Monday, May 30, 2022

THƠ. HIỆU ỨNG CÁNH BƯỚM

nguyễnxuânthiệp
 
The Butterfly Effect. By Edward D. Melillo

The Butterfly Effect. By Jamie Kirkpatrick
 

*gởi họa sỹ Ann Phong
 
có bao giờ em nghe
gió
nói về
hiệu ứng cánh bướm
butterfly effect
này nhé
cái vỗ cánh của một con bướm ở brazil
có thể gây ra cơn lốc xoáy
tornado. tận vùng đồng cỏ texas
anh cũng muốn thơ anh. như cánh bướm kia. tạo ra những chấn động. rền
trên những phế tích. ngày qua
 
vâng. thơ anh sẽ về lại ngôi trường
của mùa hè
gặp em
và mái tóc
ngày cài chiếc nơ. xanh
thời sagan
và un certain sourire
 
hay tới. một ga xe lửa. lúc tàu sắp hụ còi
hoàng hôn
và giọt lệ. chia tay. đắng. sót
 
ôi. thơ anh sẽ ở lại. và ngân vang. như tiếng phong linh
trước căn nhà
chỉ có mình em
và những cơn ho
gõ cửa
 
hay ở những nấm mồ
gió. chạy
qua bờ cát đỏ
và hàng dương. ánh chiều tà. bạo liệt
 
hoặc giả. anh sẽ đọc thơ mình
trên cánh đồng. của những con chim chờ chết
cô bé ấy bảo
anh ơi
hãy cám ơn hoa quỳ vàng
đã nở đầy cánh đồng thơ
một lần nọ
 
nhớ không em
góc phố khuất có mùi hoa ngọc lan
thuở anh và em. yêu nhau. hôn. trong bóng tối
 
vâng. anh cũng sẽ đọc. thơ mình. trước sân trường
hoa phượng đỏ
cô gái trong l’amant
marguerite duras
hẹn cùng gã tình nhân. trung hoa
về hẻm đèn khuya. chợ lớn
mùi nhục cảm
của vú. và môi
rồi chia tay. buổi sáng. trên bến tàu. sương mù
 
và ở đâu đó
trước thềm ngôi nhà số 3 nguyễn trường tộ
bên đống lửa. đốt bằng trái thông khô
anh sẽ
gọi. tôn nữ kim phượng. lê uyên phương. phùng văn hưởng. trịnh công sơn. đinh cường
và nhiều bạn bè nữa. về đọc
thơ anh
và đọc cho gió
bởi gió sẽ mang đi
về phía ngọn đồi sương tím
nơi có em. đang chờ đợi
 
tháng 8.2012
NXT
 

HÃY CHO ANH KHÓC BẰNG MẮT EM

nguyễnxuânthiệp
 
 
Budapest. Tháng 12.1956

Sunflowers for Ukraina
 
Hãy cho anh khóc bằng mắt emlà bài thơ Thanh Tâm Tuyền làm tháng 12 năm 1956, lúc ông mới 20 tuổi. Bài thơ diễn tả cảm xúc của tác giả trước cuộc nổi dậy của người dân Budapest chống lại cuộc xâm lăng của Cộng Sản Liên Xô. Bài thơ này in trong thi phẩm ‘Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy’ xuất bản năm 1964. Và đăng trên tạp chí Sáng Tạo số đầu năm 1957. Toàn văn bài thơ như sau:
 
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
 
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào
 
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
 
Hãy cho anh run bằng má em
Khi chúng đóng mọi đường biên giới
Lùa những ngón tay vào nhau
Thân thể anh chờ đợi
 
Hãy cho anh ngủ bằng trán em
Đau dấu đạn
Đêm không bao giờ không bao giờ đêm
Chúng tấn công hoài những buổi sáng
Hãy cho anh chết bằng da em
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp
 
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
12-56
 
Bài thơ đã gây tiếng vang lớn tạo nên tên tuổi Thanh Tâm Tuyền. Nó còn sống mãi cho tới ngày nay và cả mai sau.
 
Quả đúng vậy.
 
Thảo Dân gần đây phát biểu trên trang Facebook:
Bài thơ đọc trong thời điểm này, hay đến đau đớn.
 
Hoàng Hải Thủy từng nhận định như sau về thời điểm bài thơ:
… Cuộc Nổi Dậy Budapest 1956 là trận đối đầu sinh tử – một sống, một chết – của nhân dân Hung với bọn Cộng ác ôn…
 
Năm 1956 ngày xưa, ở Sài Gòn tôi 23 tuổi. Buổi chiều ngày cuối năm trời Sài Gòn hiu hiu lạnh, khi đi ngang sạp báo bên cửa rạp xi-nê, tôi mua tờ nhật báo. Trong rạp khi chờ xuất chiếu, tôi xem qua trang nhất tờ báo, tôi nói với người thiếu phụ ngồi bên tôi; “Em ơi.. Bọn Nga nó cho xe tăng vào Buy-đa-pét nó đàn áp những người nổi dậy.”
 
