Saturday, June 29, 2024

BÉ VÀ QUÊ HƯƠNG ANH

Khê Kinh Kha
 
Bến sông xưa
 
này bé hỡi, chiều nay trời lành lạnh
ở phương này anh nhớ một quê hương
bé đừng quên, chiều nay mình đã hẹn
anh sẽ ngồi kể hết chuyện quê anh
 
khi bé đến, nhớ mặc áo dài xanh
như mầu xanh của lúa mạ lên mầm
như mầu xanh của rừng thông Đà Lạt
áo bay mềm như dòng nước Cửu-Long
 
khi bé đến, nhớ để tóc xoã dài
xõa dịu dàng như liễu rủ ngang vai
xõa trong anh bóng tre già quê ngoại
xoã hương tình của ruộng lúa Đồng-nai
 
khi bé đến, nhớ đừng thoa son nhé
để nắng chiều ửng đỏ nét môi thơm
để chiều nay mặt trời không ngủ sớm
như những chiều nắng phủ dãy Trường-sơn
 
khi bé đến, nhớ đừng thoa hương phấn
để hương trinh ngào ngạt ngập hồn anh
như cúc vàng bên thềm xưa Vỹ-dạ
ngát hương nồng bên dòng nước sông Hương
 
khi bé đến, nhớ đừng mang kính mát
để trời xanh rơi rớt vào mắt trong
để anh thấy biển Hội-An, Đà-Nẵng
bãi cát dài sóng vỗ đến Nha-trang
 
khi bé đến, nhớ bước đi nhè nhẹ
để lòng anh không xao động nỗi hờn
vì anh vẫn thấy hoài trong giấc mộng
phố Sài-gòn, Hà-nội, Huế buồn tênh
 
khi bé đến, đừng hôn anh bé nhé
hãy để dành hôn mẹ Việt Nam ta
mẹ Việt Nam bàn tay còn chai đá
nụ hôn nào sẽ xóa dịu lòng me
 
khi bé đến, nhớ cười vui bé nhé
để lòng anh như pháo nổ đầu xuân
anh sẽ ngắt cánh mai vàng vừa nở
tạ ơn đời và tổ quốc mến thương
KKK 

Friday, June 28, 2024

THƠ KHÁNH TRƯỜNG. ‘MỘT VẠT NẮNG TRONG’

Nina Hòa Bình Lê

Khánh Trường bên kệ sách

Thơ Khánh Trường
(Sách dày 242 trang, do NXB Mở Nguồn phát hành,
bán tại Barnes & Noble.)
 
Sáng sớm Chủ Nhật, điện thoại gõ nhẹ, nhìn vào messenger thấy dòng chữ nhắn tin từ chú Khánh Trường: “Tập thơ in xong rồi. Ghé lấy nhé.” 30 phút sau tôi ghé nhà, chú chỉ lên kệ sách: “Chỉ mới in ba cuốn. Cháu cầm một cuốn về đọc trước.” Mở trang đầu dưới dòng chữ THƠ KHÁNH TRƯỜNG là hàng chữ “Tặng cháu, Nina Hòa Bình Lê.”  Cảm động.
 
Bài viết này xin có lúc được gọi Chú, xưng cháu.
 
Thú thật tôi chỉ thật sự tìm đọc Khánh Trường trong những năm gần đây, sau khi thường xuyên lui tới thăm hỏi chú sau khi tờ Việt Báo chuyển thành tuần báo. Trước kia đọc đây đó những mẩu truyện ngắn, dài trên các trang mạng, những trang sách với khá nhiều tình tiết bạo lực và dục tính không lôi cuốn tôi mấy, dẫu bản thân luôn thán phục tinh thần làm báo dấn thân lì lợm và công trình Hợp Lưu “dày cộm” cũng như những đóng góp khai phá của người chủ biên, tạo khung trời mới vun xới những cây bút chủ lực cho nền văn học hải ngoại và trong nước.
 
Với nhiều kỳ tích, người viết người đọc không ai xa lạ với cái tên Khánh Trường. Khánh Trường – Nhà Văn, ngang ngược tung hoành trong 25 cuốn sách. Khánh Trường – Nhà Báo lì lợm qua 12 năm Hợp Lưu gai góc. Khánh Trường – Họa Sĩ, ngỗ nghịch trên 400 bức tranh sơn dầu táo bạo. Và Khánh Trường – Nhà Thơ, với tập thơ mới Thơ Khánh Trường do NXB Mở Nguồn vừa phát hành, dày 242 trang. Liệu bức chân dung Khánh Trường – Nhà Thơ có đủ đậm nét so với những bức chân dung Khánh Trường khó bì khác?
 
