Thursday, May 19, 2022

KHI HỌA SĨ CHỐNG LẠI CUỘC CHIẾN CỦA PUTIN

Phan Tấn Hải

Hoa biểu tượng của Ukraine

Tổng Thống Nga Vladimir Putin đưa gần 200.000 chiến binh Nga xâm lăng Ukraine từ ngày 24/2/2022. Nhưng người trí thức và giới hoạt động nghệ thuật từ nước Nga đã nhìn thấy đây là cuộc chiến của Putin, một lãnh tụ cuồng bạo, và không xem đây là cuộc chiến giữa hai dân tộc. Trong các thành phần chống lại cuộc chiến ở Ukraine, giới họa sĩ có cách riêng để bày tỏ ý kiến. Có người xuống đường biểu tình như nữ họa sĩ Nga Yelena Osipova, 76 tuổi, bất chấp cảnh sát thành phố St Petersburg nổi tiếng là tàn bạo, đàn áp mạnh tay đối với người biểu tình. Trong khi đó, họa sĩ Nga Andrei Molodkin triển lãm ở London một bức tranh chân dung Putin với máu của người Ukraine. Hay như trường hợp họa sĩ Pháp, có nghệ danh là C215, nổi tiếng với tranh sơn xịt đường phố Paris, đã tình nghuyện vào Kyiv, thủ đô Ukraine, vẽ tranh đường phố để kêu gọi hòa bình và ngợi ca dân tộc Ukraine. Và nhiều trường hợp nữa trên toàn cầu, và cũng ngay tại nước Nga.
Báo Moscow Times ngày 23/3/2022 ấn bản tiếng Anh có bài viết về họa sĩ Nga Andrei Molodkin, hiện đang sống lưu vong ở Pháp, nổi tiếng về nhiều lần sử dụng tác phẩm hội họa để kêu gọi hòa bình, phản đối chiến tranh --- ngay từ thời cuộc chiến Chechen War năm 2009. Và khi cuộc chiến Putin đưa quân vào Ukraine năm 2022 khởi phát, họa sĩ Molodkin đã sáng tác một bức chân dung Putin loang đầy máu để bênh vực dân tộc Ukraine.
Đó là bức chân dung Putin được sáng tác với máu thật của người Ukraine. Đúng ra, họa sĩ Andrei Molodkin dùng chất liệu là máu người và dầu thô (crude oil) để làm bức tranh sắp đặt với chất liệu hỗn hợp đa phương tiện (mixed-media installation). Molodkin đặt tên cho bức chân dung này là “Putin Filled with Ukrainian Blood” (Putin vấy đầy máu người Ukraine). Tranh sắp đặt này phóng hình lên cao 8 mét được tạm thời gắn trên bàn thờ của một ngôi nhà thờ ở giữa London, thủ đô Anh quốc, trong buổi trình diễn Thứ Tư 16/3/2022. Chất liệu máu là do các bạn người Ukraine của họa sĩ hiến tặng trước khi các bạn này từ hải ngoại trở về Ukraine để chiến đấu chống Nga.
 
H 1. Tranh sắp đặt chân dung Putin tại nhà thờ London,
máu người trộn với dầu được bơm loang mặt kính để
mô tả sự tàn bạo của chiến tranh.
 
