Thursday, August 29, 2024

HÃY XEM ĐÂY NHỮNG LỜI TỰ PHỤ LAN MAN CỦA TÔI.

Vương Ngọc Minh

Tranh Vương Ngọc Minh. Sơn dầu trên bố
 
..and go quiet
after phạm công thiện
những bí quyết
bí ẩn
từng giúp tôi tồn tại trong thế giới của chữ
nghĩa
ngày nay, của thơ..
 
xin, hãy để tôi ngủ
mọi người ngủ
 
còn quan tâm tới đại cuộc, thì đừng lời
tiếng, hi sinh
cứ xà quầng
xà quầng
và trù tính chùng thấp, áp sát mái đầu đôi lứa
 
sáng ra còn thấy ác mộng..
 
hiện, đây
lần thứ ba tỉ linh tám
mọi thứ có lí trong mồm mang dép vào
-ối
sao gió ở đâu(!) cũng muốn bạo dâm tôi
trần buồng đương tự phát tiếng động "sè sè"
những ảo vọng-theo đó
tợ sao băng rơi
rãi, khắp sàn buồng
 
tôi "moves like a bass drum"
 
dự, sẽ nuôi lớn lại các từ "độc lập"
"tự do"
"hạnh phúc"
"sợ xanh mặt" nơi đóc họng, cấp kì
mảng
mảng
thịt mềm, vỡ ra
mèo động tình ầm ỉ trên nóc chúng cư
..động tình ngay khi bắt đầu cuộc cách mạng tháng tám
các ông bà, bác văn ba
chú sáu dân, tưởng
từ chết tới trọng thương, bầm
giập-nhưng không..
 
cực quái đảng
tôi thử hỏi, ta có hiểu
hết
sự đời, không nhỉ ? quả
chả ai biết
dòng sống-giống
điệu vũ thời thượng
tiền chiến
âm vọng rộn ràng, du mọi người bước đi hệt các bóng ma
 
phần hình
(bóng!) tôi, luôn cực mờ nhạt
lại ưa nhảy như châu chấu
không bình luận gì cả
 
giữa chữ "biến khỏi đây!"
và bóng tối
giữa hơi thơ và xương khu-với mùa hạ đi
tất thu sẽ về
tơ trời là sự rỗng
tôi thấy tốt nhất nên ngậm miệng
chỉ gật đầu
 
bởi sự thật đà rõ, tóc
mọi thứ
cứ bạc thêm
 
ngay thời khắc này
tôi nhất trí
vẫn để cửa microwave mở suốt đêm
dùng ánh sáng vàng trong đấy
tập hợp các chữ có ý, có dáng ngọn lửa cháy nơi ngôi làng xưa
với hi vọng, về lâu về dài
giấc ngủ sẽ sâu
 
yah, cho đến tương lai
quí vị xem
rồi
tôi hết còn nhận ai và biểu đấy người thân, nhá !
..
VNM. 

Friday, August 23, 2024

ĐỌC LÊ LẠC GIAO: DÒNG ĐỜI

Phan Tấn Hải
 
Tác phẩm Dòng Đời

Tôi đã đọc bản thảo “Dòng Đời” khá là chậm. Đôi khi tôi đọc lại môt số đoạn, một số trang. Khi đọc lại toàn văn bản thảo lần thứ nhì, tôi lấy giấy ra ghi chú về các nhân vật, các mốc thời gian, những chuyển biến khi các nhân vật dời đổi từ bên dòng sông này qua thị trấn miền núi kia. Tất cả như một cuốn phim về một quê nhà đang tìm hướng đi trong thời kỳ hậu thực dân Pháp, nơi lối rẽ của tranh chấp để con sông trở thành đôi bờ và rồi người lái đò (trong tiểu thuyết này là người có tên là ông Ba Đò) trở thành người hai mặt, bị buộc cung cấp tin cho cả hai lực lượng thuộc hai ý thức hệ khác nhau.

Những gì hiện ra trước mắt, trong tâm tưởng của một độc giả như tôi, là một quê nhà đầy nước mắt, khi truyện kể dọc theo, trải qua ba hay bốn thế hệ, những người dân trong một xã hội bi thảm của thời thực dân Pháp, rồi tới sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trên trang giấy là một quê nhà tôi rất mực yêu thương được nhà văn Lê Lạc Giao kể lại những góc nhìn từ một thanh niên cùng thế hệ với tôi: sinh trước ngày đất nước chia đôi, nhìn thấy bạn bè một phần “nhảy núi” theo phe bên kia, và một phần khác đã tình nguyện ra trận để giữ gìn tự do cho miền Nam.

Nhân vật chính là Hiểu, chàng trai sinh bên dòng sông Cái của Nha Trang. Thân mẫu của Hiểu là cô Chanh, người sống với nỗi buồn khi thấy chồng là ông Xuân có vợ nhỏ và rồi đưa vợ nhỏ từ chợ Nha Trang lên Pleiku sống luôn. Thế rồi, cô Chanh đã xuất gia, trở thành một bà ni già tại một ngôi chùa trên một ngọn núi vùng Nha Trang. Hiểu thỉnh thoảng thăm mẹ, và thắc mắc tại sao mẹ lại chịu vào tu ở ngôi chùa lưng núi, nơi vị trụ trì là người thân với những người “cách mạng” trong núi. Mẹ Hiểu là người chơn tu, là người thuần tu, không bận tâm chuyện chính trị, muốn dứt bỏ thật xa những chuyện lao xao dưới các phố chợ của vùng Nha Trang.