Thật ra, đây không phải là tập thơ đầu của Khánh Trường, như trong lời mở, Khánh Trường viết: “Tôi làm thơ rất sớm, và nhiều, từ năm mười sáu tuổi đến nay đã ngót sáu mươi năm, nhưng vẫn nghĩ thơ mình tầm thường, làm chỉ cho riêng mình như một hình thức ghi lại những biến cố đã trải nghiệm hoặc ngẫu hứng, cốt vui.” Tập thơ đầu Đoản Thi Khánh Trường ra đời 42 năm trước khi Khánh Trường mới đến Mỹ mà theo ông chỉ vì nhà in nơi ông làm việc đang “ế.” “Với tôi, vẽ, viết văn xuôi hay làm thơ chỉ cốt vui, không có tham vọng đi vào văn học sử. Tập thơ này cũng thế.”
 
Thơ Khánh Trường ra đời chỉ để “vui thôi mà,” gồm ba phần: Phần 1: Ngẫu Hứng; Phần 2: Mai Anh Về Miền Trung & Những Bài Thơ Khác; và Phần 3: Khổ Lụy.
 
Ngẫu Hứng là phần tôi thích nhất, tập hợp những bài thơ ngắn “bất chợt nẩy ra trong đầu.” Thơ được viết tự nhiên, không màu mè, không cơ bắp, không gồng, không làm dáng. Là phần mở đầu, Ngẫu Hứng cũng là phần tách riêng khỏi tập thơ, ở một vùng đất cao hơn, trên một khí hậu tươi mát, có nhịp sống tâm linh riêng. Trong khuôn khổ bài này xin chỉ đọc phần Ngẫu Hứng.
 
Ngẫu Hứng, theo tác giả, là những “ngẫu hứng đến không hẹn trước,” gồm một số bài đã được in trong tập Đoản Thi Khánh Trường và một số bài thơ ngắn rải rác khác trước đây chỉ được viết xuống, hoặc chỉ nằm trong trí óc, nay được gom lại đưa vào sách.
 
một đài mai trắng nở
run bên bờ tử sinh
một đài mai trắng nở
rực sáng nghìn tạng kinh
 
Bài thơ bốn câu có tựa “tuệ mai,”mở đầu phần Ngẫu Hứng cũng như mở đầu cuốn sách, đã ngay tức thì đưa tập thơ vào một cõi giới riêng, nơi Khánh Trường – Nhà Văn luôn gồng mình thách thức hoàn toàn biến mất nhường chỗ cho Khánh Trường – người họa sĩ tài ba đưa nét cọ vào thơ, vẽ nên bức tranh tâm linh vừa tĩnh vừa động, phản ảnh một tiến trình sinh, tử, tiến hóa – “một đài mai trắng nở” – một “rực sáng” trí tuệ, âu cũng là một sự giác ngộ / tái sinh của một Khánh Trường – Nhà Thơ, chân phương như đất:
 
Ngả lưng gối lá nhìn trời
nắng muôn sợi nhỏ rơi rơi đầy hồn
 
Ở đây, nhà thơ của chúng ta an nhiên chan hòa:
 
cúi hôn em – cảm ơn đời
cảm ơn hạnh phúc tuyệt vời chim bao
cảm ơn sợi tóc ngọt ngào
ngủ trên buồng ngực xôn xao nhịp trầm
 
Ở đây, ở trong thơ, không còn chút bóng dáng của một Khánh Trường ngang dọc bất cần, thay vào đó là một tâm hồn yên phận ví mình như một kiếp cây:
 
người là bóng mây
giăng ngang trời rộng
ta là kiếp cây
trên đồi gió lộng
 
 
người là cánh chim
bay ngoài biển rộng
ta đứng lặng chìm
ôm nỗi tình không
 
 
ôm chút tình không
ủ đời giá lạnh
như sợi nắng hồng
rơi ngoài mênh mông
 
Làm sao có thể không xúc động khi nghĩ đến hình ảnh Khánh Trường ngồi yên lặng trong căn phòng tối nhìn cuộc đời đi qua, thân xác ở bên trong bốn vách tường, nhưng tâm hồn nhà thơ vẫn rong ruổi ngoài kia “như sợi nắng hồng,” để rồi sẽ “rơi ngoài mênh mông.”
 
