Thursday, December 22, 2011

Truyện hay Giáng Sinh
 ngoại quốc 

Dịch và giới thiệu: Nguyễn Thị Hải Hà 

Lời Giới Thiệu
Cả ba truyện ngắn, Giáng Sinh của Vladimir Nabokov, Hai Người Chưa Gặp của John McNulty, và Giáng Sinh ở Tokio đều được trích từ “Christmas at The New Yorker: stories, poems, humor, and art” xuất bản năm 2003. Nhiều truyện trong quyển này rất hay và của nhiều tác giả rất nổi tiếng như John Cheever, John Updike, Alice Munro, … .
Tôi dịch truyện Giáng Sinh của Nabokov trước nhất vì tôi yêu cái hình ảnh đầy tuyết êm đềm thơ mộng ở một miền quê của nước Nga. Sau đó tôi bị cuốn hút vào nỗi đau đớn của người cha khi nhớ lại cậu bé con của ông mới còn nô đùa bắt bướm giữa mùa hè mà đã lâm bạo bệnh và qua đời trước ngày Giáng sinh. Trong nỗi đau khổ và cô đơn tận cùng ông nghĩ đến việc đi tìm cái chết thì phép lạ hiện ra. Nabokov đưa tôi từ cái đẹp của băng giá mùa đông qua cái nồng ấm của mùa hè, cái tuyệt vọng của người cha bên cạnh cái thơ ngây yêu đời của đứa con, người cha chợt khám phá bí mật của cậu bé con rồi đến cái bí ẩn của sự sống. Còn gì hơn trong đêm Giáng sinh người ta khám phá ra sự nhiệm mầu của một sự sống vừa mới khởi đầu mà sự sống đó tưởng đã chết trong cái lá khô.
McNulty nói về những thiên thần luôn luôn có mặt chung quanh ta nhưng ta không biết sự hiện diện của họ. Hai thiên thần của nhân vật Eddie đã xuất hiện qua hình ảnh một người đàn bà có mặt trong khi cuộc đời của ông chìm dưới đáy vực thẳm và người kia là người quân nhân đã cứu mạng Eddie. Truyện rất thú vị ở chỗ Eddie kể chuyện một cách trân trọng còn Harry không lắng nghe. Ông chỉ chêm vài câu vớ vẩn như xem câu chuyện của Eddie là chuyện tầm phào. Độc giả cũng thấy được cái rộn rã mừng Giáng sinh ở ngay khu vực giàu sang của Manhattan.
Giáng Sinh ở Tokio của Max Hill là một hình ảnh đầy hy vọng giúp người ta chịu đựng gian nan những lúc định mệnh khắc nghiệt đưa đẩy người ta đến chỗ khốn cùng nhất. Giọng văn của Max Hill đầy lạc quan, bất khuất, và không kém phần khôi hài. Tuy ngắn nhưng rất thật; truyện Giáng Sinh ở Tokio cho thấy cây Giáng sinh là biểu tượng làm ấm lòng người tù.
Giáng sinh có khi lại là một ngày đáng buồn cho những người nghèo khổ thiếu thốn vật chất hay tình cảm. Bạn đọc hẳn còn nhớ truyện Cô Bé Bán Diêm của Hans Christian
Andersen, vừa đói vừa lạnh, cô đốt tất cả những que diêm không để sưởi ấm mà để giúp cô nhìn thấy người bà đã qua đời. Nhà văn John Cheever có một truyện ngắn mang tựa đề Giáng Sinh là một mùa bất hạnh cho người nghèo. Nhân vật của ông, Charlie, là người gác thang máy, đã dùng câu nói này đánh thức lòng trắc ẩn của những người sống trong căn chung cư. Chú bé Duane trong truyện ngắn Món Quà Vô Giá của Stephanie Ray Brown không biết nói những lời khôn ngoan ẩn ý để đánh thức lòng trắc ẩn của người chung quanh như Charlie. Hoàn cảnh của chú tuy rất bất hạnh nhưng món quà chú tặng cho cô giáo thật là vô giá.
John E. Schlimm II trong truyện ngắn Âm Thanh và Tinh Thần Giáng Sinh đã khéo léo nhắc nhở chúng ta rằng ngày nào cũng có thể là ngày Giáng Sinh nếu ta biết mở cửa tâm hồn thưởng thức cái đẹp của cuộc đời như âm nhạc, nghệ thuật, thiên nhiên. Mary đã không để cái khuyết tật về âm thanh ngăn cản cô trong việc thưởng thức âm nhạc. Sự rung cảm của Mary với bài hát Giáng sinh đã làm cho mọi người chung quanh xúc động. Tôi tin là độc giả cũng sẽ yêu mến truyện ngắn này.
Món Quà Vô Giá của Stephanie Ray Brown và Âm Thanh và Tinh Thần Giáng Sinh được trích từ A Chicken Soup for The Soul Christmas. Chicken soup cũng giống như cháo gà ở Việt Nam được dùng để chữa những cơn cảm cúm. Có thể nó không có vị thuốc nhưng thường là sự săn sóc, tình cảm của người nấu cháo giúp người bệnh cảm thấy khỏe hơn. Jack Canfield và Victor Hansen đã tuyển chọn những truyện ngắn rất ngắn của tất cả mọi người chung quanh, có khi là nhà văn tốt nghiệp đại học như Schlimm II, có khi là một giáo viên dạy lớp một lớp hai như bà Brown. 
Giáng sinh là của tất cả mọi người, và ai cũng có một mẩu chuyện nho nhỏ có khi vui có khi buồn để chia sẻ với mọi người. Độc giả cũng có thể bắt đầu viết một truyện về Giáng sinh vào năm sau nhé.
