Tác phẩm của Đỗ Hồng Ngọc
Anh
Đỗ,
Thư
anh đến trong lúc tôi đang đọc quyển sách của Mark Epstein, nhan đề là “Advice
not given”. Đây là quyển sách thứ ba của cùng tác giả mà tôi đọc, toàn là xếp
vào hạng best-sellers ở Mỹ. Epstein là bác sĩ tâm thần nổi tiếng. Nổi tiếng vì
là thầy thuốc giỏi. Và nổi tiếng là nhà Phật học uyên thâm. Có gì lạ đâu, phải
không anh Đỗ? Đức Phật của chúng ta đã chẳng là thầy thuốc đó sao! Lặn lội trong
chuyên môn phân tâm học với Freud, với Jung, ông chợt thấy đức Phật, ông lặn lội
qua Tây Tạng “học Phật”, học cả với các danh sư ở Mỹ, và ông đem đạo Phật áp dụng
vào chuyên môn của ông, rốt cuộc ông nổi tiếng cả hai, cả cách trị liệu tâm thần,
cả tư tưởng Phật giáo. Ông sống với đạo Phật trong chuyên môn, ông sống với đạo
Phật trong đời thường, càng sống ông càng hiểu thêm đạo Phật, ông đem hiểu biết
đó vun trồng trên đất Mỹ cho hợp với thủy thổ xa lạ, và đạo Phật bây giờ sáng
trên thủy thổ ấy, anh Đỗ à, tôi cho rằng đích thị hai chữ “học Phật” là như vậy.
Hay
thật, anh đâu có biết ông ấy, ông ấy đâu có biết anh, vậy mà tay trong tay, anh
đi cùng đường và cùng “học Phật” như thế. Lý tưởng, hành động, cuộc đời, cao đẹp
thay là ông thầy thuốc tương chao!
Anh
Đỗ, bây giờ tôi hỏi anh câu này nhé, vì anh với tôi đều đã đọc “Tổng Quan về
Nghiệp” của Thầy Tuệ Sỹ: Anh “học Phật” trước hay học Y trước? Chắc anh sẽ trả
lời: hiển nhiên là học Y. Nhưng mà, nghĩ thêm chút nữa, cái gì xúi anh học Y?
Cái gì xúi anh thích Y? Cái gì xúi anh thành ông bác sĩ như thế, lúi húi hành
nghề rồi lúi húi dùi mài kinh kệ? “Cái đó”, tôi chắc là anh có trước khi học Y.
“Cái đó”, tôi cũng chắc là ông Epstein có trước khi thành danh với bác sĩ tâm
thần. “Cái đó”, chính là cái xúi anh đến với Phật mà anh không biết đó thôi,
anh đến với Phật trước khi học Y. Anh “học Phật” từ lâu rồi, từ kiếp nảo kiếp
nao, để bây giờ thành danh với… Đỗ Hồng Ngọc. Cho nên tôi nói: “Tiên học Phật,
hậu học…”. Hậu học cái gì cũng được, cái gì cũng thành danh, ít nhất là thành
danh con người.
Nhưng
tôi chưa nói hết: anh đâu phải chỉ là ông thầy thuốc, cái danh của Đỗ Hồng Ngọc
còn là con người thơ. Cũng vậy, tôi cũng lấy từ “Tổng Quan…” mà ra: thơ đến với
anh từ trước khi anh làm thơ. Thơ là tiếng nói trong tận cùng thâm cung bí sử của
tư tưởng. Cái gì mà tư tưởng không nói nên lời được thì phải diễn tả bằng thơ.
Thơ đời Lý đời Trần là như vậy. Và thơ đó, chắc anh đã đọc không phải chỉ ở
trong kiếp này. Cho nên bây giờ hồn anh nhập vào thơ của Thầy Tuệ Sỹ. Cho nên
bây giờ anh thấy Phật trong thơ. Cho nên bây giờ một tay anh bốc thuốc, một tay
anh viết thơ, thuốc thơm mùi thơ, thơ thơm mùi thuốc.
Còn
có chuyện này nữa, hơi khó nói. Tôi thấy thấp thoáng có một người thứ ba nữa nấp
sau hai con người kia. Thấp thoáng thôi, đây đó, kín đáo, chỉ nghe tiếng cười
cười, tinh tế lắm mới nghe. Chẳng hạn khi anh nói chuyện ngồi thiền. Tất cả đều
nghiêm trang, tôi chỉ trích mấy câu cuối:
Hơi thở xẹp xì
Thân tâm an tịnh
Không còn ý tưởng
Chẳng có thời gian
Hạt bụi lang thang
Dính vào hơi thở
Duyên sinh vô ngã
Ngủ uẩn giai không
Từ đó thong dong
Thõng tay vào chợ.
Rất
nghiêm chỉnh, kể cả lúc anh vô chợ mà chẳng để mua gì, vì hai tay thõng thế kia
thì làm thế nào móc túi lấy tiền? Thế rồi anh cắt nghĩa: “Mặt hồ tĩnh lặng thì
không cần ghi bóng con hạc bay qua, không cần biết hạc vàng hay hạc đỏ, hạc trống
hay hạc mái…” Ối giời, hạc vàng thì chỉ bay trên lầu Hoàng Hạc trong thơ Đường,
đâu có bay trên mặt hồ Sài Gòn hay Phan Thiết? Bạn tôi nhầm với con vạc “như
cánh vạc bay” rồi chăng? Không phải đâu. Nhà thơ nghĩ ra hai chữ “trống mái” rồi
nhà thơ khoái chí vừa hạ bút vừa cười cười, hạc hay vạc thì có gì đáng quan
tâm?. Ấy là bụng để ngoài da, con người thứ ba “anh linh phát tiết ra ngoài” đấy
nhé. Có ai đa tài mà chẳng đa… tình?
Tôi
“học Phật”, ngồi thiền với anh, thỉnh thoảng thấy tâm có hơi lộn xộn như thế,
chắc anh cũng cười cười mà thông cảm nhau. Nhưng, nói nghiêm chỉnh nhé, con người
thứ ba là cái duyên của anh. Chữ nghĩa mà không có duyên thì buồn lắm. Cho nên
thỉnh thoảng anh cứ cho anh chàng thứ ba ấy cười cười một chút như thế, và mọi
người sẽ cùng vui mà “học Phật” với anh.
Thân
mến,
CAO
HUY THUẦN
Paris, Oct 29, 2021
No comments:
Post a Comment