cây cô
độc
Từ "Cha" chỉ là một tên
gọi khác
của lòng yêu thương
Fanny Fern
Đêm khuya đèn hắt
bóng rầu rầu
Lệ chữ theo hoài
trang sách sâu
Cha buông nét
bút sầu ẩn sĩ
Một dải sơn hà một
nỗi đau
Cách
đây ba mươi mấy năm, tôi đã viết về cha tôi như thế. Cảm xúc từ một đêm rất
khuya đi ngoài ban công nhìn vào bàn làm việc cha bên cửa sổ còn ánh đèn, in
trên gương mặt xương nét sầu muộn cô độc. Khi đưa cha đọc, ông bảo, sao tứ
tuyệt mà con để thất niêm luật thế... Chẳng bao lâu sau đó, ông bị đem đi,
rất xa nhà. Không hiểu sao cuộc đời cha cứ đong đưa tù ngục, của cả hai phía.
Tôi nghĩ cha tôi thật sự là người mơ mộng. Tại vậy, mà ông đúng là cây cô độc,
như ông viết trong một vở kịch dở dang. Dang dở như sự nghiệp và hoài bão của
ông. Cái nỗi đau dải sơn hà trong tâm cha thôi hãy để tan vào bụi tro trong chiếc
tĩnh im lặng. Cha ơi. Con chỉ muốn nhắc đến tình cha, yêu thương con gái như thể
mình là chỗ cho nó hành tỏi yêu thương. Làm nũng hết biết (giờ mới biết thế), từ
cái ngày còn mặc áo đầm xoè trắng cho đến tuổi vòi tiền may một cái áo dài lụa
hoàng hoa.
Hôm nay là Ngày Của Cha, 16 tháng 6, 2013.
Khí hậu mùa hè, Calif. có những ngày nóng như Saigon. Ngày Của Cha được nước Mỹ
kỷ niệm vào Chủ Nhật thứ ba của tháng 6. Đạo luật công bố Ngày Lễ Cha được Tổng
Thống Richard Nixon ký duyệt vào năm 1972, sau 62 năm kể từ khi bà
Sonora Smart Dodd, trong lúc ngồi dự Ngày Lễ
Mẹ vào chủ nhật thứ hai của tháng 5, năm 1910, trong thánh đường Spokane,
Washington, bà nhớ tới cha của mình,
và sau đó bà đã phát động một phong trào đề nghị một ngày lễ cha. Bây giờ mỗi
năm, theo thống kê, tại Mỹ gần 90 triệu cánh thiệp đã được gửi đi để tri ân, tưởng
nhớ người cha. Hôm nay con cũng viết cánh thiếp này gửi đến
cha qua chập chùng mây trắng của thời gian…
Trong nắng tràn trề, text Happy Father’s Day cho vài bạn thân, nhìn người bạn
trăm năm đang ngồi ngắm mê hình cô cháu Khánh Chi, tôi nói, có cần Happy
Father’s Day không, bèn nghe trả lời, không, grandpa, thích hơn. Thế
đấy, có nghĩa là tôi phải tỉnh ra, cái thời gian mình bây giờ, bà nội rồi, bao
giờ cũng thế, tôi luôn bị kéo ra khỏi cõi mộng mơ, vậy nên, lập tức bỏ chạy,
vào cái cõi phi thực của mình. Cũng là một cách bảo vệ mình khá hiệu quả.