Tôi không xúc động gì nhiều về chuyện nhân dân Hung bị đàn áp, có lẽ vì khi ấy tôi không tin cuộc nổi dậy sẽ thành công, tôi chờ đợi những người nổi dậy chống Cộng sẽ bị bọn Cộng sản tàn sát. Tôi không biết những người Hung nổi dậy cầm súng bắn bọn Cộng Ác, tôi tưởng họ chỉ biểu tình, trương biểu ngữ, hô đả đảo. Bây giờ nhớ, nghĩ lại chuyện 50 năm xưa tôi thấy năm ấy tôi mù tịt về chính trị, tôi ngu ngốc trước những sự kiện lớn xảy ra trên thế giới. Một người không ngu, không mờ mịt như tôi, người ấy là Thanh Tâm Tuyền. Năm 1956 TT Tuyền mới 20, 21 tuổi, Tuyền làm bài Thơ về cuộc nổi dậy của Nhân dân Budapest
 
Nguyễn Mạnh Trinh
Thơ cho một biến cố chính trị có lẽ ít sống lâu trong tâm trí độc giả yêu thơ. Thế mà, bài thơ về một thời sự như thế của Thanh Tâm Tuyền lại vẫn được nhắc đến như một mốc dấu của một thời thi ca…
Tôi tẩn mẩn đọc đi đọc lại bài thơ này để chiêm nghiệm những tìm kiếm cho một bài thơ hay. Cũng là những điệp khúc, cũng là những liên tưởng, dù viết như một hành động biểu dương chính nghĩa nhưng vẫn có âm hưởng của một bản tình ca. Ngôn ngữ bình dị, nhưng trong phong cách có một nỗ lực làm cho khác đi những bến sông xưa nếu không nói là làm mới những xúc cảm cũ.
 
Nhị Linh viết trên trang nhà của mình:
Tháng Chạp năm 1956 là ngay sau khi các sự kiện Hungary xảy ra. “Sự kiện Hungary”, nhưng thật ra câu chuyện rộng lớn hơn nhiều. Cuối tháng Mười năm 1956, người Hungary bày tỏ ủng hộ Ba Lan ở thời điểm của nhà cải cách Gomułka. Xe tăng Liên Xô đã tiến vào Budapest ngay từ 24 tháng Mười, nhưng vẫn chưa thực sự có chuyện gì xảy ra, mà Nagy Imre lên nắm quyền. Xe tăng Liên Xô đã ra về nhưng một số sự kiện mới khiến cho đúng ngày này cách đây sáu mươi năm, 4/11/1956, đã xảy ra cuộc thảm sát Budapest, khi đoàn xe tăng đã nói quay trở lại.
 
Đó là tóm tắt sơ lược. Năm 1956 ấy là 3 năm sau khi Stalin chết, đồng thời với các sự biến ở Ba Lan và Hungary, ở chiều ngược lại, cũng trong năm 1956 này, Tito của Nam Tư lần đầu tiên sang Liên Xô, cho thấy bất đồng giữa Nam Tư và Liên Xô thời Stalin đã tạm lắng (ở quãng thời gian ấy, Nam Tư rất tích cực quan hệ với Mỹ).
Cũng năm 1956 ấy, tại Việt Nam, là thời điểm của Trần Dần ở miền Bắc và Thanh Tâm Tuyền ở miền Nam. Câu chuyện nhịp của thơ, như đã nói, còn nằm cả bên ngoài bản thân các bài thơ. Ở đây, không phải Thanh Tâm Tuyền cảm thương, mà bản chất của vấn đề là một sự rung đúng nhịp.
Hungary hay Ba Lan tuy xa cách nhưng hết sức quan yếu đến xứ sở Viễn Đông như Việt Nam: như thể, vào năm 1956 ấy, một nhà thơ vĩ đại của Việt Nam đã nhìn thấy mối liên hệ khó tưởng tượng này. Ta sẽ sớm nói đến Ba Lan của Czesław Miłosz, còn bây giờ là Hungary.
 
Đặng Tiến gọi thơ Thanh Tâm Tuyền là Quốc Tế Ca
Câu «quốc tế ca» của Thanh Tâm Tuyền nhiều người thuộc nhất có lẽ là hai câu đầu dùng làm tựa đề cho bài thơ, đăng trên báo Sáng Tạo, số 4 tháng Giêng 1957:
 
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Bài này làm vào tháng 12-1956, một tháng sau khi Hồng quân Liên Xô, nhân danh khối liên minh quân sự Warszawa tràn ngập Hungary và thủ đô Budapest. Sau đó ông còn làm tiếp «Bản anh hùng ca Budapest» cũng đăng trên Sáng Tạo.
Thanh Tâm Tuyền chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam cho đến ngày sang Hoa Kỳ định cư vĩnh viễn. Nhưng thơ ông đầy những thành phố: Warszawa, Berlin, Bình Nhưỡng, Bắc Kinh, Moskva, Praha, Paris, Madrid, Brussels, Genève. Nhưng không có lũy tre, con đò, bờ dâu, nương sắn. Thơ Thanh Tâm Tuyền là thơ thành phố: thơ Pháp, đến Prevert là hoàn toàn đô thị hoá; thơ Việt Nam, đến Thanh Tâm Tuyền cũng quành vào đô thị.
 
Bây giờ nhìn lại, ‘Hãy cho anh khóc bằng mắt em’ đúng là một bài thơ lớn và cực hay. Trong đó có tình yêu và sự cảm động sâu xa, xen lẫn đớn đau và phẫn nộ. Ngôn ngữ và cách diễn đạt mới chưa từng thấy trong thơ Việt Nam từ trước đến nay và cả về sau. Hình ảnh đầy sáng tạo và mang tính bạo liệt. Ta thấy mắt, môi son, thịt da và hơi thở bên cạnh chiến xa, xích sắt, kẽm gai, lửa đạn trong tiếng thét gào giận dữ. Có người nói đọc bài thơ thấy khát cả cổ họng vì những khát vọng trong thơ.
 
