Tuesday, May 10, 2022

THƠ ‘THẮP TÌNH’ CỦA THÀNH TÔN: TRỰC DIỆN VỚI HƯ VỠ CỦA ĐỜI

Phan Tấn Hải

Nhà thơ Thành Tôn. PTH ve
 
Nhà thơ Thành Tôn vừa phát hành sách nhan đề “Một Đời Thắp Tình” trong đó là một tuyển tập nhiều tác giả với nhiều phần, với hai phần là thơ của anh – nhóm các bài thơ đầu là từ thi tập “Thắp Tình” nguyên thủy là in năm 1969, nhóm các bài thơ sau là chương “Ngoại Tập” – tất cả đều là thơ sáng tác từ những thời tóc xanh. Không có bài thơ nào sáng tác sau năm 1975, vì như anh thường kể với bạn bè, trải qua nhiều năm trong tù và rồi gặp tai nạn, anh không còn có thể tập trung tinh thần để làm thơ được nữa, mặc dù là anh rất mực say mê thơ, say mê đọc và say mê cầm tới các trang sách. Điều kinh ngạc khi đọc thơ Thành Tôn là, ngay cả khi còn rất mực thanh niên lãng mạn, thơ của anh cũng phảng phất một nỗi buồn, một ý thức về tính hư vỡ của đời.
Tuyển tập mới phát hành trong tháng 4/2022 gồm nhiều chương. Mở đầu là bài của Phạm Phú Minh, nhan đề “Người Hiền Của Thời Nay.” Kế tiếp là các bài thơ từ “Thắp Tình” và “Ngoại Tập” của Thành Tôn được sưu tập lại. Và sau đó là bài của rất nhiều người viết về con người và thi ca Thành Tôn. Trong đó có nhạc Nhật Ngân phổ thơ Thành Tôn, có 2 tranh chân dung nhà thơ Thành Tôn do Đinh Cường và Hoàng Thị Kim vẽ. Và rồi các bài thơ và văn của: Trần Huy Bích, Cung Tích Biền, Cao Thoại Châu, Đinh Cường, Hà Nguyên Dũng, Lê Hân, Trần Yên Hòa, Luân Hoán, Phạm Cao Hoàng, Lê Văn Hội, Hoài Khanh, Nguyễn Vy Khanh, Hoàng Thị Kim, Du Tử Lê, Tường Linh, Hoàng Lộc, Trần Thị Nguyệt Mai, Nguyên Minh, Lưu Na, Trần Văn Nam, Trần Doãn Nho, Võ Phiến, Hà Khánh Quân, Phan Xuân Sinh, Lê Huyền Thanh, Song Thao, Trần Hoài Thư, Trịnh Thanh Thủy, Nguyễn Mạnh Trinh, Khánh Trường, Hoa Văn, Phố Văn, T. Vấn.
Nghĩa là, một tuyển tập của tình bạn. Và thế là tác phẩm dày tới 512 trang. Bìa: Khánh Trường. Thực hiện: Nguyễn Vũ, Lê Hân. Sách được phát hành qua hệ thống https://www.amazon.com/
Trong lời giới thiệu trên Amazon, ghi trích đoạn từ bài của Phạm Phú Minh: “Cuốn sách mà độc giả đang cầm trên tay là một Tuyển tập về tình bạn. Nhiều người nói về một người bạn chung của mình. Không có một “ban chủ trương” đứng ra kêu gọi bạn bè viết về một nhân vật hay một tác phẩm, tất cả bài vở trong sách này đều là sưu tầm những bài viết đã có, xuất phát từ tấm lòng của mỗi tác giả trong nhiều thời điểm khác nhau, nơi chốn khác nhau, trường hợp xuất hiện khác nhau. Duy chỉ một điều giống nhau: tình cảm và suy nghĩ rất chân thành. Và đều hướng về một người: Nhà thơ Thành-Tôn. Nhà thơ Thành-Tôn bắt đầu làm thơ có lẽ vào khoảng đầu thập niên 1960, có thể sớm hơn. Và anh đã xuất bản một tập thơ, Thắp Tình, vào cuối thập niên 1960, mà chúng tôi xin phép tác giả được in lại trong quyển sách này để lưu giữ như một kỷ niệm quý báu chung với bạn bè. Nhiều bài trong tuyển tập này đã nói về tập thơ duy nhất đó của Thành-Tôn. Nhiều bài khác nói về chính tác giả, với những đặc tính tốt đẹp mà bạn bè muốn ghi lại. Đó là những điều mà chúng tôi, đại diện cho một số anh em bạn góp ý để làm ra Tuyển tập này, trình bày ngắn gọn để giới thiệu với người đọc. Và nhân đó, theo gương các bạn khác chúng tôi cũng xin ghi lại đôi điều biết được về Thành-Tôn từ cái nhìn chân thành của cá nhân mình…”
 
