Ban
Mai
Đỉnh mù sương Bà
Nà
Q chở tôi bay
trên xa lộ, đường vắng. Những cây cầu diễm lệ bắc qua sông Hàn rực rỡ về khuya.
Đêm se lạnh, những đôi tình nhân âu yếm bên thành cầu, họ ngắm nhìn thành phố
rực sáng ở phía chân trời.
Qua khu mới,
hai bên đường rợp bóng cây, ánh sáng của ngọn đèn đường hắt trên những cành lá
đong đưa như những linh hồn đứng phất phơ trong gió. Đà Nẵng mà tôi biết trong
“Tháng ba gãy súng” của Cao Xuân Huy, với tiếng xe tăng rít trên đường nhựa,
người di tản dồn cứng ở cửa Thuận An, với xác người ngập ngụa trên biển cả,
người con gái điên lõa lồ trên boong tàu, viên sĩ quan choàng vội chiếc áo lính
quanh mình cô, tiếng cười ngây dại của người đàn bà đi tìm con, tiếng van xin
của những cậu lính trẻ thất thần cố gắng bám lên thành tàu trong ngày cuối…Tôi trôi
trên những con đường mọc đầy quán bar quanh đồn lính, những dây thép gai chằng
chịt trong “Mùa biển động” của Nguyễn Mộng Giác.
Nhà của S thuộc
vùng ngoại ô, mưa bắt đầu nặng hạt. Tụi tôi đến trễ, vì Q bận việc ở Đài. Mưa
bắn vào người tôi lạnh buốt khi tôi chạy dưới cơn mưa. Căn biệt thự kiểu mới
với khu vườn thoáng đãng, xanh mát ở giữa khuôn viên. Những cành trúc đọng nước
lấp lánh dưới ngọn đèn vàng. Ngôi nhà ấm áp với những đứa con ngoan, S đã có
một cuộc sống ổn định qua bao thăng trầm. Những lát bánh hồng thơm dẻo, sừng
sực dừa béo ngọt của xứ Tam Quan, quà quê tôi mang vào. Mấy chục năm rồi, nhưng
tụi bạn tôi vẫn còn hồn nhiên như con nít. Thời đại học vô tư, đứa nào cùng
mang trong lòng nhiệt huyết, thời của “Thép đã tôi thế đấy” sách gối đầu giường
của lũ chúng tôi. Nhưng ra trường, mọi mơ ước của thế hệ chúng tôi sụp đỗ tan
tành trước thực tế cuộc đời trần trụi. Thời bao cấp nghề giáo là một trong
những nghề đói rách, thê thảm, muốn giữ lấy hình ảnh đẹp của người thầy trong
mắt học trò có lẽ phải bỏ dạy, bạn tôi than. Bây giờ S là bà chủ cửa hàng xây
dựng đang ăn nên làm ra.
Quán gỏi cá
Thanh Hương vắng khách vì trời mưa, vì giờ ăn tối đã trễ, ly rượu vang màu đỏ
sóng sánh. Lần đầu tiên tôi ăn món gỏi cá trích cuốn với các loại rau rừng,
những món dân quê bây giờ đã lên mâm “đặc sản”. Ngày nay đi du lịch, từ Nam chí
Bắc nơi đâu bạn cũng được tiếp thị món rau đặc sản vùng quê. Đến Tam Đảo, trong
các nhà hàng bạn sẽ được đãi món đọt susu xào tỏi, thịt thỏ nướng. Đến Pleiku
khách sẽ có món lẩu nấm với các loại rau rừng, về Bình Định bạn sẽ có món rau
lang luộc chấm mắm cua… món ăn mà ông Võ Phiến mấy chục năm đi xa vẫn nhớ tha
thiết trong tùy bút của mình.
