Friday, March 31, 2023

NHỮNG CON CHIM ÉN TRÊN BẦU TRỜI THÀNH PHỐ

nguyễnxuânthiệp
  

Swallows Legend in San Juan Capistrano
Source:Internet

 
"Trong lòng tôi. vẫn còn chỗ. cho mùa chim én bay"
 
Đối với Nguyễn, và những ai nữa ở bên trời này, thì Sài Gòn và Đà Lạt là nơi cư ngụ của một thời thanh xuân, của tình yêu và mộng ảo. Ở đó, có những bóng dáng rực rỡ của ngày nào và có bầu trời với  nhiều chim én...Sau này, trên bước đường lưu lãng, như một giấc mơ sống lại, Nguyễn còn được gặp chim én ở San Juan Capistrano.
 
Trong lùm cây phỉ, họ yêu nhau
dưới mặt trời của đám sương mù
với lá nhầu trong mái tóc
và mặt đất là căn nhà
 
Hỡi trái tim én
hãy ưu ái với họ
 
Hình ảnh hàng cây bốc khói
trên những lớp sóng sóng sánh
én ơi, hãy làm thế nào để họ
đừng bao giờ lãng quên...
 
Những câu thơ trên là trích từ bài Cánh Én của Wislawa Szymborska, nhà thơ Ba Lan được giải Nobel năm 1996. Ai chuyển ra ngôn ngữ thơ Việt, Nguyễn tôi cũng không còn nhớ nữa. Bạn nào biết xin chỉ giùm.
 
A, những con chim én! Không hiểu sao anh yêu chúng thế. Như yêu những con ve của mùa hè ở phượng thành. Như yêu những cánh hải âu trên bờ biển Laguna ngày nọ. Bây giờ, ngồi ở đây, nơi xứ nắng, tình cờ đọc bài thơ của Wislawa Szymborska lòng anh lại bồi hồi tưởng nhớ.
 
Thanh Tâm Tuyền, trong một bài thơ,  viết cho Vũ Đạo Ánh và Trần Lê Nguyễn ở những năm cuối thập niên 60, có nói về những con chim én trên bầu trời thành phố Sài Gòn:
 
Vũ Đạo Ánh...
mùa này gió biển thổi điên vào lục địa
... khóc đi Nguyễn
chim én vẫn bay đầy đàn trên bầu trời chiều đường
phố ở Sài Gòn
 
Ở Sài Gòn, muốn nhìn thấy chim én bay đầy trời như thế có lẽ phải ra chỗ công viên nhà thờ Đức Bà hoặc bến Bạch Đằng. Mà phải là buổi chiều mới có nhiều chim én bay. Ở đó, nhất là trên những kè đá ở Bến Bạch Đằng, ta có được một không gian rộng rãi cho tầm nhìn. Hãy nhìn, kìa, những cột buồm nồng mùi muối biển xa nhô lên trên vàm sông, gió lồng lộng thổi về, làm chao đảo trong ráng chiều đỏ rựng. Khách sạn Majestic với vòm mái cao và những ngôi nhà của những năm đầu thế kỷ vừa qua. Và những "quai de brume", những vỉa hè, buổi chiều thả rơi từng bông sứ máu. Ô, những con chim én bay vun vút trong không, trên những cột buồm nhấp nhô theo triều lên, bên những mái nhà là nơi chúng làm tổ. Ở đó, có gã thi sĩ bụng đói, mắt sâu, buổi chiều đi dạo chơi chuyện trò cùng chim én.
 
Ở một nơi nữa cũng có nhiều chim én. Chắc em còn nhớ, trong một truyện ngắn của Châu Trị có tựa đề Thành Phố Sương Mù, cô sinh viên mắt nâu một ngày đã ghé qua viện đại học và trường Yersin. Nơi đó cũng là thành phố thời xanh của anh: Đà Lạt. Ở đây chim én nhiều vô kể. Chúng bay, vòng lên lượn xuống, thật nhanh, và trẻ con tha hồ dùng cành trúc khua đập. Nóc mái đài phát thanh, nhà thờ con gà và tiệm sách Nhân Văn là nơi trú ngụ của bầy chim én. Không ở đâu chim én và người gần nhau như ở thành phố trên cao này. Gần như những mái nhà san sát. Gần như những con đuờng quanh co lên xuống, nồng hương cà phê và mùi nhựa thông trong nắng mới. Và em còn nhớ, hôm ấy mới từ Sài Gòn lên, đôi mắt nâu của cô sinh viên nhân vật truyện đã mở rộng nhìn trời, thấy chim én bay thật gần thật gần trên mái đầu và những cành thông. Ngày ấy, cô đã nhặt đem về miền nắng những trái thông khô để tạo thành những chú gà trống mào đỏ cất tiếng gáy trên bàn học. Nay còn không những chú gà làm bằng trái thông khô?
 
