Friday, September 13, 2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI 2024

NXB Nhân Ảnh vừa phát hành trên amazon.com
3 tác phẩm của Nguyễn Viện

 
CÕI NGƯỜI Ở LẠI
NGUYỄN VIỆN
 
(Tranh bìa Nguyễn Trọng Khôi)
 
"Chờ đợi, có lẽ là điều bí ẩn nhất của cuộc sống. Chờ đợi là lý do để tồn tại, nhưng chờ đợi cũng là nỗi ám ảnh không đáng có nhất. Tôi chờ đợi một đồng xanh, một đồng cỏ hay điều gì khác mà tôi buồn chán đến thế? Tôi muốn kết thúc với cả đồng xanh và đồng cỏ, như điều đáng kể nhất để chấm dứt mọi chờ đợi. Nhưng tôi cũng tự hỏi, sự chấm dứt ấy có giúp tôi xa lìa thế giới này? Tôi không còn thiết tha điều gì, nhưng tôi không thể không nhớ Đồng Xanh và Đồng Cỏ. Tôi không cần ý nghĩa, nhưng tôi không thể thiếu Đồng Xanh cũng như Đồng Cỏ như một thiết yếu. Tôi không biết đồng xanh và đồng cỏ còn đó không? Đồng Xanh nói, em không có thật. Nhưng Đồng Cỏ bảo, em vẫn còn đây. Còn đây và không có thật là một thực thể hư ảo. Có cũng như không. Tôi vuốt ve Đồng Cỏ và nàng nằm im không xúc cảm. Có thể tôi sẽ phải tìm ngủ với một cô gái bất kỳ nào đó biết rên." (Trích Những con mèo lang chạ giữa lưng chừng ngọn gió)
 
Những khát khao và những tuyệt vọng dày vò con người. Sống và chọn lựa cách sống dường như không phải lúc nào cũng cần thiết. Nhưng để buông bỏ hay buông thả như một triết lý sống cuộc đời này cũng không phải là điều dễ dàng. Bạn có thể bị chết chìm, cũng như được giải thoát khỏi những khắc khoải bất tận về hạnh phúc và đau khổ cùng với những con người ở đây.
 
 

NU NA NU NỐNG XỨ MÊMAN
NGUYỄN VIỆN
 
(Tranh bìa Bảo Huân)
 
Những câu chuyện cổ tích được viết như thơ. Hoặc cũng có thể nói thơ được viết như những câu chuyện cổ tích. Bạn có thể tìm thấy ở tác phẩm này tất cả mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống. Cho mọi thời đại và mọi lứa tuổi, những câu chuyện muôn thuở về tình yêu, sự hy sinh và lòng trắc ẩn, sẽ mang lại cho chúng ta sự ấm áp và tin tưởng.
Sau tất cả những dập vùi, những phiền muộn mệt mỏi, chán nản hoặc ghê tởm... bạn vẫn còn chỗ để nghỉ ngơi và mơ mộng. Một tình yêu đẹp không so đo. Những tấm lòng nhân ái vô bờ bến. Sự thông tuệ của những trải nghiệm nhân sinh. Bạn hoàn toàn có thể nâng mình lên trong cái đẹp và sự lộng lẫy của tình người.
 

THẢO MAI TRÊN DỐC GIÓ
NGUYỄN VIỆN
 
(Tranh bìa Nguyễn Trọng Khôi)
 