Ai đó đã nói, thơ là tiếng vọng, là lời mời gọi bóng hình nhảy múa, thơ Khánh Trường có những ngẫu hứng như thế, giữa những tháng năm cằn cỗi vẫn mọc những “nụ xanh”:
 
có đêm trăng rải lụa mềm
có cây nhớ gió bên thềm tịch liêu
có đời rộng cánh tay yêu
có ta cành nẩy ít nhiều nụ xanh
 
hay
ngồi bên song cửa
nhìn người đi qua
ô vườn hồn ta
một bông hồng nhỏ
bắt đầu mãn khai
 
So với Khánh Trường – Nhà Văn, Khánh Trường – Nhà Thơ của chúng ta lành hơn, hoà hoãn và cũng dịu dàng với chính mình hơn:
 
quanh co dốc đá rêu mù
vực thăm thẳm đáy non mù mù sương
dừng chân bối rối tìm đường
chừng như dấu cũ trong sương đã nhòa
 
hay
 
gối đầu trang sách mỏng
thả khói bay vật vờ
nương hồn qua bến lạ
ta lạc ta nữa rồi
 
Cái ta của Khánh Trường là cái ta của cả một tiến trình biến động, từ những vùng vẫy, than oán sau cơn tai biến:
 
nghe trong thể phách lụy phiền
máu cao niên đổ mưa điên trận sầu
nghe ngoài tịch mịch vó câu
gõ như búa nện trên đầu áo quan
nghe ra thôi đã muộn màng
tiếng con chim bệnh bàng hoàng kêu thương.
 
Đến những phút giây săm soi, tự xét bản thân:
 
ta có hai lỗ tai
cộng thêm hai con mắt
nhưng nhiều khi quá quắt
tai chẳng thuận điều ngay
mắt không nhìn nẻo thẳng
 
Cái ta biến đổi theo định mệnh, từ một Khánh Trường ngang tàng, lăn lóc, không khuất phục, đến một Khánh Trường của những tháng ngày “mỗi sáng buồn so.”
 
ta ngồi trong động trông ra
dưới sâu mây phủ bóng tà huy bay
nghĩ đời một cuộc tỉnh say…
 
Ai thường xuyên đến thăm Khánh Trường, quen thuộc với hình ảnh chú yếu gầy ngồi im lìm trên xe lăn trông ra trời rộng thật không khỏi chạnh lòng:
 
ngoài vuông kiếng đục mưa mù
ngồi im như tượng hồn thu xác gầy…
 
Trong căn nhà nhỏ im lìm, giữa bốn vách tường, trong bệnh viện, hay trên ghế nằm chạy thận, khi ngồi đợi xe rước đi lọc thận, chờ xe rước về, những “ngẫu hứng” thơ đến và đi cũng chính là tâm trạng của một người đã “từ bỏ cuộc chơi,” sống với “cái ta mãn cuộc”:
 
lăn trong cõi sống vô tình
có khi chỉ một cái hình phù du
loay quay ăn ngủ mệt đừ
muôn năm chẳng hiểu chân như chốn nào
 
Làm sao có thể hiểu được, khi chính mình ngồi một chỗ nhìn bạn bè khỏe hơn, trẻ hơn từ từ ra đi, ngậm ngùi cho bản thân:
 
ta có hai bàn chân
đi hoài không tới đích
ta có một sợi xích
trói hoài đôi cánh tay
ta có một cơ may
sống hoài như giẻ rách.
 
Có chút chua cay, mỉa mai cho một số phận nghiệt ngã, từ những lăn lộn dày dặn của một người chí khí bất thuần, đến hình ảnh bánh xe lăn, sợi xích, và chiếc giẻ rách, sao vẫn cứ phải sống, vẫn phải lăn theo cuộc đời. Có lẽ vì cuộc đời tuy bất trắc cũng không thiếu những dịu dàng:
 
vẽ em trán ngọc tay ngà
đường ngôi chẻ giữa tóc pha hương trầm
vẽ em răng khểnh duyên thầm
môi non mộc dược má dầm tuyết sương
vẽ em vẽ bóng vẽ hình
làm sao vẽ được cái tình xưa sau?
 
