Ngô
Nguyên Dũng
Tranh Egon Schiele (Herbstsonne)
Quỳnh
liếc nhìn đồng hồ tay, khi vào ngồi trong xe. Chiều nay nàng có hẹn với Nghi
ngoài phố chính. Chỗ hẹn là một quán cà-phê bánh ngọt, hai người thường ghé lại
trong mỗi lần gặp gỡ. Lời đề nghị lần này khởi xuất từ Nghi trong lần điện đàm
vài hôm trước.
Sau
khi trút cạn những buồn vui thường nhật, Nghi thấp giọng nghiêm chỉnh: “Quỳnh
ơi, mình có chuyện này muốn kể cho Quỳnh nghe.”
“Chuyện
vui hay buồn vậy Nghi?” Quỳnh vô tư. “Lúc gặp, mình sẽ nói cho Quỳnh biết.” Nghi
chỉ đáp ngắn gọn bấy nhiêu, giọng thản nhiên, rồi chào Quỳnh và gác máy.
Chỉ
vậy thôi mà Nghi khiến Quỳnh thấp thỏm không yên, và chỉ mong sớm tới ngày gặp
lại bạn. Đã lâu rồi, hai người không có dịp gặp lại nhau, sau hơn một năm mọi
sinh hoạt thương mại trong phố chính phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19, và
cũng từ ngày Nghi và chồng mua được một ngôi nhà ở vùng ngoại ô. Nghi kể, người
chủ rao bán vì lý do sức khỏe, được vợ chồng con gái đưa về ở chung để tiện việc
chăm sóc. Ngôi nhà cũ cần được tu bổ lại khá nhiều. Nghi bảo, cô rất bận rộn vì
chuyện dọn nhà và tân trang chỗ ở mới. Mất thì giờ nhiều nhất là việc cắt tỉa,
bón quén lại mảnh vườn con hoang phế. Chính vì lẽ đó mà vợ chồng Nghi mua được
với giá thấp không ngờ.
Đến
nơi, nàng đeo khẩu trang, mở sắc tay, soi gương, sửa lại mớ tóc che hai quai quấn
vành tai cho gọn gàng, rồi bước ra xe. Còn gần một tiếng mới tới giờ hẹn với
Nghi, Quỳnh dạo một vòng quanh phố, xem xét sinh hoạt thương mại sau thời gian
dài đóng cửa. Trời chiều tháng sáu rắc rải nắng ấm. Chút gió nhẹ phơ phất tàn
cây, lắt lay những bóng lá trên vỉa hè. Nàng đưa mắt quanh quất, chút thèm khát
vu vơ dâng lên đáy tâm tư. Một người đàn ông đi bên cạnh. Những va chạm thân mật.
Một siết tay rắn rỏi. Những mẩu chuyện bâng quơ, vô cùng dịu dàng, như lời lẽ
tâm tình của những đôi tình nhân trong lần hò hẹn thứ nhất.
Không
dưng Quỳnh bâng khuâng, liên tưởng một hình bóng, một tha thiết đã qua trong đời.
Nàng dừng chân, lấy kính mát đeo lên mắt, và mềm lòng nhận ra, nàng vẫn cần
chút bóng mát che chở những nắng mưa của đời sống.
Phố
xá thưa người. Vài cửa tiệm và hàng quán thức ăn vẫn khép kín. Những khuôn mặt
bộ hành dưới lớp khẩu trang y tế đồng dạng, trông như những tượng giấy bìa
trong mùa lễ hóatrang dị thường, thiếu màu sắc và những âm thanh huyên náo.
Nhưng tâm hồn Quỳnh chiều nay, sau những khoảnh khắc giao động và hoang tưởng bất
chợt, vẫn cảm nhận được những rộn rã thầm kín chưa nguôi của cuộc sống. Qua ánh
mắt những người lạ bất ngờ giao nhau trên hè phố. Những tia mắt thoáng ngỡ
ngàng, nhưng dường như biết cảm thông và lặng lẽ đổi trao những tín hiệu chia sẻ.
