Lưu Na
Thiếu nữ. Tranh Nguyễn Trung
Anh Tư rủ tôi đi chùa. Tôi bắt đầu đi chùa từ năm kia, khi
Sang, bạn đồng nghiệp ân cần giới thiệu tôi và nhiều đồng nghiệp khác đi chùa
để ăn đồ chay. Sang nói, cuối tuần này
lễ Phật Đản, N. đi thử đi, nhiều đồ ăn lắm, thầy làm đồ chay ngon lại có nhiều
món nữa, phật tử tha hồ ăn, nhớ đi nghen.
Đi một lần, 2 lần, rồi nhiều lần.
Riết rồi bạn hát ca đoàn biết tôi đi chùa. Bạn bĩu môi liếc xéo, vậy là bỏ lễ. Tôi cãi, tao đi rất đều à nha. Thiệt
hông đó? Thiệt, xuân thu nhị kỳ. Nghĩa là Christmas và Easter? Ừ. Hứ. Ngoe
nguẩy cười khẩy, nhưng chỉ bấy nhiêu.
Còn một ông anh đã thực sự xuất gia thì mắng tôi thẳng thừng là giải thích làm gì với đứa đã theo đạo
khi tôi tra gạn khác biệt của tiểu thừa với đại thừa.
Khi tới đất này, tôi đi về trong cái cô đơn tuyệt vọng và
hoang mang. Những ngày ướt lạnh khô cằn,
tôi dỗ giấc ngủ với cuốn kinh Cựu Ước hình như do cha Nguyễn văn Thuận (?)
soạn. Chữ nhỏ li ti, đọc được 2 hàng thì
coi footnote tới 5 hàng, 15 phút chỉ xong được một đoạn ngắn. Vậy, nhưng tôi đã qua Sáng thế ký, Xuất hành,
và đi được một nửa Lê Vy. Sốt ruột, tôi
ngốn Tân Ước. Tôi vẫn không hiểu được
câu “của Cesar trả về cho Cesar, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa” do thầy
Minh dạy Toán nói. Bên cạnh đó, tôi cũng
tì tì ngốn Chu Dịch Huyền Giải, Đạo Đức Kinh, Lão Tử, Phật học tinh hoa, Kinh
Kim Cang, Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Anh Công
hỏi tôi sao không theo đạo. Tôi nói muốn
thờ ông Địa. Anh bảo miễn ông Địa không
là đấng tạo hóa, chỉ là một vị thần phù trợ thì có khác gì các thánh bản
mệnh… Hai mươi năm cương quyết đi nhà
thờ xem lễ, đi chùa đêm giao thừa, và cương quyết không rửa tội, tôi theo đạo
cái rụp. Ngày rửa tội, tôi chợt hiểu câu
nói về Cesar.
Và bây giờ tôi đi chùa để ăn chay “chùa” (!!!) Tôi ăn một tô hủ tiếu xong quành lại xếp hàng
lấy một dĩa cơm với đậu đũa xào và chén canh chua. Món cá kho ngon số dách nhưng tôi không ăn
được seaweed nên bỏ qua. Hôm nay tuy
thong thả ít người xếp hàng, nhưng người múc là một nữ phật tử cau mày gượm
tay. Cô là một trong hai người múc thức
ăn có đính kèm hoặc ánh mắt hoặc hành động “múc nhin nhín, ăn tiết kiệm,” không
bù với “huynh nón lá” úp vào dĩa của mình những vá thức ăn đầy tú hụ còn hỏi đủ
hông, thêm hông. Ăn xong tôi xuống phía
dưới coi thầy làm bánh bao. Thầy, tôi
đoán già 20 nhưng anh Tư nói già 30, là một người vui vẻ. Cái thiện, cái căn tu, như lộ ra nơi trán,
nơi ngón tay thuôn dài vắt miếng bột bánh bao gói mớ nhân đầy vun trong lòng
bàn tay. Chung quanh thầy là phật tử
thiện duyên góp công quả. Bốn em trai
nhồi bột, một cô nhỏ chạy qua pha bột rồi chạy về chỗ nhào bột cắt khúc. Ba cô khác cán những khúc bột dày khoảng 1
inch đó, dậm vào bột khô, rồi lại cán cho mịn, thành tấm bánh tròn mỏng lớn hơn
bàn tay xòe. Một mình thầy với ba chậu
nhân xào sẵn, cầm những tấm bánh cán mịn đó cho nhân vào rồi vừa vắt cánh vừa
xoay cho tấm bánh túm lại trước khi đặt vào xửng hấp. Bánh làm không kịp bán, muốn mua phải đặt
trước hơn một tiếng đồng hồ mới tới phiên mình.
