Friday, June 29, 2012


thơ nguyễn xuân thiệp 

đọc emily dickinson.
gặp con ong nhỏ và cậu bé đi tìm mặt trăng



                                                                
                                                                 Emily Dickinson

đêm nay
anh ngồi đọc. emily dickinson
gặp chú ong
ngày nào
và đứa bé
đi tìm mặt trăng. trong chiếc lá khô
đứa bé cười reo. với nắng
chú cùng với con ong
chui vào bụi hoa. rồi ngủ. say. trong mùi mật
cho tới khi mặt trời. như trái chín. rụng
tôi phải đánh thức. gọi chú về
hê. con ong. như chiếc thuyền nhỏ. bay đi
ôi con ong. con ong của chú bé
và những ngày vui

còn con ong nhỏ của tôi
em ơi
đã chết trên cánh đồng của tóc khô và những cây gai nhọn
NXT

Thursday, June 28, 2012




Nguyễn Đình Toàn & chiều nhạc ‘Hiên Cúc Vàng’ 

Đinh Yên Thảo


                         Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp chụp hình lưu         
                              niệm với anh chị em trình diễn trong chương trình Hiên Cúc Vàng


   Sớm mai. Một già, một trẻ, chúng tôi ngồi sau hiên nhà, nghe tiếng ríu rít của một ngày mới đang trở giấc. Ông châm ống tẩu, quay sang ngắm cây phong đỏ chớm vàng ngọn, chưa chuyển nhiều sang màu đỏ. Ông đang nhớ lại và đọc cho tôi nghe những câu thơ của Tagore, Rimbaud... Thời gian đã lấy mất giọng đọc quyến rũ của ông trong chương trình Nhạc Chủ Đề của Đài Phát Thanh Sài Gòn năm nào, mà tôi đã nghe lại từ cuốn CD nhạc có được. Nhưng nó vẫn rõ ràng, khoan thai trong dáng vẻ của một minh triết. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đọc tiếp cho tôi nghe bài thơ Tagore: 

"Tôi đã nhận được lời mời đi vào cuộc lễ trần gian
Và như thế là đời tôi đã được chúc lành
Phận sự của tôi trong cuộc lễ này là sử dụng nhạc khí của mình và tôi đã cố hết sức tôi
Tôi chỉ nguyện làm sao đời sống tôi được giản dị và ngay thẳng như một chiếc ống sáo người đã ban đầy âm nhạc
Ngày mà thần chết đến gõ cửa nhà tôi
Tôi sẽ không để hắn ra về tay không." 

Ông gật gù, buông câu rất ngắn: "Thế mới là thơ!". Tôi lặng im. Nghe một nhà thơ nói về một nhà thơ. Bởi tính ông vốn lặng lẽ. "Giản dị và ngay thẳng như một chiếc ống sáo", như lời thơ Tagore. Dầu đã trải qua biết bao những bất toàn của đời sống. Trong quá khứ và cả hiện nay. Ông trầm ngâm, thả một hơi khói dài. Tôi buông lời bông đùa để kéo ông về với câu chuyện dang dở, "Như vậy chú cũng chẳng để thần chết về tay không đâu". Hắn ta ắt phải xách theo nặng nề lắm. Những gì ông đã viết. Đã mất đi. Và còn sót lại. Như tấm huân chương giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc cho Áo Mơ Phai, tấm huân chương mang lại cho ông vinh quang một thời tuổi trẻ và lao ngục sau khi Sài Gòn thất thủ.
Gặp đã đôi lần vài năm trước, tôi vẫn chẳng nghe ông nói chuyện nhiều, chỉ hai hôm ông ngụ lại nhà tôi khi ghé sang Dallas tham dự chương trình Hiên Cúc Vàng, Chiều nhạc Nguyễn Đình Toàn, tôi mới có dịp trò chuyện cùng ông nhiều hơn. Nhất là sau đêm nghe nhạc ra về. Ông vui hẳn. Không phải vì số lượng đông đảo người mến mộ đến tham dự. Mà có lẽ ông nhìn ra được những tấm lòng của những ca sĩ, những người đứng ra tổ chức chương trình đã trân trọng ra sao với những gì như Áo Mơ Phai hoặc Tình Khúc Thứ Nhất ông viết khi còn rất trẻ và họ chưa chào đời. Hiếm lắm, dù chương trình đầu tiên cũng do một nhóm trẻ Hội Việt Học tổ chức tại nhật báo Người Việt vài tháng trước, mà ông kể rằng có những người mặc đồ rất tươm tất đã ngồi bệt xuống sàn để thưởng thức, vì không đủ ghế. Không phải ca khúc ông muốn giới trẻ nghe hay hát lại là "Tôi muốn nói với em" được Đức Duy đã ca bằng một nỗi đam mê sao? Không phải cũng là một thanh niên trẻ từ Mỹ về Việt Nam và vô tình mua được tấm huân chương giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc cho Áo Mơ Phai từ một hàng đồ cũ, khi về đã đăng báo tìm ông để trao lại ông, sau cuộc phiêu lưu gần nửa thế kỷ, mà ông kể rồi bảo chuyện khó tưởng.