Quỳnh
dừng chân trước cửa tiệm chưng bày vật cổ ngoạn và chén dĩa cũng như những món đồ
trang hoàng du nhập từ á và phi châu. Nàng do dự giây lát, rồi bước vào.
Chẳng
thấy thêm người khách nào. Người đàn ông, cũng đeo khẩu trang, tóc hoa râm cắt ngắn,
nước da sâm sẫm, dáng vẻ nam âu hay ả rập, cũng có thể là ấn độ, ngồi sau quầy
tính tiền, xoay mặt nhìn nàng một thoáng. Quỳnh có cảm tưởng như đôi mắt ông nhếch
cười, đầu khẽ gật thay cho tiếng chào. Vòm mắt ông đen láy, ăm ắp bí ẩn trung
đông, nằm dưới cặp chân mày tỉa khéo.
Quỳnh
không có ý định mua sắm thứ gì, chỉ vui chân ghé vào, ngắm nghía chờ tới giờ hẹn.
Nhưng không ngờ, lúc nàng bước ngang chỗ chưng bày nhiều tượng gỗ lớn nhỏ, chợt
nhịp tim nàng đập rối, khi nhác thấy một pho tượng quen mắt đứng lẩn giữa những
sư tử, hươu cao cổ,ngựa vằn, ó núi. Tượng Phật đứng, miệng nhoẻn cười với hai mắt nhắm và hai
bàn tay chắp.
Mặt
tượng rạng ngời tia sáng thiền tịnh. Đầu, mình và tay chân tượng đầy góc cạnh,
không tương xứng. Đầu hơi to, vai hơi ngang, bàn tay lớn quá khổ. Nhưng không
hiểu sao, tất cả những nét bất xứng và bất biến ấy hòa hợp cùng nhau, tạo thành
một khối tĩnh vật bảng lảnglinh hồn. Nàng giơ tay chạm hờ thân tượng. Chút hơi lạnh những đêm ngày cô quạnh
trong không gian bề bộn vô hồn lan qua da thịt Quỳnh, lãng đãng cảm xúc. Ngón tay
Quỳnh đắn đo dừng bên nhãn giấy con ghi giá tiền.
“Tượng
được đẽo bằng gỗ thông, thưa cô.”
Quỳnh
giật thót người, quay sang. Người đàn ông đứng cách nàng một khoảng ngắn. Giọng
ông nhỏ nhẹ, nhưng bất ngờ, khiến nàng không khỏi bối rối.
“Của
nước nào vậy ông?”
“Tích
lan, cô à!”
Quỳnh
gật đầu.
“Cũng
là quê hương của tôi”, người đàn ông thêm vào, ánh mắt nhìn Quỳnh, lộ vẻ chờ đợi.
Quỳnh
vẫn ngắm nhìn pho tượng đăm đăm, như bị thôi miên.
“Tôi
để cô tự nhiên lựa chọn nhé! Xin lỗi đã làm phiền cô.”
“Không có chi, ông à! Tôi rất thích pho tượng này và đang lưỡng lự, không biết
có nên mua hay không vì thú thật, ở nhà tôi cũng đã trưng bày quá nhiều tượng
Phật rồi. Nhưng pho tượng này cuốn hút tôi quá!” Quỳnh nói nhanh.
“Từ
hôm được phép mở cửa bán lại tới giờ, cô là người khách thứ bảy.” Giọng người
đàn ông chậm rãi, âm hưởng ngoại ngữ trầm bổng, nghe như tiếng bi ai lạ tai. “Nếu
cô đồng ý, tôi sẽ dành cho cô giá đặc biệt, xem như tích đức.”
“Cám
ơn ông. Ông cho tôi suy nghĩ thêm giây lát, rồi quyết định.”
…
Khi
Quỳnh đến quán cà-phê, đã thấy Nghi đứng chờ bên cửa ra vào. Trông Nghi đẫy đà
hơn trước. Nàng mặc quần xanh da trời, hai ống bó, áo lụa trắng sát nách, cổ áo
hình chữ V, da thịt rám nắng phơi phới. Mái tóc nàng đen mướt tự nhiên, bới cao
khéo léo. Quỳnh và Nghi giơ tay chạm khẽ nhau thay cho vòng ôm thân thiết.
