Tuesday, August 31, 2021

THÁNG 7. TRÊN NHỮNG ĐỈNH CAO…...

Vũ Hoàng Thư
 
Ngôi nhà gỗ nơi Goethe 
viết bài thơ “Über allen Gipfeln”
 
          Tháng 7 mây cao hừng gắt nắng, người hấp ướt những cơn nhớ. Có nồng mồ hôi giọt, có vai tóc rịn đẫm lưng trần. Lung linh bốc những khát khao đầu đời cho nhớ thả về những giấc mơ vội vã, và ước ao xanh ngời tuổi dại. Dại không là khờ. Dại vì bỗng chốc, những bốc lửa làm khoảnh khắc trở thành thiên thu. Nồng cháy vút lên thượng tầng, bỏ lại mặt đất của loài người dưới kia.
          Tháng 7 có ngày nhừa nhựa khói thuốc đục giọng Khánh Ly về những bước chân địa đàng, 𝘷à 𝘵𝘪ế𝘯𝘨 𝘩á𝘵 𝘷𝘳𝘶 𝘮ì𝘯𝘩 𝘵𝘳𝘰𝘯𝘨 𝘨𝘪𝘤 𝘯𝘨𝘷𝘢 (TCS)... Vừa là đủ, không dư mà chẳng thiếu. Tròn no của cánh diều lướt trên đầu gió, vi vút điệu sáo ngân trưa hè. Tiếng hát như giọt sương đầu về đậu trên lá. Lá mở đón ngày tinh mơ, nhởn nhơ theo kẽ nắng. Người vộc dậy thâm trầm âm vực. Len lỏi con dốc Vallejo một ngày hè năm nào trở về không mời gọi. Ở đó Caffe Trieste ồn ào huyên náo, chốn của những ông thần hoàng văn chương thế giới thường tới lui ngự trị, Allen Ginsberg, Czeslaw Milosz, Joseph Brodsky... Thêm một điểm mốc cho du khách đến thăm vùng Vịnh và thêm tên tuổi quảng cáo cho chủ quán, nơi đây X, Y đã từng ngồi. Từ một góc Caffe Trieste, tối hẳn trong màu gỗ sậm cũ kỹ, nhớ về những chiếc ghế thấp ở một quán cà phê không tên cuối đường Pasteur của Sàigòn dấu yêu một thuở. Không đâu bỗng dưng nhắc đến một nơi như cái cớ để nhớ về một chốn khác. Những bước nhảy ký ức tung tăng hẹn hò với ngày mưa, những sáng âm u mù khú.
          quán không tên, trễ vai hờ
          có em mắt bão hiếm lời chốn đây
          có café lịm quánh ngày,
          đã thâm cốc lạnh ngật ngầy cổ sơ...
           (Quán không tên – VHT)
          Màu nâu sậm bọt bèo bóng sữa tan dần trong cốc ấm. Trong thoáng một âm, Trieste nghe thành Tristesse. Liên tưởng làm ly cà phê đậm bốc. Liên tưởng nhào nặn thế giới nhập hòa quá khứ và hiện tại. Gió tung phần phật, mùi rêu từ vịnh San Francisco nâng người bay nhẹ lên cao. Ta vẫn là ta sững ngồi tại chỗ của ngàn năm trước?
          Tháng 7 có đêm yên tĩnh theo ngày kinh động, âm điệu dạ khúc “Wanderers Nachtlied” của Schubert êm đềm 𝘪𝘴𝘵 𝘙𝘶𝘩𝘴𝘱ü𝘳𝘦𝘴𝘵 𝘥𝘶… vỗ về câu thơ của Goethe. Câu thơ mà Phạm Công Thiện rất đắc ý và đã chọn làm nhan đề cho tập thơ của mình, 𝘛𝘳ê𝘯 𝘛𝘵 𝘊𝘕𝘩𝘯𝘨 Đỉ𝘯𝘩 𝘊𝘢𝘰 𝘓à 𝘉ì𝘯𝘩 𝘠ê𝘯”. Không biết ông Phạm tìm thấy bình yên chỉ ở trên cao hay bình yên tìm thấy được khi đạp bỏ những đỉnh cao? Linh Thứu chỉ là ngọn đồi bé nhỏ so với núi Hy Mã Lạp nhưng nơi đó trí tuệ vươn xanh, vút hẳn núi non xứ Tạng. Người dễ bị mất hướng khi mải ngước kiếm một đỉnh cao. Mắt trừng cố tìm chỗ lặng mà thật sự bình yên nằm ngay trong mắt bão. Bình yên di chuyển với cuồng nộ. Vấn đề là đi thẳng ngay vào trung tâm lốc cuốn. Trên cao hay dưới thấp là hai thái cực của ảo vọng và chết người, là bão táp với mưa sa.
          Bài thơ ngắn không đề (*) Goethe viết vào một đêm vắng ở Kickelhahn đã được Schubert cũng như Liszt, Schumann phổ nhạc.
          𝘖𝘦𝘳 𝘢𝘭𝘭 𝘵𝘩𝘦 𝘩𝘪𝘭𝘭𝘵𝘰𝘱𝘴
          𝘐𝘴 𝘲𝘶𝘪𝘦𝘵 𝘯𝘰𝘸.
          𝘐𝘯 𝘢𝘭𝘭 𝘵𝘩𝘦 𝘵𝘳𝘦𝘦𝘵𝘰𝘱𝘴
          𝘏𝘦𝘢𝘳𝘦𝘴𝘵 𝘵𝘩𝘰𝘶
          𝘏𝘢𝘳𝘥𝘭𝘺 𝘢 𝘣𝘳𝘦𝘢𝘵𝘩.
          𝘛𝘩𝘦 𝘣𝘪𝘳𝘥𝘴 𝘢𝘳𝘦 𝘢𝘴𝘭𝘦𝘦𝘱 𝘪𝘯 𝘵𝘩𝘦 𝘵𝘳𝘦𝘦𝘴,
          𝘞𝘢𝘪𝘵, 𝘴𝘰𝘰𝘯 𝘭𝘪𝘬𝘦 𝘵𝘩𝘦𝘴𝘦,
          𝘛𝘩𝘰𝘶, 𝘵𝘰𝘰, 𝘴𝘩𝘢𝘭𝘵 𝘳𝘦𝘴𝘵.
          Wolfgang von Goethe