“Cái tình,” có lẽ đây là thứ duy nhất còn đọng lại sau bao nhiêu tai biến, được thua, mất mát. Cái tình của gia đình, của bạn bè văn hữu, cái tình của người đọc, người thưởng ngoạn, cái tình thủy chung son sắt của người bạn đời luôn bên cạnh, là lượng máu bơm đầy trái tim, giữ cho chiếc rương châu báu trong tâm hồn người thơ vẫn tràn đầy, để Khánh Trường – Nhà Thơ của chúng ta cuối cùng vẫn y bản Khánh Trường, bằng cách nào đó, vẫn ngông:
 
ta có một trái tim
bơm hoài một lượng máu
ta có một kho báu
cho hoài sao chẳng vơi?
 
Cuối cùng thì người nghệ sĩ là một trong những người hào phóng nhất, luôn chăm chỉ với sứ mệnh tô đẹp thế giới, cuộc đời. Vẽ hoài. Viết hoài. Cho hoài.
Riêng cảm ơn chú đã treo cho cháu “một vầng trăng mơ.”
NINA HÒA BÌNH LÊ
 
(Tất cả chữ nghiêng trong bài là chữ của Khánh Trường.)
 
 

Saturday, June 22, 2024

SÁCH MỚI

 
Văn Học Press
22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978
email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press
 
Trân trng gii thiu:
 
ĐƯỜNG VỀ THỦY PHỦ
 
Tiểu thuyết
TRỊNH • Y • THƯ
VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2024
 
Tựa:
BÙI VĨNH PHÚC
Bạt:
 
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
Tranh & Thiết kế bìa:
ĐINH TRƯỜNG CHINH

Cuốn sách vẽ ra được một toàn cảnh với các chi tiết, tạo được một ấn tượng về cuộc chiến, về không gian và cuộc sống xã hội, lịch sử của các giai đoạn gối tiếp nhau. Và về cuộc bể dâu mà con người phảiđối mặt, với những quyết định sai lầm của chính nó. Hay với cái “quyết định”, cái hướng đi mù loà, xiên xẹo và xộc xệch của lịch sử […] Cuốn tiểu thuyết này, với lịch sử được dùng làm một phông nền qua những gam mầu rất mờ nhạt, và ước muốn của nó, theo tôi thấy, là hướng về phía ánh sáng, về sự yênbình, về sự xoa dịu, qua lòng hiểu biết và niềm tin vào cái thiện, cái tốt. – Bùi Vĩnh Phúc, nhà phê bình văn học.

 Với thủ pháp dùng hư cấu, phi hiện thực để người đọc lần ra chân tướng hiện thực, khiến Trịnh Y Thư có một thái độ khách quan khi viết về sự tương quan giữa các nhân vật với những sự kiện liên hệ đến lịch sử và ý thức hệ […] Thân phận con người quả là chiếc lá nhỏ nhoi trong cơn lốc lịch sử, đấy là một thông điệp nhắc nhở hay một kết luận buồn bã? Dù là gì nó đều nói lên nỗi thống khổ của phận người từ đó khích động các cảm xúc về lòng Trắc Ẩn, Nhân Đạo, Lương Thiện và Vị Tha. Đó là luồng ánh sáng chiếu xuyên suốt tác phẩm này, lấp lánh qua văn phong tả chân, bạo liệt mà không thiếu tính trữ tình của lòng nhân ái, đa cảm. – Nguyễn Thị Khánh Minh, nhà thơ. 

@@@
 
Sách có bán trên BARNES & NOBLE
326 trang, bìa cứng, 6” x 9”, giá bán: US$25.00
Xin bấm vào đường dẫn sau:
Duong ve thuy phu by Trinh Y. Thu, Hardcover | Barnes & Noble® (barnesandnoble.com)
Từ tìm kiếm: duong ve thuy phu, trinh y thu
 
Hoặc liên lạc với tác giả / NXB qua hai địa chỉ email sau để mua sách có chữ ký của tác giả:
 
trinhythu@gmail.com
vanhocpress@gmail.com

Thursday, June 20, 2024

N H Ữ N G B À I T H Ơ M Ư A

Hoàng Xuân Sơn
 
Mưa. Tranh Alexander Bolotov. Ukraina
 
MƯA
 
mưa bay trong đầu
mưa sầu trên tóc
mưa khóc đôi hàng
mưa quàng áo trắng
mua lăn gấu quần
uớt đầm vai nhỏ
,
mưa nằm quán trọ
mưa gõ vách buồn
mưa tuôn sách vở
mưa thở qua đời
mưa ơi nhè nhẹ
{ báo Văn VN 1966 }
 
