Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
1
Chiếc ghế đá hầu như rất quen thuộc, dù nó cũng như mọi chiếc ghế khác trong công viên. Tháng Sáu. Bầy ve kêu inh ỏi. Chúng vô tư thật!
Đoan ngồi xuống. Mấy buổi chiều nay, tan học, Đoan ghé khu vườn rộng lớn này, như một người trở về, cảm giác thật khó tả. Chợt nghe trong đầu vẳng lại lời của một bài thơ:
Có ai qua vườn xưa
Bây giờ đã đóng cửa?
Bao nhớ nhung cho vừa
Khi cơn đau òa vỡ
Vườn xưa xanh những lá
Xanh kỷ niệm tuyệt vời
Cửa đóng rồi, xa quá!
Làm sao nhặt lá rơi? (*)
Đoan bùi ngùi. Bây giờ cửa vườn đã mở. Những hàng cây thật cao đứng yên như thuở nào. Nhưng cảnh đời không còn như xưa. Một người trông quen quen đang đi về phía Đoan. Đoan nhận ra là Chân, người
làm cùng sở với chị Thúy, có đến nhà một lần. Đoan gật đầu chào, tưởng anh ấy sẽ đi tiếp. Nhưng anh dừng lại, nói:
“Xin lỗi Đoan, tôi có thể ngồi nói chuyện với Đoan không?”
Đoan hơi ngạc nhiên, nhưng rồi gật đầu, vì phép lịch sự:
“Dạ, anh cứ tự nhiên.”
Đoan xích qua một bên cho rộng chỗ. Chân ngồi xuống, và mở đầu bằng câu hỏi thăm:
“Đoan vẫn đi học?”
“Dạ.”
“Trường lớp có gì lạ không Đoan?”
“Dạ, cũng có nhiều thay đổi, nhưng sau thì cũng quen rồi ạ.”
“Đoan vẫn viết văn?”
Câu hỏi rất bình thường nhưng khiến Đoan giật mình. Đoan im lặng vài giây, rồi đáp:
“Dạ không.”
Chân gật đầu:
“Tôi cũng đoán được.”
“Cám ơn anh.”
Chân hơi hạ thấp giọng:
“Thật ra, tôi là người rất mến mộ các tác phẩm của Đoan.”
“Vậy sao? Đoan chỉ là người viết cho tuổi học trò, không có gì to tát đâu anh.”
“Với tôi thì có. Tôi thật lòng mà nói như vậy. Và tôi hiểu, khi biết Đoan ngừng viết. Đoan không phải là người chỉ viết cho chính mình đọc. Đoan viết bài thì phải đăng bài, phải xuất bản. Tâm tư của Đoan là tâm tư của người đọc.”
“Cám ơn anh đã hiểu.”
“Cho nên… tôi thấy tiếc quá!”
Chân thở dài. Bỗng dưng Đoan lại nói như an ủi Chân:
“Không sao đâu anh! Đã có nhiều thứ mất mát to lớn quá, làm mình không nhớ tới cái mất mát của riêng mình.”
Hai người im lặng một lát. Tiếng ve bỗng rộn lên như một ban nhạc bắt đầu hòa tấu, như thể muốn làm chất xúc tác cho một đề tài mới. Khi Đoan định từ giã thì Chân lên tiếng:
“Đoan à, không phải tình cờ mà tôi gặp Đoan hôm nay. Thật ra là…”
“Sao ạ?”
“Thật ra tôi có hỏi thăm và được chị Thúy cho biết Đoan sẽ ra đây, nên tôi cố tình tìm gặp Đoan.”
Như đã bắt đầu được dễ dàng rồi, Chân nói, giọng đều đều:
“Đoan không biết nhiều về tôi, nhưng tôi thì tìm hiểu Đoan qua chị Thúy, và có thể nói là tôi mến Đoan qua những tác phẩm của Đoan. Tôi thành thật muốn làm bạn với Đoan…”
“Dạ, anh là bạn của chị Thúy thì cũng là bạn của Đoan rồi!”
“Không, tôi muốn… hơn một người bạn bình thường.”
“Đoan chưa hiểu ý của anh…”
“Chân yêu Đoan.”
