Phan
Tấn Hải
Sách
Buổi ra mắt tập thơ “Tháng năm là mộng đang đi” của Nguyễn Thị Khánh Minh đã hoàn tất, nhưng nhiều câu hỏi vẫn lơ lửng sau khi nhà thơ nổi tiếng này nói rằng ấn phẩm này có lẽ là tập thơ cuối cùng của chị. Không có lời giải thích rõ ràng vì sao tập thơ thứ 12 này có thể là ấn phẩm cuối cùng của chị, nhưng buổi ra mắt sách hôm 25/2/2023 tại một quán cà phê giữa Little Saigon đã để lại nhiều kỷ niệm trong những người yêu thơ tham dự.
Quán cà phê Creamery Pop ở một vị trí tuy “gần mà xa” – bởi vì, tuy nằm ở góc đường McFadden và Brookhurst, chỉ cách tiệm Coffee Factory có chừng mươi bước chân, một số văn nghệ sĩ loay hoay hoài tìm không ra, như nhà thơ Lê Giang Trần, lái xe tới ngay trước tiệm vẫn bấm phone hỏi tiệm ở đâu, như dường họ Lê đang đứng ở “trạm người quá bước” và người chỉ đường qua điện thoại cũng vất vả giải thích. Trước đó khoảng nửa giờ, nhà báo Phan Tấn Hải cũng đi lạc, may được họa sĩ Nguyễn Đình Thuần và nhà thơ Nguyễn Quốc Thái níu áo, chỉ lối. Than ôi, mới biết, thơ là một mạng lưới huyền ảo, có vẻ như đã làm hư vô hóa một tiệm cà phê. Thêm một trở ngại: trời mưa từ rạng sáng, làm nhiều trở ngại.
Ban tổ chức buổi ra mắt thi tập “Tháng năm là mộng đang đi” của Nguyễn Thị Khánh Minh là hai người bạn thân nhiều thập niên của chị: nhà thơ Nguyễn Đức Cường, và chị Thanh Lương. Mở đầu là lời giới thiệu của Nguyễn Đức Cường, lời cảm ơn, và lời mời uống cà phê và ăn sáng. Buổi ra mắt thơ của thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh năm nay khác với những lần trước tại Little Saigon: có tham dự của vợ chồng nhà thơ Nguyễn Hồi Thủ, anh ruột của NT Khánh Minh, lái xe từ San Diego tới (nghĩa là, trời mưa thì mặc trời mưa…).
Từ phải: Thành Tôn,
Nguyễn Hồi Thủ -anh ruột của
Khánh Minh, vợ chồng
Cung Tích Biền
Tham dự trong buổi ra mặt thi tập có các văn nghệ sĩ và thân hữu: Cung Tích Biền (và phu nhân), Lê Giang Trần, Thành Tôn, Hòa Bình, Nguyễn Đình Thuần (và phu nhân), Vũ Hoàng Thư (và phu nhân), Phan Chánh Khánh, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Hồi Thủ (và phu nhân), Phan Tấn Hải, Phạm Quốc Bảo, bà quả phụ Cao Xuân Huy, Nguyễn Đình Cường, Thanh Lương, và Nguyễn Thị Khánh Minh. Một số bạn văn khác có hứa tới nhưng rồi không tới được vì nhiều trở ngại.
Hình trái: ngồi bên
Thanh Lương, tác giả NTKM ký tặng sách.
Hình phải: tác giả NTKM
nói về thi tập.
Phan Chánh Khánh, Vũ
Hoàng Thư và chị Phượng.
Tập thơ "Tháng năm là mộng đang đi" của Nguyễn Thị Khánh Minh do Văn Học Press xuất bản, 2023. Tựa: Trịnh Y Thư. Bạt: Vũ Hoàng Thư. Nhận định: Cung Tích Biền. Tranh bìa: Phạm Cung. Ảnh chân dung: Chương-Chương. Thiết kế sách: Trịnh Y Thư. Thiết kế bìa: Lê Giang Trần. Đọc bản thảo: Trần Thị Nguyệt Mai.
Đang lưu hành ở:
https://www.barnesandnoble.com/s/9798823166874
Tập thơ “Tháng năm là mộng đang đi” khác biệt hẳn với các thi tập trước kia của Nguyễn Thị Khánh Minh. Tập này thuần là thơ lục bát. Nghĩa là rất quen thuộc. Khoan. Bạn hãy nhận ra thêm: lục bát, nhưng rất tân kỳ, rất lạ.