Ô, đã xa, xa như trời và đất. Thế mà những con chim én cũng đã về lại, vô cùng đông đảo và rộn ràng trên mái nhà thờ vùng biển San Juan Capistrano -điểm hẹn giữa San Diego và Santa Ana. Chúng về trong tiếng kèn tiếng trống vang lừng khi cư dân vùng bông giấy đỏ này cử hành những đám cưới thật lộng lẫy. Đây, em hãy đọc chuyện những con chim én trở về dưới mái nhà thờ Mission ở thành phố San Juan Capistrano: Hàng năm vào khoảng cuối tuần lễ thứ ba của Tháng Ba, ngày Mùa Xuân bắt đầu ở Bắc bán cầu là hàng ngàn hàng ngàn chim én trốn Mùa Đông từ Goya, Argentina (Á Căn Đình) cách đây hơn 6,000 miles bay về thánh đường. Loài chim thiên di này có tên là Cliff Swallows, chúng làm tổ bằng loại bùn màu xám trên tường ngay dưới mái nhà thờ bị sụp đổ, mỗi tổ chim có một cái lỗ để ra vào phía dưới. "Đất lành chim đậu", tu viện nằm gần hai con sông nên có nhiều côn trùng làm thức ăn cho chim quanh năm và làm tổ dưới mái giáo đường rất kín đáo và an toàn. Linh Mục O'Sullivan theo dõi sinh hoạt của loài chim và ghi nhật ký từ Mùa Xuân cho đến Thu suốt hai thập niên ông ở đây. Ngày 13 Tháng Ba năm 1939 để loan tin chim én đã trở về, chương trình phát thanh đã trực tiếp truyền thanh từ sân nhà thờ bài nhạc "When the Swallows Come Back to Capistrano" của Leon René đã ngẫu hứng sáng tác. Bài hát đứng đầu nhiều tuần trên làn sóng phát thanh thời ấy. Ngày nay trong tu viện có gian phòng lưu giữ bản chụp bản gốc nhạc phẩm trên, cây đàn dương cầm ông dùng để sáng tác và một số đồ gỗ như bàn ghế do gia đình ông Réne hiến tặng. Hàng năm chính quyền thành phố San Juan Capistrano bảo trợ 2 tuần lễ hội "Fiesta de las Golondrinas" được tổ chức tại tu viện San Juan Capistrano vào khoảng 19 Tháng Ba (Lễ Thánh Joseph) để đón chim trở về và 23 Tháng Mười (Lễ Thánh John) để tiễn chim bay về Nam.
 
Bây giờ, mời các bạn ghé thăm giáo đường xưa San Juan Capistrano để thấy lòng mình lắng đọng, nghe tiếng thời gian chừng như trở lại trên từng mái ngói, tường vôi. Hãy cầu xin những điều mình ước nguyện với tất cả niềm tin và lòng thành. Dư âm vang vọng đâu đây ca khúc "When the Swallows Come Back to Capistrano" của Leon René:
 
When the swallows come back to Capistrano
That's the day you promised to come back to me
When you whispered, "Farewell," in Capistrano
'twas the day the swallows flew out to sea.
 
Khi những con chim én
bay về San Juan Capistrano
Tôi nhớ đó là ngày
em hứa sẽ trở về
khi thì thầm bên tai tôi
lời giã biệt
ở Capistrano
ngày đàn én bay ra biển xa
 
Như thế đó, những con chim én lại trở về hàng năm trên bầu trời phố biển. Để cho chúng ta cùng vui trong một tín hiệu từ chân mây. Và Tim Nguyễn cũng xin nối lời ca khúc Khi Chim Én Trở Về Capistrano và bài thơ Cánh Én của Wislawa Szymborska. Mời các bạn nghe nhé:
 
ơi. chim én
đã về. dưới mái nhà thờ ngói đỏ
thành phố biển
san juan capistrano
như niềm vui của trời
 
này. chim én
hãy là những chú bé cô bé
cười reo
chúc phúc mọi người
 
bởi cuộc đời
những giọt lệ long lanh
 
và xin hãy dệt
những chiếc áo bằng cỏ tơ
cho hai người
lỡ khi mùa thu biển động
người với người xa nhau
 
Bài thơ làm năm 2003 với lời cầu xin chim én đừng bỏ đi. Vậy mà mấy năm nay, chim én đã không về San Juan Capistrano nữa, bạn hiền ơi! Vâng, chim én không về nữa, bạn có buồn không?
 