Truyện mở đầu bằng hình ảnh của Hiểu tại vùng Nam California, khi Hiểu vào một quán cà phê, nghe giọng nói của một cô tiếp viên và nhận ra, giọng nói Hà Nội sau 1975 và cô có lẽ là một du học sinh. Lúc đó, Hiểu đã sống hơn ba mươi năm tại Hoa Kỳ. Hiểu về nhà trong nỗi cô đơn, cầm đàn lên và bất chợt hát... Tác giả Lê Lạc Giao kể: “...Hiểu hát một khúc nhạc nhưng đến lần thứ hai anh mới nhận ra mình đàn và hát. Bài hát Một Dòng Sông Xa Nguồn của người nhạc sĩ đã chết trong Tết mậu thân 1968. Vừa nghĩ đến tác giả, Hiểu như nghe lại tiếng ho của ông trong những đêm dài trước tết Mậu Thân.  Hiểu hồi tưởng những trăn trở thời chiến tranh trong đó thế hệ của anh đắm chìm trong bao đêm dài không ngủ! Sự bế tắc tâm thức con người lúc bấy giờ, biểu hiện cụ thể qua sự phung phí tuổi trẻ cho một thời điểm đậm nét phi lý, hư vô. Để rồi sau cuộc chiến tranh, bóng tối quá khứ nhuộm đen quãng đời còn lại của những nạn nhân và chứng nhân cuộc chiến tranh.”

Rồi truyện mở ra với cả một bầu trời chuyển biến của quê nhà, trải rộng qua ba hay bốn thế hệ, có lẽ là một trăm năm, từ thời ông Tước (ông nội của Hiểu), tới ông Xuân (thân phụ của Hiểu), tới Hiểu khi đang dạy học bị Tổng động viên năm 1972 để trở thành quân nhân biệt phái cho ngành giáo dục ở Miền Tây. Hiểu chứng kiến cuộc nội chiến qua hình ảnh các nhân vật liên hệ trong gia đình và trong làng xóm. Ông Tước chứng kiến lính Tây càn quét làng xóm, đốt làng. Ông Tước và thế hệ của ông trở thành những người hỗ trợ cho Việt Minh trong cuộc kháng chiến, chống thực dân Pháp, và khi đất nước chia đôi đã ước mơ sống trong hòa bình. Ông Tước nhìn thấy một số học trò võ năm xưa của ông bị lôi kéo vào núi để tham gia cách mạng, chống lại nền hòa bình của chế độ Việt Nam Cộng Hòa tân lập. Ông Tước nhận ra ngay cả sự trụ trì Tâm Quảng của ngôi chùa Tứ Chánh gần nhà ông lại là người hoạt động bí mật cho bên kia. Ông Tước sắp xếp cho Xuân vào khu chợ Nha Trang để Xuân không bị lôi kéo “vào núi” hoạt động. Thế rồi, trong khi kinh doanh xây dựng trong thị trấn, Xuân có vợ bé là một cô thợ may trong chợ Nha Trang, rồi Xuân dẫn cô lên Pleiku ở, nơi Xuân kinh doanh thành công với nghề xây dựng. 

Dòng sông gần nhà cậu bé Hiểu là nơi ông Ba Đò, người lái đò bị buộc phải lấy tin cho cả phe quốc gia và phía Cộng quân, mà họ tự gọi là Cách mạng. Kết cục bi thảm là khi ông Ba Đò bị níu kéo căng thẳng, đã rút khẩu súng K-54 ông giấu dưới một viên gạch ra tự bắn vào đầu tự sát.

Hiểu lớn dần theo những cuốn sách cậu đọc, và những mối tình học trò nhạt nhòa. Nhưng phần chính của truyện là dòng chảy của lịch sử. Kể về ông Mười Sách hành nghề pháp sư, rồi nghi thức thầy pháp kỳ lạ, rồi phát nguyện từ bỏ nghề thầy pháp, những hình ảnh mơ hồ, khó hiểu của tín ngưỡng dân gian. Truyện cũng kể về những bi thảm, như trường hợp xã trưởng Thắng bị quân VC nửa đêm về làng, lôi ra xử bắn.

Và Lê Lạc Giao ghi lại: “Ông Tước quen biết Thắng từ những ngày phong trào chống Tây và triều đình Huế. Ông kính trọng Thắng vì ông ta là một trí thức yêu nước, và quyết định của Thắng từ bỏ Việt Minh về thành, ông Tước không đánh giá phản bội như đám người trên núi. Nhưng ông Tước cũng không để đám người cách mạng lưu ý cách suy nghĩ ông. Đến hôm nay vì con trai, ông biết mình bắt đầu một cuộc đương đầu trong bóng tối với những kẻ ông tạm gọi là đồng chí một thời của mình.”

Trải rộng trong truyện dài của Lê Lạc Giao là các bạn của Hiểu, những người cùng thế hệ và các thiếu nữ quen thời đi học, từ Nha Trang tới Sài Gòn. Nơi đây là những hình ảnh gần nhất mà tôi cảm nhận, vì họ là những người trong thế hệ của tôi.

Như người bạn của Hiểu, say mê làm thơ, từ Miền Trung vào Sài Gòn học đại học, và quen với Hiểu ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Lê Lạc Giao ghi nhận: “Ngạc học Triết nhưng chuyên làm thơ và  điên cuồng mê thơ. Ngạc bảo có thơ thỉnh thoảng đăng trên tạp chí Văn học Sài gòn. Ngạc tỏ ra sành điệu ăn nhậu và hôm ấy uống đến ba chai bia 33 trong khi Hiểu hai chai đã thấy choáng váng muốn về…”

Nhưng tâm hồn thơ mộng của Hiểu đã có từ thời đi học bên các thôn ven bờ sông Cái. Và cậu học trò vương vấn hình ảnh về mái tóc của chị Chiêu, như tác giả kể: “Lần về mùa hè năm Hiểu học đệ ngũ, Chị Chiêu đi chợ ghé cửa hàng mẹ Chanh, và gặp đứa trẻ từ bé đã biết say mê một mái tóc thề mà về sau trưởng thành, Hiểu cho là biểu tượng quê nhà của một kẻ đi hoang, hay lạc loài ngóng vọng về những khi cô đơn nhất.”

Tuy nhiên, chị Chiêu học hơn Hiểu vài lớp, trong khi mối tình học trò đầu tiên của Hiểu là Nhạn. Tác giả ghi nhận: “Hiểu đến trước mặt Nhạn đặt tay  lên vai cô thật lâu. Nhạn im lặng, vai run lên và Hiểu lần đầu tiên nghe mùi tóc của Nhạn thật nồng và thơm. Hai người đạp xe về nhà. Đêm hôm ấy trước khi ngủ, Hiểu tự hỏi sao tóc của Nhạn có mùi thơm nồng nàn quyến rũ như thế!  Rồi thái độ của mình thế nào khi đặt tay lên vai của Nhạn? Mình muốn ôm Nhạn nhưng không dám. Mình mười sáu tuổi rồi, mình ở vào tuổi đàn ông khi đọc bao nhiêu sách nhắc nhở như thế.”