H 2. Hàng trên, từ trái, xem theo kim đồng hồ: Máu người Ukraine
và hỗn hợp dầu thô loang trên chân dung Putin qua các giai đoạn của tranh.
Trong khi máu loang, có âm thanh của nhịp tim đập.
.
Khi họa sĩ Molodkin trình diễn tranh sắp đặt này ở London, bạn của họa sĩ là Oleksandr Turchynets, người đã hiến máu làm tranh và đã trở về quê hương Ukraine để chiến đấu chống quân Nga, từ Lviv, miền tây Ukraine, đã gửi tin nhắn cho Molodkin: “Tôi phải trở về chiến đấu bảo vệ quê hương, tôi đã tặng máu của tôi trước khi tôi về tham dự chiến trường là để cho thấy máu Ukraine loang ra dưới bàn tay của một người.”
Họa sĩ Andrei Molodkin nói: “Tôi sáng tạo tác phẩm này để tạo ra tình đoàn kết giữa người Ukraine và người Nga. Giấc mơ của các chế độ hình sự là bịt miệng tất cả những cuộc thảo luận. Đã tới lúc chúng ta phải dùng nghệt huật đưa ra một thông điệp minh bạch về chiến tranh và về con người thực của Putin.”
Tranh sắp đặt “Chân Dung Putin Vấy Máu Ukraine” có thể xem qua video này, dài 2:50 phút:
https://youtu.be/r0s2Cnsr4Q8
.
Trong khi đó, nữ họa sĩ Yelena Osipova, 76 tuổi, cư dân Saint Petersburg, Nga, người đã sống sót qua trận bao vây Leningrad, có một cách chống chiến tranh kiểu riêng. Cụ bà người Nga này kể rằng khi nghe tin Putin đưa quân Nga vào xâm lăng Ukraine, cụ bà không ăn gì được trong suốt ba ngày. Rồi cụ bà kẻ biểu ngữ phản chiến lên các tấm giấy dày, và mời gọi bạn hữu cùng xuống đường biểu tình với bà cụ.
 
Tại sao họa sĩ Yelena Osipova phải xuống đường biểu tình? Đơn giản, trong chế độ của Putin, không phòng tranh nào có chỗ cho hội họa phản chiến như ở London hay Paris.
 
H 3. Khi cụ bà họa sĩ biểu tình,
cảnh sát Saint Petersburg tới bắt ngay.
.
Văn hóa là tài sản lớn của dân tộc Ukraine. Do vậy, khi quân Nga bắn phi đạn vào các thành phố lớn, các giới chức Ukraine phải nghĩ cách bảo toàn các công trình nghệ thuật. Các bảo tàng viện, các phòng tranh,các nhà thờ xưa cổ và các cơ sở văn hóa Ukraine phải lo bảo vệ các tác phẩm văn hóa giá trị.
Một số nhà thờ chở các tranh, tượng quý sang gửi qua các nhà thờ cùng giáo hội bên kia biên giới. Bảo tàng viện gửi bảo vật ra hải ngoại. Tất cả không để tranh quý trên tường nữa, tất cả phải đưa xuống dưới hầm trú bom. Dân Ukraine lo ngại rằng quá khứ văn hóa của họ sẽ không còn bao nhiêu, khi phi đạn Nga đã bắn nát nhiều thành phố.
Tất cả những di sản văn hóa quý nhất là phải cất nơi an toàn. Bảo tàng viện Andrey Sheptytsky National
Museum tại thành phố Lviv là bảo tàng viện nghệ thuật lớn nhất Ukraine đã đóng cửa ngay từ khi quân Nga khởi động cuộc chiến xâm lăng. Bảo tàng viện này sống sót qua Thế Chiến 2, nhưng qua cuộc chiến chống Nga không rõ sẽ được giữ gìn tới mức nào. Các bộ sưu tập của bảo tàng đều đã đóng gói và đưa vào tầng hầm.
Nhiều pho tượng trong thành phố Lviv đã được bọc lại cẩn thận. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng chỉ cần một trận không kích hay phi đạn bắn chính xác, thì không tượng với tranh nào có thể tồn tại. Dù vậy, lệnh ra là tất cả các bức tường trong các bảo tàng viện đều phải là tường trống, không treo gì nữa, cho tới khi kết thúc cuộc chiến này. Một chương lịch sử mới của Ukraine đang bắt đầu. Đầy đau thương và đổ vỡ.
 