 
MỘT BÀI MƯA CŨ
 
bước qua tháng sáu
 
mưa
 
rồi
khoanh tay ở một thế ngồi
nghe mưa
năm này. cùng với năm xưa
năm nào cũng có một mùa trúng mưa
ước chi tình được trúng mùa
cái ô che nắng
để mưa
 
chùng
 
chình
{ Quyenbook 1995 }
 
 
MƯA MÙA NƯỚC LỚN
 
Rồi cuốn trôi đi nhành củi mục
khi mùa mưa lũ nước tràn sông
nhà ở bên tê múi Đập Đá
ngó đất trời dạ cũng sầu mông
 
Giờ này chăn ấm e còn ngủ
ôm vai mưa mộng tiếng ru dài
có thấy bâng khuâng hồn bão rớt
và có mơ mòng nghĩ một ai
 
Nước xiết chân rồi đò không lại
thương thương này gởi gió qua bờ
gởi màu mây xám giăng ô cửa
cho nhớ nhung mềm những sợi thơ
 
Buồn lắm mênh mông triều sóng bạc
như người cất rớ đứng cô đơn
bèo trôi ra biển rồi mất biệt
còn chút rêu rong bỏ lại nguồn
 
Làm sao bỗng nhớ rằng như đã
trong tiếng hò ơi nặng những tình
rủ Huế di xem mùa thủy tích
phố, đồi và mây nước nằm nghinh
 
Mai nước xuống rồi trường học lại
qua ngày lễ lụt ngóng hình nhau
đón đưa cho thỏa niềm canh cánh
và nắng xinh thêm buổi hẹn đầu
{Văn Học hải ngoại 1992
Huế Buồn Chi 1993}
 
 
M ƯA Đ U Ổ I CH IỀU
 
tặng Lữ Quỳnh [ gặp lại sau 31 năm đào tị ]
 
nghe mưa
đầu ngõ loang dần
ướt xanh lên những kỳ trân
bụi
bờ
mình nằm trong chái ầu ơ
nhà. hay thuyền. vẫn
vô bờ vô thân
vô phương
thì cũng có lần
chộ em qua đó
mà trần ai như
chiều vàng khê
đục. ảm. nhừ
hát thôi chiều hỡi!
bóng
 
lừ đừ
trôi
{ tháng sáu, 21 }
H O À N G X U Â N S Ơ N
 

Wednesday, June 19, 2024

SỰ MÉO MÓ KÝ ỨC

Vương Ngọc Minh
 
Siêu thực Dali. Alice In Wonderland
 
                   .tặng nhà thơ khế iêm.
 
thơ tự do-ở đây
ở kia
mọi thứ đều không rõ ràng
ai bán nhà
đất
cứ bán nhà, đất
ai làm trạng sư cứ làm trạng sư
ai dạy học hãy dạy tốt
ai chơi bời nhớ đeo condom..
 
hiện dưới cái nóng ôn đới
thực mất dạy, tôi mơ
thấy cô gái da trắng chân dài
trên đường santa clara đoạn giữa đường số 1
với số 4
ho
thuần tính
 
-đấy
tôi đánh cánh áo hoa (khuất
tầm nhìn mọi người
bởi vẫn chưa tường tận về vực thẳm
sự mật thiết của việc buột tóc
ngăn với tầng trời đã thành quán tính
 
tới đỉnh cao
hủ lậu..
 
ở đây, ở kia
tôi vẽ bức tranh hai mặt-vừa trừu tương
vừa hiện thực
có lũ chó choàng qua vai dọc tẩu
chúng đút chiếc túi đựng máy chụp ảnh xuống đóc họng
..trong họng đầy không khí ẩm
mốc, bạc thật
giả
vô số (vấn đề không phải chỗ này!)
 
chuyện
..lưng phát mọc vây, màu vằn vện
tôi chưa bao giờ nhòm tới
và nó đang chấp chới, cứ chực bay
phải liên tục thở ra
hơi thở tuyền màu hồng phấn
chúng lan tỏa
 
chì chiết..
ai cũng tưởng tượng nổi
vấn đề là đừng nhớ gì
có thể khoảng giữa-tôi
cô gái da trắng chân dài
chẳng có gì để nói (bởi quá nhiều thứ rững mỡ
rậm đám!)
trong giấc mơ
 