Bạn có thể nghe nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê) nói về cái lục bát rất lạ trong thi tập này của NTKM qua bài "Đọc Thơ Khánh Minh, Tháng năm là mộng đang đi” gửi từ Sài Gòn:
“Tháng năm là mộng đang đi… của Khánh Minh là một tập thơ lục bát lạ, nó vừa “sang cả u u” lại vừa “chơn chất thật thà”, đầy những kỷ niệm nhỏ to với bạn bè khắp chốn. Bởi nó là mộng. Mộng thấy quê nhà là nét dễ mến nhất, “khánh minh” nhất. Mộng thấy biển xanh. Thấy bóng nắng. Thấy cổ tỉnh. “Vằng vặc một tấm lòng/ Giếng xưa trăng rọi bóng” (trạm trạm nhất phiến tâm/ minh nguyệt cổ tỉnh thủy. Nguyễn Du).”
Tuy vang vọng âm hưởng ca dao, nhưng văn phong NTKM không phải của những ngàn năm trước của ông bà mình. Rất thâm diệu. Theo Đỗ Hồng Ngọc giải thích thêm, trích cùng bài trên:
“Không chỉ vậy, thấm đẫm nơi Khánh Minh còn là cõi Phật, với Nghiệp, với nhân quả, với “mũi tên nào để vết thương/ thôi thì đau, để nhẹ nhàng cái vay”.
Mũi tên nào để vết thương
Thôi thì đau, để nhẹ nhàng cái vay
Hạt vơi đong nỗi hạt đầy
Ơn trời, mưa bóng mưa mây thôi mà
Đi đi. Đường hãy còn xa…
(Dặm trường)”
Trong thi tập dày khoảng 220 trang, Nguyễn Thị Khánh Minh giải thích trong Lời Ngỏ (trang 7-8), trích đôi dòng:
“Bạn Thơ ơi,
Với riêng tôi, Lục Bát thân thuộc như hơi thở.
Cha mẹ tôi kể thường ru tôi ngủ bằng những câu thơ lục bát. Như thế thì chưa biết nói đã được nhạc Lục Bát ấp ưu trong từng hơi thở đầu đời. Cứ thế mà bén rễ, ăn sâu vào cảm thức, cho đến khi bật ra thành câu thuở chập chững làm thơ, xem như Lục Bát là miếng cơm mớm cho những câu thơ bắt đầu tập nhai tập nuốt. Rồi theo hoài. Rồi thành quen. Đến nỗi Lục Bát gần như một phản xạ của rung động tức thì. Rồi cùng mình lặn lội tháng ngày, nuôi lẫn nhau thêm cái trầm lắng của sự chiêm nghiệm có được theo thời gian.
Và tôi đã cảm nhận rằng Lục Bát, dù mang nét chân phương như ca dao, vè, hay đầm đẫm nét sang cả của một Sáu Tám thâm viễn u u, thì ở mỗi tính cách, Lục Bát vẫn có sức quyến rũ riêng.
Tôi đã gom lại những bài Lục Bát của mình để có được một tặng phẩm nhỏ này như một tri ân Lục Bát, như quả thu được từ hoa lời ru của cha mẹ, như sợi tằm chắt chiu gửi cho Đời cho Người.”
Dù chân phương, hay sang cả thâm viễn u u… Nhưng đọc thơ, cũng như nghe nhạc. Không phải ai cũng đọc thơ được, bất kể đã học thuộc lòng toàn bộ Truyện Kiều và Lục Vân Tiên. Bên cạnh Đỗ Hồng Ngọc, cũng có một Trịnh Y Thư trân trọng những dòng thơ của nhà thơ nữ họ Nguyễn.
Trong phần Tựa (ở trang 9-20) của thi tập -- với bài nhan đề “Lục Bát Nguyễn Thị Khánh Minh: Tơ Tóc Cũng Buồn” -- Trịnh Y Thư ghi nhận:
“Toàn tập thơ Tháng Năm Là Mộng Đang Đi của Nguyễn Thị Khánh Minh là mấy trăm bài lục bát. Đây quả là một thách thức về hình thức biểu đạt, bởi không dễ dàng chút nào để duy trì tính nghệ thuật và cùng lúc giữ cho người đọc sự thú vị xuyên suốt khi đọc từ bài này sang bài khác. Tôi nghĩ Nguyễn Thị Khánh Minh đã có sự tự tin vững vàng hiếm có khi làm như thế.