Xin trở lại với Thảo Dân: Bài thơ đọc trong thời điểm này, hay đến đau đớn. Xin bạn hãy cùng tôi đọc lại bài thơ và nhìn qua màn lửa khói, ở đó chiến xa và súng ống của quân Nga xâm lược đang giẫm nát đất nước Ukraine, trong khi bom đạn từ cửa miệng lửa đỏ của Putin dội xuống các thành phố, kể cả trường học và bệnh viện nhi. Chỉ trong mấy ngày qua đã có cả ngàn người chết. Rồi cảnh chia ly đẫm nước mắt diễn ra hàng ngày ở biên giới, các nhà ga. Cô bé 7 tuổi tên Amilia hát gọi mẹ trong hầm lánh bom ở Kiev và ở quảng trường Vac-sa-va. Nào là cảnh vợ xa chồng. Con lìa cha. Các nữ binh ào ạt ra trận, đầu cài bông hướng dương. Có những đám cưới diễn ra vội vàng, đôi lứa hôn nhau xong là chia tay, chàng đi vào gió cát. Xin đọc lại câu thơ Thanh Tâm Tuyền trong màn khói của đất nước Ukraine hiện nay:
 
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Kiev
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác…
(Tổng hợp)
NXT
 

Saturday, May 28, 2022

HÔM NAY MẶT TRỜI CŨNG KHÓC

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
 
Trường Robb Elementary School
sau vũ nổ súng hôm 24.5.2022
 
Hôm nay mặt trời đã không muốn sáng
Bởi tiếng chim ca im bặt trên cây
Đôi mắt em thơ bỗng nhiên khép lại
Không được hân hoan mừng đón một ngày
 
Hôm nay cũng là ngày em náo nức
Sửa soạn niềm vui cho những ngày hè
Tháng ngày gắng công học hành luyện tập
Bên thầy bên cô cùng với bạn bè
 
Hôm nay cũng là ngày em chào mẹ
Cặp sách tung tăng em bước vào trường
Hẹn bữa cơm chiều gia đình sum họp
Nuôi em lớn dần trong nghĩa yêu thương
 
Hôm nay tiếng chuông thay bằng tiếng súng
Dập tắt nụ cười rạng rỡ ước mơ
Lương tâm con người thay bằng thú tính
Súng đạn căm thù chi đến trẻ thơ?
 
Không phải chiến tranh, nhưng là hủy diệt 
Hỡi trái tim người còn biết xót xa?
Nụ hôn chào nhau trở thành vĩnh biệt
Hôm nay… mặt trời vỡ tiếng khóc òa.
 
CLNTMT
 

Friday, May 27, 2022

ĐẦU TÔI LÀ CÁI HỘP CHỨA ĐẦY KHÚC CA

nguyễnxuânthiệp
 
Tranh minh họa. Đinh Cường
 
tôi đứng bên hiên. chiều
nghe
vang lên
những tiếng hát
trong đầu
 
em ơi
đầu tôi là cái hộp
chứa đầy khúc ca
 
em hãy nghe
này. em hãy nghe
 
tiếng hát của dòng sông. xanh. chảy qua trời
những cánh chim. nghiêng
nghiêng. soi bóng
đêm nay. anh sẽ về. sẽ về bên em
trong giấc mộng
rồi hừng đông. lại bay đi
bên kia sông. cánh đồng. đầy bông dã quỳ
người thi sỹ
đứng nhìn
đoàn xe lửa chạy qua
cho tôi về. cho tôi về. sân ga hạnh phúc. ngày nào
biển chiều
cô gái trông theo. cánh buồm xa khuất
vẫy chào người yêu ra đi. lần cuối
 
chủ nhật
màu xám
có người cầm một cành hoa
đi về phía. ngôi nhà. của gió. và trăng khô
khúc hát. rơi buồn
như những cánh chim. trong cơn bão. mùa thu
có ai về
có ai về
con đường xưa
hay chỉ mình tôi
xin đừng hát nữa
đừng hát nữa
cô gái ơi
cánh buồm đã ra khơi. bão tố
không bao giờ trở lại
 
ôi
những tiếng hát
âm vang mãi. trong sọ đầu tôi
lúc bình minh. xám
mọc lên
hay
mỗi chiều tà
đêm xuống
quay. quay
những vòng hư ảo
tiếng đại hồ cầm. trong khu rừng. những cây sồi
bay lên
và tiếng hát
bay lên
 
một ngày
không còn tiếng hát
từ hộp sọ đầu tôi
sẽ mọc lên
một cành hoa lys. màu đỏ
môi em
NXT
  

Thursday, May 26, 2022

MÙI HƯƠNG HOA NHÀI. VÀ NHẠC RAHAB TRÊN ĐƯỜNG PHỐ

nguyễnxuânthiệp
 
Hoa nhài
 
chiều
phố cổ
có người con gái. tên marguerite
khi xa sài gòn
nhớ mãi. mùi nhài thơm
của vùng trời. nhiệt đới
   Tôi ngồi đọc lại thơ tôi. Những ngày này tháng tư về gợi bao điều để nghĩ và để nhớ. Một cuốn sách, một bóng nắng, một mùi hương hay khúc nhạc có thể làm sống dậy những mảnh đời ở đâu đó trên thành phố một thời trẻ tuổi.
 
