Thursday, June 28, 2012




Nguyễn Đình Toàn & chiều nhạc ‘Hiên Cúc Vàng’ 

Đinh Yên Thảo


                         Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp chụp hình lưu         
                              niệm với anh chị em trình diễn trong chương trình Hiên Cúc Vàng


   Sớm mai. Một già, một trẻ, chúng tôi ngồi sau hiên nhà, nghe tiếng ríu rít của một ngày mới đang trở giấc. Ông châm ống tẩu, quay sang ngắm cây phong đỏ chớm vàng ngọn, chưa chuyển nhiều sang màu đỏ. Ông đang nhớ lại và đọc cho tôi nghe những câu thơ của Tagore, Rimbaud... Thời gian đã lấy mất giọng đọc quyến rũ của ông trong chương trình Nhạc Chủ Đề của Đài Phát Thanh Sài Gòn năm nào, mà tôi đã nghe lại từ cuốn CD nhạc có được. Nhưng nó vẫn rõ ràng, khoan thai trong dáng vẻ của một minh triết. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đọc tiếp cho tôi nghe bài thơ Tagore: 

"Tôi đã nhận được lời mời đi vào cuộc lễ trần gian
Và như thế là đời tôi đã được chúc lành
Phận sự của tôi trong cuộc lễ này là sử dụng nhạc khí của mình và tôi đã cố hết sức tôi
Tôi chỉ nguyện làm sao đời sống tôi được giản dị và ngay thẳng như một chiếc ống sáo người đã ban đầy âm nhạc
Ngày mà thần chết đến gõ cửa nhà tôi
Tôi sẽ không để hắn ra về tay không." 

Ông gật gù, buông câu rất ngắn: "Thế mới là thơ!". Tôi lặng im. Nghe một nhà thơ nói về một nhà thơ. Bởi tính ông vốn lặng lẽ. "Giản dị và ngay thẳng như một chiếc ống sáo", như lời thơ Tagore. Dầu đã trải qua biết bao những bất toàn của đời sống. Trong quá khứ và cả hiện nay. Ông trầm ngâm, thả một hơi khói dài. Tôi buông lời bông đùa để kéo ông về với câu chuyện dang dở, "Như vậy chú cũng chẳng để thần chết về tay không đâu". Hắn ta ắt phải xách theo nặng nề lắm. Những gì ông đã viết. Đã mất đi. Và còn sót lại. Như tấm huân chương giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc cho Áo Mơ Phai, tấm huân chương mang lại cho ông vinh quang một thời tuổi trẻ và lao ngục sau khi Sài Gòn thất thủ.
Gặp đã đôi lần vài năm trước, tôi vẫn chẳng nghe ông nói chuyện nhiều, chỉ hai hôm ông ngụ lại nhà tôi khi ghé sang Dallas tham dự chương trình Hiên Cúc Vàng, Chiều nhạc Nguyễn Đình Toàn, tôi mới có dịp trò chuyện cùng ông nhiều hơn. Nhất là sau đêm nghe nhạc ra về. Ông vui hẳn. Không phải vì số lượng đông đảo người mến mộ đến tham dự. Mà có lẽ ông nhìn ra được những tấm lòng của những ca sĩ, những người đứng ra tổ chức chương trình đã trân trọng ra sao với những gì như Áo Mơ Phai hoặc Tình Khúc Thứ Nhất ông viết khi còn rất trẻ và họ chưa chào đời. Hiếm lắm, dù chương trình đầu tiên cũng do một nhóm trẻ Hội Việt Học tổ chức tại nhật báo Người Việt vài tháng trước, mà ông kể rằng có những người mặc đồ rất tươm tất đã ngồi bệt xuống sàn để thưởng thức, vì không đủ ghế. Không phải ca khúc ông muốn giới trẻ nghe hay hát lại là "Tôi muốn nói với em" được Đức Duy đã ca bằng một nỗi đam mê sao? Không phải cũng là một thanh niên trẻ từ Mỹ về Việt Nam và vô tình mua được tấm huân chương giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc cho Áo Mơ Phai từ một hàng đồ cũ, khi về đã đăng báo tìm ông để trao lại ông, sau cuộc phiêu lưu gần nửa thế kỷ, mà ông kể rồi bảo chuyện khó tưởng.


                                BTC tặng hoa cho nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và phu nhân