"Thành phố không chỉ toàn mùi rượu, mà còn đầy mùi lựu đạn cay. Những cuộc xuống đường, biểu tình liên miên. Lựu đạn cay làm cho cuộc sống khó chịu. Người ta bảo những người biểu tình là Việt cộng. Cô ghét Việt cộng, nhưng mẹ cô bảo đó là những người yêu nước. Cô vẫn ghét Việt cộng. Mãi sau này, khi ba cô trở về từ cõi chết, cô mới biết Việt cộng cũng là dân tộc. Và dân tộc là vinh quang. Nhưng cha cô đã không trở về một mình. Ông mang theo một người đàn bà khác. Cô chẳng bao giờ có dịp sống với cha. Việc duy nhất có ý nghĩa ông đã làm cho cô là thay lại giấy khai sinh để cô có một người cha. Lý lịch của cô nhờ đó được ghi là gia đình cách mạng. Cho dù thế, cuộc sống của hai mẹ con cô cũng không có gì thay đổi. Khi mẹ cô bị bắt vào trường phục hồi nhân phẩm, cha cô đã bảo lãnh cho mẹ cô về. Cách mạng khoan hồng. Những khó khăn của cuộc sống sau ngày chấm dứt chiến tranh càng trở nên khốn khó. Cô cũng không hiểu bằng cách nào mẹ cô vẫn nuôi được cô. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô nghỉ học. Và không biết làm gì. Một hôm mẹ cô bảo: "Má cần tiền để sang quán. Con giúp má." Không chờ cô hỏi, mẹ cô nói tiếp: "Má muốn con bán trinh. Chỉ có cách ấy má con mình mới mong khá được." Thúy Kiều bán mình chuộc cha. Cô bán trinh để giúp mẹ có vốn làm ăn. Cũng là báo hiếu thôi. Cô không nói gì chỉ gật đầu." (Trích Thảo mai trên dốc gió)
 
Chiến tranh đưa cô gái từ nông thôn vào thành phố, biến một cô gái ngây thơ trở thành gái đĩ quốc dân. Câu chuyện không mới, bởi không có gì mới trong cuộc đời ô trược nhiễu nhương này, nhưng cách cô ứng xử với cuộc đời cũng như cách cuộc đời đối đãi với cô là một bi kịch thời đại, lừa lọc dối trá và người tin vào lừa lọc dối trá như chân lý. Cả hai truyện trong cuốn sách này, THẢO MAI TRÊN DỐC GIÓ và ĐĨ THÚI & PHẦN CÒN LẠI Ở CÕI CHẾT, đều mô tả một xã hội mang căn tính ĐĨ, như một lẽ sống. Phi lịch sử nhưng bất biến.
 
ĐƯỜNG LINK ĐỂ MUA SÁCH: 

Sunday, September 8, 2024

VÀI CẢM NHẬN NHÂN ĐỌC TIỂU THUYẾT ‘ĐƯỜNG VỀ THỦY PHỦ’ CỦA TRỊNH Y THƯ

Đỗ Anh Hoa
 
Tác phẩm
 
    Nhận được cuốn tiểu thuyết ‘Đường về thủy phủ’ của nhà văn Trinh Y Thư, nghiền ngẫm đọc mấy hôm và suy nghĩ viết đôi lời cảm nhận cho tác phẩm của ông.
    Tiểu thuyết ‘Đường về thủy phủ’ gồm 3 chương gần như là 3 truyện vừa kết hợp theo xu hướng mà tác giả nêu “trên mặt hình thức, bước sang thời Hiện đại, tiểu thuyết không nhất thiết phải duy trì tính dài hơi của một truyện dài. Cái thắt buộc cuốn tiểu thuyết ở đây không còn là cốt truyện hay nhân vật mà là phạm trù ý niệm, hoặc thông điệp hoặc cả hai”.
    Tiểu thuyết Đường về thủy phủ có bối cảnh là trước và sau chiến tranh Việt Nam. Xuyên suốt tiểu thuyết của ông mà phần đầu là những gì khốc liệt trong chiến tranh, phần 2 là hậu chấn với những dư âm gặm mòn bản chất con người và phần 3 vẫn không thoát khỏi “chiến tranh” len lỏi trong cuộc sống dù ở nơi đâu. Tuy vậy, tác giả của tiểu thuyết khẳng định, ông không viết về lịch sử hay chiến tranh mà viết cảm nhận của ông về chiến tranh, mượn nó làm phông nền cho những gì hư cấu trong tiểu thuyết. Như nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera có nói: “Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu hạ sử gia”
 
