Saturday, July 31, 2021

LÊ TRỌNG NGUYỄN. MÂY CHE KHUẤT MỘT NIỀM ĐAU

Huyền Chiêu
 
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn
 
Chờ qua năm tháng rũ áo trần gian
       (Sao Đêm- Lê Trọng Nguyễn)
 
 
Lê Trọng Nguyễn sáng tác không nhiều nhưng ca khúc của ông  luôn gây ấn tượng. Nhạc Lê Trọng Nguyễn lạ,  có khi mang niềm yêu dấu rất nhẹ nhàng có khi lại chất chứa một nổi đau nặng nề…khó hiểu.
Nắng Chiều là bài hát thuộc xóm nhẹ nhàng.
Ai mà không nhớ mãi  thuở thanh xuân , thuở mà nguời  ta  cảm thấy “tim tái tê”  theo Lê Trọng Nguyễn khi một  dáng em gầy gầy bây giờ “biết đâu mà tìm”
Chuyện tình trong Nắng Chiều cứ vương vấn mãi trong lòng người 20 cho đến bây giờ đã 80 vì đó là một chuyện tình “phổ biến”. Một chuyện tình có  “xót xa dưới tre lá ngà”. Ôi làm sao quên được những buổi chiều  “mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi” có em “dịu dàng nhìn anh em nói mến anh”
Lạ  sao, cũng là Lê Trọng Nguyễn, cũng là môt “bến nước xưa” nhưng  “Bến Giang Đầu”  lại mang một nỗi đau vô cùng khúc mắc.
 
“Bước  nặng nề qua thềm nhà vắng vương xác hoa
Khi nắng chiều nghiêng, ghé bên vai, ướp vào má”
 
Không gian thì hoang vắng  tiêu điều, không khí thì rờn rợn  một nổi buồn liêu trai..
 
“Lách cỏ vườn xưa, tìm lại chốn ta vẫn đùa”
“ngắt hoa anh cười, nhưng em trách rồi lệ ứa”
 
  “Bước” “Lách”, Ngắt, “trách” “lệ ứa”.…
Bến Giang Đầu  là một bài thơ lạ nằm ở vần trắc.
Có khi nào các bạn nghe “Cát Biển” của Lê Trọng Nguyễn?
Khi nàng tiên cà 15 tuổi lần đầu được phép lên khỏi mặt nước để ngắm nhìn thế giới loài người, nàng đã choáng ngợp khi  nhìn thấy một sinh vật đẹp đến nỗi trái tim nàng như bị ai bóp nghẻn. Nàng đã nhìn thấy  một vị hoàng tử đang dứng trên du thuyền ngắm nhìn mặt biển. Từ đó nàng đã hy sinh cả sinh mạng, hy sinh cả tiếng nói, giọng hát chỉ mong có được đôi chân để có thể một lần đi dạo cùng hoàng tử trên bờ biển vắng.
 
“Rồi một chiều vàng bóng
Nàng là áng mây ngàn
Chẳng hẹn mà cùng đến
Bên bờ cát hoang”
 
  “Cát biển” lời  giản dị nhưng đẹp:
 
“Thành xưa xây đáp đổ một nụ cười
Bàn chân trên cát thủy triều dập vùi”
 
Người đã vẽ được một bức tranh nhẹ nhàng, thơ  mộng như trong “Cát biển” không hiểu sao có lúc lại tuôn ra được những lời lẻ  đau  xé da,  xé thịt như trong “Sao Đêm”.
 
“Còn gì nữa? Bầu trời rạn nứt rồi
Mà ôi tâm tư đen tối chơi vơi
Đâm nát phím ngà người yêu tàn phá
Chờ qua năm tháng rủ áo trần gian”
………………………………….
“Còn gì nữa, tuổi vàng qua mất rồi
Mà ôi thương đau theo mãi không thôi
Thân xác héo mòn đời ta lạnh trống
Đôi mắt tiên nâu chờ ta giửa trời sao”
 
 Lê Trọng Nguyễn, với tôi luôn là một tâm hồn bí ẩn.
 
“Có phải vì anh bềnh bồng mãi trong gió sương
Trong lúc đời em dưới hiên tranh, khói lạc hướng?”
.
Giờ này ông đã “rũ áo trần gian” mong sao ông  đã trở thành một ngôi sao bình yên.
 
HUYỀN CHIÊU,
Bản sửa lại 24 tháng 7 2021

 

  

Wednesday, July 28, 2021

TIẾNG MÙA ĐI

Nguyễn Thị Khánh Minh
 
Chiều bên sông. Tranh Đinh Cường
 
Có thể là buổi chiều. Ngày đang nhả những tơ nắng cuối. Em ngồi bên anh. Mùa Xuân khoác trên vai năm tháng một phút giây rất đỗi nhẹ nhàng. Tiếng cười reo lá trên cây. Em chợt thấy bóng của giấc mơ em chưa từng biết đến…
 
Thổi hết vào tôi gió đầy tiễn biệt. Mùa hè bật tiếng sập khô. Ai đi qua khung cửa sổ mất ngủ chong hoài mắt ngó. Mùa hè sắp qua. Gió thầm bảo thế. Khua bóng đêm rơi xuống. Rơi rơi. Đọng tôi giọt đen sầu muộn sớm mai. Ngày xa chưa mà tiếng nắng mơ mơ vọng lại.
 
Có thể là buổi chiều. Hút mắt lá khô bay. Mùa thu chảy dài thương khó. Em ngồi bên anh. Lời anh nói xa gần sương phủ, làm thế nào anh nhận ra em? Ôi vách kính thời gian hư ảo.
 
Có thể là buổi chiều. Thăm thẳm khí lạnh. Em ngồi bên anh. Con mắt mùa đông buồn bay trên phố. Chấm xanh chấm đỏ nghìn mảnh túa con đường. Em ngồi bên anh. Định mệnh của giấc mơ không thành sự thật.
 