Q kể tôi nghe
ngày mới ra trường Q dạy trên vùng núi, những ngày hè đói khổ, bạn theo xe hàng
xuôi Nam ngược Bắc, có lúc bạn thấy cuộc đời vô nghĩa, buồn đến mức, cái chết
như một cứu rổi. Một thời gian, không chịu nổi cảnh tù hãm, Q bỏ dạy xuống Đà
Nẵng tìm việc, rồi đi học tiếp, rồi chuyển sang làm Đài truyền hình. Tính Q sôi
nổi, nắm bắt nhanh nhạy, có tay nghề vững trong biên tập bài, nên chẳng bao lâu
Q làm đạo diễn truyền hình. Nghề này phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều, bạn khác
hẳn Q của những ngày xưa. Bốn năm học, chúng tôi ngồi cùng bàn, đi thực tập
cùng nhau, cả hai trở thành hai đứa bạn thân. Nhớ những buổi chiều ở vùng quê
Nhơn Hậu, bên cạnh thành Đồ Bàn, Q giành xách nước trên cái thành giếng đá ong
cho P và tôi nấu cơm, cầm đèn hột vịt dò dẫm trên con đường làng tối đen cho
chúng tôi đi sưu tầm văn học dân gian. Đêm nghe tiếng dế mèn nỉ non, tiếng ếch
nhái ộp oạp dưới cánh đồng, tiếng gà gáy cầm canh…
Thời gian êm
đềm tôi sống trong vòng tay gia đình, của những năm đầu tiên thời đại học cũng
là thời gian H lang thang khắp nước Mỹ. Người bạn thân ngày tôi mới lớn, học
hơn tôi một năm. Ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau nói chuyện trên trời dưới
đất, cùng học bài, cùng nghe nhạc, cùng đọc sách, cùng kể những câu chuyện
phiêu lưu. Khi đó, chúng tôi thích đọc cuốn “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của
Jules Verne và mê thuyền trưởng Nemo. Rồi một ngày, H biến mất, một năm sau tôi
nhận thư H từ Phi Luật Tân, lúc đó tôi học năm thứ nhất đại học. Thời đó, nhận
thư từ nước ngoài trong thế giới tư bản là một điều còn cấm kỵ, nhất là từ
những người vượt biển bị cho là phản quốc. Tôi được phê trong học bạ là sống xa
rời quần chúng! Thành phần tiểu tư sản! Hàng tháng họp phê bình và tự phê bình
xếp loại hạnh kiểm A,B,C…
Sau này, tôi
nghe H kể, sau gần hai năm ở trại tị nạn H định cư ở Mỹ. Nơi H đặt chân đến là
Seattle, Washington, miền Tây nước Mỹ. Lần đầu tiên đến đất nước xa lạ, rơi
trúng mùa Đông, thành phố Seattle buốt giá, mưa nhiều, bầu trời u ám. Mọi viễn
cảnh mà H vẽ ra trong đầu khi còn ở trại tị nạn sụp đỗ tan tành trước thực tế
trước mắt. Khung cảnh nơi này buồn chán, không sinh động như H nghĩ. Nhiều lần
H cảm thấy tuyệt vọng, là một người thích phiêu lưu, khám phá, H quyết định đón
xe bus đến những tiểu bang khác, mong tìm một nơi khí hậu ấm áp hơn, không am
tường địa lý, không quen biết ai, không biết phải đi đâu, nhưng H quyết đi. Vậy
là H lang thang từ tiểu bang này đến tiểu bang khác để sinh sống, đến nơi nào H
cũng vào nhà thờ hỏi xin việc làm, và không từ nan bất cứ công việc gì từ dọn
dẹp sau vườn, hái quả, lau dọn nhà cửa. Lúc đó niềm khao khát lớn nhất của H là
được đi học, H liên lạc với bạn bè đang tứ tán khắp nước Mỹ để hỏi thăm cách
thức và nhờ chỉ cho con đường đi. Cuối cùng H đến tiểu bang Ohio, một nơi thật
lạnh, xung quanh là băng tuyết, có nhiều khi nhiệt độ xuống đến -20 độ, nhưng
bạn không nề hà, lại rất vui vì ở nơi này mình được đi học.
Đó cũng là thời
gian đêm nào tôi cũng mở đài BBC để nghe tin tức về những người Việt Nam vượt
biển tị nạn, mong tìm tin tức bạn bè.
Và rồi, hành trình của chúng tôi mỗi người mỗi ngã bặt
tin nhau suốt 30 năm. Ba mươi năm một thời gian quá dài của cuộc đời mỗi con
người.
Khách sạn
Riverside bên chân cầu Rồng nhộn nhịp, chuyến tập huấn khoa học công nghệ của
Bộ Giáo dục triệu tập các trường Đại học tổ chức nơi này. Đêm Đà Nẵng hoa lệ tr
ải dài dưới tầm mắt tôi, mới mấy năm trở lại Đà Nẵng thay đổi và phát triển
nhanh đến mức kinh ngạc. Cầu Rồng đèn xanh, đỏ nhấp nháy liên tục, dưới chân
cầu người ta đang tổ chức cuộc thi nhảy hip hop và các Ban nhạc cho giới trẻ
thành phố.