Phần I: Ký ức của loài bò sát
   Loài bò sát làm ta liên tưởng đến cá sấu, rắn rết… phải chăng là cách nói ẩn dụ về tính “thú”của con người. Như câu nói của cô gái trong tiểu thuyết “…tại sao con người lại ác độc với con người như thế hả anh? Em không hiểu được”. Câu hỏi này thật ra cũng không có gì lạ, nó nằm trong phạm trù triết học mà từ xưa nay chưa có lời giải đáp chính xác và thỏa đáng nhất. Nhà triết học người Pháp Blaise Pascal cũng đã từng nói: “Con người vừa là vinh quang vừa là cặn bã của vũ trụ” như một cách đúc kết con người có thể vừa yêu thương vừa căm ghét, có thể vừa nhân ái vừa ác độc. Trong tiểu thuyết thì nhân vật “Gã” trả lời cô gái là do ý thức hệ, đó là câu trả lời một phần đúng trong những tội ác của chiến tranh chăng!? Và vì cái ý thức hệ đó mà cảnh tàn khốc nhất, hung bạo nhất “thua cả loài cầm thú” (sự thật có khi còn hơn) lại làm ta truy ngược vấn đề “Ký ức của loài bò sát” phải chăng là còn hiền hơn so với con người bây giờ???
   Nói gì thì nói, mạch truyện vẫn là Đường về thủy phủ. Ở cuối phần này, cô gái người dân tộc H’Mông cùng cả buôn bản bị giết bên bờ suối khi cô đang mang thai. Hành trình trở về của cô cùng đứa con là cuộc nói chuyện khi đang trôi dần về thủy phủ. Đi theo cô là cả buôn làng cũng yên lặng lờ đờ trôi đi nơi sẽ gặp lại người thân trong tình yêu thương, “thủy phủ ở xa lắm, mãi ngoài biển, nhưng bố dặn mẹ con mình cứ xuôi dòng nước này là đến.”[…] “là nơi không còn bom đạn hay hận thù, nơi mẹ con mình sẽ gặp bố, bố sẽ yêu thương bảo bọc mẹ con mình. Thôi con nhé, con hãy ngủ đi, khi nào mặt trời mọc là mình đến nơi”.
 
Phần II: Dưới những gốc nho biển
   Một cái tiêu đề lãng mạn như muốn xoa dịu những thảm khốc của cuộc chiến ở Phần I, và những thảm cảnh không kém đớn đau hơn ở Phần II mà kiếp người phải trải qua trong thời hậu chiến. Nhân vật “Cô” trong câu chuyện mang tâm bệnh, “bị kẹt cứng trong bi kịch đời sống, bị đè bẹp bởi tấn bi kịch lịch sử khốc liệt mà thế hệ cô gánh chịu”, trở nên bất lực trước những giá trị cuộc đời dần mất đi khiến con người trở nên tàn phế đến mức vô cảm mọi sự, miễn nhiễm với mọi nỗi đau, bình thản chấp nhận sống để chờ chết, mặc nhiên sống có gì vui, chết có gì khổ rồi cuối cùng tìm đến “thủy phủ” như một nơi chốn trở về.
    Ở chương này, người phụ nữ trầm luân ấy đi về phía biển, ngồi chờ vô định dưới những gốc nho biển… với một nỗi buồn vô tận và cô quyết định bước lên chiếc thuyền không thể trở lui của định mệnh rồi biến mất trong làn nước sâu thẳm để về thủy phủ, nơi cô tìm được sự an tĩnh, thoát khỏi bị kịch đời sống. “Nó là tiếng gọi từ cõi xa xăm huyền bí kêu réo cô hãy trở về thủy phủ".
 
