Friday, August 5, 2022

DU TỬ LÊ, ‘TUNG CÁNH VÀNG XƯA HẠC VÚT BAY.

Đỗ Hồng Ngọc
 
Đỗ Hồng Ngọc & Du Tử Lê
 
Trang dutule.com, ngày 3 tháng 9-2010 có một tin ngộ:
 
“ Đỗ Hồng Ngọc và, puzzle… thơ!”
Tháng 10 năm 2009, Cơ sở H.T. Productions ấn hành thi phẩm “năm chữ du tử lê và, mười hai bài thơ, mới.” 
Bằng vào tình bạn có với nhau tự những năm đầu thập niên 1960 ở Saigòn, nhà thơ Đỗ Nghê (Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,) đã nhặt một số câu trong nhiều bài năm chữ khác nhau của Du Tử Lê, sắp lại theo kiểu…những mảnh puzzle, thành một bài thơ khác. Khá dài. Gửi ngược lại cho bạn.
Tác giả “năm chữ du tử lê và, mười hai bài thơ, mới” cho biết, ông thích lắm, cuộc đùa nghịch mang tính văn chương và, ý nghĩa này.
Hôm nay, chúng tôi xin gửi tới quý thân hữu trang nhà dutule.com tác phẩm “phối hợp nghệ thuật” của nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, nhan đề “năm chữ du tử lê và,”. Như một món quà tinh thần nhỏ, trong lãnh vực chữ nghĩa của hai tác giả hiện đang sống ở hai đầu… trái đất.
Trân trọng. 
 …………………………………..
Xin được nói rõ thêm một chút.
Cuối năm ngoái, Lữ Quỳnh mang về tôi tập thơ “năm chữ du tử lê và, mười hai bài thơ, mới” với những minh họa rất thơ của Đinh Cường, có kèm cả CD do chính Du Tử Lê đọc. Anh ghi: gửi người thầy thuốc - nhà thơ dễ thương nhất nước, Đỗ Hồng Ngọc.
Tôi lần giở. Ngạc nhiên thấy có mấy dòng “căn dặn” độc giả: “… Xin đừng đọc quá 3 bài thơ năm chữ, và không nhiều hơn 1 bài, ở những thể loại thơ khác của tôi, trong mỗi lần đọc. Trân trọng. DTL”. 
 
Tôi cười. Đúng là dutule! Rõ ràng nhà thơ đã tự “chẩn đoán” ra cái bệnh của thơ mình. Anh biết nếu độc giả mà đọc một lèo nhiều bài thơ 5 chữ của anh thế nào cũng mắc nghẹn, phát ách, hoặc …tẩu hỏa nhập ma! Nhiều năm nay, đọc thơ Du Tử Lê đôi khi tôi cũng “phát ách” như thế. Nào phẩy, nào chấm, nào gạch ngang, gạch dọc… Dĩ nhiên nó đều mang những thông điệp, những ý nghĩa. Nhưng… phát ách! Làm như cứ phải nhập “vô lượng nghĩa xứ định” trước khi đọc vậy! Tôi bèn thử nghe CD xem sao. Ô kìa, trong CD lại khác hẳn. Anh đọc thơ trơn tru bằng thứ chất giọng truyền cảm của mình như ngày nào. Thì ra khi đọc, anh đọc theo cái nghĩa. Khi viết, anh viết theo cái ngữ.
Tôi vốn thích thơ dutule vì cái tình, hình ảnh, nhạc điệu, nhất là cái “tứ” rất riêng của anh. Lần này, vì bị anh “cấm” không cho đọc quá 3 bài thơ năm chữ của anh, tôi bèn lật xem thử cái Mục lục trước. Và ơ hay! Tôi phát hiện ra một bài thơ năm chữ rất dutule ở đây. Chính cái Mục Lục đó với tôi, đã là một bài thơ năm chữ, có thể còn là một bài hay nhất trong tập thơ này. Tôi tủm tỉm cười, chép lại và gởi cho bạn xem anh có nhận ra là bài thơ nào, tự đâu, bao giờ không. Anh rất vui, đúng là thơ dutule nhưng đã… không nhận ra bài thơ “trời ơi” này đã từ cái Mục lục ghép thành!
 (dưới đây là bài “thơ” do Đỗ Nghê ghép từ tựa các bài thơ 5 chữ trong Mục Lục tập thơ DTL)
 