   “Ở một góc thành phố West Hollywood, nơi tôi đến ở một tuần, với ngọn đồi Hollywood ở phía đông, những con đường lúc nào cũng đông người đi bộ, các tiệm buôn, những tòa nhà cao ốc với những ngọn đèn neon đầy màu sắc gợi đến một góc Sài Gòn. Trên đường Santa Monica và Melrose, các quầy sách báo bày trên lề đường gợi về những ngày tháng lang thang trên đường Lê Lợi với những quầy sách trước nhà sách Khai Trí của một thời say mê sách vở.”
   Đoạn văn trên, đọc thấy trong cuốn tạp bút “Từ Bàn Viết Houston”* của Việt Nguyên, đã gợi cho Nguyễn nghĩ tới những năm tháng thanh xuân với phố xá, sách vở và bạn bè và những cây bông sứ cây ngọc lan và hoa nhài trong đêm tỏa mùi hương nồng ngát. Kết thúc bài văn, Việt Nguyên viết: “Nhà báo Bernard Weinraub rời SG nhớ mãi một SG huyền nhiệm với mùi thơm hoa lài. Thành phố West Hollywood với những giàn hoa giấy đỏ thắm trên đường Fair Fax và Santa Monica, giống như SG của tôi nhưng thiếu một mùi hương dạ lý.”
  
   Quả là một khúc văn đặc sắc. Nội dung toàn bài trình bày một cái nhìn khác với trước đây của báo chí, sách vở và dư luận Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam và chế độ VNCH. Chẳng hạn tờ New York TimesLos Angeles Times kể từ năm 2005 đã thay đổi bộ mặt và giọng điệu: không còn những cỗ xe tăng và đại pháo của quân Bắc Việt trên đường phố Sài Gòn mà thay vào đó là hình ảnh các công nhân làm việc trong các siêu thị với những chiếc xe mua hàng treo đầy bong bóng màu… Tất cả rực rỡ trên trang nhất với hàng “tít” lớn “Chủ Nghĩa Tư Bản Đến Sau 30 Năm” cùng với hình ảnh các thiếu nữ mang dấu hiệu các công ty lớn của Mỹ. Trong khi đó, những bài xã luận không còn giọng điệu thân Cộng nữa mà đứng về phía VNCH. Ký giả Stephen J. Morris viết về chiến tranh VN với lời khẳng quyết “một trận chiến chúng ta có thể thắng”. Trong khi đó, các nhà báo cánh tả Hoa Kỳ sau 30 năm cũng đã thức tỉnh nhìn lại để thấy rằng họ đã sai lầm. Các nhân vật cao cấp của quân đội như tướng Westmoreland và tướng Abrams Creighton cho đến TT Nixon (những năm cuối đời), tất cả cũng đã đồng thanh công nhận quân lực VNCH đủ sức chiến đấu nhưng bị thua vì giới truyền thông cánh tả, đám phản chiến và quốc hội Hoa Kỳ. Nhà văn Phạm Thị Hoài, tác giả Thiên Sứ, thời ấy cũng đã để rơi những giọt nước mắt, “không phải những giọt nước mắt mừng chiến thắng mà là những giọt nước mắt giã từ”.  Giã từ… Giã từ những giấc mộng, những ảo tưởng trước hiện thực vô nhân, tàn bạo đang bày ra trên đất nước…
   Trang sử 30 tháng Tư khép lại. Nghĩ về Sài Gòn trong bóng chiều tan ở một thành phố nước Mỹ hôm nay vẫn còn thoang thoảng trong ký ức của Nguyễn mùi hương hoa nhài, hoa sứ…
   Nguyễn đã đọc bài tạp bút của Việt Nguyên với những cảm xúc và suy nghĩ như trên. Ngoài ra, trong cuốn tạp bút vừa nói, Nguyễn cũng gặp một bài khác của Việt Nguyên viết về cuốn truyện The Kite Runner (Kẻ Săn Diều) của nhà văn A Phú Hãn  (Afghanistan) Khaled Hosseini.  Đọc bài của Việt Nguyên, Nguyễn vội vàng vào Barnes & Noble ở phố Firewheel mua ngay cuốn “The Kite Runner”. Kỳ lạ thay, được khơi gợi, Nguyễn bỗng thấy mình trở lại Sài Gòn với mùi hoa sứ, hoa nhài trên sân nhà, ở bến Bạch Đằng và những khu vườn dọc theo con đường có trường Gia Long ngày trước. A, văn chương có mãnh lực huyền diệu, Nguyễn  thấy mình được sống lại với những người bạn thời trẻ trong quán sách hoặc lang thang trên đường phố, ngồi trong các quán nước,  rạp xi nê. Cuốn sách có những cảnh thơ mộng, những tình cảm ngọt ngào xen lẫn những đoạn bạo liệt. Còn nhớ, cuốn sách và bài văn của Việt Nguyên đã gợi cảm hứng cho Nguyễn viết một loạt bài về những cánh diều trên bờ biển Galveston, bờ biển Destin và trên cánh đồng làng Lại Thế, cũng như những thân diều chết treo lơ lửng trên những hàng dây điện của đường phố Sài Gòn như Bình Nguyên Lộc đã tả. Cũng trên dòng tự sự của Khaled Hosseini trong “Kẻ Săn Diều”, Nguyễn thấy lại Sài Gòn thời đổi chủ và cuộc sống ở nước Mỹ sau nhiều năm trôi giạt. Cũng như Amir chạy đuổi theo cánh diều ở Fremont, Nguyễn tìm thấy hạnh phúc bình yên trên những cánh diều ở bãi biển Galveston và Destin. Nghĩa là bài viết của Việt Nguyên và cuốn sách đã giúp Nguyễn tìm lại được hình ảnh của mình và những bầu trời thân quen. Sau đây là một đoạn văn rất đẹp và cảm động của Việt Nguyên trong bài viết về “The Kite Runner”: “Giấc mơ của Hassan, mơ thấy những đóa hoa Lawla sẽ nở lại trên những đường phố, nhạc Rahab sẽ trỗi lên nhộn nhịp trong mỗi căn nhà và những cánh diều sẽ bay trên nền trời Kabul trong khi chờ  đợi người bạn thơ ấu trở về. Amir, Sohrab và vợ Soraya tìm lại được hạnh phúc trong một buổi chiều trên cánh đồng Fremont. Amir chạy theo cánh diều trên quê hương mới, tưởng như sống lại thời trẻ”*…
   Ôi, mùi hoa lawla và nhạc Rahab trên đường phố… Giấc mơ của Hassan là như thế. Còn tôi và bạn có giấc mơ nào không? Ôi, Sài Gòn của ta.  Nếu có thể, xin cho Nguyễn được trở về đứng lặng yên nghe lại điệu blues từ phòng trà Tự Do vọng ra, nhìn những cột buồm lảo đảo ngoài bến Bạch Đằng, ngửi thấy mùi hoa nhài hoa sứ đâu đây khi “chim én vẫn bay đấy trời chiều đường phố Sài Gòn” (TTT), để thấy hồn mình biến thành ánh chiều màu đỏ thẫm rơi, rơi…Và xin bạn bè cho phép Nguyễn được mơ:
em ơi
đất ấy như lòng ta
sân gạch hồng
những cây bàng lá đỏ
và hoa nhài
hoa nhài
thơm những lu nước mưa. trăng
như mắt em
nhìn trời
trời thì cao. trong. mà đất đầy bóng tối
anh yêu em
như yêu hoa nhài
nhớ không
những bông nhài thuở ấy
kết thành chuỗi. treo trên cánh tay khẳng khiu của những em bé ngoài bến cảng
trong khách sạn majestic
ở mái hiên. bia và cà phê. continental
từ tiếng khóc lầm than. tới giấc mơ trong đêm nhiệt đới
bình minh. không mặt trời
em ơi
chính là hận thù. sự nghèo đói. và mơ mộng của thi sĩ. làm nở những bông hoa nhài
của cách mạng xanh
 
