Bụi Vương Trên Cây Đu Đủ
Lạ chưa, đã giữa tháng Mười Hai rồi mà thời tiết như
đang phỉnh phờ cây cỏ. Khí hậu còn qúa ấm áp cho nên mấy cây tôi trồng trong chậu
vẫn còn vươn mình ra hoa, nẩy mầm. Cây đu đủ trồng dưới đất xum xuê những nụ
hoa ngà ngà mọc núp dưới những tàng lá xanh. Có hoa tức là sẽ đơm trái. Tôi đang
mừng thầm, vái trời năm nay đừng lạnh quá thì thế nào tôi cũng có được những quả
đu đủ xinh xinh. Thế mà tốí qua ông anh
từ thành phố gần đó, gửi về những lời nhắn
thân ái…báo cho em hay gió đang lạnh buốt
như đang thổi qua vùng đất đồng bằng và tuyết đang rơi.
Buổi sáng thức giấc nghe gió xào xạc qua hiên nhà, cây
Spanish Oak bên nhà hàng xóm vừa trút xuống một rừng lá vàng đỏ đầy lối đi. Có lẽ cơn gió lạnh buốt từ miền đồng bằng nào đó
đả thổi đến qua đêm, đến ào ạt, mãnh liệt và thời tiết phút chốc đang giao mùa.
Tôi hốt hoảng đem mấy tấm vải ra che những cụm cây yếu ớt dưới làn gió và cơn lạnh
bất ngờ đó. Bà mợ tôi ra phụ, thấy tôi khổ sở với cơn gió lạnh và cố trùm che cho
cây đu đủ thì đã nói …con nhỏ này trồng biết
bao nhiêu cây mà chỉ lo lắng cho cây đu đủ
thôi, lạ thật.
Thật sự không
có gì lạ, tôi thiên vị cây đu đủ vì nó đã gắn bó với những kỷ niệm thuở ấu thời
cũng như trong đời sống hiện tại. Những kỷ niệm hằn sâu trong tâm tưởng và đôi
khi nhớ lại bỗng dưng thấy ngậm ngùi. Cây
đu đủ thời mới lớn với hình ảnh hiền lành của O Nếp và con đường nhỏ từ nhà đến
ngôi trường tiểu học trên thị trấn Ban Mê Thuột. O Nếp là người giúp việc cho
gia đình tôi, vì trường tiểu học gần nhà nên mỗi sáng O có nhiệm vụ dắt tôi đến
trường và chiều đón về. Trên con đường đất đỏ đó , hằng ngày chúng tôi đi ngang
qua một căn nhà gạch ngói nơi có chú Diều đang đào đất, khi thấy chúng tôi đi
ngang thì chú đứng dưới những cây đu đủ mọng trái, ngẩn ngơ lặng nhìn O Nếp.
Không biết sao lúc nhỏ tôi đã thích lá đu đủ, tôi hay
nhõng nhẽo đòi O Nếp xin cho một lá đu đủ để làm dù đội lên đầu mỗi chiều đi học
về, chiếc dù được tôi giữ mãi trong phòng ngủ cho đến khi lá úa thì O Nếp lại xin
chú Diều cho tôi một lá khác. Cứ như thế, mỗi ngày trên con đường về con bé tí
tung tăng đi trước với cái dù lá đu đủ trong khi chú Diều thì cứ lẽo đẽo theo O
Nếp thẹn thùng về tới cổng nhà. Một bữa
O Nếp nhờ tôi viết giùm O một cái thư, con bé tí đang học lớp một rất lấy làm hãnh
diện, với cây bút và lọ mực tím viết nguệch ngoạc những hàng chữ lên xuống không
thứ tự, cố đánh vần từng chữ theo những lời O Nếp đọc cho. O Nếp không cần biết
những dòng chữ xấu xí như thế nào, miễn là O có thư đưa cho chú Diều là được rồi.
Từ đó, mỗi chiều khi về nhà O Nếp đều cắt những miếng đu đủ ngon ngọt mà chú Diều
hái từ trên cây xuống cho tôi ăn. Tôi nhớ mãi màu vàng đỏ ửng của những miếng đu
đủ đó. Tôi nhớ luôn bàn tay khéo léo của O Nếp cẩn thận cắt trái đu đủ làm hai
mảnh, gọt vỏ thật mỏng, O lấy hết mấy hột đen trong ruột để dành phơi khô cho tôi
làm hột tiêu khi chơi nấu ăn, rồi O vắt thêm một chút chanh trên miếng đu đủ chín
ngậy, O nói là mùi chua của chanh làm cho mùi vị ngọt của đu đủ càng nồng thêm
hương. Đến khi lớn lên, tôi vẫn còn cái thói quen ăn đu đủ với một chút mùi
chanh thanh tao đó.