 NĂM CHỮ DU TỬ LÊ VÀ, 
 
trở giấc cùng hư vô,
chưa ai từng có mặt,
chúng ta những đứa trẻ
cần quá đi tình yêu. 
bão đi qua bàn tay,
sương, chiều, trên môi đấy,
tôi: được người cứu chuộc,
gai lũy thừa vết xước, 
nuôi tôi lời hứa, dối,
môi nhỏ nhắn nỗi buồn,
những ngón tay biệt, ly,
trong tiếng cười quặt quẹo, 
tâm chất đầy phế liệu,
xúc xiểm tôi, mùi hương,
trăng khuyết chiều hóa trị,
môi nhỏ nhắn nỗi buồn, 
tín cẩn tôi: nỗi đau
chúng ta ngoài thế giới
nhận mũi đinh tuyệt vọng,
niết bàn nanh chó sói, 
dutule
 
Dĩ nhiên, đúng như anh nói, chỉ là một chuyện đùa vui trong chỗ bạn bè.
……………………………
Phải nói dutule “lừng lẫy” với thơ đã từ lâu, xứng đáng ngồi một mình một vuông chiếu (luân hoán), nhưng với tôi, có một điều muốn nói riêng với bạn: du tử lê khổ quá, với thơ!
Mà không phải mình tôi đâu. Đọc Nguyễn Vy Khanh coi. Ông có những nhận xét thấu đáo. (https://luanhoan.net/Bai%20Moi%20Trong%20Ngay/html/bm%2016-4-03.htm)
Du Tử Lê đã liên tục thử nghiệm, canh tân, suốt cuộc đời làm thơ và có vẻ không lùi bước! Ông muốn làm mới ngôn ngữ, biến hóa cấu trúc, cách đặt câu, chấm câu, làm mới cách diễn tả thơ (và văn) trên trang giấy, đem thị giác mới đến với thơ.
 Du Tử Lê cho rằng đời sống hiện nay như những mảnh vụn, nên xử dụng những dấu chấm, phẩy để cắt vụn câu thơ…. Dùng dấu gạch chéo slash / để cho phép người đọc đổi vị trí chữ theo ý riêng, làm nhịp đi của câu thơ được ngắt lại; tính và chiều đi tới của câu thơ được cởi bỏ để thơ có tự do chuyển động hai chiều và (…), người đọc tự do đổi vị trí các chữ hoặc nhóm chữ đứng trước gạch chéo đến một vị trí khác trong câu thơ nếu muốn (...) thay thế giới tự (preposition) với thí dụ "Rừng / tôi / sâu / thở / nốt chân trời" trong đó ba chữ Tôi / Sâu / Thở có thể đổi vị trí để thành những câu và ý nghĩa khác câu nguyên bản. Rồi "chẻ chữ để thêm nghĩa": "Sương, trần thân mây chia, ly / nhập chung nỗi chết : sầu khô, héo về" ( Chấm Dứt Luân Hồi : Em Bước Ra). "Và, ngày cù sương: bay lên / nắng thâu phế liệu; em truyền nhiễm, thơ / (...) và chiều cù ta: chìm, rơi / ai /vai / bồ tát / tim / ngồi ghế sau" (Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà).
(…)
 