           (Bản dịch H. W. Longfellow)
          trên tất cả đỉnh cao
          là tĩnh lặng
          từ những ngọn cây
          nghe ra
          không một bóng gió
          loài chim ngái trong lùm
          hãy chờ đi, rồi trong chốc
          người cũng sẽ lặng im.
          (VHT phỏng dịch)
          Một đêm yên tĩnh phương tây, người cũng như chim đợi chờ giấc ngủ đến. Rồi sẽ đến. Rồi sẽ an bài. Mọi chao động lắng dần cho tĩnh mịch trên cao. Một giấc an lành hay sẽ không bao giờ thức dậy? 𝘕𝘨ườ𝘪 𝘤ũ𝘯𝘨 𝘴𝘭𝘯𝘨 𝘪𝘮. Hững hờ chấm dứt, câu thơ mở dấu hỏi lớn của kiếp người. Những ôm đồm chìm xuống theo đêm. Có cõi trên yên tĩnh không cùng? Có băn khoăn đợi chờ mặt đất? Một chữ đợi ngột ngạt bế tắt, nặng nề thân kiếp Sisyphe. Người rồi cũng sẽ lặng yên.
          Hơn một ngàn năm trước Goethe, ở phương đông, chim không ngủ, chim hót lên tiếng kinh động đêm xuân, vỡ òa linh hiển. Người không căng thẳng với thính giác đăm chiêu một chiều, người an nhàn nghe hoa rụng nhưng sự thức tỉnh chuyển rung như tiếng sấm. Sự sống tuôn trào bừng bừng của phút giây hé mở. 𝘕𝘨𝘶𝘺𝘵 𝘹𝘶𝘵 𝘬𝘪𝘯𝘩 𝘴ơ𝘯 đ𝘪𝘶 . Màn đêm vỡ. Sự yên tĩnh vỡ vì một cái gì quá lớn, một cái chẳng thể nghĩ bàn trước mắt. Trăng ló sáng giữa đêm huyền. Như thị. Phút giây này, không thời điểm nào khác. Đến như vậy. Đừng gọi bằng tên vì danh từ sẽ xóa mất giây phút như nhiên. Một sự yên tĩnh trong sát na trước đó và sự nổ bùng của vũ trụ rất hiện thời ngay trong cùng thời điểm. Thời gian ngừng giữa không gian xóa hết mọi chiều.
          𝘕𝘩â𝘯 𝘯𝘩à𝘯 𝘲𝘶ế 𝘩𝘰𝘢 𝘭𝘤
          𝘋𝘵ĩ𝘯𝘩 𝘹𝘶â𝘯 𝘴ơ𝘯 𝘬𝘩ô𝘯𝘨
          𝘕𝘨𝘶𝘺𝘵 𝘹𝘶𝘵 𝘬𝘪𝘯𝘩 𝘴ơ𝘯 đ𝘪𝘶
          𝘛𝘩𝘪 𝘮𝘪𝘯𝘩 𝘹𝘶â𝘯 𝘨𝘪𝘯 𝘵𝘳𝘶𝘯𝘨
           (Điểu minh giản - Vương Duy)
          Người nhàn hoa quế rụng
          Đêm vắng núi xuân không
          Trăng tỏ động chim núi
          Khe xuân chợt hót vang
          (Chim hót trong khe, bản dịch Vũ Thế Ngọc)
          Người nhàn, hoa quế rụng, trăng ló, chim hót. Bốn hoạt cảnh xảy ra trong một đêm xuân vắng, trước đó là đêm tuyền và sau rốt cùng trong 𝘥𝘵ĩ𝘯𝘩. Đêm uyên nguyên bao trùm dòng lưu sinh, thi sĩ tự tại trong cái thấy thứ nhất về một mặt trăng nguyên nghĩa đương-là. Nghe chăng tiếng hoa rơi ẩn dụ sự trở về cội nguồn như người đời vẫn nghĩ, hay đây chính là thấu biết tiếng vô ngôn? Thấy hiển hiện một vầng trăng ló sẽ gợi khêu con người về phút giây sáng thế của hiện hữu hay thật ra đang bắt gặp một diện mục vốn đã có mặt từ đầu? Thông thường, ai không nghĩ đó như chuyện tuần hoàn kỳ diệu trong một đêm trăng làm kinh động loài chim núi. Thật ra việc đến đi, sống chết là chuyện của nòi đối đãi. Hoa quế rơi là một nhân duyên. Vầng trăng ló khởi bước chân đầu thong thả trở lại chân nguyên.
          Tháng 7 có điệu kèn bay cao đưa theo xa những đám mây trắng. Ở trên cao lặng yên hay cuồng động, thật khó biết, chỉ thấy mây bay, có khi chậm rãi và có lúc nhanh dồn. Những đám mây trắng bay qua đại dương một thời mộng mị. Bạch vân thành Hải Vân. Mây trên biển trôi vào lục địa quấn trọn chân đèo trắng xóa, quê hương chìm hút dưới chân mây. Trường Sơn thoáng hiện về xanh ngát lạ lùng trong một ngày tháng 7. Đã cũ xưa hay còn mới mẻ ? Chỉ thấy người như dựng giữa lưng chừng núi, dang tay bắt từng lọn trắng phau bay...
          mây bay chẳng ở lại nhà
          đùa phiêu hốt gió gọi xa xăm về
 