Không bao lâu thì tôi đã phải u sầu nhìn O Nếp ra đi.
Tôi nhớ là mình đã khóc ròng rã một tuần lễ khi hay tin mạ tôi cho O Nếp nghỉ
việc. O Nếp cũng ôm tôi nghẹn ngào từ giã mà không lời giải thích. Trong trí óc
rất non nớt của tôi lúc đó, tôi đã oán trách mạ quá khó khăn, tôi nghĩ mạ không
nuôi O Nếp nữa vì tự dưng O bỗng mập phì ra. Bây giờ mỗi lần nghe … ai mang bụi đỏ đi rồi tôi bồi hồi nhớ tới
ánh mắt sầu thảm của chú Diều nhìn theo bóng dáng của O Nếp xa khuất trên con
đường đất đỏ năm xưa trên thị trấn xa xôi ngày nào. Có phải lúc đó làn bụi đỏ đang
vương trên cây đu đủ trước nhà và đã làm cay đôi mắt rất buồn bã, tuyệt vọng của
chú Diều?
Tôi lớn lên yêu vẻ nhìn mộc mạc của câu đu đủ, thương
những chiếc lá với những cạnh lia thia không đều và món trái cây thích nhất dĩ
nhiên là đu đủ. Lá đu đủ còn mang lại những kỷ niệm với nỗi đau làm quặn thắt nỗi
lòng. Tôi nghe nói công dụng của lá đu đủ
có thể làm giảm bớt bệnh ung thư. Ba tôi trồng được năm cây đu đủ trong vườn, sau
đó cắt từng bao lá gửi lên cho một người bạn ở một tiểu bang khác uống để chống lại cơn bệnh ung thư phổi. Người bạn của ba tôi đang ở trong tình trạng
khuẩn nan, không còn uống thuốc, không còn chạy điện quang tuyến, về nhà chờ ngày
trăn trối. Thế mà, không biết có một sự trùng hợp linh thiêng nào đó, người bạn
này kéo dài đời sống thêm được hai năm. Ba tôi qủa quyết nhờ công dụng của lá đu
đủ. Tôi học theo lối chữa trị y học tây phương nên không tin, chỉ ừ hử cho ba tôi
vui lòng thôi.
Cách đây một năm, Sia, cô y tá làm với tôi đã năm năm
nay tự dưng đâm ra buồn bã, cáu kỉnh và có vẻ rất lơ đãng trong vấn đề làm việc.
Đây là một điều lạ kỳ vì Sia là một nhân viên giỏi, rất siêng năng, cô ta luôn
luôn được bệnh nhân yêu chuộng. Có khi tôi để ý lại thấy Sia lặng thầm khóc trong góc hành
lang. Tôi biết có một chuyện gì đó không ổn với Sia nên tôi giàn xếp đi ăn
chung với Sia đồng thời có một “heart to
heart talk” với cô ta. Quả nhiên như tôi tiên đoán, khi tôi đề cập tới những
hành động khác thường của Sia thì cô ta khóc nức nở và cho biết là chồng cô đang
chống chỏi với cơn bệnh ung thư gan. Cả tôi và Sia đều biết đây là một chứng bệnh
nan y, khó chữa. Chỉ vài hôm sau thì Kojo, chồng của Sia nhập viện vì bị nước vào
phổi và bụng. Tôi đến thăm Kojo, người đàn ông từ Liberia này có một khuôn mặt
rất nam tính, nụ cười yếu ớt nhưng chân thành. Từ đó cứ vài ba tuần thì Kojo lại
nhập viện, khi thì vào chuyền máu, khi thì vào nhận thuốc chữa chemotherapy và
có khi chỉ vì cơn sốt quá cao. Mỗi lần Kojo vào tôi đều đến thăm. Một bữa nọ tình
cờ tôi ghé thăm khi Kojo gần được xuất viện, thấy Kojo đang tìm một cái website
về đông y dược thảo. Có lẽ trong cơn tuyệt vọng, con người ai cũng cố bám víu lấy
một niềm hy vọng, tìm đủ mọi cách để duy trì sự sống tồn của chính mình. Tôi bỗng
nhớ đến dược thảo lá đu đủ của ba tôi. Khi nghe tôi đề cập đến thì Kojo mắt bừng
sáng, dường như nguồn hy vọng nhỏ nhoi đang nhớm lên như kẻ chết đuối bám được
một mảnh gỗ dù là gỗ mục nát cũng còn chút thoi thóp, sinh tồn. Kojo kể cho tôi
nghe là nơi quê hương của anh có rất nhiều
cây đủ đủ, còn gọi là paw paw dọc
theo con đường đất bụi đỏ khô cằn, nứt nẻ. Những cây đu đủ mọc lên từ những hạt
giống mà dân làng ăn xong liệng ra đường. Kojo nói đến thời thơ ấu ngây ngô của
anh và những trái đu đủ chín mùi, ngọt lịm.