Tôi thấy thương dutule! Tự nhiên làm khổ mình với thơ! Khi về Việt Nam năm 2009, anh vạch bụng, chìa tôi xem vết mổ K đại tràng với cái túi đeo lủng lẳng bên hông… Tôi nhìn khí sắc anh nói không sao đâu. Rồi tôi nghĩ thơ anh phải chăng cũng ít nhiều bị ảnh hưởng với những  “buổi chiều hóa trị”, và cái tủi lủng lẳng kia... Những lần sau, tôi cùng Du Tử Lê, Vũ Hoàng, Phạm Chu Sa ngồi cafe quán cốc, cũng có nhắc một chút về chuyện… “mần” thơ. Chàng có vẻ lắng nghe. Những lần sau nữa, với Thân Trọng Minh, Hạnh Tuyền và vài thân hữu, chúng tôi chỉ nói chuyên món ăn… quán Lục Tỉnh dưới cơn mưa mùa hạ…
Tôi thấy thơ dutule tự nó đã hay từ trong cốt cách, từ trong tiếng Mẹ của anh, không cần “phu chữ” thịt bắp vai u…
Bởi thơ đi thẳng vào tâm hồn người mà tâm hồn vốn… “vô tướng” (phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, Kim Cang kinh)… 
Vốn nhà quê thứ thiệt, tôi ưa những câu thơ như thò tay ngắt một cọng ngò/ thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ, hoặc trèo lên cây bưởi hái hoa… nó chân chất, mà thiệt ra đàng sau đó là cả một mênh mông của chân không diệu hữu…
………………………….
Hơn nửa thế kỷ trước, Đỗ Nghê là người giới thiệu Thơ Du Tử Lê, trên tập san Tin Sách do Trung Tâm Văn Bút Việt Nam xuất bản, bộ mới, số 38, tháng 5-1965, tập thơ đầu tay của anh, do chính tác giả tự xuất bàn.  
 . Chúng tôi chưa hề quen biết nhau. Tôi viết bằng tâm cảm của một người yêu thơ.
 
Tôi chưa biết Du tử Lê, nhưng đọc thơ anh tôi thấy như quen đã từ lâu, rất gần gũi (…). Du tử Lê đến bằng bước chân ca dao, ngọt ngào, tình tứ, bằng một tâm hồn yếu đuối, đam mê và rất nhiều dằn vặt, xót xa về quê hương, về số kiếp… 
tôi còn tiếng nói
tôi còn linh hồn
tôi còn dĩ vãng
tôi còn quê hương
tôi còn lịch sử
tôi còn là tôi
(tuyên ngôn) 
(…) Thơ Du tử Lê giản dị mà không thiếu truyền cảm vì đã nói lên ý nghĩ thực: không cầu kỳ, không ngạo nghễ, kiêu sa như phần đông những nhà làm thơ thời thượng. 
Bắt đầu một ngày
Con người múa may
…..
Kết thúc một ngày
Con người thua cay…
(Một ngày của con người) 
(…) Bên cạnh một Du tử Lê đầy hoang mang, khắc khoải, thao thức đó, còn có một Du tử Lê mềm yếu, đam mê, lãng mạn. Ở đây Du tử Lê cũng trung thành với kỹ thuật của anh. Không có những cầu kỳ, bí hiểm, sáo ngữ mà là những lời ca dao (…)
* tình tôi đam mê hồn tôi yếu đuối
ánh mắt nụ cười em đã giết tôi… 
* mai em có con tay bế tay bồng
mai em yêu con, mai em thương chồng
tôi chỉ xin em một lần kể lại
chuyện em sang sông: có tôi đau lòng
                          (thư cho em) 
Và cái nhìn đầy triết lý bi quan
cầm bằng bãi gió mây qua
đôi chân nhỏ dại lỡ sa vào đời
cầm bằng nước mắt trôi xuôi
tiếng đâu thê thảm ru dài không gian
(Cầm bằng) 
(Đỗ Nghê- Tin sách Bộ mới, số 38, tháng 5-1965 trang 9-11) 
 