NXT
 
*“Từ Bàn Viết Houston”, Người Việt xuất bản 2008
 
 

CA SỸ CAO THÁI

Jimmy Nht
 
Jimmy và Cao Thái
 
Đón chuyến xe lửa từ ga Lyon đến tỉnh Dijon để thăm ca sĩ Cao Thái - tiếng hát gắn liền với bài hát Mexico. Bản Mexico mà ông đã tự luyến láy, giữ giọng ngân dài để tạo nên nét đặc thù riêng của Cao Thái trong bản nhạc này mà cho đến nay chưa ai thay thế được.
Năm nay ông được 93 tuổi nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn, giọng ca vẫn khỏe. Giọng tenor đặc biệt với bản nhạc đã gắn liền với tên tuổi ông, hẳn giới thưởng ngoạn không thể nào quên một ca sĩ đã để lại nhiều ấn tượng qua phong cách trình diễn thoải mái, thái độ thân mật, gần gũi với thính giả và nhất là tính vui vẻ, yêu đời của ông.
Ông bước vào nghiệp dĩ ca hát không phải ở Việt Nam mà là ở Pháp. Nhờ gia đình khá giả, ông đi du học ở Pháp năm 1950 về ngành kỹ sư công chánh, nhưng có lẽ tiếng đàn hát từ những hộp đêm trên đường phố Paris đã quyến rũ ông nhiều hơn lời thầy trên bục giảng nên ông đã lén gia đình bỏ học, đi hát trong những quán bar. Ông dự thi nhiều cuộc thi tuyển, cuộc thi nào ông cũng đứng nhất mà đỉnh điểm là giải nhất Casino de Deauville năm 1954, đánh dấu một bước ngoặc trong cuộc đời : cậu sinh viên Cao Thái Nghiệp đã chính thức trở thành ca sĩ Cao Thái.
Ông Cao Thái  là anh ruột của sư cô Chân Không Cao Ngọc Phượng – trong thập niên 80 cũng đã đi khắp các trại tị nạn ở Thái Lan, Mã Lai, Hồng Kông để mang quà cho người tị nạn và giúp người tị nạn mang thư về cho thân nhân.
JIMMY
 
Nguồn: Facebook Jimmy

 

