Thursday, February 3, 2022

HẠNH NGỘ BÊN TRỜI ĐẠI LÝ

Nguyên Giác
 
Minh họa. Ann Phong
 
Truyện này viết về một người anh, và nhiều phần là hư cấu. Nghĩa là, chỉ một phần có thực. Nhưng tôi không thể nào nói rõ là phần nào thực, phần nào hư. Nói rõ có khi lại hỏng. Đã viết truyện thì, chẳng tác giả nào nói rõ đâu. Ngay như nhan đề “Bên Trời Đại Lý” cũng thấy là bên kia sự thật rồi, vì Việt Nam mình làm gì có thị trấn Đại Lý, nơi sẽ là bối cảnh của truyện ngắn này. Nhưng, nếu nói thiệt ra là Chợ Lớn, thì lại trần gian quá, chẳng thơ mộng tí nào. Thêm nữa, có một số độc giả có thành kiến với người Tàu — làm ơn, xin sửa lại, gọi là người Hoa mới đúng, và lịch sự hơn – nếu thành kiến, khi đọc, có thể mất vui. Do vậy, trong truyện này, chúng ta đồng ý rằng địa danh Chợ Lớn sẽ được mã hóa thành Đại Lý, một vương quốc cổ trong truyện Kim Dung. Các độc giả không ưa cường quốc phương Bắc xin tưởng tượng rằng Đại Lý chỉ có trong truyện, chớ đừng nhớ rằng nơi này đã bị nhà Minh thâu tóm từ thế kỷ 14. Thêm nữa, tìm đâu ra một vương quốc thơ mộng như Đại Lý, nơi vua hiền, dân thảo, và là nơi một thời sinh ra các hoàng tử đều là các chàng khờ rất mực si tình. Dù vậy, cũng phải cảnh giác độc giả rằng, truyện này không gay cấn, vì kiểu ông anh tôi là thế. Truyện cũng có thể gọi là hơi buồn, một vài bạn sẽ thấy rất buồn, nhưng ai mà có thước đo chính xác nào cho nỗi buồn, hay bất kỳ cảm thọ nào. Nói theo kiểu ông anh thường nói là, đã bảo, đời là khổ mà.
 
Còn nhân vật nữ nữa. Dĩ nhiên không thể nói thực rằng ngoài đời nàng tên gì. Bởi vì có những cái đẹp không thể gọi tên được. Chữ luôn luôn gợi tới hình ảnh theo thành kiến, làm mất cái hồn của sự thật. Chữ nào cũng thế, cũng đầy gánh nặng quá khứ. Thí dụ, trong đại danh từ, nếu gọi nàng là “tiểu thư” thì độc giả nghĩ ra hình ảnh khác, nếu gọi đúng kiểu truyền thống bình dân là “cô xẩm nhỏ” thì độc giả nghĩ ra hình ảnh khác nữa. Bởi vậy, từ thời rất lâu xa, khi mới viết truyện và làm thơ, tôi đã nghĩ “vô ngôn” là gần sự thật nhất. Nhưng nơi đây, gọi cho đơn giản đi, theo kiểu ông anh tôi gọi nàng, rằng nàng là A Châu, mượn tên một nhân vật trong truyện xưa. Nghĩa là, đơn sơ, hồn nhiên. Tôi đã từng vài lần chứng kiến anh tôi đứng sững sờ khi gặp nàng trên các hè phố Học Lạc, Phùng Hưng, Hải Thượng Lãn Ông… Tới khi tôi giựt tay, anh mới tỉnh lại. Thời gian đó là vài năm sau 1975, khi nhà nước mới tịch thu nhà của ba tôi trong cư xá Hỏa xa, đã đẩy cả nhà chúng tôi vào một căn chung cư quận 5.
 
Nàng A Châu nói được cả tiếng Hoa, lẫn tiếng Việt. Anh em tôi không hiểu tiếng Hoa (riêng tôi, một năm học với Giáo sư Lưu Khôn chẳng tới đâu, tôi khá tối dạ, xin thú thật), nhưng tôi đoán tiếng Việt của nàng giỏi hơn tiếng Hoa của nàng, cũng y hệt trẻ em Việt sinh tại Hoa Kỳ, tiếng Việt sẽ kém và tiếng Anh sẽ giỏi. Thêm nữa, nàng bán vải ở chợ, giao thiệp cả tiếng Hoa và Việt, nhưng hẳn nhiên là nói tiếng Việt nhiều hơn. Nói rằng nàng bán vải, nhưng chớ nên nghĩ rằng nàng lanh lợi kiểu giang hồ phim bộ. Thực sự, bạn nào đã từng vào Chợ Lớn (xin nhắc lại, trong truyện này sẽ đổi thành Đại Lý) đi tìm mua vải ở Chợ Soái Kình Lâm hay Chợ Đại Quang Minh đều sẽ thấy các chị bán vải gốc Hoa thời bốn thập niên trước đều xinh đẹp, nói chuyện nhã nhặn, thái độ cực phẩm – y hệt như các nữ diễn viên Thượng Hải trong phim Hồng Kông, chứ chẳng hề như các nữ diễn viên đằng đằng sát khí trong phim Bắc Triều Tiên.
 