Có phải trong lãng quên vẫn gần xa đâu đó những tháng năm. Bên triền nhớ rêu mọc xanh và nhánh đợi vẫn lên mầm. Thăm thẳm tiếng thời gian lóc cóc chiếc xe ngựa thồ những giấc chiêm bao. Không người nhận…
NTKM
 

Monday, July 26, 2021

CÙNG ĐƯỜNG

Huyền Chiêu
 
Minh họa của tác giả
 
Sài Gòn, miền đất hứa của dân nghèo miền trung đã thất thủ. Sài Gòn trước đây dầu sao cũng là nơi đất lành chim đậu. Hơn 10 triệu dân sinh sống trên thành phố ấy có đến gần một nửa là dân ngụ cư. Họ từ miền Tây sông nước lên bán hủ tíu, dừa lạnh, chạy xe ôm, bán trái cây, bán…bar. Họ từ Quảng Ngãi Quảng Nam vào bán mì gõ, cơm gà, bán vé số. lượm ve chai. Khổ nhưng vẫn kiếm được cơm, còn dễ sống hơn ở quê nhà.
Nhưng nhiều nhất là họ làm công nhân ở các khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, Biên Hòa…Người ta thường tự hỏi sao người Nhật, Người Nam Hàn, người Đài Loan đến Việt Nam toàn làm chủ công ty, chủ nhà máy? còn sao người Việt mình sang nước họ toàn làm cu li? Người dân nghèo không nghĩ xa như thế. Họ chỉ cần có việc làm tạm sống qua ngày. Và hàng triệu người đã bỏ xứ đến với Sài Gòn và Sài gòn đã nuôi họ, đã trở thành quê hương thứ hai của những người dân Việt cùng đường.
 
Thật bất ngờ, thật đau đớn, thật tuyệt vọng khi Sài Gòn, đất mẹ thứ hai của những người khốn khổ bng lâm trọng bệnh và đang hấp hối vì dịch Covid. khi đường phố không còn tấp nập người ăn nhậu, chợ búa đóng cửa, không còn rác rến thì chẳng còn thùng giấy, lon nhôm, bao nhựa để lượm, Khi vé sô nghỉ phát hành, hàng ngàn người khuyết tật, trẻ mồ côi ngơ ngác.
Khi quán cà phê, quán phở đóng cửa, Sài gòn ngẩn ngơ như kẻ thất tình. Không thể tưởng tượng nỗi , có ngày một thành phố nhộn nhịp, náo động như Sài Gòn bổng trở nên hoang lạnh như một thành phố ma.
Quá bất ngờ khi các nhà máy công ty lần lượt đóng cửa. Ban đầu những công nhân bị cho nghỉ việc nấn ná chờ xem hết dịch thì trở lại với công việc. nhưng gần ba tháng rồi mà dịch ngày càng nặng. Tiền dành dụm đã cạn, cùng đường, họ phải nghĩ đền việc trở về quê.
Hai tuần nay hình ảnh người dân rời Sài gòn về miền trung thật bi thương. Ban đầu là những đoàn người đi bộ. vai nặng ba lô, tay dắt con trẻ, họ cứ lê lết trên đường, dầu không biết chừng nào mới về được đến quê nhà cách xa hàng trăm cây số. Có người khá hơn đi xe đạp. xe máy. Rồi có tin chính quyền các tỉnh thuê máy bay, thuê cả đoàn tàu lửa để chở hàng ngàn người dân về quê. . Thật là một cuộc trở về chưa từng có.
Hai ngày nay, trên mạng xuất hiện hình ảnh kỳ vỹ của hàng ngàn chiếc xe máy được xe chuyên dụng của Công An Giao Thông hú còi dẩn đường cho người dân Đắc Nông, Daklak, trở về nơi mà họ đã phải bỏ đi tha phương cầu thực.
Thật là buồn. Những con người đã phải làm lụng vất vả để gửi tiền về quê nuôi cha mẹ, vợ con, nay họ phải trở về với hai bàn tay trắng, tương lai chết đói cả nhà là không xa.
 
Chừng nào mới hết dịch? Không có câu trả lời.
“Tiếng nước tôi, bốn nghìn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi. Nước ơi!” (PD)
Xưa, “nước ơi” là tiếng gọi đầy yêu thương
Nay “ nước ơi” bổng trở thành tiếng kêu bi thiết.
Ninh Hòa 26 tháng 7 2021.
HUYỀN CHIÊU 

SÀI GÒN GIỚI NGHIÊM

Nguyễn Quang Chơn
 
Đêm Sài Gòn bây giờ
 
“…Giờ này thương xá sắp đóng cửa
Người lao công quét dọn hành lang
Những tủ kính tối om
Giờ này thành phố chợt bùng lên
Để rồi tắt nghỉ sớm
(Sài Gòn nới rộng giờ giới nghiêm
Sài Gòn không còn buổi tối nữa)
Giờ này có thể trời đang nắng
Em rời thư viện đi rong chơi
Dưới đôi vòm cây ủ yên tĩnh
Viền dòng trời ngọc thạch len trôi…”
 
Đoạn thơ trích trên trong bài “Chiều trên phá Tam Giang” của nhà thơ Tô Thuỳ Yên viết trên một chuyến “khảo sát chiến trường Trị Thiên” năm 1972 bằng máy bay trực thăng của một nhóm văn nghệ sĩ miền Nam khi qua vùng Phá Tam Giang Huế. Đây là một bài thơ dài, mấy khổ đầu theo thể hành, Trần Thiện Thanh đã lấy một đoạn giữa để phổ thành bài nhạc nổi tiếng trùng tên…
 
Đoạn thơ trên có lẽ là đoạn thơ hay nhất nhắc đến SG giới nghiêm trong giai đoạn chiến tranh. Cô nữ sinh rời thư viện rong chơi một chút bên vỉa hè dưới bóng cây xanh, rồi trở về nhà trước giờ giới nghiêm, nghĩ về người yêu là lính giữa trời xa, băn khoăn nghĩ về một điều không dám nghĩ (tử trận)... Một chút lãng mạn nhỏ giữa thủ đô đang trực chiến !….
 
Ngày ấy, 1972, và 49 năm sau, hôm nay, 26.7.2021, Sài Gòn lại giới nghiêm 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, tất cả người dân không được ra đường trừ những việc cấp thiết như vào bệnh viện hoặc các nhân viên công vụ!…
 
Sài Gòn lại bị chiến tranh ư? Thưa vâng, SG lại bị chiến tranh, nhưng chiến tranh không tiếng súng, không có hành quân, không bom nổ. Sài gòn đánh với ai? Sài Gòn đánh với…khoảng không, đánh với…Sài Gòn, khi kẻ thù ẩn trong cơ thể từng người dân, không biết đâu là “dương”, đâu là “âm”, cứ như ma quỷ và nhân gian lẫn lộn!
 