Phần III: Đường về thủy phủ
   Là tiêu đề chính của tiểu thuyết. Ở phần này tác phẩm có vẻ mang phong thái tự do hơn. Những suy tưởng, những tâm niệm được diễn biến phức tạp và mâu thuẫn nhưng lại vô cùng thoải mái thi triển. Hai nhân vật: Gã Nhà Văn, Tôi, có khi là Cô lúc hòa nhập làm một, lúc lại tách ra khiến tác phẩm hư hư thực thực, rất hấp dẫn. Đó cũng là tính mâu thuẫn nội tại trong mỗi con người thể hiện một thái độ khắc khoải, một thái độ phản kháng, một thái độ an phận chấp nhận. “Và bởi tôi chỉ là ảo ảnh. Tôi chỉ hiện hữu trong thần trí tưởng tượng của gã”. Ở phần III này tính triết lý rất cao, sự dằn vặt nội tâm, truy cứu đến cùng sự cô đơn của con người “[…]tôi thốt nhiên hiểu ra cô đơn không phải sự trừng phạt, mà là một trạng thái tự nguyện có thể dẫn đến sự giải thoát trong tâm hồn. Thế nhưng, nó là một nghịch lý, bởi nỗi buồn sâu thẳm tự đáy lòng không thể nào tan biến đi được”.
    Một điểm thú vị khác là nhân vật nữ trong Phần III chính là đứa con gái bị thất lạc năm 3 tuổi của nhân vật nữ trong Phần II. Khi cô con gái từ bên kia đại dương trở về và quyết định ở lại quê hương tìm lại nguồn gốc, tìm lại người mẹ đã khuất và đã thất lạc không còn nhớ mặt như một thôi thúc tìm kiếm quá khứ của bản thân để chính bản thân được an yên. Bởi bản thân cô là một người có trạng thái bất định về tâm thần, thường mơ những giấc mơ kinh khiếp và có những hành động điên rồ mất kiểm soát. Nhiều đoạn viết về mối liên hệ xuất thần giữa hai mẹ con: “Tôi có cảm tưởng mẹ tôi lúc nào cũng ôm ấp, vuốt ve và an ủi tôi. Ôi, tình thương của mẹ, chẳng có gì quý báu hơn. Nhờ tình thương đó, tôi không còn mơ những giấc mơ hãi hùng nữa.”
    Thủy phủ ở phần này chính là ngôi đền thờ người mẹ mà tín ngưỡng của dân làng nơi ấy đã dựng lên, cũng là sự gắn kết tình mẹ con, tình bố con (dù chỉ là bố dượng). “ Em sẽ về sống trong ngôi đền thờ mẹ em ở Cống Liệp… Em sẽ trông nom ngôi đền và ngày đêm ở cạnh mẹ em. Em chỉ ước ao chừng ấy”. […] “Hai người, một già một trẻ, từ bãi cát níu nhau đi vào trong đất bằng hướng về phía ngôi đền le lói ánh đèn trên mỏm đất cao” . Ở đây có cả sự gắn kết cuối cùng mới nhận ra giữa cô gái và “gã nhà văn khi ông ta chết sớm vì bạo bệnh”. Hai kẻ thất lạc trong cõi trần, đến lúc chia tay ra đi không trở lại. Ở ý nghĩa nào đó, tôi cũng ra đi như gã”. Nghe như cô gái ấy đã về thủy phủ nương tựa nơi người mẹ và cả ở nơi người đàn ông của đời cô.
 
