Vũ
Hoàng Thư
Tường vi mấy độ hoa
Tháng
7 trời xanh cao, mùa lên hâm nóng. Mặt đất nung nhiệt ngấm ngầm địa chấn, như
muốn cùng người rung vang lời ngân quá khứ. Tháng 7 gọi về hàng phượng đỏ thắm
rung rinh chùm nở, thứ lung linh ảo mờ, gần gụi mà xa thẳm, “mù không lối vào...” (TCS). Vang vang
trong gió, lời trẻ thơ láng giềng vọng lại đùa vui tiếng nước. Nghe mát rượi chạy
quanh lưng trần từng gáo múc, từng gàu treo giếng lặng và nước mưa lũ tràn máng
xối. Nước ơi, nước gọi sông, gọi suối, gọi nguồn, nước hát ngàn xanh của biển lộng
trào mùa thơ ấu cũ. Nơi xa mờ cơn nắng, hải đảo hiện thành ốc xanh cuối chân trời,
đùa cợt gọi mời kẻ lạc đường đang chết khát sa mạc. Mờ ảo phía ấy, những chấm
xanh li ti trong mùa nắng vỡ xuống soi dáng đăm chiêu mắt ngây. Như hoa đom đóm
nhòe lên mắt, thị giác vẽ nên hình dung người đi về xa thẳm. Bấy giờ, lớp trường
đã đóng cửa, hàng cây cuối xuống cù rủ mùa hè đi rong hoang lãng mạn. Áo người
bung xòe chiều chờ đợi một thời. Những tà vạt mong manh phất phới như loài ma
không chân trên mặt lộ ngày hè chứa chan. Sót lại chăng, vẽ vời như buổi sáng
hôm nay, có mây trắng rất cao, cao ngất trên mọi triền ký ức.
Giọng
hồ cầm Nat King Cole êm ái dệt lời kéo tôi nhè nhẹ, I see your face in every flower, your eyes in stars above... the very thought of you. The very thought of you, sao bỗng niệm tình
lân hư trở về vô cớ? Câu hỏi xoay quanh, You
là ai? Là người? Là thế giới? Là Em? Xem hoa thấy dung nhan người, nhìn sao cao
xa thẳm trên kia bỗng hiện tiền một ánh mắt. Chỉ một niệm. Một niệm Em, thế giới
hoàn thành trong chớp lóa big bang...
Một
lần Basho đi trên đường làng, điều khiến ông chăm chú chính là đám hoa dại bên
đường. Ông viết một haiku, thiên hạ thích, và họ gọi tên bài thơ ấy nazuna
haiku.
Yoku
mireba Nazuna hana saku Kakine kana.
(Basho)
Looking carefully
A shepherd’s purse is
blooming
Under the fence
(trans. R.H.Blyth)
Nhìn
kỹ nhé chú tâm nào
vùng
bông dại rộ
ven
rào ngộ thay
(Vũ Hoàng Thư phỏng dịch)
Từ
“kana” đặt ở cuối câu trong tiếng Nhật mang nhiều ý nghĩa khác nhau để biểu thị
sự kinh ngạc, ngưỡng mộ, hay phiền muộn, hoặc hân hoan, đôi khi hoài nghi... Đại
sư D.T. Suzuki, nhà thiền học danh tiếng của Nhật cho rằng “kana” trong bài
haiku này có thể dịch sang tiếng Anh thích hợp nhất chỉ bằng một dấu chấm than!
Dấu chấm than diệu kỳ mở nguồn thăm thẳm sinh tồn bằng một lời vô ngôn! Vậy thì
“Kakine kana” trong câu cuối ta có thể nôm na nói rằng: hàng rào ngộ thiệt! Thế
hàng rào có chi mà ngộ? Ngộ là ở chỗ hoa nazuna bung rộ cạnh bên, chứ hàng rào
nào dính dáng chi với cái ngộ. Không dưng chữ ngộ bật dậy đôi điều khép mở ảo
huyền, ngân lên một cung bậc dị thường mênh mang dưỡng nuôi y bát. Ngộ là nhầm
[ngộ nhận], ngộ là gặp gỡ đối mặt nhau [hội ngộ], ngộ cũng là hiểu ra, là vỡ lẽ,
là tỉnh giấc [giác ngộ]... Thì ra từ nhầm lẫn [ngộ nhận] ta đối diện [hội ngộ]
với sự việc, từ đó khai mở tâm thức để không còn mê muội [giác ngộ]. Tất cả
cũng từ một chữ ngộ! Quả là ngộ thiệt chứ chẳng nói chơi hý luận. Không vô minh
thì cũng chẳng có giác ngộ như lời thầy, tổ thường nói.