VŨ HOÀNG THƯ
Tháng 7, 2011
Nguồn: Facebook Vũ Hoàng Thư
----------------------------------------------------------
(*) Nguyên tác Đức ngữ, Thi Vũ chuyển sang Việt ngữ:
Ü𝘣𝘦𝘳 𝘢𝘭𝘭𝘦𝘯 𝘎𝘪𝘱𝘧𝘦𝘭𝘯
𝘪𝘴𝘵 𝘙𝘶𝘩,
𝘪𝘯 𝘢𝘭𝘭𝘦𝘯 𝘞𝘪𝘱𝘧𝘦𝘭𝘯
𝘴𝘱ü𝘳𝘦𝘴𝘵 𝘥𝘶
𝘬𝘢𝘶𝘮 𝘦𝘪𝘯𝘦𝘯 𝘏𝘢𝘶𝘤𝘩;
𝘥𝘪𝘦 𝘝ö𝘨𝘦𝘭𝘦𝘪𝘯 𝘴𝘤𝘩𝘸𝘦𝘪𝘨𝘦𝘯 𝘪𝘮 𝘞𝘢𝘭𝘥𝘦,
𝘸𝘢𝘳𝘵𝘦 𝘯𝘶𝘳, 𝘣𝘢𝘭𝘥𝘦
𝘳𝘶𝘩𝘦𝘴𝘵 𝘥𝘶 𝘢𝘶𝘤𝘩!
Wolfgang von Goethe (1749-1832)
Trên tất cả đỉnh cao
là yên nghỉ,
khó ai nhận ra
hơi thở
nơi muôn trùng đỉnh núi;
những con chim non
im bặt trong rừng,
ngươi hãy chờ đi
rồi đến lúc
ngươi cũng lặng im.
(Thi Vũ dịch)
 

Sunday, August 29, 2021

ĐỘC THOẠI BÊN SÔNG MÙA DỊCH…

Nguyễn Quang Chơn
 
Ra phố. Tranh Đinh Trường Chinh
 
“Bên ni sông Hàn ngó qua bên kia Hà Thân”,
nhà cao cửa rộng
biển xanh lồng lộng,
 
sao hiu hắt
lặng lờ
man mác,
 
màu tang…
 
chiều ly rượu một mình
trong vắt
 
nhấp lên môi
 
Thấy như có nước mắt
của em
nước mắt F0 trong hàng rào cách ly chập chùng
ngóng xe cứu thương đưa đi cấp cứu…
 
kịp không?
khi phổi em đã nát
bởi con vi rút vũ hán
có đủ oxy không
có máy ecmo không?…
 
Ly rượu một mình
uống lẫn giọt nước mắt nghẹn ngào,
nỗi buồn của mẹ,
của tê tái người thân không tiễn đưa,
uống luôn ánh mắt của cha chập chùng bóng tối…
 
Chiều bên ni sông Hàn
ngó qua bên kia Hà Thân
đất trời lồng lộng
Không một chiếc xe
Không một bóng người
Đám nhà cao lênh khênh khập khểnh
Lạc lõng,
buồn tênh!…
 
Thành phố buồn tênh
Thế giới chông chênh
chập chùng,
 
Khóc….
 
Bên kia sông Hàn
một làn mây trắng…
 
Mây,
hay khói thiêu người bay lên
từ bến sông Hằng
 
Hay
chập chờn bóng ma trơi từ Mã Lai, từ Philipine, từ Nam Dương
dập dềnh trên sóng?…
 
Chiều bên sông cuối tuần
ly rượu đắng,
nâng lên
cụng với trái tim tôi
một mình
 
buồn
 
Nắng tắt trên sông,
rờn rợn….
 