Một người tình học trò khác nữa của Hiểu là Cẩm, và nàng đã được ba mẹ đưa đi du học ở Đức quốc. Kể như là biệt xứ, nhưng hình ảnh lãng mạn của Cẩm thật khó quên. Lê Lạc Giao ghi lại hình ảnh của Hiểu khi lang thang đường phố Sài Gòn và nhớ Cẩm: “Hút đến điếu thuốc thứ ba Hiểu ra khỏi Pagode lang thang trên đường phố Lê Lợi. Anh vào hàng sách cũ, ngồi xuống lục lọi đống sách báo bày trên lề nhớ lại những ngày đi học. Sinh hoạt ồn ào nhộn nhịp của Sài gòn cho Hiểu thấy mình ngày càng xa xôi cái ốc đảo hạnh phúc, và có lẽ vĩnh viễn không bao giờ có lại được niềm an vui từ mối tình với Cẩm, hay những tháng ngày êm ả trong giảng đường đại học. Hiểu đứng lên lang thang qua các quầy sách cũ bìa vàng ố màu như tàn tích của một thời quá vãng mà anh từng cho là “nỗi buồn đau hạnh phúc” mỗi một khi cảm thấy cô đơn. Hiện giờ anh đang cô đơn khi đi qua quán cơm Thanh Bạch, rạp chiếu phim Vĩnh Lợi nơi từng in dấu hai người yêu nhau.”

Hay là hình ảnh bất chợt của một chiều mưa Sài Gòn: “Nhìn theo bộ váy ngắn trắng tinh và dáng vẻ cô gái tuổi học trò đệ nhất cấp, Hiểu nhớ đến cơn mưa bất chợt trên đường Nguyễn Thiện Thuật lúc ấy Hiểu mười bảy tuối và một cô bé nữ sinh mười lăm tuổi trú mưa dưới mái hiên của tiệm đàn Đức Thắng.”

Và hình ảnh nàng Hải Lan trong tim Hiểu. Lê Lạc Giao ghi lại: “Hải Lan nhỏ hơn Hiểu hai tuổi, đang học năm thứ hai Luật khoa, là sinh viên xa nhà ở trọ trên đường Nguyễn Trãi. Cha Hải Lan làm thư ký tòa hành chánh tỉnh. Là con gái duy nhất, cô muốn trở về quê nhà làm công chức như cha và đang chờ thi khóa phó đốc sự hành chánh. Hải Lan cho biết nhà hàng Thanh Đình của một người bạn cha cô, bất kỳ khi nào rảnh cô đều có thể đến làm việc kiếm thêm tiền. Hải Lan có thể ngồi thu tiền hay làm tiếp viên tùy nhu cầu của nhà hàng. Khi biết Hiểu đang là sinh viên sĩ quan đi chiến dịch nhưng vốn là một sinh viên văn khoa xa nhà trọ học như cô, Hải Lan vui vẻ như hai người quen nhau đã lâu.”

Tiểu thuyết “Dòng Đời” của Lê Lạc Giao là một cuốn phim nhiều góc cạnh. Không thuần túy là truyện kể về ba thế hệ trong dòng lịch sử quê nhà, nhưng cũng là những ký ức đau đớn và thơ mộng của Hiểu, một chàng trai không bao giờ già, người trải qua những ngày trưởng thành nơi thôn Bạch Hoa, nơi bàu Gáo, bên Cầu Đá, bên dòng Sông Cái, ngôi chùa Tứ Chánh… rồi tới Pleiku, Sài Gòn, Miền Tây và rồi xa rời quê nhà.

Ngòi bút Lê Lạc Giao trong tiểu thuyết này có vẻ như là một nhân chứng, nhưng chúng ta không nên hiểu chữ này theo một nghĩa pháp lý, bởi vì những dòng chữ trên giấy đã trở thành những dòng sông chữ nghĩa đang cuộn sóng ký ức, nơi đó đã cuốn trôi những ngày thơ mộng của các nhân vật, đã vùi dập ước mơ hòa bình của ba thế hệ, đã xóa nhòa những mối tình học trò rất ngờ nghệch và khó quên.

Tôi không muốn nói rằng tiểu thuyết này là hư cấu hay sự thật lịch sử của tác giả. Bởi vì sẽ rất nhiều độc giả tự nhìn thấy mình và người thân của mình trong tiểu thuyết này. Có thể thân phụ của bạn đã từng gia nhập Việt Minh thời chống Pháp, và rồi trở thành những người bảo vệ hòa bình cho các chính phủ Miền Nam. Có thể bạn đã từng học ở Sài Gòn, nơi bạn từng đi uống cà phê ở quán Hân, quán Bình Minh, ăn tiệm Thanh Đình, và những nơi tương tự như hình ảnh trong truyện. Có thể bạn cũng từng rụt rè nắm tay bạn gái  thời trung học và rồi nàng chợt biến mất… Có thể ngay trong gia đình bạn cũng có những người thân đứng nơi hai chiến tuyến. Cả một khung trời ký ức hiện ra trong tâm tôi, theo từng trang giấy của Lê Lạc Giao. Có lúc, tôi chợt muốn dịch ra tiếng Anh cho thế hệ trẻ đọc. Nhưng rồi tự thấy mình không kham nổi. Bởi vì, ngay khi viết bằng tiếng Việt, tôi cũng không viết được như Lê Lạc Giao, và rồi như thế sẽ là lạc điệu, nếu ra sức dịch sang tiếng Anh.