***
   Toàn bộ tiểu thuyết Đường về thủy phủ có vẻ hơi nặng nề với những nỗi thống khổ của con người về thể xác lẫn tinh thần, những cảnh giết chóc ghê rợn, ám ảnh, những cảnh nhục dục nhu cầu, những dằn vặt bản thân như câu hỏi muôn đời “ta là ai, ta từ đâu đến, ta đi về đâu”. Nhưng xuyên suốt tác phẩm vẫn là sự nhân bản thể hiện qua những đoạn văn dạt dào tình cảm miêu tả cảnh đẹp quê hương, những địa danh, những xóm làng nơi tác giả đi qua dù là hòa bình hay trong chiến tranh, những trò tinh nghịch thuở thiếu thời, tình yêu đầu đời, tình bạn bè, tình thân và cuối cùng nhắm đến vẫn là CHÂN-THIÊN-MỸ cho dù đó chỉ là hy vọng, là đốm lửa yếu ớt trong đêm đen mịt mù… Con người vẫn sẽ hạnh phúc khi không đánh mất đi sự cảm nhận CÁI ĐẸP của tình người trong kiếp sống này. Đó chính là sự cân bằng trong tác phẩm cũng như sự cân bằng đời sống của chính tác giả: “Tôi vừa đạp xe vừa cố nhìn lần chót những hình ảnh của Hà Nội mà chẳng biết bao giờ mới có dịp về nhìn lại. Hồ Hoàn Kiếm vẫn xanh biếc với tháp Rùa, cầu Thê Húc, đình Trấn Ba. Đường Hoàng Gai, nơi bán đèn Trung Thu mà hằng năm mẹ tôi dắt chị em tôi ra mua đèn về chơi. Trường nữ học Đồng Khánh với những tà áo bay. Rồi vườn trại Ngọc Hà với chợ hoa những ngày cận Tết, những con ngõ nhỏ như ngõ Phất Lộc, ngõ Cấm Chỉ phố Hàng Bông gần nhà, nơi tôi hay ngồi ăn quà buổi sáng… Rồi năm Cửa Ô, cửa nào cũng có vết chân tôi…”
    Và trong thời gian lưu lạc thuở thiếu thời, nhân vật “Tôi” có con ngựa nhỏ đặt tên là Tiểu Thố, người và vật quý mến nhau một cách đặc biệt và con ngựa nhỏ đã đưa nhân vật “Tôi” đi khắp vùng đồi núi Yên Bái, nhìn ngắm những cảnh đẹp, những địa danh như cánh đồng Mường Lò, hồ Thác Bà, thác Pú Nhu, Mù Cang Chải… nơi có những cánh rừng thưa, những thửa ruộng bậc thang và tất nhiên những người Tày, người H’Mông chất phác. “Tôi gặp những người dân hiền lành, có những cô gái môi má đỏ au như thoa son, trên người mặc quần áo thổ cẩm, thường là màu đen có những hoa văn lạ mắt, đầu chít khăn màu hoa rừng, lưng đeo gùi mà họ gọi là “lù kở”, nối đuôi nhau đi thành đoàn sáu, bảy cô trên con đường đồi gập ghềnh uốn lượn, xa xa là cánh đồng màu vàng mượt mà, óng ả.”
    THỦY PHỦ, một địa danh tín ngưỡng dân gian (nơi ở của thủy thần dưới đáy biển, đáy sông – theo từ điển Chữ Nôm). Tiểu thuyết Đường về thủy phủ mượn địa danh ảo này để ngụ ý sự trở về của con người, rửa sạch mọi đau khổ, mọi dơ bẩn chốn trần gian. Tại sao không phải là địa phủ như bình thường nơi có thể là núi non trùng điệp, cánh rừng thâm u, cánh đồng vô tận... mà lại là thủy phủ. Có lẽ tác giả mượn chữ THỦY, ý nói đến sự gột rửa. Ở đây ta có thể liên tưởng đến nghi thức rửa tội của Cơ đốc giáo bằng cách dìm mình hoặc ngâm mình xuống nước để sám hối tội lỗi, để được ân sủng, cứu độ từ Đấng Tối Cao. Nói như thế để hiểu Thủy phủ ở đây là sự trở về một cách thanh sạch, trong lành, nó không mang ý nghĩa là thiên đàng, mà đơn giản chỉ là chốn BÌNH AN, là nơi con người được TÁI SINH.
 
ĐỖ ANH HOA
5/9/2024
  

Wednesday, September 4, 2024

SINH NHẬT

Nguyên Yên

Minh họa: Ann Phong

tôi cúi xuống thổi ngọn nến hồng
nghĩ về những điều bất tử
đã bị dập tắt
ánh lửa bếp lò bà ngoại đốt
tiếng chim ban sáng hót trong hồn
ba ngàn cánh cửa vào thế giới
giấc mơ mọc cánh chọc trời
ngôi nhà thanh xuân
những cánh cửa mở
cơn gió xa, bông hoa lạ,
rì rào ngôn ngữ trái tim
hành tinh của em
bão trong lồng ngực
mặt trời của anh
 
lửa trong khóe mắt
khu vườn tâm hồn chúng mình
những buổi bình minh
ngây dại tin yêu
thật thà tưởng tượng
bầu trời này mặt đất này
của chúng ta
sao mai của chúng ta
bản nhạc của chúng ta
bài thơ của chúng ta
nụ hôn trên môi ta ngọt
chuyến tàu tuổi trẻ chiếc vé một chiều
những sân ga những điều bỏ lại
hôm nay ngày mai là những hôm qua
những lung linh cuối cùng
chờ tắt.
 
NGUYÊN YÊN 

Monday, September 2, 2024

ĐỌC HAI CÂU THƠ PHẠM CÔNG THIỆN

Vũ Hoàng Thư
 
Mưa trên cây hải đào
 
Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông
(Phạm Công Thiện)
 
Người ta nói đến, bàn luận hai câu thơ trên nhiều nơi, người trầm trồ, kẻ khen ngợi không ít. Có thể vì tên tác giả là Phạm Công Thiện chăng? Tôi tuyệt đối không có ý phê bình sự cảm ứng của người khác về hai câu thơ này, không những thế mà còn tôn trọng ý kiến của họ. Đó là những cảm xúc rất riêng tư từ độc giả, nhất là đối với thi ca, mọi sự phân tích chi li đều trở nên thừa thãi.
 