Bìa tuyển tập “Một Đời Thắp Tình”
 
Tất cả những nhận xét từ các bạn văn của Thành Tôn đều là chân tình. Đều văn hay, chữ dẹp, nhân xét sắc bén. Nhưng Thành Tôn là ai vậy kìa? Vài dòng tiểu sử cho biết, nhà thơ Thành Tôn sinh ở Quảng Nam, học trường trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ. Anh cùng thời với Nguyễn Nho Sa Mạc, Huy Tưởng. Nhập ngũ, ra trường Thành Tôn làm việc ở tiểu khu Quảng Tín. Thành Tôn nổi tiếng từ khi đăng thơ trên Bách Khoa, trên Văn và khi xuất bản tập thơ Thắp Tình (1969).  Sang Mỹ năm 1996, Thành Tôn vẫn thủy chung với văn chương chữ nghĩa, mặc dầu không làm thơ như xưa nữa.
Nơi đây, xin trích ra những dòng thơ của Thành Tôn, với những lời rất buồn từ sáu thập niên trước âm vang lại. Luôn luôn, cuộc đời đã mang tính hư vỡ, không như ý.
Nỗi buồn của thị sĩ Thành Tôn hiển lộ rất minh bạch qua bài "Thư cho mẹ" trong tuyển tập "Một Đời Thắp Tình" nơi trang 45-47. Bài thơ dài 6 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, nơi đây chúng ta trích 4 đoạn thơ đầu.
.
Trên xứ sở xanh xao từng tiếng súng
Trong hồn người dấu đạn đã chia phe
Con ôm ngực từng đêm đau tiếng động
Và từng đêm đường máu muốn lui về
.
Thân sỏi đá len dần trong vô vọng
Con quay đầu bỡ ngỡ ngắm dung nhan
Cha nhát cuốc tình thương nuôi ý sống
Xanh dần lên hương nội phấn hoa ngàn
.
Mẹ hiu hắt đèn chong đêm ngóng đợi
Nhà phên thưa gió thấm lạnh câu hò
Núi sông cũng ngậm ngùi theo tay với
Của thằng em đói cả tiếng ru hời
.
Tôi bất lực như quê hương nhỏ bé
Nhìn người thân dần khuất bóng tre buồn
Nghe nỗi nhớ lớn dần lên dáng mẹ
Hình ảnh cha trong xứ sở xa nguồn...
(Thư Cho Mẹ, MĐTT - trang 45-46)
.
Một bài thơ khác của Thành Tôn cũng rất buồn, bài "Đầy Tháng Con" nơi trang 38-41). Bài này gồm 7 đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Nơi đây, chúng ta trích ra bốn đoạn thơ đầu:
Một tháng ra đời điều gì con thấy
Điều gì con nghe con khóc con cười
Cha ở phương xa mặt trời thức dậy
Cha ở phương xa súng nổ ngậm ngùi
.
Con sinh ra đời nhà thương giải phẩu
Nhà thương dành cho cuộc chiến bây giờ
Tiếng con khóc hòa tiếng la tiếng ré
Anh cụt tay, chị què cẳng không ngờ...
.
Cùng giờ con sinh có nhiều người chết
Của viên đạn lạc, của trái bom rơi
Nghe quê hương ta uốn mình mỏi mệt
Cuộc chiến chôn vùi hai tiếng à ơi
.
Con mới bốn ngày cha đi nhập cuộc
Học bắn học đâm vào đúng tim người
Cuộc chiến mù lòa mắt bà nội khóc
Cuộc chiến xanh non cỏ mộ môi cười
(Đầy Tháng Con, MĐTT - trang 38-39)
.
Nỗi buồn của Thành Tôn không riêng của anh. Đó là phận người tại Việt Nam. Nhưng nhìn cho kỹ, cũng là phận người trên khắp thế giới. Những hư vỡ đó hiển lộ nơi nhiều quốc gia khác, trong các hình thức khác, cũng buồn như thế. Như ở Nam Hàn và Bắc Hàn, như ở Hoa Lục và Đài Loan, như ở Tây Đức và Đông Đức, và như ở các nước khác ở mức độ khác, với tên gọi khác. Và có khi mang tên thánh chiến ở Jerusalem, ở Mecca... Phải chăng, địa cầu này không có chỗ dung thân cho người có niềm tin dị biệt? Chúng ta hỏi, và lịch sử câm lặng.
 