Một bài báo đăng trên tờ Los Angeles Times ngày 22 tháng 3. 2009 ghi nhận như sau: Trong hình, Mike Gastelum đang rung chuông ở nhà thờ Mission của thành phố San Juan Capistrano. Mike là cháu gọi Paul Arbiso là ông, người rung chuông năm xưa. Chuông rung suốt tuần lễ mà không thấy những con chim én huyền thoại ngày nào trở về. Người dân địa phương nói đã có thời gian cứ vào mùa xuân là những con chim nhỏ bé này trở về. Chúng bay rợp trời như một đám mây. Chúng trở lại những cái tổ của chúng ở ngôi giáo đừng cổ kính khi những hồi chuông ngân vang. Nhưng năm nay, không thấy bóng chúng trở lại khi khi Lễ Hội Chim Én (Festival of the Swallows) đã được cử hành và chấm dứt hôm 23 tháng 3. 2009. Một vài kẻ hoài nghi thì lại cho rằng việc chim én trở về hàng năm có lẽ không xảy ra đúng như truyền thuyết. Không có bằng chứng khoa học nào nói rằng chim én di cư về chỗ cũ hằng năm. Những người khác lại cho rằng nguyên do chim én không về bởi tại tổ của chúng đã bị phá khi giáo khu mở cuộc trùng tu. Mặt khác, một số nhà điểu học cũng cho rằng nguyên do chim én không về San Juan Capistrano bởi tại những khu thương xá được dựng lên ở nhiều nơi trong vùng làm cho chim én sợ hãi bỏ đi nơi khác. Tuy nhiên, câu chuyện thần kỳ về những con chim én trở lại khu giáo đường ngày nào vẫn không giảm sút trong những cư dân của thành phố lịch sử này. “Khi bạn nghĩ về huyền thoại xa xưa của vùng California là bạn phải nghĩ đến những con chim én.” Lisa Paul, 51 tuổi, đã nói như thế. Bà lái xe từ San Francisco về dự lễ hội hàng năm mừng chim én trở về. “Hình ảnh chim én bay từng đàn từng đàn trên bầu trời đã in sâu vào tâm trí tôi.””
 
Nhiều năm qua, dân địa phương đã cố gắng một cách tuyệt vọng để quyến rũ đàn chim về lại. Họ tham vấn các chuyên gia, làm những cái tổ bằng gốm ceramic và cho phát những khúc ghi âm tiếng hót của loài chim. Nhưng mọi cố gắng đều vô hiệu. Những đàn chim én ít ỏi giờ đây bay về vùng nam Orange County ẩn trú dưới mái những ngôi nhà của một đại học, ở những vòm khuất nẻo của những cái mall chung quanh và ở dọc xa lộ 5 cắt đôi thành phố. Năm 2000, Charles R. Brown, giáo sư sinh học của đại học Tulsa và là chuyên viên về chim én cliff awallows, đã đến thăm tu việc và đề nghị một số ý kiến để gọi đàn chim én trở về, trong đó có việc làm những chiếc tổ . Tu viện cũng đã xây một số tổ  nhưng rồi dỡ xuống vì không hợp với truyền thống lịch sử của nhà thờ. Trong khi đó, lễ hội mừng chim én trở về vẫn tiếp tục. Có một số chim én trở về nhưng rồi lại bay đi.
 
Dẫu vậy, người dân địa phương nói rằng luôn luôn còn những năm sau. Nguyễn cũng tin như vậy. Và chắc bạn cũng mong như vậy. Một ngày kia chim én sẽ trở về dưới mái nhà thờ ngói đỏ ở San Juan Capistrano. Trở về để làm đẹp những đám cưới nơi vùng cận duyên có hoa giấy đỏ. Trở về để những cuộc tình còn tiếng ca và hy vọng.
(Tổng hợp)
NXT    

TÔI LÀM THƠ

nguyễnxuânthiệp
 
… và con chim màu đỏ
 
tôi. áo rực tà dương
đi. trong rừng parkwoods
như đi qua đời. gió thổi
như con chim màu đỏ. vẫn hót
tôi làm thơ
cho bạn bè. cho những người cùng khổ
cho sấm dội. cho đổ vỡ. cho mây xa
tôi làm thơ
và con chim màu đỏ
hót. một mình. dưới trời mưa thưa
NXT
 

KIM KIM

Song Hồ
 
... trong ngày Phục Sinh
 
Bây giờ tháng mấy rồi Kim nhỉ?
Em mặc áo màu hay áo hoa?
Bây giờ tháng mấy rồi Kim nhỉ?
Tình yêu chúng mình như hôm qua.
 
Chúng mình yêu nhau trong ngày Phục Sinh
Khi những con chiên về nhà thờ
Và chuông giáo đường đang ngân tiếng
Kim ơi! Kim ơi! Kim nhớ không?
 
Em đã hôn anh như anh đã hôn em
Khi hai đứa chúng mình mới gặp nhau
Anh đưa em về trời vừa đổ tối
Chúng ta hẹn nhau ở ngày mai.
 