Đối với cá nhân tôi hai câu thơ trên cũng chỉ thường thường bậc trung, đọc xong rồi quên, nếu không phải vì tên Phạm Công Thiện phía sau. Nhớ đến câu thơ không vì câu thơ hay mà vì huyền thoại dính dấp đến câu thơ. Câu đầu giống hệt như hai hột nước từ hai tác giả Hoàng Trúc Ly và Phạm Công Thiện, ai làm trước, ai làm sau, có lẽ để hạ hồi phân giải khi ta có đủ tài liệu chứng minh. Cũng có thể không bao giờ chứng minh được. Nhưng tại sao phải lập lại nguyên câu của một nhà thơ khác nếu mình sáng tác sau người ta, nhất là trong trường hợp này hai ông quen biết nhau? Chí lớn gặp nhau? Đó là một câu hỏi về to be or not to be...
 
Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn,
Em ngủ một mình đêm gió mưa.
(Hoàng Trúc Ly)
 
Thơ mở ra sự đồng cảm và đồng vọng rất riêng biệt giữa tác giả và người đọc. Chỉ cần một, hai câu, hay nhiều khi vài chữ trong câu là đủ mở ra một khung trời thâm viễn, loạn cấu thiên nhai, ngập tràn hớt hãi, kéo ta xuống vực trầm, nâng ta bay cảnh giới ngoại tầng... Có lạnh xương sống, ụ làn da khi nghe câu thơ “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”  (Không Lộ), một tiếng hú dài vang lạnh băng, dẫn ta về cô phong đỉnh, non quạnh tịch liêu? Hoặc giả,
 
CỐ HƯƠNG
 
Con chim
hót
một tràng sông
nụ cười bản trạch
thơm nồng cõi xa
(Thi Vũ)
 
Vui vầy bản trạch, nơi cố thổ quê cha, nẻo mẹ, có hương mang đậm mùi quê, tiếng quê hương? Con chim ấy nhìn dưới góc độ vũ trụ quan, có phải chim Ca Lăng tần già, tiếng hót là những thiên hà dẫn về quê hương, chẳng phải Le Royaume của Camus nhưng nơi nụ cười chưa bao ngừng ở chốn Di Đà?
 
Và biết bao, những hai câu rộn rã tịch nhiên, dồn lòng đối đãi âm u,
 
ta đi còn gửi đôi giòng
lá rơi có dội ở trong sương mù
(Bùi Giáng)
 
Cái gì đã ra đi và cái gì đã trở về? Lá rơi dội vào sương mù bật tiếng vô thanh. Tiếng ấy ngân dài như trường khiếu, âm ấy rộn lên nụ cười bản trạch chỉ có nòi thi sĩ nghe được. Còn thế gian kia, chiếc lá là chiếc lá, chiếc lá đúng mùa rơi về cội. Họ có biết đâu trong sát na rơi rụng, nổ bùng va chạm giữa định mệnh và sương mù.
 
I hear my steps
passing along this street
in which
Only the mist is real
(Octavio Paz)
 
mà bên này hết bốn bề
chỉ còn sương, thật, sương che thật là
 
VŨ HOÀNG THƯ
6/6/2020
 
Nguồn: http://www.gio-o.com/VuHoangThu.html
 

Sunday, September 1, 2024

VÌ TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM

Khê Kinh Kha
 

Đất nước tôi
 
em tự ngàn xưa
từ muôn thuở
em là ánh sáng
là sông sâu, là núi cao
là rừng rậm
em là thác nguồn là ruộng lúa
là ao cá, là vườn rau
là bờ đê, là hàng dậu
là mặt trời
là ánh trăng, là sao sáng
là ánh sáng là gío cao là mây thấp
là mưa sa, là đường vắng
em là ngọc quí là quế thơm
 
em là nỗi sống là niềm tin
là hạnh phúc
là niềm vui là nỗi nhớ
là sầu đau, là ước vọng
em là trái tim là tình yêu
là quá khứ, là tương lai
là hy vọng là ước mơ
là sự thật là đau thương
em là tất cả
hỡi em ơi
 