Con virus vũ hán corona tàu cọng thâm hiểm lại tấn công đất nước ta với Sài Gòn đại diện, đang là mặt trận sinh tử. Chính phủ bất ngờ, bối rối. Người dân gắng gượng để thích nghi. Những phương án truy vết, ngăn chận sự lây lan. Những kế hoạch mua, xin vaccine. Những cuộc thảo luận mục tiêu. Phó thủ tướng phụ trách phải thường trực SG…
Số ca nhiễm vẫn cứ tăng. Người dân bức bách vẫn phải ra đường. Những người tha phương lỡ vận, không việc làm, không nơi nương náu, tuôn chạy về quê. Người may mắn được quê hương giải cứu bằng máy bay, bằng xe buýt, kẻ phận bạc phải tự dùng phương tiện xe máy cá nhân. Từng đoàn. Từng đoàn như chạy giặc, vất vả vất vưởng bên đường trông rất thảm thương!...
 
Hôm nay ngày đầu tiên Sài Gòn giới nghiêm trong trận chiến đặc biệt của thế kỷ 21. Kể từ 18 giờ nay, đường SG đã vắng sẽ càng thêm vắng. Hàng quán, nhà cửa đã đóng nay càng thêm chặt. Hoang mang trong lòng người dân cứ thêm nữa hoang mang…
 
Kẻ nào gây ra cuộc thử nghiệm chiến tranh vi trùng này rồi sẽ được nhân loại chứng minh làm rõ trắng đen. Chúng sẽ phải trả giá. Cái giá tội ác “huỷ hoại loài người”!...
 
Tôi yêu Sài Gòn có lẽ nhờ vóc dáng kiêu bạc của nó. Tính dấn thân, tiên phong của nó. Lòng độ lượng, nhân hoà, tương thân của nó….
Hay SG là nơi đã lưu giữ cả một thời tuổi trẻ hồn nhiên (và vàng son) của tôi, có tiếng cười thuỷ tinh, có tâm hồn mơ mộng, có những sợi khói thuốc dằn vặt nỗi nhân sinh, cái sống và cái chết, trước chiến tranh?
Hay, nơi đó đang có cuộc sống của con tôi, của những người thân yêu trong gia đình tôi. Hay, nơi ấy là một phần tổ quốc yêu thương đã nâng tôi thành người để tự dằn vặt thế nào là chiến tranh, thế nào là nhân bản, thế nào là những chủ nghĩa ẩm máu, là tiếng gọi vong thân, những tiếng kêu tuyệt vọng, những cánh rừng hoang nát điêu tàn!..
 
Sài gòn giới nghiêm và lòng tôi bối rối. “Giờ này thương xá sắp đóng cửa, người lao công quét dọn hành lang…”, tôi dõi hồn tôi trong đó, nơi có ngày tháng hoang vu bè bạn, có bữa cơm chiều của con tôi quạnh quẽ, có những đồng nghiệp tôi đang bó gối trước ly cà phê pha vội, nhớ nhà!...
 
NGUYỄN QUANG CHƠN
26.7.21, ngày SG giới nghiêm đầu tiên 

Sunday, July 25, 2021

QUÊ NHÀ

Lê Chiều Giang

 
Cũng chẳng phải
Sống nơi rất xa xôi, mà
Ta không thương yêu” Đất Mẹ”
Nhưng,
nét đẹp
Không nằm bên xấu xí
Thanh bình.
Chẳng sống với điêu linh
 
Sáng nay ta về
Chân mát trên cỏ xanh, dù
Nắng không vàng
Trăng không sáng
Đêm mịt mù, đêm.
Vẫn tối tăm
 
Ta hét.
Ta la.
Ta thở dốc.
 
Ta một mình
Cười cợt
với
Quê hương.
 
LÊ CHIỀU GIANG

MIẾNG ĂN

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
 
 
1
Sáu giờ sáng. Vừa mới thức dậy, My xem liền tin nhắn của gia đình trong cell phone. Mấy chị em vẫn thường dùng cách “text” để trò chuyện với nhau. Bên này là sáng sớm, bên Việt Nam mọi người đã ăn xong cơm tối.
Em gái út nhắn:
“Hôm nay chùa cho mấy ổ bánh mì, để trước nhà, mình ra lấy.”
My trả lời:
“Vậy sao? Tốt quá! Bữa trước em nói thèm bánh mì nhưng không đi mua được. Nay thì ước gì được nấy rồi nhé!”
“Mấy bữa chùa cho gạo, em không lấy, để nhường cho người nghèo hơn. Chùa bảo cứ lấy đi, chùa cho đồng đều hết. Hôm nay gặp bánh mì nên em lấy. Chùa còn bỏ tiền ra để đi thu mua rau ở các nhà vườn, về phát cho người dân quanh đây. Nhà mình hay đi cúng chùa, nên chùa cho lại như phát lộc. Mình lại đóng góp tiếp cho chùa.”
“Tình hình bên đó sao rồi, em?”
“Chị ơi, hôm nay khu vực gần nhà mình bị phong tỏa. Sắp tới chắc lại khó khan thêm. Lo nhất là mua không được hàng, nhất là thức ăn.”
Hai chị em kể hết chuyện nọ đến chuyện kia cho bớt căng thẳng. Kể cho đến khi em gái chào để đi ngủ.
Đến đêm ở bên này, My lại trằn trọc khi nghĩ đến miếng ăn. My vẫn luôn nhớ câu Má hay nói:
“Miếng ăn là miếng tồi tàn,
Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu.”
Hồi nhỏ nghe câu ca dao này cảm thấy tức cười, nhưng nghe Má giải thích My thấy thấm thía vô cùng. Chắc cũng không mấy ai mất ăn mà tức giận dữ dội lắm đâu! Nhưng nói miếng ăn quý giá thì chắc đúng. Đặc biệt là trong những ngày thiếu thốn, xếp hàng cả ngày để mua gạo. Mà nếu không mua được thì người ta buồn lắm. Nhưng rồi có được trăm phần trăm gạo đâu! Còn có thứ độn nữa, không khoai lang hay khoai mì xắt lát phơi khô, thì bo bo, và cả bột mì. Miếng ăn lúc đó không còn là miếng tồi tàn, mà quý lắm. Cái thời phải chuyển đổi từ mua bán tự do sang cách mua hàng phân phối, cũng khó khăn lắm để thích nghi. Đôi khi con người còn có tâm trạng buồn chán, tự hỏi tại sao mình lại phải chạy theo miếng ăn
hàng ngày như vậy. Ba của My, ông công chức quanh năm quen công việc văn phòng, từ chối mãi không chịu mang những thực phẩm được “phân phối” về nhà.
Ông nói ông không quen! Cuối cùng ông cũng chịu thua, vì không nỡ để gia đình thiếu ăn.
 