Bấy giờ là tháng Mười Một, gặp năm mùa lạnh sớm nên
những cây đu đủ trong vườn của ba tôi đã tiêu rụng hết lá, tìm đâu ra lá đu đủ
cho Kojo đây. Thế là tôi gọi những người bạn ở những tiểu bang nắng ấm khác và
nhờ họ đi xin những lá đu đủ gửi qua cho tôi. Thế mà tôi cũng góp được hai bao
lớn đầy lá, mang đến cho Kojo, dặn dò là cứ cất trong freezer, mỗi ngày lấy ra
nấu nước uống dần dần. Sia đi làm tường
trình với tôi là Kojo uống nước lá đu đủ rất đều đặn, dĩ nhiên là vẫn tiếp tục
chữa trị thuốc theo lời bác sĩ. Một người bạn thấy tôi quay cuồng tìm kiếm lá đu
đủ thì chỉ cho một cái website nơi có bán trà đu đủ. Thế là tôi đặt mua cho
Kojo mấy gói và chỉ cho Sia cách mua thêm nếu cần. Tôi nghĩ, đây chỉ là một niềm
tin tâm linh nhỏ nhoi cuối cùng mà tôi có thể tạo cho Kojo để anh có can đảm đương
đầu với những bất an đang tới trong cơn bệnh ngặt nghèo này.
Một buổi sáng tôi vào sở thấy trước văn phòng tôi có
một thùng nước Perrier và Sia đứng chờ
với nụ cười tươi. Cô ta cho biết cả tuần nay Kojo thấy khoẻ nhiều nên hôm qua
hai vợ chồng đi Walmart, thùng nước Perrier
đó là của Kojo mua tặng tôi vì biết tôi hay uống loại nước này. Chao ơi là cảm
động khi nghĩ tới tấm thịnh tình rất chất phác của Kojo. Tôi gọi điện thoại cám
ơn Kojo và nghe tiếng nói reo vui của anh trong máy khiến tôi cũng mừng rỡ lây.
Kojo khoẻ không được bao lâu thì lại phải vào bệnh
viện nằm dài hạn. Chứng ung thư gan oan nghiệt đang hành hạ dữ dội, Kojo không
còn ăn uống gì được, da đã bắt đầu vàng đậm, chỉ chuyền nước biển cầm cự. Sia
nghẹn ngào nói với tôi là nguyện vọng của cô là có đủ tiền để sau khi Kojo mất
cô có thể đưa thi hài của Kojo về lại xứ sở, quê hương.
Lần cuối tôi đến thăm Kojo, khi hai cánh tay khẳng
khiu của anh đưa dài ra ôm choàng tôi, tôi nghe hơi nóng từ một cơn sốt bất nhẫn
toát ra từ cơ thể ốm o, gầy guộc của Kojo như một lời thở dài tạ từ. Tôi đã mường
tượng đến làn bụi đỏ vương trên cây đu đủ xanh mướt trên thị trấn năm nào, trên
những con đường làng khô khan của xứ Phi Châu xa thẳm, và cả trong ánh mắt xa vời
của chú Diều và của Sia.
December 2012
NTHX
Cảm ơn, bài viết của bạn rất hay! Mời bạn click vào đây để được giao cơm trưa của CTy Gia Chánh Cẩm Tuyết
ReplyDeleteCơm trưa văn phòng ngon ở quận 1 tại TPHCM
com trua van phongngon o quan 1 tai TPHCM
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
ReplyDeletecửa lưới dạng xếp
cửa lưới chống muỗi
lưới chống chuột
cửa lưới chống muỗi hà nội