Có một bài thơ của Thành Tôn rất nhiều khác lạ với giọng thơ truyền thống của anh. Một bài thơ rất là nổi loạn, nhan đề "Kẻ đào ngũ" nơi trang 148-149. Không chỉ thế, bài thơ cũng đầy những câu hỏi triết lý, khi tự nhìn mình trong gương và thấy hồ nghi, rằng ai vậy kìa. Rồi ngờ vực như có ai ẩn dạng trong hình hài này. Như dường chúng ta gặp lại, vâng, một văn phong của Kinh Kim Cương, một phần nào là văn phong kiểu như --- thấy Như Lai không phải là Như Lai mới thật sự là thấy Như Lai. Hay, chỉ đơn giản rằng nhà thơ Thành Tôn đã đứng vào hàng ngũ phản chiến? Trích toàn văn bài thơ này như sau. 
.
Kẻ đào ngũ
 
Buổi sáng soi gương và đội mũ
Lòng đã hồ nghi khuôn mặt quen
Dấu vết riêng nào trên nhân dạng
Đã hằng hằng không tuổi tên
.
Chân bước ra đường luôn chạm mặt
Những bàng hoàng trên nhan diện ai
Sống nửa đời người chưa dám chắc
Chân dung ta trung thực bao phần
.
Nên nhiều lúc tâm thần chấn động
Một kẻ nào ẩn dạng, âm mưu
Hắn tà giáo hay giòng chính thống
Mặt đầm đầm đường nét hư vô
.
Những dội đập ngày đêm bấn loạn
Trán phẳng phiu dậy sóng muộn phiền
Thân chống bộ xương ròn hữu hạn
Hồn mang ảo giác kẻ tham thiền
.
Ngực sống đã mơ hồ nhịp đập
Tim trong tay kẻ lạ âm thầm
Cõi nào phân chia miền tranh chấp
Thân vô cùng ràn rụa mối thương tâm
.
Ta bắt gặp ngoài ta hình bóng
Những đường quen nét thuộc nghi ngờ
Kẻ đào ngũ lầm lì, ngập ngọng
Nhàn nhạt trong cơ thể hồ đồ
.
Kẻ đào ngũ, chính ta trong hắn
Ngực cơ hồ đập nhịp ai xa
(Kẻ đào ngũ, MĐTT, trang 148-149)
.
Một bài thơ rất buồn của Thành Tôn có nhan đề là "Nghìn năm sa mạc" nơi trang 62-63. Bài thơ này có vẻ đẹp rất mực kinh điển, khi mô tả dòng thời gian cuốn trôi trên các triền cát sa mạc, nơi một "người nằm xuống giữa vô cùng sa mạc / Chiếc hồn thơ bé bỏng ghé nơi nào"...  Toàn văn bài thơ như sau.
.
Nghìn năm sa mạc
 