Thể thơ lục bát từ nhiều năm đã không được nhiều nhà thơ, nhất là những nhà thơ trẻ, chọn làm hình thức biểu đạt tâm tư mình. Kỳ thực, nó bị bỏ rơi một cách buồn bã. Một thể thơ truyền thống của dân tộc, gắn bó với tâm hồn Việt Nam cả nghìn năm, ngày nay bị quay lưng lại, bị ruồng rẫy một cách đáng thương? Phải chăng nó không còn thích hợp cho những thao tác sáng tạo mới? Phải chăng niêm luật thơ lục bát gò bó quá, âm nhạc trong thơ lại đơn điệu, dễ nhàm chán, ý tình chẳng thể nào biểu đạt cho trọn vẹn? Phải chăng tính cách trữ tình, ý nhị của lục bát cũng kềm hãm, không cho bốc cháy những tứ thơ mãnh liệt, khốc liệt khiến nó không còn phù hợp với tiếng nói và nhịp đập của thời đại? Người ta chán thơ lục bát bởi dễ làm nhưng khó hay. Và vì khuôn sáo. Khuôn sáo ở những chỗ gieo vần, một hình thức làm cho đầy, lấp đầy những khoảng trống để “bắc cầu” cho những từ quan trọng hơn trong bài thơ.
Tôi tin là, qua tập thơ Tháng Năm Là Mộng Đang Đi, Nguyễn Thị Khánh Minh đã khắc phục được gần như tất cả những nhược điểm trên của thể thơ lục bát. Hãy lấy ra một bài thơ tiêu biểu:
Tôi ngồi lại. Một nốt nhạc
tím. Và chiều, một khúc hát bay xa
Rưng rưng mầu lá trên hoa
Một vệt sáng ngày vàng. Pha tĩnh vật
Rót đầy ly chiều ong mật
Hứa hẹn tôi về một giấc nắng mai
(Tĩnh vật chiều)” (Trang 12-14)
Bìa sau của thi tập “Tháng năm là mộng đang đi” là lời nhận định của nhà văn Cung Tích Biền, trích từ bài "Khánh Minh, Chữ Nghĩa Nơi Tấc Lòng" đăng nơi các trang 187-195 như sau:
“Một hôm, được mời dự một buổi ra mắt một tập thơ của Khánh Minh, được mời phát biểu đôi lời, tôi nhớ tôi chỉ nói đúng mấy từ, “Nói về thơ Khánh Minh ư? Khánh Minh, đã là Thơ rồi”.
Khánh Minh là nhà thơ, viết cả văn.
... Thơ và văn của Khánh Minh rất đều. Không cái nào là tay trái. Khánh Minh, người có hai tay mặt.
... Tôi hiểu, Khánh Minh cũng có cái ý thức “Đứng riêng mỗi mình”. Đây là thái độ chân thiện, cần thiết trong mỗi người cầm bút.
Rât mừng, trong chừng mực, thơ văn Khánh Minh có một chốn riêng. “Mình không giống ai”. Và, mong sẽ không ai giống mình. Cô đã thành công.
... Thơ văn của cô, ra đi từ tấc lòng, trở về trong tấc lòng.” (trang Bìa sau thi tập)
Tập thơ “Tháng năm là mộng đang đi” có cái hay là trang nào cũng hay. Bài nào cũng hay. Bạn không cần đọc liên tục một lần. Mỗi ngày, bạn có thể mở ra một trang bất kỳ. Có thể đọc trang bên phải trước, hay bên trái trước. Đọc thế nào, thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh vẫn hay.
Nhưng không dễ để đọc trọn ý, và cũng không dễ để có ai dám nói là hiểu hết ý thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh. Bất kể là bạn đã từng đọc và học văn chương từ nhiều thập niên, cũng vẫn có những chữ làm bạn bất ngờ, và sẽ ngờ vực về vốn từ ngữ Việt của bạn. Như trường hợp tôi, khi gặp bài thơ Đêm Hoa ở trang 126, chữ “nổi nênh” làm tôi khựng lại, vì không hiểu rõ nghĩa. Khi tra từ điển, mới biết có chữ “nổi nênh” được dùng cho nghĩa: nổi nênh là một trạng thái giống như lênh đênh, bất định, lúc lên lúc xuống...
Như thế, chúng ta hiểu rằng ông bà mình có khi dùng chữ sau làm âm vang để nổi bật chữ trước. Cùng trong bài đó, ở đoạn 2, có chữ "Tấm tâm" thì có lẽ do chính nhà thơ đặt ra (?), nhưng khi chúng ta đọc, âm vang vẫn rất là truyền thống ông bà mình. Đoạn 2 cũng ám chỉ tới một tích, rằng người thuyền quyên xưa đã để rơi một chiếc giày để chàng dò theo, thì bây giờ, "chiếc hài thơ, để chàng tầm xuân em" là cổ tích mới của Nguyễn Thị Khánh Minh. Bài thơ 2 đoạn, từ ngữ hầu hết là thuần Việt, nơi trang 126 như sau.