Miệng hớp vào một ngụm cà phê starbucks, mắt như đã ướt, cõi vừa lọt vào là
vòng tay ấm áp của cha, và tôi cái bóng nhỏ sau lưng ba mẹ chiều nào đi dạo
trên bờ biển Nha Trang. Thật ra hạt lệ này đã tượng nên hình tướng từ đêm qua
kia, sáng nay nó mới vỡ ra để tôi thấy trong gương nắng hình ảnh cha ôm tôi
long lanh, và mái tóc khói thời gian của tôi bỗng mềm mại xanh mướt dưới bàn
tay cha…
Đêm qua, 15.6, trên TV, tường thuật một phim hoạt hình về cha và con gái, bộ phim dài chỉ 4 phút, giọng
nghẹn nghẹn, với âm thanh biểu cảm nhất của xướng ngôn viên Tuyết Lê tôi đã từng
nghe. Phim có tên Will của đạo diễn Eusong Lee, đã đoạt giải tại The Student
Academy Award vào ngày 8 tháng 6.2013. Mở đầu và kết phim là lời của người cha
được đọc bằng một giọng nam cảm động, con gái, cha sẽ không sao đâu, cha sẽ
trở về, ông là một trong hàng ngàn nạn nhân của thảm họa khủng bố ngày 11
tháng 9,2001 tại World Trade Center, phim kể buổi sáng ông chia tay con gái đi
làm và rồi không về nữa, cô bé với nỗi nhớ thương cùng ý muốn mãnh liệt đã cố gắng
với món đồ chơi yo-yo (mà cha cho cô trước khi đi làm) để quay ngược thời gian
về lại thời điểm lúc sáng cha chia tay, và cái chết đã không xẩy ra. Phim dài
chỉ 4 phút, hình ảnh được thể hiện bằng những nét cắt kim cương như những vết
buồn sắc nhọn cứa vào cảm xúc, làm lòng người nhói đau. Làm tôi nhớ cha quá
...Ký ức tôi mãi ấp ưu bãi cát trắng phau của
biển Nha Trang, cha đi trước với mẹ, tôi đằng sau cố in bước mình vào dấu chân
cha, loi choi theo những bước quá dài so với bước mình, cha quay lại thấy thế,
ôm tôi, nói, ờ, ba sẽ bước ngắn lại cho con theo kịp nhé con gái.
Mỗi lần nhớ tới câu này là nó kéo nước mắt của tôi ra. Cứ mỗi tuổi tôi lại hiểu
câu nói này khác đi, dần dà nó như một điểm tựa cho tôi. Tôi mạnh mẽ can đảm
hơn khi nghĩ rằng những khó khăn của cuộc sống cùng bệnh tật mình gặp cũng sẽ
nhân hậu như thế, không dài quá bước chân của mình.
...Hồi rất bé, nhát, người lại nhỏ bé, tính lại hay buồn, thường đứng tựa một
mình bên cửa nhà, hay khung cổng đầy rêu ở nhà nội mỗi khi về quê. Chị Hạnh,
con bác Tám, nói với mẹ tôi, lúc ngồi cùng nhau trên một chiếc xích lô, không
hiểu sao khiến tôi nhớ và nhớ tới giờ, sao con nhỏ Khánh này nó buồn quá hả
Thím… Tôi có cảm giác luôn luôn chờ cha, ông vắng nhà hoài. Mẹ tôi, rất chịu
diện cho con gái bé, nhưng nghiêm khắc hơn về những điều phải có, phải làm của
một đứa con gái, bên cạnh đó là kỷ luật của bà ngoại đối với riêng đứa cháu
gái. Nhớ một chiều, tôi quét sân, cái chổi tre tròm trèm tôi, và cái sân thật
to, lá hoa rụng thật nhiều, quét miệt mài cho đến lúc giật mình, Khánh sao
con phơi mưa dậy hả, -ba về! và quăng cái chổi chạy tới nhào vào vòng tay
đang mở ra của cha. Bậc thềm chiều ấy ấm lắm.
…Hồi đó, tiễn cha đi dạy học xa, tôi vừa đủ tuổi để biết chia tay là rất buồn.
Cha ôm mẹ, ôm tôi, và tôi luôn được nghe, lúc cha bước lên mấy bực toa xe lửa,
quay đầu lại, ba sẽ về sớm thôi mà, tôi đã là một đứa con hạnh phúc khi
luôn được đón bước cha về, không như cô bé trong Will, không như người con gái trong phim hoạt hình Father and
Daughter, đã chờ cha mình suốt một đời và chỉ được ở trong vòng tay cha
nơi màn sương ảo. Giờ này cha tôi cũng đang ở cõi ấy. Cũng như trong nỗi nhớ,
giấc mơ của tôi.
Cha, người đàn ông đầu tiên và gần như duy nhất mà tôi được làm trận làm mạc mà
không chút nao núng, vì luôn được nhượng bộ. Thế đấy. Để bây giờ biết rằng những
điều mình đã có không bao giờ còn được hưởng nữa. Không là hai mươi tuổi trở lại để nghe, sau một cơn giận dỗi
bỏ cơm, cha đứng ở cầu thang ngoài cửa sổ ánh nhìn trễ xuống sau cặp
kính, khánh, không đói bụng hả? Chỉ chờ thế, bật dậy chạy xuống bếp, thấy
đồ ăn mẹ để dành trên bàn. Nghĩ tiếc và trách mình, lớn lên, lại không ôm cha
như hồi bé nữa… Tôi có niềm tin cha là người yêu tin tôi một cách, tôi là như
thế. Như bờ cát nhận phù sa từ dòng sông thương yêu ấy. Từng ngày.
