Monday, April 15, 2013

TẢN VĂN NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH





NHỮNG MÙA NẮNG NHA TRANG
   Nếu tôi là họa sĩ, có lẽ những giọt nước mắt xa Nha Trang sẽ được vẽ bằng một mầu sắc nào đó rất lung linh trong một bức tranh mùa nắng, có đôi mắt to của một cô bé 16 tuổi đựng suốt năm tháng ấu thơ dạt dào tiếng sóng, một ngày con sóng bật ra khỏi khóe mắt thành những hạt lệ, nên nó sẽ là một mầu rất mặn biển, để người xem tranh biết được nỗi chia lìa đó đã cứa xót lòng tôi đến thế nào.
   Tôi không là họa sĩ, cũng không là một tài năng cụ thể nào đó để có thể thưa thốt cùng người một cách diễm lệ hình ảnh 16 mùa nắng Nha Trang, Nha Trang nhi đồng, Nha Trang dậy thì, và, Nha Trang khói sương giật lùi sau chuyến xe lửa đang chở tia nhìn nuối buồn đau của tôi ngày tôi bị gỡ đi cái núm gió nắng mặn mòi ấy. Thế nên tôi cứ khắc khoải khi đêm về thốt nghe như có tiếng tầu lửa vang bên ngoài cửa sổ. Thế nên tôi nghĩ mình nợ Nha Trang một món nợ ân tình. Tôi nghĩ, vâng, tôi nghĩ nếu cho tôi trở lại mười sáu năm đầu đời để lại dung giăng dung dẻ với Nha Trang, thì có lẽ tôi sẽ biết nạp một cách tận tình hơn hơi thở phập phồng của phố biển, để bây giờ có thể viết về nó một cách tròn đầy hơn, tha thiết hơn.
    Thật sự lúc này tôi thấy mình đã sẩy đi ít nhiều ký ức về Nha Trang, Người đã cùng tôi một thời bé dại. Tôi đâu biết rằng mỗi bước nhảy cò cò của tôi là từng bước một ánh nắng buổi mai đi về sau lưng, mỗi mảnh ngói nhỏ ném xuống đánh dấu ô “cái nhà” của mình chỉ là một không gian hư ảo, tan đi khi những đường phấn kẻ ô chơi bị xóa vội vàng dưới cơn mưa …Tôi cũng không hay mỗi trái banh thảy lên là từng thẻ đũa bị tóm, tờ tợ như từng mảnh thời gian bị lấy đi, để khi tàn một ván chơi thẻ thì thời gian không còn dấu gì trên vuông gạch…Chắc không ai lúc bé mà không chơi trò u mọi, tôi nhớ, chỉ với 5,6 anh em trong nhà nên chia phe không đều, luật chơi lại ấm ớ, chơi miễn sao mấy anh em thấy ổn là được, chỉ mỗi mình tôi là con gái, lại nhỏ bé, hơi thở ngắn nên hình như tôi làm tù binh hơi bị nhiều, chỉ mong phe ta u u tới cứu. Tiếng u u xa vời không đến được để gỡ ra cho tôi nỗi buồn xa quê, nó ở đó mở mắt hoài vọng một bàn tay Nha Trang. Còn gì nữa bé thơ ơi, Nha Trang ơi, hãy về trong giấc mộng để tôi được kinh nghiệm thêm lần nữa những nhịp đập ban sơ đầu đời. Có nước sông mầu nhiệm nào cho mình trẻ lại, chắc tôi sẽ tham lam như người đàn bà trong cổ tích, uống cho đến khi hóa thành trẻ sơ sinh, để lại được lớn lên từ hạt gạo thơm ruộng đồng nước ngọt Nha Trang, để lại học nói từ hương biển mặn. Để lòng xanh đại dương. Để tóc lại được mướt xanh dương liễu. Để tâm an bình như ngọn núi trầm lặng tím đứng trên biển trong hoàng hôn. Để bước chân được lay động khi trong chiều trên con đê thấy đoàn tầu xe lửa nhả khói phía xa bên kia những cánh đồng quê nội. Để lại được lớn lên, lần nữa, Nha Trang… Lớn lên
da ngào muối biển/Lớn lên cát trắng chân quen/Lớn lên môi cười nắng ấm/Lớn lên mắt xanh trời rộng/Lớn lên sóng vỗ trong lời/Lớn lên tóc rằm dương liễu/Lớn lên biển ở trong tim* (thơ ntkm)…
   
    Người đem tôi vào không khí mẹ ấy, là bà nội tôi, là vòng tay của mẹ tôi, dĩ nhiên là có yếu tố hoàn cảnh nữa nhưng cái đó không là điều cụ thể trong tôi. Bà nội từ Thuận Mỹ, đã mua vé máy bay cho mẹ và các anh tôi, bay từ Hà Nội vào Nha Trang, lúc ấy tôi chỉ được mấy tháng, ngủ say trong tay mẹ. Tôi chưa nghe mẹ tôi kể về những ngày đầu ở Nha Trang thế nào. Cho đến bây giờ, chỉ biết một cách lâng lâng vui sướng rằng, bước chân đầu tiên chạm đất của tôi là đất Nha Trang, âm thanh bập bẹ tiếng con người của tôi là âm thổ nhưỡng cát trắng biển xanh. Hình ảnh đất trời đầu tiên mà tôi biết cảm xúc là vòm trời cong giáp biển, là con mương ốm o chảy loanh quanh ở làng nội. Màu sắc thơm vị giác tôi là màu cà phê sữa của con mương, đầy mắt tôi là màu tím rưng rức bụi trâm ổi. Và hương, một thứ hương tôi đã gọi là bùa, cái hương đồng nội trộn lẫn mùi nắng trưa, đất bùn, phân trâu bò, lá tre xanh. Âm thanh quyến luyến tôi là tiếng xình xịch xe lửa mỗi cuối tuần đưa gia đình tôi từ thành phố về quê, và tiếng sóng vẫn là vọng âm quen trong “giấc ngủ nhớ nhà”. Tôi nhớ khi tôi mới tới ở Santa Ana, đêm đầu tiên tôi giật mình thức giấc vì tôi đã nghe như có tiếng sóng rào rào vọng tới, tôi hỏi và được giải thích đó là tiếng xe hơi chạy trên freeway, trời, sao giống âm tiếng sóng xào biển khuya vậy, không biết tôi cảm giác chính xác không hay là vọng ảo, bạn ơi? Nói nhỏ cùng ông Tạo rằng, chân dung người tình Nha Trang của tôi đấy, chỉ cần người “điểm nhãn” nữa là thành duyên nợ. Nhưng mà thôi, chỉ hẹn hò cũng đã ngất ngây một kiếp tôi rồi…