Do vậy, từ rất lâu rồi, mỗi khi nhớ tới nàng, tôi luôn luôn nghĩ tới một A Châu trong chợ vải Hàng Châu, cũng là một địa danh thơ mộng trong thơ Đường. Và hiểu là vì sao anh tôi cứ ngẩn ngơ khi gặp nàng. Thực tế, nàng đẹp hơn tất cả những gì trong phim, trong thơ và trong truyện (kể cả truyện các bạn đang đọc). Tại sao như thế, có một thời, anh tôi kể rằng hình ảnh nàng cứ hiện ra trong tâm và trước mắt hoài. Thế là anh khờ dại (anh nói thế), dùng pháp quán bất tịnh để lìa xa, để xóa sổ ký ức về nàng, để đẩy nàng lùi vào hư vô quá khứ. Pháp quán bất tịnh là pháp Phật dạy, vậy mà xua hình ảnh này ra khỏi trí nhớ cũng không nổi, lại hỏng thêm, cứ nhớ hoài. Thế rồi anh tôi quán vô thường, tất cả thế gian đều trôi theo ngọn gió vô thường, lá khô rụng mấy mùa, hết mấy mùa nắng rồi qua mấy mùa mưa, vẫn thấy như dường hình ảnh nàng đã khắc sâu vào tâm khảm. Làm thế nào nhỉ, phải quên đi chớ. Chỉ có cách tỉnh thức thường trực, rằng cái được thấy là không có thực tướng, rằng nụ cười khúc khích của nàng bay theo ngọn gió chiều là không có thực tướng, rằng dáng cô xẩm nhỏ bên chợ vải được nhớ tới là không có thực tướng, rằng cái phảng phất trong tâm là không có thực tướng… Anh tôi thỉnh thoảng tâm sự như thế, chỉ vì anh từng có một năm vào làm công quả và học kinh kệ trong một ngôi chùa Đồng Nai — chính điều này đã đưa anh tôi vào một ám ảnh mới, anh kể là như dường anh không thể tới gần các thiếu nữ được.
 
Hai anh em tôi cũng quen với người anh của nàng A Châu; anh này trong truyện sẽ được đặt tên là Vô Kỵ. Anh này hơn anh tôi có lẽ một hay hai tuổi, lanh lợi, làm nghề sửa đồng hồ trên phố Phùng Hưng, phía nhìn qua bên hông Chùa Ông Bổn, nơi này đúng ra là miếu, vì thờ vị thần người Hoa tên là Ông Bổn, một loại thần thổ địa cát cứ, trị an một khu vực nào đó. Anh tôi ưa thích đánh cờ với ông anh này (tôi đoán, anh tôi có khi giả vờ để có thể thân với nàng A Châu hơn). Sau 1975, người Hoa dè dặt đối với người Việt, thường không thố lộ tâm tư. Nhưng thân nhau qua bàn cờ tướng thì tuyệt vời. Bạn hãy hình dung rằng hai anh thanh niên ngồi dán mắt xuống bàn cờ tướng, nhâm nhi cà phê (cà phê vợt nhé, hải ngoại không thấy đâu), không gì hạnh phúc hơn (nói cường điệu, thực sự mỗi người đều có mối lo riêng; trong khi anh tôi lo nhiều hơn anh Vô Kỵ gấp nhiều lần, vì không rõ anh Vô Kỵ có biết rằng anh tôi thích cô em A Châu của anh hay không).
 
Tôi nhận ra là, anh Vô Kỵ thường nhường cho anh tôi đi cờ trước. Hầu hết, anh tôi đánh cờ thua anh Vô Kỵ (tôi đoán, thua cờ cũng là âm mưu?). Thường, có dịp thì tôi đứng nhìn, đóng vai thầy bàn. Đặt tên anh là Vô Kỵ có khi không chính xác, vì theo tôi nhớ, Vô Kỵ trong truyện Kim Dung tuy giỏi võ nhưng rất là khù khờ. Còn anh này rất là lanh lợi. Tuy ngồi đối diện anh tôi, đôi khi với tôi, với bàn cờ bên hông đường Phùng Hưng, mắt anh ngó thấu cả hai đầu đường, hình như cũng ngó được xuyên qua các bờ tường để thấy hết mấy khu phố chung quanh. Cũng có thể tai anh Vô Kỵ thính, có thể nghe xa vài khu phố, vì thỉnh thoảng anh ngẩn người ra, như dường lắng nghe gì đó rồi như sực tỉnh lại. Sau này tôi nghĩ, có lẽ anh tự hình dung như đang nghe tiếng gió Đài Loan đang lay động các tấm bạt che nắng chiều ở trước các tiệm nơi góc đường Hải Thượng Lãn Ông. Chỉ đoán thôi, có trời mà biết. Phải hiểu rằng anh mơ tới Đài Loan.
 
Còn nhân vật “anh tôi” thì, ngưng chút nhé, tôi do dự. Phải đặt tên gì nhỉ? Thôi thì, đặt tên anh là Các vậy. Nói Các, tức là trích từ nhan đề truyện Kim Các Tự của một nhà văn Nhật Bản. Tôi không nghĩ anh tôi mê tác phẩm tiểu thuyết này, nhưng anh Các có một phần hao hao như nhà sư trẻ trong truyện: một khi tới gần một thiếu nữ anh ưa thích thì tự nhiên thấy có một ngôi chùa lạ hiện ra trước mặt, ngăn cách giữa anh và các nàng. Anh Các kể lại cho tôi như thế, và bảo đó là bí mật khó hiểu. Thôi thì, bây giờ, khi viết thành truyện thì phải kể ra. Tôi từng nói giỡn với anh Các, nếu thế, anh Các sẽ không bao giờ ôm hôn cô nào được. Kiểu của anh Các nói, và tôi thấy rõ, anh say mê nàng A Châu và thấy rằng anh đã hân hạnh được gặp nàng giữa các chân trời vương quốc Đại Lý này.
 