Nguyễn thị Hải Hà 

GIÁNG SINH
Tác giả: Vladimir Nabokov
   Sau khi đi bộ từ trong làng trở về trang viên băng ngang cánh đồng tuyết sáng lờ mờ, Sleptsov ngồi vào trong góc nhà, trên cái ghế bọc nhung ông không nhớ đã từng dùng đến nó. Tương tự như những chuyện chúng ta thường thấy sau một cơn đại họa. Không phải anh em mà lại là một người quen sơ, ông láng giềng ở nông thôn bạn chẳng mấy khi để ý đến, lúc bình thường bạn chẳng buồn trò chuyện đến, lại chính là người an ủi bạn, rất khéo léo và hoàn toàn dịu dàng, nhặt hộ bạn cái mũ bạn đánh rơi sau khi tang lễ chấm dứt lúc bạn đang bị choáng váng trong nỗi đau khổ, răng bạn đang run lập cập, và mắt bạn đang mờ nước mắt. Người ta cũng có thể nói như thế về đồ vật. Bất cứ căn phòng nào, ngay cả những căn phòng ấm áp thân mật nhất và nhỏ đến vô lý nhất, trong cái chái nhà ít khi được sử dụng của một trang viên đồ sộ ở nông thôn cũng có một góc không ai lui tới. Và đó là cái góc nhà Sleptsov đang ngồi.
   Chái nhà này nối liền, bằng một hành lang dài và hẹp bằng gỗ, đang bị cơn tuyết miền Bắc Nga lấp đầy, với phần chính của ngôi nhà, chỉ được dùng vào mùa hè. Không cần thiết phải đánh thức hay sưởi ấm nó; chủ nhân của ngôi trang viên đến từ Petersburg ở chỉ đôi ba ngày và chỉ cần dùng phần nối liền của ngôi nhà, chỗ này đơn giản chỉ cần nhóm cái bếp bằng sứ Hòa Lan.
   Chủ nhân của trang viên ngồi trong cái góc nhà không ai qua lại này, trên cái ghế bọc nhung, như thể ông đang ngồi chờ trong phòng mạch của bác sĩ. Căn phòng trôi nổi trong bóng tối, và màu xanh thẫm của hoàng hôn lọc thấm qua chòm lông tơ pha lê của sương giá trên khung kính cửa sổ. Ivan, ông giúp việc bệ vệ và ít nói, mới cạo sạch bộ ria mép nên trông ông rất giống ông bố đã qua đời, trước là quản gia, mang vào một cây đèn dầu hỏa, lau chùi sạch sẽ và sáng rực. Ông đặt đèn lên cái bàn nhỏ và, rất êm ả, ông lấy cái chụp đèn lụa màu hồng rào vây chung quanh đèn. Trong một thoáng ngắn ngủi cái gương nghiêng phản chiếu ánh sáng lên lỗ tai và mái tóc bạc cắt ngắn của ông. Xong, ông thoái lui và cánh cửa kêu kẽo kẹt nho nhỏ.
   Sleptsov nhấc bàn tay ra khỏi đầu gối, chậm chạp quan sát. Một giọt nến đã dính và đông cứng lại ở khoảng da mỏng giữa hai ngón tay. Ông xòe các ngón tay và lớp vảy mỏng màu trắng bị vỡ tan.
  Sáng hôm sau, sau một đêm đầy những giấc mơ vụn vằn vô nghĩa hoàn toàn chẳng liên hệ với nỗi buồn khổ của ông, khi Sleptsov bước ra ngoài hàng hiên lạnh giá, nền nhà thoát ra tiếng kêu răng rắc như tiếng súng nổ vui vẻ dưới chân ông, và ánh phản chiếu của các ô kính cửa sổ nhiều màu sắc kết hợp lại thành những hình thoi đẹp tuyệt trần chiếu lên trên những cái ghế trắng không bọc nệm đặt cạnh cửa sổ. Thoạt tiên lớp cửa bên ngoài hơi khó đẩy, rồi thì nó chịu mở ra với tiếng kêu giòn giã răng rắc, và hơi băng giá choáng ngợp tạt vào mặt ông. Lớp cát màu đo đỏ được rải lên lớp băng che phủ những bậc thềm của hiên trước trông giống như bột quế, và các thỏi băng nhũ thật dày có màu xanh lơ pha lục treo lủng lẳng trên mái nhà. Lớp tuyết dày len lỏi vào tận trong mấy cái cửa sổ của phần nhà nối, xiết chặt dãy hành lang hẹp bằng gỗ gọn gàng này bằng gọng kềm giá lạnh. Cái khối màu trắng ngà, trước là nơi trồng hoa vào mùa hè, đã phồng to lên, hơi cao hơn mực tuyết của hàng hiên trước, và xa xa là ánh sáng lộng lẫy của rừng, nơi ấy tất cả các cành cây màu đen đều được viền ánh bạc, và những ngọn thông xanh dường như co rúm những cái vấu màu xanh lục bên dưới sức nặng đẫy đà sáng rực của chúng.
   Mang đôi ủng nỉ và cái áo khoác ngắn bên trong lót bằng lông thú có cổ áo bằng lông cừu, Sleptsov bước chầm chậm dọc theo con đường nhỏ rất thẳng, con đường vỏn vẹn đã được dọn sạch tuyết chạy vào cánh đồng tuyết sáng đến lóa mắt phía đằng xa. Ông ngạc nhiên thấy mình vẫn còn sống, vẫn còn có thể nhận thấy cái sáng rực rỡ của tuyết, và cảm thấy đau buốt ở mấy cái răng cửa vì không khí lạnh. Ông cũng chú ý đến cái bụi cây bị tuyết phủ trông giống như một cái nguồn nước phông-tên, và con chó đã để lại trên bờ tuyết một chuỗi dấu chân màu vàng nghệ hằn sâu vào rìa của bờ tuyết. Xa hơn một chút nữa, những bộ phận chống đỡ cái cầu dành cho khách bộ hành thò ra khỏi tuyết, và Sleptsov dừng lại ở nơi ấy. Cáu kỉnh, giận dữ, ông xô lớp tuyết dày xốp phủ đầy lan can cầu. Ông nhớ thật sống động dáng dấp cây cầu vào mùa hè. Cậu bé con trai ông đi dọc theo những thanh gỗ cầu trơn trợt, lấm tấm điểm hoa dại, khéo léo dùng vợt bắt con bướm đậu trên thành cầu. Thế rồi cậu bé nhìn thấy ông bố. Đã mãi mãi mất rồi tiếng cười đùa trên mặt cậu bé, bên dưới cái vành nón rơm bẻ cụp xuống bị nắng rám đen; mấy món đồ chơi cầm tay và dây xích của cái ví da cột vào dây thắt lưng, đôi chân đáng yêu của cậu bé rám nắng nhẵn nhụi trong cái quần “sọt” vải và đôi săng-đan ướt đẫm như lệ thường đứng ở thế dạng chân rất vui vẻ. Chỉ mới đây thôi, ở Petersburg, sau khi say sưa ba hoa về chuyện ở trường, chuyện cái xe đạp, về mấy con bướm Á châu rất đẹp, cậu bé bỗng qua đời, và hôm qua Sleptsov đã mang cỗ quan tài – rất nặng nề, dường như nó chứa sức nặng của cả cuộc đời – về làng, đưa vào nhà mồ riêng của gia đình ở gần nhà thờ trong làng.