H 4. Tranh phải gỡ để đưa xuống hầm.
.
Trang tin Euronews hôm 15/4/2022 loan tin rằng họa sĩ chuyên ngành sơn xịt tại Paris có nghệ danh là C215 trong những ngày giữa tháng 4/2022 đã tới Kyiv, thủ đô Ukraine, nơi đã bị bom đạn dập vùi, để bày tỏ ủng hộ Ukraine bằng cách vẽ tranh trên các tường vách còn chưa sụp đổ. Họa sĩ C215 đã tới vẽ trước nhất là nơi các bảng thông tin ở các trạm xe buýt, trạm xe lửa, tức là những nơi đông người qua lại. Bởi vì vẽ lên tường có thể sẽ là vô ích khi người ta xây lại, sẽ phá vỡ các bức tường đi. Trong khi đó, các bản thông tin nơi các trạm xe buýt, xe điện thì hẳn là còn ở mãi với các đường xe buýt, xe điện.
Họa sĩ C215 năm nay 48 tuổi, tên thật là Christian Guemy – nói rằng anh chấp nhận nguy hiểm, anh phải rời Paris để vào tận Kyiv, nơi phi đạn Nga vẫn bắn hàng ngày, để đứng sơn xịt kêu gọi hòa bình. Anh nói anh không thể làm khác hơn được. Họa sĩ C215 trả lời phỏng vấn của truyền thông: “Tôi không thực sự quyết định tới Kyiv, nhưng nhiều phần là các tấm tranh của tôi quyết định cho tôi.”
 
H 5.. Họa sĩ C215 đứng giữa Kyiv vẽ tranh
kêu gọi thế giới ủng hộ Ukraine.

C215 cũng là niềm tự hào của Pháp, vì giới phê bình nghệ thuật nói rằng trong nghệ thuật vẽ trên đường phố bằng kỹ thuật sơn xịt thì C215 được gọi là “câu trả lời của Pháp đối với Banksy.” Họa sĩ Banksy là người Anh, hiện là họa sĩ sơn xịt trên đường phố nổi tiếng nhất thế giới.
Nghệ danh C215 chỉ mới xuất hiện từ năm 2006 nhưng anh là họa sĩ sơn xịt (graffiti artist) tính tới năm 2022 là hơn 30 năm trong làng hội họa. Tác phẩm của C215 chủ yếu là cận ảnh chân dung. Như trong các tấm hình anh vẽ ở Kyiv thì thấy phần đông là tranh chân dung như thế. Người ta dễ hiểu vì sao C215 chọn ngay Ukraine lửa đạn để vào vẽ tranh: bởi vì trước giờ đề tài vẽ của C215 phần lớn là kẻ ăn mày, người vô gia cư, dân tỵ nạn, trẻ em bụi đời và những người già lụm khụm. Tại sao anh muốn vẽ những hình ảnh rất buồn như thế của xã hội? Lý do vì C215 xúc động trước các cảnh đời như thế, anh  uốn mọi người nhìn thấy thực tại rất buồn của nhân loại, đó là những người bị xã hội bỏ quên.
 