                             
                              Poster giới thiệu Bông Hồng Tạ Ơn của NS Nguyễn Đình Toàn

Trở lại cùng chương trình  ‘Hiên Cúc Vàng, Chiều Nhạc Nguyễn Đình Toàn’ được tổ chức tại Dallas vào ngày 24 tháng Sáu 2012 vừa qua, được coi là một chương trình khá thành công khác về Nguyễn Đình Toàn, khi ban tổ chức cho biết đã rất áy náy khi phải từ chối những khán giả muốn đến cùng chương trình, khi dự định ban đầu chào đón chỉ 200 người đã trở thành 300 khán giả giữ chỗ vào những ngày cuối và hiện diện trong chương trình, trong đó đông đảo giới văn nghệ sĩ địa phương và giới truyền thông. Qua sự thâm giao và thân tình giữa những người nghệ sĩ, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp tại Dallas và nhà thơ Phan Xuân Sinh tại Houston đã mời nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn làm một cuộc viễn du về Texas. Xem đó là một việc làm ý nghĩa, cũng như bày tỏ sự trân trọng dành cho những thế hệ nghệ sĩ đi trước, một số thân hữu và tuần báo Trẻ tại Dallas đã đứng ra nhận lãnh công việc tổ chức này. Cùng với một số anh chị em thuộc ca đoàn Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Tại Garland và Giáo Xứ Thánh Tâm tại Carrollton, chương trình đã đem lại một sự bất ngờ cho cả nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và người tham dự, khi mang những sâu lắng của một giòng nhạc tha thiết đến xót xa bằng cái thánh thót, âm vang của tuổi trẻ trong lời ca, tiếng nhạc.  
Đến độ ông đã nắm tay, xúc động và tặng hoa cho  những giọng ca như Lệ Hiền, Ngọc Đăng, Lan Hương, Cẩm Tú, Kiều Trang, Tôn Thất Phương, Nguyên Nhi và Thanh Hằng, người đệm dương cầm. Không phải ông đã lên sân khấu để đứng ca Happy Birthday lần thứ 16 của bé Việt Anh cùng Việt Quân đệm cello cho Ian Bùi ca Khi Em Về do chính anh sáng tác, khi được giới thiệu là ngày diễn cũng là ngày sinh nhật của hai nhạc công trẻ tuổi. Không phải ông đã hỏi về hai bé Thiên Quang và Thiên Ân, đã bỏ công tập dợt để đệm cho cha mẹ là Lan Hương và nhạc sĩ Trần Đại Phước, người ca Tình Khúc Thứ Nhất được khán giả vỗ tay rất lâu với giọng ca đầm ấm, đầy diễn cảm của mình. Không phải ông cười thật tươi khi cô sinh viên Y Khoa năm nhất Bích Loan không chỉ trình tấu vĩ cầm ca khúc của ông, mà còn ca dăm câu nhạc của ông, bằng cái giọng tiếng Việt của người thiếu nữ sinh tại Mỹ rất dễ thương. Không phải ông vui khi trước những tà áo dài rực rỡ cùng những chiếc sơ mi trắng của những anh em nhân viên Trẻ đã trang trí, cắm hoa thật đẹp, lập bàn giới thiệu bộ sách Bông Hồng Tạ Ơn rất trân trọng, hay thiết kế những tấm poster, banner (mà ông cứ mãi tấm tắc khen và xin mang theo về California) của Thọ Đỗ vẽ kiểu, người cũng tạo sự xúc động cho một số khán giả lớn tuổi khi nghe lại "Em đến thăm anh đêm ba mươi"  do anh trình bày và đưa họ về với một thời, khi tóc còn xanh, môi hãy còn thơm và hiên cúc vàng vẫn đang rực rỡ một thời hoa mộng. Còn nhiều nữa, nếu ông biết thêm cả những tay guitar hay vĩ cầm như Công Khanh, Nguyên Hoàng, Lê Khoa, Thanh Hùng... Nếu họ không còn trẻ, thì ít ra, họ chỉ là những người của thế hệ đi sau, hoặc sau nữa, nhưng đã đến và góp mặt với chương trình vì những gì muốn đem lại cho ông. Đem lại sự trân trọng xứng đáng cho những thế hệ nghệ sĩ đi trước. Khi thời gian của một cuộc trần thế đã lần lượt tiễn đưa họ về lại nơi khởi đầu.  

Tôi muốn nói với em,
những em bé Việt Nam,
đang sống khắp bốn phương,
nghe nhắc tới cố hương,
thấy lòng vẫn chạnh buồn.  
dù Việt Nam có khi chỉ còn,
là bóng dáng héo mòn         
lắt lay trong hồn
giống như ngọn đèn mờ sương
Nhưng vẫn muốn sáng lên,
như tiếng nói đã quên,
tiếng mẹ tiếng Việt Nam,
rơi mãi xuống đáy tim ...
                   (Tôi Muốn nói với em - Nguyễn Đình Toàn)

Tôi không viết về nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, về thi văn, âm nhạc của ông. Vì có người bảo ông là một nghệ sĩ không cần lời giới thiệu. Hoặc tôi cũng không phải là người thích lặp lại dăm điều không cần thiết hay đủ khả năng để quay lại một khoảng thời gian vài chục năm. Hoặc giả là người phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề, đến VOA rồi những bộ sách Bông Hồng Tạ Ơn, ai sẽ là người hiểu và viết về giới văn nghệ sĩ nhiều hơn ông? Mà chỉ ghi lại đôi tâm tình về những gì ông muốn nhắn gởi trong "Tôi muốn nói với em" đã được hát. Và đã được nghe. Cùng những cảm nhận được dăm niềm vui ông chia sẻ riêng tư, những điều khác hơn với chỉ một chương trình nhạc thuần chất, thật đẹp và dễ thương nhưng vẫn còn dăm điều đã có thể làm tốt hơn. Ông bảo tôi rằng, vì lý do sức khoẻ của ông và phu nhân, cả ông bà đã không đi đâu nhiều và có lẽ sẽ khó còn dịp đến những nơi khác, dù nhận được khá nhiều lời mời. Nhìn sức khoẻ của phu nhân ông, tôi tin rằng đó là sự thật.  

Ông lại đọc thêm dăm câu thơ Tagore tôi chỉ còn nhớ ý rằng "Trước khi từ giã, tôi nhận ra rằng, tôi đã nhận được nhiều hơn là cho". Rồi kết luận "Những gặp gỡ trong đời cũng là điều may mắn, chúng ta đã nhận được nhiều hơn cho...". Ông chiêm nghiệm được tinh thần tri ân đời sống, mỗi điều nhỏ nhoi từ Tagore, dẫu đã đi qua bao thăng trầm, khổ đau đời sống nhưng vẫn giữ được sự  bình tâm và bình thản. Và tôi học lại điều này từ ông. Để cảm tạ những ân sũng, những hạnh ngộ trong đời. Và cảm ơn mọi điều để có được một chiều Hiên Cúc Vàng và cơ hội hạnh ngộ cùng ông thêm lần nữa. 

ĐYT
Dallas 06/2012                                                              

No comments:

Post a Comment