   Không gian yên vắng như chỉ có thể yên vắng đến thế này trong một ngày sáng sủa và lạnh giá. Sleptsov nhấc chân lên, bước ra khỏi lối đi, và để lại những vết lõm sâu màu xanh lơ trong tuyết, tạo lối đi giữa những thân cây trắng lạ lùng đến nơi cánh rừng bắt đầu rẽ xuống hướng bờ sông. Phía dưới thật xa, những khối băng tỏa ánh sáng lấp lánh gần một cái lỗ bị cắt thủng trong một màu trắng mịn bao la, và, ở bờ bên kia mấy cột khói màu hồng đứng thẳng bên trên mái nhà phủ đầy tuyết của những căn nhà được xây bằng thân gỗ tròn. Sleptsov cởi cái mũ lông cừu đứng tựa lưng vào thân cây. Ở phía xa thật xa, nông dân đang bổ củi – âm thanh của mỗi nhát búa vang vọng lên không trung – và ở bên ngoài làn sương mỏng màu bạc bao phủ rặng cây, bên trên những túp lều gỗ đang ngồi xổm, ánh mặt trời chiếu sáng vẻ thư thái của cây thánh giá trên nhà thờ.
   Ông sẽ đến nơi ấy sau bữa ăn trưa bằng cỗ xe trượt tuyết cũ kỹ có chỗ dựa lưng rất thẳng. Tiếng vó của con ngựa màu đen nện mạnh mẽ trong không gian lạnh băng, các chòm lông trắng của những cành cây thấp là đà trượt phía trên đầu, và dấu bánh xe ở phía trước lấp loáng màu xanh lơ có ánh bạc. Khi ông đến nơi, ông ngồi độ một giờ đồng hồ bên cạnh mộ, đặt đôi bàn tay đeo găng bằng len dầy nặng lên trên những thành cầu bằng sắt, hơi lạnh xuyên qua lớp len làm bỏng rát bàn tay ông. Ông về nhà với một nỗi thất vọng nhẹ nhàng, như thể để con trong nhà mồ càng làm xa cách với ông hơn là chỗ này, nơi để lại vô số dấu chân thoăn thoắt của cậu bé đã được bảo toàn bằng lớp tuyết bao phủ.
   Chiều tối, bất chợt bị nỗi buồn mãnh liệt tràn ngập, ông bảo mở cửa gian nhà chính. Khi cánh cửa mở toang với tiếng kêu buồn phiền như tiếng khóc, thoang thoảng có một mùi đặc biệt, tươi mát chứ không mốc meo như mùi của mùa đông, thổi từ tiền sảnh có chấn song sắt, Sleptsov lấy ngọn đèn với tấm phản chiếu bằng thiếc từ tay người gác cửa rồi vào nhà một mình. Nền nhà bằng gỗ kêu răng rắc đầy vẻ rùng rợn dưới bước chân của ông. Từ phòng này sang phòng khác trong ánh sáng vàng vọt, và những vật dụng trong nhà được che phủ bằng những tấm vải trông rất xa lạ; thay vì tiếng rung lanh canh của cái đèn trần là một cái bao im lìm treo trên trần nhà, và cái bóng khổng lồ của Sleptsov, chậm chạp duỗi cánh tay, bồng bềnh trôi trên tường và bên trên những cái hình vuông xám của những bức tranh đã được phủ che.
   Ông vào phòng cậu con trai đã dùng làm phòng học lúc mùa hè, để ngọn đèn lên bệ cửa sổ, rồi làm gãy móng tay khi ông cố mở cửa sổ, mặc dù ngoài kia chỉ toàn là bóng đêm. Trên tấm kính màu xanh, ngọn lửa vàng của cái đèn hơi bị khói ám hiện ra, và bộ mặt to lớn, râu ria của ông xuất hiện trong chốc lát.
   Ông ngồi xuống ở cái bàn trống trải và nghiêm nghị, chau mày khám xét giấy dán tường màu nhạt viền quanh là những dây chuỗi hoa hồng xanh; một cái tủ hẹp thường được dùng ở các văn phòng với những ngăn kéo từ trên xuống dưới; một cái ghế nệm dài và mấy cái ghế bành được che trùm lại; rồi bất thần, gục đầu lên trên bàn, ông bắt đầu lắc mạnh, mê mải, mãnh liệt, ồn ào, áp đôi môi và sau đó đến gò má đẫm ướt vào cái mặt gỗ lạnh lẽo đóng đầy bụi và nắm chặt mấy góc bàn.
   Trong ngăn bàn ông tìm thấy quyển vở, cái bảng, mấy cái kim găm màu đen, và một hộp bánh bích-qui bằng thiếc trong đó có chứa một cái kén rất lạ mắt trị giá ba rubles. Sờ vào, nó mỏng manh như giấy và dường như nó được làm bằng một chiếc lá màu nâu cuộn tròn. Cậu con của ông đã nhớ đến nó lúc cậu bé đang nằm bệnh, hối tiếc là mình đã bỏ nó lại ở nhà nhưng tự an ủi với ý nghĩ là con nhộng bên trong có lẽ đã chết rồi. Sleptsov cũng tìm thấy một cái vợt lưới đã mòn: một cái túi bằng vải mỏng như mút-xơ-lin đặt lên trên một cái vòng có thể xếp lại (và lớp vải này vẫn còn mùi của mùa hạ với mùi cỏ nóng vì ánh mặt trời).