Chỗ này cần nói, không hẳn là anh Các bị truyện Kim Các Tự ám ảnh, vì nhiều độc giả khác, như tôi chẳng hạn, đọc xong là quên liền. Nói thế, không phải anh Các với tôi là chân trời đối nghịch, vì hai anh em vẫn chia sẻ nhiều kỷ niệm, nhiều suy nghĩ chung. Thí dụ, một lần, anh Các dẫn tôi tới thăm một nhà sư tên là Đồng Nguyên (mà anh tôi quen gọi là anh Thịnh, bây giờ nhà sư này tịch lâu lắm rồi, nơi một cái chùa nào ở Long Thành hơn hai thập niên trước), khi nhà sư này về ngụ một thời gian tại nhà ba mẹ anh Thịnh ở trong một hẻm ở khu xóm đường Trương Tấn Bửu. Lần đó, trong khi ngồi uống cà phê hè phố, nhà sư dạy anh Các và tôi rằng, nè ngó thử xem, cái “tôi” ở đâu, không ở tay, không ở chân, không ở đầu, không ở cảm thọ, không ở ý nghĩ, không ở hôm qua, không ở ngày mai, tìm hoài không ra, đúng không… Còn nhớ, lần đầu nghe thầy Đồng Nguyên nói thế trong khi ba anh em ngồi ở một quán cà phê đường Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận, người tôi như bay bổng mất vài ngày, dứt bặt mọi nghĩ ngợi, người cứ lâng lâng. Về nhà, tôi hỏi anh tôi, thì anh Các cũng cùng cảm giác như thế. Cơ hội gần nhà sư này không nhiều, vì thầy vào Đại Tùng Lâm, rồi vào sâu trong rừng Long Thành để khai hoang dựng am, dựng cốc. Có một lần tôi nói với anh Các, này nhé, nói kiểu nhà chùa, về chị A Châu nhé, rằng không hề có chỗ nào trên người chị, dù là tóc, là mắt, là tay, là chân…. gọi được là chị. Biết tôi đùa giỡn, anh Các cười lặng lẽ, xa xăm. Nhưng đó, theo tôi, chính là sự thật, theo những gì đã đọc, đã nghe, đã học, và thực tập. Nhưng thôi, hơi đâu mà cãi với anh mình.
 
Còn một nhân vật nữa liên hệ tới truyện này. Đặt tên gì cho thích hợp nhỉ? Gọi tạm là chú Phong vậy. Tức là mượn tên nhân vật Trương Tam Phong từ truyện xưa. Nhưng cụ Trương râu dài ba chòm, còn chú Phong mày râu nhẵn nhụi, hai anh em tôi gặp ở khu phố Đại Lý này lúc đó là khoảng gần 60 tuổi, nghe nói là từng là nhà giáo và cũng từng viết cho báo Đài Loan, hay báo Sài Gòn. Mấy chuyện này dè dặt lắm, chẳng ai nói với ai, nhưng dần dà, hai anh em tôi gặp là đi cùng anh Vô Kỵ vào thăm Miếu Nhị Phủ, tức Chùa Ông Bổn, thường thấy chú ngồi nơi ghế đá. Cần nói rằng, Chùa Ông Bổn không thờ Phật, chỉ thờ Ông Bổn, thờ Bát Tiên và những ai trong thần thoại Trung Hoa mà tôi chẳng biết tới. Hiển nhiên, anh Các cũng chẳng biết tới các vị thần đó. Nói kiểu Việt Nam, lẽ ra gọi là đình thì đúng hơn, nhưng họ gọi chùa thì cũng chẳng sao, rồi nghe cũng quen. Chú Phong điềm đạm, mang mắt kính, làm gì cũng chậm, kể cả khi đi quân cờ. Một số người trong bếp đi ngang qua là chào chú Phong. Tôi đoán, nhà giáo hay nhà báo lúc nào cũng được tôn trọng. Những lúc đó, tôi nghĩ nếu gọi là Thầy Phong thì đúng hơn, thầy giáo mà. Nhưng rồi tôi cứ gọi là chú, theo anh Vô Kỵ. Nhưng anh Các gọi chú là Thầy Phong.
 
Có thêm một số nhân vật khác liên hệ trong truyện, nhưng sẽ lược đi. Bởi vì, nếu kể nhiều quá sẽ thành truyện dài, hay truyện vừa. Thời đó, ngày đi rất chậm, đêm đi rất buồn, gió gần như chẳng muốn lay động, bởi vì đất nước vừa mới thống nhất cho nên trái đất lười biếng xoay quanh mặt trời. Một vài người khác cũng trong chợ vải, họ nói với nhau bằng tiếng Hoa, thế thì tôi biết gì mà kể. Thời đó, hai anh em tôi sống qua ngày bằng cách khiêng đồ — đủ thứ nhé, chung quanh là nhiều chợ, Chợ Kim Biên, Chợ Thiếc, mấy chợ vải, Chợ Bình Tây… Thường khi chẳng cần ra chợ, chỉ cần giúp khiêng vài xe gắn máy từ hè phố lên mấy tầng lầu giúp vài người nhờ vả trong chung cư để cuối tuần, cuối tháng nhận ít tiền, là kể như tạm đủ tiền qua ngày. Công việc thực sự không nhiều lắm, vì kinh tế thời đó ai cũng dè dặt, nhiều năm trước thời kỳ mà sau này gọi là Đổi Mới. Hễ làm vừa đủ là kiếm cớ nghỉ. Lúc đó tôi ưa đọc sách Phật học, đọc ngày đêm. Nằm trên căn chung cư lầu 5 đọc sách là tuyệt vời. Đất nước đã qua mấy đợt đốt sách, cho nên đọc sách còn là một cách, tôi nghĩ, tự biến mình trở thành bảo tàng văn hóa cho đất nước. Anh Các không đọc siêng như thế, anh ưa la cà (tôi đoán, chỉ vì nàng A Châu). Kể thêm nhiều nhân vật cũng không thích hợp, vì có ai nhìn thấy như anh em tôi rằng Quận 5 nơi Chợ Lớn này đã thành một cổ trấn có tên là Đại Lý đâu.
 