NGUYỄN QUANG CHƠN
Thứ bảy, 28.8.21

LÒNG MUỐN HẸN

Huỳnh Liễu Ngạn
 
Ôi, quê xưa. Nguồn Internet
 
lòng muốn hẹn- cùng em- về một chuyến
qua bên nhà- thăm hỏi- ngọn mù u
em bờ ruộng- anh bờ mương- máu đỏ
màu đất nâu- màu rạ lúa- đui mù
 
chiều vỡ giọng- khàn hơi- lên tiếng gọi
màu cau non- màu trầu nụ- héo mòn
tìm đâu dấu- hoàng lan- trên bâu áo
của bầu trời- em về nhé- tơ non
 
dấu bụi lấm- hao mòn- hun hút mãi
ngã ba nào- mây trắng- sẽ sang ngang
con nước cạn- trơ nhánh gầy- xương cốt
mà trường giang- cứ hẹn- ở suối vàng
 
em bỏ lại- trăng ngàn- rồi biệt dạng
anh tiếc đời- tóc rẽ- thuở băng tan
em cài áo- che chắn- lòng đã mỏi
tro tàn bay- về kỷ niệm- thưa rằng.
 
17.8.2021
HUỲNH LIỄU NGẠN

 

  

T I Ế N G H Á T N H Ư S Ô N G

Hoàng Xuân Sơn
 
Bến sông xưa
 
Tôi không biết được nữa
vầng trăng em bỏ đi
từ chuyện tình lắp ráp
tơ sương nuối được gì
 
Tơ tằm còn ươm áo?
bướm đã rụng mùa xa
hoa mây còn ảo ảo
thương chút nắng đậm đà
 
Tôi không còn biết được
lời tự tình gương say
áo đêm chầm thúy liễu
cơn choáng ngủ rất gầy
 
Tôi biết được biết được
một buổi mai không không
tôi bắt đầu nói nhịu
cơn mưa lũ trên đồng
bước chân rơi ngoài phố
đốm lửa đã phai hồng
vệt môi son tàn tạ*
quên thơ một chiếc vòng
ngực đau chìm mặt ngọc
tiếng hát nào như sông
 
H O À N G  X U Â N  S Ơ N
19.8.2021
 
*ngoài phố mùa đông đôi môi em là đốm lửa hồng - Trịnh Công Sơn

Saturday, August 28, 2021

TRÁI TIM MÙA HÈ

Nguyễn Thị Khánh Minh

Summer Love. Artwork by Karen Kaspar


*Gửi Thanh Lương cùng mùa hè rất xa
 
Thời gian như vừa khép lại
Mang trái tim tôi treo trên cây
Mắt lá rưng rưng chiều bóng xế
Hỏi thầm. Mùa hè sao đầy mây
 
Hỏi thầm. Lòng ai sao chưa nguôi
Đường nào xa. Gió xanh xao thổi
Trái tim tôi chong hoài mắt đợi
Bên trời lạc giọng. Tiếng mưa rơi
 
Khung cửa sổ. ngày đêm thao thức
Nắng âm hao. Giấc mộng vừa tan
Lời côi cút. Bóng co ro hỏi
Ai đèn khuya. Ai nhỏ lệ trăng tàn*
 
Nói câu gì. Cho thời gian mở
Trái tim tôi trên cành xanh nở
Đàn lá về ríu rít ban mai
Ai bình minh. Ai nắng vàng tri ngộ
 
Nói câu gì. Cho đất trời gần lại
Nhịp trần gian cố cựu hạt mưa xưa
Bỏ nhỏ trên tay hỏi lòng năm cũ
Hạt nước trong. Ở lại. Ấm giao mùa…
NTKM
Upland, Hè 2021
 
*Thơ Tuệ Sỹ: Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
 

Sunday, August 22, 2021

THỨC

Nguyên Yên
 
Minh họa. Tranh Đinh Trường Chinh
 
như chiếc đồng hồ cơ khí cũ kỹ không chịu bỏ cuộc
mỗi đêm lúc 3 giờ khuya
khi đèn đã tắt và cửa đã khóa chặt
tâm trí bật dậy
bắt đầu cuộc hò hẹn
 
trong bóng tối nhá nhem
đồng hồ điểm 3 giờ khuya
huyết mạch bỗng dưng thông suốt
như dòng suối chảy xuyên miền ký ức
anh rót đầy tảng băng trôi của em

cơn gió nam nửa khuya dấy lên
tiếng vòng xuyến leng keng
bước chân ai xa xôi
tạt vùng trí nhớ
bông hoa lại nở bung trong máu
 
vào những đêm không sao như đêm nay
tâm trí lười nhác không ra khỏi giường thắp đèn
thao láo trong đêm tối om
đong năm đếm tháng
nghe giờ khắc qua đi rả rích
 
những đêm trăng sáng
tâm trí vùng thoát khỏi giấc mơ
vượt khỏi lưng trời
ngẩn nhìn xác thân kẹt lại
già nua trong cỗ quan sầu muộn
 
bầu trời hằng đêm nhạt dần
chòm sao thất tinh khuất lặn
chẳng còn gì vết tích người lữ hành
như tâm trí chưa một lần tỉnh
như trái tim chưa một lần say
 
tất cả như chưa từng hiện hữu
tình yêu, nước mắt
nụ hôn, cầu vòng
chẳng còn gì sót lại 
cả dư vị của sự tàn hủy
 
và đêm đêm
lúc 3 giờ khuya,
trong gian nhà quạnh hiu của người đàn bà mất trí
chiếc đồng hồ sinh lý cũ kỹ vẫn không ngưng
cọt kẹt.
 