   Cúi gập người xuống thấp hơn, rồi thấp hơn nữa, ông khóc nức nở rung chuyển cả thân hình, rồi ông bắt đầu kéo ra từng chiếc ngăn có nắp đậy bằng kính trong cái tủ đứng. Trong ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn, những vật làm mẫu được sắp xếp ngay ngắn, chiếu sáng như lụa bên dưới lớp kính. Ở đây, trong phòng này, trên bàn ấy, con ông đã dang đôi cánh những động vật cậu bắt được. Trước tiên cậu dùng kim găm cắm con côn trùng đã được cẩn thận giết chết lên cái khe rãnh có đáy bằng gỗ xốp của cái bảng trưng bày, ở giữa những lát gỗ mỏng có thể điều chỉnh được và ép nó xuống cho thật phẳng bằng kim ghim trên những mảnh giấy lên đôi cánh vẫn còn tươi và mềm mại. Bây giờ thì chúng đã rất khô và đã được chuyển vào trong cái tủ đứng này – loài bướm Đuôi Én tuyệt mỹ, loại bướm hiếm màu Đồng và màu Xanh, và các loại bướm quí khác, một vài con bướm được gắn lên bảng ở vị thế nằm ngửa để trưng bày trứng bướm. Con ông từng đọc tên Latin của những loại côn trùng này với giọng than thở một cách đắc thắng hay rẻ rúng. Và lũ bướm, lũ bướm Diều Hâu Aspen đầu tiên xuất hiện hồi mùa hạ của năm năm trước.
   Đêm có màu xanh của khói và trăng rất sáng; mây mỏng lác đác trên trời nhưng không vệt mây nào chạm đến mặt trăng kiêu sa và mỏng manh. Rừng cây, những mảng dày băng giá màu xám, rải bóng đen trên tuyết, lấp lánh chỗ này nơi kia một thứ ánh sáng của kim loại. Trong cái ghế bọc nhung, gian phòng sưởi ấm áp của đoạn nối hai dãy nhà, Ivan đã đặt một cây thông cao chừng sáu hay bảy tấc trong một cái chậu đất sét nung lên bàn, và chỉ cắm một ngọn nến lên chân nến hình thánh giá khi Sleptsov từ gian nhà chính quay về, lạnh lẽo, mắt đỏ hoe, bụi xám còn dính đầy trên má, dưới nách cặp theo cái hộp gỗ. Nhìn thấy cây Giáng Sinh trên bàn, ông hỏi lơ đễnh, “Cái gì đây?”
 Đỡ cái hộp gỗ trên tay ông, Ivan trả lời bằng giọng rất nhỏ nhẹ, dịu dàng, “Ngày mai là ngày lễ.”
   “Không, mang nó đi chỗ khác,” Sleptsov nói với vẻ cau có, trong đầu thì suy nghĩ, “Có thể nào là đêm Giáng Sinh? Tại sao ta có thể quên chứ?”
   Ivan dịu dàng giữ ý kiến, “Nó đẹp và xanh mướt. Cho nó đứng ở đây một thời gian.”
   “Làm ơn mang nó đi,” Sleptsov lặp lại, cúi người trên cái hộp gỗ ông mang về. Trong đó ông đã mang hết đồ dùng của con trai – cái vợt bắt bướm có thể gấp lại được, hộp bánh bích-qui bằng thiếc với cái kén hình quả lê, cái bảng để giăng cánh bướm, những cây kim găm trong cái hộp sơn mài, cuốn vở màu xanh. Phân nửa trang đầu tiên đã bị xé đi, và phần còn lại chứa một phần bài chính tả tiếng Pháp. Sau đó có những bài nhật ký, tên của những con bướm bắt được, và những hàng ghi chú khác:
    Đi ngang một vùng đầm lầy xa mãi tận Borovichi . . .
   Hôm nay mưa. Đánh cờ với bố, sau đó đọc Frigate của Goncharov, cuốn sách chán kinh khủng.
   Một ngày nóng tuyệt vời. Chạy xe đạp buổi chiều tối. Một con bọ bé xíu rơi vào mắt tôi. Cố ý đạp xe ngang ngôi nhà nghỉ hè của cô bé ấy hai lần, nhưng không gặp cô bé . . .
  Sleptsov ngẩng đầu lên, nuốt cái gì đó rất nóng và to lớn. Con ông viết về ai thế?
   Chạy xe đạp như thường lệ. Chúng tôi nhìn nhau. Cục cưng của tôi, người yêu ơi …
   “Chuyện này không thể tưởng tượng được,” Sleptsov thầm thì. “Tôi không bao giờ biết. . .”
   Ông lại cúi người xuống, tập trung cố giải mã nét chữ trẻ con hết nghiêng người đứng lên lại bẻ cong xuống lề quyển vở.
    Nhìn thấy một loại bướm mới của giống Mỹ Nữ Camberwell hôm nay. Điều đó có nghĩa là mùa thu đã đến. Mưa lúc chiều tối. Cô bé có lẽ đã về thành phố rồi, chúng tôi chưa có dịp làm quen với nhau. Giã biệt, người yêu dấu. Tôi cảm thấy rất buồn. . . . 
  “Nó chưa bao giờ kể tôi nghe những chuyện như thế này . . .” Sleptsov cố nhớ lại, xoa trán bằng lòng bàn tay.
   Trên trang giấy cuối cùng có một bức họa vẽ bằng mực: cái nhìn từ phía sau của con voi – hai cái cột to xù, góc cạnh của hai lỗ tai, và cái đuôi bé xíu.
   Sleptsov đứng lên. Ông lắc đầu, cố gắng tự kềm chế những tiếng nức nở khủng khiếp cứ chực trào ra.
