Saturday, August 17, 2024

TÌM DẤU TÍCH MỘT NHÀ GA XƯA...

nguyễnxuânthiệp
 
Nhà ga Đà Lạt
 
    Xin nói ngay đây là vang và bóng của nhà ga Đà Lạt -mà kẻ này trong một phút lộng ngôn đã nói là nhà ga đẹp nhất nước và có khi đẹp nhất thế giới! Nhưng quả thật tôi thấy nhà ga ở phố núi ấy quá đẹp. Người cũng đồng ý với tôi. Có phải không bạn Đinh Cường- người một thời từng gắn bó với thành phố sương mù, ít ra là trong tâm cảm.
    Tôi đặt chân lên sân ga Đà Lạt lần đầu tiên, hồi còn trẻ. Thuở ấy, cuối những năm 50, tôi đang dạy ở trường Lê Ngọc Hân và Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho. Hè tan trường, chia tay thầy trò lòng còn ngơ ngẩn thì được sự vụ lệnh đi dự hội đồng thi ở Đà Lạt. Từ Mỹ Tho đáp ô-tô-ray lên Sài Gòn, rồi đi xe lửa đến Tour Chàm, và từ đó đổi tàu ngược lên Đà Lạt. Chuyến đi này tình cờ gặp bà chị Phạm Bá Ngọc Hường, cùng học ở Quốc Học Huế, trên tôi một hai lớp. Trên Wagon restaurant, ngồi uớng nước, chúng tôi nhắc tên những người bạn chung -Hoàng Nguyên, Lữ Hồ, Phạm Mạnh Cương, Đỗ Kim Bảng, Tạ Ký, Hồ Đăng Tín... và những người thầy đã ghi lại ấn tượng tốt đẹp của thời mới lớn -thầy Lê Khắc Phò, Cao Xuân Lữ, Hà Như Chi... Chuyến tàu đi như trong mơ. Đến Tour Chàm, đổi tàu, bà chị về Nha Trang, tôi tới xứ sương mù.
    Nhà ga Đà Lạt xây theo kiến trúc Pháp. Gạch đỏ, ba cái tháp nhô lên, trên đỉnh nóc là chiếc đồng hồ điểm thời gian. Sau lưng nhà ga có rừng thông. Bản tin từ trong nước ghi nhận: Không phải ngẫu nhiên mà vào đầu thập niên 20 của thế kỷ vừa qua, người Pháp cho thiết lập hệ thống đường rail có răng cưa nối từ miền biển lên cao nguyên Lang Bian và cho xây nhà ga Đà Lạt. Họ thấy Đà Lạt chỉ có đường bộ, đường hàng không nên rất cần có thêm tuyến đường sắt trong quá trình trở thành một thành phố nghỉ dưỡng tầm cỡ, một "thủ đô” mùa hè của Liên Bang Đông Dương thời bấy giờ. Theo các tài liệu còn để lại, nhà ga Đà Lạt được khởi công xây dựng vào năm 1932 do 2 kiến trúc sư người Pháp cùng thiết kế và thi công là nhà thầu xây dựng Võ Đình Dung (Đà Lạt). Đến năm 1936, nhà ga được khánh thành, dùng vận chuyển hàng nông sản nhưng nhiệm vụ chính vẫn là chở khách du lịch. Thời bấy giờ, mỗi ngày có 3 đôi tàu (mỗi tàu có 4 toa) ngược xuôi Đà Lạt: Từ dưới lên có một chuyến khởi hành từ Sài Gòn, một chuyến từ ga Tháp Chàm (Phan Rang) và một chuyến từ ga Nha Trang và ngược lại cũng có 3 chuyến tàu từ Đà Lạt đến 3 ga trên. Nếu tàu khởi hành ở Đà Lạt lúc 5 giờ chiều thì sẽ đến Sài Gòn vào 9 giờ sáng hôm sau và ga Tháp Chàm trở thành một ga trung chuyển để thay đầu máy (răng cưa) mỗi khi tàu từ dưới Sài Gòn, Nha Trang lên Đà Lạt...
    Trong chiến tranh, nhà ga phải đóng cửa. Một thời, nó được dùng làm trạm đi và đến của Air Việt Nam. Như hồi nhỏ thường lang thang ở các sân ga bến tàu, những năm ở Đà Lạt, Nguyễn tôi hay lui tới nhà ga để gọi là làm những cuộc chia tay tưởng tượng. Ấy một phần nữa cũng vì mê khung cảnh của nhà ga này, và tiếng thông reo cùng mùi phấn thông trong gió (cũng là tưởng tượng đấy thôi). Nhưng tôi biết có hai người đã có những cuộc đưa đón chia tay ở sân ga Đà Lạt. Chẳng thế mà có lời ca như thế này: Rồi một ngày kia / ga buồn chờ đón người yêu/ thềm ga vắng tanh... Phải thế không Uyên? Cho đến bây giờ, kẻ này vẫn nghĩ: Cùng với Nhà Thờ Con Gà và Trường Yersin, ga Đà Lạt là kiến trức đẹp nhất của thành phố.
NXT

  

No comments:

Post a Comment