Thường sáng sớm, có một lớp võ của môn phái gì đó, hình như Đường Lang, học nơi sân của Chùa Ông Bổn. Tôi có cảm giác chú Phong cũng là một thầy võ (tôi chỉ đoán sảng thôi, vì tôi có vào sân ngó họ luyện tập gì đâu). Đoán như thế, vì chú Phong có vẻ như cái gì cũng biết, kiểu văn võ song toàn. Thực ra, trong những ngày lễ hội, tôi tránh vào các ngôi chùa nơi đây, vì những ngày đó đông quá, một phần vì người Hoa thấy mình không biết nói tiếng Hoa là dè dặt, phần vì nhang khói mù mịt. Trong khi các chùa Việt đốt nhang chỉ cầm một cây, hay ba cây nhang là đủ, nơi đây nhiều người cầm cả bó nhang. Không hiểu nghĩa là gì. Trong khi đó, chỉ có anh Các đã tập thêm một thói quen mới: ưa đi chùa trong cổ trấn Đại Lý.
 
Có lần, trong một lễ gì đó, hình như là Đông Chí, gần Tết Nguyên Đán, anh Vô Kỵ và nàng A Châu rủ hai anh em tôi vào Chùa Ông Bổn chơi. Tại sao rủ cả tôi? Tôi nghĩ, nếu chỉ rủ riêng anh Các, thì nàng A Châu sẽ mắc cỡ. Thêm nữa, có tôi đi theo, cần gì thì sai vặt cũng được. Nhìn anh tôi như người trên mây thôi. Nhang khói có lúc làm tôi ngộp thở, nhưng thấy rõ anh tôi rạng rỡ khi nhìn khuôn mặt nàng A Châu qua các làn khói hương bay lên, hiển nhiên anh Các đã quên hết cả đất trời. Kể lại cái gì bây giờ? Kể theo lời anh Các sau này kể lại. Đúng là khuôn mặt người Hoa, một thiếu nữ trong phim Thượng Hải, Hồng Kông xa xưa. Nàng mặc áo bà ba, nút gài bên trước vai, quần và áo cùng loại vải màu xanh chấm hoa. Thời đó, xứ Đại Lý này không ai mặc xường xám, vì đất nước đang tiến lên xã hội chủ nghĩa (may quá, tiến chậm lắm, rồi tiến cũng không nổi). Nếu nàng A Châu mặc xường xám, hiển nhiên là không thể có nữ diễn viên nào đẹp hơn. Dĩ nhiên, tôi xem nàng như bà chị mình rồi. Quy ước là thế. Tôi không biết nàng cầm nhang khấn gì, nhưng tôi không dính gì tới ngôi Chùa Ông Bổn, đúng ra là Miếu Nhị Phủ, vì, tôi tự nhủ, mình đã tự hứa sẽ không quy y chư thiên hay chư thần nào. Còn anh Các thì mặt cứ như khờ ra.
 
Khi tôi có cơ duyên ngồi đánh cờ với chú Phong, thường là những buổi trưa nắng vàng, không bao nhiêu người trong miếu. Nơi sân rộng, nhìn dưới màu nắng hệt như không có thật. Mọi chuyện y như trong sách cổ, im, vắng. Chú Phong gầy, tóc bạc lưa thưa, đôi mắt lộ ra tinh anh sau cặp kính. Chú gầy thì dễ hiểu, cũng như tôi, chỉ anh Vô Kỵ là to con một chút. Thời đó, cả nước Việt Nam mình thiếu ăn. Nhưng tôi nghĩ, gầy là đẹp. Vì hình ảnh nàng A Châu như dường không bao giờ có da, có thịt – nói thế, không có nghĩa là toàn xương, chỉ muốn nói rằng nàng y hệt như thiếu nữ trong tranh cổ Trung Hoa. Có lúc tôi nghĩ, chỉ cần nàng A Châu ngồi khảy đàn tỳ bà, anh Các có thể vỡ tim mà chết. Nhưng, trời ạ, mỗi lần nàng mỉm cười là tôi thấy anh Các muốn đứng tim rồi. Chỗ này xin nói thiệt giữa chúng ta: bạn chớ nên nghĩ rằng nàng đẹp thướt tha như cô Điêu Thuyền bên cạnh Lữ Bố được vẽ trên mặt kính các xe hủ tiếu, cũng không phải đẹp kiểu một vài nhà báo bây giờ ưa gọi là “nhan sắc bom tấn”; thực ra, nàng không có đủ ba vòng tiêu chuẩn, gọi đúng phải là mình hạc, xương mai. Nghĩa là, chạm tay vào bất kỳ chỗ nào cũng đều thấy xương. Không chỉ như thế, để nói riêng cho các bạn biết, nàng còn hơi cải lương, không phải kiểu Nam Bộ mình, mà là kiểu cải lương Đại Lý, kiểu như “mùa thu lá bay” hay tương tự. Nói thẳng thì anh Các sẽ buồn: nàng A Châu xứ Đại Lý không hề có thần thái vương giả. Tôi nghĩ và không dám nói với anh Các, rằng nàng A Châu của anh có thể chưa từng đọc thơ Lý Bạch hay Đỗ Phủ.
 