                                BTC tặng hoa cho nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và phu nhân

                             
                              Poster giới thiệu Bông Hồng Tạ Ơn của NS Nguyễn Đình Toàn

Trở lại cùng chương trình  ‘Hiên Cúc Vàng, Chiều Nhạc Nguyễn Đình Toàn’ được tổ chức tại Dallas vào ngày 24 tháng Sáu 2012 vừa qua, được coi là một chương trình khá thành công khác về Nguyễn Đình Toàn, khi ban tổ chức cho biết đã rất áy náy khi phải từ chối những khán giả muốn đến cùng chương trình, khi dự định ban đầu chào đón chỉ 200 người đã trở thành 300 khán giả giữ chỗ vào những ngày cuối và hiện diện trong chương trình, trong đó đông đảo giới văn nghệ sĩ địa phương và giới truyền thông. Qua sự thâm giao và thân tình giữa những người nghệ sĩ, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp tại Dallas và nhà thơ Phan Xuân Sinh tại Houston đã mời nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn làm một cuộc viễn du về Texas. Xem đó là một việc làm ý nghĩa, cũng như bày tỏ sự trân trọng dành cho những thế hệ nghệ sĩ đi trước, một số thân hữu và tuần báo Trẻ tại Dallas đã đứng ra nhận lãnh công việc tổ chức này. Cùng với một số anh chị em thuộc ca đoàn Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Tại Garland và Giáo Xứ Thánh Tâm tại Carrollton, chương trình đã đem lại một sự bất ngờ cho cả nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và người tham dự, khi mang những sâu lắng của một giòng nhạc tha thiết đến xót xa bằng cái thánh thót, âm vang của tuổi trẻ trong lời ca, tiếng nhạc.  
Đến độ ông đã nắm tay, xúc động và tặng hoa cho  những giọng ca như Lệ Hiền, Ngọc Đăng, Lan Hương, Cẩm Tú, Kiều Trang, Tôn Thất Phương, Nguyên Nhi và Thanh Hằng, người đệm dương cầm. Không phải ông đã lên sân khấu để đứng ca Happy Birthday lần thứ 16 của bé Việt Anh cùng Việt Quân đệm cello cho Ian Bùi ca Khi Em Về do chính anh sáng tác, khi được giới thiệu là ngày diễn cũng là ngày sinh nhật của hai nhạc công trẻ tuổi. Không phải ông đã hỏi về hai bé Thiên Quang và Thiên Ân, đã bỏ công tập dợt để đệm cho cha mẹ là Lan Hương và nhạc sĩ Trần Đại Phước, người ca Tình Khúc Thứ Nhất được khán giả vỗ tay rất lâu với giọng ca đầm ấm, đầy diễn cảm của mình. Không phải ông cười thật tươi khi cô sinh viên Y Khoa năm nhất Bích Loan không chỉ trình tấu vĩ cầm ca khúc của ông, mà còn ca dăm câu nhạc của ông, bằng cái giọng tiếng Việt của người thiếu nữ sinh tại Mỹ rất dễ thương. Không phải ông vui khi trước những tà áo dài rực rỡ cùng những chiếc sơ mi trắng của những anh em nhân viên Trẻ đã trang trí, cắm hoa thật đẹp, lập bàn giới thiệu bộ sách Bông Hồng Tạ Ơn rất trân trọng, hay thiết kế những tấm poster, banner (mà ông cứ mãi tấm tắc khen và xin mang theo về California) của Thọ Đỗ vẽ kiểu, người cũng tạo sự xúc động cho một số khán giả lớn tuổi khi nghe lại "Em đến thăm anh đêm ba mươi"  do anh trình bày và đưa họ về với một thời, khi tóc còn xanh, môi hãy còn thơm và hiên cúc vàng vẫn đang rực rỡ một thời hoa mộng. Còn nhiều nữa, nếu ông biết thêm cả những tay guitar hay vĩ cầm như Công Khanh, Nguyên Hoàng, Lê Khoa, Thanh Hùng... Nếu họ không còn trẻ, thì ít ra, họ chỉ là những người của thế hệ đi sau, hoặc sau nữa, nhưng đã đến và góp mặt với chương trình vì những gì muốn đem lại cho ông. Đem lại sự trân trọng xứng đáng cho những thế hệ nghệ sĩ đi trước. Khi thời gian của một cuộc trần thế đã lần lượt tiễn đưa họ về lại nơi khởi đầu.  