Đoan chớp mắt, bỗng như nghe thấy một điều xa lạ. Sao mình lại không có cảm xúc nào hết? Câu nói bất ngờ của Chân như một câu hát không có nhạc đệm. Đoan ngồi im như bức tượng…
Gió xào xạc lá cây trên cao, như kéo Đoan về thực tại. Đoan tìm lời để đáp lại vẻ chờ đợi của Chân:
“Dạ… cho Đoan xin lỗi. Có lẽ lúc này Đoan chưa thể tiếp nhận được điều gì. Xin anh đừng buồn. Anh có thể nghĩ là Đoan lạnh lùng cũng được. Nhưng Đoan không thể… Nếu anh yêu Đoan qua văn của Đoan thì e rằng chưa thực tế lắm, và Đoan cũng khó đáp ứng được với tình cảm của anh dành cho Đoan. Xin anh cho Đoan giữ ở mức bạn bè bình thường được không?”
Nét mặt của Chân lộ vẻ thất vọng. Đoan đứng lên, chào từ giã. Đoan không dám nhìn lại Chân. Đoan thấy mình hơi tàn nhẫn. Đoan loay hoay tự hỏi, tại sao lại có một sự tỏ tình giữa lúc này? Còn nữa, đơn giản là mình phải thấy vui khi có người nói mến mộ mình, nhưng tại sao lại không vui? Đoan tự trả lời:
“Vì mình đã buông bút.”
Nắng sắp tắt. Khu vườn tối dần. Những hàng cây vươn những cánh tay dài lên bầu trời. Tạm biệt vườn xưa đầy kỷ niệm của tôi.
2
Đoan kể cho chị Thúy nghe, và thú nhận rằng mình không có cách cư xử nào khéo hơn để Chân không buồn. Phải chăng Chân đã xuất hiện không đúng lúc? Đoan lắc đầu, tự nhủ mình không có lỗi. Trong những ngày tháng hỗn mang này, lòng người còn choáng váng trước những thay đổi và mất mát lớn lao, cảm xúc riêng tư như không có chỗ. Nhưng cũng chính sự xuất hiện của Chân khiến Đoan bừng lên sự
mong mỏi được nhìn thấy Thắng. Thắng không ở trong đoàn người tản cư. Thắng không có mặt trong số những thương binh bị đuổi ra khỏi quân y viện. Thắng không tìm về gặp Đoan. Không có cách nào để liên lạc với Thắng nữa. Thắng như đã biến mất.
Đoan chơi vơi trong cảnh ngộ đổi đời. Hàng ngày vẫn đến trường nhưng không có lớp chuyên môn, chỉ có họp tổ thảo luận chính trị. Bạn bè trong lớp vắng mặt gần một nửa. Những anh chị “tổ trưởng” hùng hồn với những bài thuyết cách mạng.
Rồi thì “phê và tự phê” trong tổ như cơm bữa. Đoan muốn bớt căng thẳng chỉ có cách ra công viên mỗi chiều sau giờ tan học, ngồi ở ghế đá, tìm lại chút cảm giác êm đềm. Nơi này, trước đây, cũng là chỗ Đoan cùng Thắng tìm một chút tĩnh lặng hiếm hoi trong những ngày thành phố bắt đầu chộn rộn với những dòng người di tản từ các nơi về. Cánh tay bị thương của Thắng vẫn còn băng bột, treo ngang
trước ngực. Vì là thương binh nhẹ nên Thắng xin bệnh viện cho ra ngoài mỗi thứ Bảy. Hai anh em, lúc thì chuyện trò không ngơi, lúc lại cùng yên lặng, lắng nghe tiếng lá xào xạc cùng gió. Hai anh em, vâng, chỉ như hai anh em.
Lần cuối Đoan gặp Thắng là ở quân y viện.Cánh tay trái băng bột vẫn treo ngang trước ngực. Thắng đã bị thương biết bao lần. Sau khi vết thương lành, Thắng lại ra mặt trận. Thắng nói không biết mình hên hay xui. Thắng thường nhắc đến những người bạn của mình, có người phải bỏ hẳn một phần thân thể; có người đã chôn sâu trong đất.
Cũng là lần cuối trong bệnh viện, Thắng và Đoan chuyện trò rất lâu nơi hành lang phòng bệnh mát rượi. Khi trở vào, Thắng lấy từ dưới chiếc gối một quyển sổ, bìa hơi dày, giống như những quyển “Lưu bút” của học trò trung học, khoe với Đoan:
“Đây là tập bản thảo những bài anh viết sau mỗi chuyến hành quân.”
Đoan vui mừng:
“Cho Đoan xem được không?”
“Chưa. Bao giờ viết đầy quyển sổ này, anh sẽ cho Đoan xem. Không chừng sẽ nhờ Đoan mang đến nhà xuất bản.”
“Ôi, hay quá! Đoan sẽ tình nguyện đem tới nhà xuất bản. Đoan có được làm người đọc đầu tiên không?”
“Nhất định rồi! Còn ai vào đây?”