Đôi khi, sự dè dặt của chú Phong có lúc làm tôi nghi ngờ, có thể chú là gián điệp Đài Loan. Nếu thế, có thể tuần sau, hay tháng sau là chú sẽ biến hẳn vào sương mù của các truyện tiểu thuyết Z-28. Các bạn biết rồi, cổ trấn Đại Lý này không hề có tuyết rơi như trong truyện Kim Dung. Nóng kinh khủng. Hai anh em tôi ở lầu 5 của một chung cư nơi đa số là người Hoa. Do vậy, thỉnh thoảng, tôi cầm vài cuốn kinh vào Chùa Ông Bổn, tìm một góc cho mát để ngồi đọc sách, phần lớn là nghiền ngẫm các sách của Thầy Thích Thanh Từ. Không thuần túy là vào những năm đó, cầm sách Phật học đi ngoài phố không bị chú ý. Chỉ đơn giản với tôi, tôi luôn luôn nghĩ rằng mình có thể sẽ tắt thở đêm nay, do vậy cần đọc rất nhiều Kinh Phật và tu dưỡng rất nhiều để không bao giờ hối tiếc. Lúc đó, có lúc tôi nghĩ là sẽ tìm một góc núi để về ngồi cho tới cuối đời. Sau này nghiệm ra, tôi mê đọc nhiều hơn mê tu, xin thú thật như thế. Có lúc tôi cầm cuốn Thiền Quan Sách Tấn, có lúc cầm cuốn Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận, và nhiều sách khác. Nghĩa là, cần nghiền ngẫm cuốn nào là cầm theo cuốn đó, hễ tiện là đọc. Anh Các khác hẳn, anh ưa niệm Phật hơn là đọc sách Thiền. Tôi từng nói với anh, rằng tôi đang tập Thiền theo sách Tiểu Chỉ Quán. Anh Các chẳng để ý gì, anh nói anh niệm Phật là đủ.
 
Điều tôi ngạc nhiên là nàng A Châu không để ý tôi đọc gì, chỉ có anh Vô Kỵ và chú Phong thỉnh thoảng gật gù, nhìn tôi rồi nhìn các sách tôi cầm theo. Có khi thấy chú Phong gật gù ngó cuốn sách tôi cầm, tôi cười nói, rằng cháu quen rồi, có khi đọc một cuốn sách cả chục lần, có khi đọc một đoạn văn khó tới cả trăm lần, không cầm tới sách là tự thấy có lỗi. Chú Phong luôn luôn ra dạng ông giáo già, cứ gật gù. Tôi cứ nghĩ chú Phong là một kiểu thiên về Nho gia, hay Lão Giáo, vì tôi không nghĩ ngôi đình thờ thần có gì liên hệ tới nhà Phật. Vậy mà, chú Phong rất mực uyên thâm, hình như gì cũng biết. Nhiều thập niên sau, vào nghề báo ở California, tôi biết rằng nhà báo thường đọc nhiều hơn bất kỳ ai, vì nghề buộc như thế, và đọc trở thành thói quen. Do vậy, chú Phong biết nhiều là dễ hiểu.
 
Có một lần, hai anh em tôi ghé chợ vải thăm nàng A Châu. Tôi đứng xớ rớ một chặp, tự nhiên thấy như dư thừa. Tôi nói với chị rằng tôi cứ phải cầm một cuốn sách thì đi đứng nằm ngồi mới vững. Nhưng nàng A Châu không chú ý gì tới lời tôi nói, hiển nhiên là không nghe gì rồi. Bởi vì, tôi đoán, trong mắt chị lúc đó chỉ có anh Các. Thế rồi, tôi đứng ra hè phố, ngó qua lại, để mặc cho anh Các nói chuyện với chị. Khi về, tôi thấy anh Các bước đi như say nắng, nhưng khuôn mặt rất vui. Tôi hỏi, có sao không, anh bước cẩn trọng, coi chừng té. Anh Các nói chẳng sao. Tôi hỏi, giọng kiểu như giỡn, hồi nãy em bước ra hè phố, là để anh nắm tay chị A Châu, nắm tay chưa, liều mạng đi chớ. Anh Các nói chưa, nhưng anh luôn luôn thấy như có một ngôi chùa hiện ra lơ lửng giữa anh và nàng, như màn sương ngăn cách, như có sức mạnh nào xô anh đứng xa ra. Tôi nói với anh Các, ảo giác đó là nghiệp đấy. Tôi nói đại thôi, chớ mình biết gì mà nói. Nhưng tôi tự thấy lỗi mình, lẽ ra không nên nói giỡn, vì cần giữ chánh niệm, phải cẩn trọng từng chữ, phải luôn luôn tỉnh thức.
 
Tôi thấy, với anh em tôi, chú Phong đánh cờ không có ý tranh thắng. Tôi nghiệm ra, luôn luôn chú muốn giữ tới nước cờ hòa. Hễ tới lúc nào, hết cờ, tôi nói, “Chú ơi, huề nhe,” là chú Phong cười, lộ ra niềm vui, nơi cằm có nốt ruồi có sợi lông rung rinh. Tôi nghĩ, nhiều ván, lẽ ra chú phải thắng cờ, sao lại muốn giữ nước cờ hòa. Không biết anh Các có thấy như thế không. Có lúc, tôi hỏi. Chú Phong ngẩng đầu lên, nhìn vào mắt tôi, cười cười, đáp, “Ông Phật dạy rồi, hãy buông bỏ ý muốn hơn thua, vì người thấy được thiện pháp thì họ chẳng muốn nói năng gì, chẳng muốn tranh biện gì, chẳng muốn hơn thua gì.” Tôi giựt mình. Đó là ngôn phong nhà Thiền. Tôi không mong đợi nghe ngôn phong này trong ngôi miếu thờ vị Thần Ông Bổn. Một niềm hạnh phúc ngấm trong tôi. Đó là những lời rất ít nghe ngoài đời thực. Tôi nghĩ, chú Phong đó, đang hiện thân ra một ông già xứ Đại Lý để nói lời nhà Thiền cho tôi. Không biết anh Các có thấy như thế không.
 
