt, đã chỉ như những khoảng bóng tối, rọi sâu xuống dòng nước nhạt nhoà, trôi dạt theo chút bàng bạc của đêm trăng.
Em không xe đạp, không đi xe máy. Em chẳng dùng bất cứ phương tiện nào mỗi lần ghé thăm . Sau 2 tiếng đi bộ mệt nhoài, tôi hay xót xa nhìn em ngồi lặng hồi lâu với rất nhiều khói thuốc.
Đặc biệt, violin của em không đựng trong hộp. Nó trần trụi với gió sương, cát bụi. Nó theo em cùng mưa nắng, những cơn nắng như điên, nắng chết người của Sài Gòn…
Em thường đặt cây đàn ơ hờ trong lòng mỗi khi chờ tôi yêu cầu thêm khúc nhạc mới. Meditation hay Elegie... Trăng, và dáng em lồng lộng giữa trời, với tiếng đàn điên đảo, cũng đã nhiều khi làm tôi bồi hồi, chới với.
 
Nhớ có lần tôi lỗi hẹn, không xuống cùng cây vỹ cầm và em. Tôi với một nhà đầy khách, một buổi vui chơi mà đã không thể nào bỏ ngang, từ chối.
Thoáng trong những lao xao của bè bạn, văng vẳng tôi nghe tiếng đàn bên sông vắng. Tiếng violin nỉ non rồi mất tăm cùng ánh trăng hò hẹn… Em đàn đi đàn lại khúc Nocturne của Chopin, bản tôi đã nghe trong buổi gặp em lần thứ nhất. Xao xuyến, tôi muốn chạy bay xuống, nhưng đã không thể nào.…
Đêm đó, thao thức đã bắt tôi phải hình dung ra dáng em buồn bã trên đường trở lại nhà. Em nghĩ gì trong căn bệnh hoang tưởng mịt mù đầy ảo ảnh? Sự khác lạ khi không có tôi bên tiếng nhạc thanh thoát có làm em giận dữ? Sao tôi nghe ra tiếng đàn em tối nay, những note và nhịp bỗng dưng lệch lạc, sai sót ...lúng túng, rên rỉ như những lời gọi réo, thở than.
 
Sửa soạn cho một bữa ăn chiều ấm áp. Tôi muốn có thêm Anh, để chúng tôi cùng ngồi quanh với những ly rượu đỏ và tiếng vỹ cầm của người bạn nhỏ. Đã rất ý nhị, Anh muốn để yên chỉ mình tôi với em, bên dòng sông cùng tiếng đàn se sắt.
Có gì như chút lòng trắc ẩn, Anh không muốn chạm tới một cõi rất riêng của em chăng?
 Cõi riêng của em mà đã rất chung, cùng tôi với tiếng violin và với cả dòng sông vật vờ trăng sáng…
Cõi riêng, đã giúp em vượt thoát hết buồn phiền ảm đạm, của một đời sống mờ mờ, không sáng mà cũng chẳng hề tối tăm.
 
Trải trên cỏ xanh là màu rực rỡ của cây trái và óng ánh sắc đỏ của rượu, với chút nắng chiều hắt xuống, tôi nhìn ra như một bức tranh tĩnh vật, lặng lẽ nhưng rộn ràng, xôn xao...
 Em đã vui hơn mọi khi, em đã nói nhiều hơn trước.
Em dặn tôi đừng yêu cầu bất cứ khúc nhạc nào đêm nay, bởi em thèm một không gian tĩnh lặng.
Chúng tôi ngồi với trăng mênh mông trên sông và tiếng gió ngạt ngào thơm mùi cỏ dại.
 
Chợt em nói ra cùng tôi lời tha thiết...Một phản ứng tự nhiên không ngờ, tôi đứng ngay dậy như vừa phạm phải điều tội lỗi, bỏng lửa...
Trong bóng tối mà tôi nhìn ra em đỏ mặt. Em khóc.
Lúng túng tôi ngồi lại bên em, tôi muốn nói lời gì có thể làm em nguôi ngoai, nhưng cổ tôi tắc nghẹn. Ngôn ngữ nhiều khi thật vô nghĩa lại có phần khó khăn, ít nhất là trong lúc này, lúc mà tôi ráng tìm cho ra chữ, trí óc tôi lại trống không, trắng xoá.
Tôi đã nghe tiếng khóc trẻ thơ, mẹ già, thiếu phụ. Đã nghe ra tiếng khóc của chiến tranh, đói rách cùng biết bao khổ đau, trầm luân của đời người...Và ngay cả tôi đã nghe ra tiếng khóc bàng hoàng đầy bi thảm, trước nỗi chết.
Nhưng đã chẳng có tiếng khóc ai oán nào như em khóc cùng tôi đêm nay. Tiếng khóc của người chợt nhận ra mình không còn nơi nương náu. Chợt nhận ra mình tay không.
Nước mắt em nhỏ nhạt nhòa kiếng trắng, như ngấn lệ của tôi rơi, những ngày xưa thơ ấu.
 
Điều không ngờ nhất nên tôi chẳng có chút phản ứng nào để kip ngăn cản, rất giận dữ em quăng cây đàn ra xa tắp giữa dòng sông.
Và chao đảo... Em bỏ đi lặng lẽ.
Tôi đứng trong hoảng hốt, nhìn cây đàn như một chiếc lá nhỏ vật vờ trôi.
Tôi bơi rất xa, tôi lạnh. Tôi một mình, đuổi theo tiếng đàn đang chết đuối giữa sông đêm.
 
Vụng về, tôi đã chẳng nghĩ ra cách nào có thể cứu vãn cây vỹ cầm sũng nước.
Xót xa tôi hơ trên lửa, lửa đỏ làm cong, uốn cây đàn mong manh ướt ra một hình thù rất khác.
Tôi hình dung ra gương mặt em bên góc đàn: méo mó, rục rã như một tác phẩm điêu khắc thời Trung Cổ, xa xưa…
--------
 
Trăng California không khác trăng Sài Gòn. Có khác chăng là tiếng vỹ cầm đã không còn đắm đuối cùng tôi bên dòng sông cũ.
Rất nhiều năm, tôi treo cây đàn với hình thể gẫy cong ngay phòng khách, bên cạnh những bức tranh của Anh, như một phẩm vật ẩn chứa chút kỷ niệm u hoài.
Trăng cũng đã nhiều đêm rọi soi trên cây vỹ cầm những reo vui, cùng thảm đạm của bao mùa trăng cũ, và tôi vẫn nghe ra tiếng nhạc thiết tha như một gọi réo êm đềm.
 
Lần cuối cùng, dọn nhà cho một thay đổi rất mới, tìm theo chút hạnh phúc còn lại giữa đời.
Và, trước khi ra đi.
Vào một đêm rằm trăng đỏ, trăng của ngàn năm mới lửng lơ giữa trời, trăng mà đỏ như chiều tàn giữa đêm thâu.
Rất dịu dàng tôi thả cây vỹ cầm xuống biển. Tôi đã chẳng vùng vằng, quăng ném cây đàn tội nghiệp ra giữa dòng sông như em.
Thiên hạ thường ra giữa lòng biển để rắc những tàn tro. Tôi đứng trên bờ nhìn cây đàn của em trôi dần xa, như tìm cho nó một nơi chôn cất mới.
Biển không êm ái, lồng lộng với gió đêm.
 Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
 
LêChiềuGiang