Hai
người chọn bánh tại quầy và ngồi vào bàn hai chỗ bên cửa kính trông ra khoảng
sân vắng người, rực rỡ nắng chiều, trước ngôi giáo đường cổ, cửa đóng im ỉm. Quỳnh
đặt túi ny-lông đựng tượng Phật bọc giấy báo lên một góc bàn. Cô hầu bàn bước lại,
cất tiếng chào. Nghi và Quỳnh gọi một ấm cà-phê cho hai người, và tháo khẩu
trang, cho vào sắc tay.
Hôm
nay, Nghi trang điểm nhẹ. Chỉ phơn phớt chút nền đen lên mi mắt dưới cặp chân
mày tỉa mỏng, kẻ chì nhạt. Đôi hàng mi vuốt cong mướt. Môi tô son bóng. Mặt
không dặm phấn, nõn nà kem dưỡng da.
“Hôm
nay trông Nghi tươi mát như mới về nhà chồng!” Quỳnh mở lời.
”Nói
theo giới trẻ bên nhà bây giờ, tươi không cần tưới”, Nghi cười thành tiếng. “Còn
Quỳnh vẫn như ngày nào, không cần trang điểm, cũng trẻ đẹp. Bạn vừa mua món gì
đó?”
“Một
tượng Phật gỗ, Nghi à! Mình không định mua, nhưng thấy thích quá, phải mua thôi.”
“Như
một cách tu tâm tích đức vậy mà.”
“Trời,
Nghi nói y hệt ông bán hàng khi nãy”, Quỳnh thảng thốt. “Thấy bắt thương, cửa
hiệu vắng hoe.”
Cô
hầu bàn mang bánh và thức uống bày lên bàn và chúc hai người dùng ngon miệng.
“Hôm
nọ Nghi có nói, cần người tâm sự chuyện gì đó?”, Quỳnh vừa hỏi vừa rót cà-phê
ra tách, cho thêm chút sữa.
Nghi
xắn miếng bánh kem, đưa lên miệng, nhai chậm rãi. Một thoáng lặng lẽ. Tiếng người
trò chuyện thầm thì từ những bàn bên cạnh. Nghi nâng tách, hớp ngụm nhỏ, chặm
khăn lên môi, rồi nhìn thẳng vào mắt Quỳnh. Tia mắt rạng rỡ ánh sáng ban mai
báo hiệu một ngày nắng đẹp.
“Mình
cấn thai hơn hai tháng rồi, Quỳnh ạ!”, Nghi cất tiếng, nhẫn nha từng chữ một.
Hai
mắt Quỳnh mở to, nhìn bạn chăm chăm.
“Ô,
Quỳnh chúc mừng vợ chồng Nghi…”, Quỳnh reo khẽ.
“Vợ
chồng Nghi cũng bất ngờ khi biết tin này… Cứ tưởng, sẽ không bao giờ, vì bác sĩ
sản khoa đã cho biết như vậy rồi mà. Tháng trước, Nghi có tới bác sĩ rà máy siêu
âm để xác định lại cho rõ ràng. Ổng báo tin làm mình hết hồn, nghĩ ổng nói
đùa", Nghi kể. "Ổng chúc mừng Nghi và nói, có những chuyện xảy
ra vì những biến đổi tâm sinh lý mà y học không giải thích được, chỉ có thể tóm
tắt bằng hai chữ phép lạ thôi Quỳnh à!”
Quỳnh
tìm tay bạn, nắm lại. Những ngón tay Nghi run khẽ trong lòng tay Quỳnh. Bất
giác, Quỳnh nhớ lại cảm xúc lần nắm tay sau cùng của anh ấy, trước khi hai người
chia tay nhau.
…
Trên
đường về nhà, Quỳnh tạt ngang thăm mẹ, nhân tiện tặng bà bịch tỏi đen mua hôm
trước, sau khi nghe mẹ thuật chuyện, mấy bà bạn của mẹ bảo, ăn tỏi đen tốt cho
sức khỏe hơn tỏi thường, và không để lại mùi tỏi. Tiện thể Quỳnh cũng muốn thuyết
phục mẹ, không biết lần này là lần thứ mấy, về sống chung với nàng, cho nàng khỏi
lo lắng, vì những lúc sau này nàng nhận thấy sức khỏe mẹ đã có phần sa sút.