Không biết Du Tử Lê bây giờ khi đọc lại những dòng này thấy sao, có ngượng, có thấy hồi xưa mình… ngây thơ quá, thơ gì mà thiệt thà quá! Lúc đó bọn tôi đều mới ngoài hai mươi!
Những năm gần đây, khi có dịp gặp lại nhau ở Saigon, Du Tử Lê  thường nhắc: Thời đó, một nhà thơ trẻ, có tập thơ đầu tay bao giờ cũng bị… đập, vậy mà Đỗ Nghê đã viết những lời trang trọng. Còn tôi, tôi cũng nói với bạn rằng tôi nghĩ thơ là tấc lòng, “thốn tâm thiên cổ”, cái còn lại là cái tình. Chẳng hạn, với tôi, khi nhắc Du Tử Lê tôi chỉ còn nhớ  “Như loài chim bói cá. Trên cọc nhọn trăm năm. Tôi tìm đời đánh mất… Thụy ơi, và tình ơi…” (Khúc thụy du, DTL) hay gần đây “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển / Đời lưu vong không cả một ngôi mồ / Vùi đất lạ thịt xương e khó rã / Hồn không đi, sao trở lại quê nhà” (DTL). Nhiều câu chữ, chấm, phẩy, cấu trúc nọ kia tôi không nhớ đâu, mà cũng chẳng cần nhớ, nhưng cái tình trong thụy ơi và tình ơi hay hãy đem tôi ra biển thì tôi không thể nào quên. 
Tôi bỗng nhớ trên Tạp chí Thơ, có một bài viết về thơ “tương tác”, rằng với hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương:
“Em ơi lửa tắt bình khô rượu
 Đời vắng em rồi say với ai?”
có thể đọc theo lối ngắt dòng, ngắt chữ thành:
Em ơi /
Bình rượu khô /
Lửa tắt.
Vắng em /
Say với ai /
Rồi đời!
 
Nhớ năm 1973 thì phải, dutule ôm thằng con nhỏ chạy vào bệnh viện Nhi đồng tìm tôi ở phòng Cấp cứu. Thằng nhỏ bị bệnh Bạch hầu (Dipthérie) nặng, màng giả (fausse membrane) đã lan rộng, chặn nghẹt cổ họng làm hết thở!  Bé lập tức được đặt ống nội khí quản giúp thở, làm hô hấp nhân tạo và chích huyết thanh, vaccin, cùng kháng sinh các thứ… 
Rồi một tối nọ, anh gọi tôi khẩn cấp: Đỗ Nghê đến “cứu” mình với! Thì ra có một nữ độc giả ái mộ thơ Du Tử Lê đang ngồi đợi anh ở quán café H, Đakao. Anh kẹt vì một lý do gì đó không biết, nhờ tôi tới “cứu bồ”. Tôi xách xe đến gặp cô nàng trò truyện… suốt buổi về thơ Du Tử Lê!  Mấy chục năm sau, gặp lại Du Tử Lê và phu nhân của anh về thăm quê hương hóa ra là nàng… Chính là cô gái mê thơ dutule tôi đã gặp năm xưa ở quán café!
Có người nói anh có số đào hoa! Có người nói anh có cái giọng khiến con kiến… trong hang cũng phải bò ra! Tôi không biết. Với tôi, anh vẫn vậy. Nhỏ nhẹ. Dễ thương. Lãng mạn. Sâu sắc.    
Năm 2017, bỗng có bài viết trên dutule.com về thơ đỗ hồng ngọc/đỗ nghê, như là một lời trần tình, một trao đổi những nghĩ suy về thơ và “mần” thơ của chúng tôi:
 