Tiểu thuyết “Dòng Đời” mang nhiều sức quyến rũ nhất trước giờ trong văn Lê Lạc Giao. Tôi đọc và tự thấy mình chìm vào, tắm gội trong chữ và trôi nổi trên các trang giấy. Tôi nghĩ rằng những dòng chữ trên các trang sách này là nước mắt của thế hệ chúng tôi, những người sinh ra ở Miền Nam vài năm trước khi đất nước chia đôi, và do vậy bị cuốn vào một cuộc chiến mà cha anh mình đã từng tham gia trong một hình thức nào đó, bên này hay bên kia, và rồi, thế hệ chúng tôi lên đường trong các đợt tổng động viên 1972 và 1973.

Lê Lạc Giao đã viết lên một cuốn tiểu thuyết xuất sắc, đẹp rực rỡ, và cũng rất buồn, như một hình ảnh ghi trong truyện: “Có kẻ ra đi rồi trở về nhưng cũng có kẻ ra đi mãi mãi. Những dấu chân trên cánh đồng mênh mông ấy hằn sâu trong lòng Hiểu, cũng như bạn bè anh bao vết thương không bao giờ lành nỗi. Tuổi trẻ thời chiến tranh làm thế nào thực sự bình yên khi mà chia lìa luôn luôn đến trước những ước mơ!

Thế rồi nhiều người trong thế hệ chúng tôi may mắn thoát chết. Để nhiều thập niên sau, thấy lại một quê nhà hỗn loạn và yêu thương trên các trang tiểu thuyết Lê Lạc Giao. Một khung trời đau đớn và yêu thương của một thế hệ rất buồn. Nơi đó, một thời tôi đã trưởng thành từ các góc phố ngập nắng vàng, một thời đã ngồi học trong các lớp ê a bên những rặng tre, đã lang thang trên các hè phố thời sinh viên và tự thấy mình như các nhà thơ ưa nổi loạn của chủ nghĩa hiện sinh. Và là một thời thương nhớ bên một tà áo lụa giữa nắng Sài Gòn và giữa những dòng thơ viết dở dang.

---- California, tháng 7/2024.

PTH
 

Thursday, August 22, 2024

12 BÀI THƠ NGẮN. GỞI NHỮNG TÂM HỒN MÂY TRẮNG

Nguyễn Đức Nhân
 
Đốm nắng chiều. Tranh Đinh Cường
 
*tặng Nguyễn Sông Ba & Hoàng Kim Chi
 
1
Ông cụ H’mông đi vào cõi mù sương
bà cụ lọ mọ hái rau rừng
dưới chân đồi tà dương
 
2
Lũ chăn bò. dựng ngôi chùa cỏ
nắn một Ông Phật nhỏ
xúm tụng tờ kinh mây
 
3
Chú tiểu công phu
nhịp nhàng chuông mõ
có khi nào chú gõ nhầm bóng thiên thu
 
4
Đã cuối thu. cây chuyển mùa nhựa mới
bức tranh thêu trên tường
cây tùng già xác xơ. lá chưa hề thay đổi
 
5
Giọt sương mai long lanh
tôi chưa nhìn kỹ. đã rơi
ôi. ngắn ngủi kiếp người!
 
6
Đã chịu đựng quen rồi
người ơi! ai đau khổ
hãy nghiêng trút vào tôi
 
7
An trú mùa gió mưa
tôi vịn khung cửa sổ
thương cảnh đời gió đẩy mây đưa
 
8
Ghé thăm mộ bạn
hồn thu thảo trong tôi
vội ngả màu vàng úa
 
9
Yên ắng buổi trưa hè
con chim nào vừa líu gió
khiến mềm lòng bờ tre
 
10
Qua thung lũng, suối, khe
bắt gặp mùi hương lạ
như hương mùa thu xưa thoảng về
11
Chim cuốc lẻ đôi
kêu rát ruột cánh đồng
ánh trăng khuya quặn thắt lòng thủy chung
 
12
Dạo bãi biển mùa đông
cúi nhặt chiếc vỏ ốc. chứa cả hồn hư không
nhỏ không trong. lớn cũng không ngoài
NĐN
8/2024

  

TRANH TRƯƠNG VŨ


PASTORALE 2. Sơn dầu trên bố 39.5 “ x 31.5 “,
thực hiện tháng 8 năm 2024.
 

Monday, August 19, 2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

 

VĂN HỌC PRESS
22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978
email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press
 
Trân trọng giới thiệu:
 

TẠP CHÍ NGÔN NGỮ
Ấn bản đặc biệt
 
TRỊNH • Y • THƯ
Văn chương Nghệ thuật &
Những điều khác
 
Thư đầu sách:
LUÂN HOÁN
 
Lời giới thiệu:
ĐẶNG THƠ THƠ
 
Thiết kế bìa:
UYÊN NGUYÊN TRẦN TRIẾT
 
Ảnh chân dung:
NGUYỄN BÁ KHANH
 
Viết về Trịnh Y Thư:
DU TỬ LÊ • NGUYỄN ĐỨC TÙNG • PHẠM
XUÂN NGUYÊN • BÙI VĨNH PHÚC • NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH • NINA HÒA BÌNH LÊ
 