EM ĐI ĐỂ GIÓ VÔ THƯỜNG BAY QUA

Huỳnh Liễu Ngạn
 
Mùa sen. Tranh Đinh Cường
 
mòn đôi mắt của nhớ thương
em đi để gió vô thường bay qua
mười năm trăng lẻ bên nhà
bên ni mấy độ trăng già trăng non
 
thương đêm con nước hao mòn
thương em quên cả lối mòn qua sông
đến nay năm tháng mịt mùng
xa xôi chi nẻo cố cùng của nhau
 
người về chờ suốt đêm thâu
vẫn không thấy được bóng câu qua thềm
mòn đôi mắt của nỗi niềm
mấy năm cách biệt đã mềm tuổi tôi
 
mấy năm rồi cũng pha phôi
và trăng nước cũng đơn côi một mình
người đi lẻ bóng xa hình
nhân gian chìm xuống với mình tôi đây
 
thương đêm một bóng hao gầy
thương tôi lạc mất tháng ngày cố hương.
 
HUỲNH LIỄU NGẠN

 

 

  

Tuesday, May 24, 2022

TRANH TRƯƠNG THỊ THỊNH

Trương Vũ
 
CHÂN DUNG TRƯƠNG THỊ HỒNG LIÊN
Tranh Trương Thị Thịnh
sơn dầu trên ván ép, 18"x24", thực hiện đầu năm 1958
 
Cách đây hơn 64 năm, vào dịp Tết, chị tôi, Trương Thị Thịnh cùng chồng, họa sĩ Nguyễn Trí Minh, từ Sài Gòn về Nha Trang thăm nhà.  Lúc đó, chị mới tốt nghiệp trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định và đang học Sư Phạm Mỹ Thuật. Thời gian này, tôi còn học trung học và chị Liên tôi (Trương Thị Hồng Liên) vẫn còn là một thiếu nữ. Chị ngồi làm mẫu cho chị Thịnh vẽ. Bức chân dung sau đó được treo ở nhà tôi trên đường Hàn Thuyên. Vài năm sau, chị Liên vào Sài Gòn, lập gia đình rồi có con. Chồng chị là một sĩ quan QLVNCH. Họ hiền lành, sống đơn giản. Tháng tư 1975, bi kịch đến với họ, như đến với nhiều gia đình khác. Bức chân dung không còn treo ở nhà tôi nữa. Tôi cũng rời Việt Nam một năm sau đó.
 
Hai mươi lăm năm sau, thỉnh thoảng, tôi về Việt Nam thăm gia đình. Tôi thường đến thăm chị. Chị sống một mình với các con. Các con lớn nhanh. Chị già nhanh và bệnh tật cũng đến nhanh. Những năm sau này, mỗi lần gọi điện thoại và nhìn hình ảnh chị qua phone, tôi xót xa.
 
Cách đây hai tuần, tôi về Cali dự lễ ra trường trung học của một đưa cháu ngoại và để thăm chị Thịnh. Một buổi sáng, tôi được các con chị Liên từ VN gọi sang cho biết chị đã ra đi tối hôm trước. Vợ chồng tôi đến apartment chị Thịnh báo tin. Những giọt nước mắt! Qua hôm sau, một đứa cháu ở Sài Gòn, gọi tôi bằng cậu, post lên FB hình chụp bức chân dung chị Liên. Đã lâu lắm, bây giờ tôi mới thấy lại bức chân dung này. Chân dung một người con gái trẻ đẹp. Chân dung do một người chị vẽ em mình, 64 năm trước.
 
Một đời người chấm dứt. Một người thân yêu ra đi. Nhưng, bức tranh chân dung còn đó, gợi lại cho tôi cái sống của một con người. Cái sống này không bị thời gian tàn phá.
 
TRƯƠNG VŨ
California, tháng 5, 2022 

Monday, May 23, 2022

NHÀ VĂN CUNG TÍCH BIỀN VỚI TRUYỆN NGẮN ‘NGOẠI Ô, DĨ AN VÀ LINH HỒN TÔI’

 Trần Yên Hòa
 


Nhà văn Cung Tích Biền & Tác phẩm
 
Lần đầu tiên tôi đọc truyện ngắn của Cung Tích Biền đâu vào những năm (1965-1966?). Đó là truyện "Đường Bay Đôi Cánh Thạnh", đăng trên 3 số Nghệ Thuật 47, 48, 49... do nhà văn Mai Thảo chủ trương. Tôi thích ngay vì trong truyện có tên nhân vật  là Thạnh, giống tên bạn tôi, cũng chết trong một cuộc hành quân.
 
Từ đó, tên Cung Tích Biền đã ghi vào trí nhớ tôi, một nhà văn Quảng Nam viết truyện hay, tôi rất thích và ngưỡng mộ...
 
Đến những năm sau này, tiếp tục đọc truyện của Cung Tích Biền, xuất hiện ở nhiều nơi, như được đăng trên các nhật  báo, trên các tuần san, nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật SG, hoặc in thành sách...Mỗi truyện trong "cõi văn chương" Cung Tích Biền, đều cho tôi nhiều cảm giác lạ, ý tưởng lạ, dù trong những đoạn viết bình thường, tác giả cũng đưa vào những ý tưởng sâu sắc, để cho chúng ta thấy một cái nhìn xa hơn, triết lý hơn về mỗi hoàn cảnh, mỗi cuộc sống.
 