xin cám ơn em
người tình muôn thuở
em đã cho tôi màu da vàng lúa chín
một dòng máu Rồng Tiên
một Trưng Vương một Triệu Ẩu
một Quang Trung Nguyễn Huệ
một Đinh Bộ Lĩnh
một Trần Hưng Đạo
một Lý Thường Kiệt
và em đã gieo vào hồn tôi
một Hồ Xuân Hương
một Nguyễn Du
một Huyện Thanh Quan
 
em tự ngàn xưa em đến đây
một dãy giang sơn, một giống nòi
em đã ra đi từ thành Văn Lang
hơn bốn ngàn năm trước
đem máu xương xây thành non nước
đem trái tim xây dựng tình người
từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu
uốn mình theo hình chữ S
có Thái Bình Dương sóng vỗ
ngàn đời như tiếng sáo lững lơ
đã nuôi sống dân tôi bao đời trên bãi cát trắng
có dãy Trường Sơn sừng sững đứng
can trường như chí khí ông, cha
tôi lớn lên
trong khí sắc của cha
với hoài bão của anh em tôi
bao phù sa ước vọng
bao ruộng lúa mơ mộng
và bao suối ngàn chảy cuồn cuộn trong tôi
tôi lớn lên
trong lời ru của mẹ
dịu dàng như tiếng ca dao
mẹ ru con vào đời
ru gío qua sông
ru mưa về nguồn
ru lòng can trường
ru niềm hy vọng
à ơi, à ơi
 
xin cám ơn em
hỡi em Việt Nam ơi
em đã cho tôi làm người Việt nam
cho tôi nỗi sống can trường
tôi lớn lên vội vã như cỏ cây
như trăng soi như gío thoảng
trên quê hương tan nát
trên quê hương nghèo rách
trên quê hương lệ nhiều hơn cơm gạo
nhiều hơn mộng mị
nhiều hơn ước ao
trái tim chúng tôi đầy thương tích
tuổi trẻ chúng tôi như lá đổ
chúng tôi thèm hoà bình hơn thèm hơi thở
thèm tự do hơn thèm sự sống
em Việt Nam ơi
 
xin cám ơn em
hỡi em Việt Nam ơi
hôm nay đây
tôi làm thân phận mây trôi
với mộng ước quê hương thanh bình
và trong hồn tôi đầy ắp những ruộng vườn
những bờ ao, những lũy tre gìa
cùng bao kỷ niệm lớn lên
đầy ắp những giọt lệ tha hương
em ơi !
là nhờ…
tôi là người Việt Nam
 
xin cám ơn em
hỡi em Việt Nam ơi
cho tôi được làm người Việt Nam
tên tôi là tên Việt Nam
máu tôi là máu Việt Nam
tiếng tôi nói là tiếng Việt Nam
đôi mắt xếch của tôi là mắt Việt Nam
sóng mũi thấp của tôi là sóng mũi Việt Nam
nụ cười của tôi là nụ cười Việt Nam
nước mắt của tôi là nước mắt Việt Nam
trái tim tôi là trái tim Việt Nam
tình tôi là tình Việt Nam
 
Việt Nam ! Việt Nam !
 
con tôi cũng là Việt Nam
nói tiếng Việt Nam
làm thơ Việt Nam
soạn nhạc Việt Nam
làm tình Việt Nam
 
hôm nay tôi sống đây
tôi biết yêu
biết thương mến mọi người
biết di tích ông bà
biết ngâm câu Kiều
biết hát ca dao
biết ăn nước mắm
biết húp bát phở
biết giỗ cúng ông bà cha mẹ
biết đi tìm tự do, dân chủ cho quê hương tôi
cho đồng bào tôi
cho những linh hồn chết vì chiến tranh
những linh hồn trên biển cả
những linh hồn trong trại tù
 
là vì cũng nhờ
tôi là người Việt Nam
 
vì tôi là người Việt Nam
có da vàng mầu lúa chin
có trong mình giòng máu Rồng Tiên
làm sao tôi sống nổi khi không còn tình em
hỡi em Việt Nam
hỡi em Việt Nam
 
KHÊ KINH KHA