NGUYÊN YÊN

 

  

Saturday, August 21, 2021

ĐỌC LÊ CHIỀU GIANG. ‘KHÔNG ĐỨNG MÃI TRONG TRANH’

Phan Tấn Hải
 
Tác phẩm của Lê Chiều Giang
 
Tác giả Lê Chiều Giang vừa phát hành Không Đứng Mãi Trong Tranh. Tác phẩm dày 164 trang, vừa văn xuôi, vừa thơ. Độc giả sẽ thấy trong sách ngập tràn những quá khứ, như nhận định của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, “…đọc Lê Chiều Giang, những dòng chữ chảy lui về quá khứ. Một quá khứ không thể nào không nhắc về, nhớ tới… Những quá khứ của thời đã ‘Chết đi, sống lại’.” Đúng ra, quá khứ chỉ là một phần, vì tác giả Lê Chiều Giang vẫn còn trên cõi này, còn đọc và còn viết. Và trong sách, có những bài được viết rất gần đây.
 
Tác phẩm như dường rất mong manh, như mơ, như thực… Ngay nơi nhan đề sách đã là một hình ảnh của một chân trời cổ tích, “Không Đứng Mãi Trong Tranh.” Bạn có thể nhớ tới một tích cổ trong thời nhà Trần ở thành Thăng Long, chàng thư sinh Tú Uyên say mê thiếu nữ trong tranh, và trong một lần nàng bước ra khỏi tranh đã bị chàng nắm tay giữ lại cõi này. Có phải chuyện của người xưa ở phường Bích Câu cũng là chuyện đời nay của Sài Gòn với chàng họa sĩ Nghiêu Đề. Và rồi trong sương khói cổ tích như thế, tác phẩm của Lê Chiều Giang mang theo một cõi ký ức của chữ nghĩa và sắc màu - tất cả cùng chen tới để dựng lại một Sài Gòn năm xưa, một Sài Gòn của nhạc, của thơ, của tranh, của những con đường dẫn tới Phòng Tranh Alliance Française, của những lối Nguyễn Thông và Yên Đ dẫn tới tiệm cà phê Phấn Thông Vàng, mở lại những góc đã quên trong ký ức cho độc giả, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, như tôi.
 
Tôi đọc tác phẩm “Không Đứng Mãi Trong Tranh” của Lê Chiều Giang, rồi đọc một số bài người khác viết về sách này. Tôi không biết mình sẽ viết gì về sách này cho như ý. Đã nhiều thập niên đọc sách và điểm sách, tôi nghiệm ra một điều: bất như ý luôn luôn xuất hiện trong tiến trình viết sách [với tác giả], đọc sách [với độc giả], và điểm sách [với nhà báo như tôi]. Không bao giờ thoát được bất như ý. Nhưng, một phẩm chất cuộc đời luôn luôn là bất như ý. Chúng ta không thể bắt cõi này phải xảy ra đúng như ý mình.
Cũng chính vì như thế, sáng tạo luôn luôn là một nỗ lực để vượt qua tất cả những bất như ý. Nghĩa là, viết, dù là viết văn xuôi hay làm thơ, đều là một hành trình đi từ bất như ý để tìm tới toàn bích. Nói theo kiểu nhà chùa, đi từ khổ cho tới tịch lặng của khổ, nghĩa là thành Phật. Do vậy, sống với nghề báo nhiều năm giữa Quận Cam, nghĩa là sống trọn ngày đêm giữa trận mưa không dứt của chữ, đã cho tôi học được cách nhìn trong Kinh Pháp Hoa, nhìn đâu cũng thấy Phật, dù đó là một Đề Bà Đạt Đa hay một Long nữ 8 tuổi, dù đó là Mục sư Nguyễn Quang Minh làm việc thông dịch trong tòa án Santa Ana hay Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San hoạt động xã hội trong nhà tù Oklahoma, dù đó là dịch giả lãng mạn như Trịnh Y Thư hay nhà thơ gian nan Lê Giang Trần. Mọi người đều là Phật, đều là cái không chuyển thành cái có, và ngược lại. Bước đi với chữ sáng trưa, ngồi nhâm nhi với chữ chiều tối, rồi thắc mắc với chữ ban ngày, và mơ hồ với những chữ hiện ra ban đêm… Luôn luôn là nhận ra bất như ý, không ở trong cái nhìn hay cách nhìn, nhưng chỉ là không viết được như ý. Nghĩa là, không tương ưng giữa chữ và ý được.
Nãy giờ là tôi lạc đề. Nhưng đọc sách Lê Chiều Giang dễ lạc đề lắm. Hình như không có một trình tự hợp lý nào, thí dụ về thời gian, hay không gian. Nhưng thế giới của tâm có gì là trình tự hợp lý được. Có khi tác giả nói chuyện thời đi học, thời trốn thánh lễ, rồi nói chuyện hồi ở cư xá Thanh Đa, rồi chuyện San Diego, rồi chuyện sân bay San Francisco. Rồi thể văn, có khi văn xuôi, rồi chen vào thơ. Sáng tạo văn học thì tản mạn là bình thường, dĩ nhiên. Trọn tác phẩm Không Đứng Mãi Trong Tranh là một thế giới của tâm, có lúc mơ hồ như kéo độc giả về truyện Tú Uyên Giáng Kiều (trọn cuốn sách của Lê Chiều Giang không nhắc gì tích này, nhưng một số độc giả có thể chợt liên tưởng tới), và rất nhiều trang là đưa độc giả về các phòng tranh Sài Gòn một thời trước 1975.
Cách đọc và viết hàng ngày của tôi luôn luôn là một trình tự hợp lý; nếu không, bài báo sẽ thành một bài văn, thế là hôm sau sẽ bị các cụ độc giả ở Bolsa than phiền. Thế rồi, tôi phải tập cách rút gọn các bản tin, viết ngắn, viết dễ hiểu. Vậy đó, rồi mình mất luôn thói quen viết thoải mái, viết ngoài lề như đã từng viết cho các tạp chí văn học. Nói như thế để giải thích, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều câu văn, nhiều đoạn văn trong sách Lê Chiều Giang. Đọc như thế để nghiệm chất văn thôi, hoàn toàn không bận tâm chuyện nhân vật này hay kia có thật không, cũng chẳng bận tâm chuyện các văn nghệ sĩ thời xưa có thực như mô tả không. Đã nói mà, đây là một thế giới của Sài Gòn ngày xưa, không thực, không hư. Chỉ thực trong mắt nhìn của tác giả, nhưng không chắc rằng cái được hiểu và cái được nhớ là đúng với cái hiện thực. Trí nhớ là cái gì rất sương khói và dễ phản bội. Trong khi đó, tác phẩm Lê Chiều Giang cũng đã hòa nhập các cõi thời gian, như đang bước ra khỏi thế giới cổ tích của tranh để nói chuyện San Diego, San Francisco, và vân vân.
 