…Nhớ hồi ba mẹ dọn về ngôi nhà mới ở đường Lữ Gia Nha Trang, nhà lớn sân rộng,
có một cây sầu đâu, màu hoa tím cấy nét mơ mộng vào ánh nhìn cô gái nhỏ. Và được
nuôi niềm hy vọng từ những lời của cha, ngôi nhà này có thể làm một trường học,
và Khánh sẽ là hiệu trưởng… Lúc tôi 6,7 tuổi khi trồng cây thiên lý, cha
cũng nói, để cô khánh hái hoa xào thịt bò, cha đấy, chắt chiu cho con
gái, từ việc nhỏ li ti đến việc lớn…
... Không kể chính trị linh tinh, con đường lập nghiệp của cha tôi gắn bó với
những ngôi trường. Ở Nha Trang. Theo trí nhớ của tôi còn đậm, chỉ một trường trung
học tên Tương Lai, nằm trên con đường ra ga xe lửa Nha Trang, tôi vẫn thường được
cha dắt đến mỗi khi trường có liên hoan Tết, phát thưởng…, mỗi lần như thế được
mẹ chải đầu cột chiếc nơ xanh, mặc áo đầm xoè nhiều từng, được các anh các chị
ôm khen rối rít, con gái thầy Nhường dễ thương quá… Cha dạy môn Việt Văn
lớp đệ Tứ, đệ Nhị. Tôi học văn từ cha nhiều hơn cả qua những bữa cơm chiều, cha
bảo, con hãy ghi những điều con thích vào sổ tay, sổ ấy ngày càng nhiều
trang. Cha là người đầu tiên đọc thơ Nguyễn Du cho tôi nghe, không phải là Kiều,
chữ đẹp nên cha bảo chép vào một cuốn sổ dày, viết một trang chừa một trang bên
cạnh để cha viết chữ Hán của bài thơ đó. Cha thích bài Đạo Ý, và đấy là bài thơ
chữ Hán đầu tiên mà tôi thuộc bằng âm Hán Việt, đọc thấy thích ngay dù chẳng hiểu
gì ý tứ của nó. Có lẽ tại cha hay ngâm nga. Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh/ Tỉnh
thủy vô ba đào...(Trăng sáng soi giếng xưa/ nước giếng không dậy sóng…)
…Dạo ở tù về, cha lặng lẽ, thường xuyên thức khuya, nhìn qua cửa sổ, tôi cảm thấy
một nỗi cô quạnh xót xa với cảnh ánh đèn vàng yếu và mái đầu cha cúi trên trang
giấy, bóng một người khắc khổ trên một con đường dài. Hình ảnh trong bức tranh ấy
cái gì cũng chỉ có một, lẻ loi. Có phải đó là những lúc cha viết vở kịch Cây Cô
Độc. Và tôi, cũng một mình, đứng nhìn theo bóng cô độc ấy hút cuối đường gió và
bụi. Cha ơi… con lại nhớ giọng cha, trạm trạm nhất phiến tâm/ minh nguyệt cổ
tỉnh thủy…(tấm lòng vằng vặc/ như ánh trăng soi giếng năm xưa)
Tôi biết nỗi buồn bã thất vọng của cha về những hoài bão không thành…, nếu cha
chỉ đi theo một con đường là dạy học viết sách, làm thơ thôi, thì hẳn con sông
tâm hồn ấy đã êm đềm biết bao. Chỉ mới tuổi thiếu niên cha đã nổi máu giang hồ,
bỏ nhà ra Huế. Đang học yên ả thì, bỏ học đi kháng chiến chống Pháp. Trên bước
đường chinh chiến thì, trái tim nghệ sĩ ấy lại thêm một lần nữa, rung động, và
thế là lại buộc ràng hệ luỵ gia đình, đến khi nhận ra rằng, cái mộng tưởng
chính trị không đúng là điều ông đã mơ, thì cuộc sống của cả nhà từ ấy biết đến
sóng gió. Mẹ bảo nếu mẹ không mắc chứng sốt rét đến điên loạn, và nếu không có
tôi, thì chắc gia đình lúc ấy vẫn còn theo cha lặn lội… Và nếu không có bà nội ở
Nha Trang thì, chúng tôi đã không có một bến yên ả ở thành phố biển này.