Sau đây tôi xin giới thiệu truyện ngắn "Ngoại Ô, Dĩ An và linh hồn tôi", của Cung Tích Biền được đăng trên tuần báo Nghệ Thuật số 23, phát hành tuần lễ từ 19-3 tới 26-3, năm 1966 tại Sài Gòn, VN.
 
Theo một bài phỏng vấn của Mặc Lâm trên đài Á Châu Tự Do với nhà văn Cung Tích Biền ngày 28 tháng 7 năm 2008, thì "bút hiệu Cung Tích Biền xuất hiện lần đầu tiên trên tuần báo Nghệ Thuật tháng 3-1966 tại Sàigòn, với truyện ngắn Ngoại Ô, Dĩ An và Linh Hồn Tôi."
 
Dĩ An đây không phải là cái tên của một thành phố thuộc tỉnh Bình Dương, mà là tên một người con gái ở ngoại ô Đà Nẵng. Truyện diễn ra thời gian khoảng năm 1965 hay trước đó. Đà Nẵng có thể nói là một thành phố đón lính Mỹ vào miền Nam trước nhất.
 
Dĩ An, cô nữ sinh (tên gia đình gọi là Liêm) có cô em gái, là nhân vật xưng tôi trong truyện, tên là Bích Ty, và cậu em trai tên là Lâm, trong một gia đình nghèo ở ngoại ô Đà Nẵng. Hai chị em khi còn là học sinh là hai cô gái đẹp, dễ thương.
 
Vào đầu truyện là mẫu đối thoại giữa hai chị em, mẫu đối thoại sống sượn làm ta nghe nhói lòng:
"- Sao, mày có chịu không?
- Cái gì vậy hả chị?
- Thì ngủ với thằng cha Lớp-Bơ chớ còn gì nữa.
- Thôi, em ớn lắm chị.
- Đồ ngu, sức mà ở đó giữ trinh với tiết."
 
 Đó là lời nói của người chị, Dĩ An, nói với đứa em của mình, khi Từ một năm nay chị Dĩ An bỏ nhà ra đi hàng tháng. Mỗi lần trở về chị có tiền đưa cho mẹ tôi. Mẹ tôi hỏi chị, chị nói con đi làm sở Mỹ tận Sài Gòn.
Xã hội Việt Nam những năm 1965, 1966 và sau đó, khi quân đội Mỹ đổ bộ xuống miền Nam Việt Nam... hầu hết mọi nơi, nơi nào có lính Mỹ đóng đều có những người Việt Nam đi "làm sở Mỹ" như vậy.
"Lần này chị về nhà bảo thẳng với tôi cho ông Lớp-Bơ phá trinh lấy ba trăm đô la. Chị bảo: “Mày ở cái xóm chó ghẻ này tới già cũng không có một xu nhỏ bỏ vào hòm!”
Một người con gái con nhà nghèo, cha đạp xích lô, mẹ đi bán chè rong hằng đêm. Dù là một gia đình nghèo, nhưng là một gia đình làm ăn chân chính...
"Dĩ An là chị ruột của tôi. Năm nay chị hai mươi tuổi. Trước đây hai năm chị là một nữ sinh có nhan sắc, tính tình hiền hậu nhất trường. Ngày đó cha tôi thường nói mai sau thằng nào gặp con Liêm (Dĩ An đó) là có phúc lắm. Và cha mẹ tôi đã cho chị Dĩ An tới trường với tất cả cố gắng về vật chất của mình."
Nhưng tại sao bây giờ Dĩ An, lại trở nên hư hỏng như vậy, và càng hư hỏng, tội lỗi hơn, khi đã xúi em gái mình bán trinh có người lính Mỹ có tên Lớp-Bơ để lấy 300 đô la.
Lý do cũng dễ hiểu trong thời đại đó là:
“Em biết không, nhà mình nghèo lắm”. Chị thường nói với tôi như vậy. Năm học đệ tứ có tháng chị đứng đầu lớp. Cha tôi đạp xích lô. Ai không biết điều đó. Nhưng hầu hết ai cũng thương và kính trọng chị."
 
Truyện đưa đến một lý giải, tại sao hoàn cảnh nào đưa Dĩ An, cô nữ sinh mới 20 tuổi, phải ra nông nổi này? Bởi vì người tình của nàng là Lân. "Lân lớn người, học sinh đệ nhất cùng trường. Anh thi trượt hai năm. Buồn, xin vào Thủ Đức, mãn khóa về ngành Thiết giáp. Mỗi lần về phép Lân đều thăm chị. Có lần anh xin cưới chị, chị từ chối nhưng chị buồn... Một hôm Lân từ Peiku về thăm chị Dĩ An. Tình yêu nở ra mãnh liệt. Hôm lên đường đáo nhận đơn vị anh mang theo cái niềm vui chị Dĩ An đã nhận lời làm vợ chưa cưới của anh. Nhưng một tuần sau thì Lân tử trận trong một cuộc hành quân lớn. Thi hài anh Lân được chở về thành phố tràn ngập cuộc vui của gái điếm và du đãng. Lân chết trong rừng để thành phố được tiếp tục cơn động kinh của thời đại.
Vì người chồng sắp cưới tử trận nên Dĩ An buồn chán và sa vào trác táng:
Chị bắt đầu lập cái vạch nối giữa sự thất vọng cùng những cuộc trác táng. Năm đó chị tôi thi hỏng. Cha tôi đi làm được nhiều tiền, nhưng chị lại không chịu đi học nữa. Những đứa em tôi được vào học trường lớn trong thành phố. Chị Dĩ An mặc jupe. Tôi dùng dù che mỗi khi ra phố. Xuống đại lộ chúng tôi lẫn lộn trong biển người thời đại. Chúng tôi bị lôi cuốn ngấm ngầm như một người nghiện.
 