   Trên con đường hò hẹn ấy, là những bước theo mẹ tới trường, trên một con dốc ở Cầu Đá, rồi con đường nhỏ lởm chởm ở phố Sinh Trung, bước ngắn bước nhỏ nên gõ nhịp rất mơ hồ trong cõi nhớ, ở đó những cây muồng bên vệ đường luôn là bóng mát cho những đứa trẻ ngồi chơi đùa, nhà ba mẹ tôi nhỏ lắm, tôi nhớ nền nhà màu xi măng đen, và ngạch cửa với hai bậc tôi vẫn thường bước lên bằng đôi guốc mộc quai nhựa trong, sao bé thế mà lại đi guốc nhỉ, nhưng đó là hình ảnh tôi rất thích về mình, bé xíu, mặc quần lụa trắng hai ống so le ít nhiều, lại lênh khênh trên đôi guốc, đứng dưới gốc muồng, bên cạnh hai ông anh, cũng bé, đang chơi bắn bi. Đó là thời gian của chồi nắng. Chồi 3, chồi 5 tuổi. Nắng ăn nắng ngủ và nắng khóc nhè.

   Trên con đường hò hẹn ấy, là giàn hoa ti- gôn hồng, hoa giấy đỏ giăng ngang cổng một ngôi nhà trên con đường đất dẫn tới cuối là một ngôi trường tiểu học, ở đầu con dốc nhỏ, con dốc mà anh Khoa tôi đã có lần ngã rất đau, đến nỗi cái bánh xe đạp nhỏ bị quẹo thành số tám. Nhà ba mẹ tôi lúc này lớn hơn ở Sinh Trung nhiều lắm, có một cái thềm rộng hình chữ L ngược, được che rợp bởi giàn hoa giấy và thiên lý tây, hương rất thơm vào những đêm khuya, dù chưa đủ lớn để bắt kịp được mùi hương với ý nghĩa tâm linh của nó, nghĩa là, chỉ đơn giản mùi mình thấy thơm, không phải hương làm mình bâng khuâng. Bạn hiểu ý tôi không? Thềm nhà ấy như biển trên đó có chiếc thuyền chở ba mẹ anh em tôi những buổi tối chơi đùa đến khuya, để kết thúc có khi là một bữa phở xe mà anh em chúng tôi lúc chờ đứa nào cũng chảy nước miếng, tôi thề là chưa có bát phở nào trong đời tôi ngon đến thế, mà nghe kể lại giá chỉ có 5 cắc một tô. Thềm nhà ấy cũng là nơi chúng tôi ngủ vào những ngày nóng, thời đó ban đêm nhà không phải đóng cửa, tôi nhớ rõ như thế, đó là vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Những ngày mưa thì thềm nhà lại biến thành một sân trượt nước, có lần anh cả tôi nhảy từ thành cái hồ nước xuống thềm và anh trượt thẳng vào cơn bất tỉnh, làm cả nhà cuống sợ, anh Khôi ơi, anh còn nhớ hương vị thứ thuốc chữa cơn ngất của anh không? Từ ấy chúng ta không còn được trượt nước dưới mưa lạnh nữa.
    Thềm nhà ấy, nắng xiên vai 7 tuổi ngồi chơi thẻ một mình, có khi tôi rủ được Khuê, cậu em kế chơi cùng, nhưng nó là con trai, đâu kiên trì với trò chơi “lẻ tẻ”, các anh tôi vẫn kêu những trò của tôi là thế, phải là chơi bắn súng giàn trận đánh nhau, đúc kiếm trong những khuôn củ khoai, anh Khoa, anh Khải à, còn nhớ cách đúc kiếm này không vậy, em nhớ, những cây kiếm nhỏ rất đẹp, sáng loáng, ngày đó, em rất thích, những muốn xin một cái để dành vào kho đồ chơi lẻ tẻ của mình. Những trò chơi như thế kéo tuổi thơ chúng ta đi qua tháng ngày, em là con gái ở giữa 3 ông anh và 3 cậu em, không theo nổi những trò chơi lớn, nên ngày đó em hay đứng một mình… em thích chơi năm mười, ẩn núp mà không muốn bị tìm thấy…dường như em đã lớn lên trong cái kén của riêng mình, như thế.
   Trong kén ấy, nắng 8, 10 tuổi nhả những sợi tơ..., nắng sắm vai cổ tích, nắng chuyện trò với búp bê. Không hiểu sao, cái ông anh họ bên nội, lớn hơn tôi nhiều lắm, giật lấy con búp bê của tôi và làm hư tóc, rách cả cái áo đầm đỏ của nó, rồi anh ta bỏ đi, tôi đứng ôm con búp bê bị thương trên thềm trưa nắng, mẹ tôi lại đi vắng, tôi chả biết mách ai, chỉ đứng đó ôm con búp bê chờ mẹ, hình như búp bê cũng khóc. Tôi rất ghét người anh họ này, thậm chí đến khi lớn tôi cũng không thể nào tha thứ cho anh ta được, vì từ lúc đó tôi không còn chơi búp bê nữa, hễ thấy một con búp bê nào là hình ảnh con búp bê áo đầm đỏ bị thương lại làm tim tôi co thắt. Đó là con búp bê tôi thích nhất. Lúc này thì cái đau đó đã là một vết sẹo phai dấu, người anh họ kia cũng đã không còn. Sau này tôi có thêm một con búp bê khác, phần thưởng một bài thơ thiếu nhi, nó cũng mặc áo đầm đỏ, nhưng tôi không tha thiết nữa, có điều nó làm tôi nhớ đến một ông bác nhà văn, bạn của ba mẹ tôi, ngày đó bác ở Sài Gòn ra Nha Trang chơi cũng khá lâu, hình như bác bị ốm nặng hay sao mà tôi thấy khăn tay bác có dính máu, tôi nhớ mãi câu bác nói, bác không chết đâu chờ con thành thi sĩ làm thơ người lớn, bác xoa đầu tôi, không phải thơ búp bê nữa nhé. Thế mà, vào một ngày cuối tháng tư sau đó rất lâu, bác đã tử nạn trên một con tầu, và mộ bác là lòng biển xanh thẳm. Ôi biển của tôi, biển rất hiền rất bao la của tôi, bỗng một thời nổi lên những con sóng oan nghiệt. Bác ơi, con xin lỗi bác là con đã yêu biển, không ngờ rằng đó là nơi vĩnh viễn bác ở lại, và con cũng không là thi sĩ viết những bài thơ người lớn như bác nói. Nhưng con viết những lời của con búp bê với trái tim biết đập dẫn dòng máu đỏ về tim nuôi sống những cảm xúc, con sẽ tặng bác một bài thơ như thế, hòa âm những nỗi đau…