Ngày mai anh đón em ở Phú Nhuận Chi Lăng?
Chúng mình sẽ đi trên con đường Gia Định
Những con đường đầy bóng cây xanh
Hay những con đường Sài Gòn đầy màu áo?
Anh đưa em về anh không quên hôn em.
 
Nhưng buổi tối. Trời mưa
Hai đứa. Đi chung một áo
Lòng em sưởi ấm lòng anh
Chúng mình vừa đi vừa hôn
Ngoài trời vẫn mưa, vẫn mưa tuôn.
 
Vai em tròn như chiếc bình sứ
Môi em ngọt hơn nước mưa rơi
Kim ơi! Kim ơi! Kim ơi!
Những sáng Chủ Nhật Kim còn nhớ?
 
Anh cướp con Chiên của Chúa rồi!
Và môi em nở nụ cười
Anh nguyện là người tình chung thủy
Đưa em về Thiên-Đường-Hoa-Cỏ-Tình-Yêu.
 
***
 
Chúng mình yêu nhau trong ngày Phục Sinh
Khi những con chiên về nhà thờ
Và chuông giáo đường đang ngân tiếng
Kim ơi! Kim ơi! Kim nhớ không?
 
SONG HỒ
1958
(Đá và Hoa, 1992)
 

CÂY BÀNG CỔNG CŨ

Bao giờ. về thấy lại
Cây bàng cổng cũ. một thời ấu thơ


Thursday, March 30, 2023

ANH LÀ AI

Duyên
 
Anh Cát. Duyên vẽ. 29.3.2023
 
đã gửi lời, sao anh không đợi
vội vã gì. anh về, trước lá thơ anh?
trưa 29 tháng ba năm bẩy mốt
anh về…
từ chiến trường Cam Bốt
nguyên vẹn hình hài, sao anh không nói năng
anh còn đó
sao tim tôi tan vỡ
anh còn đó
sao một họ hàng khăn trắng buồn đau?*
 
Hôm nay giỗ anh, thấm thoát đã 52 năm, hơn nửa thế kỷ của đời người, sao nỗi đau về, như mới hôm qua…cơn nắng ngày nào vẫn còn nguyên trên da thịt, trên tóc, trên vai, trên những vòng khăn tang cuốn vội. Tà áo trắng phất phơ trong veo mầu nắng, quấn quít vạt áo đen…có gì khúc mắc, không thật trong buổi trưa này, một giấc mơ chăng? khi những người  yêu anh cùng có mặt… bỗng những tiếng đại bác long trời, xé tan cái không gian vật vờ kỳ dị ấy, nắng khô rát thêm theo tiếng nổ, tiếng khóc và nước mắt… nắng ngày đó, nắng như muốn thiêu đốt tất cả những gì còn lại, vô nghĩa lý của một đời người…
 
Buổi trưa trong Nghĩa Trang Quân Đội, trơ trụi lặng lẽ như tôn trọng, như hoà mình vào niềm im lặng của một cộng đồng đã về, đang yên ngủ trong lòng đất này.
Nghĩa trang còn quá mới cho những tàn cây cổ thụ kịp già, che chở bớt nắng, gió, mưa cho những người con yêu của mẹ.
Không gian đứng yên. thời gian như ngừng trôi, muốn quay về ngày tháng cũ…năm tháng xưa khi còn bóng dáng một người trai trẻ trong bộ quân phục, đột ngột xuất hiện trước sân nhà những lần về phép, có tiếng cười sung sướng, vỡ oà của đàn em nhỏ, mừng anh…
Trên đài tưởng niệm, từ đồi cao nhìn ra xa chỉ thấy những mộ phần… xếp hàng, thẳng lối…
hỡi người chiến sĩ đã bỏ lại cái nón sắt…**
-anh là ai?**
 
DUYÊN
03/29/2023
*thương nhớ cố Thiếu Tá Bùi Đức Cát, binh chủng Thiết Giáp, cựu SQVBĐL khoá 19.
 
*Thiên Thu, thơ Nguyễn Tất Nhiên.
**Người Tình Không Chân Dung, Hoàng Trọng & Dạ Chung.
 