   “Tôi–không-thể-chịu-đựng-được-nữa,” ông lè nhè giữa những tiếng rên, lặp lại càng chậm hơn, “Tôi–không-thể-chịu-đựng-được-nữa . . .”
   Ngày mai là ngày Giáng sinh, điều nhắc nhở đến bất chợt, và tôi sẽ chết. Dĩ nhiên. Đơn giản thế thôi.  Chính đêm nay . . .
   Ông rút cái khăn tay ra và lau khô đôi mắt, gò má. Những vết đen dính lại trên khăn tay.
   “. . . cái chết,” Sleptsov nói nhỏ nhẹ như thể kết luận một câu dài.
   Tiếng đồng hồ gõ nhịp. Những mô hình sương giá trùng lặp lên nhau trên tấm kính xanh của cửa sổ. Quyển vở mở được chiếu sáng rực trên bàn, bên cạnh nó ánh sáng xuyên qua lớp vải mút-xơ-lin của cái vợt bắt bướm, sáng lóng lánh ở một góc của cái hộp thiếc mở nắp. Sleptsov nhắm chặt mắt, mơ hồ cảm thấy sự sống của trần thế trước mặt ông, hoàn toàn trơ trụi đơn giản và buồn thảm khủng khiếp, vô lý vô dụng đến nhục nhã, tuyệt tự, thiếu vắng phép nhiệm mầu.
   Ngay lúc ấy bỗng có tiếng nứt – âm thanh mỏng manh như tiếng sợi dây cao su bị căng thẳng rồi bị đứt. Sleptsov mở mắt. Cái kén trong hộp bánh bích-qui bằng thiếc đã vỡ ra ở phía trên đầu, và một con vật nhăn nheo màu đen to cỡ một con chuột sơ sinh đang bò lên trên tường phía trên bàn. Nó dừng lại, cố bám vào mặt tường bằng sáu cái chân cuống quít và bắt đầu phập phồng một cách lạ thường. Nó xuất hiện từ cái kén bởi vì người đàn ông vật vã trong nỗi đau khổ đã mang cái hộp thiếc vào căn phòng ấm áp của ông, và hơi ấm đã thấm vào cái vỏ kén bằng lá và lớp tơ dày chắc của nó; nó chờ đợi giây phút này từ lâu, gom góp tất cả sức lực, và giờ đây, đã nở, thoát ra, nó từ từ và đầy nhiệm mầu nở to lên. Dần dần những mảnh vỏ nhăn nheo, những đường viền nhung nở ra; những sợi gân hình quạt xếp trở nên cứng cáp hơn khi nó chứa đầy không khí. Nó trở nên loài vật có cánh, không thể nào tưởng tượng nổi, có khuôn mặt trưởng thành và trở nên rất xinh đẹp. Và đôi cánh – vẫn còn yếu ớt, và ướt át – tiếp tục lớn lên và mở ra, và bây giờ chúng phát triển đến mức toàn vẹn nhất mà Tạo Hóa đã xếp đặt, và nơi đó, trên vách tường, thay vì là một cái khối nhỏ của cuộc đời, thay vì là con chuột đen, là một con bướm Attacus như những loài có thể bay như chim, vòng quanh ngọn đèn trong những buổi hoàng hôn bên Ấn Độ.
     Và rồi đôi cánh dày và đen ấy, với các đốm sáng ngời như đôi mắt trên ấy với một đóa hoa màu tím, nó xoa những cái chân trước vào nhau như phủi bụi, hít một hơi đầy bên dưới sự thôi thúc rất dịu dàng, khao khát, rất giống với hạnh phúc của loài người. 
Dmitri Nabokov dịch từ bản tiếng Nga với sự góp ý của tác giả.
Vladimir Nabokov (1899 – 1977) nhà văn Nga biết rất nhiều thứ tiếng. Ông viết chín tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Nga rồi nổi tiếng trên toàn thế giới là nhà văn lớn chuyên viết tiếng Anh với văn phong tuyệt vời. Tác phẩm Lolita của ông ra đời năm 1955 là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của ông. Lolita, Pale Fire, và Speak, Memory là những tác phẩm nằm trong danh sách Modern Library 100 Best Novels và Nonfiction (100 quyển tiểu thuyết và các thể loại khác như ký, phê bình, tiểu luận hay nhất của Thư Viện Hiện Đại).
GIÁNG SINH Ở TOKIO
Tác Giả: Max Hill
   Thời Trân Châu Cảng, tôi được phát cho một con số, số 867, rồi bị nhốt vào căn phòng giam có diện tích một mét rưỡi nhân ba mét ở nhà tù Sugamo, người Nhật chỉ nhạt nhẽo gọi nó là Tokio Kochisko, hay Nhà Giam Tokio. Tháng 5, khi ấy tôi vẫn còn ở Sugamo, tôi bị xử và bị buộc tội đã gửi cho báo Associated Press, ở chức vụ phóng viên, những câu truyện mà theo sự phóng đại của ông thẩm phán, đã “làm tổn hại chính sách ngoại giao của Nhật Bản.” Tôi bị án tù mười tám tháng, nhưng án tù này tạm ngưng khi chính quyền Hoa Kỳ cương quyết đòi phải bao gồm tất cả phóng viên trong đợt trao đổi đầu tiên giữa các quốc gia, và tôi thật sự rời khỏi Sugamo vào tháng 6 khi tôi được đưa ra trại tập trung nơi tương đối tự do hơn,  sau đó được tàu Gripsholm đưa về New York, vì thế toàn bộ thời gian bị ở tù của tôi là sáu tháng. Sáu tháng ở trong nhà giam Tokio rất là tẻ nhạt.