    Nắng thời này đúng là tơ là lụa, nắng nối một đường hoa thơm cỏ lạ từ lòng bố mẹ thị thành đến lòng bà nội quê nhà, nắng mở con mắt ngạc nhiên từ ô cửa sổ toa tầu. Có lẽ thời gian này, thích nhất là những cuối tuần được về quê nội bằng xe lửa, và cả những con thuyền giấy thả ra ngoài cửa sổ khi tầu đi qua cầu, các anh tôi reo lên khi những chiếc máy bay giấy tung theo gió, rồi, cắn ngón cái, vẫy những ngón còn lại để lêu lêu tôi, thuyền mà lại bay lên trời, hí hí… Tôi cũng khá ngẩn ngơ vì điều ấy, ôi hay vì vậy mà những ước mơ không bến đỗ của tôi vẫn là hoài vọng cho tôi một đời ngóng theo? Và giấc mơ của tôi là chiếc thuyền giấy mỏng manh, bay đi...? Nói đến xe lửa, thì lại gắn với những giọt nước mắt trên thềm ga Nha Trang những lần tiễn ba tôi đi Sài Gòn. Ngày đó ba tôi phải dạy học hai ba nơi. Thế là, có những ngày ba tôi xa nhà và tôi thấm mùi đưa tiễn, chín mười tuổi đã biết cái mặn của nước mắt khóc vì xa người yêu mến, ba tôi rất thương tôi, vì chỉ có hai đứa con gái trong một đàn con trai, lúc ấy em gái tôi chỉ khoảng một hai tuổi, nên chắc vì thế mà cứ mỗi lần đưa ba đi xa là mẹ chỉ dẫn theo mình tôi. Ưng ức mãi trong nhớ hình ảnh con tầu khuất dần để lại đường khói đen dài, để lại mẹ và tôi đứng trên thềm ga rộng bên cạnh những đường ray bị bỏ lại im lìm, tôi nắm chặt tay mẹ òa khóc, gió thổi lộng hai tà áo lụa màu mỡ gà của mẹ, tôi khóc hoài, đến nỗi mẹ phết vào vai tôi, tiên nhân con bé này làm má cũng khóc đây này, có nín đi không. Lúc này nhớ lại lời mẹ, tôi thấy tức cười và thương mẹ quá, giọng nói mẹ ướt nặng như tấm khăn bị nhúng nước. Rồi hai mẹ con líu ríu ra về, tôi nhớ thường là ngồi trên một chiếc xe xích lô đạp, ghé vào nhà bạn thân của mẹ, bà giáo Hương, chắc có lẽ mẹ tôi muốn chia sẻ nỗi buồn chia tay, tôi thì vẫn rấm rứt cho tới giấc ngủ đêm…
    Nắng đẫm trang vở học trò. Ôi nắng 11, 13 tuổi. Tuổi bản lề giữa nụ nhi đồng và hàm tiếu hoa, chẳng phải tuổi 13 mà đã được gọi là nàng của nhà thơ tình yêu Nguyên Sa đâu. Nắng non bình minh mặt trời vừa nhú trọn khỏi mặt nước xanh. Nắng chưa nhấn mạnh hơi thở mặt trời mãn khai, đêm chưa mơ màng trăng liễu vào giấc ngủ say. Biển còn vỗ sóng ngoài tầm mơ mộng.
Hồi này vì nhảy một lớp nên tôi bằng lớp với anh kế, và thế là chơi với toàn bạn của anh, nên cũng khá là được cưng, anh em kết nhau tới tuổi Tú Tài, chắc là có rất nhiều hình ảnh trùng trong ký ức của nhau. Nhưng đâu có dòng sông nào trở lại, phải không các anh, trôi theo ngàn xanh những hạt biển, bao giờ nữa dòng sông đưa đám lục bình quây quần trở lại với nhau trong ánh tím thơ ngây… Anh Tấn Khải, Toàn, Huy, Được, nhớ không, một góc trời Nha Trang, các anh đã có một người em gái, là tôi? Và các bạn Kim Anh, Hoàng, Dìn, Tường, Phong, Như Ngọc, Hiên, Hồng… giờ nhìn lên mảnh trăng thượng tuần có cảm thấy đó là ánh sáng của mắt nhìn chúng ta thời thơ ấu? dù cho sợi thời gian dài đã mấy mươi năm, tôi tin thế, nếu có ngày chúng ta gặp lại và nhìn nhau…
    Nắng chẻ xanh ngàn tia lá dừa đường vào Vĩnh Điềm, có mắt cười, giọng nói vui của một người anh bên ngoại, sao anh hiền và sao anh chiều tôi đến vậy, tôi rất ngưỡng mộ anh vì anh học rất giỏi, nhất là toán, và vì tôi dốt toán. Mẹ anh tần tảo nuôi con nên anh mơ ước một chiếc xe gắn máy hoài mà không có, nghĩ thương anh quá, tôi lấy một tờ giấy vẽ thành tờ giấy bạc ghi số tiền đúng giá chiếc xe ấy, bảo anh cầm đi mua xe, anh cười rất vui với hàm răng khểnh, nói, đây là số tiền lớn nhất đầu tiên anh có. Anh Quế ơi, chưa ai chiều và nhịn em như anh, em nhớ những buổi anh cặm cụi dạy em học toán, em đổ lười không chịu học, chỉ muốn nghe kể chuyện, vậy mà anh vẫn nhỏ lời dỗ dành… em nhớ con gió thổi heo hút trong cái hẻm nhỏ vào nhà anh, đâu nghĩ gió thời gian, gió cuộc đời thổi anh em mình xa nhau mấy chục năm trời, khi vừa gặp lại mới đây, em không ngờ chúng mình còn khóc được nhiều đến thế, thấy như biển Nha Trang dạt dào bao năm, đang vỡ…

