Saturday, August 21, 2021

ĐỌC LÊ CHIỀU GIANG. ‘KHÔNG ĐỨNG MÃI TRONG TRANH’

Phan Tấn Hải
 
Tác phẩm của Lê Chiều Giang
 
Tác giả Lê Chiều Giang vừa phát hành Không Đứng Mãi Trong Tranh. Tác phẩm dày 164 trang, vừa văn xuôi, vừa thơ. Độc giả sẽ thấy trong sách ngập tràn những quá khứ, như nhận định của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, “…đọc Lê Chiều Giang, những dòng chữ chảy lui về quá khứ. Một quá khứ không thể nào không nhắc về, nhớ tới… Những quá khứ của thời đã ‘Chết đi, sống lại’.” Đúng ra, quá khứ chỉ là một phần, vì tác giả Lê Chiều Giang vẫn còn trên cõi này, còn đọc và còn viết. Và trong sách, có những bài được viết rất gần đây.
 
Tác phẩm như dường rất mong manh, như mơ, như thực… Ngay nơi nhan đề sách đã là một hình ảnh của một chân trời cổ tích, “Không Đứng Mãi Trong Tranh.” Bạn có thể nhớ tới một tích cổ trong thời nhà Trần ở thành Thăng Long, chàng thư sinh Tú Uyên say mê thiếu nữ trong tranh, và trong một lần nàng bước ra khỏi tranh đã bị chàng nắm tay giữ lại cõi này. Có phải chuyện của người xưa ở phường Bích Câu cũng là chuyện đời nay của Sài Gòn với chàng họa sĩ Nghiêu Đề. Và rồi trong sương khói cổ tích như thế, tác phẩm của Lê Chiều Giang mang theo một cõi ký ức của chữ nghĩa và sắc màu - tất cả cùng chen tới để dựng lại một Sài Gòn năm xưa, một Sài Gòn của nhạc, của thơ, của tranh, của những con đường dẫn tới Phòng Tranh Alliance Française, của những lối Nguyễn Thông và Yên Đ dẫn tới tiệm cà phê Phấn Thông Vàng, mở lại những góc đã quên trong ký ức cho độc giả, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, như tôi.
 
