Tuesday, October 14, 2014

DỤC TÌNH HUYỀN ẢO CỦA KIỆT TẤN



Khuất Đẩu

 Kiệt Tấn. Đinh Cường vẽ


Tác phẩm Kiệt Tấn

  Có lần tôi bảo, đọc ông đôi lúc tôi tưởng như đọc Bồ Tùng Linh. Ông hỏi tại sao? Tôi giả nhời, vì hai người “liền giao hoan cực kỳ thích thú”. Ông vẫn tưởng tôi đùa, nên trong truyện Vườn chanh miệt biển gửi tặng tôi, ông có ghi chú riêng:” truyện có hương vị Liêu Trai”.*
   Trong truyện đó, khi ẩn khi hiện một người con gái ngồi đàn, có mái tóc bạch kim, nhưng chỉ là bóng dáng của những yêu nữ năm xưa, chứ không phải những con chồn tinh tu luyện lâu năm cần tinh khí đàn ông để thành người, hay những con ma dưới mồ hoang mả lạnh ấm ức vì chết mà chưa được ai yêu!
   Cái mà ông đôi lúc giống họ Bồ, chính là cách ông kể chuyện “giao hoan cực kỳ thích thú” khiến cho Nguyễn Mộng Giác “hơi thở phải rướn cong”, Đoàn Nhã Văn “nghe thấm thía ở mỗi từng tế bào”…
   Chuyện ông lăn lóc với một em bán nước mía trên bờ cỏ. Chuyện Diane, trước khi từ biệt, ngồi kết tóc (chàng) xe lông (nàng) để làm tặng vật. Chuyện sớm đưa Louise, tối rước Danyèle khiến các nàng ghen tơi bời hoa lá. Chuyện một em đĩ xấu ai cũng chê (trừ chàng vì say) không đụng tới, sáng thức dậy nằm nghe em khóc tỉ tê.
   Bảo rằng đó là những cuộc tình mê đắm dứt không ra cũng chưa hẳn. Lại càng không phải những cuộc tình ướt át, gay cấn não nùng. Đó là những cuộc chơi (gái) của tuổi mới lớn, tuổi mà ông tưởng chừng mình là một con hải cẩu đực đang mùa động dục.
   Với nhiều người, đó là những chuyện tầm phào, nghe qua rồi bỏ. Nhưng ông không bỏ. Ông nói tới nói lui, nói dài dài. Nói một mình và nghe một mình. Trên tầng thứ 15 một cao ốc ở Paris, trong nhà thương điên, trong tàn canh gió lạnh đêm hè, trong mùa đông tuyết trắng mênh mông.
   Bởi vì, họ không phải là “những người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Mà là những dòng Cổ Chiên, những Hậu giang, Tiền giang bát ngát tràn bờ, dưới cái nắng phương nam rực rỡ.
   Như Tuyết, miệng nói quỷ nà, anh xạo hoài nhưng vẫn cùng anh lăn lóc trên bờ cỏ mà không sợ “rớt xuống sông ướt cái quần nilon”. Như Hương, chỉ một lần trong con tàu cũ, được nghe khen đẹp là sướng rụng rời, rồi đó mây mưa tơi tả mặc cho  áo quần ướt như chuột lột. Như Diane, Louise, và cả Danyèle, dù anh mít ướt hay khóc nhè đâu có chê anh là (annam) mít mà khinh khỉnh ngó lơ. Họ xáp vào anh, cứ như mùa nước nổi, với phù sa dục tính lớp lớp  đục ngầu…em nào cũng ngực tròn căng, cũng một đóa hoa mướt rượt sẵn sàng nở ra dưới những ngón tay ông. Em nào cũng đẹp hết sẩy, cũng “mê ly ối mê ly đời ta” để cho ông chát, chát…xình!
   Xình rồi, ông ngắm nàng tắm truồng dưới trăng. Cụ Nguyễn Du tả Kiều khỏa thân “rõ ràng trong ngọc trắng ngà/dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Đẹp thì đẹp thật nhưng sao mà lạnh lẽo quá, cứ như tượng chứ không phải người. Chả bù với ông:”Thân thể Tuyết trắng muốt, ngực Tuyết no tròn, đứng sững tuyệt đẹp. Canh khuya dế kêu rỉ rả. Khi nàng xối nước ào một cái thì lũ dế im tiếng. Khi nàng kỳ cọ thì tiếng dế lại trổi lên. Tiếng em kỳ cọ trên thân ngà nghe sao mà dâm tuyệt”