    Trên con đường hò hẹn ấy, tôi dừng lại bởi sắc hoa sầu đâu trước ngõ, nó còn có tên là soan, sầu đông. Những cánh tím nhỏ nhỏ ray rắt gió se lạnh Nha Trang. Lại là sắc tím. Ngay trong vườn nhà. Nhà ba mẹ tôi lúc này ở trên một con đường mới mở phía phải cuối đường Phước Hải, tên Lữ Gia, con đường cao như một con đê, nhà cửa còn ít nên tôi nghe được cả luồng gió chạy, có lần tôi đã té xe đạp xuống vệ đường sâu khi những chiếc xe GMC chở lính Mỹ vượt qua, có lẽ tôi giật mình vì tiếng la hét của họ, mỗi lần nhìn vết sẹo té xe trên đầu gối là tôi nhớ đến Thu Hương, cô bạn ngày hai lượt cùng tôi đi học trên con đường thênh thang gió này.
    Dưới bóng cây sầu đâu thả những cánh tím trắng mơ màng ấy, tôi và các bạn thường họp nhau những tối ăn chè và hát hò. Vẳng lại rất xa. Đến nỗi như mơ hồ, tiếng đàn guitar của Thi, của anh Khải, tiếng hát của Minh Tâm, Thu Hương, Nguyễn Được, tiếng cười nhỏ e ấp của Tuyết Mai, các bạn nhớ coi ngày đó tôi có ngâm thơ không. Tôi đã mê thơ Quang Dũng lắm mà. Âm thanh thời đó của chúng ta bay lên tàng cây tím rồi theo mỗi đứa một mảnh trời riêng…sầu ơi tan về đâu…
    Nắng ấy là nắng tím. Nắng dậy thì. Nắng biết im lặng bên cửa sổ nhìn hoa tím sầu đâu. Biển khẽ đi vào quỹ đạo mộng mơ. 
    Tôi và Thu Hương mỗi ngày đi bộ đến trường, đã có những bước chân ai đi ở đằng sau, ngày đó chưa có bài thơ Em Tan Trường Về của Phạm Thiên Thư để bạn hát tôi nghe nhỉ. Thế mà cũng nắng mưa một đoạn đường đưa đón, một thoáng con dốc đá lên Nhà Thờ Núi trao vội lá thư nói chuyện nhớ thương, tả tình tả cảnh hoa lá cành, ấy vậy mà cũng bận rộn lòng để vướng chút tơ. Nhưng tôi phải kể cho có ngọn ngành. Một đêm anh Khải, tôi cùng các bạn, dĩ nhiên là có người bạn đã giăng tơ kia, đi chùa núi leo lên đến Kim Thân Phật Tổ, tượng Phật mầu trắng sừng sững trên đỉnh núi, chúng tôi gặp một bọn du đãng, chọc ghẹo tôi và Thu Hương, tôi sợ muốn chết, nhất là sợ đám con trai đánh nhau thì thế nào cũng có đổ máu, tôi nói với anh Khải tôi, thôi anh, mình chạy đi tụi nó dữ lắm, em sợ. Và thế là chúng tôi nắm tay nhau chạy, nói thế nào nhỉ, ừ, chạy nhanh hết sức có thể của tuổi 15, 16, chạy băng qua những ngôi mộ ở sườn núi. Có câu tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu lận mà. Về đến nhà mới hoàn hồn. Hoàn hồn thì tỉnh người ra, và người bạn kia, chẳng phải là người hùng cứu người đẹp như trong xi-nê gì gì nữa, “mối tình” bốc hơi nhanh hơn hạt nước trên thềm nắng. Hôm nay ngồi nhớ lại tôi không khỏi bật cười cái tuổi mười sáu, dễ thương dễ ghét ấy. Thu ơi, mi có nhớ không, con đường Phước Hải mòn bao chiếc guốc, phai bao nắng những chiếc áo dài trắng đầu đời…, những buổi trưa ngồi lục cơm nguội ăn với sườn ram trong căn bếp nhỏ ở nhà mi, những buổi chiều cùng nhau xách giỏ đi chợ sau ngôi chùa Kiều Đàm, mi bày cách lựa cá nục tươi, những buổi tối ngồi học bài cứ canh nhìn qua cửa sổ nhà nhau để xem đứa nào tắt đèn trước, thế là thức học đến khuya… này, Thu, nhớ cả đôi mắt buồn mơ màng của mi khi hát bésame, bésame mucho… cả hai đứa đều 16 tuổi như cô tác giả bài hát ấy, chưa hề tưởng đến một nụ hôn, thế mà cứ du dương hồn nhiên bésame… bésame… tuổi mười sáu như được Nha Trang mớm cho cái ngát xanh của trời và biển, sóng cứ vỗ đều trên cát, gió cứ lộng những hàng dương …

    Trên con đường hò hẹn ấy, một ngày tôi bước lên một toa tầu để lại đôi mắt Nha Trang buồn thẫm trên ga. Trên con đường hò hẹn ấy, đã rêu phong bao cột mốc thời gian?
     Nắng bây giờ là nắng biết được mệnh trời. Nắng trôi theo con sông Cái chảy những dòng hẹn với biển xa. Đã hẹn đã hò, cũng ước cũng thề, thì dẫu con đường có dài, thời gian có mịt mù thế nào đi nữa thì cũng có lúc chúng mình sẽ gặp lại, nói cho sâu lắng đá vàng hơn, thì chúng mình sẽ tái ngộ, nối lại một đường tơ lơ lửng, Nha Trang ơi, Giấc Mơ ơi. Từ lúc cất bước vào kiếp người là tôi đã bước lên một con đường mang tên Hò Hẹn. Và xa nơi tít tắp kia, cuối đường, thời gian sẽ trả lại cho tôi những gì nó đã lấy.