Tôi đọc tác phẩm “Không Đứng Mãi Trong Tranh” của Lê Chiều Giang, rồi đọc một số bài người khác viết về sách này. Tôi không biết mình sẽ viết gì về sách này cho như ý. Đã nhiều thập niên đọc sách và điểm sách, tôi nghiệm ra một điều: bất như ý luôn luôn xuất hiện trong tiến trình viết sách [với tác giả], đọc sách [với độc giả], và điểm sách [với nhà báo như tôi]. Không bao giờ thoát được bất như ý. Nhưng, một phẩm chất cuộc đời luôn luôn là bất như ý. Chúng ta không thể bắt cõi này phải xảy ra đúng như ý mình.
Cũng chính vì như thế, sáng tạo luôn luôn là một nỗ lực để vượt qua tất cả những bất như ý. Nghĩa là, viết, dù là viết văn xuôi hay làm thơ, đều là một hành trình đi từ bất như ý để tìm tới toàn bích. Nói theo kiểu nhà chùa, đi từ khổ cho tới tịch lặng của khổ, nghĩa là thành Phật. Do vậy, sống với nghề báo nhiều năm giữa Quận Cam, nghĩa là sống trọn ngày đêm giữa trận mưa không dứt của chữ, đã cho tôi học được cách nhìn trong Kinh Pháp Hoa, nhìn đâu cũng thấy Phật, dù đó là một Đề Bà Đạt Đa hay một Long nữ 8 tuổi, dù đó là Mục sư Nguyễn Quang Minh làm việc thông dịch trong tòa án Santa Ana hay Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San hoạt động xã hội trong nhà tù Oklahoma, dù đó là dịch giả lãng mạn như Trịnh Y Thư hay nhà thơ gian nan Lê Giang Trần. Mọi người đều là Phật, đều là cái không chuyển thành cái có, và ngược lại. Bước đi với chữ sáng trưa, ngồi nhâm nhi với chữ chiều tối, rồi thắc mắc với chữ ban ngày, và mơ hồ với những chữ hiện ra ban đêm… Luôn luôn là nhận ra bất như ý, không ở trong cái nhìn hay cách nhìn, nhưng chỉ là không viết được như ý. Nghĩa là, không tương ưng giữa chữ và ý được.
Nãy giờ là tôi lạc đề. Nhưng đọc sách Lê Chiều Giang dễ lạc đề lắm. Hình như không có một trình tự hợp lý nào, thí dụ về thời gian, hay không gian. Nhưng thế giới của tâm có gì là trình tự hợp lý được. Có khi tác giả nói chuyện thời đi học, thời trốn thánh lễ, rồi nói chuyện hồi ở cư xá Thanh Đa, rồi chuyện San Diego, rồi chuyện sân bay San Francisco. Rồi thể văn, có khi văn xuôi, rồi chen vào thơ. Sáng tạo văn học thì tản mạn là bình thường, dĩ nhiên. Trọn tác phẩm Không Đứng Mãi Trong Tranh là một thế giới của tâm, có lúc mơ hồ như kéo độc giả về truyện Tú Uyên Giáng Kiều (trọn cuốn sách của Lê Chiều Giang không nhắc gì tích này, nhưng một số độc giả có thể chợt liên tưởng tới), và rất nhiều trang là đưa độc giả về các phòng tranh Sài Gòn một thời trước 1975.
Cách đọc và viết hàng ngày của tôi luôn luôn là một trình tự hợp lý; nếu không, bài báo sẽ thành một bài văn, thế là hôm sau sẽ bị các cụ độc giả ở Bolsa than phiền. Thế rồi, tôi phải tập cách rút gọn các bản tin, viết ngắn, viết dễ hiểu. Vậy đó, rồi mình mất luôn thói quen viết thoải mái, viết ngoài lề như đã từng viết cho các tạp chí văn học. Nói như thế để giải thích, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều câu văn, nhiều đoạn văn trong sách Lê Chiều Giang. Đọc như thế để nghiệm chất văn thôi, hoàn toàn không bận tâm chuyện nhân vật này hay kia có thật không, cũng chẳng bận tâm chuyện các văn nghệ sĩ thời xưa có thực như mô tả không. Đã nói mà, đây là một thế giới của Sài Gòn ngày xưa, không thực, không hư. Chỉ thực trong mắt nhìn của tác giả, nhưng không chắc rằng cái được hiểu và cái được nhớ là đúng với cái hiện thực. Trí nhớ là cái gì rất sương khói và dễ phản bội. Trong khi đó, tác phẩm Lê Chiều Giang cũng đã hòa nhập các cõi thời gian, như đang bước ra khỏi thế giới cổ tích của tranh để nói chuyện San Diego, San Francisco, và vân vân.
 