Một ngày dịp Tết Nguyên Đán, không nhớ là mùng mấy, chợ vải chưa mở ra bán, nghe anh Vô Kỵ và chị A Châu rủ anh em tôi ra phố Hải Thượng Lãn Ông xem múa lân của đội Nhơn Nghĩa Đường. Chính xác, tôi không biết nên gọi là múa lân hay múa rồng, lúc đó nghe là múa lân sư rồng, vì nhìn thì thấy là có lân, có sư tử, có rồng, có trèo cột pháo, và vân vân. Tiếng trống thôi thúc nơi các đầu ngả đường, trong khi các hè phố đều đông người. Khi đoàn lân di chuyển, bất chợt tôi thấy nàng A Châu nắm tay anh Các kéo chạy theo đoàn lân. Đó là lần đầu tiên tôi thấy họ nắm tay. Có vẻ như anh Các để yên, không giựt tay ra theo kiểu anh nói là anh thường bị ám ảnh như có gì ngăn cản. Tôi và anh Vô Kỵ tà tà đi bộ phía sau, chẳng vội gì, thêm nữa, múa lân năm nào chẳng có, đâu có gì lạ đâu.
 
Chiều về, tôi hỏi anh Các, anh nắm tay chị A Châu có thấy mềm mại không. Anh gật gù, im lặng. Tôi nói thêm, anh có siết chặt tay chị không. Anh Các im lặng. Tôi nói thêm, anh Các thử đưa tay lên mũi ngửi xem, tay anh có mùi hương con gái đó. Anh cũng im lặng, quay mặt nhìn ra phố. Tôi không biết là chiều và tối hôm đó, anh có nghe lời tôi đưa tay lên để ngửi xem có mùi hương giai nhân hay không. Nhưng trọn hôm đó, không thấy anh rửa tay, rửa mặt gì. Tôi nghĩ, nếu sáng hôm đó, anh bất chợt liều mạng ôm chặt nàng A Châu ngay trên hè phố, kiểu như tình nhân che chở cho nhau khi nghe tiếng pháo làm chị sợ, có thể nàng A Châu đêm hôm đó sẽ ôm khăn gói vào căn chung cư của anh em chúng tôi, và nói sẽ không rời anh Các nữa. Chuyện đó dĩ nhiên không xảy ra, tội nghiệp anh Các.
 
Đêm hôm đó, lúc nửa khuya, tôi tỉnh ngủ, nhìn quanh không thấy anh Các đâu. Len lén bước tới cửa, nhìn hé ra ngoài, thấy anh đang đứng ngoài lan can, nhìn trời xa. Trời đêm, gió lạnh… nhưng tôi không gọi anh vào làm chi, chỉ lặng lẽ vào ngủ lại, không ngờ chỉ một cái nắm tay kéo chạy theo đoàn lân lại làm anh mất ngủ.
 
Một buổi sáng, tôi không thấy anh Vô Kỵ dọn bàn đồ nghề ra làm việc. Tôi đoán, có thể anh bệnh. Thêm nữa, cũng có thể công việc sửa đồng hồ lúc đó không nhiều. Nhưng không khí trên đường phố đã khác rồi. Từ một nơi góc đường (xin nhớ, vẫn là một góc phố của cổ trấn Đại Lý), tôi thấy chị A Châu và anh Các nơi đầu hẻm nhỏ, lối vào chợ vải, phía đối diện Soái Kình Lâm. Rồi chị nắm tay anh Các kéo vào phố vải. Hôm đó, không nhiều việc, cũng không ai nhờ tôi khiêng xe lên lầu hay khiêng xuống phố. Tôi nghĩ, thôi để tới chiều sẽ rủ anh Các qua thăm chú Phong, cũng cả tuần rồi chưa gặp.
 
Tới trưa, anh Các về, mặt mũi buồn hiu. Tôi hỏi, chuyện gì vậy. Anh kể, nàng A Châu kéo anh Các vào một góc hẻm phố vải. Chung quanh người Hoa như dường biến mất rất nhiều. Chị A Châu nắm tay anh Các, lật ngửa bàn tay phải của anh, ngó xem chỉ tay của anh Các (tôi đoán, có thể nàng mới đọc sách nào dạy về chỉ tay). Thời đó, con gái nắm tay con trai, đứng nơi hẻm nhỏ xứ Đại Lý, ngó qua ngó lại để xem chỉ tay, là kinh khủng lắm (tôi nghĩ, đó là ngôn ngữ rõ ràng lắm, nhưng tôi biết anh Các khờ lắm, chẳng bao giờ hiểu nổi). Anh Các kể, chặp sau, nàng A Châu nói để em vẽ bùa lên bàn tay anh, rồi chị lấy tay làm như vẽ trên không khí, rồi trên lòng bàn tay anh Các. Tôi hỏi, có vẽ bùa thiệt không. Anh nói, không biết, nghe sao kể vậy. Tôi hỏi, vẽ bùa gì. Anh Các kể cho tôi, rằng nghe nàng A Châu nói là bùa Lương Chúc. Tôi thắc mắc, mình chỉ nghe nói về bùa Ông (tức bùa của ngài Quan Công), bùa Lỗ Ban… nhưng chớ hề nghe tới bùa Lương Chúc. Tôi hỏi, tay anh có cảm giác gì không, có khi chị A Châu giỡn, vì em nghe nói vẽ bùa là phải cầm nhang vẽ lên không khí. Anh Các nói, không biết. Dĩ nhiên, tôi biết anh không biết, vì anh lên mây rồi.
 