    Cách đây một tháng, ngồi trong quán mì Triều Châu ở Santa Ana, anh chị Thành bảo, em viết một cái gì về Nha Trang cho đặc san số tới đi, kỷ niệm một chuyện tình chẳng hạn. Tôi đã cười ú ớ, một chuyện tình ư (ơ, nhờ vậy mà tôi có bài viết này), từ sơ sinh đến 16 tuổi ở đó, tôi chỉ có một người tình duy nhất, Nha Trang, viết hoa một cách nắn nót, gửi trao. Cả hai đều thủy chung gắn bó. Tôi biết, khi tôi trở về, tôi sẽ về bằng nhịp đập trái tim 16 tuổi, và chàng, Nha Trang, vẫn sẽ vòng tay ấm ngày cũ đón tôi. Cả chàng lẫn tôi đều là hòn đá vọng, chờ nhau, trên con đường hò hẹn trẻ trung ấy.
    Và tôi cũng xin được một lần nói nhỏ, mối tình ấy hóa thân vào giấc mộng, một đời tôi mơ. Mối tình ấy là chiếc bóng, theo tôi không rời. Để tôi luôn quay đầu lại, nghe được tức khắc tiếng của biển, chiếc khăn lụa xanh trên con đường người bỏ dấu tôi tìm… Đó có phải là phút giây tôi chạm được khói sương của cõi hẹn hò?

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
Santa Ana, 2012
Tặng anh em, bạn bè cùng những ngày thơ ấu của tôi

thơ trần thị nguyệt mai





AI BIU
Kính tặng nhà thơ Trần Phù Thế

Ai biểu anh làm thơ tình tứ quá
Sao em không nhớ, không thương anh?
“Bậu về”* “Ma lực”* nào đâu thấy
Chỉ biết nàng, một bữa, té trời xanh.

“Tình bậu nhẹ hều”* đâu có phải
Chỉ là tại bởi… bởi ai thôi
Đã yêu mà sao không dám nói
Cứ lẳng lặng nhìn …nên chẳng thành đôi…

Anh đã chẳng theo gương người trước
Theo em những lúc đã tan trường
Hoặc chèo ghe đưa em đi chợ
Tưởng rằng hai đứa đã hai phương…

Anh “nhẹ nâng niu tình hai đứa
Cất trong tim không dám chạm vào tim”**
Anh cứ sợ tình mong manh sương khói
Tan đi theo những giấc mơ chiều.

Ai biểu anh làm thơ hoài mãi
Bậu một ngày bậu đã rụng tim
Đã nhoẻn miệng cười anh có thấy
Bắt đền anh... anh ráng đi tìm…

Trần thị Nguyệt Mai

* Tên những bài thơ của Trần Phù Thế
** Tình bậu nhẹ hều - Thơ Trần Phù Thế

NGHĨ VỀ BÀI THƠ TRƯỜNG SA HÀNH CỦA TÔ THÙY YÊN.


 

 

 

 

 

Mở đầu với Nguyễn Thị Thảo An


Nguyễn Thị Thảo An viết về bài thơ Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên như sau: “Bài thơ diễn tả tâm trạng những người lính trấn đảo nhưng cuối cùng trở về nỗi thao thức thân phận của con người. Có lẽ con người là sinh vật duy nhất biết nhận thức được kiếp sống của chính mình.
“Cho tới nay, Trường Sa Hành là bài thơ về biển đảo hay nhất của Việt Nam. Nó ví như một viên minh châu đang chiếu lóng lánh giữa lòng dân tộc. Không cớ gì người Việt đọc Trường Sa Hành mà lại không giữ được Trường Sa...”
Như vậy,Trường Sa Hành là một bài thơ lớn đượcnhiều người đọc và ca ngợi, nhất là trong hoàn cảnh đất nước hiện tại, khi Trung Quốc đang dựng lên tham vọng và nỗ lực chiếm Biển Đông. Bài sau đây là của Giáo Sư / Nhà văn Nguyễn Anh Khiêm viết từ Việt Nam, vừa gởi đến cho chúng tôi.