Thắng lướt bàn tay lật nhanh những trang giấy, rồi lại cất cuốn sổ xuống dưới chiếc gối. Đoan kịp nhìn thấy, ở trang đầu tiên, tấm ảnh của cô bé mặc áo dài màu vàng, ngồi trên chiếc xe Cady cũng màu vàng.
3
Hai chị em đi họp ở trụ sở phường để nghe chính trị, dành cho thanh niên trong các khu xóm. Mấy chục người đứng trong một khoảng sân rộng, từng là nơi tập trung các sách báo của thời trước để đốt. Hai chị em nhìn nhau, cùng một ý tưởng, nghĩ về những quyển sách mà mình đã cố ý giữ lại. Trong đó, có những quyển sách đã xuất bản của Đoan.
“Cán bộ” đứng trước micro, nói thao thao bất tuyệt về một đề tài không còn mới: giáo dục thanh niên theo chủ nghĩa xã hội. Tiếng loa rè rè nghe khó chịu. Nhìn quanh, thấy không mấy ai lắng nghe. Việc phải làm thì phải làm, cũng y như vào công sở hay trường học đều phải dự những buổi nghe như thế. Những buổi nghe mà khi ra về ai cũng còn duy nhất một điều để nhớ: “Hầu hết mọi người đều có tội.” Quân nhân có tội. Công chức có tội. Thầy giáo, bác sĩ, người bán hàng… cũng có thể có tội. Nói chung, ai sinh ra và, hoặc, sống ở Miền Nam, đều có thể có tội. Nhìn quanh, không biết có mấy ai đồng ý, mấy ai không đồng ý. Đoan chợt thương xót họ, thương xót mình. Con người không thể sống ẩn tàng dưới lòng đất như loài ve mấy năm hay mười mấy năm. Con người vẫn phải sống tiếp, dưới ánh mặt trời, phải đối diện với những cảnh ngộ hàng ngày.
Chân gửi đến Đoan một bức thư theo đường bưu điện. Bên trong, là một tờ giấy “pelure” màu xanh, gấp làm đôi, không có một chữ nào. Đoan cho chị Thúy xem. Chị Thúy thở dài:
“Anh chàng này thành thật lắm đó! Rất tiếc!”
Tờ giấy màu xanh không có chữ viết trên đó, cũng là nói lên nhiều điều. Đoan cảm thấy ái ngại. Nhưng biết làm sao hơn? Thôi thì cứ để thời gian trả lời cho Chân vậy. Cũng như mọi người đang sống, chờ thời gian trả lời câu “Biết ra sao?”
Thế rồi, lại cũng nhờ Chân, nhờ bức thư của Chân, khi Đoan ngồi thừ nhìn phong bì, bỗng liên tưởng đến một địa chỉ. Đúng ra, chỉ là một cái tên đường. Nhiều lần, trong khi trò chuyện, Thắng đã tình cờ nhắc đến tên đường nhà mình, nhưng không nói đến số nhà. Đoan đứng bật dậy. Mình chưa bao giờ biết đến con đường này. Nhưng mình sẽ đi tới đó.
4
Đường Mai Hắc Đế, quận Tám. Đoan theo bản đồ, tìm được rồi! Đạp xe đạp, chạy thong thả, chắc sẽ đến nơi. Dọc theo Bến Bình Đông, nơi tấp nập những người phu khuân vác mang hàng từ dưới thuyền lên các kho trên bờ. Họ đi trên những tấm ván dùng làm cầu, nhún nhảy theo bước chân. Càng đi, cảnh vật càng giống ở thôn quê. Đoan đi qua mấy chiếc cầu gỗ cao ngất, phải dắt xe đi chứ không đạp lên nổi.
Thắng đã có một nơi ẩn dật sau những ngày hành quân.
Đường Mai Hắc Đế không dài. Mình hỏi từng nhà, chắc sẽ tìm ra nhà của Thắng. Nhưng không phải mất công nhiều. Đoan nhìn thấy ở trước một ngôi nhà, một hình ảnh đập vào mắt, khiến Đoan vụt nhớ lại trong một giây. Một chiếc xe lăn! Một người thanh niên ngồi trên chiếc xe lăn! Thắng có lần nói về cô em gái của Thắng lấy chồng thương binh. Đoan nghe tim mình đập nhanh. Chẳng lẽ là đây?
Đúng là nhà của Thắng. Thắng ở cùng cha mẹ và các em của Thắng trong nếp nhà này. Chỉ cần nói mình là bạn của Thắng, Đoan đã nhận được sự vồn vã ân cần của mọi người.