... Khi cả nhà xum họp lại. Cha cũng không ở yên một chỗ. Dạy học khi thì Nha
Trang khi thì Sài Gòn, Biên Hoà, rồi mãi miền Tây. Không bương chải sao khi một
đàn con tuổi ăn và học. Trong trí nhớ tôi là sân ga đêm, khói toa tầu, tiếng
xình xịch rền trên thềm đưa tiễn, và những hạt lệ của mẹ, của bé thơ tôi…
... Và rồi cha làm rất nhiều nghề, ký giả, viết sách giáo khoa, tự điển, dạy học,
thầu khoán xây cất, nhà in, coi Tử Vi, bốc dịch, nhà Hán học (chả vậy mà, năm
1975, khi công an vào xét nhà, thấy một xấp những thiếp nhỏ ghi nghề nghiệp của
ông trên bàn làm việc, họ đã phán, tên này là CIA của Mỹ Nguỵ)
... Nói chuyện cha làm báo. Cha tôi có tính châm biếm. Khi vào Sài Gòn, có một
dạo cha giữ một mục gọi là Nụ Cười Gừng trên một nhật báo (Điện Tín?), bài viết
của cha làm bị kiểm duyệt hoài, nên sau đó cha không được tiếp tục nữa. Rồi cha
ra một tờ báo riêng, Đuốc Việt, nhớ cha nói, hai năm nữa ra trường con sẽ giữ
tờ báo này, tha hồ viết. (Hình như tôi cũng có mộng làm báo như cha) nghĩ cha thật lạc quan tếu, cũng chỉ
vì cái “tha hồ viết” ấy mà tờ báo của cha chỉ thọ được 4 số.
Nói đến đây mới chợt thấy một điều là cha tôi bị thất nghiệp hoài. Mà nguyên do
chủ quan nơi cha. Ông mau chán, dễ bất bình, không theo đuổi gì lâu dài, ngoại
trừ duy nhất việc soạn cuốn từ điển Hán Việt Tầm Nguyên cho tới cuối đời. Những
lúc ấy gia đình vẫn ổn thoả được là nhờ vào tiền lương dạy học của mẹ. Nghe mẹ
kể, có một người hỗ trợ cha viết và in sách giáo khoa, một loạt về Việt Luận Tú
Tài, và Tự Điển, đó là ông chủ nhà sách Khai Trí ở đường Lê Lợi, đã giúp gia
đình tôi qua lúc bấp bênh. Ông Khai Trí có nhiều kỷ niệm với gia đình, và với
riêng tôi sau này nữa, khi ông nói với tôi về thơ của tôi.
Dây mơ rễ má đến chuyện báo chí, có một kỷ niệm đã xưa, hình như vào những năm
60,63, nhà văn Chu Tử ở Sài Gòn ra Nha Trang, ở chơi nhà ba mẹ tôi khá lâu, bác
bị bệnh gì đó, họ cùng bàn đến một tờ báo mà bác đang làm, tên Ngàn Khơi, họ
bàn mê say đến nỗi bác ăn thịt bò nhúng dấm mà nếu mẹ tôi không la lên, anh
Bình, anh chưa nhúng thịt vào dấm, (Bình là tên thật của Nhà văn CT) thì chắc
bác đã ăn thịt bò sống rồi. Tôi nhớ bác xoa đầu tôi, mai mốt con làm thi sĩ
tặng bác bài thơ người lớn nhé. Chỉ nhớ về bác và tờ báo có thế. Riêng tôi
thì được cô Uyên Chuyên phụ trách mục thơ nhi đồng phong cho danh hiệu, thi sĩ
búp bê, lại in hình và giải thưởng một con búp bê mặc áo đầm đỏ rực rỡ, con bé
11 tuổi tỷ khoái.
…Vào những năm 90, lúc này cha đã được về nhà khá lâu, có tuần báo tên Gia Đình
Trẻ mời cha làm chủ bút, dĩ nhiên cha kéo tôi vào làm. Trong toà soạn có người
bạn hồi trung học, nhà thơ Nguyễn Đức Cường, và nhà thơ Hồ Nam. Có một lần khác
ý gì đó, chỉ mình cha tôi một ý còn những người khác, giống tôi. Cha tôi la
lên, con phải làm theo ý ba, tôi cũng nói khá lớn, dạ con không làm.
