Phan Tấn Hải
Tác phẩm ‘Nắng Qua Đèo’
Đôi khi tôi
tự hỏi về hành vi viết của chính mình, đặc biệt là viết truyện. Truyện ngắn,
truyện vừa, truyện dài, tiểu thuyết, trường thiên, và vân vân. Thực sự, tôi
không viết nhiều như thế để rồi phải tự thắc mắc. Nhưng thói quen tự xem xét
tâm mình đã dẫn tới các câu hỏi như thế. Dĩ nhiên, có khi vì cần bài cho Báo
Xuân. Có khi vì trong lòng có điều muốn nói, nhưng không thể nói thẳng như văn
chính luận. Có khi chỉ để cho lòng vui, vì không thể không viết, vì ngồi vào
bàn là phải viết. Đôi khi viết vì có lời muốn gửi cho đời sau. Thực sự, bản
thân mình không là cái gì để phải nói cho nghiêm trọng. Ngày xưa, các cụ làm
thơ có khi vì thấy bút mực có sẵn trên bàn, trước mặt… nếu không viết thì mực sẽ
sớm khô, giấy sẽ sớm sầu muộn, và hoa nơi hiên nhà sẽ sớm vàng úa. Và có khi, cầm
bút lên viết chỉ vì không nỡ đề thêm buồn đè nặng trên vạt nắng chiều còn vương
bên thềm.
Hiển nhiên
Khánh Trường viết không phải để vinh danh chữ nghĩa, vì hầu hết những người tôi
có giao tình thân thiết đều không ưa trầm trọng hóa vấn đề. Chơi thôi mà, như
kiểu nhà văn Mai Thảo ưa nói. Trong tiểu thuyết Nắng Qua Đèo của Khánh Trường
cũng nhắc mấy câu thơ của Mai Thảo, nói rằng bệnh ở trong thân lâu ngày cũng
thành bạn thôi:
Bệnh ở trong
người thành bệnh bạn
Bênh ở lâu
dài thành bệnh thân
Gối tay lên
bệnh nằm thanh thản
Thành một
đôi ta rất đá vàng
À… đó là
chuỵện gối tay lên bệnh. Viết cũng là một hành vi gối tay lên chữ, lên mực. Vì
tất cả đều trở thành đá vàng cả rồi. Trong phần Mở trước khi vào tiểu thuyết,
Khánh Trường viết: “… hai chữ vô thường lại hiển lộng. Đồng thời gợi ý cho tôi
khởi đầu những trang chữ này.” Tiểu thuyết của Khánh Trường mở đầu bằng hình ảnh
nhân vật tên là Nhân, có bệnh nặng, có lúc được chẩn bệnh là ung thư gan. Trang
cuối tiểu thuyết là cái chết trên giường bệnh của Nhân, lúc sắp từ trần đã
thoáng nhìn thấy hình ảnh một người phụ nữ thân thương năm xưa bước vào, và anh
nhắm mắt ra đi. Hiển nhiên không phải là tự truyện, vì tác giả vẫn còn sống,
không như nhân vật trong tiểu thuyết. Nhưng, một vài phần, có lẽ vẫn không lìa
nhân vật chính.
Toàn bộ tiểu
thuyết Nắng Qua Đèo là những hình ảnh rất là tội nghiệp của tất cả các nhân vật
– họ là chúng sanh rất tội nghiệp — đang trôi trên dòng sông cuộc đời. Tội nghiệp,
cõi này là như thế. Từ tội nghiệp, dẫn tới xót thương. Nếu chúng ta dùng chữ có
vẻ nghiêm trọng theo ngôn phong nhà Phật, có phải tiểu thuyết này là một ý thức
về Khổ Đế? Mở đầu bằng bệnh, và kết thúc bằng cái chết. Hiển nhiên, đó là sự thật:
cuộc đời không lìa được bệnh và chết.
Ngay nơi đoạn
văn đầu của Chương I, tác giả Khánh Trường viết từ dòng thứ ba là hình ảnh có
thể làm các Phật Tử quen đọc Kinh sẽ giựt mình, trích:
“… Mùa lũ,
nước sông dâng cao, cuồn cuộn chảy xiết, những thân gỗ lớn từ thượng nguồn trôi
về, phóng nhanh. Nhân nhìn bầu trời thấp, mây đen phủ kín và dòng sông hung dữ.