Bài của Nguyễn Anh Khiêm

   
   Quần đảo Hoàng Sa mất vào tay người Tàu trung tuần tháng giêng 1974 sau một trận thủy chiến không cân sức giữa quân lực VNCH và lực lượng hùng hậu của hải quân Trung Cộng. Tô Thùy Yên viết bài Trường Sa Hành trong một lần đi công cán ngay tháng ba 1974, tại quần đảo phía nam Hoàng Sa, đảo Trường Sa. Như vậy bài thơ được viết chỉ vài tháng sau tang lễ lớn của 74 sĩ quan và binh sĩ đồng đội. Bài hành đồ sộ dài 64 câu, bài thơ lớn không phải vì dài mà vì tư tưởng nhân bản, chủ đề sâu sắc, chữ nghĩa rực rỡ cùng nghệ thuật diễn đạt tuyệt luân, vượt xa mọi mặt một trời với mấy bài Tống Biệt Hành và Hành Phương Nam được nhiều nhà phê bình và độc giả luôn nhắc tới của Thâm Tâm và Nguyễn Bính.
   Một nỗi buồn sầu và không khí tang tóc bàng bạc khắp các khổ thơ. Một lần tôi hỏi ông vì sao “Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề”, ông giải thích rằng đứng trên đài chỉ huy chiến hạm thấy sóng vây quanh đảo như vành khăn tang. Một người đi du lịch có khi thích thú thấy cảnh đó vô cùng ngoạn mục nhưng ở đây, thi sĩ nhìn đảo khơi theo tâm cảnh u sầu, chưa nguôi ngoai về cái chết oanh liệt nhưng không thể nói không bi thảm của bao thanh niên ưu tú con yêu dân tộc bỏ mình vì sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng.
Trường Sa! Trường Sa! đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.
   Đảo nhỏ bé bập bềnh giữa trùng khơi sóng gió mà nói ‘đảo chuếnh choáng’thật chính xác và độc đáo. Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi, lời nói như bình thường nhưng là cảm giác của thiên tài. (Tựa như trước đây ông viết ‘Con đường sắt dài, xương sống quê hương’, ôi, mấy ai thấy được đó là cái xương sống của quê hương)
Khổ thơ sau, ông nhắc trực tiếp tới khóc thương, tang chế nhiều lần:
Sóng thiên cổ khóc biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.
   Ở đây thì trùng dương khóc trắng trời và biển cư tang nhưng  sau đó, ngay trong bài, ông oán trách ‘Im lặng Lớn’ làm ngơ trước nỗi đau tang tóc bất công và phi lý của bao người trai trẻ. Nhiều lần thơ ông cưu mang ý tưởng oán hận kiểu kêu trời không thấu này, chẳng hạn trong bài ‘Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ’:
Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn,
Mà trí ta không đủ lực đo lường.
Nên ta phó mặc cho trời đất,
Trời đất vô ngôn lại bất nhân.
   Hình như sau vụ Hoàng Sa, Tô Thùy Yên càng thương yêu, thông cảm thân phận người lính trẩn thủ lưu đồn nơi hoang đảo bội phần hơn. Ông không tuyên truyền giả đò nhảm nhí của một sĩ quan ‘tâm lý chiến’, một hư danh của quân đội miền Nam, oan ức tựa như sĩ quan ‘biệt phái’, gây bao tàn hại cho cả một lớp người ngày đất nước bị thu về một mối; ở đây, ông gọi tên sự vật đúng nghĩa nó vốn có:
Lính thú mươi người lạ song nước,
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.
Mấy khổ thơ sau, ông nhắc tới người lính thân tình hơn, rặt giọng phương Nam:
Chú em hãy hát, hát thật lớn,
Những điệu vui, bất kể điệu nào,
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ,
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.
Rõ ràng mái đầu ông cúi sâu trên số phận hẩm hiu của người lính và dường như cũng vì tiên cảm nỗi đau  mất mát của quê hương đất nước. Ông nói tới thân thế và hoàn cảnh  mình, làm sao ta không nghĩ của cả đồng đội ông ?
Bốn trăm hải lý nhớ không tới,
Ta khóc cười như tự bạo hành,
 Dập giận vác khòm lưng nhẫn nhục,
 Đường thân thế lỡ cố đi nhanh.
Quả thật một đời thơ Tô Thùy Yên hay trách phận mình :
Cát bụi đã đành thân tấm mẳn,
Thì danh với phận kể mà chi.
Cảm thương con cá thia lia bại,
Có sót huy hoàng cũng xếp vi.(Vườn Hạ)
Và một lần khác, ông nói rõ hơn trong bài ‘Tưởng Tượng Ta Về Nơi Bản Trạch’:
Ta bằng lòng phận que diêm tắt,
Chỉ giận sao mồi lửa cháy suông
   Đọc đoạn này ta còn thấy thi sĩ, vốn cũng là sĩ quan của chế độ cọng hòa mà thẳng thắn bảo ‘Dập giận vác khòm lưng nhẫn nhục’ thì cũng hình dung được mức độ tự do của một nền văn học không lý tới cái nhỏ nhặt mà luôn tôn trọng sáng tạo của văn nghệ sĩ biết chừng nào ! Thật khó quên lời ông tỏ bày với một chiến binh Bắc quân trong bài ‘Chiều trên phá Tam Giang’ :
Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ
Phải quạt, phải quạt
Chỉ vì nó phải quạt
Ta thương ta yếu hèn
Ta thương ngươi khờ khạo
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng
Nên cả hai cùng mắc đường lịch sử
Cùng mê sa một con đĩ thập thành.
   Tuổi thanh xuân của ông, thứ ‘diêm quẹt không xài vứt xuống dòng sông’(Những Người Chết Vô Tình Cho Lịch Sử) cũng là tuổi xuân hư mất và vô vọng của bao chàng trai trẻ cùng thế hệ :
Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa,
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên.
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ,
Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên.
   Bài hành vĩ đại này, không chối cãi là một bài thơ hiện thực nhưng lại luôn luôn có những ảnh tượng đầy ẩn dụ. Đặc trưng nổi trội nhất thơ Tô Thùy Yên vẫn luôn luôn vậy. Những câu mô tả thiên nhiên không đơn giản chỉ tả thiên nhiên mà qua những dòng ghi nhận cảnh sắc đó, ta không khỏi liên tưởng tới phận người. Và đây là số phận của cây cỏ lạ tên, của rong rêu bập bềnh, của cây dừa ngất gió trùng điệp hay cũng là số phần của nhân thế, qua mấy mảnh đời hẩm hiu những « chú em » lính thú ?
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi.
Mùa đông bắc gió miên man thổi,
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.
Đám cây bật gốc chờ tan xác,
Có hối ra đời chẳng chọn nơi ?
   Thi sĩ không những‘tủi’ vì thân thế lỡ làng, sự nghiệp dở dang, bị hất hủi, hối vì ra đời lạc loài, không nhằm nơi, nhằm lúc mà còn tủi cho phận người bé bỏng, hữu hạn trước sóng thiên cổ, trời đất vô ngôn…
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi.
   Nỗi ám ảnh con người quá nhỏ nhoi trước thiên nhiên cuồng nộ thường trực bàng bạc trong thơ ông. Ông trích hai câu thơ của S.J Perse làm nền cho cảnh ý bài hành này thật đồng điệu quá. Thiên nhiên trong bài tận cùng dữ dội, âm thanh cuồng nộ, cảnh tượng hãi hùng . Ngoài khổ thơ duy nhất êm đềm
Trong làn nước biển xanh lơ mộng,
Những cụm rong óng ả bập bềnh,
Như những tầng buồn lay động mãi,
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh.
   Hầu hết các khổ thơ còn lại là về một thứ đất trời gió mây khắt nghiệt, thịnh nộ, chim muông hốt hoảng, cô đơn. Xin trích vài câu tiêu biểu :
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi…
Mùa gió xoay chiều gió khốc liệt,
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi,
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi…
Mặt trời chiều rã rưng rưng biển,
Vầng khói chim đen thảng thốt quần.
Kinh động đất trời như cháy đảo,
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân…
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp,
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi…
Ai hét trong lòng ta mỗi lúc,
Như người bị bức tử canh khuya,
Xé toang từng mảng đời tê điếng,
Mà gửi cùng mây đỏ thảm thê…
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc,
Con chim động giấc gào cô đơn…
Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa,
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên…
   Ta dễ dàng nhận ra đặc trưng ngữ nghĩa của nhóm động từ, tính từ tả một thứ thiên nhiên động, cuồng bạo, lạnh lùng và con người với tâm thức buồn thảm, cô đơn, hận tủi trong bài thơ :
- vây, trôi, thổi, rách, bạo hành, khóc, tủi, dập (giận), xoay, lở, tan (xác), rã, quần, kinh động, cháy, phỏng, ngất, xé, gào…
- Chuếnh choáng, thăm thẳm sầu, miên man, rờn lạnh, nhỏ nhoi, khốc liệt, man rợ, tả tơi…
   Các loại từ này hiếm khi đứng một mình mà luôn nằm trong một kết hợp đoản ngữ, một phong cách gần như nguyên tắc bất di dịch trong ngôn ngữ thơ TTY. Ai cũng biết danh từ chỉ để gọi tên sự vật nhưng thi sĩ đã kỳ khu biến chúng thành từ diễn đạt đắc địa bằng cách kết hợp từ loại với tài năng thiên bẩm. Đảo giữa biển khơi mịt mùng phải là đảo chuếnh choáng, thảo mộc trên đảo hoang nên phải là thời nguyên thủy, sóng muôn kiếp sóng phải là sóng thiên cổ, biển vừa mới là mồ chôn của bao chiến sĩ nên biển tang chế, gió khốc liệt, rong óng ả bập bềnh, mặt trời chiều rã rưng rưng biển (ôi từ rã, rưng rưng bình thường sao đặt vào ngữ cảnh này khiến tứ thơ trở nên gợi hình tân kỳ, độc đáo không nói sao cho hết), đống lửa trên bãi hoang phải man rợ, cơm chiều viễn xứ, mảng đời tê điếng, mây đỏ thảm thê, bãi lân tinh thức…
   Tôi không thể trích hết các ngữ động và ngữ tính từ, xin độc giả cứ xét ngữ nghĩa các nhóm đoản ngữ này gợi mở tới đâu ta mới càng thấy sự cảm nhận thiên nhiên vô cùng tinh tế, phi thường của ông và cách dụng ngữ tận cùng khổ công chọn lọc, tận cùng thích nghi với văn cảnh từng câu.
   Xin viết đôi dòng về gió trong thơ TTY trước khi xét tới ba khổ thơ tả gió bài này. Trong 37 bài tập Thơ Tuyển thì có đến 19 bài có tả gió, tập Thắp Tạ cũng đến 14 bài có nói về gió. Đúng là gió thiên hình vạn trạng ‘miên man thổi’ trong thơ ông. Không kể tác phẩm trước và sau năm 1975 chưa được in, thật diệu kỳ, làm sao tác giả có thể tả đươc gió trong vô vàn trạng huống ở hai tập thơ trong 33 bài với gần cả trăm câu thơ, không chỗ nào giống chỗ nào ? Tài quan sát của ông siêu việt đã đành, qua đó ta còn thấy tâm hồn ông phong phú, thi giới ông mênh mông, đề tài dường như bất tận. Nhà phê bình Đặng Tiến khen ngợi mấy câu thơ tả gió của Thanh Tâm Tuyền :