  

Tuesday, March 28, 2023

CÂY ĐÀO. PHỤC SINH

nguyễnxuânthiệp

Cây đào
 
Ô. cây đào
đã nở. những bông hoa. màu đỏ
trước cổng nhà em
này em có hay. em có hay
chúa đã phục sinh
tình yêu chúng ta. đã phục sinh
như ngọn nến cháy
trong khung cửa. một đêm mùa đông
hỡi những bờ tường
những phiến đá. trầm tư
người đã phục sinh
tình yêu đã phục sinh
những con chim én
đã về dưới mái nhà thờ. xưa
và. mặt trời mọc lại
NXT
 

TRÊN TRANG MƯỢN DẤU THỜI GIAN CỦA PHAN NGUYÊN

Nguyễn
 
Họa sĩ Phan Nguyên
 
Tôi không quen hoạ sĩ Phan Nguyên, chưa hề gặp anh, nhưng qua tranh của Phan Nguyên và trang Mượn Dấu Thời Gian, tôi có cảm tình đặc biệt với những tác phẩm và công trình đóng góp của Phan Nguyên. Một điều hết sức tốt đẹp và cảm động đối với Nguyễn này là gần đây tình cờ mình tìm thấy mình trên Mượn Dấu Thời Gian. Phan Nguyên đã dành cả một trang cho Nguyễn Xuân Thiệp. Một trang rất đẹp và công phu. Có cả chân dung do Phan Nguyên vẽ. Giờ đây ngồi một mình ở phố Garland, mình không biết nói gì hơn là cảm ơn. Cảm ơn Phan Nguyên, người nghệ sĩ đã dựng lại thời đại này.
 

 

BÔNG HẢI ĐƯỜNG

Nguyễn
 

Nhớ năm nào, đã lâu lắm, Thái Kim Lan Giáo Sư triết học ở Đại Học Munchen tận bên nước Đức gởi cho tấm ảnh chụp bàn tay đang nâng hai bông hải đường đẹp như hai hồn yêu nhau. KL cho biết hai bông hải đường đó hái từ vườn nội ở bên Linh Mụ đối diện với Nguyệt Biều là làng ngoại của Nguyễn. Hai bông hải đường màu đỏ rực rỡ, giữa lòng hoa có chen nhụy vàng. Điểm nữa tăng thêm vẻ thanh quý là chiếc vòng cẩm thạch trên cổ tay KL. Cô cho biết: Chiếc vòng ngọc là của mạ đeo cho từ hồi xửa hồi xưa, bây giờ cổi ra không được nên cứ đeo hoài. Té ra hết thảy là từ ấu thơ, hỏi răng không quý không đẹp.
NXT

ANH MUỐN VỀ THĂM

Huỳnh Liễu Ngạn

Quê nghèo

anh muốn về thăm con hói lở
buổi sáng trinh nguyên giọng ai hò
sương muối còn giăng trên cành trúc
chao đảo dòng sông chảy hững hờ
 
biết trời lạnh xuống bên liếp cửa
chèo khua con nước lững lờ trôi
mà ánh trăng vàng in đáy nước
hòa bóng em cùng bóng sao rơi
 
qua bên rú vớt mấy chùm hoa
đem gởi mây bay trước hiên nhà
mùi hương còn sót bên gốc rạ
chợt tiếng chim ca cũng lụa là
 
anh muốn về thăm cây chuối chát
tháng giêng đi vớt giọt mưa sa
nghe lòng gợn chút buồn mái đổ
mà gió đầu hôm rụng vườn cà
 
đã mấy mùa trăng treo trên lá
treo trên độn cát phía sau nhà
ngó ra biển cả trời xám xịt
mây còn bảng lảng bóng đời qua
 
anh muốn về nghe tiếng mưa rơi
tiếng mưa lộp độp thả từng hồi
chờ đêm dài tới bờ lau sậy
thấy tóc em bay phía chân trời
 
mấy chục năm đi không trở lại
cây khế cây cau cũng già rồi
biết trăng còn nhớ mình không nữa
khi nắng chiều buông xuống lũng đồi.
21.3.2023
HUỲNH LIỄU NGẠN

Sunday, March 26, 2023

H Ạ T S Ắ C

Hoàng Xuân Sơn
 
Tranh Vincent Van Gogh
 
Bây giờ lạnh còn trừ hai
hôm nay nhức mỏi
ngày mai lừ đừ
bề gì cái thân đã nư
bề gì xuân cũng du du tới rồi
 
Thôi thì đàn nhảm trên vai
hát khan dưới gối một vài sương hoa
nốt nhạc bay như tóc xoà
rợi rung một bản tình ca cuối tờ
hát mỏng mảnh từng mệnh tơ
 
Run run
                một cánh ơ hờ
                                             run run
 
)(

H O À N G X U Â N S Ơ N
@hxs.23mars23

  