Tôi muốn nói với em,
những em bé Việt Nam,
đang sống khắp bốn phương,
nghe nhắc tới cố hương,
thấy lòng vẫn chạnh buồn.  
dù Việt Nam có khi chỉ còn,
là bóng dáng héo mòn         
lắt lay trong hồn
giống như ngọn đèn mờ sương
Nhưng vẫn muốn sáng lên,
như tiếng nói đã quên,
tiếng mẹ tiếng Việt Nam,
rơi mãi xuống đáy tim ...
                   (Tôi Muốn nói với em - Nguyễn Đình Toàn)

Tôi không viết về nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, về thi văn, âm nhạc của ông. Vì có người bảo ông là một nghệ sĩ không cần lời giới thiệu. Hoặc tôi cũng không phải là người thích lặp lại dăm điều không cần thiết hay đủ khả năng để quay lại một khoảng thời gian vài chục năm. Hoặc giả là người phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề, đến VOA rồi những bộ sách Bông Hồng Tạ Ơn, ai sẽ là người hiểu và viết về giới văn nghệ sĩ nhiều hơn ông? Mà chỉ ghi lại đôi tâm tình về những gì ông muốn nhắn gởi trong "Tôi muốn nói với em" đã được hát. Và đã được nghe. Cùng những cảm nhận được dăm niềm vui ông chia sẻ riêng tư, những điều khác hơn với chỉ một chương trình nhạc thuần chất, thật đẹp và dễ thương nhưng vẫn còn dăm điều đã có thể làm tốt hơn. Ông bảo tôi rằng, vì lý do sức khoẻ của ông và phu nhân, cả ông bà đã không đi đâu nhiều và có lẽ sẽ khó còn dịp đến những nơi khác, dù nhận được khá nhiều lời mời. Nhìn sức khoẻ của phu nhân ông, tôi tin rằng đó là sự thật.  

Ông lại đọc thêm dăm câu thơ Tagore tôi chỉ còn nhớ ý rằng "Trước khi từ giã, tôi nhận ra rằng, tôi đã nhận được nhiều hơn là cho". Rồi kết luận "Những gặp gỡ trong đời cũng là điều may mắn, chúng ta đã nhận được nhiều hơn cho...". Ông chiêm nghiệm được tinh thần tri ân đời sống, mỗi điều nhỏ nhoi từ Tagore, dẫu đã đi qua bao thăng trầm, khổ đau đời sống nhưng vẫn giữ được sự  bình tâm và bình thản. Và tôi học lại điều này từ ông. Để cảm tạ những ân sũng, những hạnh ngộ trong đời. Và cảm ơn mọi điều để có được một chiều Hiên Cúc Vàng và cơ hội hạnh ngộ cùng ông thêm lần nữa. 

ĐYT
Dallas 06/2012                                                              

Wednesday, June 27, 2012




thơ hoàng xuân sơn

đ ỗ  m ầ u  h o a  t h i


                                                            Tĩnh vật Thân Trọng Minh

đỗ quyên chiều vai lạ
qua rừng vóc nắng xôn xao
da trời xanh huế
ửng mùa trạng nguyên áo đỏ
khi chẩy xuôi như sông về cồn
như sông êm êm
dập dìu lau trắng dã viên
mùa im cổ tích
nhớ một người huyền trân xưa vóc liễu
thướt tha dáng gầy chừ vềŠ đâu
mở bước truy vong hội trang đài
văn xương khúc đầu cành thục nữ
hoa thi bối đầu
huế dần đông xám ngất trời
bụi bay như mưa châm kim
sương què mạc lụn chân chim
vết chim đuôi mắt người
bay một trần khơi
chừ
đỗ quyên sụt sùi hoa .         nấc
ong óng lệ
buồn tra lão chiều gối quê
già lung
nắm đất chẩy trôi thương mười ngón
thương đường gân mấp mé cười móm mém tàn tro
phiên phiến di hài
đỗ quyên thẩm nhung hoa còn đâu đó
biết đâu còn .