Không biết bao nhiêu xửng bánh qua đi, thầy vẫn cần mẫn gói bánh. Em trai nhào bột đã ngưng tay chờ thầy cùng
ăn trưa. Em gái nói đừng chờ vì thầy sẽ
không ngưng trước khi xong việc. Trước
mặt thầy một bà trên 60 xin tập cán bột.
Chung quanh người ta cán ra được bốn tấm thì bà mới xong một, nhưng bà
không im lặng đưa ra sản phẩm. Bà phải
gọi thầy, chìa miếng bột đã cán trên tấm thớt và nói xấu quá, dở quá, vân
vân… Hay tay thầy không ngưng thì lấy
đâu mà hứng miếng bột cán của bà, và bà cứ dơ tấm thớt chờ. Những ánh mắt nhẫn nại vẫn cụp xuống cán,
lăn. Thầy vẫn cười tươi thắm. Bà giả lả để kêu phật tử Thiện Thành làm cho
đẹp hơn. Thầy nói, đẹp xấu gì bà cũng cứ làm đi.
Nhưng bà không thể trụ tâm vào công việc đã xin, bà không thể cán bột mà
không có sự chú ý của thầy. Sau lưng
thầy, một cô má phấn môi son mi dài và to như quạt của công chúa Ba Tiêu đang
đứng sát kề bên xin học gói bánh bao. Cô
xin thầy cho gói thử và đưa tay chờ miếng bột.
Không biết cô có đợi thầy cầm tay chỉ hay không, nhưng thầy bảo cô cứ
lượm miếng bột đang để sẵn đó mà làm thử.
Cô cầm lên cười chúm chím, mắt liếc người yêu đứng bên kia bàn như bẽn
lẽn như nghịch ngợm, như nũng nịu như phá phách. Miếng bột dúm lại trong tay cô. Đôi giày 4 inches không hợp tác với đôi chân
nhỏ của cô, cô phải di dời chuyển động rồi.
Cô đi vòng ra. Hình như tôi cảm
được làn hơi thở ra nhẹ nhõm của những ánh mắt nhẫn nại. Vành môi thầy vẫn cười tươi thắm, ngón tay
vẫn thoăn thoắt không ngừng. Chung quanh
thầy như có lớp sáng trong bao bọc, không hạt phấn (bột) nào vấy được. Bà 60 mươi bỏ đi thì một bà khác lấp chỗ, phụ
cắt giấy lót. Chưa được 5 phút bà cắt
giấy nửa đùa nửa thật hỏi có được thưởng công.
Thầy dễ dãi: bà muốn ăn bao nhiêu
cứ lấy. Hân hoan, cám ơn thầy con xin 2 cái. Nhưng
lấy bánh sống thôi, bánh chín đằng kia nhiều con mắt chờ đợi ngó mình đó. Những ánh mắt nhẫn nại như thở phào, cười nhẹ… Bà cán bột trở lại, một phật tử phải xê
ra. Cô bé pha bột hỏi sao đứng không,
người ấy trả lời không có chỗ. Những ánh
mắt nhẫn nại hơi đảo về phía bà. Xê ép
vào nhau cho phật tử ấy một chỗ đứng. Họ
im lặng làm việc. Tôi tưởng thấy đoàn
khất sĩ im lặng bước trên đường, tôi thấy như không có gì xao động được vành
môi tươi thắm cách nói chuyện hồn nhiên và những ngón tay thoăn thoắt kia. Hình như quanh họ chưa hề có chuyện thị
phi. Hình như họ chưa hề thấy thị
phi. Chỉ có tôi đứng đó, há hốc mồm nhìn
để thấy thị phi. … Anh Tư đã sốt ruột với cái tật “đàn bà” của
tôi, anh hỏi về chứ? Chúng tôi quành vào chánh điện lạy phật, tôi
thành kính khấn vái sì sụp lễ lạy, và anh Tư cần mẫn bỏ tiền vào thùng phước
sương.
Trên đường về, anh Tư chợt nói thầy ở đây không quá nghiêm khắc.
????? Hôm nọ lên chùa ở San Diego, thấy thầy giữ một khoảng cách với phật tử,
không cho ai đứng gần sát mình. Tôi
hơi ngạc nhiên, nhưng tôi hiểu, giữ giới bằng không gian hay bằng lòng tĩnh
lặng sáng trong, vẫn là giữ giới. Tôi
nhớ câu thơ in như là của Như Chi: khắp
cửa thiền đâu thiếu trần duyên, tôi nhớ nhân vật Thanh Thị trong truyện của
Vĩnh Hảo. Chắc phải ăn thêm rất nhiều
bữa cơm chay chùa (!!!!) nữa thì tôi mới
mong thoát ý sân si nơi mắt nhìn, nơi lòng sắc mắc.
Có lý do chính đáng, tôi yên tâm với chuyện đi chùa ăn cơm
chay của mình.
Lưu Na
06/03/2012
No comments:
Post a Comment