Văn Học Press
email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press
LỜI XƯNG TỘI LÚC NỬA ĐÊM
VŨ THƯ HIÊN
ĐINH TRƯỜNG CHINH
Vũ Thư Hiên là tác giả của bộ sách
được nhiều người biết đến, Đêm giữa ban ngày, trong đó ông thuật lại chuỗi ngày
dài đằng đẵng chín năm tù tại các trại lao động khổ sai cưỡng bách tại Bắc Việt
Nam, lý do vì ông dính líu – hay bị xem là dính líu – đến vụ “xét lại chống
Đảng”.
Thực chất đây không phải một vụ án
hiểu theo nghĩa luật pháp thông thường. Nó chỉ đơn thuần là một vụ bắt bớ do
“Đảng cầm quyền bất chấp luật pháp do chính mình đặt ra đã xuống tay hạ ngục,
giam cầm và lưu đày nhiều năm không xét xử những người có tư tưởng bất đồng”,
như chính tác giả tự bạch.
Chín năm chịu đựng bao nỗi tân khổ
trong những trại giam khắc nghiệt có lẽ đã cho ông sự nhìn lại đời mình. Ông
thú nhận là sau khi quan sát số phận của những tù nhân trong những nhà tù ông
đi qua, đã mang lại cho ông “cái nhìn tỉnh táo không riêng đối với những hành
động phi nhân của những vua chúa mới, mà cả một thể chế xã hội trong đó con
người dù muốn dù không đều đánh mất mình”.
Vì là hồi ký nên ông nhấn mạnh
“trong cuốn sách chỉ có sự thật. Hình thức văn học mà tác giả sử dụng trong
cuốn sách chỉ vừa đủ cho bức tranh sự kiện không thành quá tẻ nhạt. Văn học
đích thực không có chỗ nơi đây”.
Tính văn học, người đọc có thể tìm
thấy trong cuốn sách bạn đang cầm trên tay đây, tập truyện Lời xưng tội lúc nửa
đêm, gồm 17 truyện ngắn, Văn Học Press hân hạnh xuất bản lần đầu năm 2022.
Đây là tập hợp những truyện ngắn nhà
văn Vũ Thư Hiên viết rải rác trong suốt năm, sáu mươi năm cuộc đời ông, từ
những năm đầu thập kỷ ’60 cho đến gần đây. Bởi thế, người đọc dễ dàng nhận ra
sự khác biệt giữa các truyện trong bút pháp, chủ đề và suy nghiệm của tác giả.
Thế nhưng, sự khác biệt ấy xem ra không quan hệ, bởi những câu chữ ông viết ra,
trước kia hay sau này, đều quy nguyên về thân phận con người, một thân phận
điên đảo, quay cuồng trong lốc xoáy lịch sử.
Đọc truyện Vũ Thư Hiên, ta có thể
ngạc nhiên tự đặt câu hỏi: “Tại sao con người lại có thể tàn ác, nhẫn tâm như
thế với đồng loại? Nhân tính ở đâu? Làm sao người ta biện minh, thực chứng được
hành vi gây khổ ải cho kẻ khác?”
Câu hỏi này đã được chính nhà văn
Nga Aleksandr Solzhenitsyn – một người từng trải nghiệm ngục tù chẳng kém gì Vũ
Thư Hiên – hỏi, và câu trả lời của ông giản dị là: Nó chính là cái ý thức hệ.
Theo Solzhenitsyn, nguyên ủy của tội
ác là ý thức hệ. Ý thức hệ cung cấp kẻ ác sự bền bỉ và quyết tâm, bằng mọi giá,
phải tiêu diệt tất cả những kẻ cản trở bước đường của mình. Nó được bao bọc bởi
một lớp hào quang giả tạo rồi trang trọng đưa lên bàn thờ. Từ đó kẻ gây tội ác
cứ việc an tâm gây tội ác mà lương tâm chẳng hề bị cắn rứt, bởi hắn chỉ cần vái
lạy, nhân danh cái ý thức hệ đó thì bất cứ việc gì, dù tàn độc cách mấy, hắn
vẫn có thể thản nhiên làm được. Ý thức hệ đứng đằng sau phương châm “cứu cánh
biện minh cho phương tiện”. Đó là lý do vì sao không biết bao nhiêu người vô
tội đã chết oan trên giàn hỏa thiêu của tòa xử dị giáo (nhân danh ý thức hệ
Thiên Chúa giáo); vì sao cả trăm nghìn dân bản xứ da đen, da vàng bị thực dân
da trắng giết vứt xác xuống sông (nhân danh ý thức hệ văn minh); vì sao sáu
triệu người Do Thái bị Đức Quốc xã giết thảm trong Lò Thiêu (nhân danh ý thức
hệ chủng tộc thượng đẳng), v.v…
Ở bình diện này, con người không va
chạm với con người khác mà với những thế lực điên khùng, những thế lực vô hình
nhưng vô cùng mạnh mẽ. Con người cảm thấy như tê cứng, bất lực trước những thế
lực đó. Chúng chế ngự, kiểm soát, tỏa chiết mọi hành vi và tư tưởng của hắn.
Những truyện ngắn của Vũ Thư Hiên đã
được viết trong một tâm thế như thế.
Nhưng bên dưới những sự thật tàn bạo
trần trụi được phơi bày qua chữ nghĩa, là tính nhân bản và cái “human spirit”.
Đấy chính là tính văn học đích thực trong truyện Vũ Thư Hiên. Cái “human
spirit”, hiển lộ trong những truyện ngắn của ông, không hẳn chỉ đơn thuần là
tinh thần, khí thế hay sự can trường của con người trước nghịch cảnh theo cách
hiểu bình thường, nó còn là biểu hiệu cho “lòng khao khát muốn sống và được
sống như con người”. Và, như chúng ta đều biết, muốn sống và được sống như con
người là một điều cực khó.
Dân tộc Nga có một câu ngạn ngữ nói
rằng, “Đào xới quá khứ, bạn có thể mất một con mắt đấy, nhưng nếu lãng quên quá
khứ, bạn sẽ mất cả hai con”. Với tâm niệm đó, một cách khiêm tốn, chúng tôi ước
mong cuốn sách này của nhà văn Vũ Thư Hiên được bạn đọc trong và ngoài nước nồng
nhiệt đón nhận. Đọc để chiêm nghiệm quá khứ, và quan trọng hơn, để hiểu thêm
con đường nào đã dẫn đến hiện trạng đất nước Việt Nam ngày nay.
– Trịnh Y Thư/ Văn Học Press
(2022)
410 trang, bìa mềm, ấn phí: US$22.00
Loi xung toi luc nua dem by Vu Thu Hien, Paperback | Barnes & Noble® (barnesandnoble.com)
No comments:
Post a Comment