ĐÊM HOA
1.
Hạt đi hạt ở thầm thì
Tủi thân nỗi sớm niềm khuya tự tình
Sợi thương sợi khó lênh đênh
Làm sao buộc cái nổi nênh hạt sầu
Cầm canh hạt hạt đêm thâu
Một phút giây, bỗng nhiệm mầu đêm hoa
Trăng lên. Gương lược lụa là
2.
Bên đời hội trẩy xôn xao
Bụt ơi, áo mới, em vào đêm hoa
Vâng,
Nửa đêm em sẽ về nhà
Thôi xe, thôi áo, em lại là Tấm tâm
Ơn sao đã bỏ dấu thầm
Chiếc hài thơ, để chàng tầm xuân em
Bụt ơi, kết cỏ em đền…
---- 1999
Nói chung là, thơ Nguyễn Thị Khánh Minh không phải loại thơ đơn giản. Như bài thơ "Vẽ Hình" gồm sáu đoạn bốn dòng nơi trang 127-128, chúng ta cũng thấy những chữ đơn giản, rất đơn giản, nhưng là một hình ảnh về trăng và đêm. Nếu chúng ta ngồi xe buýt đọc, có thể không nắm hết ý. Phải về nhà, ngồi đọc thật chậm, đọc từng chữ, mới ngộ hết ý thơ của nữ thi sĩ họ Nguyễn. Nơi đây, chúng ta trích 4 dòng đầu của trang 127.
Vỡ ra. Rồi. Vụn thành đêm
Mảnh tan trăng. Lại mảnh thêm tôi vào
Có khi trăm vỡ. Bồi nhau
Lại tìm được bóng mà đâu trăng tròn
Nơi trang 167-174, nhà thơ Vũ Hoàng Thư trong bài viết "Lục bát Nguyễn Thị Khánh Minh – Để mải tìm. Mải đi" đã giải thích về những âm vang bay bổng trong thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, trích như sau:
"...Lục bát là xương cốt thi ca Việt, như thơ Đường của Trung Hoa, như waka, haiku của Nhật Bản. Từ hội Đạp thanh lân la đoạn trường tân thanh Nguyễn Du, đến kỳ ảo nửa bãi nắng chia Lửa Thiêng Huy Cận, qua trùng phục quy hồi thể nghiệm tồn lưu Bùi Giáng, và đương thời lục bát hàn lâm ngắt dòng bậc thang hằng hằng nội công Hoàng Xuân Sơn… Nhờ thế, tuy vẫn giữ âm điệu 6/8 nhưng lục bát vẫn tiếp tục “mới” theo thời gian và mở rộng qua tài năng phi phàm thâm viễn rất mực của các kỳ danh thi sĩ vừa nêu. Cũng từ đó nảy sinh lục bát biến thể. Lục bát biến thể có thể tóm tắt dưới dạng những hình thức như biến đổi cấu trúc bằng trắc, số câu lẻ trong bài thơ thay vì chẵn như lục bát nguyên thủy, câu bát kéo dài thêm âm tiết như nói lối, hiệp vần không nhất thiết phải ở chữ thứ 6 của câu bát.
Thử đọc bài thơ “Ngơ Ngác” của Khánh Minh trong hình dạng lục bát biến thể. Cô gọi thể thơ mới này là “lục bát biến tấu”.
Đang ở đâu trên dòng nhạc
Một nốt tôi ngơ ngác. Không lời
Đang ở đâu trên chiều rơi
Rơi mãi rơi. Bơ vơ tôi. Viên cuội
Đang đi đâu trong bóng tối
Bóng theo sau. Chỉ lại mỗi mình đi
Đang đi đâu hay bước về
Chỉ biết bây giờ. Quanh khuya. Đầy gió…
(Ngơ ngác)
Từng hai câu một của bài thơ như nhịp bước gõ xuống vỉa hè khô, nhờ vào âm bằng trắc đã được hoán chuyển vị trí. Như những tiếng nện gót của một mình ta trên đường chiều. Một mình. Bước tới và nhìn lui, chỉ còn một bóng của chính mình vãng lai. Người bổng rơi như Lời. Lời mở những tầng khí hậu của tự do, của thênh thang khi mọi ràng buộc đã dứt. Rơi tự do." (ngưng trích)
Trong khi đó, với nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, thi tập này là một chuỗi tiếng chim đang lưu giữ những giấc mơ. Trong bài thơ nhan đề "Tiếng Chim" --- ở trang 177-178 trong thi tập "Tháng năm là mộng đang đi" --- Nguyễn Xuân Thiệp viết, có dẫn ra hình ảnh "vầng trăng cổ tích" của Nguyễn Thị Khánh Minh, trích:
"Tôi đã gặp trong thơ nguyễn thị khánh minh
những tiếng chim
... [...]
tiếng chim. xin giữ lại bầu trời. vầng trăng cổ tích
kẻo mai kia
không còn thơ
và giấc mơ kia
và con đường
và bóng nắng
ơi tiếng chim. xin giữ lại.”