Nhà thơ Hồ Nam nói, tôi không ngờ cô dám nói thẳng với ông cụ như thế. Nhưng
cô đúng. Rồi kết quả cũng giống sau mỗi lần giận dỗi bỏ cơm hồi bé... con
luôn thắng ba ơi... Tờ báo ấy sống cũng tương đối. Kỷ niệm duy nhất
về làm báo với cha, và là một hồi ức đem lại cho tôi phút giây rất êm đềm.
Tôi có ước mơ cho tới giờ vẫn còn nóng, một nhà in và xuất bản, một hiệu bán
sách. Ước mơ nhỏ quá hả, nên nó mãi là trái bóng bay bay, cho mình thèm chơi,
nhớ lúc thố lộ với cha, cha cười kiểu như tôi là con hề. Không phải cha không
tin sức tôi, nhưng cha biết rõ điều không thể. Dạo cha làm nhà in, cha vẫn lấy
sách ở nhà xuất bản Hồng Lam, Điện Tín, Nguyễn Trãi, về cho tôi làm thầy Cò chữa
lỗi chính tả, Khương, em trai tôi thì tới học sửa máy in và sắp chữ (Typo?), và
cha bảo, muốn làm nhà xuất bản, nhà in các con phải đi từ những việc nhỏ nhất.
Cha luôn, đúng là trên từng cây số (tên một cuốn phim hồi đó) ước mơ với
đứa con gái mơ mộng. Chia sẻ cả với thư riêng của con gái vào tuổi biết yêu…
Có điều, hồi 15,16 tuổi, khi đã có những bài thơ tình đăng báo thì tôi dấu biệt
vì cả hai bậc phụ huynh có vẻ không vỗ tay vào cho chuyện thơ của tôi, mẹ không
viết văn làm thơ đó sao, cha cũng thơ cũng văn, năm 1968, cha được cử là thành
viên trong phái đoàn đại diện Văn Bút Việt Nam Cộng Hoà đi họp Văn Bút Quốc Tế ở
Menton, Pháp, cùng đi với cha, tôi chỉ còn nhớ Thi Sĩ Bàng Bá Lân vì ông là bạn
thân của cha, (dạo đó bác Lân thường tới nhà tôi, tập họp mấy anh em tôi lại và
kể chuyện ma trong phòng khách tối, thật là vô cùng vui, bác có giọng kể chuyện,
nhỏ, thầm, rất lôi cuốn, luôn ngắt câu bằng “các con hiểu chửa?”, có khi tôi lắc
đầu nhại tiếng bác, trả lời “chửa”... lúc ấy, bác có chương trình kể chuyện
không giờ ở TV)
...
Khi tôi vào tuổi 20, chỉ có hai người là bạn văn chương với ba mẹ, nhà thơ Tuệ
Mai và Phạm Thiên Thư là ủng hộ, và khuyến khích tôi bằng những lời khen mà lúc
ấy nếu ai hỏi mây xanh như thế nào thì tôi quả quyết rằng tôi đã cảm giác được
độ cao và sự mềm mại quyến rũ của nó rồi. Cha bảo, không nên để lọt tai những
lời khen. Tôi trả lời, họ đâu có khen con, họ bảo con thừa hưởng nòi thơ
văn của ba má, và, cha cũng có vẻ rất dễ chịu về câu nói ấy. Rồi khi tôi ra
tập thơ đầu tiên,1992, thì cha thôi không còn nói, đàn bà con gái thơ văn chỉ
có khổ, nữa.
MÁI
LẦU THƠ MINH MINH,
Nhờ những buổi họp thơ ở mái lầu Minh Minh Thư Uyển của ba mẹ mà tôi được chiêm
ngưỡng những dung nhan văn học có tiếng đương thời, tiếc là lúc ấy tôi không ý
thức được đó là những cơ hội hiếm trong đời để ghi hình ảnh với họ, kỷ niệm
chút hương lây, và biết đâu lại là một tài liệu quí trong những bài sẽ viết của
mình… quả thật tiếc.