Văn học cũng như thế. Tác phẩm của Lê Chiều Giang cũng như thế. Cũng y hệt như chuyện ngón tay chỉ trăng trong Thiền Tông. Ngón tay không phải mặt trăng. Nhưng kìa, khi thấy mặt trăng, cũng chỉ thấy là một dĩa màu vàng hiển lộ trên bầu trời đêm. Sự thực theo các khoa học gia thì mặt trăng không phải là chiếc dĩa vàng. Rồi khi bạn, nếu là phi hành gia đặt chân lên mặt trăng, có lẽ chỉ thấy là những đá và cát mênh mông (có lẽ thế). Văn học cũng là như thế, chỉ là ngón tay để chỉ lên mặt trăng, nhưng hình ảnh chiếc dĩa vàng thực sự chỉ là tâm mình hiện ra. Chỉ là tâm thôi. Đúng vậy, chỉ là tâm thôi. Tôi nghĩ như thế, khi đọc thấy nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ viết rằng đây là “tác phẩm đầu tay và duy nhất” cùa Lê Chiều Giang. Các bạn suy nghĩ xem, thử cưỡng bách một nhà văn hay nhà thơ chỉ in một “tác phẩm đầu tay và duy nhất” trong đời. Đó hẳn là máu trong tim được vắt ra cho cạn. Chữ nơi đây, chỉ là tâm thôi. Và chúng ta đang đọc thấy tâm của tác giả Lê Chiều Giang hiện lên trên từng trang giấy, phải đoán hẳn là như thế.
Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, nơi trang Viết Thay Lời Tựa, ghi rằng, “Lê Chiều Giang viết mà như vẽ lại, như tả chân một cách vô cùng linh hoạt. Không hề tẩy xóa, chẳng tô vẽ thêm, nhưng rất lạ…” Đây cũng là chỗ để ngờ vực, làm sao mà viết như vẽ lại được. Tôi không có ý muốn tranh luận chỗ này, chỉ là tò mò thôi, chỉ muốn đọc xem trang nào đã viết như vẽ. Nhưng hoàn toàn đồng ý với nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ về nhận định, “Quyết liệt như mối tình thơ mộng của Cô, với người bạn tài hoa của chúng ta. Nghiêu Đề.” (Không Đứng Mãi Trong Tranh, trang 8) Quyết liệt, đúng vậy. Tôi nghĩ, quyết liệt là một cá tính trong sáng tác và thái độ của Lê Chiều Giang.
Bạn thử suy nghĩ xem, thời trước 1975, nữ sinh trung học phải có cá tính quyết liệt lắm mới dám, “Những Chủ Nhật trốn lễ nhà thờ chưa đủ, tôi bỏ cả trường lớp, trốn học, và có khi còn muốn đi luôn…” (KĐMTT, tr. 10)
May mắn, đọc thêm vài trang, mới thấy rằng cô chưa đi luôn… Và cũng không quyết liệt lắm, vì cô còn biết khóc trước mặt chàng họa sĩ, hẳn là cũng khóc quyết liệt:
“Tôi khóc. Anh hẹn sẽ tìm canvas cho một tranh khác.
“Tranh khác,” nghĩa là tôi sẽ tiếp tục trốn học và trốn nhà thờ.” (tr. 12)
Trong truyện cổ tích, khi bắt gặp nàng Giáng Kiều bước ra khỏi tranh, chàng Tú Uyên liền xé bức tranh để nàng không thể trở về cõi tranh. Nhưng nơi bài viết Người Mẫu (KĐMTT, tr. 9-16), người xé bức tranh chàng đang vẽ cô bé nữ sinh trốn học lại là “cô bạn cũ” của chàng họa sĩ. Cách gọi người xé tranh là “cô bạn cũ” là lời thanh minh thanh nga của chàng họa sĩ. Bức tranh thứ nhì của chàng họa sĩ vẽ nàng lại bị thân phụ của nàng giấu biến đi, theo lời kể của Lê Chiều Giang, “Ba tôi giấu mất bức tranh thứ hai. Bức tranh đã lưu lạc theo cùng tiếng khóc ấm ức của tôi, trong rất nhiều đêm dài không ngủ.” (tr. 16) Và cuối cùng, bức tranh thứ ba chàng vẽ nàng được đưa vào khâm liệm cùng chàng, “Và nhan sắc này sẽ ở lại cùng Anh muôn đời, mãi mãi.” (tr. 16)
Nghĩa là, ba lần chàng vẽ nàng. Để trở thành một truyện cổ tích mới. Để được nhà văn Ngô Thế Vinh viết nơi đầu chương này, minh bạch rằng: “Nhưng vẫn chẳng ai nói về Nghiêu Đề, tha thiết và cảm động như “Người của trăm năm” đã viết về anh. Lê Chiều Giang, Cô viết như một tưởng niệm về người bạn của chúng ta. Nghiêu Đề.” (tr. 9)
 