Quỳnh
cũng cho mẹ xem pho tượng Phật vừa mua khi nãy và kể cho mẹ nghe mẩu chuyện vãn
bên lề với người đàn ông bán hàng gốc Tích Lan.
“Tôi
đã từng nghe nói tới quê hương ông. Họ cho rằng, đảo Tích lan là giọt nước mắt
của Ấn độ”. Quỳnh bắt chuyện trong khi người đàn ông gói dán pho tượng Phật tại
quầy trả tiền.
Ông
ngước mặt nhìn Quỳnh một đỗi lâu, không chớp mắt. “Người Tích lan chúng tôi
sang đây tỵ nạn là dân thiểu số Tamile theo Ấn độ giáo vì cuộc nội chiến dằng
dai với người Singhalesen theo Phật giáo. Nhưng, nguyên nhân không phải vì bất
đồng tôn giáo, mà vì tàn tích chính trị bất công còn sót lại từ chủ nghĩa thực
dân của vương quốc Anh … Mà thưa cô, tại sao chúng ta không kể cho nhau nghe những
chuyện lạc quan hơn trong một ngày nắng đẹp như thế này?”
“Và
không còn bị giới hạn tiếp xúc vì dịch bệnh?”, Quỳnh thêm vào.” Cũng như cơ
duyên đưa đẩy tôi tới đây, mua được pho tượng Phật tuyệt đẹp này và trò chuyện
cùng ông.” “Thật vậy,” nét mặt người đàn ông rạng rỡ. “Nếu không phải là cơ
duyên, thì là gì?”
“Tôi
cảm ơn nhã ý của ông, khi đề nghị sẽ dành cho tôi giá đặc biệt. Nhưng tôi không
dám nhận, vì biết hoàn cảnh vô cùng khó khăn hiện nay của các cơ sở kinh doanh.
Tôi xin trả cho ông đúng giá ghi trên nhãn.
“Cảm
ơn cô”, ông nhỏ giọng và nhanh tay lấy một hộp giấy con in hoa văn li ti bỏ
thêm vào túi ny-lông đựng tượng Phật cho Quỳnh. “Xin tặng cô món quà nhỏ, để mỗi
khi cô dùng nó, cô sẽ nhớ lại buổi hạnh ngộ này”.
…
“Con
cho má ở lại cùng ba của con thêm một khoảng thời gian nữa. Qua lần giỗ này, má
sẽ về sống chung với con cho đến ngày cuối đời”, mẹ trả lời câu hỏi của Quỳnh với
cặp mắt hoen ướt.
Quỳnh
cất tiếng “dạ” khẽ và cầm tay mẹ, áp lên má. Tia mắt nàng thoáng nhìn ra khung
cửa sổ, an tâm phần nào khi thấy mặt kính được lau chùi bóng loáng và trên bệ cửa,
mấy chậu lan vẫn được mẹ chăm sóc chu đáo, trổ hoa rực rỡ.
Nàng
ở lại nấu và ăn cùng mẹ bữa cơm tối đạm bạc có tàu hũ chiên chấm tương chao,
cà-rốt xào bắp cải và canh cà chua tàu hũ non. Trong khi ăn, mẹ hỏi han Quỳnh về
vài chuyện riêng tư. Về chàng. Về những dự tính đôi lứa của nàng trong tương
lai. Về bạn bè và đồng nghiệp… Quỳnh đáp cho mẹ an lòng, thỉnh thoảng con và
anh ấy vẫn liên lạc với nhau qua tin mạng xã hội, còn những chuyện khác vẫn
không có gì thay đổi, mẹ à!