HOÀNG XUÂN SƠN
tháng ba hai ngàn lẻ một
ĐI CHÙA 

Lưu Na 

                     
                                                        Thiếu nữ. Tranh Nguyễn Trung

Anh Tư rủ tôi đi chùa. Tôi bắt đầu đi chùa từ năm kia, khi Sang, bạn đồng nghiệp ân cần giới thiệu tôi và nhiều đồng nghiệp khác đi chùa để ăn đồ chay.  Sang nói, cuối tuần này lễ Phật Đản, N. đi thử đi, nhiều đồ ăn lắm, thầy làm đồ chay ngon lại có nhiều món nữa, phật tử tha hồ ăn, nhớ đi nghen.  Đi một lần, 2 lần, rồi nhiều lần.  Riết rồi bạn hát ca đoàn biết tôi đi chùa.  Bạn bĩu môi liếc xéo, vậy là bỏ lễ.  Tôi cãi, tao đi rất đều à nha.  Thiệt hông đó? Thiệt, xuân thu nhị kỳ.  Nghĩa là Christmas và Easter?  Ừ.  Hứ.  Ngoe nguẩy cười khẩy, nhưng chỉ bấy nhiêu.  Còn một ông anh đã thực sự xuất gia thì mắng tôi thẳng thừng là giải thích làm gì với đứa đã theo đạo khi tôi tra gạn khác biệt của tiểu thừa với đại thừa.

 Tôi gẫm, con đường tôn giáo nhiều khúc quanh.  Tôn giáo, cũng như true identity của một người, là chuyện don’t ask don’t tell (mà có anh bạn đã âu yếm nói đó là khẩu khí đàn bà !!!)  Gia đình tôi theo đạo thờ Ông Bà, nghĩa là đạo Khổng, phải vậy không?  Chùa cũng không viếng, nhà thờ cũng không đi.  Tôi nói ra sự thật chắc ít thì bị vả nhiều thì tai vạ, chứ Ba không thích phật tử vì cái chuyện chuyên biểu tình thời ông Diệm, đem bàn thờ Phật xuống đường, làm lợi cho cộng sản; còn Má kỵ người Bắc công giáo, họ nhất quyết bắt con người ta phải theo đạo nếu muốn kết hôn và đương nhiên Má sẽ không bao giờ gả.  Rút cuộc, con gái lớn của Má lấy một ông chồng công giáo và tình nguyện rửa tội theo đạo, Má đâu có nói gì.  Và tôi, đường tôi đi thì nhiêu khê hơn.  Năm bẩy tuổi tôi thèm đi gia đình Phật tử, thì đó là chuyện xa vời.  Mười mấy tuổi tôi muốn đi nhà thờ, cái đó là chuyện đại kỵ.  Nhưng tôi đã dám làm những chuyện tôi muốn, dẫu phải lén lút.  Tôi có quyển kinh loại nhỏ bằng bàn tay, tôi học thêm Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính, vì Kinh Kính Mừng tôi nghe hàng xóm đọc hàng đêm đã thuộc lòng rồi.  Tôi lén đi nhà thờ Tân Định, rồi nghe bạn bè rao truyền, tôi vào nhà thờ Đắc Lộ, phòng xem lễ chỉ nhỏ như phòng học, để xem lễ với ban nhạc sống hát ngay sau lưng, hát bè (tôi biết nghe hát bè từ nơi đó).  Tôi bắt đầu đọc kinh Cựu Ước.

Khi tới đất này, tôi đi về trong cái cô đơn tuyệt vọng và hoang mang.  Những ngày ướt lạnh khô cằn, tôi dỗ giấc ngủ với cuốn kinh Cựu Ước hình như do cha Nguyễn văn Thuận (?) soạn.  Chữ nhỏ li ti, đọc được 2 hàng thì coi footnote tới 5 hàng, 15 phút chỉ xong được một đoạn ngắn.  Vậy, nhưng tôi đã qua Sáng thế ký, Xuất hành, và đi được một nửa Lê Vy.  Sốt ruột, tôi ngốn Tân Ước.  Tôi vẫn không hiểu được câu “của Cesar trả về cho Cesar, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa” do thầy Minh dạy Toán nói.  Bên cạnh đó, tôi cũng tì tì ngốn Chu Dịch Huyền Giải, Đạo Đức Kinh, Lão Tử, Phật học tinh hoa, Kinh Kim Cang, Kinh Thủ Lăng Nghiêm.  Anh Công hỏi tôi sao không theo đạo.  Tôi nói muốn thờ ông Địa.  Anh bảo miễn ông Địa không là đấng tạo hóa, chỉ là một vị thần phù trợ thì có khác gì các thánh bản mệnh…  Hai mươi năm cương quyết đi nhà thờ xem lễ, đi chùa đêm giao thừa, và cương quyết không rửa tội, tôi theo đạo cái rụp.  Ngày rửa tội, tôi chợt hiểu câu nói về Cesar.  