   Phòng giam của tôi có tường bằng xi-măng và cái cửa sổ rất bé có chấn song. Trang bị của phòng giam gồm có cái giường, chậu rửa mặt, cầu tiêu, cái chổi và hai tấm tatami, hay là đệm rơm. Tôi không được phép ngồi hay nằm trên giường trước giờ đi ngủ, và nếu tôi muốn ngồi, tôi phải ngồi trên nền nhà hay ngồi lên cầu tiêu. Phần nhiều, tôi chọn cái sau. Mỗi ngày tôi thức dậy lúc năm giờ sáng. Sau đó tôi phải quét phòng giam và dọn giường. Lúc sáu giờ rưỡi một người gác sẽ mang bữa ăn sáng vào, mười một giờ bữa ăn trưa, và lúc ba giờ bữa ăn chiều, cả ba bữa ăn không thay đổi chỉ có một bát nước ấm, một bát rong biển hay canh củ cải, một chén cơm nguội trộn với lúa mạch. Bốn giờ cửa phòng giam được khóa hai lớp, chút sau chuông rung, dấu hiệu tất cả tù nhân phải đi ngủ. Đèn trong phòng giam được mở sáng suốt đêm, chói chang trên mặt tôi. Nhiệt độ trong tù hầu như luôn luôn dưới không độ; tôi chắc chắn đó là lý do nước trong chậu đặt dưới cái ống thoát nước bị rò rỉ của chậu rửa mặt luôn luôn đóng một lớp băng mỏng. Chỉ ở trên giường tôi mới có cơ hội làm tan chút băng, chứ không dám nói là ấm áp. Vì thế hầu như suốt ngày, tôi chỉ chờ cho đến bốn giờ chiều.
   Tôi ở Sugamo chỉ mới đôi ba ngày thì tôi mắc phải một lỗi vì không hiểu phong tục Nhật Bản khi tôi cố gắng giữ cho đôi bàn chân được ấm áp. Người Nhật luôn cởi giày trước khi bước lên tấm tatami và họ muốn người nước ngoài phải vâng theo. Tôi chỉ muốn giữ cho đôi bàn chân của tôi đừng đông thành nước đá chứ không để ý đến việc giữ gìn mỹ tục, và thường xuyên, khi từ góc bên này băng qua góc bên kia của phòng giam, tôi đã bước lên tấm đệm tatami mà không cởi giày. Một lần, tôi thất lễ với phong tục này, một gã quản tù răng vàng, đang tuần hành ngoài hành lang, bắt quả tang.“Damé” hắn gầm lên khi bước vào phòng giam. Chữ này có nghĩa là “xấu.” Hiển nhiên thích thú với kết quả của cuộc đi tuần trên cái hành lang gió lùa lạnh giá này, hắn ra lệnh tôi phải tháo giày, tóm lấy đôi giày, mang đi. Mãi cho đến bốn tháng sau tôi mới được trả lại đôi giày. Trong khi chờ đợi tôi phải đi khắp nơi bằng đôi vớ. Điều thuận lợi duy nhất trong chuyện này là nó cho tôi thêm một việc làm để quên ngày dài. Cố gắng giữ ấm cho đôi bàn chân tôi có thể ngồi hàng giờ trên bồn cầu nhúc nhích ngoe nguẩy các ngón chân.
   Nếu không làm thế, tôi có hai cách chính yếu để giết thì giờ. Một là ngồi đếm các cành của cây thông tôi có thể nhìn thấy qua cửa sổ. Con số cành thông tôi đếm được thay đổi từ một trăm năm mươi đến hai trăm và con số đếm ngay sau đó không bao giờ trùng lặp với số đếm trước. Để có thể nhìn thấy cây thông, tôi phải quì trên bồn cầu trong một thế ngồi rất là kỳ quặc, đẩy một bên của cánh cửa làm bằng kính mờ ở phần dưới cửa sổ, ngoẹo cổ, thò ra ngoài cái đầu nhìn nghiêng hẳn sang một bên. Tôi có thể nhìn thấy toàn thể cái cây qua khoảng trống hình tam giác nhỏ xíu của cánh cửa sổ mở hé. Còn một cách khác là tìm cách nhớ lại tên của bốn mươi tám tiểu bang. Tôi đánh dấu con số tôi nhớ  bằng chín que đếm tôi làm bằng cọng rơm bẻ từ cây chổi. Liên tiếp ba tháng ròng rã, tổng số tiểu bang tôi nhớ được chỉ có bốn mươi bảy tiểu bang, bất kể tôi bắt đầu từ phần nào của Hoa Kỳ. Trong trí tôi luôn có thể nhìn thấy rõ ràng bờ Đại Tây Dương, vì thế tôi luôn bắt đầu với những tiểu bang bên bờ Đại Tây Dương, rồi di chuyển sang hướng Tây theo tầng lớp của các tiểu bang, ngón tay tôi dõi theo tấm bản đồ tưởng tượng trên tường. Nhưng đôi khi tôi tà tà dò hết tên này đến tên khác xuyên qua các Đại Hồ, hay là tôi bắt đầu từ hướng Tây Bắc của Đại Tây Dương, dù tôi dùng cách gì, tổng số tiểu bang tôi nhớ được vẫn là bốn mươi bảy. Cái tên của tiểu bang tôi quên trở thành mối bận tâm dai dẳng đeo đuổi tôi. Nó quấy nhiễu tôi hơn cả tên quản tù răng vàng luôn luôn bốc mùi khói thuốc lá làm tôi rất thèm được hút một điếu – ngay cả thuốc lá Nhật Bản nhạt nhẽo như rơm mốc tôi thường hút khi còn trẻ. Vào cuối tháng thứ ba, tôi chợt nhớ ra tên tiểu bang thứ bốn mươi tám. Đó là Mississippi. Tôi thấy cần phải ăn mừng, và tự thưởng bằng cách nâng ly nước lạnh chúc mừng Mississippi.