Ông
Basho bảo “hãy nhìn kỹ, có hoa nazuna nở dưới bờ rào”. Bài haiku thoạt nghe có
vẻ cũng tầm thường thôi nhỉ. Nazuna là một loài hoa trắng dại vẫn mọc hoang bên
vệ đường mà thiên hạ thường chẳng ai quan tâm hay để ý đến. Nếu nhại theo lời
bài hát Hoa Trinh Nữ của Trần Thiện Thanh thì “hoa Nazuna không mặn mà bằng nàng hồng kiêu sa, hoa đâu dám khoe màu
cùng một nàng Cúc vàng tươi”. Tuy nhiên Basho nhấn mạnh, hãy nhìn kỹ. Nhìn
kỹ ở đây phải hiểu là nhìn với thái độ chú tâm và tỉnh thức, bỏ hết những phân
chia biện biệt để nhìn như một thiền giả. Nhìn bằng con mắt vô niệm như vậy tự
khắc sẽ thấy hoa nazuna đẹp như nàng hồng kiêu sa, đẹp không thua gì đóa sen hồng
thắm chốn tịnh độ. Một cái nhìn trong tâm thức rỗng không cho tiểu thể hòa tan
cùng đại thể, bởi chưng tầm thường hay phi thường, nhỏ bé hay vĩ đại vốn cùng
nhất thể chân như. Chiêm nghiệm cánh hoa nazuna khiêm tốn nở bên bờ rào là thấu
đáo điểm chín mùi của sự sống, khắc giờ phát tiết tinh hoa, mở toang nút thắt, phơi
phới cùng nhân gian. Giây phút đó, ta và hoa là một, không còn biên giới chia
cách giữa trong và ngoài, giữa ta và thế giới. Ta vươn vai chạm cùng vũ trụ
trong niềm tự tại như chưa bao giờ được “sống”, liền khi ấy thấy bắt được tính
bình đẳng của vạn vật, không phân biệt sang hèn, to nhỏ, những nhỏ nhoi vốn bị
lãng quên của nhân gian đời thường. Kana! Ngộ thay!
Thế
kỷ trước, một thi sĩ Việt cô đơn như chưa từng cô đơn, kinh ngạc và sụp lạy một
cành hoa vừa nở. Đó là bài thơ ngắn “Thược Dược” của Quách Thoại ít được nhắc đến,
Ðứng
im ngoài hàng giậu
Em
mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng
nhìn em kinh ngạc
Vừa
thoáng nghe em hát
Lời
ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu
(Thược
Dược - Quách Thoại)
Tất
nhiên là kinh ngạc khi bất ngờ nhận ra đóa thược dược lồ lộ đứng im ngoài hàng
giậu. Hoa im sững làm cho ngoại hình như cao hẳn lên, vĩ đại hơn bình thường.
Thi sĩ kinh ngạc như thiền sư ở khắc giây hoát nhiên đại ngộ. Hoa không chỉ
khoe màu, hoa còn truyền cảm bằng thanh âm tiếng hát. Hoa được nhân cách hóa
thành người, thành Em, thành Nàng Thơ, thành Chân Lý, v.v... Phút giây đó, cũng
tỉ như phút giây Basho-nazuna, hay Archimedes-Eureka, chỉ hiện hữu khi thi sĩ
trong một sát na gay cấn, hốt nhiên kỳ tác thành một tia chớp sáng lòa, nối liền
mạch nguồn hương phấn, thiết lập sợi dây liên đới nối hoa với người làm một, kết
mình cùng thế giới không chia. Sợi dây ấy vẫn hằng có, chỉ là bình thường vì vô
tâm ta không nhìn thấy đấy thôi. Người vô tình để cho mấy cuống đỏ phù dung lặng
lẽ một mình giữa lòng núi vắng lặng, không bóng người, giản hộ tịch vô nhân... rồi bời bời hoa nở, bời bời hoa rơi... phân phân khai thả lạc,
Mộc
mạt phù dung hoa
Sơn
trung phát hồng ngạc
Giản
hộ tịch vô nhân
Phân
phân khai thả lạc
(Tân Di Ổ, Vương Duy)
Ngọn
cây hoa Phù Dung
Giữa
núi nẩy cuống đỏ
Quạnh
quẽ cổng bên khe
Bời
bời rụng và nở
(Giản Chi dịch)
Câu
hỏi không dưng bất chợt vào một sáng hè oi ả nắng, rộn rã lời mây trắng: Hoa nở
cho người, hay hoa nở vì ai? Câu hỏi dìu dắt hiện sinh đi về nơi tịch mịch chan
hòa cùng cõi thế phong ba, đưa chân đến những chóp đỉnh phong nhiêu dị thường của
bát ngát thăm thẳm bất khả tư nghì, họa chăng chỉ có thể thong dong vi vút bằng
những giả dụ chênh vênh có lẽ. Có lẽ?
Có
lẽ thược dược chỉ thực sự nở khi Quách Thoại cúi đầu sụp lạy để bắt nhịp cầu
liên đới cho hoa/người bình đẳng tương lân, tất cả là một, một là tất cả, ta là
thế giới, thế giới là ta.
Có
lẽ hoa nazuna khiêm tốn như giọt sương đầu cỏ bên đường, lộ thảo đầu phô(*), chỉ khoe sắc khi con ếch đánh bõm
vào ao lặng khiến Basho dừng bước, gập mình xuống mạch thẳm tồn sinh để thấy
nghìn năm sau trước nazuna vẫn phơi phới bên đường mặc cho thiên hạ bàng quan
qua lại.
Hay
có lẽ, hoa bung lên khi đến thời hoa nở. Chỉ vậy. Như là. Và có lẽ, biết đâu
hoa chỉ nở rộ cùng hoa tâm của người khi người biết ngoái đầu hân thưởng giây
phút trực diện khôn hàn cùng diệu kỳ trầm tịch vô ngần mở phơi.
Kiếp
hoa –
ta
nhỏ máu ròng
cho
người cười nụ giữa lòng nhân gian
VŨ
HOÀNG THƯ
Tháng
7, 2025
---------------------------------------
(*)
Thị đệ tử, thiền sư Vạn Hạnh
No comments:
Post a Comment