Tôi không còn
trẻ nữa để thả mình vào những âm thanh gầm rú của các nhạc cụ điện tử, không đủ
năng lượng để nhảy những vũ điệu quay cuồng.
Tôi chỉ muốn
một không gian yên tĩnh, chìm đắm vào những giai điệu du dương của một thời quá
vãng… Quán Piano bar Tiếng dương cầm nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, khu dân cư
yên tĩnh là nơi chúng tôi tìm đến. Đây là quán của một người bạn Q. Xe con đậu
hai bên đường chật cứng. Là một phòng trà nhỏ ấm áp, thân tình, nơi chốn tìm về
của những người phần đông thuốc thế hệ chúng tôi. Phòng nhỏ, ca sĩ và khách
ngồi nghe gần gũi, như những xẻ chia của người bạn lâu năm gặp mặt. Phong cách
lãng tử, nhẹ nhàng.
Nghe bạn kể căn
nhà 3 tầng này trước đây là của một vị đại tá trong quân lực VNCH, sau 1975, vị
đại tá đi học tập cải tạo, vợ con bị đuổi ra ngoài bắt đi kinh tế mới, nhà giao
cho 3 vị cán bộ mới tiếp quản về, mỗi vị một tầng lầu. Mấy mẹ con vị đại tá này
không biết sống ở đâu, không biết phải làm gì. Họ bèn lấy cái bàn đánh bóng bàn
của gia đình để một góc trước căn nhà, ban ngày làm sạp bán vải, ban đêm cả nhà
che màn ngủ trên cái bàn này. Rồi cũng sống qua, sau khi vị đại tá học tập trở
về, cả nhà vượt biển, may mắn sau mấy ngày lênh đênh đói khát được tàu Vatican
vớt đưa về định cư tại Ý. Chỉ còn một người con trai ở lại, căn nhà quá đỗi
thân thương nên bằng mọi cách anh quyết chí làm ăn mua lại ngôi nhà của ba mẹ.
Bây giờ, người con trai đã mua lại 2 tầng lầu, còn 1 tầng lầu nữa vị cán bộ vẫn
còn ở chưa bán. Người chủ của quán “Tiếng dương cầm” này là người con trai ấy.
Anh con trai buồn kể, đã bao nhiêu lần mời ba mẹ về lại VN thăm nhưng ông bà
nhất quyết một đi không trở lại, không biết sau này có thay đổi không.
Những giai điệu
thiết tha của Vũ Thành An trong Bài “Không tên số 1” qua tiếng đàn piano từng
giọt thánh thót như thấm vào tim tôi:
Xin đời sống cho
tôi mượn tiếng,
Xin cho cơn mê dài
thêm một chuyến,
...Còn đắng cay,
còn hận, còn đau.
Mai đời có cho tôi
gặp gỡ,
Xin cho đôi môi em
cười rạng rỡ,
...Để sống thêm,
thêm lần trẻ thơ.
Lần đầu tiên tôi
nghe giọng nói của H trên điện thoại sau hơn 30 năm, tôi ngập ngừng... thời
gian đã cuốn trôi tất cả. Hành trình của H đã xảy ra điều gì tôi không biết,
nhưng giờ đây bạn sống và chiêm nghiệm cuộc đời như một thiền sư. Bây giờ chúng
ta suy ngẫm gì sau khi gần hết cuộc đời? có lần H hỏi tôi như vậy.
Nhìn lại mỗi
con người là một hành trình khác biệt, và mấy ai hài lòng với cuộc đời mình đã
sống. Nhưng dù sao đi nữa, cuộc sống của muôn loài là vậy, đều phải trãi qua
những thăng trầm để tồn tại, cuộc đời là một thể nhị nguyên, luôn luôn bất
toàn, luôn luôn thay đổi.
Một buổi sáng
đứng trên đỉnh Bà Nà dưới cơn mưa tầm tã, gió buốt lạnh. Hoa Ban một màu tím
biếc trên đỉnh sương mù. Tôi trôi bồng bềnh trong làn sương lạnh. Cảm nhận đời người
như khói như sương.
Tôi hiểu vì sao
ngày xưa, Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp
người”.
Bao ngàn năm đã
trôi qua câu hỏi “Ta là ai, Ai là ta…”
cuối cùng tất cả đều trở thành cát bụi.
Quy Nhơn, 9/2014
BM
No comments:
Post a Comment