Vài
ghi nhận về tác phẩm “Tản Mạn Bên Tách Cà Phê” của nhà thơ
Nguyễn Xuân Thiệp
Lương Thư Trung. Bảo Huân vẽ
Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp còn có bút hiệu Châu Liêm, người
đọc luôn nhớ đến ông kèm theo thi phẩm “Tôi
Cùng Gió Mùa” (1) như một tác phẩm gắn liền với sự nghiệp văn chương của
tác giả không thể tách rời đi được. Một trong những lý do ấy là vì cái tài thơ
của Nguyễn Xuân Thiệp đã sớm phát tiết từ những năm ông còn là học sinh lớp Đệ
Nhị, khoảng năm 1957, với bài thơ “Xa
Cách” vừa lãng mạn mà triết lý, vừa trữ tình mà man mác nỗi buồn mà nếu ai
đã có dịp đọc qua một lần đều phải nhận ra rằng thơ thời học trò của tác giả,
trong vườn hoa văn nghệ ngày xa xưa ấy khó có học trò nào sánh kịp:
“Mấy
dặm cát vàng duyên nối tiếp
Đôi bờ sông rộng mặc ai đưa
Tôi đâu dám bảo Trường giang hẹp
Chỉ hẹn muôn năm với bến bờ
Đôi bờ sông rộng mặc ai đưa
Tôi đâu dám bảo Trường giang hẹp
Chỉ hẹn muôn năm với bến bờ
Đêm ấy người đi sương xuống lạnh
Trăng mùa tiễn biệt sáng mông lung
Ai tiễn ta qua vài bến nước
Với hai sào gió bốn sào trăng
Ai tiễn ta rơi vài giọt lệ
Lệ chảy đầy trong đôi mắt trong
Quấn bàn tay lạnh trong tà áo
Từ nay xa cách mấy con sông”
Nhưng nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp còn có tác
phẩm văn xuôi khác nữa của ông mới vừa xuất bản năm rồi; đó là tập tùy bút “Tản
Mạn Bên Tách Cà Phê”(TMBTCP) (2). Theo như “lời thưa” ở đầu sách, đây
chính là “những miểng vụn của hồi ức”, qua 329 trang sách với 78 hồi ức
về mọi vật, mọi miền qua mọi lúc với mọi người đủ để bạn và tôi tha hồ dõi theo
tác giả qua biết bao câu chuyện kể về một cánh hoa, về một tiếng chim se sẻ, về
một tiếng dế gáy vang vang ở một góc nhà nào đó... ; rồi nào là “Giàn thiên lý đã xa” , “Mùi hương
xoài”, “Hải đường và trà mi”, “Cây ngọc lan, mặt trăng và bóng mẹ” nữa!
Nhiều và nhiều lắm không làm sao kể xiết “những miểng vụn của hồi ức”
ấy. Vì là “hồi ức, nên tác giả đã dẫn ta về với Pleiku qua những mùa mưa
đất đỏ cùng “dạ quỳnh hương”, với Đà Lạt những tháng sương mù cùng rừng
thông thơ mộng thuở nào, với những trái mận tím ở Trại Hầm (Đà Lạt); rồi nào là
“với một thời làm phóng viên chiến
trường” của tác giả nữa… Nhiều lắm những mảnh suy tư về kiếp người, về dòng
đời, về thời gian cùng những biến thiên của lịch sử…
Với
Nguyễn Xuân Thiệp, một người đã trải qua hơn bảy mươi năm sống giữa đời với
biết bao thăng trầm bởi thời cuộc, lại là một nghệ sĩ nữa nên những chất liệu
mà ông có được nó càng làm giàu thêm cho thi tính nơi những trang sách của ông.
Trong bài “Đóa hoa vông … và gió”,
tác giả đã cho bạn đọc nhận ra điều ấy: “Thật
sự, hai bài viết dưới đây mang không khí thơ, bởi nó cũng lãng đãng, đầy âm
vang và màu sắc. Nghĩ cho cùng cũng chỉ tại con người mình mà ra. Vậy xin bạn
nhỏ hãy đón nhận nó, như đón nhận những cánh hoa vông đỏ rực của lòng tôi cuốn
bay theo gió…” (BTCP, trang 181)
Thưa
bạn,
Với
hơn ba trăm trang sách ấy, ngoài những hồi ức mà chính tác giả có được, ông còn
mang tặng cho bạn những gì mà ông đã thấy, đã nghe và đã đọc được nơi này hoặc
nơi khác nữa; thành ra, nói là “hồi ức”,
nhưng thực sự nó không chỉ có “hồi ức”.
Tất cả mọi thứ được nhìn, nghe và đọc ấy qua tâm hồn rất nghệ sĩ của một thi sĩ
cùng tài dùng chữ rất thơ ngay từ những ngày còn là học sinh trung học cách nay
hơn sáu mươi năm với bài thơ “Xa Cách” mà
tôi vừa dẫn ở đầu bài viết này, tôi tin nếu bạn thử một lần mở vài ba trang
sách “ Tản Mạn Bên Tách Cà Phê” của Nguyễn Xuân Thiệp, tôi tin bạn sẽ bị tác
giả dắt bạn theo ông tới những trang hồi ức cuối cùng!
Theo
thiển ý của tôi, quả ông là một nhà văn, nhà thơ chân chính bởi vì ông làm thơ
viết văn không phải vì danh vì lợi mà vì cái đẹp của cuộc đời, của văn chương
và hơn thế, đó còn một lẽ nữa là vì niềm đam mê với chữ nghĩa của
một tâm hồn nghệ sĩ mà ông muốn mang tặng bạn những câu thơ hoặc những trang
sách mà lúc nào ông cũng tha thiết gọi mời… Thật đáng trân quý biết bao về một
tâm hồn nghệ sĩ như ông!
Lương
Thư Trung
Houston,
ngày 04 tháng 6 năm 2013
Cước chú:
1/ Tôi Cùng Gió Mùa (thơ) của Nguyễn Xuân
Thiệp, do Phố Văn tái bản, Dallas, Texas, Hoa Kỳ, năm 2012.
2/ Tản Mạn Bên Tách Cà Phê (văn) của Nguyễn
Xuân Thiệp, Tuần báo Trẻ Dallas, Texas, Hoa Kỳ xuất bản, năm 2012
No comments:
Post a Comment