Người nằm xuống hoang vu hồn sỏi đá
Có nghe chăng lời nói hắt hiu này
Kẻ ở lại nhìn đời  e thẹn mặt
Nên vô cùng mỏi mắt cánh chim bay
.
Còn một chút buồn vươn lên cỏ mọc
Một chút hồn thất lạc phố tình xưa
Thấy gì khác hơn giọng cười tiếng khóc
Chợt bâng khuâng xanh vầng mắt giao mùa
.
Một năm đó còn gì trong cỏ mộ
Tình đã đi ai kẻ nhớ về thăm
Còn âm hưởng bước chân mòn mấy phố
Cũng ngậm ngùi như hơi thở xa xăm
.
Người nằm xuống giữa vô cùng sa mạc
Chiếc hồn thơ bé bỏng ghé nơi nào
Ai thắp khói cho bóng chiều râm mát
Để canh trường thao thức mấy vị sao
.
Còn nhớ gì khi mùa xuân tìm đến
Khi tình yêu đánh thức giấc nghìn năm
Làm chút nắng vàng che dòng mắt thẹn
Nghe hoang vu hồn sa mạc yên nằm
(MĐTT - trang 62-63)
.
Bài thơ của Thành Tôn nhan đề "Hồi Âm" được nhiều người ưa thích, hẳn là vì gắn liền với cảm xúc của những năm trong thập niên 1960s và đầu thập niên 1970s.Bài thơ có những hình ảnh rất buồn: ngày anh đi, buổi chia ly, thuyền nan quay lái (lìa bến), tiễn người đi, say hải hồ, nhắn về, ôn lại, chừ là kỷ niệm, tang thương, không còn vết tích, đang bôn ba, lên đường, rượu tao phùng, anh có buồn khi người ấy sang ngang... Toàn văn bài thơ như sau.
.
HỒI ÂM
 
Ngày anh đi, tôi vẫn còn bé dại
Chỉ biết cười thôi, dù buổi chia ly
Nhưng vẫn nhớ, khi thuyền nan quay lái
Dòng sông xanh dậy sóng tiễn người đi
.
Anh say hải hồ, tôi mê học hỏi
Tình cảm chúng mình nào đã...tàn phai
Lời tiếc thương anh nhắn về thăm hỏi
Bắt trí tôi ôn lại tháng năm dài
.
Ừ nhỉ, ngày xưa, cái gì lưu luyến
Dòng sông xanh. Trăng thắm. Lũy tre làng
Bến nước đò ngoan, núi chờ mây quyện
Pháo đỏ, rượu nồng...Giỗ, Tết xênh xang
.
Tất cả ngày xưa, chừ là kỷ niệm
Bến Trâu Dầm, cầu Bà Đội... tang thương
Vì bởi thời gian một lòng quyết chiếm
Cả chúng mình. Cả bướm. Cả muông chim
.
Nào Bích, nào Ngân, nào Hà, nào Tố
Đã không còn vết tích của ngày xanh
Mà lại Ngọc Bích, Thu Hà... rất ngộ
Đang bôn ba trên mấy nẻo kinh thành
.
Và những Đào tong, Thi gầy, Hải móm
Cũng lên đường dẹp loạn giữ quê hương
Như anh biết tre tàn măng sẽ nhóm
Câu hát: À ơi... vẫn quyện trong sương
.
Chưa rượu tao phùng đã nhiều ngây ngất
Khi ngày xưa sống dậy ở trong tôi
Tiếng hát ru con, ru tình thứ nhất
Tiếng quê hương hay tiếng nói cuộc đời
.
Tôi phục tài anh, ngày xưa, còn nhớ
Và mối tình gắn bó với quê làng
Muốn ngỏ đôi lời, nhưng sao vẫn ngại
Anh có buồn khi người ấy sang ngang?
(Hồi Âm, MĐTT, trang 34-37)
.
Bài thơ "Hồi Âm" của Thành Tôn được nhạc sĩ Nhật Ngân phổ nhạc. Và trình bày qua giọng ca của ca sĩ Thu Vàng, trong video sau, dài 6:37 phút:
.
Khi trang sách được gấp lại, điều chúng ta còn nhớ rằng, thơ Thành Tôn là những dòng chữ làm đẹp cho cuộc đời, bất kể rằng thơ ông có làm cho chúng ta buồn, bất kể rằng đó là những hình ảnh hư vỡ được thi sĩ đưa ra để lay động chúng ta, để mọi người cùng nhận ra những nỗi bất toàn của cuộc đời này.
PHAN TẤN HẢI

Hai ông bạn: PTHải & Thành Tôn

  

No comments:

Post a Comment