Thắng không có trong nhà. Nhưng Lan, em gái của Thắng, có nét mặt giống hệt anh mình, tiếp chuyện Đoan. Đoan thỉnh thoảng lén nhìn người chồng của Lan, rồi nhìn Lan, với lòng khâm phục. Mới gặp lần đầu nhưng Lan đã tỏ vẻ thân thiết với Đoan ngay. Lan mời Đoan vào phòng, nói:
“Em muốn gửi chị cái này.”
“Gì vậy Lan?”
“Lẽ ra là em giữ cho anh Thắng. Lần về nhà gần đây nhất, tuy chưa được xuất viện vì vết thương chưa lành, nhưng anh Thắng nói anh muốn để những thứ quý báu ở nhà, vì tình hình xem ra không mấy yên ổn. Anh cũng vào lại bệnh viện để được khám vết thương hàng ngày. Rồi thì sau ngày ba mươi, anh không về nữa. Bây giờ thì không còn tin tức gì. Bạn bè của anh cũng chịu thua. Gia đình chỉ còn biết chờ
đợi, mong anh trở về hoặc nhắn tin. Cái mà em muốn giao cho chị, là quyển sổ này, tập bản thảo của anh Thắng.”
Đoan giật mình. Tập bản thảo! Quyển sổ mà Thắng khoe với Đoan lúc ở trong bệnh viện!
“Sao Lan nghĩ là giao lại cho chị? Anh Thắng có dặn không?”
“Anh Thắng không dặn. Anh chỉ nói rằng anh hứa cho Đoan là người đọc đầu tiên. Bây giờ em đã gặp chị rồi, em sẽ giao lại cho chị. Anh Thắng về chắc cũng không rầy em đâu!”
“Cám ơn Lan. Chị sẽ giữ gìn thật kỹ cho anh Thắng.”
Nắng sắp tắt. Đoan phải từ giã gia đình đáng mến này. Lưu luyến nhất là vợ chồng của Lan. Người vợ trẻ đẩy xe lăn cho chồng, tiễn Đoan một đoạn đường. Con đường mới làm quen buổi sáng, trở thành con đường thân yêu vào buổi chiều.
Những chiếc cầu gỗ cao nghệu chuyển mình nghe răng rắc. Bến Bình Đông, trời sắp tối, không còn những người vác gạo từ dưới thuyền lên bờ. Đoan trở về thành phố náo nhiệt.
5
Tập bản thảo! Thắng thường viết trong những lúc xa nhà. Những người lính mang cuộc sống của mình vào văn, thơ, nhạc. Nhưng có mấy ai được biết đến? Có mấy ai được người ta biết đến tác phẩm của mình như Phạm Lê Phan, như Phạm Văn Bình? Đoan đã từng đọc, từng ngâm, từng hát thuộc lòng tác phẩm của họ. Nhưng chưa bao giờ Đoan được đọc tác phẩm của Thắng. Những người lính thực thụ từng viết về những gì họ sống. Chiến tranh đã nhuốm đầy tác phẩm của họ. Người ta nói, đi trận hoài, làm gì có thì giờ để viết văn, làm thơ? Vậy mà họ đã viết. Họ viết rất nhiều. Có người, khi nằm xuống, dưới đáy ba-lô còn nguyên tập bản thảo chưa hề có ai đọc. Đoan đã từng có những tác phẩm được xuất bản, để rồi bị cấm, bị đốt, hoặc được lén lút giữ lại trong các ngăn tủ gia đình, như báu vật. Viết văn, làm thơ, đã như là định mệnh của một số người. Có người được độc giả đón nhận, cảm mến, yêu! Có người mãi mãi không ra mắt được tác phẩm của mình.
Ngồi yên lặng, Đoan mở giỏ xách, lấy ra quyển sổ của Thắng. Trông như những quyển “Lưu bút” của học sinh trung học. Rưng rưng cảm động, Đoan biết nét chữ này quen, những chuyện Thắng viết cũng sẽ rất quen, nhất là những bức thư Thắng viết từ Khánh Dương trong những ngày rút quân, gửi về cho Đoan. Cảm động hơn nữa, mình được là độc giả đầu tiên.
Đoan mở trang đầu. Dòng chữ Thắng viết hoa, to, đậm, như thể là tựa đề cho tác phẩm của mình: “Cám Ơn Người Yêu Dấu.”
Bên dưới dòng chữ ấy là tấm ảnh của Đoan cho Thắng vào mùa hè năm 1972, mặc áo dài màu vàng, ngồi trên chiếc xe Cady cũng màu vàng.