    Ông tả rùng rợn huê tình như vậy đó, thảo nào người ta cứ  muốn đẩy ông vào cái ngôi đền văn học xập xụi thấp lè tè. Ở đó, người ta để sẵn cho ông một bệ thờ bên cạnh các nữ (dâm) thần đang ngồi lột truồng các nhân vật của mình ra mà gọi đích danh từng cái một, bảo cái này làm thế này, cái kia làm thế nọ!
   Thế thì giết đời nhau đấy biết không! Ông là Kiệt (mà không Trụ), ông dâm (nhưng không hoang vô độ), ông tự nguyện mang lấy cái nghiệp vào thân, nghiệp “binh đĩ”, nhưng không phải là ông thần trắng đôi lông mày!
    Cái ông khác bọn “chơi rồi bỏ” là ở chỗ: tình ông như Biển Hồ, bao nhiêu nước đổ vào ông đều nhận hết. Đối với ông, một em Tuyết viết thư sai chính tả tùm lum và một em Cúc sắp thi trung học cũng chẳng có ai hơn ai thua. Và một em đĩ xấu đen xấu đỏ nằm khóc tỉ tê cũng đâu có hèn kém so với một em tóc vàng sợi nhỏ thuộc thơ J. Prévert làu làu.
   Ai ông cũng yêu nồng nàn, yêu điên dại, mê đắm như nhau. Với ai cũng là tình đầu, với ai cũng sẵn sàng yêu đến chết.
    Ông thường bảo chỉ biết tình dục chứ chưa hề biết tình yêu. Thì đúng vậy. Ông rất ghét kiểu tình yêu “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”. Hay “áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc/ áo nàng xanh anh mến lá sân trường”. Yêu như thế thì chết sướng hơn. Đã yêu là phải “giao hoan cực kỳ thích thú”. Bồ Tùng Linh chỉ gói gọn trong sáu chữ (vàng?), để người đọc tha hồ tơ tưởng, còn ông thì sôi nổi kể ra đủ vành đủ kiểu, với những gò tình, những nụ hoa thầm kín ướt át… Cho nên cái dục tình của ông tuy diễn ra trên bờ cỏ, trên tấm ván, bên lu nước, trên sàn nhà vẫn là đỉnh cao (không phải trí tuệ) của những cuộc mây mưa huyền ảo.
    Thực ra, mọi cuộc tình trọn vẹn đều đưa đến cái đỉnh cao cực kỳ thích thú đó. Không phải chỉ make love một cách cộc lốc thô thiển mà là giao hoan với tất cả vẻ đẹp của xác thân lồng lộng phơi mở. Ở đó, không phân biệt rạch ròi đâu là tình yêu, đâu là tình dục. Cả hai hòa trộn vào nhau, nâng đỡ nhau để cùng “đi tới bến”. Cái bến đó cũng có thể gọi là “đáo bỉ ngạn” của nhà Phật.
   Cái làm cho ông không trở thành một Don Juan, chính là trong yêu có thương. Vì thương nên nhớ. Nhớ như nhớ nhà mà không cần châm điếu thuốc.
    Trong các truyện của ông, truyện Cuối năm bên đường rầy, tôi cho là ngộ nhất mà cũng cảm động nhất.
    Truyện kể, ông theo mấy ông anh trời đánh đi nhót. Trong bóng đèn mờ, lần đầu tiên cậu Tú Kiệt được cạ chân mình giữa hai chân em vũ nữ, thấy sao mà nó mê tơi đến như vậy. Rồi áp sát vào ngực nàng, nghe lênh đênh mùi sữa, liền từ bỏ các ông anh để theo nàng bước chân vào cổng thiên đường.
    Cái cổng ấy là một mái tôn xập xệ bên đường rầy, nơi có bà mẹ già và đứa con 6 tháng đang ngủ. Mặc kệ, chàng vẫn cứ xáp tới, thì nàng nhỏ nhẹ hãy khoan, gần đến Tết, xin anh lì xì cho em ít nhiều. Thế là chàng đùng đùng nổi giận. Giận nàng sao dám đòi tiền trước, giận mình cả ngố tưởng nàng mê tít mình mới đưa về nhà!
    Khi nguôi ngoai, chàng thấy mình hết sức hồ đồ, nghề của nàng là phải vậy thôi, trong cuộc chơi, cho dù chơi (đĩ), nàng phải biết nắm đằng chuôi. Biết bao kẻ mã thượng gấp mười chàng vẫn cứ chơi rồi xù. Đứa con 6 tháng tuổi là bài học khiến nàng nhớ đời. Chàng liền trở lại, rón rén đút bì thơ đựng cả một xấp tiền của ông anh cho qua khe cửa, rồi lặng lẽ bỏ đi.