Bản thân tôi không có nhiều kiến thức về hội họa thời trước 1975. Phần lớn biết là nhờ đọc nơi này, nơi kia, trong đó một mảng lớn kiến thức là từ các bài viết của nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy. Tuy nhiên, tác phẩm Không Đứng Mãi Trong Tranh của Lê Chiều Giang đưa ra thêm nhiều chi tiết về mảng văn học nghệ thuật này. Nghĩa là, độc giả có thể qua tác phẩm này, biết thêm về nhiều họa sĩ, và khuynh hướng mỹ thuật của họ. Thực tế, không ai dám nói là có thể biết về một họa sĩ, nếu chưa xem tranh của họ. Nhưng nơi đây, một phần nào, chúng ta có thể biết mơ hồ.
Trong bài Nhớ Về Hội Họa Sĩ Trẻ (tr. 17-22), Lê Chiều Giang ghi nhận rằng khi cô còn là một nữ sinh trung học, cô đã theo chàng bước vào một phòng tranh giữa Sài Gòn, nhiều lần, giữa những khói thuốc lá: "Khói thuốc Haft & Haft thơm tho, Basto nặng nồng, hay Lucky mờ mịt. Mắt tôi bốc cay với khói mà tưởng như có thêm cả chút nồng nàn, sướt mướt." (tr. 17) Nơi phòng tranh, cô nữ sinh chưa đủ chiều cao để đứng nhìn thẳng một bức tranh trên tường (nhưng lại rất mực thơ mộng như một nàng Giáng Kiều trong tranh) đã gặp nhiều họa sĩ và các họa phẩm của họ:  Đinh Cường, Nghiêu Đề, Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Cù Nguyễn… (tr. 17-18)
Không chỉ như thế, cô nữ sinh còn rất nhỏ đó đã có cơ duyên la cà các tiệm cà phê với các chàng họa sĩ, và la cà tới cả khi phòng tranh chưa mở cửa. Lê Chiều Giang viết:
"Tôi bị cuốn theo những chiều rực rỡ La Pagode, những đêm Givral hoa đèn lấp lánh.
Và cả với những sáng khi Sàigòn còn mờ hơi sương, lúc phòng  tranh chưa mở cửa. Nơi đó, có năm bảy chàng họa sĩ trong Hội Họa Sĩ Trẻ, ngồi nghi ngút cùng cafe bên góc hè của Continental Hotel, ngay cạnh phòng triển lãm Alliance Française." (tr. 18)
Và nhiều chi tiết tương tự như thế. Sau này, các nhà nghiên cứu về hội họa về thời Miền Nam trước 1975 sẽ dựa vào “tác phẩm đầu tay và duy nhất” này của Lê Chiều Giang để nhìn thêm vào một thời sáng tác của các họa sĩ này. Đúng vậy, lịch sử nghệ thuật. Trong sách này cũng ghi lại về nhiều văn nghệ sĩ khác, về Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Đình Toàn, Trần Quang Lộc, Nguyễn Hữu Hiệu, Lê Tất Điều, Bùi Giáng, Trần Duy Đức, Trần Dạ Từ, Nguyễn Đức Sơn, Trần Tuấn Kiệt… Nhắc tới nơi này, nơi kia, kỷ niệm này, ký ức nọ.
 