 
THƯ ĐẦU SÁCH
Luân Hoán
 
Ngôn Ngữ đặc biệt về “tác giả tác phẩm”, cuốn này hân hạnh được giới thiệu đến quý bạn đọc, một cây bút tài danh đã viết và thành công trong hầu hết trong nhiều bộ môn văn học nghệ thuật qua bốn thập niên. Tác giả đó là nhà văn Trịnh Y Thư.
    Ông tên thật Trịnh Ngọc Minh, sinh ngày 11 tháng 2 năm 1952 tại Hà Nội, trưởng thành tại Sài Gòn, du học và hành nghề điện tử viễn thông tại Hoa Kỳ cho đến khi hưu trí vào năm 2018.
    Như đã thượng dẫn, Trịnh Y Thư là một người đa tài, chúng tôi xin giới thiệu đại khái về từng bộ môn ông đã sinh hoạt.   
    Trong bộ môn văn, ông đã viết và phổ biến rộng qua sách in từ truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dịch, khảo cứu, nhận định văn học, tùy bút, tạp bút, tạp luận.
    Với bộ môn thi ca, ông có một số ít bài theo phong cách vần điệu nhưng không cùn mòn. Chúng tôi nghĩ ông rất hứng thú và chuyên về trường ca, hoặc những bài viết có số lượng câu không quá ngắn hoặc quá dài, và ông cũng sử dụng cả lối thơ Hokku với chỉ 3 câu cho từng khổ. Điểm đặc biệt, dù viết với hình thức nào, chủ yếu thơ ông cũng nghiêng về suy tư, giàu tư tưởng, sau khi tinh tế cảm nhận mọi sự việc trong cuộc sống, nhưng không vì thế thơ thiếu vắng mượt mà của tình người.
    Trịnh Y Thư là một người rộng kiến thức, tiếp thu lâu năm văn học nước ngoài, nên bên cạnh thông hiểu về văn hóa văn chương, ông đã tạo cho mình một bản chất trầm tĩnh, khiêm nhường, chừng mực, hòa đồng, không cục bộ… những điều này đã giúp ông một thời làm  chủ bút  tạp chí Văn Học  tại hải ngoại  khởi sắc,  cũng như rất thành công trong việc điều hành nhà xuất bản Văn Học Press lẫn tờ Việt Báo Weekly News sau đó. Sức làm việc, sáng tác có giá trị cao của Trịnh Y Thư, bên cạnh những tác phẩm chuyển ngữ, đã nhanh chóng đưa tên tuổi ông đến nhiều bạn đọc của lứa tuổi đã về già, cũng như những người đang phơi phới mới lớn, tại nhiều quốc gia có sách báo Việt ngữ, và ngay ở Việt Nam cũng đón nhận và phổ biến sách của ông.
    Trong số Ngôn Ngữ về Trịnh Y Thư này, chúng tôi tuần tự giới thiệu tiêu biểu một số sáng tác của ông qua nhiều bộ môn như kể trên. Đồng thời chúng tôi xin cảm ơn các tác giả đã viết về ông, qua những nhận định tinh tế, khách quan và chân tình. Các vị đó là những nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo văn học, với những quý danh thật rực rỡ, đáng tin cậy như: Nina Hòa Bình Lê (chủ bút Việt Báo hiện tại), nhà văn Đặng Thơ Thơ, nhà văn Đinh Từ Bích Thúy (qua đối thoại văn học với Trịnh Y Thư), nhà thơ văn Nguyễn Thị Khánh Minh (Hoa Kỳ), nhà biên khảo văn học Bùi Vĩnh Phúc (Hoa Kỳ), nhà biên khảo văn học Phạm Xuân Nguyên (Việt Nam), nhà thơ và biên khảo văn học Nguyễn Đức Tùng (Canada), nhà thơ và biên khảo văn học Du Tử Lê (1942-2019).
    Ngoài công trình thơ văn biên khảo… nhà văn Trịnh Y Thư còn là tay chơi Tây Ban Cầm xuất sắc. Ông có khả năng và đã viết nhạc, soạn lời Việt cho ca khúc ngoại quốc rất được yêu thích.
    Trong cuốn sách này, chân dung đời thường của Trịnh Y Thư qua ống kính của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khanh cũng được trang trọng in lại, để các bạn đọc cùng thưởng ngoạn.
    Thư Đầu Sách chỉ là hình thức đưa đường vào nội dung sung túc tiếp theo, vốn đã lỡ có từ những cuốn khởi đầu, trong việc giới thiệu những người còn tại thế thành danh, nên vẫn giữ như một cái duyên, giới thiệu tổng quát, sai sót hẳn có, kính mong tác giả Trịnh Y Thư, các bạn viết về ông, cũng như đông đảo bạn đọc lượng thứ. Để giúp mọi sinh hoạt văn học tại hải ngoại, một phần nhỏ này còn được tiếp tục, kính mong quý bạn đọc vui vẻ mang tác phẩm này về tủ sách gia đình nhà mình, qua liên lạc thẳng với nhà văn Trịnh Y Thư (email: trinhythu@gmail.com). Cũng có thể mua trực tiếp trên Amazon hay Barnes & Noble.
    Trân trọng,
 – Luân Hoán