NGƯỜI THỢ SỬA GIÀY TRÊN GÓC PHỐ

Châu Liêm
 
Người thợ sửa giày trên góc phố
 
Không hiểu sao Châu Liêm có thiện cảm với những người thợ sửa giày. Có lẽ do túi tiền ít khi căng phồng như người ta nên mình đã nhiều lần ghé thăm bác thợ giày trên phố. Ở quê nhà cũng như những năm đầu tới Mỹ. Nhờ những người thợ sửa giày này mà CL có được những đôi giày ưng ý để đi. Ngoài ra, đôi khi giày bị vẹt đế hay mòn gót, CL cũng phải nhờ cậy bàn tay người thợ sửa giùm. Thường thì CL mang đôi giày hư đến cho ông thợ rồi ngồi chờ. Sửa xong, CL lại xỏ giày vào đi tiếp.
Với CL, ông thợ sửa giày ngồi bên hông nhà hàng Mekong-Đà Lạt là người dễ thương nhất. Tận tụy, cẩn thận, kỹ lưỡng là những đức tính gắn liền với nghề nghiệp của ông. Ông không bao giờ sai hẹn, và nói như cách nói bên nay thì ông là người làm việc có lương tâm. He always does a good job! Đây là lời Hemingway khen tặng một ông thợ đóng sách của thành Madrid ở Tây Ban Nha mà CL xin mạn phép dùng lại ở đây để bày tỏ cảm tình với người thợ sửa giày ở thành phố Đà Lạt ngày xưa mà CL từng gắn bó. 
   Tới đây, phải nói rõ một điều: CL yêu Đà Lạt, một phần cũng là do ở đó có... người thợ sửa giày quen biết! Ông chọn nghề sửa giày là vì nhà ông nghèo và cũng vì ông thích gần gũi với mọi người cũng như yêu đường phố. Chính nhờ ông mà CL biết được nhiều chuyện quanh khu chợ. Chẳng hạn ngôi khách sạn bên góc chợ được xây dựng năm nào. Chủ nhà hàng bánh mì baguette bên kia đường xuất thân từ đâu. Nhà nào có con du học Pháp. Nhà nào giàu có nhờ của cải ông bà để lại. Cô hàng bán đồ lưu niệm,   thắt nơ xanh, có chiếc răng khểnh, đang đứng nhìn ra đường kia, từng đi thi hoa hậu một lần. Bà chủ tiệm hoa ở cuối phố là người nhân đức nhưng đường tình duyên có nhiều trắc trở. Vân vân và vân vân... Ngồi nói chuyện một lát, ông sai con đi mua cà phê về cả hai cùng uống. CL và ông thợ sửa giày ngày càng trở nên thân thiết. Cho nên, sau này trên những bước lưu đày nơi đất Bắc đôi khi CL nhớ, rất nhớ Đà Lạt, và trong nỗi nhớ đó có hình ảnh ông thợ bên góc phố. Trong bài Chiều Bên Sông Giăng, ở đoạn ghi lại những hồi tưởng về Đà Lạt, CL nói về những dãy nhà đèn sáng, những chiếc xe bán kem và bong bóng cho trẻ em, những con phố nồng mùi lạc rang cùng phở nóng, những mâm bắp nướng vàng lườm, những quầy bán thuốc lá và diêm, đặc biệt "ở một vỉa hè cô độc / người thợ sửa giày ngồi kể những cuộc phiếm du và những con đường".
   Ôi, người thợ sửa giày năm xưa chắc không còn ngồi ở góc phố đó nữa. Ông đi đâu, về đâu, còn có mặt trên thế gian này không?
   Nhưng thôi, hãy uống cạn ly cà phê đắng, nhìn ra phố người mà hát.
CL

Saturday, March 25, 2023

BẢN COMCERTO 21. BÊN Ô CỬA SỔ. DAFFODIL*

Sao Khuê
 
Trumpet yellow daffodils
 
Ô cừa sổ mở ra
vườn nguyệt viên. những bông hoa màu vàng
yellow daffodils
nở rộ
tháng ba
sinh nhật
xin người cùng tôi
nghe lại bản concerto 21
tiếng dương cầm
thánh thót
thủy tiên vàng. trời xưa.
SK
 
*Tựa đề bài tản văn thi
Khánh Minh viết tặng sinh nhật Duyên
  

Monday, March 20, 2023

BÉ SEN VÀ THỎ PHỤC SINH

nguyễnxuânthiệp


Thỏ và trứng Phục Sinh
 
Bé Sen ơi
rồi một ngày
ông sẽ đưa bé
đi gặp thỏ phục sinh
bé sẽ cùng với thỏ
mang lửa đến cho nhà nhà
và mang những quả trứng đủ màu. sặc sỡ
cho những trẻ em nghèo
cháu nhớ đem theo cái trống
đánh lên cho thỏ nhảy múa
đón chào. mùa xuân trở về
trong nắng mai. bàn tay ấm
NXT 

MÙA ĐÔNG QUA PHỐ

nguyễnxuânthiệp
 
Phố mùa đông. Tranh Đinh Cường
 
Em lên ngày mai
đường gió trăng cài
mong em từng giây
rộn ràng như ngây
ô hay mùa Đông
mà Xuân đã lâng lâng…
 
Câu hát Lê Uyên mở đầu ca khúc Một Ngày Vui Mùa Đông trong một chương trình ở Sài Gòn vừa nghe lại, giúp mình làm một cuộc phiếm du qua những con phố mùa đông với biết bao cảm xúc. Nay xin ghi ra đây vài đoạn ngắn gởi đến bạn bè dưới trời này.
 