Tôi đi ra đi vào châm nước trà, nhớ cái dáng mảnh khảnh cốt cách Vũ Hoàng
Chương cúi xuống bàn, viết những dòng chữ như những vết cắt mạnh mẽ trên trang
giấy: Trăng bạc ai treo ở giữa nhà…, viết như thế nhưng khi quay sang
tôi đang ngồi tay chống cằm bên cạnh, ông nói, không, trăng sáng, con bé này
đấy. Sướng tỉnh người, con bé là tôi ấy. Nhớ dáng người cao vững chắc như
tùng Hà Thượng Nhân, nổi tiếng siêu tốc làm thơ Đường, ông viết ngay tại bữa tiệc
chẳng cần giấy tờ gì cả, cứ đọc mỗi câu là ông lại mỉm cười rất có duyên, phòng
im phắc bỗng vỡ oà. Rồi Bùi Khánh Đản, rồi Cao Tiêu người nào cũng phong thái rất
mực thi nhân nho nhã, và đâu một hai lần, tôi lại được nhìn dáng cao gầy học giả
Nguyễn Đức Quỳnh với đôi mắt nghiêm, sáng, nhìn như hỏi, lúc nói hay dơ bàn tay
với ngón trỏ dài thanh tú, bên cạnh là vẻ đẹp như tây phương của cụ bà.
... Lại nhớ, một lần, nhân vở kịch thơ Siêu
Thoát của cha diễn góp vui văn nghệ tại nhà của một quan chức Bộ Ngoại
Giao thời Đệ Nhị Cộng Hoà, gọi là diễn nhưng chỉ ngồi một chỗ rồi ngâm thơ vai
của mình thôi chứ không diễn đi tới đi lui, không có ai vào vai tiểu ni, tôi
bèn bị tóm, và tôi có khoảnh khắc đáng nhớ, tôi được dạy ngâm thơ cấp tốc bởi
nghệ sĩ Hồ Điệp, tôi đã không phá hỏng vở kịch, còn được cô Hồ Điệp bảo có chất
giọng, cố luyện thêm em nhé, cô có giọng nói sang cả để chở thật trọn vẹn nét mặt
đẹp trầm lắng. Có một buổi sáng, trong buổi họp thơ trên gác Minh Minh, bên
ngoài cửa sổ lá tre rì rào, Trịnh Công Sơn đã viết tặng cô Hồ Điệp mấy câu thơ:
hỡi hỡi hải âu tới
chốn nào
cho ta nhắn gửi
bạn tâm giao
quê hương bên ấy
phương trời lạnh
có lạnh hơn ta ở
chốn này
(thơ
như có một dự cảm về sau đó của cô, cánh hải âu bay đi rồi chẳng bao giờ còn thấy
nữa), không hiểu sao hai câu dưới TCS lại ghi thêm đồng tặng mẹ tôi. Sáng đó,
ông hát với cây đàn guitar, tôi nay ở trọ trần gian... vừa cất lên thì
không khí như chìm sâu xuống cho giọng hát tiếng đàn ấy ngự trị trên mọi ngõ
ngách cùa im lặng, không gian thời gian và những con tim. Nghe ông hát xong, nữ
sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương bảo, giờ chỉ muốn nghe Sơn hát, không muốn ngâm thơ nữa. Quận
Chúa Hỷ Khương có giọng ngâm Huế đặc biệt trong thi đàn Quỳnh Dao, gồm những nữ
sĩ tài sắc, chuyên thơ Đường, Mộng Tuyết, Vân Nương, Uyển Hương, Thục Oanh (phu
nhân thi sĩ Vũ Hoàng Chương), Tuệ Mai, Tôn Nữ Hỷ Khương…, hai nhà thơ trẻ nhất
này ngoài thơ Đường còn nổi tiếng về Thơ hiện đại và đã đoạt giải về Thơ. Họ đại
diện một dòng thơ sang trọng. Đó là những vạt gió văn chương đã thổi vào ngày
tuổi trẻ của tôi. Mà hương thơm, tôi tiếc là không tận sống để ngất ngây.