Tôi hỏi, vậy rồi sao nữa. Anh Các kể thêm, tự nhiên trong đầu anh nảy ra ý nghĩ, “phải chi em hun anh một cái…” Thế rồi, bất chợt, anh Các kể tiếp, chị A Châu “hun một bên má của anh” làm người anh như nóng bỏng. Sau đó, nàng A Châu, anh kể, quay lưng, bước vội đi. Tôi nói với anh Các, sáng nay cũng không thấy anh Vô Kỵ làm việc, chắc là bận gì. Tôi hỏi anh Các, anh có thấy chị A Châu ứa nước mắt không. Anh nói, không để ý. Thiệt sự, anh có để ý gì đâu. Tôi nói giỡn, lẽ ra anh không nên khởi ước muốn như thế, mà phải ước muốn táo bạo hơn, thí dụ, “phải chi em hôn anh đắm đuối như xi nê…” thì may ra, oai lực của tâm ý anh có thể làm nàng A Châu hôn anh như trong phim. Anh Các nói, làm sao mà ý nghĩ mình trong đầu có thể làm chuyện xảy ra như ý được. Anh nói, anh chỉ nhớ nhất là màu áo của nàng A Châu sáng hôm đó màu xanh da trời, chấm hoa. Tôi đáp, người lành như anh chẳng bao giờ có ý nghĩ gì dễ gây nghiệp.
 
Đó là lần cuối anh Các gặp nàng A Châu. Hai anh em tôi không còn cơ hội gặp chú Phong, anh Vô Kỵ và nàng A Châu. Họ biến đi y hệt như ngọn gió chiều. Những con phố Đại Lý vắng hơn, các chợ không ồn ào nhiều như xưa, những trưa nắng đã buồn hơn, nỗi lo ngại bay lơ lửng trước mắt mọi người. Anh Các kể rằng anh đi xe đạp khắp Sài Gòn, Gia Định trong nhiều ngày, một cách bâng quơ, hy vọng nhìn thấy nàng A Châu, hay anh Vô Kỵ, chú Phong. Tuyệt vọng, họ đã tới và đi y hệt như các nhân vậy trong truyện cổ. Không cho anh biết, tôi cũng tự lặn lội tìm trong các chợ đồng hồ, các góc phố cờ tướng, nhưng anh Vô Kỵ đã biệt tăm. Trong Chùa Ông Bổn chẳng ai buồn trả lời những câu tôi hỏi về chú Phong. May ra, nếu tôi nói tiếng Hoa, may ra có ai biết sẽ nói. Thêm nữa, có lẽ nhiều ngàn người đã bỗng dưng biến mất, và chỉ có hai anh em tôi là chưa hiểu hết mọi chuyện.
 
Thời gian sau, tôi vượt biên được qua Indonesia, rồi sang Mỹ. Lúc đó được tin anh Các dọn về Pleiku làm rẫy trồng trà, hễ có tiền trong túi là về lại xứ Đại Lý của chúng tôi, dòm ngó rồi hỏi thăm, và rồi lại đi lang thang các nơi. Nhiều năm sau nữa, khi phương tiện Internet bắt đầu phổ biến, anh Các gửi email kể rằng, anh đã từng đi tour sang Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan… với hy vọng gặp nàng A Châu, hay anh Vô Kỵ. Tôi biết, tìm như thế là tuyệt vọng. Thế giới mênh mông. Tôi hỏi, anh Các có thấy chị A Châu vẽ bùa trên lòng bàn tay anh có linh thiêng gì hay không. Anh nói không biết, bây giờ chỉ niệm Phật cả ngày và đêm, cầu nguyện bình an cho anh, cho chị A Châu và cho khắp thế giới này — và cho tất cả mọi người cùng vào Tịnh Độ. Anh Các kể, anh tìm đủ thứ sách cũ và mới, gặp đủ thứ hạng người trên giang hồ, tại Việt Nam và tại những nơi anh đi theo tour sang chơi, rằng người Hoa có kiểu vẽ bùa trên lòng bàn tay hay không, rằng có thầy bùa nào thờ vị thần Lương Chúc hay không.
 
Tôi đã nghĩ ra một điều, nhưng không dám nói rõ với anh. Tôi đắn đo, nghĩ tới, nghĩ lui. Tôi muốn anh Các nên quên đi, những gì của quá khứ nên đẩy luôn vào quá khứ. Tuy nhiên, mình là phận em, không thể nói những gì như là dạy đời với anh mình. Tôi có lúc nghĩ rằng anh sẽ về lại ngôi chùa ở Đồng Nai, hay vào một góc núi nào để học Phật, để không bao giờ bị quá khứ ám ảnh nữa, nhưng anh vẫn lang thang bụi đời để tìm một hình ảnh đã biến mất. Quá khứ hiện ra trước mặt là không tốt, có thể gọi là bệnh hoạn, tôi do dự nghĩ như thế.
 