Đó là câu chuyện của thời cách nay mấy mươi năm. Sau này, khi cuộc sống tương đối thong thả hơn, đã xuất hiện những cảnh ở thành thị nhiều người ăn uống thừa mứa, thậm chí phung phí thức ăn. Nhưng người dân nghèo, người ở miền quê, người ở miền núi thì vẫn không đủ ăn, vẫn phải vất vả kiếm sống. Cái ăn hang ngày luôn là một nỗi nhức đầu…
Rồi trong giấc ngủ chập chờn, My mơ thấy mình đang trở về những ngày tháng sau cuộc “đổi đời” cách nay mấy mươi năm. My thấy bà ngoại mỗi ngày ngồi lượm gạo, nhặt những hột sạn gom lại một đống, nhìn mà rùng mình. Chưa hết, những con sâu gạo cũng đông đảo không kém! Bà ngoại nói lượm gạo riết thành “cái nghề” cho bà, một cái nghề không lương, cũng vui! My mơ thấy Má đem bo bo đi xay cho vỡ ra, nấu dễ mềm, và đỡ làm đau bao tử. Bo bo có cái tên mỹ miều là “cao lương” nhưng ai cũng sợ, không muốn ăn. My mơ thấy mấy chị em lựa những lát khoai lang, khoai mì bị mốc đem bỏ. Mà đa số là đã mốc! My mơ thấy hôm nào mua được bột mì để ăn độn là coi như hôm đó trúng số. Mấy chị em xúm lại tập làm bánh mì, làm mì sợi, làm nui. Những ngày đến trường, đem một “lon gô” cơm hay nui, mì, bo bo, ăn với muối ớt, là xong, cho cái bụng được vững để vào giảng đường, vào phòng thực tập.
 
Đó là cảnh “đổi đời” của người dân. Còn cảnh “đổi đời” của những người bị giam trong những nơi gọi là “trại cải tạo” nữa, giấy bút nào tả cho hết! Lúc cái đói trở nên khủng khiếp, người tù tìm bất cứ thứ gì để ăn cho no bụng, bất kể đó là rắn rết, chuột bọ hay côn trùng. Chỉ với một ước muốn: sống còn để trở về với người thân!
 
2
Sài Gòn đang trong một mùa hè nóng bỏng. Không phải chỉ vì thời tiết, mà như đang ở trong một cuộc chiến. Sài Gòn giới nghiêm! Nói theo từ ngữ thời đại là phong tỏa. Sẽ có dây giăng, rào chắn để không ai ra vào khu vực cách ly. Người có xét nghiệm dương tính với Covid sẽ phải vào khu cách ly. Dịch bệnh mang lại sự sợ hãi đã đành, cái ăn cũng là một nỗi âu lo. Chợ búa đóng cửa, xe cộ nằm ụ nên
không chuyên chở được hàng. Người dân dù có tiền cũng không mua được thức ăn.
Hôm nay em gái út nhắn tin, kể: “Nhà kia có một vạt rau muống thật tốt. Họ để tấm bảng chữ in rõ ràng: Điểm tặng rau miễn phí. Ai cần đến lấy. Thêm một tấm bảng to, ghi chữ viết tay: Rau muống giải cứu. Ai mua thì bán, 5 ngàn một bó. Ai xin thì cho. Tự bỏ bọc, xin đừng bới móc.”
“Nghe dễ thương quá, em à!”
“Dạ, bây giờ nhiều nơi làm như vậy đó chị! Quyên được nhiều tiền như nhà chùa, nhà thờ, thì mua gạo, mì gói, hàng hóa thiết yếu đem tặng bà con. Người trồng được rau quả thì nửa bán nửa cho, như nhà trồng rau muống kia vậy. Không có xe chuyên chở, chẳng lẽ đem đổ bỏ, mang tội.”
“Hơn thế nữa, em à! Đó là sự tử tế, là lòng thương người, là sự đùm bọc.”
“Đúng vậy. Chị biết không, nhiều người mang thực phẩm đến tặng cho những người ở trong khu cách ly đang rất thiếu thốn, rất tội.”
“Em gái có nhớ năm ngoái nước Mỹ thê thảm thế nào? Ai nghe nói cũng xót xa cho nước Mỹ. Số người nhiễm Covid và số người chết hàng ngày thật không thể tưởng tượng được. Nay nước Mỹ tương đối yên ổn rồi vì đã có vaccine. Nhưng cả thế giới sẽ không thể yên ổn nếu vẫn còn dịch bệnh.”
 
“Nay đến lượt Việt Nam!”
Có một khoảng lặng, hai chị em không viết gì. Rồi cùng một lượt, hai câu giống nhau:
“Má có buồn vì con cháu không thể tụ họp ở nhà Má không?”
“Má buồn, hơi trách móc, nhưng đành chịu, phải giải thích cho Má hiểu thôi!”
“Chị không biết đến bao giờ mới có thể về được để thăm Má!”
Em gửi một cái hình “emoji” mặt buồn.
 
3
Hôm nay em hỏi một câu rất hay:
“Ở bên Mỹ, lúc dịch bệnh, có khi nào phải nhịn ăn không chị?”
“Ồ, có chứ em! Người ta hạn chế đi chợ, hạn chế đi ăn tiệm, nên ăn uống trong nhà cũng phải dè xẻn. Có khi mình nhịn bớt để… mọi người ăn nhiều một chút.”
“Vậy là giống Má ngày xưa.”
“Đại khái là vậy.”
“Mấy bà mẹ thường vậy ha!”
“Thuở di tản, em út còn bé quá chắc không nhớ, bữa nào Má mình cũng nấu một nồi cơm cho mấy chục người ăn, thêm một nồi canh to, một nồi cá to. Nhưng ngày nào bụng Má cũng đói meo.”
“Hi hi, mấy bà mẹ là vậy.”
“Em út biết không, xưa nay ở xứ mình, có những gia đình nghèo, trẻ con có thói quen ăn cơm không, có miếng thịt thì chừa lại. Ăn mấy chén cơm cho no bụng, miếng thịt vẫn còn nguyên, để dành đến cuối cùng…”
“Người mình đa số nghèo khổ ha chị!”
 