Và bây giờ tôi đi chùa để ăn chay “chùa” (!!!)  Tôi ăn một tô hủ tiếu xong quành lại xếp hàng lấy một dĩa cơm với đậu đũa xào và chén canh chua.  Món cá kho ngon số dách nhưng tôi không ăn được seaweed nên bỏ qua.  Hôm nay tuy thong thả ít người xếp hàng, nhưng người múc là một nữ phật tử cau mày gượm tay.  Cô là một trong hai người múc thức ăn có đính kèm hoặc ánh mắt hoặc hành động “múc nhin nhín, ăn tiết kiệm,” không bù với “huynh nón lá” úp vào dĩa của mình những vá thức ăn đầy tú hụ còn hỏi đủ hông, thêm hông.  Ăn xong tôi xuống phía dưới coi thầy làm bánh bao.  Thầy, tôi đoán già 20 nhưng anh Tư nói già 30, là một người vui vẻ.  Cái thiện, cái căn tu, như lộ ra nơi trán, nơi ngón tay thuôn dài vắt miếng bột bánh bao gói mớ nhân đầy vun trong lòng bàn tay.  Chung quanh thầy là phật tử thiện duyên góp công quả.  Bốn em trai nhồi bột, một cô nhỏ chạy qua pha bột rồi chạy về chỗ nhào bột cắt khúc.  Ba cô khác cán những khúc bột dày khoảng 1 inch đó, dậm vào bột khô, rồi lại cán cho mịn, thành tấm bánh tròn mỏng lớn hơn bàn tay xòe.  Một mình thầy với ba chậu nhân xào sẵn, cầm những tấm bánh cán mịn đó cho nhân vào rồi vừa vắt cánh vừa xoay cho tấm bánh túm lại trước khi đặt vào xửng hấp.  Bánh làm không kịp bán, muốn mua phải đặt trước hơn một tiếng đồng hồ mới tới phiên mình.  Không biết bao nhiêu xửng bánh qua đi, thầy vẫn cần mẫn gói bánh.  Em trai nhào bột đã ngưng tay chờ thầy cùng ăn trưa.  Em gái nói đừng chờ vì thầy sẽ không ngưng trước khi xong việc.  Trước mặt thầy một bà trên 60 xin tập cán bột.  Chung quanh người ta cán ra được bốn tấm thì bà mới xong một, nhưng bà không im lặng đưa ra sản phẩm.  Bà phải gọi thầy, chìa miếng bột đã cán trên tấm thớt và nói xấu quá, dở quá, vân vân…  Hay tay thầy không ngưng thì lấy đâu mà hứng miếng bột cán của bà, và bà cứ dơ tấm thớt chờ.  Những ánh mắt nhẫn nại vẫn cụp xuống cán, lăn.  Thầy vẫn cười tươi thắm.  Bà giả lả để kêu phật tử Thiện Thành làm cho đẹp hơn.  Thầy nói, đẹp xấu gì bà cũng cứ làm đi.  Nhưng bà không thể trụ tâm vào công việc đã xin, bà không thể cán bột mà không có sự chú ý của thầy.  Sau lưng thầy, một cô má phấn môi son mi dài và to như quạt của công chúa Ba Tiêu đang đứng sát kề bên xin học gói bánh bao.  Cô xin thầy cho gói thử và đưa tay chờ miếng bột.  Không biết cô có đợi thầy cầm tay chỉ hay không, nhưng thầy bảo cô cứ lượm miếng bột đang để sẵn đó mà làm thử.  Cô cầm lên cười chúm chím, mắt liếc người yêu đứng bên kia bàn như bẽn lẽn như nghịch ngợm, như nũng nịu như phá phách.  Miếng bột dúm lại trong tay cô.  Đôi giày 4 inches không hợp tác với đôi chân nhỏ của cô, cô phải di dời chuyển động rồi.  Cô đi vòng ra.  Hình như tôi cảm được làn hơi thở ra nhẹ nhõm của những ánh mắt nhẫn nại.  Vành môi thầy vẫn cười tươi thắm, ngón tay vẫn thoăn thoắt không ngừng.  Chung quanh thầy như có lớp sáng trong bao bọc, không hạt phấn (bột) nào vấy được.  Bà 60 mươi bỏ đi thì một bà khác lấp chỗ, phụ cắt giấy lót.  Chưa được 5 phút bà cắt giấy nửa đùa nửa thật hỏi có được thưởng công.  Thầy dễ dãi: bà muốn ăn bao nhiêu cứ lấy.  Hân hoan, cám ơn thầy con xin 2 cái.  Nhưng lấy bánh sống thôi, bánh chín đằng kia nhiều con mắt chờ đợi ngó mình đó.  Những ánh mắt nhẫn nại như thở phào, cười nhẹ…  Bà cán bột trở lại, một phật tử phải xê ra.  Cô bé pha bột hỏi sao đứng không, người ấy trả lời không có chỗ.  Những ánh mắt nhẫn nại hơi đảo về phía bà.  Xê ép vào nhau cho phật tử ấy một chỗ đứng.  Họ im lặng làm việc.  Tôi tưởng thấy đoàn khất sĩ im lặng bước trên đường, tôi thấy như không có gì xao động được vành môi tươi thắm cách nói chuyện hồn nhiên và những ngón tay thoăn thoắt kia.  Hình như quanh họ chưa hề có chuyện thị phi.  Hình như họ chưa hề thấy thị phi.  Chỉ có tôi đứng đó, há hốc mồm nhìn để thấy thị phi.    Anh Tư đã sốt ruột với cái tật “đàn bà” của tôi, anh hỏi về chứ?  Chúng tôi quành vào chánh điện lạy phật, tôi thành kính khấn vái sì sụp lễ lạy, và anh Tư cần mẫn bỏ tiền vào thùng phước sương.   