ở đây, ở kia
nọ nay thường xuyên ăn gạo lức
muối mè
kể con ma xó nghe
nó bảo hết còn huyền ảo truyền kì nhá
đợi khi hoá tiên ông hãy hô hoán
đừng nói "thậm chí" ở đây, vô nghĩa
 
hai mắt tôi, chốc chốc đảo ngược
xuôi
phải/trái-cốt tìm từ cửa chính tiếng cười đùa của cây roi da
con ma xó cất giọng
bảo "giời còn tỏ nao núng huống hồ tôi
ông ơi.."
 
cô gái da trắng chân dài, bất thần ôm ngực
rũ rượi
lướt qua tôi
hướng downtown
có nỗi trống lớn như thể cơn giá lạnh
hết sức bí ẩn
 
tôi chồm
chồm, dợm phóng giờ/giấc ngay đây lạ
tiếng dao phay
chặt gò nống trúng chân gió nghe “phập
phập!”
thơ mới vào đầu tháng sáu
có từng cơn ngoái
-ngó
cờ đuôi nheo đuổi theo vào tận tâm khảm
 
cả cây sồi héo
bên hông Oe kenzaburo
 
hai con mèo vàng
nău
đang vờn/múa
trên nóc nhà thờ đường số 7
trước mắt
chiếc khăn william carlos williams rơi
khập khiễng
bối cảnh lúc ngày đang lên đậm toan tính
 
tôi biết thời kì thơ việt đang tàn
úa
do người làm thơ, hết ngày này sang ngày khác
họ nhồi nhét hàng đống bóng đêm
vô phương triệu hồi
nào lòng chảo ngập miên man
và độc ai oán chuyện ăn
 
nằm, đéo cần thiết!
..
VNM

Monday, June 17, 2024

JOSÉ H.

Tí Ngô
 
 Portrait of a man. Modigliani
 
Hàng năm cuối xuân đầu hè các nông trại đất quê tưng bừng hoạt động.
Đây là mùa trồng cấy hoa trái (berries, dâu, framboise...) kéo dài tới cuối thu mới xong.
Nhân lực cần nên các nông trại nhận người vô ào ạt, phần lớn đây là những công nhân tài tử, là đám học sanh sanh viên từ các xứ khác, vừa du lịch hè vừa đi làm kiếm tiền trang trải chi phí.
Đã có hẳn những dịch vụ thu nhận công nhân kiểu này, mở ra khắp nơi trong khuôn viên các đại học âu mỹ và mỷ châu la tinh. Nhơn công ngoại quốc sang làm việc phải đóng thuế và mua bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế do cơ quan trung gian phụ trách. Ăn ở trong thời gian làm việc do đám chủ nông trại lo. Cuối ngày, cuối tuần được xe nông trại chở ra thả ngoài phố ngoạn cảnh. 
 
Năm đó Hô-zé (José) tham dự lần đầu tiên - the very 1st và cũng là the very last -
Em trai nó mỗi năm mỗi đi, đi hoài thành quen thuộc. Rồi rủ thằng anh đi cùng, mùa xuân năm 2020. José học Ph.D đang sửa soạn trình thesis, mới lập gia đình được 1 năm và vợ nó đang có bầu. Dự tính của José là đi một lần cho biết, vừa kiếm tiền, vừa du lịch, về sẽ trình thesis vào mùa thu, rồi đi làm - cả làm việc lẫn làm bố - Nhưng... toan tính không thành khi cô Vi 19 tuổi thình lình xuất hiện.
 
Tất cả, dà tất cả, những nông dân tài tử nọ, có lẽ do ăn chung ở chung tại farm, nên... đã lây nhau suốt lượt. Đứa còn khoẻ ra đồng, đứa hổng khoẻ nằm bẹp ở nhà, một căn nhà tiền chế to đùng, y chang những barack ở trại lính. Và cả hai anh em Jose đã lọt vô nhóm bịnh này.Thuốc men hổng có chi ngoài mấy viên tylenol giải cảm.
Mùa xuân năm 2020 ấy, những hiểu biết về covid còn mù mờ, thuốc chủng chưa có, nhơn loại loài người đã chết như rạ (ngoài đất trung cộng, hổng nghe nói có tử vong).
Jose vào suy hô hấp, được ambulance chở thẳng ra bịnh viện vùng, rồi chuyển tới covid unit của tui.
 