Văn học cũng như thế. Tác phẩm của Lê Chiều Giang cũng như thế. Cũng y hệt như chuyện ngón tay chỉ trăng trong Thiền Tông. Ngón tay không phải mặt trăng. Nhưng kìa, khi thấy mặt trăng, cũng chỉ thấy là một dĩa màu vàng hiển lộ trên bầu trời đêm. Sự thực theo các khoa học gia thì mặt trăng không phải là chiếc dĩa vàng. Rồi khi bạn, nếu là phi hành gia đặt chân lên mặt trăng, có lẽ chỉ thấy là những đá và cát mênh mông (có lẽ thế). Văn học cũng là như thế, chỉ là ngón tay để chỉ lên mặt trăng, nhưng hình ảnh chiếc dĩa vàng thực sự chỉ là tâm mình hiện ra. Chỉ là tâm thôi. Đúng vậy, chỉ là tâm thôi. Tôi nghĩ như thế, khi đọc thấy nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ viết rằng đây là “tác phẩm đầu tay và duy nhất” cùa Lê Chiều Giang. Các bạn suy nghĩ xem, thử cưỡng bách một nhà văn hay nhà thơ chỉ in một “tác phẩm đầu tay và duy nhất” trong đời. Đó hẳn là máu trong tim được vắt ra cho cạn. Chữ nơi đây, chỉ là tâm thôi. Và chúng ta đang đọc thấy tâm của tác giả Lê Chiều Giang hiện lên trên từng trang giấy, phải đoán hẳn là như thế.
Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, nơi trang Viết Thay Lời Tựa, ghi rằng, “Lê Chiều Giang viết mà như vẽ lại, như tả chân một cách vô cùng linh hoạt. Không hề tẩy xóa, chẳng tô vẽ thêm, nhưng rất lạ…” Đây cũng là chỗ để ngờ vực, làm sao mà viết như vẽ lại được. Tôi không có ý muốn tranh luận chỗ này, chỉ là tò mò thôi, chỉ muốn đọc xem trang nào đã viết như vẽ. Nhưng hoàn toàn đồng ý với nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ về nhận định, “Quyết liệt như mối tình thơ mộng của Cô, với người bạn tài hoa của chúng ta. Nghiêu Đề.” (Không Đứng Mãi Trong Tranh, trang 8) Quyết liệt, đúng vậy. Tôi nghĩ, quyết liệt là một cá tính trong sáng tác và thái độ của Lê Chiều Giang.
Bạn thử suy nghĩ xem, thời trước 1975, nữ sinh trung học phải có cá tính quyết liệt lắm mới dám, “Những Chủ Nhật trốn lễ nhà thờ chưa đủ, tôi bỏ cả trường lớp, trốn học, và có khi còn muốn đi luôn…” (KĐMTT, tr. 10)
May mắn, đọc thêm vài trang, mới thấy rằng cô chưa đi luôn… Và cũng không quyết liệt lắm, vì cô còn biết khóc trước mặt chàng họa sĩ, hẳn là cũng khóc quyết liệt:
“Tôi khóc. Anh hẹn sẽ tìm canvas cho một tranh khác.
“Tranh khác,” nghĩa là tôi sẽ tiếp tục trốn học và trốn nhà thờ.” (tr. 12)
Trong truyện cổ tích, khi bắt gặp nàng Giáng Kiều bước ra khỏi tranh, chàng Tú Uyên liền xé bức tranh để nàng không thể trở về cõi tranh. Nhưng nơi bài viết Người Mẫu (KĐMTT, tr. 9-16), người xé bức tranh chàng đang vẽ cô bé nữ sinh trốn học lại là “cô bạn cũ” của chàng họa sĩ. Cách gọi người xé tranh là “cô bạn cũ” là lời thanh minh thanh nga của chàng họa sĩ. Bức tranh thứ nhì của chàng họa sĩ vẽ nàng lại bị thân phụ của nàng giấu biến đi, theo lời kể của Lê Chiều Giang, “Ba tôi giấu mất bức tranh thứ hai. Bức tranh đã lưu lạc theo cùng tiếng khóc ấm ức của tôi, trong rất nhiều đêm dài không ngủ.” (tr. 16) Và cuối cùng, bức tranh thứ ba chàng vẽ nàng được đưa vào khâm liệm cùng chàng, “Và nhan sắc này sẽ ở lại cùng Anh muôn đời, mãi mãi.” (tr. 16)
Nghĩa là, ba lần chàng vẽ nàng. Để trở thành một truyện cổ tích mới. Để được nhà văn Ngô Thế Vinh viết nơi đầu chương này, minh bạch rằng: “Nhưng vẫn chẳng ai nói về Nghiêu Đề, tha thiết và cảm động như “Người của trăm năm” đã viết về anh. Lê Chiều Giang, Cô viết như một tưởng niệm về người bạn của chúng ta. Nghiêu Đề.” (tr. 9)
 