ĐỖ HỒNG NGỌC, THƠ NHƯ MỘT HẠNH PHÚC?
dutule.com  21.11. 2017
 
Du Tử Lê
 
Nhiều độc giả (kể cả một số người có làm thơ), nói với tôi rằng, biết làm thơ và làm được thơ là một hạnh phúc! Tôi nghĩ khác.
Với tôi, trừ những người đến với thi ca như một thời thượng, làm dáng, hoặc, một cuộc du ngoạn ngắn hạn thì; làm thơ là một lao động (tinh thần,) vất vả. Một thao tác trí tuệ ngặt nghèo. Thường khi bất lực. Đuối sức. Với tôi, đó là một cuộc chạy đua việt dã không đích đến. Không bạn đồng hành. Khi đối diện với bài thơ thì, chỉ có mình y, cùng lắm là… chiếc bóng.
Ngoài ra, tôi chưa thấy một cá nhân bình thường, không bị một khuyết tật tinh thần nào, lại ở được bền lâu, với thi ca. Tôi cũng chưa thấy một cá nhân thỏa mãn mọi lãnh vực trong đời thường, có thể tạo được một hôn phối tốt đẹp với thi ca. Tại sao?
Xin thưa, vì căn bản, thi ca là đỉnh ngọn chênh vênh, nhọn, sắc nhất của định mệnh bất toàn.
Vì căn bản, thi ca là cõi trú đầu tiên và, cuối cùng của những tâm hồn bất an.
Những sinh phần liu điu, cần sự cân bằng sinh-thái-tinh-thần…
Hiểu như thế, với tôi, nhà thơ trước nhất, là người thợ đào bới để làm mới những con chữ đã cũ, hoặc hình ảnh, chân dung những mảnh đời đã mất. Khi tìm được những hầm mỏ chữ, nghĩa, những “trầm tích” gặp được ở độ sâu đủ thì, tôi cho, đó là lúc nhà thơ sức thả mình, rớt xuống. Y hoàn tất cuộc đua việt-dã-trí-tuệ (một mình.) Y hoàn tất trận đánh sinh, tử (dài lâu), với địch thủ trên cơ: Định mệnh. Y san bằng mọi bất toàn. Y cân bằng sinh-thái-thân-tâm. Nhưng, đau đớn thay, đó cũng là lúc, y thấy tận cùng vẫn là thất bại, hiểu theo nghĩa nào đấy – – Để rồi y lại khởi sự một lên đường khác (?)
Trên hành trình chữ nghĩa, ở đôi ba giao lộ, tôi may mắn được gặp một số bằng hữu. Những thi sĩ. Trong đó, có Đỗ Hồng Ngọc. Thi sĩ.
Tôi không chủ quan nghĩ rằng, Đỗ Hồng Ngọc, sẽ sẵn sàng chia sẻ những quan điểm của tôi về thi ca và, đời sống: Chữ nghĩa và sự bất toàn. Khuyết tật và định mệnh.
Nhưng, là người dõi theo hành trình văn chương của Đỗ Hồng Ngọc, trên dưới sáu mươi năm qua – – Từ những bài thơ đầu đời, tới những bài thơ mới nhất trong thi phẩm “Thơ Ngắn / Đỗ Nghê” (của năm 2017), tôi nghĩ, Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc, thi sĩ, không chỉ muốn hoàn tất cuộc đua việt-dã-trí-tuệ (một mình). Ông cũng không chỉ muốn hoàn tất trận đánh sinh, tử (dài lâu,) với địch thủ trên cơ, định mệnh. Mà, ông còn muốn trả ơn người, tạ ơn đời bằng chính những lao tác tinh thần, song song với những lao động đời thường, với tư cách một bác sĩ, của ông nữa.
Ở quá xa, tôi không thể tìm đến ông (như ngày nào), để ngả mũ chào ông: Một thi sĩ. Tôi viết xuống, những dòng chữ này, như một lời xin lỗi, thi sĩ.
Hôm nay, giữa thập niên 2010s của một thiên niên kỷ khác, tôi lại thấy tôi sẽ rất không phải với họ Đỗ, nếu không sớm nói với Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc rằng, cá nhân tôi, cũng rất biết ơn ông với những trang văn xuôi đẹp như thơ, ông gửi cho người, cho đời. Thí dụ “Gió heo may đã về”. Thí dụ “Già ơi…Chào bạn”. Thí dụ “Nghĩ từ trái tim”. Thí dụ mới đây: “Ghi chép lang thang”… và nhiều nữa!
Tôi thích lắm tựa đề của tác phẩm của họ Đỗ. Ông gọi đó là những “Ghi chép lang thang”, đúng nghĩa… lang thang – – Nơi trang 287 và 288 của tác phẩm này, khi phải trả lời câu hỏi của độc giả Lê Uyển Văn, tác giả giải thích, ghi chép lang thang, thực ra là những ghi chép không đầu không đuôi, kiểu “cà kê dê ngỗng” trong lúc lang thang nơi này hay nơi khác. Ông chợt nghĩ, chợt nghe, chợt nhớ… một điều gì đó có khi chỉ là mùi khoai nướng, có khi chỉ là mùi dĩa bánh căn, mùi cá khô đuối xúc hột vịt…, thậm chí mùi phân trâu bò trên đường làng cũ, nhưng cũng có khi là một câu nói đanh thép của nhà vua trong bảo tàng viện với hàng trăm chiếc… thuyền thúng giăng ngang bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng một ngày lộng gió…
Cũng trong 2 trang sách vừa kể, với bản chất khiêm cung, luôn chọn vị trí cách xa ánh đèn sân khấu tiền trường, giấu mặt trước những lời khen dù chân thật của đám đông, Đỗ Hồng Ngọc đã viết thêm:
Tác phẩm “Ghi chép lang thang” của ông, không phải là chuyện ‘văn chương chi sự’ mà, chỉ là những ghi chép riêng tư cho đừng quên với người tuổi tác.
Thế rồi thế giới bỗng nhiên phẳng, người người trong nháy mắt có thể tâm tình trao đổi cùng nhau, bèn cùng mò mẫm mà “tung” lên cho bạn bè gần xa khắng khít nhau hơn. Ghi chép lang thang như vậy cũng chỉ là những cảm xúc bất chợt, không tính toán, không… hư cấu. Mà thực ra ‘ghi chép’ cũng chẳng phải là “ghi chép”… Ông nói:
“… Có khi viết lách lăng nhăng dòm trông giống bài thơ mà không biết có phải thơ không, hoặc có khi ngoằn ngoèo như một phác thảo… mà không biết phải họa không”…
Sau này, được đọc nhiều bài biết của bằng hữu về cõi giới văn chương Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc, tôi thấy dường như quan điểm của tôi về văn chương của Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc, có nhiều phần nghịch với quan điểm của nhiều tác giả khác.
 