Trên đường về, anh Tư chợt nói thầy ở đây không quá nghiêm khắc.  ?????  Hôm nọ lên chùa ở San Diego, thấy thầy giữ một khoảng cách với phật tử, không cho ai đứng gần sát mình.  Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng tôi hiểu, giữ giới bằng không gian hay bằng lòng tĩnh lặng sáng trong, vẫn là giữ giới.  Tôi nhớ câu thơ in như là của Như Chi: khắp cửa thiền đâu thiếu trần duyên, tôi nhớ nhân vật Thanh Thị trong truyện của Vĩnh Hảo.  Chắc phải ăn thêm rất nhiều bữa cơm chay  chùa (!!!!) nữa thì tôi mới mong thoát ý sân si nơi mắt nhìn, nơi lòng sắc mắc.   

Có lý do chính đáng, tôi yên tâm với chuyện đi chùa ăn cơm chay của mình.

Lưu Na
06/03/2012

Tuesday, June 26, 2012


Sinh hoạt văn học nghệ thuật 

Triển lãm Tranh & Tượng



                                                    


                                                      Bảy họa sĩ Vùng Vịnh (Bay Area)                                    
                                                                       Thomas Chu
                                                                      Đào Hải Triều
Jennny Đỗ
                                                                  Lê Thị Quế Hương
                                                                         Trinh Mai,
   Nguyễn Trí MinhQuang
     Trương Thị Thịnh
                                                             trưng bày tranh & Tượng tại
                           Thư Viện Dr. Martin Luther King, Jr. -  150 Ẹ San Fernando St., San Jose CA 95112
                                                    Từ 03 tháng Bảy đến 30 tháng Bảy, 2012.

                                                           Tiếp tân: Thứ Bảy 07 tháng Bảy, 2012
                                                                          từ 1 đến 5 PM


Monday, June 4, 2012


thơ nguyễn xuân thiệp

tiếng kêu của chiếc phong linh vỏ sò




anh trở lại ngôi nhà xưa
nghe tiếng kêu của chiếc phong linh vỏ sò
nghĩ tới những ngày vui. không còn nữa
chiếc phong linh vỏ sò. em mua ở garage sale ngày nọ. lúc mới qua đây
khi mình chưa có việc làm
nhưng cuộc đời. như nắng. vẫn cười reo ngoài khung cửa sổ


anh trở lại ngôi nhà. nơi mình đã từng sống với con trai
nghe tiếng phong linh. và thấy cây sage. em trồng
đã nở đầy hoa tím
sao em không về

sao em không về
mùa hạ đã đến bên hiên. rồi đó
và tiếng phong linh
và mảnh trăng. như chiếc lá khô
anh gọi là trăng thiền
đã nhô lên. trên nóc nhà hàng xóm
sao em không về

sao em không về
chiếc giường còn đó. và những sợi tóc của em
tấm gương mờ. chỉ còn soi một bóng
anh
đi trong ngày của gió
nghĩ tới bài thơ buổi đầu. đã viết
dung
dung ơi
tiêng kêu của chiếc phong linh vỏ sò
còn vang
trong chiều. nắng tắt