“Ừ. Bởi vậy, lúc học trung học, khi chị kể câu chuyện cha mẹ con cái trong một gia đình nhường nhau một con tôm do người mẹ đi chợ lượm được về kho, chị được cô giáo Việt Văn khen, các bạn cũng tấm tắc khen cảm động. Nếu bây giờ kể câu chuyện này thì sao nhỉ?”
“Ngày xưa ăn tôm là sang hả chị?”
“Tùy nhà thôi! Nghèo thì cái gì cũng quý. Mà ngộ lắm, ăn thịt gà là sang, ăn cá là nghèo. Qua bên Mỹ thì ngược lại, thịt gà rẻ, coi như bình thường. Còn ăn cá là “healthy” tức là lành mạnh. Ăn cá là sang.”
“Ngộ quá ha chị!”
“À, còn nữa, có một dạo người Việt mình hay nói đến thức ăn “xuất khẩu” để chỉ những mặt hàng phẩm chất cao. Đương nhiên, giá cả cũng cao. Do đó, người dân nghèo khó lòng mua được hàng “xuất khẩu” để dùng. Thí dụ, tôm xuất khẩu thì người nghèo chẳng bao giờ thấy. Thời đó, ra chợ, thấy có bán đầu tôm xuất khẩu. Có nghĩa là… cái mình con tôm thì đã được xuất ngoại rồi!”
“Hi hi, nói chuyện thức ăn cho vui, quên dịch bệnh ha chị!”
“Ừ.”
“Ở bên mình bây giờ người ta cũng dùng cách đặt hàng online, tiện lắm chị à! Nhưng chỉ có một số nào đó thôi, còn đa số dân mình mua hàng theo cách truyền thống, cầm tiền mặt ra chợ, mua bán, trả giá, khen chê… Bây giờ cách này gặp khó khăn, vì ngăn sông cấm chợ. Có một nghề mới, gồm những người đi giao hàng, được gọi là “shipper” nghe hay ha! Họ thường đi bằng xe gắn máy, giao hàng tận nhà. Nhưng lúc này họ cũng gặp không ít khó khăn.”
“Thời Covid bên Mỹ cũng vậy. Người giao hàng an toàn hơn, nhưng cũng tránh tối đa việc tiếp xúc. Họ đặt các túi hàng trước cửa nhà mình, bấm chuông rồi đi. Mình chờ mười mấy phút rồi ra lấy. Thức ăn đem vào đều được rửa sạch sẽ trước khi cất hoặc dùng. Lúc chưa có vaccine, chỉ trông mong vào chiếc khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách và tránh tụ họp. Sau này, chích vaccine rồi, nhiều người cũng vẫn giữ những thói quen đó. Thật ra, điều gì tốt thì mình cứ làm thôi!”
 
4
Vẫn là trong giấc mơ chập chờn, My thấy những người bệnh nằm trong bệnh viện, với máy trợ thở. My nghe tiếng xe cứu thương hụ còi đưa người vào khu cách ly. My thấy mình cầu khấn các đấng thiêng liêng cứu dân mình. Rồi My tự nhủ lòng, thôi thì nghĩ tới miếng ăn… chắc đỡ sợ hơn! Và thật thế, miếng ăn là miếng tồi tàn, như Má nói, nhưng quý giá lắm. Nghĩ đến miếng ăn, tự nhiên bớt sợ. Chẳng trách nhiều người tìm đến sự ăn uống như một cách để giảm buồn phiền. Nhiều người xem ăn uống là một nghệ thuật. Thời đại dịch, ngay cả ở nước Mỹ, cái ăn cũng trở nên thiết yếu, quan trọng vô cùng. Nhưng
trên tất cả, miếng ăn là phương tiện truyền tải lòng nhân, tình thương yêu, sự đùm bọc. Chị em ở Mỹ thời đại dịch không tụ họp với nhau được, vẫn không quên nấu hoặc mua những món ăn, đem đến để trước cửa nhà nhau. Ở Việt Nam bây giờ cũng vậy. Còn nữa, có những người ở tỉnh khác, tìm mọi cách gửi thực phẩm về tiếp tế cho Sài Gòn. Người ở các vùng quê cũng nói thương Sài Gòn lắm!
Một thuở, Sài Gòn và những nơi khác có những thùng bánh mì miễn phí, những thùng trà đá miễn phí, dành cho người nghèo, người lao động, người lỡ đường… Một thuở, Sài Gòn và những nơi khác còn có những quán cơm mang tên Nụ Cười, quán cơm Tình Thương, mang hình bóng của những Quán Cơm Xã Hội thời Việt Nam Cộng Hòa. Người ta vẫn sống với nhau bằng tấm lòng!
 
My thiếp ngủ trong một niềm ao ước…
 
Tháng 7/2021
CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
(Vietbao.com ngày 24/7/2021)
 

Friday, July 23, 2021

NHỚ SÀI GÒN XIN NGHE LẠI ‘ĐƯỜNG CHIỀU’ CỦA HỒNG DUYỆT

 
Sài Gòn xưa. Đường Catinat
 
Chiều xóa Thành đô
Thế nhân bàng hoàng
Giọng hát lời ca
Ôi sao nhịp nhàng
Dừng trên hè phố
Lòng ta thầm nhớ những chiều lá rơi, lá rơi bên thềm nhà
 
Đường vắng chiều buông,
Bóng cây vài hàng
Đèn sáng ngoài mưa
Hết ca ngừng đàn
Mộng xưa tàn vỡ
Lòng ta còn nhớ những chiều sát vai, sát vai trong nhịp đàn
 
Ôi ! Hắt hiu là nhớ chiều nay sao hắt hiu là nhớ tới chiều nào
Ôi ! Bóng hôn hoàng xuống, dừng đây nghe lá mưa từng cánh trong nghẹn ngào
 
Mộng ước về đâu, chút duyên tình đầu
Nhạc cũ chìm sâu
Lắng trong hồn sầu
Đèn khuya còn sáng
Nhạc khuya thầm nhắc bao lần lá rơi
lá rơi trên đường chiều
HD
 
Đường Chiều. Mai Hương
 

NHỚ SÀI GÒN, QUA BÀI THƠ “MAI SAU DÙ CÓ BAO GIỜ” CỦA ĐỖ HỒNG NGỌC (1)