Bản thân tôi không có nhiều kiến thức về hội họa thời trước 1975. Phần lớn biết là nhờ đọc nơi này, nơi kia, trong đó một mảng lớn kiến thức là từ các bài viết của nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy. Tuy nhiên, tác phẩm Không Đứng Mãi Trong Tranh của Lê Chiều Giang đưa ra thêm nhiều chi tiết về mảng văn học nghệ thuật này. Nghĩa là, độc giả có thể qua tác phẩm này, biết thêm về nhiều họa sĩ, và khuynh hướng mỹ thuật của họ. Thực tế, không ai dám nói là có thể biết về một họa sĩ, nếu chưa xem tranh của họ. Nhưng nơi đây, một phần nào, chúng ta có thể biết mơ hồ.
Trong bài Nhớ Về Hội Họa Sĩ Trẻ (tr. 17-22), Lê Chiều Giang ghi nhận rằng khi cô còn là một nữ sinh trung học, cô đã theo chàng bước vào một phòng tranh giữa Sài Gòn, nhiều lần, giữa những khói thuốc lá: "Khói thuốc Haft & Haft thơm tho, Basto nặng nồng, hay Lucky mờ mịt. Mắt tôi bốc cay với khói mà tưởng như có thêm cả chút nồng nàn, sướt mướt." (tr. 17) Nơi phòng tranh, cô nữ sinh chưa đủ chiều cao để đứng nhìn thẳng một bức tranh trên tường (nhưng lại rất mực thơ mộng như một nàng Giáng Kiều trong tranh) đã gặp nhiều họa sĩ và các họa phẩm của họ:  Đinh Cường, Nghiêu Đề, Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Cù Nguyễn… (tr. 17-18)
Không chỉ như thế, cô nữ sinh còn rất nhỏ đó đã có cơ duyên la cà các tiệm cà phê với các chàng họa sĩ, và la cà tới cả khi phòng tranh chưa mở cửa. Lê Chiều Giang viết:
"Tôi bị cuốn theo những chiều rực rỡ La Pagode, những đêm Givral hoa đèn lấp lánh.
Và cả với những sáng khi Sàigòn còn mờ hơi sương, lúc phòng  tranh chưa mở cửa. Nơi đó, có năm bảy chàng họa sĩ trong Hội Họa Sĩ Trẻ, ngồi nghi ngút cùng cafe bên góc hè của Continental Hotel, ngay cạnh phòng triển lãm Alliance Française." (tr. 18)
Và nhiều chi tiết tương tự như thế. Sau này, các nhà nghiên cứu về hội họa về thời Miền Nam trước 1975 sẽ dựa vào “tác phẩm đầu tay và duy nhất” này của Lê Chiều Giang để nhìn thêm vào một thời sáng tác của các họa sĩ này. Đúng vậy, lịch sử nghệ thuật. Trong sách này cũng ghi lại về nhiều văn nghệ sĩ khác, về Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Đình Toàn, Trần Quang Lộc, Nguyễn Hữu Hiệu, Lê Tất Điều, Bùi Giáng, Trần Duy Đức, Trần Dạ Từ, Nguyễn Đức Sơn, Trần Tuấn Kiệt… Nhắc tới nơi này, nơi kia, kỷ niệm này, ký ức nọ.
 