... Rồi 1975. Rồi một thời gian dài... Bạn hữu thân thiết của ba mẹ, người vượt
biển, người vào tù, người yên hưởng tuổi già, người đi vào cõi xa xăm. Lầu thơ,
như dòng sông lặng lẽ trôi theo nắng phai. Bỗng một buổi gợn xôn xao bởi tiếng nói và ánh nhìn của nữ sĩ
Ngân Giang, Anh Thơ, từ bắc vào thăm mẹ. Nhưng tôi có cảm tưởng không phải
là cái xao động rộn ràng mở những trang thơ. Họ chỉ ngồi nhắc đến kỷ niệm xưa rất
là xưa. Chỉ thực sự khuấy động như đêm hội là sự có mặt của một giáo sư âm nhạc
nổi tiếng, Trần Văn Khê, ông có giọng nói ấm chân chất phương Nam, rất lôi cuốn
và vui vẻ, ân cần hỏi han tất cả những người có mặt, kể chuyện dí dỏm, uyên
bác, khiến những người gần bảy, tám mươi cho đến cậu bé con tôi, đều thấy
thích, có khi cười bò ra, đến nỗi sau này con trai tôi cứ nhắc, ông cười
không tới nữa hả mẹ? Có lần tôi được ngâm thơ với tiếng đệm đàn tranh của
GS nơi buổi họp thơ ở nhà cô Tôn Nữ Hỷ Khương, hôm ấy tôi nghĩ, có ngâm dở cũng
không có gì phải sợ, khi được tựa nương vào tiếng đàn tranh ấy…
...Và thêm một buổi, sáng lên trong nắng mai dáng vẻ văn gia điềm đạm Doãn Quốc
Sĩ, nụ cười hiền giả Giản Chi bên cạnh nghệ sĩ Thuý Hoan và tôi dâng bánh ngày
thượng thọ cụ. Cụ là thầy dạy cha tôi. Đó là dịp hiếm hoi (có lẽ, là cuối cùng)
để mái lầu thơ của ba mẹ được phập phồng nhịp đập hơi thở không khi văn chương,
bạn bè.
Rồi trả lại gió cho tàng tre. Cây tre mà
các bác cô chú thường đùa “cây tre trăm đốt” của mái thơ Minh Minh. Không còn
nhớ đã mấy mùa khô rụng.
Một mình mái lầu nghe lá tre xao xác ngoài thềm.
Mỗi khi có dịp lên, nhìn cái án thư gỗ
để cuốn sổ kỷ niệm thủ bút của bạn bè ba mẹ phủ bụi, tôi thấy ngực mình tưng tức, cái vắng
vẻ luôn ở một nốt không gian trầm nhất trên khuông nhạc thời gian. Nó kéo người
ta vào hoài niệm, đóng sau lưng người ta một cánh cửa và trước mặt là con đường
rất xa rất quạnh. Ba phía cửa sổ đóng im ỉm, tôi mường tượng tiếng cười trong của
cô Hỷ Khương vút cao, tiếng cười nhỏ của cô Tuệ Mai trên vai bạn, âm thanh giọng
Hà Nội nghìn năm văn hiến của các nữ sĩ, hoà vào lời thơ, tiếng sáo Song
Nguyên, làm nên một không khí tao đàn trang nhã, tôi còn thấy bùi ngùi nhớ như
thế, huống chi là ba mẹ tôi.
... Những hình ảnh, những gương mặt lặng lẽ trồi lên, lớp này lớp khác đi xuyên
qua cánh cửa kính, treo cái nhìn nhớ tiếc của tôi trên đầu ngọn tre như một
hành hình kỷ niệm. Diện tích mái lầu chỉ còn non nửa, và một góc của gác thơ
ngày xưa ấy, là bàn thờ cha. Trên tường treo bốn câu thơ đã ố chữ của tôi viết
cho cha mấy chục năm trước...
Dạo tôi về thấy trên bàn thờ, mẹ để mấy tác phẩm đã in của cha, mấy cây bút cha
cầm mỗi ngày, và một bản thảo kịch dang dở, Cây Cô Độc, cha ơi, lệ chữ theo
hoài trang sách sâu…
Không hiểu sao chiếc cầu thang gỗ dẫn lên gác thơ bay mùi của mưa. Có lẽ nhà vắng
người, một buổi chiều nào đó, trời mưa, mẹ không thể đóng được cửa sổ nên mưa
đã hắt vào…
Cha
ơi, giờ nghe con kể về một giấc mơ, thêm lần nữa, bí mật giữa con và cha…,
Santa
Ana,
Ngày
Lễ Cha, tháng 6. 2013
Nguyễn Thị Khánh Minh
No comments:
Post a Comment