Lương Thư Trung
 
Sài Gòn xưa. Hình Internet
 
Giới thiệu chương trình nhạc chủ đề“Tình Ca Việt Nam” trên đài phát thanh Sài Gòn, vào đầu thập niên 1970, nhà văn Nguyễn Đình Toàn viết:
“Tình ca, những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời của một đời người, bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau.
Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…”(2)
 
Vâng, đó là chương trình nhạc chủ đề mà hồi ấy, những “Ngày hai mươi tuổi, có những đêm chong đèn ngồi…” (3), chúng tôi rất mê và ghiền lời giới thiệu các bản nhạc trong chương trình này mà nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã gởi đến thính giả; mà dường như cách nào đó, với Sài Gòn, nơi thành phố ấy của hơn nửa thế kỷ (55 năm) trước, chúng tôi có những lần hẹn hò với một cuộc tình rất tha thiết và nồng nàn mà giờ ngồi hồi tưởng lại đúng là thành phố ấy nó “làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…”
 
Chợ hoa đường Nguyễn Huệ, Tết 1970.(Hình minh họa)
 
Đó là nhạc chủ đề, còn trong thơ ca thì sao? Xin mời bạn nghe Đỗ Hồng Ngọc (tức nhà thơ Đỗ Nghê), hơn bốn mươi năm trước, đã viết một bài thơ rất đằm thắm, thiết tha trong tâm trạng tiễn người bạn cũ giã từ để ra đi về “nửa vòng trái đất cõi người ta” trong bài thơ Mai sau dù có bao giờ
Lâu nay đọc thơ Đỗ Hồng Ngọc, ít khi thấy ông “thiệt thà” bày tỏ nỗi lòng riêng tư, nhưng với mai sau dù có bao giờ ta thấy thêm góc khuất khác của nhà thơ Đỗ Nghê vậy.
“Cám ơn em đã đến giã từ
Dù sao năm tháng vẫn chưa phai
Em cười mà mắt còn đẫm ướt
Hình như tối qua trời không mưa”
Lần đó, họ không nói với nhau một lời nào, mà chỉ trao cho nhau những nỗi niềm bằng ánh mắt; bởi lẽ trong những hoàn cảnh như vậy lời nói nào đủ nghĩa yêu đương cho bằng ánh mắt thiết tha:
“Tôi hiểu – em đừng nói gì thêm
Những lời không đủ nghĩa đâu em
Tôi sẽ đưa em thăm thành phố
Em không ngại là tôi cũng ghen
Rồi họ cùng đi thăm lần cuối “một quê hương, một thành phố” nơi mà “cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương”…
Thành phố – nơi ta đã lớn lên
Nơi ta hò hẹn buổi đầu tiên
Nơi ta hờn giận ta vui sướng
Thành phố – chân hôn mỗi bậc thềm!”
Vâng, với nhà thơ, Sài Gòn là cả một vùng kỷ niệm chập chùng với bến Bạch Đằng ngày ấy, (Bạn còn nhớ Nguyên Sa: “hãy đưa tôi ra bờ sông, để tôi nhìn dòng nước chảy, tôi nhìn tôi bơ vơ…” không?) và cả ngôi trường Trưng Vương với màu áo xanh của các nàng nữ sinh thướt tha trong nắng sớm sân trường, với khung trời Đại học của một thời sinh viên nhiều mộng đẹp nữa …; nhiều và nhiều lắm… Những chữ “lối xưa xanh áo”, “mờ rưng rưng”… rất thiết tha và gợi lại biết bao nỗi nhớ mà con tim và tâm hồn của những người trong cuộc không khỏi bồi hồi, ray rứt, bâng khuâng …
“Tôi sẽ đưa em ra bờ sông
Sông Sài Gòn mà bến Bạch Đằng
Lối xưa xanh áo Trưng Vương đó
Mái trường Đại học mờ rưng rưng”
Nhắc tới Sài Gòn là nhắc tới những con đường tình rợp lá me bay như đường Gia Long, đường Lê Thánh Tôn và nhứt là con đường Nguyễn Du trong bài thơ, nhưng không thể không nhắc tới cái nắng của Sài Gòn, những cơn nắng làm “hanh đôi má” nàng, và “mồ hôi mặn”, nhưng với họ, những đôi tình nhân gắn bó ấy thì lúc bấy giờ họ không lấy gì làm khó chịu với cái nắng nóng ấy, mà còn “thấy thương ghê”… Mấy chữ “rợp mát bóng me che” trong câu thơ tả cảnh con đường Nguyễn Du dưới đây, thiệt là hết ý!
“Tôi sẽ đưa em ghé Nguyễn Du
Con đường rợp mát bóng me che
Cái nắng Sài Gòn hanh đôi má
Giọt mồ hôi mặn thấy thương ghê”
Qua con đường Nguyễn Du, một trong những con đường tình tiêu biểu của Sài Gòn, và dĩ nhiên Sài Gòn không chỉ có thế, mà Sài Gòn ai đã đến đó và ở đó dù lâu, dù mau đều nhận ra rằng Sài Gòn bên cạnh những con đường lớn, những tòa nhà cao, những khu mua bán sầm uất, nó còn có rất nhiều con hẻm nhỏ mà ở đó nhà nhà, người người chen chúc nhau kiếm sống lây lất qua ngày, dù tất bật, nhưng không thiếu tình chòm xóm, tình lân láng, tình người…:
“Tôi sẽ đưa em về Bàn Cờ
Xóm nghèo nho nhỏ đường quanh co
Tình người thắm đượm từng nếp áo
Bà mẹ ngày nao em nhớ chưa”
Nhớ lại hồi cách nay năm mươi lăm năm về trước, chúng tôi còn nhiều lắm những kỷ niệm qua bao lần nơi ghế đá công viên, những quán nước bên đường, những cà phê gốc me vào mùa mưa tháng Sáu của Sài Gòn; những rạp xi nê với các phim thời tài tử Alain Delon ăn khách một thời, nào rạp Rex, nào Eden, nào Quán Tre Quán Trúc nơi thương xá TAX thuở nào… với những hẹn hò mà chúng tôi không “làm sao quên” được, như nhà thơ muốn nói với người thương của mình:
“Tôi hiểu em còn muốn đi thêm
Một đời chưa đủ phải không em
Chân bước đi mặt còn ngoảnh lại
Xao xuyến hồn ta – làm sao quên!”
Ở đây, nếu bạn để ý một chút, trong đoạn thơ trên chúng ta sẽ bắt gặp tác giả không cố ý làm cho câu thơ cao siêu, bóng bảy; trái lại ông rất khéo léo dùng một chút tâm sự của “kẻ ở người đi” trong sách Quốc văn Giáo Khoa Thư mà có lẽ ai ai trong chúng ta cũng có lần đã đọc qua mà có khi vì dòng đời tất bật quá, rồi lại quên:“Chân bước đi, mặt còn ngoảnh lại: từ cái mái nhà, cái thềm nhà, cái lối đi, cho đến bụi cây, đám cỏ, cái gì cũng làm cho tôi quyến luyến khác thường!”(4). Cái hay của ý thơ vừa rồi là nó rất gần, rất quen mà gợi đúng cái tâm trạng của “kẻ ở người đi” trong một lần từ giã. Là một người đã hơn một lần “giã từ” Sài Gòn, hơn một lần “giả từ” người thân yêu của mình, tôi rất thấm thía câu thơ này của tác giả, nó nói lên được tấm lòng của người ở lại lo cho người thân của mình, rồi ra ở nơi “Nửa vòng trái đất cõi người ta” ấy, em sẽ sống thế nào và em sẽ phải làm gì với đất trời xa lạ ấy?
“Thôi nhé từ nay em sẽ xa
Nửa vòng trái đất cõi người ta”
Giữa chập chùng những ý nghĩ vừa lo lắng, vừa ái ngại ấy, rất may, tác giả không quên nuôi trong lòng niềm hy vọng, như một niềm an ủi cho chính mình và cho người thương yêu của mình:
“Mai sau dù có bao giờ nữa
Thành phố – lòng mẹ vẫn bao la”
Cái hay ở câu thơ “Mai sau dù có bao giờ nữa”, một phần rất Kiều (5), và một phần rất Đỗ Hồng Ngọc! Ở chữ “nữa” của Đỗ Hồng Ngọc, vốn là một trạng từ, mà tác giả cho vào cuối câu Kiều, nó vừa là niềm tin yêu và hy vọng, nó vừa là nỗi bịn rịn không rời như “nữa mai”, “nữa rồi”, “nữa khi”, “nữa là”…mà bàng bạc một tấm lòng! Chính những chữ “nữa” ấy là những chữ làm gợi dậy tấm chơn tình trong tình yêu thương có lẽ chưa bao giờ dứt được… Nó vừa nhẹ nhàng mà thân ái, nó vừa tha thiết mà nồng nàn, nó làm tim gan người trong cuộc nhiều khi muốn đứt ruột nhưng vẫn giữ cho lòng chút hy vọng một ngày nào đó còn có dịp gặp lại nhau dù cho bao lâu sau đi chăng “nữa”!!!
 