(*): Bài thơ Vườn Xưa- Cam Li (1975)
Tháng 5, 2021
CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
*Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 93, tháng 6/2021
Ghế đá công
viên & Trang sách mở
Chiếc ghế đá hầu như rất quen thuộc, dù nó cũng như mọi chiếc ghế khác trong công viên. Tháng Sáu. Bầy ve kêu inh ỏi. Chúng vô tư thật!
Đoan ngồi xuống. Mấy buổi chiều nay, tan học, Đoan ghé khu vườn rộng lớn này, như một người trở về, cảm giác thật khó tả. Chợt nghe trong đầu vẳng lại lời của một bài thơ:
Có ai qua vườn xưa
Bây giờ đã đóng cửa?
Bao nhớ nhung cho vừa
Khi cơn đau òa vỡ
Vườn xưa xanh những lá
Xanh kỷ niệm tuyệt vời
Cửa đóng rồi, xa quá!
Làm sao nhặt lá rơi? (*)
Đoan bùi ngùi. Bây giờ cửa vườn đã mở. Những hàng cây thật cao đứng yên như thuở nào. Nhưng cảnh đời không còn như xưa. Một người trông quen quen đang đi về phía Đoan. Đoan nhận ra là Chân, người
làm cùng sở với chị Thúy, có đến nhà một lần. Đoan gật đầu chào, tưởng anh ấy sẽ đi tiếp. Nhưng anh dừng lại, nói:
“Xin lỗi Đoan, tôi có thể ngồi nói chuyện với Đoan không?”
Đoan hơi ngạc nhiên, nhưng rồi gật đầu, vì phép lịch sự:
“Dạ, anh cứ tự nhiên.”
Đoan xích qua một bên cho rộng chỗ. Chân ngồi xuống, và mở đầu bằng câu hỏi thăm:
“Đoan vẫn đi học?”
“Dạ.”
“Trường lớp có gì lạ không Đoan?”
“Dạ, cũng có nhiều thay đổi, nhưng sau thì cũng quen rồi ạ.”
“Đoan vẫn viết văn?”
Câu hỏi rất bình thường nhưng khiến Đoan giật mình. Đoan im lặng vài giây, rồi đáp:
“Dạ không.”
Chân gật đầu:
“Tôi cũng đoán được.”
“Cám ơn anh.”
Chân hơi hạ thấp giọng:
“Thật ra, tôi là người rất mến mộ các tác phẩm của Đoan.”
“Vậy sao? Đoan chỉ là người viết cho tuổi học trò, không có gì to tát đâu anh.”
“Với tôi thì có. Tôi thật lòng mà nói như vậy. Và tôi hiểu, khi biết Đoan ngừng viết. Đoan không phải là người chỉ viết cho chính mình đọc. Đoan viết bài thì phải đăng bài, phải xuất bản. Tâm tư của Đoan là tâm tư của người đọc.”
“Cám ơn anh đã hiểu.”
“Cho nên… tôi thấy tiếc quá!”
Chân thở dài. Bỗng dưng Đoan lại nói như an ủi Chân:
“Không sao đâu anh! Đã có nhiều thứ mất mát to lớn quá, làm mình không nhớ tới cái mất mát của riêng mình.”
Hai người im lặng một lát. Tiếng ve bỗng rộn lên như một ban nhạc bắt đầu hòa tấu, như thể muốn làm chất xúc tác cho một đề tài mới. Khi Đoan định từ giã thì Chân lên tiếng:
“Đoan à, không phải tình cờ mà tôi gặp Đoan hôm nay. Thật ra là…”
“Sao ạ?”
“Thật ra tôi có hỏi thăm và được chị Thúy cho biết Đoan sẽ ra đây, nên tôi cố tình tìm gặp Đoan.”
Như đã bắt đầu được dễ dàng rồi, Chân nói, giọng đều đều:
“Đoan không biết nhiều về tôi, nhưng tôi thì tìm hiểu Đoan qua chị Thúy, và có thể nói là tôi mến Đoan qua những tác phẩm của Đoan. Tôi thành thật muốn làm bạn với Đoan…”
“Dạ, anh là bạn của chị Thúy thì cũng là bạn của Đoan rồi!”
“Không, tôi muốn… hơn một người bạn bình thường.”
“Đoan chưa hiểu ý của anh…”
“Chân yêu Đoan.”