Thí dụ nhà văn Nguyễn Lệ Uyên, khi viết về thế giới thi ca Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc, trong bài tựa đề “Khói trời phương đông”, đã ghi nhận rằng, Với hơn 30 tác phẩm đã xuất bản từ năm 1967 đến nay, từ những bài tùy bút cho đến thơ, họ Đỗ luôn trân trọng với chữ nghĩa. Ông không hề đùa cợt với chữ nghĩa, “lên gân” cho mọi sự vật… Ông cẩn thận quan sát những hiện tượng quanh mình, trong chính cuộc đời mình y như người thầy thuốc chẩn đoán căn bệnh cho bệnh nhân. Bởi vì căn bản ông là một thầy thuốc yêu nghề, có lương tâm.
Ngoài cốt cách văn chương, những suy nghĩ của họ Đỗ về các vấn đề xã hội, đời sống, không xa vời; nó gần gũi, quanh quẩn, ẩn núp đâu đó quanh ta mà ta chưa thể nhìn thấy; chỉ đợi khi ông viết lên, đọc lại, ta mới chợt thấy ra…Nó vẫn có đấy nhưng ta không nhìn thấy, không nghĩ ra được nhỉ?
Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên nhấn mạnh rằng, những điều bình thường cũ rích, trong đời sống, nhưng qua ngòi bút của Đỗ Hồng Ngọc, chúng được “hóa giải, đã giúp ta từ bỏ thói quen nhìn, nghĩ đời sống quanh ta, một cách hạn hẹp… bất cập –  Để từ đó, ta có được cái nhìn cởi mở, thênh thang, không thiên kiến…”
Tôi cũng không quên mới đây, nhà thơ Phạm Chu Sa đã ghi nhận một cách chi tiết, chân tình về Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc. Nhưng dù các bài viết về cõi-giới văn chương của ông, thâm trầm hay nhẹ nhàng, đơn giản thì, tự thân những bài viết ấy, cũng đã thắp sáng những thành tựu, hiểu theo nghĩa “hạnh phúc” mà Đỗ Hồng Ngọc đã đạt được.
 