Vâng, với Sài Gòn, với thành phố ấy với những đôi tình nhân đã yêu nhau cách nay hơn năm mươi lăm năm ấy, rồi ra, vớichúng tôi, tôi chợt nhớ lại qua những kỷ niệm ngày nào quả quá đúng như nhà văn Nguyễn Đình Toàn nói “làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…”! Và với nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, khi tuổi đời giờ không còn trẻ trung gì, và đọc được bài thơ “Mai sau dù có bao giờ” này của ông, rồi tôi có dịp hồi tưởng lại những nơi chốn hẹn hò của những “Ngày hai mươi tuổi, có những đêm chong đèn ngồi…” với những con đường tình của Sài Gòn một thời, và nhìn lại lòng mình, tôi thấy ông nói quả quá đúng, không sai chút nào được khi ông viết:“Mai sau dù có bao giờ nữa!” thì Sài Gòn lúc nào cũng“Xao xuyến hồn ta – làm sao quên!
 
HAI TRẦU LƯƠNG THƯ TRUNG
Houston, ngày 21.07.2021
 
PHỤ CHÚ:
1/ “Mai sau dù có bao giờ” của Đỗ Hồng Ngọc (1980)
(trích từ tập thơ Giữa hoàng hôn xưa, Đỗ Hồng Ngọc, nhà xuất bản Trẻ, 1993)
[Theo trang nhà Trần Thị Nguyệt Mai, ngày 16.07.2021]
2/ Trích CD Nhạc Chủ Đề Tình ca Việt Nam 1970 của Nguyễn Đình Toàn.
3/ “Ngày hai mươi tuổi, có những đêm chong đèn ngồi…” )[Trích trong “Trên Đồi Là Lô Cốt” Lữ Kiều-Thân Trọng Minh, Thư Ấn Quán xuất bản, Hoa Kỳ, năm 2006]
4/ Trích “Kẻ ở người đi”, Quốc Văn Giáo Khoa Thư (Lớp Sơ đẳng) của Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận, nhà xuất bản Thanh Niên tái bản, năm 2000.
5/ Truyện Thúy Kiều của Nguyễn Du do Bùi Kỷ và Trần Trong Kim hiệu khảo, bản in lần thứ bảy (năm 1925). Nhà xuất bản Đại Nam (Hoa Kỳ) tái bản, (không thấy ghi năm).
 

Wednesday, July 21, 2021

KIẾP SAU MƠ LÀM CHỬ ĐỒNG TỬ

Khuất Đẩu
                 

            
            