Đoan chớp mắt, bỗng như nghe thấy một điều xa lạ. Sao mình lại không có cảm xúc nào hết? Câu nói bất ngờ của Chân như một câu hát không có nhạc đệm. Đoan ngồi im như bức tượng…
Gió xào xạc lá cây trên cao, như kéo Đoan về thực tại. Đoan tìm lời để đáp lại vẻ chờ đợi của Chân:
“Dạ… cho Đoan xin lỗi. Có lẽ lúc này Đoan chưa thể tiếp nhận được điều gì. Xin anh đừng buồn. Anh có thể nghĩ là Đoan lạnh lùng cũng được. Nhưng Đoan không thể… Nếu anh yêu Đoan qua văn của Đoan thì e rằng chưa thực tế lắm, và Đoan cũng khó đáp ứng được với tình cảm của anh dành cho Đoan. Xin anh cho Đoan giữ ở mức bạn bè bình thường được không?”
Nét mặt của Chân lộ vẻ thất vọng. Đoan đứng lên, chào từ giã. Đoan không dám nhìn lại Chân. Đoan thấy mình hơi tàn nhẫn. Đoan loay hoay tự hỏi, tại sao lại có một sự tỏ tình giữa lúc này? Còn nữa, đơn giản là mình phải thấy vui khi có người nói mến mộ mình, nhưng tại sao lại không vui? Đoan tự trả lời:
“Vì mình đã buông bút.”
Nắng sắp tắt. Khu vườn tối dần. Những hàng cây vươn những cánh tay dài lên bầu trời. Tạm biệt vườn xưa đầy kỷ niệm của tôi.
2
Đoan kể cho chị Thúy nghe, và thú nhận rằng mình không có cách cư xử nào khéo hơn để Chân không buồn. Phải chăng Chân đã xuất hiện không đúng lúc? Đoan lắc đầu, tự nhủ mình không có lỗi. Trong những ngày tháng hỗn mang này, lòng người còn choáng váng trước những thay đổi và mất mát lớn lao, cảm xúc riêng tư như không có chỗ. Nhưng cũng chính sự xuất hiện của Chân khiến Đoan bừng lên sự
mong mỏi được nhìn thấy Thắng. Thắng không ở trong đoàn người tản cư. Thắng không có mặt trong số những thương binh bị đuổi ra khỏi quân y viện. Thắng không tìm về gặp Đoan. Không có cách nào để liên lạc với Thắng nữa. Thắng như đã biến mất.
Đoan chơi vơi trong cảnh ngộ đổi đời. Hàng ngày vẫn đến trường nhưng không có lớp chuyên môn, chỉ có họp tổ thảo luận chính trị. Bạn bè trong lớp vắng mặt gần một nửa. Những anh chị “tổ trưởng” hùng hồn với những bài thuyết cách mạng.
Rồi thì “phê và tự phê” trong tổ như cơm bữa. Đoan muốn bớt căng thẳng chỉ có cách ra công viên mỗi chiều sau giờ tan học, ngồi ở ghế đá, tìm lại chút cảm giác êm đềm. Nơi này, trước đây, cũng là chỗ Đoan cùng Thắng tìm một chút tĩnh lặng hiếm hoi trong những ngày thành phố bắt đầu chộn rộn với những dòng người di tản từ các nơi về. Cánh tay bị thương của Thắng vẫn còn băng bột, treo ngang
trước ngực. Vì là thương binh nhẹ nên Thắng xin bệnh viện cho ra ngoài mỗi thứ Bảy. Hai anh em, lúc thì chuyện trò không ngơi, lúc lại cùng yên lặng, lắng nghe tiếng lá xào xạc cùng gió. Hai anh em, vâng, chỉ như hai anh em.
Lần cuối Đoan gặp Thắng là ở quân y viện.Cánh tay trái băng bột vẫn treo ngang trước ngực. Thắng đã bị thương biết bao lần. Sau khi vết thương lành, Thắng lại ra mặt trận. Thắng nói không biết mình hên hay xui. Thắng thường nhắc đến những người bạn của mình, có người phải bỏ hẳn một phần thân thể; có người đã chôn sâu trong đất.
Cũng là lần cuối trong bệnh viện, Thắng và Đoan chuyện trò rất lâu nơi hành lang phòng bệnh mát rượi. Khi trở vào, Thắng lấy từ dưới chiếc gối một quyển sổ, bìa hơi dày, giống như những quyển “Lưu bút” của học trò trung học, khoe với Đoan:
“Đây là tập bản thảo những bài anh viết sau mỗi chuyến hành quân.”
Đoan vui mừng:
“Cho Đoan xem được không?”
“Chưa. Bao giờ viết đầy quyển sổ này, anh sẽ cho Đoan xem. Không chừng sẽ nhờ Đoan mang đến nhà xuất bản.”
“Ôi, hay quá! Đoan sẽ tình nguyện đem tới nhà xuất bản. Đoan có được làm người đọc đầu tiên không?”
“Nhất định rồi! Còn ai vào đây?”