Tranh vẽ trên đường phố của C215 hiện nay đã xuất hiện tại nhiều thành phố trên thế giới, như ở Barcelona, Amsterdam, London, Rome, Paris, Oslo, Colombo và ở nhiều thành phố của Morocco. Tuy nhiên, vẫn phải kiếm sống chớ, không lẽ vẽ chùa trên đường phố mãi. Do vậy, không chỉ vẽ tranh trên đường phố, C215 cũng vẽ tranh thương mại cho nhiều phòng triển lãm đại diện cho anh – loại tranh thương mại chủ yếu anh vẽ trên gỗ và canvas. C215 từng có nhiều cuộc triển lãm một mình cho các tranh thương mại.
.
Xem video dài 1:08 phút về họa sĩ C215:
https://youtu.be/htCdoXhRDxA
.
Tuy nhiên, chuyến đi Ukraine để vẽ cho một dân tộc đang bị vùi dập giữa lửa đạn bây giờ hẳn là cuộc triển lãm quan trọng nhất trong đời C215, bởi vì sinh mạng của anh cũng đang trở thành dễ tan vỡ y như các chân dung anh đang vẽ.
.
Cuối cùng, cũng nên nhắc về một bản tin trên báo Artnet ngày 1/3/2022, tức là một tuần sau khi quân Nga tiến vào xâm lăng Ukraine, một Thư Ngỏ yêu cầu kết thúc cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã được phổ biến, trong thư là chữ ký của hơn 13,000 người Nga làm việc trong các ngành nghệ thuật --- họ ý thức rằng khi còn sống trong lãnh thổ Nga mà lên tiếng chống cuộc chiến của Putin là liều mình với nguy hiểm, tự làm hại cho sự nghiệp, việc làm, và có thể với vài người sẽ là sinh mạng.
Cô Katya Dolinina, người quản lý 2 sân khấu Moskino tại Moscow, đã bị ép từ chức vào ngày 28/2/2022, tức là ba ngày sau khi cô đồng ý ký tên vào Thư Ngỏ. Vào lúc 4 giờ chiều ngày 26/2/2022, tức là ngày Thư Ngỏ ấn hành, một cú điện thoại gọi tới Dolinina từ cấp cao hơn trong ngành quản trị sân khấu nghệ thuật. Cô Dolinina kể với báo Artnet News rằng cấp trên của cô đề nghị cô viết một bản văn để nói rằng tên cô xuất hiện trong Thư Ngỏ là vì nhầm lẫn, “nhưng tôi đã từ chối.” Cô được lệnh phải dọn sạch bàn giấy vào cuối ngày. Thủ tục giấy tờ để rời chức vụ chỉ trong một giờ đồng hồ. Dolinina kể rằng cô thấy như đang khóc, những người ra lệnh sa thải cô cũng chì vì lệnh, “Tôi được nói rằng tôi là người đầu tiên bị sa thải vì ký tên trên lá thư phản chiến, nhưng không phải là người cuối cùng.”
Trong khi đó có tin Bảo Tàng Nghệ Thuật Hiện Đại Moscow (Moscow Museum of Modern Art) cũng đã sa thải bất kỳ nhân viên nào ký tên trong thư phản chiến đó. Bảo tàng này từ chối trả lời các câu hỏi từ báo Artnet News. Nhiều người đã ký tên vào thư và rồi đã rút tên lại: báo New York Times loan tin rằng có một lúc Thư Ngỏ trên bản lưu hành có khoảng 17,000 chữ ký của giới hoạt động nghệ thuật. Nghĩa là, có rất nhiều người bị ép đổi ý, rút tên.
Một thỉnh nguyện thư khác có lời lẽ mạnh hơn, lưu hành ở Facebook, kêu gọi Vladimir Putin từ chức, theo tin của Archi.ru. Lá thư quyết liệt này ghi là từ “các họa sĩ, kiến trúc sư, người thiết kế, sử gia nghệ thuật, sử gia, nhân viên các viện bảo tàng, các văn khố và các thư viện, và người sưu tập nghệ thuật,” lên án cuộc chiến, nói rằng lý do vì Putin nắm quyền tuyệt đối trong 20 năm qua. Thư này viết: “Gỡ bỏ Putin ra khỏi quyền lực là kết thúc xong cuộc chiến. Chúng tôi đòi hỏi Putin từ chức tức khắc…”
Một người đã ký tên trên cả hai lá thư nói với báo Artnet News rằng không thể biết chuyện gì xảy ra cho người này vào ngày mai hay trong 2 giờ nữa, “Chúng tôi không biết rằng Nga sẽ xâm lăng Ukraine. Khôngai có thể hình dung như thế. Bây giờ thì chuyện gì cũng có thể. Chúng tôi hiểu rằng cú đánh sắp tới sẽ là chống lại các kẻ nội thù trong nước Nga. Đó là chúng tôi.”

PHAN TẤN HẢI

No comments:

Post a Comment