Thổi biệt mù tới
Thổi ta đi
Trong giông bão chan hòa như chẳng nín.

   Sao ông chưa một lần nhận xét thiên vạn dạng gió trong thơ TTY? Tôi tin mình không quá đà khi một lần nói chuyện qua email với nhà văn Nguyễn Thị Thảo An rằng có thể lật trang hai tập thơ TTY để bói như người ta bói Kiều. Có đủ trạng huống đời trong đó, tuy vui vầy có ít, buồn tủi bội phần hơn nhưng cũng đâu khác chi Đoạn Trường Tân Thanh ngày trước! Cô nhà văn Thảo An uyên bác có vẻ đồng ý, thật hoan hỉ lắm thay!
Trở lại gió trong bài hành:

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.

   Câu 1 đảo ngữ khiến nhạc điệu câu trở nên rắn rỏi, bớt đi vẻ êm đềm của từ láy miên man, mặc dù không từ nào hay hơn miên man tả những cơn gió thâu đêm, ngày ngày bất tận. Thay vì nói lòng ông se buồn trong gió dữ thì lại bảo ‘lòng ta cũng rách tưa’, diễn đạt mạnh mẽ và mới mẻ nỗi buồn đau của tâm thức ông bội phần cụ thể. Khổ thơ thứ sáu ông ‘nâng cấp’ những đợt gió hung tàn đó cùng những tàn phá khốc liệt của nó trên đất cát, cây cối  bằng thứ từ ngữ dữ dội: xoay chiều, khốc liệt, lở, bồi, bật gốc, tan xác. Thanh trắc rắn và gai góc với số lượng lấn lướt thanh bằng trong cả 4 câu nhằm tả một thiên nhiên tàn khốc, lạnh lùng là một chọn lựa có chủ ý của tác giả. Rồi từ ‘ngất’và ‘đau dài’trong câu ‘Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp, suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi’. Đó là ‘từ khóa’ về nghệ thuật diễn đạt của câu thơ. Đó là từ bình thường của ngôn ngữ nói nhưng đặt vào đây, câu thơ bỗng sống động, gợi tả lạ thường bởi cái vẻ người của nó. Tôi nhớ tới cặp thất ngôn tả gió với ý nghĩa tương tự và dụng ngữ có nét khác chút ít nhưng không kém phần tuyệt vời trong bài Tưởng Tượng Ta Về Nơi Bản Trạch của tác giả:
Tàu chuối xác xơ reo ngất ngất,
Nỗi đời bi thiết xé lưa tưa.
    Tôi đã liều lĩnh “phân tích” qua loa thơ TTY với khả năng hữu hạn, chỉ cốt bày tỏ cảm nhận hạnh phúc của kẻ đọc thơ bình thường. Cảm ơn thi nhân về những đóng góp lớn lao của ông bảo vệ vẻ đẹp của Việt ngữ và làm giàu cho một nền thi ca vốn bị dập vùi và tiếp tục bị xóa bôi trong những mưu đồ đen tối triền miên.
   Xin nói thêm một ý này: Đọc đi đọc lại bài hành đồ sộ hoàn chỉnh này, trong hầu hết các khổ thơ, tôi bỗng thấy ra hình như tác giả tiên cảm sự sụp đổ, nát tan của đất nước, một thời kỳ tang thương của quốc gia: chết chóc, tang tóc, trôi giạt, một dân tộc ‘bị bức tử canh khuya’và mây trời cũng chỉ còn là thứ ‘mây đỏ thảm thê’!

NGUYỄN ANH KHIÊM.
   