Sắp mưa ư, Nhân tự hỏi, làm cách nào qua sông? Phải qua được sông vào thị trấn
nếu không muốn chết cóng giữa đồng không mông quạnh này. Nhân nhìn suốt phải
trái bờ, không một bóng thuyền…”
Có phải đây
là dòng sông của nghiệp, dòng sông sinh tử cuồn cuộc chảy xiết? Đức Phật trong
rất nhiều kinh đã nói là phải qua bờ kia, rằng bờ này là khổ, bờ kia là giải
thoát. Tác giả lại kể về hình ảnh những thân gỗ từ thượng nguồn trôi về… đó
cũng là một hình ảnh của Kinh Phật.
Trong Kinh
SN 35.241, Đức Phật nói: “… Này các Tỷ-kheo, nếu khúc gỗ không đâm vào bờ
bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng
đất nổi, không bị loài Người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc
vào xoáy nước, không bị mục bên trong; như vậy, này các Tỷ-kheo, khúc gỗ ấy sẽ
hướng về biển, sẽ xuôi theo biển, sẽ nghiêng nhập vào biển...” Biển, nơi
đây là Niết Bàn, là giải thoát.
Hình như
Khánh Trường không có ý viết tiểu thuyết kiểu chú giải Kinh Phật, nhưng sẽ có một
số người chợt nhận ra những hình ảnh rất ẩn dụ tình cờ đó. Thế rồi, nhân vật
tên Nhân (Nhân còn có nghĩa là người, là con người, là nhân loại) đã nhìn suốt
phải trái bờ, không một bóng thuyền… Cõi này buổn vậy ư? Chúng ta, con người, đứng
bơ vơ, đứng cô đơn, nhìn dòng nước lũ, và không một bóng thuyền. Chúng ta sinh
ra và chết đi đều bơ vơ, đơn độc như thế.
Thế rồi,
nơi vài trang sau, tác giả Khánh Trường kể rằng nhân vật tên Nhân lên ghe cùng
với anh Nông dân và anh Tư râu chèo đò để qua sông. Thế rồi, một thanh gỗ lớn
đâm vào con đò, đụng dữ dội tới mức ghe lật chìm. May mắn, Nhân bám vào thân gỗ,
thoát chết.
Trong truyện
cũng nói rằng Nhân bị bệnh nan y, kể như sẽ chết sớm. Thế là, Nhân đi bụi đời.
Tác giả giải
thích: “Đã ba tháng rồi kể từ ngày Nhân bỏ việc lên đường giang hồ, nhiều
vùng đất Nhân đã đến. Nhanh, vài ba hôm. Chậm, một tuần, mươi ngày, nhưng không
nơi nào giữ chân Nhân lâu hơn. Chẳng phải các địa danh mới không hấp lực, trái
lại, nhiều nơi lắm quyến rũ mạnh mẽ, thế nhưng lòng Nhân vẫn nguội lạnh. Kể cả
những cuộc tình, những quan hệ gái trai, vốn ngày trước là một đam mê luôn khiến
Nhân bận tâm. Lý do nào gây nên sự dửng dưng này? Giản dị thôi, kể từ lúc Nhân
biết tin, qua vài xét nghiệm y khoa, mầm ung thư trong người Nhân đã đến giai
đoạn cuối. Lúc đầu mới nhận tin này, Nhân có cảm tưởng đang rơi vào một vực thẳm
không đáy, Nhân đau đớn, tuyệt vọng.”
Nghĩa là,
đi để chờ chết. Tất cả các diễn biến đều là những hình ảnh tội nghiệp của người
trong cõi này. Thế rồi Nhân cũng tới thăm một cổ tự trên núi Miền Trung. Tác giả
ghi rằng dân chúng kể lại rằng một Ni sư ban đầu tới vùng núi này ngồi thiền, tụng
kinh. Thế rồi một con trăn lớn hiền lành ra cuộn tròn gần bên. Dĩ nhiên, chuyện
kể lại của người dân từ thế hệ này qua thế hệ kia, có thể đã biến đổi theo kiểu
riêng từng người kể lại.
Tuy nhiên,
tiểu thuyết Khánh Trường vẫn có một nét độc đáo (hay một thói quen?) là những
cuộc làm tình. Bất kể bị bệnh ung thư, nhân vật tên Nhân trong khi lang thang
đã dan díu vào một vài chuyện giường chiếu. Với nhiều người. Có khi trả tiền,
có khi chỉ là tình cảm, là dan díu. Nỗi buồn theo đuổi trong cõi rất tội nghiệp
này là, theo tác giả Khánh Trường, sau một đêm dan díu với một cô tiếp viên:
“Xác thịt no đủ bao nhiêu thì tâm hồn khánh kiệt bấy nhiêu.” Không vui, thực sự cõi này đầy bất trắc,
không vui.
Bất trắc.