Jose ngó trí thức (thì nó trí thức thiệt) hiền lành, nói năng từ tốn đàng hoàng đâu ra đó.
Nó kể chuyện học hành, về gia cảnh, về những tính toán tương lai, nghe thấy thương luôn.
Nó hỏi "bác nô thấy tình trạng cháu ra sao". Tui nói cháu an tâm tịnh dưỡng, có bác đây đừng lo lắng chi. Nhưng... em covi đá cá lăn dưa 19 tuổi nọ, đâu dễ lường. Trị liệu khi ấy chỉ là trị triệu chứng, nhứt là triệu chứng hô hấp. Đã không thể, chưa thể lường được những biến chứng tim mạch não bộ và nội tạng.
 
Rồi Jose vào suy tim mạch, buộc lòng tui phải chuyển nó qua viện tim mạch.
Hồi báo tin, cả hai bác cháu cùng rướm nước mắt. Cháu rướm vì xa bác, bác rướm vì... không đoán được sẽ xảy ra chi cho trái tim non nớt bịnh tật nọ.
Jose biểu "thế cháu không ở lại đây được à". Tui nói không, qua bên kia mới có đủ phương tiện theo dõi trị liệu chớ - cháu đừng lo, khi nào rảnh bác sẽ qua thăm -
Nhưng khi ấy chuyện đi thăm là chuyện không tưởng, absolute isolation, chưa kể là công việc nhiều tới không còn làm chi khác được nữa (tui vô toilet và thường khi ngủ ngồi luôn trong trỏng - hổng rảnh để mơ tưởng việc đứng nữa cà)
 
Một bữa em social worker bên viện tim mạch phôn qua, nói bác Nô ơi, Jose muốn gặp bác, nhứt định phải gặp bác trước khi về nhà (before going home). Tui nghe vậy, hiểu vậy và yên trí vậy. Mà bữa đó thiệt là hổng rảnh. Qua bữa sau, em social worker bên đây mới chở qua bển thăm thằng cháu.
Hồi tới ICU chỗ nó nằm thì giường trống, tấm ảnh chụp hai bác cháu bên này vẫn còn ở tablet đầu giường. Phòng nó đang chờ lau chùi quét dọn để đưa bịnh khác vào. Xác nó đã bỏ vô túi nylon và đưa xuống nhà xác. José chết có một mình ! Em nó còn nằm bẹp ở farm chưa đứng lên được.
 
Tui cũng tính xuống nhà xác ngó mặt nó lần cuối cùng, nhưng rồi được dạy rằng... nhà xác chật chỗ rồi, viện tim mạch đã phải thuê một xe vận tải chở đồ đông lạnh để giữ xác, thành ra... biết ai vào với ai mà kiếm mà tìm !
Rồi thì... cái giường, chỗ nằm của Jose trong covid unit của tui được di chuyển, mang sang chỗ khác (để bác nô qua lợi tránh nỗi thương tâm).
 
Tui vẫn còn liên lạc với vợ con Jose sau đó.
Nghe nó sanh con trai, đặt tên Gabriel theo đúng lời Jose dặn dò.
Thằng nhỏ nay đã hơn 3 tuổi, mặt mũi giống cha như đúc (hay tui tưởng tượng hổng chừng).
Nửa năm nay hổng nghe tin tức mẹ con nó nữa. Con nhỏ học xong Ph.D ra trường và vừa tái hôn với một đồng nghiệp cùng sở.
 
Tui vẫn đi chung với mỗi bịnh nhơn một đỗi đường.
Nhưng... đoạn đường đi chung với José tuy quá ngắn mà gồ ghề khúc khuỷu, thành chừ... hai chân vẫn còn đau!
I miss you, Hô-zé
TN

  

MANG MANG

Nguyễn Đức Sơn
 
  
Đồi thông Phương Bối,
nơi Nguyễn Đức Sơn an nghỉ
 
Mang mang trời đất tôi đi
Rừng im suối lạnh thiếu gì tịch liêu
Tôi về lắng cả buổi chiều
Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh
Còn một mình hỏi một mình
Có chăng hồn với dáng hình là hai
Từng trưa nằm nghĩ đất dài
Phiêu phiêu nhẹ cái hình hài bay lên
Mù sương âm vọng tiếng huyền
Có con dơi lạ bay trên cõi đời
Sau xưa mắt đã ngợp rồi
Tôi nghe tôi chết giữa trời thinh không.
NĐS