Friday, June 21, 2013

TẠP BÚT LƯU NA



Lời tạ lỗi với Jrai





Hôm có người nhắn ông anh miền Bắc gửi cho cuốn sách tôi chỉ dạ dạ thờ ơ.  Lúc đó tôi đang mang một nỗi buồn đất trời đảo lộn, chữ nghĩa có là gì nữa đâu.  Vả, tôi nghĩ đó là bộ sách 700 trang mà tôi không muốn đọc, nên vờ nó đi.  Vài tuần sau tôi gửi thư cám ơn anh, mà thực ra cũng chưa biết đó là cuốn sách gì.  Cùng lúc đó, cho trọn một lời hứa, tôi đặt mua 2 cuốn sách một cho mình một cho bạn hết 45 đồng, mà hỡi ơi, sách về bạn thản nhiên nói có rồi -người ta đã gửi cho bạn.  Tôi buồn hơn  -cái buồn thấm đọng ngậm ngùi nỗi mình cứ bị dối, ngao ngán như cát vào miệng.  Gắng gượng, tôi hỏi thăm xem cuốn sách ông anh cho là gì, nghĩ mình phải biết để mà nói dóc!!!

   Vậy rồi em túm được tôi, Amai B’Lan -Nước Mắt Của Rừng.  Chỉ một câu nói “Jrai!  Tôi chỉ là một người khách qua đường, dừng chân nơi đây một thời gian, dậy năm ba chữ cho các em như một làn gió…” em đã túm được tôi, đã mở bật một cánh cửa hồn tôi khép lại từ lâu. 

Phải nói rằng tôi ham đọc truyện đọc văn Việt lắm. Những ngày đầu tỵ nạn tôi đã đọc mờ cả mắt, cận thị lên 5 độ.  Tôi là con nợ của nhà Tự Lực, đến nỗi mua sách không mang đủ tiền bà chủ bảo cứ rước về đi, mai mốt trả sau.  Nhưng chữ rồi cũng phai, lời rồi cũng nhạt, đất trời qua đi nỗi buồn tỵ nạn vẫn là một vết sẹo chỉ có thể chữa tàm tạm bằng cách vờ nó đi.   Và chữ cũng đổi theo người.  Tôi thôi đọc tiếng Việt.  Một thời gian dài tôi vùi đầu vào truyện Mỹ.  Khi tôi đọc tiếng Việt trở lại, tưởng mình đang đứng ở tháp Babel.  Tôi không hiểu ngôn ngữ tâm tình của những người viết bây giờ, họ viết hay lắm và cũng giống nhau lắm đến nỗi tôi tưởng mình đã trở thành một giống dân lạ.  Tôi vẫn thèm đọc mà chữ thời buổi này đã từ bỏ tôi rồi.

Cũng phải nói thêm, sách giới thiệu sách lời dẫn cho lời, trước giờ tôi đọc hết cuốn này đến bài khác bằng vào lời giới thiệu bằng vào chủ đề bằng vào một mạng lưới chữ nghĩa, nhưng đây là lần đầu tiên tôi túm lấy một quyển sách chỉ vì một lời nói đơn sơ như vậy.

 “Trước khi lên đây tôi vạch ra không biết bao điều muốn dạy cho các em.  Nhưng bây giờ tôi chỉ còn một ước muốn nhỏ nhoi là các em sẽ biết cộng trừ nhân chia, biết viết tên của mình khi người ta hỏi…,” Amai B’Lan đã viết tập bút ký mỏng của mình xem như “một lời tạ lỗi,”  “với tất cả bạn bè Jrai, học trò của tôi và cả những bờ sông.  Vì tôi là người Kinh.”  Nơi câu nói giản dị ấy tôi cảm như em đã viết bằng hồn em, một tâm hồn trong trắng với những lời nói tinh tuyền không màu mè chữ nghĩa thời thượng, không sắc như mã tấu xẻ lưng banh lồng ngực, không hóc hiểm như dao quắm móc vào ruột..  Nước Mắt Của Rừng đóng góp những chi tiết về Tây Nguyên và tộc Jrai, góp cái nhìn về một sắc dân đã bị lãng quên và nay đang bị chà đạp, những gì đang xảy ra với Jrai ở Tây Nguyên, một vấn đề xã hội cũng như một vấn đề nhân bản, và đưa ra một cách để tiếp cận.  Bút ký của em gợi lại cái thời sinh viên Nguyễn Đức Quang Đỗ Ngọc Yến và nhiều nữa những bạn đồng trang lứa đã làm công tác thanh niên phụng sự xã hội thuở xưa.  Bút ký của em còn mang lại cho tôi một cái nhìn mới và thiện cảm hơn về công việc truyền giáo nói chung và của vị thừa sai đầu tiên nơi Tây Nguyên: không đến “để thay thế tôn giáo tự nhiên của người Jrai bằng Kitô giáo, mà đến với tư cách một chứng tá tình yêu để chỉ cho họ thấy rằng, có một Đấng Cao Trọng luôn yêu thương họ.

Trong cái nhìn nghiêm chỉnh có suy nghĩ, em đã đưa ra vấn đề với những dòng chữ mang một chiều sâu nội tâm chứ không bằng những lời hời hợt kêu vang vô nghĩa.  Tôi cho rằng viết câu giản dị, viết lời thành thực, viết với một hiểu biết đứng đắn, viết với rung cảm sâu xa, tất cả làm nên một tiếng văn hay, có hồn, và em đã làm được điều ấy với tập bút ký mỏng manh kể lại khoảng thời gian lên Tây Nguyên dạy học cho các em Jrai.  Đọc Nước Mắt Của Rừng tôi biết thêm một chút và mừng thêm một chút, mừng chữ chưa hẳn bỏ mình.

Về hình thức, bìa Nước Mắt Của Rừng có màu sắc đẹp và trang nhã, trình bày cân đối bắt mắt, nhưng tôi không thích bức vẽ cho lắm vì nó có vẻ chả dính dáng gì với nội dung (biết, tôi biết không nhất thiết, và bức vẽ cũng không phải là xấu!!!).  Sách có nhiều hình ảnh (in khá đẹp), là một ưu điểm lôi cuốn cho đề tài; ghi chú ngay bên dưới tiện cho người đọc, nhưng nếu chuyển tựa, số trang, và tên tác giả lên bên trên chắc đỡ rối mắt hơn. 

Và tên em có nghĩa gì không: Amai B’Lan?


Lưu Na _
06/19/2013

No comments:

Post a Comment