Wednesday, April 10, 2013

thơ nguyễn thị khánh minh






GIÓ NÓI VỚI TÔI RẰNG

Bay đi
Bay đi

Vỡ tôi hạt tím
Rơi như mơ
Bên những đóa lilies
Tiếng cọ Monet phết long lanh đôi cánh
Thiêm thiếp tôi
Hồ mộng

Bay đi
Bay đi
Tràn tôi đồng nội
Giấc mơ hoàng hôn
Khe khẽ giục
Con bướm đập cánh
Gọi người yêu
Giờ hẹn hò lễ hội
Tôi lavender, tím
Tỏa đê mê trong đêm

Bay đi
Bay đi
Bay qua giải thiên hà buồn bã kia
Mà về
Trên vai người
Sợi tóc thơm hương tinh tú.
Hãy ngủ cho ngoan. Sống lại giấc mơ ngày xưa. Bé lại một thời. Khóc và cười thơ dại. Có thể những hạt mưa đêm đã rơi ướt hết mắt môi em. Lỗi hẹn một giờ cổ tích.
Bay đi.
Xin đưa tôi vào giấc mơ
Trong ký ức một mùa gió

…Gió nói với tôi rằng,
Bay đi,
Với đôi cánh Chagall
Không gian sẽ mở ra bất tuyệt
Những nụ hôn
Của những thiên thần nhỏ
Bay đi
Bay đi
Này, đôi cánh màu xanh

Trong âm thanh Chagall
Người cắp tôi vào đêm
Bay ngang bầu trời
Một mảnh trăng huyễn xanh
Những vì sao thức giấc
Đất thẳm xa, trời cong gần gũi
Những mái nhà bé con say ngủ
Bay đi
Bay đi
Đôi tình nhân
Gió nói với tôi rằng
Trong lấp lánh những không gian ấy
Có một chiều mộng ảo
Sẽ tan tôi hư vô…
Mà sao em vẫn muốn bay đi?
 
Mùa xuân 2013
NTKM

Tuesday, April 9, 2013

Không còn dây chuông để gọi Võ Hồng

Lữ Quỳnh
 
 
                                                        
                                             Lữ Quỳnh & Võ Hồng
                            
                               Những ghi chép như một nén hương tưởng niệm nhà văn Võ Hồng *

   Ngôi nhà của nhà văn Võ Hồng trước đây mang số 53 Hồng Bàng Nha Trang. Cái địa chỉ này quen thuộc tưởng như gắn liền với tên tuổi anh. Lần nào ghé Nha Trang tôi cũng đến thăm anh.   Đứng ngoài đường, vói tay vào phía sau cánh cổng sắt, nắm sợi dây chuông giựt vài cái, tiếng leng keng vang lên, và từ trên lầu anh nhoài người ra nhìn xuống, anh hỏi nhưng không đợi khách trả lời, chân đã bước xuống cầu thang.
   Đó là những ngày giữa năm 1995, anh còn khỏe mạnh. Thường thì khi gặp, anh mừng rỡ ồ lên thành tiếng rồi kéo nhau lên gác, vừa đi vừa hỏi chuyện. Chúng tôi ngồi ở chiếc bàn kê sẳn ở khoảng sân hẹp trước phòng ngủ của anh. Anh nói chuyện vui vẻ, kể về những tác phẩm tái bản, cả một cuốn mới, đang hỏi nhà xuất bản để in. Anh đưa tôi vào phòng, chỉ cho xem kệ sách nhỏ, nhiều tờ báo cũ có những bài viết về anh. Căn phòng ngổn ngang chăn màn, radio, chén ly, sách  báo. Lộn xộn chẳng khác nào của một chàng thanh niên độc thân lười biếng!

    Qua năm 2005, khoảng sau tết âm lịch tôi từ Mỹ về, khi ra Nha Trang ghé lại thăm anh.  Lần này anh tiếp tôi trong phòng. Vẫn căn phòng trên gác ấy, với bề bộn sách báo, tưởng như không thay đổi dù nhiều năm tháng đã qua. Anh hỏi thăm tôi về vài bạn văn cùng quê ở hải ngoai.
    Anh hỏi nhiều chuyện không đâu, và điều này làm tôi rất ái ngại nhìn anh lo lắng. Anh nghe tôi trả lời và cẩn thận ghi vào sổ tay, từng chi tiết. Tôi buồn vì biết anh bắt đầu lẫn! Anh chỉ cho tôi cái sân nhỏ trước phòng được anh căng dây thép treo khoảng mười mấy cái bìa lịch màu đỏ chói. Anh có vẻ thích trò chơi này. Anh nói ngày tết treo lên màu đỏ thế này cho vui mắt  Tôi xin anh chụp vài tấm hình. Anh kéo tôi ra sân, đứng trước những tấm bìa lịch. Rồi sực nhớ ra cần phải thay chiếc mũ đang đội, anh nói toa đợi moa một chút rồi bước vội vào phòng loay hoay tìm chiếc mũ quen thuộc mà anh thường đội, nhưng không thấy. Tôi thầm nghĩ, anh Võ Hồng điệu quá. Thôi anh ạ, chiếc mũ đang đội cũng đẹp chán rồi. Anh cười hồn nhiên. (**) Dịp này anh ký tặng tôi cuốn “Võ Hồng, nhà văn và tác phẩm” của Nguyễn thị Thu Trang. Tôi cũng xin anh cuốn “Một bông hồng cho cha”, bản  copy đang nằm lẩn giữa đám sách báo trên giường.
Từ giã anh lần ấy không ngờ là lần cuối cùng từ giã một Võ Hồng còn tỉnh táo, nói cười.
Bởi ba năm sau khi tôi ghé lại thì anh đã nằm liệt giường trong căn phòng nhà dưới, không còn nhận ra những người đến thăm mình là ai nữa.

Lữ Quỳnh
San Jose, 1-4-2013
(Nguồn: Thư Viện Sáng Tạo)

(*) Nhà văn Võ Hồng mất lúc 2 giờ chiều, ngày 31-3-2013 tại Nha Trang.
(**) Ảnh nhà văn đứng trước những tấm bìa lịch và trong phòng ngủ của anh, được Trần Hoài Thư đưa lên Tạp chí Thư Quán Bản Thảo, số đặc biệt về nhà văn Võ Hồng, 2005.