Chử Đồng Tử & Nàng thơ. Hình Internet
 
   Phật dạy rằng có vô số lượng kiếp, và tôi đang sống đây là kiếp người, nhẽ ra cũng đáng mừng, nhưng lại là người dưới thời “chưa bao giờ tốt đẹp như bây giờ”, nghe ra thật mỉa mai nếu không muốn nói là rất đắng cay. Sau 75, các xe xích lô ở Nhatrang phải vào hợp tác xã, có ghi biển viết tắt XLNT. Hỏi bác xích lô nghĩa là gì, bác tỉnh bơ: Xin Làm  Ngựa Trâu!
   Ôi chao, người miền Nam và tiếng Việt Nam! Hay thấm thía!
   Thì đúng là gần nửa thế kỷ rồi làm kiếp ngựa trâu, giờ sắp vào lò luyện ngục, quỷ sẽ dắt đưa đi đầu thai. Chẳng biết sẽ thành chó, mèo, heo, gà hay giun dế…
   Thành kiếp gì cũng không bằng kiếp người. Ngẫm ra cái hay của kiếp người là giàu nghèo sang hèn đều có quyền ước mơ. Có anh mơ làm tổng thống, có chị mơ làm hoa hậu, mơ tột đỉnh dù chẳng bao giờ thành sự thực. Nhưng vẫn cứ mơ, vì chẳng có điều 5, điều 7 nào trong hiến pháp cấm kỵ công dân cho dù hạng bét được quyền ước mơ cả.
   Vậy thì, tôi cũng có quyền mơ viển vông như thế này: mơ làm Chử Đồng Tử, một chàng đánh cá nghèo đến nỗi hai cha con chỉ có mỗi một cái quần để thay nhau mà mặc.
   Thương con, lúc sắp mất, ông cụ khuyên con để lại Nhưng chàng họ Chử không n để cha phải xấu hổ khi trình diện trước Diêm vương, nên đã chôn quần theo cha, còn mình thì cứ sống trần truồng cùng sông nước.
   Nghề của chàng là lặn xuống các vực sâu, nín thở để rình bắt bằng tay những con cá anh vũ. Chúng là loài cá quý hiếm, có bộ vảy vàng óng như ráng chiều, có cặp môi dày và chắc đủ sức ngậm chặt vào khe đá ở những đoạn sông nước chảy xiết để tìm cách trở về nguồn, nên thịt rất dai và ngon.
   Người ta tìm mua để tiến vua. Cá chàng bắt được thả trong lờ, người mua chỉ việc lấy cá, bỏ tiền vào là xong. Và cuộc đời chàng cứ thế lặng lẽ trôi đi từ mấy nghìn năm trước cho đến cả ngàn năm sau cũng chẳng ai buồn biết tới, nếu không có một buổi trưa lạ lùng ngẫu nhĩ.
   Đó là một buổi trưa trời rất nóng, chiếc thuyền rồng của cô công chúa Tiên Dung sau khi dạo chơi trên sông Thương, con sông có hai dòng nước đục trong cùng chảy, đã đến lúc thả neo dừng lại. Đây là khúc sông rộng và đẹp, ở giữa nổi lên một cồn cát. Và, cô công chúa thường khi tắm trong những chậu bằng vàng, tuy rất đẹp nhưng chật chội, bỗng dưng muốn thử tắm giữa đất trời cao rộng.
   Thế là quân sĩ vội lên bờ canh gác và các thị nữ chèo xuồng đến bãi cát quây màn cho cô thay đồ.
   Đang nằm lơ mơ trên cồn, chàng họ Chữ hốt hoảng không biết trốn đâu, nên đành nằm im rồi kéo cát phủ lên mình đợi…chết.
   Bọn thị nữ xong việc chèo xuồng ra xa, chỉ còn lại một mình Tiên Dung. Là công chúa nên người cô lớp lớp lụa là. Những thắt lưng hoa lý, hoa mơ, những áo mớ ba bằng gấm, áo mớ bảy bằng nhung và sau cùng là nội y bằng lụa bạch.
   Giữa trưa, dưới ánh nắng trong vắt khiến người cô trong suốt, trông như ngọc Lam Điền. Một khối ngọc tinh khiết được thợ trời đẽo gọt tinh vi, bảo sao không đẹp.
   Vì đây là lần đầu ngắm mình không quần áo giữa đất trời, nên cô thẹn với gió và mắc cỡ với nắng. Gió thì cứ vuốt ve chơi trò cút bắt quanh hông háng cô, nắng thì thô bạo đặt những cái hôn cháy bỏng lên vai và lưng. Nhưng mà rất vui và rất lạ. Và cô càng vui hơn khi thấy mình xinh đẹp đến không ngờ.
   Thì lúc ấy, con sông êm đềm là thế bỗng dưng nổi sóng như sông Tiền Đường. Trên nền cát vàng, bỗng lộ ra không phải một con sên, hay con ốc, mà là một con mắt đen, có cái nhìn sâu thẳm.
   Trải qua giây phút bàng hoàng, kinh ngạc như vừa gặp một cơn mộng dữ, nàng dần lấy lại bình tĩnh. Thay vì tra hỏi, quát tháo, nàng ra dấu bảo chàng ngồi dậy.
   Chàng không thể không vâng lời, liền úp mặt xuống cát, quỳ phục để mong được tha tội chết.
   Chỉ nhìn lướt qua, nàng cũng biết vì chàng không quần áo nên phải dấu mình trong cát. Và rồi nàng bất chợt hiểu hết nguồn cơn do số phận cắc cớ sắp đặt.
   Lẽ ra cười thật lớn, nhưng cố giữ vẻ đài các, nàng chỉ liếc nhìn chàng rồi chỉ tay xuống sông. Chàng vâng mệnh lội trước, nàng lội sau. Khi ra đến giữa dòng, cả hai cùng lặn hụp, bơi lội tung tăng, như hai con cá anh vũ mạnh mẽ và xinh đẹp nhất.
….
 
   Vậy đó, bảo sao tôi không mơ. Sao mà tôi yêu cái buổi trưa nghìn năm có một và cái bãi cát thiêng liêng đó quá chừng. Tôi chưa biết thiên đường nhưng chắc thiên đường không có buổi trưa và bãi cát nào lại thần tiên như thế.
   Đương nhiên tôi yêu đến ngàn lần cô công chúa Tiên Dung, một cô công chúa xinh đẹp hơn hết thảy những cô công chúa xinh đẹp trên thế giới từ ngàn xưa cho đến ngàn sau. Càng yêu hơn nữa tính thông minh, nhân hậu, tính quyết đoán mạnh mẽ, dám nắm lấy ngọn cờ đỏng đảnh của duyên số trao cho mình.
   Và Chử Đồng tử, một chàng trai tốt số như thế sao lại không mơ. Tôi mơ được dấu mình trong cát chỉ chừa đôi mắt để từ dưới nhìn lên. Được nhìn người cõi tiên như thế, dẫu có bị chặt làm ba khúc ném xuống sông cũng ráng sống mà nhìn.
   Chỉ mơ tới đó thôi, còn trở thành chồng nàng và cùng nàng bay về trời, thì mơ làm quái gì! Tôi thích sống ở trần gian này hơn.
 
KHUẤT ĐẨU
(Những ngày giãn cách ngu ngốc vì covid 19, buồn và bực viết chơi.)