Tác phẩm “Không Đứng Mãi Trong Tranh” có 14 bài thơ, và 19 bài văn xuôi. Nơi đây, tôi ghi là “văn xuôi” vì không biết gọi là gì cho chính xác. Không phải truyện ngắn, vì có nhiều chi tiết như kể lại đời thực. Nhưng cũng không thể gọi là tùy bút, bút ký hay hồi ký hay bất kỳ cái gì thuộc về ký, vì chất thơ nhiều quá. Văn xuôi của Lê Chiều Giang không phải thơ, nhưng lại rất nhiều chất thơ.
Đúng ra, trọn cuốn sách là thơ. Đọc bất kỳ trang nào, ngay cả văn xuôi, cũng thấy chất thơ. Nhưng một bài tôi nghĩ điển hình là Nghĩ Với Trần Quang Lộc (trang 57-64). Bởi vì, hai nhạc sĩ trong bài, Nguyễn Đình Toàn trong năm 1978 đã dẫn Trần Quang Lộc tới giới thiệu với nhóm văn nghệ sĩ ở cư xá Thanh Đa, là cả hai chân trời thơ mộng. Trong khi Nguyễn Đình Toàn làm thơ rất mực lãng mạn trước khi sáng tác nhạc, Trần Quang Lộc lại sống thơ rất mực dữ dội trước khi sáng tác nhạc. Nhiều thập niên sau, tác giả Lê Chiều Giang viết về một kỷ niệm khi về thăm VN năm 2018, tìm gặp các bạn bè thân hữu cũ, và rồi Trần Quang Lộc đưa ra sáng kiến thâu băng để lưu niệm (mời các bạn đọc kỹ, từng chữ, từng dòng nơi đây là thơ):
"Chợt anh nghĩ ra một ý rất ngộ nghĩnh: Anh muốn thâu vài bài ngày xưa tôi hay hát với bạn bè.  Serenade, Sombre Dimanche... Với ý kiến đó, chúng tôi ngồi để “Thâu Lại Ký Ức.” Khi hát, tôi mơ màng thấy lại dòng sông xưa, chiếc thuyền nhỏ vào những đêm trăng sáng. Những đốm thuốc không lụi tàn trong đêm tối, và tiếng hát bạt ngàn của chúng tôi mới thuở nào đây đã mất hút, xa xăm, đã bay đi mất tan theo những mưa những gió của cuộc đời." (tr. 63)
Bài Nghĩ Với Trần Quang Lộc được Lê Chiều Giang viết sau khi Lộc từ trần. Tôi thắc mắc, tại sao không phải nhan đề Nghĩ Về Trần Quang Lộc – có phải “nghĩ với” mang theo không khí chia sẻ? Tôi cũng có cơ duyên nghe nhạc Trần Quang Lộc tại nhà các bạn Khoa và Khôi ở phía sau cư xá Bắc Hải, đặc biệt nhớ cũng là giọng ca của Thanh Hà, một thiếu nữ Đà Nẵng lúc đó chạy vào Sài Gòn; nhiều thập niên sau, tôi có cơ duyên gặp lại khi cô từ Úc châu tới Quận Cam thăm nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Thời xa xưa đó, Trần Quang Lộc cũng là người miền Trung chạy vào Sài Gòn. Những cú hậu chấn 1975 đã làm trôi dạt nhiều mảng đời nghệ sĩ vào Sài Gòn, nơi cuộc đời của họ được dung chứa và là nơi tâm hồn của họ được hồn nhiên thơ mộng hơn.
Cũng có thêm những phận đời trôi dạt khác. Như trong bài Nói Với Ngàn Thông (trang 89-95), kể chuyện họa sĩ Lâm Triết tới tá túc ở nhà Nghiêu Đề -- Lê Chiều Giang, và rồi nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (trong bộ áo tràng nhà sư, mặc thời vương vấn trong chùa) đi xe đạp, ẵm một con chó nhỏ tới thăm. Đó là những hình ảnh kỳ dị trong đời. Lê Chiều Giang kể lại:
"Thời gian đó Lâm Triết tá túc nhà chúng tôi ở cư xá Thanh Đa. Anh gốc người Bình Định, rất thân với Nguyễn Đức Sơn. Cả ba ông mày mày, tau tau mừng rỡ với một giọng phải nói là "la làng" của ông khách lạ. Việc đầu tiên tôi làm là lấy ngay máy sấy tóc hong khô cho chú chó nhỏ đáng thương và tội nghiệp của ông Sư. Nó rúc vào cánh tay tôi trìu mến như một lời cảm ơn ấm áp. Tôi cũng ôm nó trong lòng như một vỗ về đầy thương yêu..." (tr. 90)
Có phải đó là hình ảnh rất mực là thơ, rất là dị thường: Nguyễn Đức Sơn trong bộ áo nhà sư đi một chiếc xe đạp cũ kỹ, ẵm theo một con chó nhỏ ướt nước, tới thăm hai họa sĩ, nói chuyện mày mày tau tau…
 
 Tác phẩm Không Đứng Mãi Trong Tranh cũng có rất nhiều điều khác để nói tới, để suy nghĩ, để nhận ra chất thơ, chất họa... kể cả để biết một số mảng đời một thời của nhiều họa sĩ, nhà văn, nhà thơ trong những năm trước và sau 1975. Những năm đó không phải là thơ dưới mắt sử gia, nhưng trên các trang giấy đã được tác giả Lê Chiều Giang ghi lại bằng cái nhìn từ ái và thơ mộng, trong đó có hình ảnh của họa sĩ Nghiêu Đề, người mà chị yêu thương đã gọi ngày “tiễn đưa anh Nghiêu Đề… trong ngày buồn nhất.” (tr. 142). Và về rất nhiều văn nghệ sĩ khác.
PTH
 
Độc giả có thể liên lạc tác giả Lê Chiều Giang: tranh55@gmail.com
Link mua sách ở Amazon: https://www.amzn.com/1990434193