NXT
trần thị nguyệt mai

Giới thiệu Thư Quán Bản Thảo số 52
Sự im lặng của cát bụi




Cầm cuốn TQBT số 52 trên tay, tôi thật sự cảm động. Tôi hiểu anh chị đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc và công sức để thực hiện những số báo rất quý giá này. Giữa thời buổi mà báo mạng hầu như đã chiếm ưu thế trong mọi gia đình Việt Nam, báo giấy đương nhiên càng gặp khó khăn với tình hình kinh tế hiện nay. Như gần đây tạp chí Hợp Lưu đã thông báo sẽ đổi thời gian phát hành từ hai sang ba tháng, thì Thư Quán Bản Thảo lúc sau này đã ra báo đều đặn hai tháng một lần. Một tờ tạp chí thuần túy văn học với những chủ đề rất hiếm có, đặc trưng như giới thiệu nhà thơ Lâm Vị Thủy với tập thơ Sao em không về làm chim thành phố, nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm với tác phẩm Cõi Đá Vàng, v.v… Báo in thật đẹp, đẹp từ nội dung đến hình thức, không bán, chỉ để tặng cho bạn bè và thân hữu hoặc những ai có yêu cầu. Không có lấy một trang quảng cáo. Vậy thì cái gì đã khiến anh chị làm như vậy? Nếu không vì lòng yêu mến văn chương, muốn giúp các bạn trẻ tìm hiểu thêm về tác giả và tác phẩm, là nơi để anh và bạn bè có thể trải lòng viết lách mà không sợ bất cứ một thế lực hoặc một cơ quan kiểm duyệt nào, cũng không sợ bị hacker phá hoại. Như gần đây chúng đã phá hoại một trang văn chương mạng trong nước và người chủ mạng cũng gặp khó khăn với chánh quyền sở tại (bị kêu lên “hầu” ít nhất là ba lần vì đã đưa lên những bài vở quá “nhạy cảm”). Và nhất là để chứng tỏ với mọi người rằng văn chương miền Nam không chết, nó vẫn đang được những người cầm bút, cũ và mới, viết tiếp ở hải ngoại và ngay cả trong nước. Như trường hợp nhà thơ Khoa Hữu. Khi còn tại thế, anh vẫn âm thầm sáng tác những bài thơ vinh danh người lính đã bị bức tử oan nghiệt sau tháng 4-1975.  Thơ của anh đã được đưa ra ngoài và đăng trên những tạp chí hải ngoại.