Mùa Đông đã đến trong thành phố. Đêm, những ngôi nhà sáng đèn. Mọi người quây quần quanh bàn ăn hoặc bên lò sưởi. Vậy mà có gã làm thơ điên điên khùng khùng đi tìm một vầng trăng (điều này có thiệt, chứ không phải người viết phịa ra cho có vẻ cảm động và thêm phần lãng mạn).
 
Vâng. Đêm mùa Đông, có gã làm thơ đi tìm vầng trăng. Và gã đã gặp. Ngày xưa ở Vương phủ, gã thường thấy trăng trên ngọn sầu đông. Và rồi đạp xe qua nhà một người con gái để được nhìn mái tóc nàng thấp thoáng dưới ánh đèn. Chỉ có chừng nớ thôi mà về cảm động muốn chết.
 
Những năm còn là sinh viên trường Luật ở Sài Gòn, lòng chưa yêu ai, chỉ mơ màng theo một cô gặp trên chuyến xe buýt từ nhà thờ Tân Định về tới ngã tư Phú Nhuận. Hồi đó Nguyễn tôi nghèo lắm, ở nhờ nhà chú thím Lữ trong xóm Nguyễn Ngọc Sương, đâu có xe cộ gì, đi học bằng xe buýt. Do đó mà gặp được người đẹp. Nàng lớn hơn tui cỡ một hai tuổi. Đẹp ơi là đẹp. Tóc dài, mắt nâu lóng lánh, miệng như hoa hồng. Còn Nguyễn tui, trời ơi, chỉ là một thư sinh, mặt mày xanh lướt. Mỗi chiều, khoảng 5 rưỡi 6 giờ ở trường ra đón xe buýt về Phú Nhuận là gặp nàng trên xe. Hôm nào không gặp được là ngẩn ngơ buồn. Rồi đi lang thang qua những con phố không đèn để tìm một vầng trăng (?). Hạnh phúc đó rồi buồn khổ đó. Những hôm xe buýt chật, hai người được đứng sát nhau. Ôi, phê ơi là phê. Mùi tóc, mùi hương phấn da người đủ ngây ngất cho đêm về làm thơ. Ui, những chuyến xe buýt của thời xa xưa ấy sao mà êm đềm thơ mộng thế. Qua nhiều lần gặp nhau trên xe, nàng bắt đầu chú ý tới mình, mắt chớp chớp mỗi khi nhìn nhau. Thiệt đó, đúng như nàng Lâm Phi Anh (Lê Uyên) và ông Lộc trong bài hát: Vì trót yêu anh áo vai gầy không nỡ để quên mùa xuân, mùa xuân ái ân!...Và rồi cũng biết tên nàng là Hiền, làm ở bưu điện Sài Gòn. Có hôm len lén xuống xe theo Hiền vào trong ngõ xóm. Nàng đi tui theo sau/ tui không dám đi mau (thơ Nguyễn Nhược Pháp?) Thiệt là thơ mộng, phải đi qua cây cầu bắc ngang ao rau muống mới tới nhà nàng. Nhà thường thôi nhưng bởi có Hiền trong đó nên mình xem là thiên đường để đêm đêm học bài chưa xong cũng đi ngang qua tìm vầng trăng. Kết quả của những cơn mơ mộng và biếng nhác tụng cours là mình rớt ở năm thứ hai Luật, phải theo bạn về Mỹ Tho dạy học kiếm cơm. Một cuối tuần từ Mỹ Tho theo xe đò Minh Trung về vội vã tới nhà Hiền thì thấy nhà giăng đèn kết hoa đề hai chữ Vu Quy và Hiền thì mặc áo cô dâu đầu đội vương miện rực rỡ như Dương Quý Phi (nhưng không béo mập bằng). Thôi, thế là thôi, đêm đêm mình lại đi lang thang qua phố mùa Đông và hát một mình: Thuở đó có em anh chưa từng buồn / chưa đi lang thang ngoài đường phố đêm khuya… (Thuở Đó Có Em. Huỳnh Anh). Chuyện tình mùa Đông thật lãng xẹt vậy mà khi bị động viên vào quân trường mình viết thành truyện ngắn, giặm thêm mắm muối và phịa thêm là sau khi thất tình Nguyễn đã tình nguyện vào lính để tìm quên trong khói lửa. Truyện được đăng trên Nguyệt San Thủ Đức chớ bộ! Một bạn còn rất trẻ dáng bặm trợn cùng khóa tên Đức đọc xong khen nức nở sao giống chuyện tình và chuyện đời em thế!
 