   Tiếng vọng trong nhà tù Sugamo thật là to khủng khiếp. Tôi không thể tự thì thào mà tránh được tên quản tù đi từ trụ sở của hắn đến cuối hành lang, nơi giam tôi, để điều tra. Chuyện đếm những cành thông hay nhớ tên các tiểu bang chẳng làm hắn bận tâm, nhưng có một lần, lúc đó tôi mới vào tù, tôi đã làm một việc làm hắn rất lo lắng. Đó là khi tôi nghĩ về ngày Giáng Sinh sắp đến. Hôm ấy là ngày 15 tháng 12. Để làm gì, tôi suy nghĩ, chỉ còn có bảy ngày để mua sắm cho lễ Giáng Sinh, và tôi bật cười to. Gã quản tù lon ton chạy ngay đến phòng giam tôi để xem chuyện gì. Hắn thấy tôi vẫn còn cười vang. Khó mà giải thích cho hắn hiểu tại sao chuyện này lại buồn cười nên tôi chẳng nói gì. Hắn đứng tần ngần một lúc, nhìn tôi với vẻ mặt thắc mắc khó hiểu rồi cáu kỉnh bỏ đi.
  Ngày thứ mười bảy tôi ở tù là ngày áp lễ Giáng Sinh. Đó là một ngày rất lạnh và rất buồn. Tôi làm công việc quét dọn lặt vặt trong phòng giam đã xong và không có gì để tự giúp vui, ngay cả chuyện đếm các cành nhánh của cây thông, bởi vì tuyết rơi đêm trước và những mảnh tuyết mềm xốp đã che lấp những đường nét của cây thông. Suốt ngày tôi ngồi trên bồn cầu, ngoe nguẩy ngúc ngoắc những ngón chân.  Như thường lệ, tôi đi ngủ ngay sau bốn giờ chiều, còn rất lâu mới đến nửa  đêm. Sau khi tôi ngủ khoảng hai giờ đồng hồ, tôi nghe tiếng lách cách tra chìa vào ổ khóa cửa phòng giam tôi. Cánh cửa rít nhẹ mở ra và tên quản tù răng vàng bước vào. Hắn cười toe toét và mang theo một hộp giấy to cỡ bằng cái hộp chứa mũ. Hắn mở nắp hộp và liếc nhìn vào bên trong. Đến bên cạnh giường của tôi hắn cúi khom người, nói “Dozo” (“Xin vui lòng”), và đặt cái hộp vào tay tôi. Bên trong có một vật có hình dáng lạ lẫm được bọc bằng giấy mềm. Họ tử tế quá, tôi nghĩ, và tôi nói, “Dom-arigato” (“Cám ơn ông rất nhiều”). Tôi kéo tờ giấy bao mềm. Bên dưới là một cái cây Giáng sinh nhân tạo cao chừng ba tấc đặt trong một cái chậu nhỏ màu trắng; những cành xanh lục cứng ngắc của nó được lấm tấm điểm tuyết sáng lấp lánh trong ánh đèn điện. Rải rác trong hộp giấy là sợi kim tuyến và một số vật để trang hoàng trên cây Giáng sinh – một trái tim màu bạc, một tượng thánh Santa Claus nhỏ xíu, và một ngôi sao.
   “Ano-ne” (“Đây ông xem”), tên quản tù nói ngập ngừng. Trao cho tôi mảnh giấy nhỏ màu trắng, hắn giải thích rằng cây do Ban Quản Đốc của trại giam gửi đến cho tôi, và hắn cần tôi ký tên lên mảnh giấy để hợp lệ hóa việc trích bớt tiền của tôi họ đã giữ trong ngân hàng khi tôi mới bị họ bắt vào tù. Tôi phải trả tiền cho cái cây là hai yen, chừng năm chục xu tiền Hoa Kỳ. Tôi ký tên vào mảnh giấy. Tôi hỏi hắn, Ban Quản Đốc đã mua cây Giáng Sinh này ở đâu? Cây này là một trong vài trăm cây, hắn trả lời, đã được tù nhân làm trước đây khá lâu để bán cho người Mỹ. Tôi đoán chiến tranh làm gián đoạn sự kinh doanh này, và hiển nhiên tôi là đối tượng thương mại tốt nhất còn sót lại, không chừng lại là đối tượng duy nhất.
   Tên quản tù bỏ đi, đóng cửa đánh sầm. Tôi bò ra khỏi giường quì xuống trên một trong hai tấm đệm. Tôi đặt cây Giáng sinh ở trong góc phòng giam rồi lấy các món đồ trang trí và những sợi kim tuyến ra khỏi hộp. “Chúc Mừng Giáng Sinh,” tôi nói một mình, rồi bắt đầu treo những đồ trang trí và quấn dây kim tuyến chung quanh cây.
1942 
Bài văn này được chọn đăng trên Christmas at The New Yorker xuất bản năm 2003 do Ban Biên Tập của The New Yorker tuyển chọn với lời tựa của nhà văn John Updike. Tôi không tìm thấy tiểu sử của Max  Hill. 

HAI NGƯỜI CHƯA GẶP
     Tác giả: John McNulty
Eddie Casavan và Harry Marnix đang đi trên Đại lộ thứ Năm, khoảng đường cắt ngang đường thứ Năm Mươi, thì chợt nhận ra lễ Giáng sinh đang bao trùm họ. Có vẻ nó nắm giữ ông Casavan chặt chẽ hơn, nhưng cả hai đều cảm nhận được lễ Giáng sinh đang kẹp lấy họ. Cửa sổ các cửa tiệm, không khí lạnh giá, đèn được thắp sáng lên lúc xế chiều, và có lẽ vài ly rượu mạnh họ uống khi đi dạo đã tạo nên cảm giác này.
    Họ rẽ qua đường khác khỏi Đại lộ khi Eddie nói, “Dường như tôi không còn muốn có quà Giáng sinh nữa.”
   “Giáng sinh là để cho trẻ con thôi,” Harry nói. “Đó là mùa cho trẻ nhỏ, Giáng sinh.”
    “Ngay cả khi tôi đã trở thành người lớn tôi vẫn muốn có quà vào lúc Giáng sinh,” Eddie nói. “Tôi bốn mươi chín tuổi và chỉ mới chừng vài năm trước tôi chợt nhận ra là tôi không còn muốn có quà vào dịp Giáng sinh nữa. Năm nay cũng thế. Những hàng hóa trưng bày ở cửa sổ trông đẹp lắm, nhưng tôi chẳng ham thích món nào.”