Còn nhớ sau khi thực hiện xong số báo 50 (tháng 2 - 2012), chủ đề Nguyễn Đức Sơn và thơ văn mùa Tết, anh nói với tôi: “Số tới 51 (tháng 4 – 2012), mình sẽ giới thiệu về nhà thơ Giang Hữu Tuyên.  Anh sẽ cố gắng tập trung cho số báo này và chắc sẽ lâu lắm mới ra số báo tới…”  Nghe anh nói như vậy, tôi rất buồn. Vì tôi biết anh không được khỏe trong người. Gần đây, bệnh Gout và bệnh Joint hành hạ anh không ít. Chân anh đi cà nhắc, không vững, phải dựa vào chị. Thêm trận cúm nặng, anh đã ho suốt đêm, người mệt không chịu nổi. Tôi hiểu nếu anh không làm thì ai sẽ làm đây? Sẽ không có một người nào chịu bỏ ra 10 tiếng lái xe cho mỗi lần đi đến thư viện đại học Cornell để sưu tầm bài vở. Không phải chỉ đến đó một lần mà rất nhiều lần, kể cả khi trời mưa tuyết bão bùng. Anh chị đã cố gắng vực dậy một nền văn học miền Nam một thời đã bị hủy diệt. Ngày đó người ta đã ném chúng vào đống lửa không thương tiếc thì ngày nay anh chị đi tìm lại những đứa con thất tán đó mang về, để trả lại danh dự cho những người cầm bút và để giới thiệu với độc giả - những người bạn, những người em - những tác phẩm thật hay và quý giá của một thời huy hoàng ngắn ngủi. Anh chị rất vui khi nhận được những chia sẻ chân thành của độc giả yêu mến những tạp chí, những đầu sách do Thư Ấn Quán phát hành. Tuy nói là như thế, nhưng anh vẫn cố gắng, vẫn cho ra báo đều đặn hai tháng một kỳ, như bạn đã thấy số báo này ra sau số 51 đúng 2 tháng. Đó là chưa kể có lúc anh chơi sang, ngoài TQBT anh còn tặng cho độc giả một tác phẩm đi kèm. Như số 47 giới thiệu nhà thơ Luân Hoán, anh tặng cuốn thơ Thanh Thi, số 48 nói về tạp chí Bách Khoa, anh tặng tập Truyện từ Bách Khoa của anh. Có thể nói chưa có tạp chí nào dám làm như vậy.
Mời bạn hãy cùng tôi mở số báo 52, số báo mới nhất ra xem. Tranh bìa là bức Xúc Địa Ấn, tranh sơn dầu của họa sĩ Đinh Cường. Phần Sống và Viết của các tác giả Trần Hoài Thư, Phạm Cao Hoàng, Phạm văn Nhàn, Đào Anh Dũng, Vương Thúy Nga, Trần thị Nguyệt Mai. Phần Sáng tác mới với những truyện ngắn của Trần Bang Thạch, Đặng Kim Côn, Nguyễn Lệ Uyên, Nguyễn thị Hải Hà, Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh, truyện dịch do Nguyễn thị Hải Hà và Trương văn Dân chuyển ngữ, kịch của Đặng Đình Túy, thơ của Hồ Ngạc Ngữ, Nguyễn Xuân Thiệp, Đinh Cường, Đặng Kim Côn, Nguyễn Dương Quang, Hoài Ziang Duy, Tuyết Linh, Đinh Thắng, Trần thị Nguyệt Mai. Phần chính là tưởng niệm nhà thơ Khoa Hữu và Nh. Tay Ngàn, với những sưu tầm văn thơ rất quý của hai tác giả này cùng những đóng góp của Nguyễn Mộng Giác, Trần Doãn Nho, Diễm Châu, Nguyễn Thùy Song Thanh, Thi Vũ, Phạm Công Thiện, Lê thị Huệ, Chân Phương, Trần văn Nam. Bài vở phong phú, tài liệu quý giá. Tôi có thể nói nó không thua gì, nếu không nói là hơn hẳn, một tạp chí bán. Vì nó đã được làm từ tim óc và tấm lòng của những người yêu mến văn chương, muốn vinh danh văn chương miền Nam. Ngoài hai người bạn ẩn danh ở Hà Nội và Sài Gòn, anh còn có những người bạn văn thơ giúp phần tài liệu, đánh máy. Thêm nữa, anh cũng lên mạng tìm kiếm, chọn lọc, đánh máy những bài hay để giới thiệu với độc giả. Xong phần bài vở, anh đưa tôi dò lỗi chánh tả. Sau đó, anh layout, trang trí, in ấn, đóng sách, cắt xén, cho vào bao thơ, và khuân sách mang ra bưu điện gởi cho độc giả. Anh làm mọi việc từ A đến Z, từ trí óc đến chân tay. Không có khâu nào mà anh không nhúng tay vào.

“Hữu xạ tự nhiên hương”. Tôi viết ra những điều này không phải để PR anh, vì anh không cần tới. Nhưng bạn hãy cầm một cuốn báo trong tay và đọc. Để hiểu được tấm lòng của anh chị và các bạn của anh. Để biết được công sức đã bỏ ra rất nhiều khi thực hiện số báo quý giá này. Và để thấm thía với lời thơ của Khoa Hữu:

Đất ấy của ta, ta còn hiểu
đồng đội của ta, ta còn đau
giấy mực đời chép ra, ví thiếu
lấy da này viết để tạ nhau…
(Sự yên lặng của cát bụi)

Muốn có báo xin bạn liên lạc với nhà văn Trần Hoài Thư ở địa chỉ email: tranhoaithu@verizon.net

TTNM
thơ trần thị nguyệt mai
Nhớ em




        Kính tặng anh Nguyễn Xuân Thiệp

Căn nhà bỗng trở lạnh nhiều
Từ em đi khỏi đìu hiu chiều tàn
Anh nhìn dọc, anh nhìn ngang
Tưởng như em đã dịu dàng nhìn anh

Bữa cơm chừ sao lạnh tanh
Không em những món dưa hành, bánh chưng
Những món Bắc em đã từng
Nấu cho anh, giờ nghìn trùng xa xôi

Cơm anh nuốt mãi chẳng trôi
Em ơi, anh muốn gọi ơi em hoài
Ngày như dài thật là dài
Đêm về quạnh quẽ lấy ai chia cùng?

Biết rằng đời rất vô thường
Anh không tránh được nỗi buồn mất em
.
TTNM
6-3-2012