***

ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU TRỊNH Y THƯ
 
Đặng Thơ Thơ
 
Trịnh Y Thư là người đa tài: viết văn, làm thơ, chơi đàn, soạn nhạc, dịch thuật và viết nhận định văn học. Anh từng làm chủ bút tạp chí Văn Học, sau này phụ trách Việt Báo Weekly News và nhà xuất bản Văn Học Press. Anh đã đóng góp cho nền văn học hải ngoại hầu như trong mọi lãnh vực trong bốn thập niên vừa qua. Tầm ảnh hưởng của Trịnh Y Thư còn tỏa rộng đến độc giả trong nước với những tập truyện ngắn cũng như các tác phẩm dịch thuật của anh.
    Trong Trịnh Y Thư có một trí thức và một nghệ sĩ luôn kết hợp với nhau khi viết văn, làm thơ, viết nhận định. Văn nghiệp Trịnh Y Thư vì vậy có sự cân đối giữa các mảng phân tích và sáng tác, hư cấu và lý luận. Qua những tác phẩm và những cuộc phỏng vấn, chúng ta thấy sự trình bày của anh về mọi vấn đề đều có sự kết hợp đó, giữ cho mọi thứ ở trạng thái quân bằng, trung dung mà vẫn cô đọng và chuẩn xác. Điều này làm nên tính cách Trịnh Y Thư luôn chừng mực, cẩn trọng, tránh sự thái quá cực đoan, càng biết nhiều hiểu rộng lại càng khiêm tốn.
    Cái đọc của Trịnh Y Thư phong phú, đa dạng, mới mẻ. Anh có sự cảm thụ văn chương và các bộ môn nghệ thuật sâu sắc, một tâm hồn nghệ sĩ mẫn cảm, một thái độ trầm tĩnh trước cuộc sống và sự nắm bắt tinh nhạy về nhân sinh của một người thông hiểu nhiều nền văn hóa. Có thể thấy cái đọc của anh góp phần vào cái viết tạo nên văn cách Trịnh Y Thư. Các bài tạp luận, ký, tùy bút trong hai cuốn Chỉ là đồ chơi và Theo dấu thư hương là khung cửa mở ra những thế giới tạo thanh, tạo hình, tạo nghĩa và mời gọi người đọc cùng đi theo anh vào hành trình thưởng thức thi ca, văn chương, âm nhạc, hội hoạ, và cuộc sống.
    Trong sáng tác văn xuôi, Trịnh Y Thư có lẽ là người đầu tiên đưa kỹ thuật siêu hư cấu và giải cấu trúc kiểu Milan Kundera vào tiểu thuyết (Đường về thủy phủ) và các truyện ngắn (trong tập truyện Người đàn bà khác), qua đó chúng ta thấy tác giả lên tiếng trực tiếp giữa các diễn biến, can thiệp vào dòng suy nghĩ của nhân vật, và giải thích tiến trình câu chuyện. Thật ra, điều này luôn xảy ra với người viết khi tìm cách xử trí tình thế và lý giải nhân vật, chỉ có điều là chúng ta không viết ra, mà giữ lại trong vùng khuất của tư duy sáng tác, cất giữ trong ngăn kéo bí mật của người viết. Trong các tác phẩm của Trịnh Y Thư, anh đẩy bàn viết, mở ngăn kéo, đưa không gian viết của anh đến sát gần người đọc. Kỹ thuật viết như thế cho người đọc cảm thức vừa xem màn kịch trên sân khấu vừa chứng kiến mọi tình tiết trong hậu trường – có đạo diễn điều động, có diễn viên chuẩn bị đạo cụ và y trang – thấy mọi thứ vừa có liên quan với nhau vừa hướng đến những tự sự khác nhau, tạo ra những chiều kích mới cho việc sáng tác và thưởng thức.
    Trịnh Y Thư có công lớn trong việc đưa những tác giả ngoại quốc đến với người thưởng ngoạn văn chương trong và ngoài nước, từ những người viết cổ điển đến hiện đại, rồi đương đại. Tuy số lượng sách dịch trong nước rất nhiều nhưng dịch giả có trình độ chuyên môn như Trịnh Y Thư lại rất hiếm. Anh là một trong số hiếm hoi những nhà văn viết thông thạo và nắm được linh hồn của cả hai ngôn ngữ Anh-Việt. Những bản dịch của anh, ngoài việc chính xác và trung thành với nguyên tác về ngữ nghĩa và ý tưởng, còn có sự linh động, uyển chuyển và tài hoa trong việc vận dụng chữ nghĩa để tái tạo một tác phẩm văn học trong một ngôn ngữ khác.
    Đấy là Trịnh Y Thư, người đa tài, đa đoan và đa mang (chữ anh dùng cho chính mình). Bây giờ là một trong những nhân vật cột trụ của văn học hải ngoại, Trịnh Y Thư vẫn là người trầm lặng, và thầm lặng nữa, ngay giữa đám đông. Anh như luôn ưu tư về một điều gì đó, như có gì đang bủa vây tâm trí mà không thể nói ra, khiến ngay giữa cuộc vui anh cũng như chỉ tham gia một nửa. Trịnh Y Thư ngồi giữa mọi người mà vẫn là một khối cô đặc, được tạc vào một vùng khí trong suốt và không thể xuyên thủng, như một hiện hữu đóng băng trong một thế giới riêng. Trong thế giới đó, Trịnh Y Thư đang đối mặt với những thứ “chỉ là đồ chơi” đang tranh giành nhau sự chú tâm của anh: một đoạn văn dịch, một luận đề, một ý tưởng cho tiểu thuyết, một hòa âm cho bản đàn đang soạn… Hoặc có thể anh đang trú ẩn trong không gian của riêng anh, không gian có “Duềnh quyên bóng động hai hàng, Nghìn thu từ độ vẫn bàng hoàng trôi”, của những ý thơ, những thi ảnh, những khả thể của cảm xúc và sáng tạo.
 
– Đặng Thơ Thơ
(7/2024)
 
@@@
 
Sách có bán trên BARNES & NOBLE và Amazon.com
448 trang, bìa mềm, 6” x  9”, giá bán: US$25.00
Xin bấm vào một trong hai đường dẫn sau:
 
Ngon Ngu An Ban Dac Biet Trinh Y Thu by Trinh Y. Thu, Paperback | Barnes & Noble® (barnesandnoble.com)
 
Amazon.com: Tạp Chí Ngôn Ngữ Số Đặc Biệt - Trịnh Y Thư - Văn chương - Nghệ thuật & ... - groundwood paper) (Vietnamese Edition): 9798330332601: Trinh, Y Thu: Books
 
Hoặc liên lạc với tác giả qua địa chỉ email sau để mua sách có chữ ký của tác giả:
 
trinhythu@gmail.com

Saturday, August 17, 2024

TỬU LƯỢNG

Lê Chiều Giang

Tranh. LCG gởi
 
Ta tưới rượu đầy thơ. Nhưng
Uống toàn nước lã
Nghe trăm lời yêu thương
Chẳng biết đâu
Chân.
Giả.
 
Như nụ hoa sớm mai
Vừa rơi vừa muốn nở
Ta nhận sao ra
Trong tám tỷ con người
Ánh mắt ai nhìn?
Mười sáu tỷ con ngươi
Oán ghét
Thương yêu
Và có khi tĩnh lặng
 
Hãy nói ra lời
Dù trong im vắng
Để ta được nghe chút thanh âm
Đừng nói với nhau bằng
Ánh mắt lặng câm
Như tưới rượu tràn thơ. Nhưng
Uống toàn rượu ...
Giả.
 