Thế rồi Dĩ An trượt dài vì nỗi buồn, người chồng sắp cưới đã mất trong một cuộc hành quân, Dĩ An trôi theo hoàn cảnh:
Chị Dĩ An thì không có bằng cấp. Với cái chứng chỉ đệ tứ chị chỉ được làm ở sở Mỹ nhờ một người quen bảo lãnh. Nội cái việc bảo lãnh cũng phải trả một giá quá đắt rồi. Thằng khốn nạn nói bóng gió nhưng chị Dĩ An thừa hiểu một cách cay đắng rằng: cho nó ngủ một đêm.
Làm công như chị Dĩ An sao mà nhiều tiền quá. Mẹ tôi vốn hiền từ tin ở con mình. Riêng tôi, tôi vẫn có một linh cảm chua xót về chị Dĩ An của tôi.
- Thực tình mày không chịu ngủ với thằng cha Lớp-Bơ hả? Đồ con chó, sao mày dại vậy?
 
Và đứa em trai tên Lâm, một lúc đã hỏi:
 “Chị Dĩ An làm đĩ hả?” Tôi không trả lời được. Em tôi gắt gỏng: “Ai đặt cho chị Liêm cái tên Dĩ An đó?” Tôi cúi mặt đi vào phòng, nước mắt ràn rụa. Em tôi bỏ đi. Buổi chiều tôi thấy nó uống la-de say mềm trong quán. Nó đập lộn với bạn bị cảnh sát bắt về đồn. Tôi đến đồn. Ông đồn trưởng nói thẳng vào mặt tôi:
- Cái gia đình này bầm dập lắm, con thì làm đĩ, thằng thì du đãng.
 
Tóm lại, cuối cùng, trong cái "xã hội tan rã" đó, đã đưa bao số phận con người, phải sa vào làm gái điếm, xì ke, ma túy...
 
Đoạn kết của truyện:
Chị Dĩ An vất cho mẹ tôi một chục ngàn rồi đi luôn. Hình ảnh cuối cùng của một người chị trong đời tôi như vậy đó. Tôi buồn và bắt đầu đi lang thang trong những cánh rừng thông bãi biển. Chiều nay tôi âm thầm đạp xe đến cổng một hotel mà cuộc đời chị ném sâu trong đó. Hoàng hôn xuống thành phố. Trên từng lầu thứ ba đèn sáng qua các ô cửa. Chị Dĩ An tôi trên đó. Tiếng cười điên loạn trên đó.
 
*
Cung Tích Biền đã viết nhiều truyện ngắn tương tự như vậy. Vì hoàn cảnh đất nước chiến tranh, đã tạo ra biết bao nhiêu thảm kịch, cho từng con người, từng gia đình và lan ra toàn xã hội. Với văn phong gọn, nhẹ, đối thoại đúng, thực, nên đọc rất hấp dẫn.
 
Cung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao. Sinh ngày 8-2-1937, tại quận Thăng Bình, Quảng Nam.
Suốt hơn 65 năm cầm bút, ông khởi viết từ năm 1958 (có một thời gian khoảng 10 năm ông ngưng viết, khi còn ở VN, sau 1975), Cung Tích Biền đã xuất bản những tác phẩm như sau:
Ai Tỉnh Ai Điên, Nỗi Buồn Thắp Sáng, Nàng Tình Rỗng, Trên Ngọn Lửa,
Cõi Ngoài, Bạch Hóa, Chim Cánh Cụt, Một Thời Lưu Lạc,Tình Yêu Mùa Ảo Ảnh, Thằng Bắt Quỷ, Cung Tích Biền Toàn Tập I, II, III, Xứ Động Vật, Mùa Xuân Cô Mơ Bay, Bạch Hóa, Nhạc Điệu Của Bầy Ong, Đành Lòng Sống Trong Phòng Đợi Của Lịch Sử, Một Thời nên Vắng Mặt.
 
Xem qua những tựa đề sách, như Xứ Động Vật, Đành Lòng Sống trong phòng đợi của Lịch Sử (CTB trả lời phỏng vấn nhà thơ Lý Đợi), Một Thời Nên Vắng Mặt, ta hiểu ngay tác giả muốn  nói gì, suy nghĩ gì với nền chính trị, xã hội VN trong nước hiện tại.
 
Tôi đồng ý với nhận định của nhà thơ Du Tử Lê, trong tuyển tập truyện ngắn Bạch Hóa, nơi Phụ Lục 2, trang 226, về văn chương Cung Tích Biền như sau:
"Với tôi, Cung Tích Biền là một biệt lệ. Càng bước gần tuổi tám mươi, bút lực của ông càng sung mãn; với một tâm thái bát ngát minh triết, chứa chan những hồi chuông nhân bản, lai tỉnh xã hội càng lúc càng biến dạng..."
Cung Tích Biền và gia đình hiện sống tại Nam California, USA.
 
TRẦN YÊN HÒA