Quỳnh
chào mẹ, trở về nhà sau khi đã giúp mẹ dọn dẹp bàn ăn và rửa chén dĩa. Ngôi nhà
nhỏ nàng mua trả góp có ba phòng, trước và sau có mảnh vườn con cho nàng trồng
cây cảnh và rau trái nhiệt đới vào mùa hè. Đêm ngoài phố chính yên tĩnh gần như
tuyệt đối. Quỳnh có cảm tưởng, như thể nghe được cả tiếng gạch lót lối đi lên
tiếng theo mỗi bước chân. Đêm nay, nghe dường như âm thanh gạch đá cựa mình sau
giấc ngủ quên. Chúng chờ nàng và chỉ có thể an giấc sau khi cảm nhận tiếng chân
quen thuộc của nàng trở lại.
Quỳnh
thay quần áo mặc trong nhà, lấy món quà của người đàn ông Tích lan tặng trưa
nay, mở ra xem. Những hạt hương liệu của nhựa cây mộc dược tỏa thơm thoảng.
Nàng tìm lò hương con bằng đá hoa cương, bỏ vào vài hạt, nhen lửa, mang ra đặt
trên mặt bàn con ngoài hiên nhà, thắp thêm một ngọn nến. Trời đêm se se hơi lạnh.
Trở
vào, Quỳnh khoác thêm áo ấm và rót nửa ly vang đỏ. Nàng lắp một dĩa nhạc quen
thuộc cũ vào máy, bấm nút và điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe. Nàng mở rộng cửa,
bước ra và ngồi xuống bậc thềm dẫn ra vườn sau. Bấy giờ, mái hiên đêm đã sực nức
hương nhựa mộc dược. Giai điệu mùa hạnh phúc thuở nào từ phòng khách vang vẳng.
Nỗi niềm nhấp nhô như sóng trong bóng tối. Neil Diamond. Moods. Quỳnh nâng ly
rượu bằng hai tay, đưa lên môi, nhắp ngụm nhỏ. Tâm tư nàng thoáng chốc mở ra
cõi trời mây thênh thang. Lát sau, chợt nghe tiếng động khẽ từ hàng rào. Nàng
quay mặt tìm kiếm. Con mèo nhà hàng xóm vừa lách qua, chậm rãi bước lại, kêu tiếng
khe khẽ như thăm hỏi, rồi uốn lưng cạ vào chân nàng, gạ gẫm.
Nàng
đặt ly rượu xuống sàn gỗ, giơ tay ve vuốt ngấn cổ con thú. Nó oằn người, phát
tiếng ư ử theo cơn khoái cảm.
Vừa
lúc ấy, máy ipad trong phòng khách vang tiếng, báo có tin nhắn. Quỳnh bước vào,
mở máy, bấm mật mã. Trong bóng tối, chấm xanh hiện lên, lập lòe bên cạnh tên và
tấm ảnh đại diện của chàng.
“I’ve
been lonely in need of someone
As
I’ve done someone wrong somewhere
But
I don’t know where, I don’t know where … (*)
“Em
hẳn chưa quên ca khúc này, em vẫn mở nghe thuở trước mỗi lần chúng ta gần gũi
nhau. Tối nay, nhớ em quay quắt, anh mở máy, nghe lại bài hát kỷ niệm của chúng
mình… Cho anh gặp lại em đêm nay!” Quỳnh
bất động vài giây. Như hóa tượng. Như tắt thở trong khoảnh khắc, trong không
gian của lặng lẽ đêm. Pho tượng Phật vẫn còn đấy, trên mặt bàn nhen nhúm ánh
sáng hiên ngoài.
Bất
chợt, Quỳnh có cảm tưởng như tượng gỗ lóe sáng. Chỉ vài giây.
Nàng
đọc lại tin nhắn của chàng lần nữa. Rồi, thêm vài lần nữa, như bới tìm những
tín hiệu của tình cảm ẩn náu giữa những dòng chữ. Giữa tường vách quạnh vắng,
nàng chỉ bắt được tiếng thở dài vụn vỡ của bóng đêm.
Quỳnh
trỏ tay, bấm lên dòng nhắn tin của chàng. Chữ delete hiện ra. Đỏ rực. Ngón tay
nàng
ấn
xuống. Nàng nghe mình thở hắt. Dứt khoát, như thể của ai khác.
NND
(06.2021)
(*)”Play
me”. Neil Diamond.
No comments:
Post a Comment