Có lúc, tôi dẫn Kinh Phật ra, viết trong email cho anh rằng, hãy nghĩ rằng tất cả những gì anh thấy và nghe về chị A Châu, về anh Vô Kỵ, về chú Phong, về cả cái cổ trấn Đại Lý của chúng ta, thực ra chỉ là những cái được thấy và được nghe, nghĩa là tất cả hình ảnh và âm thanh đó chỉ hiện ra trong khoảnh khắc trong tâm của anh Các, và anh sẽ không bao giờ gặp lại lần nữa vì từng khoảnh khắc sau xô đẩy khoảnh khắc trước. Nghĩa là, tất cả những gì anh Các nghĩ về chị A Châu không còn có thực nữa, vì chỉ là quá khứ tâm mờ nhạt. Nghĩa là, tất cả những gì được thấy và được nghe chỉ là bóng dáng của pháp trần, chỉ hiển lộ trong gương tâm có khoảnh khắc thôi, và thực tướng trong tự tánh là vắng lặng và rỗng rang, vì chỉ là những khoảnh khắc sao băng trong tâm.
 
Năm 2014, khi chính phủ Trung Quốc đưa tàu giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông quậy phá, tìm dầu trên biển Việt Nam. Hàng chục tàu nhỏ của Việt Nam bao vây, không cho tàu kia tìm dầu. Nhiều cuộc biểu tình trong nước từ Nam ra Bắc phản đối chính phủ Trung Quốc. Tôi lo sợ là chiến tranh giữa hai nước sắp bùng nổ. Giấc ngủ của tôi không còn bình yên. Tôi lại ở trong nghề báo, nên hễ thức dậy bất kỳ giờ nào, dù là nửa khuya hay 2 giờ sáng, tôi đều mở Internet ra đọc tin, xem có thể đã có chiến tranh ở Biển Đông. Anh Các gửi email cho tôi, lúc đó anh ở Pleiku, cũng đầy lo ngại. Anh viết rằng, anh nghĩ nếu nàng A Châu còn sống (và một người hiền lành như nàng nhất định là phải sống thọ), có thể nàng đang ở Hồng Kông hay Hoa Lục, có thể đã có chồng con, và khi chiến tranh bùng nổ, con nàng sẽ bị động viên để gây chiến với Việt Nam. Tôi trả lời, anh đừng nghĩ ngợi gì, vì nghĩ nhiều chẳng tới đâu, chỉ loạn tâm. May mắn, rồi mọi chuyện Biển Đông cũng lặng sóng.
 
Bây giờ thì anh Các đã hơn tuổi cổ lai hy rồi, hẳn là phải chuẩn bị sẵn sàng để khuất núi. Anh cho tôi biết anh vẫn liên tục niệm Phật, niệm ngày đêm, nhưng vẫn thỉnh thoảng nhìn thấy hình ảnh nàng A Châu trong xứ Đại Lý của chúng tôi năm xưa hiện ra. Anh không thể quên được ngay cả màu áo xanh của nàng, huống gì tới nụ cười, tới cái nắm tay, tới lá bùa nàng đã dùng tay vẽ lên lòng bàn tay của anh. Lúc đó, tôi email về, viết cho anh rằng, anh hãy nên nghe những tiếng niệm Phật của anh vang trong tâm, cũng như tất cả những âm vang trong đời, và kể cả những âm vang trong lời nàng A Châu nói với anh năm xưa, giải thích theo sách Pháp Yếu Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán, bản dịch của Thầy Thanh Từ, cuốn sách mà anh biết là tôi gối đầu giường năm xưa, trích đoạn như sau: “Khi tai nghe tiếng tu Chỉ, Quán. Tùy khi nghe tiếng, nên xét tiếng như âm vang. Nếu nghe tiếng êm tai thích ý không khởi lòng yêu mến, nghe tiếng trái tai nghịch ý không sanh tâm giận hờn, nghe tiếng không thích, không trái chẳng khởi tâm phân biệt, ấy là tu Chỉ. Thế nào trong khi nghe tiếng tu Quán? Nên khởi nghĩ thế này : Những tiếng nghe không thật có, chỉ do căn, trần hòa hợp sanh nhĩ thức, kế sanh ý thức gắng khởi phân biệt, nhân đây có tất cả pháp phiền não thiện, ác v.v… gọi là nghe tiếng. Phản quán tâm nghe tiếng không thấy tướng mạo, nên biết người nghe tiếng và tất cả pháp cứu kính không tịch, ấy là tu Quán.” Anh không trả lời email đó.
 
Còn chuyện cuối cùng nữa. Tôi nghĩ rằng lá bùa Lương Chúc được nàng A Châu vẽ trên lòng bàn tay anh Các năm xưa là ám chỉ tới mối tình Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài. Tôi không thể viết điều này trực tiếp về cho anh Các. Bởi vi đoạn kết mối tình của chàng Lương và nàng Chúc là cái chết và họ đã hóa thành đôi bướm. Tôi không hề mong anh Các và nàng A Châu trở thành bướm. Thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Những gì đẹp nhất tôi học được, đều đã viết hết cho anh Các rồi.
 
Truyện này, nếu muốn viết ngắn hơn, có thể là nên xóa bỏ nhân vật chú Phong. Tuy nhiên, tôi nghĩ, nhân vật như chú cần riêng cho anh Vô Kỵ và nàng A Châu sau này có đi đâu cũng vào được Chánh Pháp, vì chú Phong tinh thông Phật học. Và nếu có ai, đọc xong truyện này, khi gấp trang sách lại, nhìn thấy một hay hai cánh bướm bay lên, xin hãy nhớ rằng tất cả những gì được thấy và được nghe, trong tận cùng là vắng lặng và rỗng rang.
 
NGUYÊN GIÁC
 
 

No comments:

Post a Comment