Nhà thơ Phạm Chu Sa cho rằng, nhiều người nghĩ Đỗ Hồng Ngọc là một bác sĩ làm thơ, viết văn và gọi anh là bác sĩ-nhà văn, nhưng Phạm Chu Sa cho biết, ông vẫn thích gọi Đỗ Hồng Ngọc là “thi sĩ hơn là bác sĩ,” bởi vì Đỗ Hồng Ngọc có cốt cách thi sĩ trong con người bác sĩ.
Phạm Chu Sa kể rằng Đỗ Hồng Ngọc làm thơ và có thơ in từ thời sinh viên – tập “Tình Người” (xuất bản năm 1967), ký bút hiệu Đỗ Nghê. Mấy năm sau khi ra trường là “Thơ Đỗ Nghê” (in năm 1973). Tập thơ đã gây được tiếng vang trong văn đàn thuở đó. Sau này ông trích một số bài trong hai tập thơ trên in lại trong các tập thơ “Giữa Hoàng Hôn Xưa” (1993), “Thư Cho Bé Sơ Sinh và Những Bài Thơ Khác” (2010).
Bài thơ làm tựa chính “Thư Cho Bé Sơ Sinh…” Đỗ Hồng Ngọc viết năm 1965, khi còn là sinh viên y khoa thực tập tại bệnh viện Từ Dũ: “Khi em cất tiếng khóc chào đời/ Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười/ Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao kẻ cười người khóc/ Trong cùng một cảnh ngộ nghe em…/ Khi anh cắt rún cho em/ Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé/ Vì từ nay em đã phải cô đơn/ Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ… Thôi trân trọng chào em/ Mời em nhập cuộc/ Chúng mình cùng chung/ Số phận con người” (Một bài thơ đặc biệt vì dường như chưa nhà thơ nào viết về đề tài này).
(…) Để chấm dứt bài viết của mình, nhà thơ Phạm Chu Sa khẳng định: “Tôi nghĩ sau này người ta có thể quên một bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhưng người ta không quên Đỗ Hồng Ngọc thi sĩ.”
Không chỉ Nguyễn Lệ Uyên hay Phạm Chu Sa mà còn nhiều bằng hữu khác, ghi nhận về tiếng thơ Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc như một thành tựu tốt đẹp, dẫn người đọc tới kết luận những người làm thơ, được nhiều người ưa thích, là những người có được cho họ niềm hạnh phúc tinh khiết trong cuộc sống thực tế chấp chới những khổ đau, bất toàn này.
 
Đa số bằng hữu của họ Đỗ cho rằng về hạnh phúc có được từ thơ, của Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc khiến tôi thấy cảm nhận của tôi về những “lao động” thi ca của những người làm thơ có phần không đúng. Ít nhất cũng đối với Đỗ Nghê.
Tôi càng thấy sự “cường điệu hóa” (?) của tôi về hành trình của thi ca của Đỗ Nghê trong quá khứ là những nhận định thiếu cơ sở – tiêu biểu là thi phẩm mới nhất, có tên “Thơ Ngắn / Đỗ Nghê” của ông.
Tôi không muốn nói về những bài thơ ngắn của họ Đỗ, có xu hướng thơ Haiku của Nhật bản: Ngợi ca thiên nhiên hoặc tương tác giữa con người và vũ trụ,… đã hiện diện khá nhiều trong thi phẩm mới nhất của ông.
Người đọc sẽ rất khó tìm thấy những bày tỏ bi quan, hoặc than thở, “vật vã” trong thơ Đỗ Nghê, nhất là với thi phẩm “Thơ Ngắn/Đỗ Nghê” mới ấn hành những ngày cuối năm 2017 này. Ngay cả khi tác giả viết về phần thịt, xương đã mất, như:
 