Tác phẩm “Không Đứng Mãi Trong Tranh” có 14 bài thơ, và 19 bài văn xuôi. Nơi đây, tôi ghi là “văn xuôi” vì không biết gọi là gì cho chính xác. Không phải truyện ngắn, vì có nhiều chi tiết như kể lại đời thực. Nhưng cũng không thể gọi là tùy bút, bút ký hay hồi ký hay bất kỳ cái gì thuộc về ký, vì chất thơ nhiều quá. Văn xuôi của Lê Chiều Giang không phải thơ, nhưng lại rất nhiều chất thơ.
Đúng ra, trọn cuốn sách là thơ. Đọc bất kỳ trang nào, ngay cả văn xuôi, cũng thấy chất thơ. Nhưng một bài tôi nghĩ điển hình là Nghĩ Với Trần Quang Lộc (trang 57-64). Bởi vì, hai nhạc sĩ trong bài, Nguyễn Đình Toàn trong năm 1978 đã dẫn Trần Quang Lộc tới giới thiệu với nhóm văn nghệ sĩ ở cư xá Thanh Đa, là cả hai chân trời thơ mộng. Trong khi Nguyễn Đình Toàn làm thơ rất mực lãng mạn trước khi sáng tác nhạc, Trần Quang Lộc lại sống thơ rất mực dữ dội trước khi sáng tác nhạc. Nhiều thập niên sau, tác giả Lê Chiều Giang viết về một kỷ niệm khi về thăm VN năm 2018, tìm gặp các bạn bè thân hữu cũ, và rồi Trần Quang Lộc đưa ra sáng kiến thâu băng để lưu niệm (mời các bạn đọc kỹ, từng chữ, từng dòng nơi đây là thơ):
"Chợt anh nghĩ ra một ý rất ngộ nghĩnh: Anh muốn thâu vài bài ngày xưa tôi hay hát với bạn bè.  Serenade, Sombre Dimanche... Với ý kiến đó, chúng tôi ngồi để “Thâu Lại Ký Ức.” Khi hát, tôi mơ màng thấy lại dòng sông xưa, chiếc thuyền nhỏ vào những đêm trăng sáng. Những đốm thuốc không lụi tàn trong đêm tối, và tiếng hát bạt ngàn của chúng tôi mới thuở nào đây đã mất hút, xa xăm, đã bay đi mất tan theo những mưa những gió của cuộc đời." (tr. 63)
Bài Nghĩ Với Trần Quang Lộc được Lê Chiều Giang viết sau khi Lộc từ trần. Tôi thắc mắc, tại sao không phải nhan đề Nghĩ Về Trần Quang Lộc – có phải “nghĩ với” mang theo không khí chia sẻ? Tôi cũng có cơ duyên nghe nhạc Trần Quang Lộc tại nhà các bạn Khoa và Khôi ở phía sau cư xá Bắc Hải, đặc biệt nhớ cũng là giọng ca của Thanh Hà, một thiếu nữ Đà Nẵng lúc đó chạy vào Sài Gòn; nhiều thập niên sau, tôi có cơ duyên gặp lại khi cô từ Úc châu tới Quận Cam thăm nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Thời xa xưa đó, Trần Quang Lộc cũng là người miền Trung chạy vào Sài Gòn. Những cú hậu chấn 1975 đã làm trôi dạt nhiều mảng đời nghệ sĩ vào Sài Gòn, nơi cuộc đời của họ được dung chứa và là nơi tâm hồn của họ được hồn nhiên thơ mộng hơn.
Cũng có thêm những phận đời trôi dạt khác. Như trong bài Nói Với Ngàn Thông (trang 89-95), kể chuyện họa sĩ Lâm Triết tới tá túc ở nhà Nghiêu Đề -- Lê Chiều Giang, và rồi nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (trong bộ áo tràng nhà sư, mặc thời vương vấn trong chùa) đi xe đạp, ẵm một con chó nhỏ tới thăm. Đó là những hình ảnh kỳ dị trong đời. Lê Chiều Giang kể lại:
"Thời gian đó Lâm Triết tá túc nhà chúng tôi ở cư xá Thanh Đa. Anh gốc người Bình Định, rất thân với Nguyễn Đức Sơn. Cả ba ông mày mày, tau tau mừng rỡ với một giọng phải nói là "la làng" của ông khách lạ. Việc đầu tiên tôi làm là lấy ngay máy sấy tóc hong khô cho chú chó nhỏ đáng thương và tội nghiệp của ông Sư. Nó rúc vào cánh tay tôi trìu mến như một lời cảm ơn ấm áp. Tôi cũng ôm nó trong lòng như một vỗ về đầy thương yêu..." (tr. 90)
Có phải đó là hình ảnh rất mực là thơ, rất là dị thường: Nguyễn Đức Sơn trong bộ áo nhà sư đi một chiếc xe đạp cũ kỹ, ẵm theo một con chó nhỏ ướt nước, tới thăm hai họa sĩ, nói chuyện mày mày tau tau…
 
 Tác phẩm Không Đứng Mãi Trong Tranh cũng có rất nhiều điều khác để nói tới, để suy nghĩ, để nhận ra chất thơ, chất họa... kể cả để biết một số mảng đời một thời của nhiều họa sĩ, nhà văn, nhà thơ trong những năm trước và sau 1975. Những năm đó không phải là thơ dưới mắt sử gia, nhưng trên các trang giấy đã được tác giả Lê Chiều Giang ghi lại bằng cái nhìn từ ái và thơ mộng, trong đó có hình ảnh của họa sĩ Nghiêu Đề, người mà chị yêu thương đã gọi ngày “tiễn đưa anh Nghiêu Đề… trong ngày buồn nhất.” (tr. 142). Và về rất nhiều văn nghệ sĩ khác.
PTH
 
Độc giả có thể liên lạc tác giả Lê Chiều Giang: tranh55@gmail.com
Link mua sách ở Amazon: https://www.amzn.com/1990434193
 

No comments:

Post a Comment