    Bên tai còn vọng lại câu nói của nàng, thống thiết như tiếng còi tàu: “Anh cũng thấy đó, má em thì đui mù, con em thì còn nhỏ xíu, trăm điều chỉ trông cậy ở một mình em. Ngày mai là ngày cuối năm, em tính đi chợ Tết mua cho con em một bộ đồ mới và vài hộp sữa. Nếu còn tiền, em mua thêm chút đỉnh bánh kẹo và một cặp dưa hấu về chưng cho có với người ta ba bữa Tết”!
    Cảnh đời mà người ta thường lện án là trụy lạc sao lại chơn chất thiệt thà đắng cay đến như vậy. Nhớ truyện Tối ba mươi của Thạch Lam tả cảnh hai ả giang hồ loay hoay bày bát hương để nhớ đến quê nhà. Cũng hay, cũng xót xa nhưng không thấm thía bằng.
   Tôi muốn nói, chính vì cái tình thương nhân hậu của ông, mà những chuyện ông kể cho dù có bịa ra vẫn cứ như thật. Nó biến thành thịt da máu huyết của ông. Nó khiến ông trở thành “ông phật của lòng em”, ông phật của em bán nước mía, của nàng vũ nữ có bà mẹ mù và đứa con 6 tháng. Một ông phật không mặc áo cà sa mà lại khoác lên mình tấm áo choàng tình dục huyền ảo.
   Bởi vì, những chuyện thật trần trụi đó, qua giọng kể thiết tha của ông, nó bỗng trở nên lộng lẫy đến không ngờ. Cứ tưởng như Lưu Nguyễn nhập thiên thai trở về kể cho lũ con cháu đang giương mắt ếch ngồi nghe. Người ta khen ông gan cóc tía, dám động đến những chỗ cấm kỵ, những chỗ mà chỉ cách một sợi tóc là rơi tòm ngay xuống cái vực dâm bôn tục tĩu.
    Thì đó, Bồ Tùng Linh, gần như truyện nào cũng có “giao hoan cực kỳ thích thú” mà các cụ xưa đâu có bảo là dâm thư như Kim Bình Mai. Chuyện giao hoan chỉ là mượn màu son phấn để vẽ nên cái khuôn mặt của cuộc đời. Đời của quỷ ma, đời của chinh mình, dù rằng bị khinh khi, dù lận đận, nhưng được làm người trên cõi thế vẫn là một hạnh phúc đáng ước ao.
   Kiệt Tấn cũng vậy, năm tuổi đã phải chạy giặc, thấy xác chết nổi đầy sông. May mắn được ra nước ngoài thì lại trở thành kẻ không còn nước mà trở về. Bạn bè kẻ chết, kẻ đi tù. Thân mình thì thất nghiệp, đành phải để vợ đi làm trong nhà hàng có thằng chủ ưa bốc hốt. Quẩn chí, khật khùng phải vào nhà thương điên.
    Thì thôi, còn chuyện gì để nói, ngoài mấy chuyện gió trăng của tuổi mới lớn. Đành bồng ẵm nâng niu, ngồi vuốt ve mơn trớn mà giải độc cho chính mình. Trong những câu chuyện đó làm sao khỏi dâm. Không dâm thì nhạt như nước ốc. Có điều dâm mà không tục, nghe ông kể mà không thấy ngứa lỗ tai. Không sượng trân như xem phim cấp ba cấp bốn. Không mắc cỡ như xem các trang ướt nhẹp của các nữ sĩ đang vùng lên.
    Rốt lại, theo ông, chuyện ong bướm mây mưa của tuổi trẻ là chuyện đáng làm, nên làm. Và sống cũng chỉ có ngần ấy thôi, không xu phụ a dua theo bầy này, đảng nọ. Không có gì quý hơn cái bông hoa thầm kín của các nàng. Không Mác, không Lê, không Nga, không Mỹ. Thà yêu nhau trên bờ cỏ rồi rớt xuống sông còn hơn bắn giết nhau, làm tù làm tội nhau. Cái tâm thiền, tâm phật của ông là vậy đó. Chính vì chữ tâm ấy mà cái dục của ông trở nên đẹp huyền ảo,

Khuất Đẩu
9/2014
* Trong Đêm cỏ tuyết, NXB Hội Nhà Văn, 2014

No comments:

Post a Comment