“Mỗi năm
Mỗi người
Thêm một tuổi
Chỉ mình con
Mãi mãi
Tuổi đôi mươi…”
(Bài “La Ngà 3” – 1990)
 
Hoặc tương quan với kẻ khác:
 
“Khi nhìn nhau xa lạ
Là rất đỗi thân quen
Khi nói năng vô nghĩa
Là thác reo trong hồn.”
(Bài “Không Tên”)
 
“Lá chín vàng
Lá rụng
Về cội
Em chín vàng
Chắc rụng
Về anh.”
(Bài “Lá”)
 
Hay ảnh hưởng của thiên nhiên, vũ trụ lớn vào vũ trụ nhỏ là cá nhân con người:
 
“Tuyết bay
Bay nhẹ
Phố tàu
Gió co
Ro lạnh
Phố
Đìu hiu
Theo”
(Bài “Tuyết” – Boston, 1993)
 
“Chiều thu
Nghe tiếng quạ
Giật mình
Nỗi xa nhà
Nhớ sao
Mà nhớ
Quá!”
(Bài “Thu” – Boston, 1993)
 
 “Nước xanh như ngọc
Sâu đến tận trời
Vốc lên một vốc
Ơi mùa Xuân ơi!”
(Bài “Tuyền Lâm”)
 
Ngay cả khi nhớ tới và viết về đứa con đã mất của mình, một tai họa khủng khiếp, ai cũng tưởng, Đỗ Nghê sẽ không thể vượt qua được. Nhưng, tâm thái của một hành giả: Hiểu thấu sống, chết… cách gì cũng không ra khỏi lẽ vô thường, họ Đỗ đã nhìn sự việc như một bài học tự nhiên đời sống mà thôi:
“Ba dạy con
Mỗi ngày
Một chút
Không bài học nào
Như ba đã học
Từ con
Nỗi mất!”
(Bài “La Ngà 5” – 1990)
 
Hoặc về người mẹ đã qua đời mình, ông vẫn có cái thanh tịnh lạc quan, của một tâm thức không còn trụ, bám vào mất còn:
“Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…”
(Bài “Bông Hồng Cho Mẹ” – 2012)
 
Hoặc:
“Mẹ tôi cứ vẫn cười cười như thế
suốt ba năm trên bàn thờ!”
(Trích “Nụ Cười Của Mẹ” – 2014)
 
Tôi cho những phong thái kể trên của Đỗ Nghê là phong thái của một hành giả đã khu trừ được cái tâm nhiễu loạn, nguồn gốc của cái “tôi,” để thong dong dạo chơi giữa vườn đời…
Tôi thấy trong Đỗ Nghê không chỉ có một thi sĩ mà, thi sĩ ấy, còn song sinh với một thiền gia nữa. Như thiên/địa, nhật/nguyệt, tuy hai mà, thực ra cũng chỉ là một thôi. (Du Tử Lê)
 
Ngày 7.10.2019 Du Tử Lê qua đời tại Mỹ. Không ai đưa anh ra biển, nhưng dẫu sao anh cũng đã trở về quê mẹ.
Tôi đang ở Úc, chỉ kịp viết gởi về bạn mấy câu:
Rồi cũng về thôi du tử ơi
Bao năm lưu lạc xứ con người
Một hôm sực nhớ về quê mẹ
Tung cánh vàng xưa hạc vút bay…
 
ĐỖ HỒNG NGỌC
(2019).

 

  

No comments:

Post a Comment