Thắng lướt bàn tay lật nhanh những trang giấy, rồi lại cất cuốn sổ xuống dưới chiếc gối. Đoan kịp nhìn thấy, ở trang đầu tiên, tấm ảnh của cô bé mặc áo dài màu vàng, ngồi trên chiếc xe Cady cũng màu vàng.
3
Hai chị em đi họp ở trụ sở phường để nghe chính trị, dành cho thanh niên trong các khu xóm. Mấy chục người đứng trong một khoảng sân rộng, từng là nơi tập trung các sách báo của thời trước để đốt. Hai chị em nhìn nhau, cùng một ý tưởng, nghĩ về những quyển sách mà mình đã cố ý giữ lại. Trong đó, có những quyển sách đã xuất bản của Đoan.
“Cán bộ” đứng trước micro, nói thao thao bất tuyệt về một đề tài không còn mới: giáo dục thanh niên theo chủ nghĩa xã hội. Tiếng loa rè rè nghe khó chịu. Nhìn quanh, thấy không mấy ai lắng nghe. Việc phải làm thì phải làm, cũng y như vào công sở hay trường học đều phải dự những buổi nghe như thế. Những buổi nghe mà khi ra về ai cũng còn duy nhất một điều để nhớ: “Hầu hết mọi người đều có tội.” Quân nhân có tội. Công chức có tội. Thầy giáo, bác sĩ, người bán hàng… cũng có thể có tội. Nói chung, ai sinh ra và, hoặc, sống ở Miền Nam, đều có thể có tội. Nhìn quanh, không biết có mấy ai đồng ý, mấy ai không đồng ý. Đoan chợt thương xót họ, thương xót mình. Con người không thể sống ẩn tàng dưới lòng đất như loài ve mấy năm hay mười mấy năm. Con người vẫn phải sống tiếp, dưới ánh mặt trời, phải đối diện với những cảnh ngộ hàng ngày.
Chân gửi đến Đoan một bức thư theo đường bưu điện. Bên trong, là một tờ giấy “pelure” màu xanh, gấp làm đôi, không có một chữ nào. Đoan cho chị Thúy xem. Chị Thúy thở dài:
“Anh chàng này thành thật lắm đó! Rất tiếc!”
Tờ giấy màu xanh không có chữ viết trên đó, cũng là nói lên nhiều điều. Đoan cảm thấy ái ngại. Nhưng biết làm sao hơn? Thôi thì cứ để thời gian trả lời cho Chân vậy. Cũng như mọi người đang sống, chờ thời gian trả lời câu “Biết ra sao?”
Thế rồi, lại cũng nhờ Chân, nhờ bức thư của Chân, khi Đoan ngồi thừ nhìn phong bì, bỗng liên tưởng đến một địa chỉ. Đúng ra, chỉ là một cái tên đường. Nhiều lần, trong khi trò chuyện, Thắng đã tình cờ nhắc đến tên đường nhà mình, nhưng không nói đến số nhà. Đoan đứng bật dậy. Mình chưa bao giờ biết đến con đường này. Nhưng mình sẽ đi tới đó.
4
Đường Mai Hắc Đế, quận Tám. Đoan theo bản đồ, tìm được rồi! Đạp xe đạp, chạy thong thả, chắc sẽ đến nơi. Dọc theo Bến Bình Đông, nơi tấp nập những người phu khuân vác mang hàng từ dưới thuyền lên các kho trên bờ. Họ đi trên những tấm ván dùng làm cầu, nhún nhảy theo bước chân. Càng đi, cảnh vật càng giống ở thôn quê. Đoan đi qua mấy chiếc cầu gỗ cao ngất, phải dắt xe đi chứ không đạp lên nổi.
Thắng đã có một nơi ẩn dật sau những ngày hành quân.
Đường Mai Hắc Đế không dài. Mình hỏi từng nhà, chắc sẽ tìm ra nhà của Thắng. Nhưng không phải mất công nhiều. Đoan nhìn thấy ở trước một ngôi nhà, một hình ảnh đập vào mắt, khiến Đoan vụt nhớ lại trong một giây. Một chiếc xe lăn! Một người thanh niên ngồi trên chiếc xe lăn! Thắng có lần nói về cô em gái của Thắng lấy chồng thương binh. Đoan nghe tim mình đập nhanh. Chẳng lẽ là đây?
Đúng là nhà của Thắng. Thắng ở cùng cha mẹ và các em của Thắng trong nếp nhà này. Chỉ cần nói mình là bạn của Thắng, Đoan đã nhận được sự vồn vã ân cần của mọi người.