Không ai biết những gì chờ đợi mình trong khoảnh khắc kế tiếp. Tác giả ghi lại
suy nghĩ của Nhân: “Căn bệnh nan y bất ngờ đẩy Nhân xuống vực sâu tuyệt vọng.
Làm sao biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra? Cuộc đời con người luôn diễn ra
theo một hướng nào đó nằm ngoài dự kiến.”
Những chi
tiết cũng trải dài với lịch sử. Cũng một thời hậu chiến, với những tan tác, đổ
vỡ. Cũng có chuyện vượt biên. Cũng nhắc tới chiếc cầu Hiền Lương, nối hai bờ đất
nước một thời ngăn cách.
Tiểu thuyết
Nắng Qua Đèo cũng kể về một mối tình, ban đầu rất say đắm, giữa nàng Tâm
và chàng Luân. Tội nghiệp, vì chuyện tình không bình an. Luân đã có vợ con, và
giấu biệt khi gặp và say mê Tâm. Thế rồi Tâm có thai, Luân bỏ chạy về với vợ
con. Không vui tí nào. Tâm sinh con xong, một bé trai, rồi vùi đầu vào việc làm
thiện nguyện. Tâm chợt có ý nghĩ muốn đi tu, nên xin Sư Bà cho xuất gia. Dĩ
nhiên, cho tới khép truyện, Tâm vẫn chưa trở thành ni cô. Chi tiết này hẳn
nhiên là tiểu thuyết, rất là truyền thống dân gian. Thực sự, đi tu là chuyện hy
hữu, khó lắm. Nhưng đời thường vẫn nghĩ rằng, hễ có chuyện buồn là xin đi tu.
Tất cả các
nhân vật trong tiểu thuyết Khánh Trường đều là các hình tượng rất mong manh, dễ
dàng hư vỡ. Ngay cả những lúc vui, cũng đã hàm ẩn những gì rất buồn. Các chi tiết
rải khắp cuộc đời của các nhân vật trong Nắng Qua Đèo là những gì rất buồn: bệnh,
đau đớn, tan vỡ, và rồi chết. Rất tội nghiệp, và đó là bản chất cuộc đời. Những
hình ảnh bình an trong truyện, như ngôi cổ tự, vẫn là hiếm hoi và như dường là
những gì ngoài tay với của chúng sinh.
Chúng ta
quen thuộc với hình ảnh của Khánh Trường nổi tiếng như một họa sĩ, trong khi
nhiều phương diện khác của ông vẫn rất nổi bật, nổi tiếng. Khánh Trường làm
báo. Khánh Trường làm thơ. Khánh Trường viết truyện. Lĩnh vực nào cũng xuất sắc.
Trong khi nét vẽ Khánh Trường trong quá khứ từng có lúc rất Thiền, từng có lúc
rất lãng mạn, từng có lúc rất dữ dội. Riêng bây giờ, trong tác phẩm mới nhất của
Khánh Trường — tiểu thuyết Nắng Qua Đèo từ trang đầu tới trang cuối là những gì
rất buồn, đầy những tan vỡ.
Vâng, nỗi
buồn bất tận, đó là bản chất của cuộc đời này. Ngòi bút Khánh Trường nơi đây đã
nêu lên được những gì rất buồn, rất mong manh, rất dễ hư vỡ đó. Có phải bây giờ
nắng đã nghiêng bóng chiều rồi. Khi gấp lại những trang cuối tiểu thuyết Nắng
Qua Đèo của Khánh Trường, bạn có để ý thấy vài tia nắng rời ban chiều vẫn còn
hiu hắt vương lại, chưa chịu rời trang giấy? Cũng như là những nỗi buồn của
chúng ta trong cõi này, như đôi mắt của một người chúng ta đã từng yêu thương
và rồi trở thành những ký ức nuối tiếc khi tóc đã bạc và chiều đã tới. Nơi đó,
vạt nắng chiều đã nhạt, còn vương gì trong đôi mắt người xưa. Nắng kìa. Nơi
lưng đèo. Ai biết nắng tới vì đâu. Tiểu thuyết Nắng Qua Đèo của Khánh Trường
cũng như thế. Đó là những tia nắng còn vương, vì còn thương mãi đời này.
PHAN TẤN HẢI
California,
tháng 12/2021
GHI CHÚ:
Bài trên
dùng làm Lời Bạt, in nơi các trang 201-209, cho tiểu thuyết Nắng Qua Đèo của
nhà văn Khánh Trường. Sách do nxb Mở Nguồn ấn hành năm 2022. Độc giả cần liên lạc,
xin email về Hân Lê: han.le359@gmail.com
hay Khánh Trường: khtruong@gmail.com .
No comments:
Post a Comment