Phần Phụ Lục, trang 181, có bài thơ của nhà thơ Hoàng Xuân Sơn nhan đề "Chút Ân Cần Cho Khánh Thi" với bốn dòng như sau:
Chợt nghe ngân khánh vang lừng
Sáng thơ sáng cả một vùng tạ thanh
Đẹp từ câu hát em, anh
Cảm ơn đời có trường thành náu nương.
Chúng ta khi đọc thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh, khi gấp trang sách lại, hiển nhiên là vẫn còn những gì đang lãng đãng trong hư không, như dường có cái gì cứ theo hoài… Nhà thơ Trần Thị Nguyệt Mai ghi theo một cách khác, trong bài thơ nhan đề “Mộng” đề tặng Nguyễn Thị Khánh Minh nơi trang 184, với hai dòng đầu làm ngẩn ngơ:
Giật mình còn nhớ nụ cười
Con mắt như vẫn có đuôi. Theo hoài
Cũng nơi Phụ Lục, các trang 179-180, là bài thơ của Phan Tấn Hải đề tặng tác giả thi tập, toàn văn như sau.
Bên kia những dòng thơ
--- Tặng nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh
Bên kia những dòng thơ
một thời bạn đã viết
một thời bạn trải lên giấy những mùa hè rực rỡ nắng trưa
nơi bạn bước những lối ngõ Sài Gòn rợp trời hoa phượng
nơi mối tình thơ dại một thời làm tê lạnh những chiều mưa
nơi lưng trời thảng thốt tiếng chim bay mùa ngược gió
nơi bạn lưu hương vào chữ để học vẽ bùa như người xưa.
Bên kia những dòng thơ
một thời bạn đã viết
một thời bạn bước đi giữa những dòng chữ thực và mơ
nơi gót chân bạn là lời Nha Trang rì rào biển sóng
nơi bên rèm bạn hội ngộ Mỵ Nương cười nói đêm mưa
nơi dòng thơ còn vọng tiếng thì thầm bốn ngàn năm cổ tích
nơi rất buồn, âm vang tỳ bà Vua Rồng đàn nhớ Âu Cơ.
Bên kia những dòng thơ
một thời bạn đã viết
một thời bạn đứng nơi ruộng đồng khô hạn để đọc thơ gọi mưa
một thời bạn chép đồng dao bạt ngàn trang giấy mới
nơi những dòng mực còn đọng rất buồn trận gió lạc mùa
nơi bạn ghi những dòng lục bát bùa phép để mời hoa mai nở
nơi tôi còn đứng bên ngựa đá Lý Trần một thời mỏi chân đua.
Bên kia những dòng thơ
có phải Minh là nhật (*)
có phải minh là ngày
để giấy mực lung linh giữa mơ và thật
Bên kia những dòng thơ
có phải Minh là nguyệt
có phải minh là trăng
để sáng mãi trong thơ một vầng trăng khuyết.
Bên kia những dòng thơ
bên kia những dòng thơ.
Phan Tấn Hải - 11/2022
(*) Minh: 明 viết ghép chữ nhật 日 + chữ nguyệt 月 .
Ấn phẩm “Tháng năm là mộng đang đi” của Nguyễn Thị Khánh Minh là một tập thơ hy hữu, hiếm gặp trong cõi chữ nghĩa phù du này, nơi những dòng thơ có thể sẽ được người đời sau gọi là “vầng trăng cổ tích” – như nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp nói ở trên. Một câu hỏi vẫn còn lơ lửng, rằng vì sao nhà thơ NTKM gọi đây có thể sẽ là tập thơ cuối cùng. Có phải để rồi sẽ chỉ viết tản văn, một thể loại mà chị cũng ưa thích và đã in 3 tập tản văn? Hay chỉ để tịch lặng nhìn ngắm cõi đời này, khi chữ nghĩa thậm thâm vi diệu đã rơi vào vô ngôn?
PTH
No comments:
Post a Comment