Thắng không có trong nhà. Nhưng Lan, em gái của Thắng, có nét mặt giống hệt anh mình, tiếp chuyện Đoan. Đoan thỉnh thoảng lén nhìn người chồng của Lan, rồi nhìn Lan, với lòng khâm phục. Mới gặp lần đầu nhưng Lan đã tỏ vẻ thân thiết với Đoan ngay. Lan mời Đoan vào phòng, nói:
“Em muốn gửi chị cái này.”
“Gì vậy Lan?”
“Lẽ ra là em giữ cho anh Thắng. Lần về nhà gần đây nhất, tuy chưa được xuất viện vì vết thương chưa lành, nhưng anh Thắng nói anh muốn để những thứ quý báu ở nhà, vì tình hình xem ra không mấy yên ổn. Anh cũng vào lại bệnh viện để được khám vết thương hàng ngày. Rồi thì sau ngày ba mươi, anh không về nữa. Bây giờ thì không còn tin tức gì. Bạn bè của anh cũng chịu thua. Gia đình chỉ còn biết chờ
đợi, mong anh trở về hoặc nhắn tin. Cái mà em muốn giao cho chị, là quyển sổ này, tập bản thảo của anh Thắng.”
Đoan giật mình. Tập bản thảo! Quyển sổ mà Thắng khoe với Đoan lúc ở trong bệnh viện!
“Sao Lan nghĩ là giao lại cho chị? Anh Thắng có dặn không?”
“Anh Thắng không dặn. Anh chỉ nói rằng anh hứa cho Đoan là người đọc đầu tiên. Bây giờ em đã gặp chị rồi, em sẽ giao lại cho chị. Anh Thắng về chắc cũng không rầy em đâu!”
“Cám ơn Lan. Chị sẽ giữ gìn thật kỹ cho anh Thắng.”
Nắng sắp tắt. Đoan phải từ giã gia đình đáng mến này. Lưu luyến nhất là vợ chồng của Lan. Người vợ trẻ đẩy xe lăn cho chồng, tiễn Đoan một đoạn đường. Con đường mới làm quen buổi sáng, trở thành con đường thân yêu vào buổi chiều.
Những chiếc cầu gỗ cao nghệu chuyển mình nghe răng rắc. Bến Bình Đông, trời sắp tối, không còn những người vác gạo từ dưới thuyền lên bờ. Đoan trở về thành phố náo nhiệt.
5
Tập bản thảo! Thắng thường viết trong những lúc xa nhà. Những người lính mang cuộc sống của mình vào văn, thơ, nhạc. Nhưng có mấy ai được biết đến? Có mấy ai được người ta biết đến tác phẩm của mình như Phạm Lê Phan, như Phạm Văn Bình? Đoan đã từng đọc, từng ngâm, từng hát thuộc lòng tác phẩm của họ. Nhưng chưa bao giờ Đoan được đọc tác phẩm của Thắng. Những người lính thực thụ từng viết về những gì họ sống. Chiến tranh đã nhuốm đầy tác phẩm của họ. Người ta nói, đi trận hoài, làm gì có thì giờ để viết văn, làm thơ? Vậy mà họ đã viết. Họ viết rất nhiều. Có người, khi nằm xuống, dưới đáy ba-lô còn nguyên tập bản thảo chưa hề có ai đọc. Đoan đã từng có những tác phẩm được xuất bản, để rồi bị cấm, bị đốt, hoặc được lén lút giữ lại trong các ngăn tủ gia đình, như báu vật. Viết văn, làm thơ, đã như là định mệnh của một số người. Có người được độc giả đón nhận, cảm mến, yêu! Có người mãi mãi không ra mắt được tác phẩm của mình.
Ngồi yên lặng, Đoan mở giỏ xách, lấy ra quyển sổ của Thắng. Trông như những quyển “Lưu bút” của học sinh trung học. Rưng rưng cảm động, Đoan biết nét chữ này quen, những chuyện Thắng viết cũng sẽ rất quen, nhất là những bức thư Thắng viết từ Khánh Dương trong những ngày rút quân, gửi về cho Đoan. Cảm động hơn nữa, mình được là độc giả đầu tiên.
Đoan mở trang đầu. Dòng chữ Thắng viết hoa, to, đậm, như thể là tựa đề cho tác phẩm của mình: “Cám Ơn Người Yêu Dấu.”
Bên dưới dòng chữ ấy là tấm ảnh của Đoan cho Thắng vào mùa hè năm 1972, mặc áo dài màu vàng, ngồi trên chiếc xe Cady cũng màu vàng.
(*): Bài thơ Vườn Xưa- Cam Li (1975)
Tháng 5, 2021
CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
*Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 93, tháng 6/2021
No comments:
Post a Comment