LCG

  

TÌM DẤU TÍCH MỘT NHÀ GA XƯA...

nguyễnxuânthiệp
 
Nhà ga Đà Lạt
 
    Xin nói ngay đây là vang và bóng của nhà ga Đà Lạt -mà kẻ này trong một phút lộng ngôn đã nói là nhà ga đẹp nhất nước và có khi đẹp nhất thế giới! Nhưng quả thật tôi thấy nhà ga ở phố núi ấy quá đẹp. Người cũng đồng ý với tôi. Có phải không bạn Đinh Cường- người một thời từng gắn bó với thành phố sương mù, ít ra là trong tâm cảm.
    Tôi đặt chân lên sân ga Đà Lạt lần đầu tiên, hồi còn trẻ. Thuở ấy, cuối những năm 50, tôi đang dạy ở trường Lê Ngọc Hân và Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho. Hè tan trường, chia tay thầy trò lòng còn ngơ ngẩn thì được sự vụ lệnh đi dự hội đồng thi ở Đà Lạt. Từ Mỹ Tho đáp ô-tô-ray lên Sài Gòn, rồi đi xe lửa đến Tour Chàm, và từ đó đổi tàu ngược lên Đà Lạt. Chuyến đi này tình cờ gặp bà chị Phạm Bá Ngọc Hường, cùng học ở Quốc Học Huế, trên tôi một hai lớp. Trên Wagon restaurant, ngồi uớng nước, chúng tôi nhắc tên những người bạn chung -Hoàng Nguyên, Lữ Hồ, Phạm Mạnh Cương, Đỗ Kim Bảng, Tạ Ký, Hồ Đăng Tín... và những người thầy đã ghi lại ấn tượng tốt đẹp của thời mới lớn -thầy Lê Khắc Phò, Cao Xuân Lữ, Hà Như Chi... Chuyến tàu đi như trong mơ. Đến Tour Chàm, đổi tàu, bà chị về Nha Trang, tôi tới xứ sương mù.
    Nhà ga Đà Lạt xây theo kiến trúc Pháp. Gạch đỏ, ba cái tháp nhô lên, trên đỉnh nóc là chiếc đồng hồ điểm thời gian. Sau lưng nhà ga có rừng thông. Bản tin từ trong nước ghi nhận: Không phải ngẫu nhiên mà vào đầu thập niên 20 của thế kỷ vừa qua, người Pháp cho thiết lập hệ thống đường rail có răng cưa nối từ miền biển lên cao nguyên Lang Bian và cho xây nhà ga Đà Lạt. Họ thấy Đà Lạt chỉ có đường bộ, đường hàng không nên rất cần có thêm tuyến đường sắt trong quá trình trở thành một thành phố nghỉ dưỡng tầm cỡ, một "thủ đô” mùa hè của Liên Bang Đông Dương thời bấy giờ. Theo các tài liệu còn để lại, nhà ga Đà Lạt được khởi công xây dựng vào năm 1932 do 2 kiến trúc sư người Pháp cùng thiết kế và thi công là nhà thầu xây dựng Võ Đình Dung (Đà Lạt). Đến năm 1936, nhà ga được khánh thành, dùng vận chuyển hàng nông sản nhưng nhiệm vụ chính vẫn là chở khách du lịch. Thời bấy giờ, mỗi ngày có 3 đôi tàu (mỗi tàu có 4 toa) ngược xuôi Đà Lạt: Từ dưới lên có một chuyến khởi hành từ Sài Gòn, một chuyến từ ga Tháp Chàm (Phan Rang) và một chuyến từ ga Nha Trang và ngược lại cũng có 3 chuyến tàu từ Đà Lạt đến 3 ga trên. Nếu tàu khởi hành ở Đà Lạt lúc 5 giờ chiều thì sẽ đến Sài Gòn vào 9 giờ sáng hôm sau và ga Tháp Chàm trở thành một ga trung chuyển để thay đầu máy (răng cưa) mỗi khi tàu từ dưới Sài Gòn, Nha Trang lên Đà Lạt...
    Trong chiến tranh, nhà ga phải đóng cửa. Một thời, nó được dùng làm trạm đi và đến của Air Việt Nam. Như hồi nhỏ thường lang thang ở các sân ga bến tàu, những năm ở Đà Lạt, Nguyễn tôi hay lui tới nhà ga để gọi là làm những cuộc chia tay tưởng tượng. Ấy một phần nữa cũng vì mê khung cảnh của nhà ga này, và tiếng thông reo cùng mùi phấn thông trong gió (cũng là tưởng tượng đấy thôi). Nhưng tôi biết có hai người đã có những cuộc đưa đón chia tay ở sân ga Đà Lạt. Chẳng thế mà có lời ca như thế này: Rồi một ngày kia / ga buồn chờ đón người yêu/ thềm ga vắng tanh... Phải thế không Uyên? Cho đến bây giờ, kẻ này vẫn nghĩ: Cùng với Nhà Thờ Con Gà và Trường Yersin, ga Đà Lạt là kiến trức đẹp nhất của thành phố.
NXT

  

Monday, August 12, 2024

HIU QUẠNH

 Đặng Tiến
 
 

 
Nghe và ghi lại nơi sân ga
 
Sân ga nhỏ những ai từng đưa tiễn
Những ai từng chờ đón người về
Những chuyến tàu xuôi Nam mải miết
Người đi
Một lần
 
Những mối tình dang dở
Những cuộc đời dang dở
Sân ga góa bụa
Sân ga côi cút
Sân ga lặng câm
 
Mùa đông năm ấy
Mãi mãi là mùa đông
Người thiếu nữ ngày nào
Thành người đàn bà đơn thân
Mắt gần như không nhìn thấy ánh sáng
 
Chiều đến
Vẫn ra đây
Ngóng đợi người về
Những chuyến tàu ngày càng thưa vắng
Sân ga không bóng người
Những chuyến tầu không đi
Không đến
 
Ngày buồn lặng
Người đàn bà không còn đủ sức
Bà nhờ người đưa đến đây
Lần cuối cùng chờ chuyến tầu lên muộn
Rồi lặng lẽ ra đi
Trên chuyến tàu
Của mình.
ĐT

 

 


Sunday, August 11, 2024

KHUYA RỒI…

Vương Ngọc Minh

Đò khuya. Photo Internet
 
..tặng nguyễn đức tùng.