Các bạn ơi, còn nhiều còn nhiều nữa những chiều những đêm qua phố mùa Đông tìm một vầng trăng và hơi ấm. Ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Đà Lạt. Như một con bệnh, gã làm thơ lưu lãng này đúng là kẻ mộng du. Bây giờ, ở xứ người, nơi vùng đồng cỏ Texas, đêm mùa Đông như đêm nay trăng hiện ra trên hàng cây maple rụng lá. Trời thật trong, và giá rét căm căm. Gã quấn chặt chiếc khăn quàng cổ, đội chiếc nón dạ đi ra phố. Vừa đi vừa  thầm đọc một câu thơ của mình để tìm hơi ấm: Hỡi ôi. đốm lửa từ sinh diệt / cháy. tàn đông. mùa tuyết sắp qua… Và quả nhiên, gã đã tìm thấy hơi ấm ấy, không chỉ trong thơ của mình, mà cả trong âm nhạc của Lê Uyên Phương và tiếng hát Lê Uyên.
 
Ở đây, xin được nói một chút về ca khúc Một Ngày Vui Mùa Đông của Lộc. Ca khúc mà Lê Uyên nhắc lại khi nói về chàng. Câu chuyện xảy ra ở một nhà ga. Ga Đà Lạt. “Nhưng trên thềm ga / Chờ đến trăng tà…”  Đây là cuộc hội ngộ của hai người yêu nhau. “Ai như người yêu / Màu áo mây chiều…” Một cuộc tình vui, một khúc hát vui, cho dẫu sau này hai người chia tay nhau. Như âm vang của nhạc Joseph Kosma và thơ Jacques Prévert trong Les Feuilles Mortes.
 
C’est une chanson qui nous ressemble.
Toi, tu m’aimais et je t’aimais
Et nous vivions tous deux ensemble,
Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais.
Mais la vie sépare ceux qui s’aiment,
Tout doucement, sans faire de bruit
 
Một khúc hát vui, như hình ảnh của chúng ta, ôi những ngày xa xưa ấy, em yêu anh và anh yêu em. Hai chúng ta cùng vui sống. Nhưng rồi cuộc đời chia cách những kẻ yêu nhau, thật nhẹ nhàng, không gây tiếng động nào.
 
Mùa Đông qua phố. Tới đây, sẽ nhờ một ca sĩ của thành phố Dallas này, HChu nhe, hát lại cho nghe ‘Một Ngày Vui Mùa Đông’ để mình được sống lại một thời tuổi trẻ ở Huế, Sài Gòn và Đà Lạt. Ôi, mùa đông qua phố, đi tìm vầng trăng. Nhưng còn không vầng trăng ngày ấy. Có ai cho tôi xin lại vầng trăng.
NXT 

Friday, March 17, 2023

TUYẾT XUỐNG. NGHE DƯƠNG CẦM LẠNH. ĐI VỀ PHÍA BÌNH MINH TRONG CHIÊM BAO

nguyễnxuânthiệp
 
Một ngọn nến cháy trên bàn.
Ngọn nến cháy (BP)
 
Tuyết xuống
nghe cầm dương. lạnh
hồn siêu thực
trăng
mái phố
như chim
ca nhân
và nến cháy. bập bùng
lặng nghe
 
chờ em
đường dương cầm. mưa
những giọt lá. sầu
dạ khúc*
 
tìm đời nhau. đâu
tuyết xuống đầy trời
những cây sage. và bụi hồng. cây lựu trong vườn
đầu đội những chiếc mũ tuyết
đóa quỳnh điên. đêm nào
giờ đã tàn phai. rũ rượi
anh không trở về những năm tháng đã xa
để gặp lại cơn mưa
và bùn lầy
trong trăng
thôi. hãy lãng quên
lãng quên
bản dạ khúc
và teresa
teresa. của cầm dương. và những đám lá vàng. khuya
trong thơ joseph huỳnh văn
ngày ấy
còn gì đâu. em
vâng. giờ đây. anh đi về phía chân trời. nơi bình minh
                             còn ẩn. trong chiêm bao
để gặp người
ngôi nhà. bên đồi quạ
và bình trà. của sói
 
tuyết rơi
tuyết đang rơi
nơi anh ở. và đâu xa
tuyết rơi như trong dr. zhivago
vâng. anh đi về phía đồi twelve oaks
để nghe
một tấu khúc khác
của cầm dương. trong cây
đóa hồng. lệ biếc xanh. và ngọn lửa
 
này em. này em
đứng lên
như trong mơ. cầm cây cọ. và bảng màu
vẽ một khoảng trời
cho thơ anh
để anh an trú
ôi. cầm dương
cầm dương. của anh. tím
màu hoa lilac
 
NGUYỄN XUÂN THIỆP
Dallas, ngày của tuyết tháng 2. 2010
 
*thơ Dương Tường