tôi thấy đêm trôi
như bông vụ, trên cặp mông người đàn bà
thì dòng sống đang chảy
và nơi quá vãng thị-ôi
một con chó thiến, già
đói
đòi làm xáo trộn khuôn mặt tôi theo xu hướng cách tân
chốc chốc
nó há mõm, sủa bóng cây chổi chà
..hiện
phía não bộ
bên tay trái tôi, thời gian qua với nhiều nổ lực
nhiều kéo lê theo mình
không biết bao nhiêu là cắt
dán
thuần thứ thơ đô thị
yah, vẫn còn tiếng gà vẳng phạm thánh
nghe xao xác lắm
..và
các đường lằn nơi trí nhớ, nom như thắng cảnh
nhìn từ phi cơ
các rãnh mương phía đuôi mắt
chả khác cánh đồng chuột, với ánh sáng vô biên
cha chưa bao giờ dạy tôi cách bổ củi
cách nhuốm lửa đốt rùa
ối-rùa, cơ man
chúng bò chậm chạp lại ưa đuổi bắt nhau
khiến người ta, các hội viên "hội nhà văn"
tất bật (động tình.)
thử vói tay chạm vào mặt đêm
tôi phát trơ mắt nhìn xuống sàn buồng, đầy hương
từ các con gián
nhớp nhúa mười lóng tay..
tôi nghe cha bảo, cha muốn ăn cơm tối
do chưa bao giờ thấy đêm ghẻ lạnh
như thế này.. đợi cha ăn xong
thì nằm xuống, tôi có cắn lưỡi
hơn chục lần-để chi? để
các chiếc răng sâu được giống cánh quạt trực thăng
lúc đau, nhức
kêu ầm ĩ
chưa chắc mình sẽ chết liền
do. tôi
chả ăn thua gì với đêm..
cuộc đời trông như cỏ dại nằm dưới nước
kể ra dễ dãi
tôi muốn nó ra sao thì ra, ặc
ặc
từ giờ, hễ vờn chuồn chuồn, từng chữ cái
viết hoa
nơi cửa miệng-để ý, cứ vọt ra
bảo "hợm
đợi tính đã!"
..
VNM 

Wednesday, August 7, 2024

GIỚI THIỆU ‘ĐỘC THOẠI ĐÊM’. CỦA ĐẶNG TOẢN

Hồ Đình Nghiêm
 

Tác giả Đặng Toản và tác phẩm
 
Hôm nay tôi có niềm vui
Đón cơn gió lạ buộc tui giãi bày
Chỉ "quen" nhà thơ trên FB, có nghĩa là mối tình giao duyên giữa thơ văn chưa mấy đậm đà (tôi chơi Phây mới có 4 năm).
Nhưng thoạt kỳ thuỷ, tôi đã bị cuốn vào những câu thơ ngắn của anh, nhà thơ Đặng Toản, bút danh khác: Bích Thượng Thổ. Một chắt lọc "đơn sơ nhưng nhiều ý nghĩa". Tưởng như anh vừa trì chú tụng xong một hồi kinh, lòng thanh thản...
Tôi quý Đặng Toản ở chỗ, anh đến cõi thơ với một tâm thức bình lặng, chẳng mưu cầu điều gì to tát. Không ồn ào, chẳng cần ai xưng tụng, thứ lầm lỗi mà nhiều người trẻ làm thơ xuất hiện trên Facebook thường vướng phải.
Đặng Toản là một người giản dị, đa số thơ anh viết ra khi đang làm việc quần quật và nặng nhọc trong hãng xưởng đâu đó bên Houston mà anh cho chúng ẩn sau hàng chữ "Hôm nay đứng máy nghĩ ra..."
Tôi từng đón nhận ba, bốn thi tập mà ở chốn xa, Đặng Toản cất công gói ghém, mang ra bưu điện nhờ chuyển giao với lệ phí không nhỏ. Tôi cũng từng nói, phải quý nhau, bạn văn mới chia sẻ chút thâm tình như thế.
Thơ Đặng Toản, gửi vào cõi văn chương hải ngoại một chuỗi hạt ngọc đã nhặt sạn sỏi, khu biệt. Tuy anh hiện diện hơi muộn trễ, nhưng sự có mặt ấy vẫn góp cho đời "hiu quạnh" những hương mùi đáng trân trọng, thuần khiết.
Có rất nhiều bạn văn đã bình phẩm cõi thơ Đặng Toản, mà theo tôi, nhà thơ Trần Vấn Lệ đã góp lời tán thưởng thật hay ho, thật chí tình!
Vừa khui mở phong bì vàng, vội vàng có ít chữ kẻo bạn Đặng Toản ngại quà không đến tay.
Tôi sẽ đợi đêm về, nhiều đêm, mới dọn lòng thắp đèn đọc suốt "Ẩn Thoại Đêm", tên đặt cho đứa con tinh thần rất ư khôi ngô của Đặng Toản.
Khôi ngô? Đó là tôi muốn khen mẫu bìa đẹp. Tôi rất chuộng bìa màu đen chữ trắng. Và chữ ấy thật thích hợp khi dùng cho một thi tập.
Cám ơn nhà thơ Đặng Toản. Tôi hy vọng, vào một ngày không xa, tôi sẽ "đi bụi" qua vùng nắng ấm (và nóng) sẽ tìm gặp bạn, bắt tay bạn và nhờ bạn dắt đi thăm vườn rau bạn ươm trồng :
"Chiều nay ra dạo vườn rau
Anh thu hoạch được một thau nắng vàng."
Không chắc là tôi sẽ mang được thau nắng kia về lại Canada.
Lạc quan tin rằng, rồi đây bạn sẽ cho ra đời các thi tập khác,
"áo em hường nên thơ cũng quên xanh". Đành vậy, nhưng nếu thôi xanh, là màu gì đi nữa thì tự thân, hai chữ Đặng Toản vốn đã dư thừa sự uy tín rồi ! 
Đặng Toản. Một nhà thơ nổi bật nhất, trầm tĩnh nhất ở xa, ngoài quê hương. Cám ơn bạn nhiều.
HĐN

  

Saturday, August 3, 2024

TRANH VÀ THƠ

 

Tranh Đinh Trường Chinh

Thơ Hoàng Xuân Sơn

Anh rót xuống khung mặt chìm
Bỗng nghe cây đời mọc gió