   “Phần lớn chỉ toàn là đồ trẻ con – làm quà cho trẻ con lúc Giáng sinh,” Harry nói.
“Tôi biết thế, nhưng ý của tôi không phải thế,” Eddie trả lời. “Chúng mình vào đây đi. Tôi rảnh rang độ một giờ đồng hồ. Bác có phải đi đâu không?”
“Vào thì vào,” Harry nói. “Không, tôi không đi đâu cả. Ít nhất là không ngay bây giờ.”
   Hai người không say rượu. Chỉ hơi nói nhiều, có lẽ - chẳng thân nhau. Eddie gọi hai ly rượu. “Hai ly Scotch sủi bọt,” ông nói, một cách nói lóng mà dân New York dành riêng cho rượu scotch pha sô-đa.
   “Thậm chí tôi cũng chẳng muốn đi đâu vào dịp Giáng sinh, ý của tôi là thế,” Eddie tiếp tục nói lúc người phục vụ pha rượu và đặt chai rượu lên quầy.
   “Trước kia tôi thích tham dự những cuộc đua xe gắn máy kéo dài những sáu ngày,”  Harry nói.
   “Người ta không tổ chức loại đua xe này vào lễ Giáng sinh,” Eddie nói.
“Tôi biết thế, tôi từng thích đến những cuộc đua vào mùa đông nhưng bây giờ tôi không còn thích nữa,” Harry giải thích. “ Nói cho đúng, người ta không tổ chức nữa.”
   “Vào dịp Giáng sinh tôi thường có dự tính sẵn,” Eddie nói. “Cho đến một hai năm trước đây, tôi luôn luôn chọn một nơi để đi chơi hay làm một cái gì đó thật đặc biệt để mừng Giáng sinh. Bây giờ tôi chẳng muốn quà gì, cũng chẳng muốn làm gì.”
   Người ta thường hét to ‘B-r-r-rocco!’ ở các cuộc đua xe gắn máy,” Harry nói.
Câu nói như rơi vào khoảng không, Eddie và Harry mân mê hai cái ly chân cao.
    “Có một việc tôi rất muốn làm vào dịp Giáng sinh.” Eddie nói sau khi im lặng khá lâu. “Nhưng điều này thật là bất khả thi, có thể nói là điên rồ.”
   “Giáng sinh vốn là chuyện điên rồ, hơi tí thôi.” Harry nói.
    “Điều này chỉ có thể xảy ra nếu có cái đèn thần của Aladin. Bạn cọ lên cái đèn, rồi bạn được toại nguyện,” Eddie tiếp tục. “Hay là một trong những vị quái tiên nhân hậu từ trong cái chai Scotch ở đằng kia nhảy ra rồi cho chúng ta một điều ước. Chuyện trẻ con, tôi đoán thế.”
“Giáng sinh là trò của trẻ con,” Harry nói. “Nghĩ cho cùng, những cuộc đua xe gắn máy sáu ngày cũng trẻ con chẳng kém gì. Có vẻ như Giáng sinh đang đi trên Đại lộ, phải không? Nếu như có một quái tiên từ trong chai nhảy ra ngoài, thì sao nhỉ?”
“Tôi cũng vừa nghĩ đến điều ấy,” Eddie nói. “Hắn có thể cho tôi một điều ước.”
“Điều gì?”
“Tôi muốn được mời hai người bữa ăn tối mừng Giáng sinh, hai người tôi chưa bao giờ gặp mặt.”
“Hử?”
“Một trong hai người có thể bây giờ cũng đến bốn mươi tuổi, một người đàn bà,” Eddie nói. “Ồ, nói cho đúng, tôi không biết cô ấy bao nhiêu tuổi. Tôi không biết cô ấy mấy tuổi khi tôi gặp lần đầu. Mà thật ra, tôi chưa bao giờ gặp mặt cô.”
“Một nữ minh tinh? Hay một người thuộc vào giới trình diễn?”
“Ồ, không, không phải thế. Giời ạ, bác cho tôi là trẻ con đấy à?”
“Không, theo ý của tôi, Giáng sinh dành cho trẻ con. Tôi không ám chỉ bác khi tôi nói thế.”
“Từ đó, tôi thường xuyên nghĩ đến cô ấy. Khi ấy tôi đang gặp hoàn cảnh khó khăn, dễ cũng mười lăm năm trước. Tôi thuê một phòng nhỏ có sẵn giường ở đường thứ Ba Mươi Chín hướng Đông.”
“Ờ loại phòng cho thuê như thế thật là đáng nhớ nhỉ!” Harry nói góp vào.
“Loại phòng cho thuê ấy nếu bác đã sống qua rồi thoát ra khỏi bác sẽ không bao giờ quên.” Eddie nói.
   “Tôi đã từng trải qua chỗ ấy rồi.” Harry gật đầu.
“Giời ạ, lúc ấy tôi thật là chìm xuống tận đáy!” Eddie nói. “Tôi say sưa quá độ và mất việc làm liên miên hết việc này đến việc khác. Lần ấy tôi đang tìm việc làm và cứ khoảng bốn giờ chiều tôi trở về phòng trọ. Vì thế tôi không hề gặp mặt cô gái ấy.”
“Cô nào?” Harry hỏi.
“Cô gái mà tôi muốn đãi bữa ăn tối mừng Giáng sinh.”
“Nếu như có một quái tiên nhảy ra từ trong chai,” Harry nói.
“Vâng, nếu có một quái tiên như thế nhảy ra. Tôi nhớ tôi đã uống vài ly bia sau khi người ta hứa hẹn sẽ thuê tôi với vẻ không chắc chắn, và tôi gieo mình xuống giường trong cái phòng trọ nhỏ bé ấy khi tôi về lúc bốn giờ chiều. Căn phòng này nhỏ nhất trong các phòng tôi đã từng trọ, cũng cô đơn nhất.”
“Mấy cái phòng trọ thường mang vẻ cô đơn.” Harry nói.
“Vách tường mỏng lắm. Tấm vách cạnh giường ngủ của tôi rất mỏng. Mỏng như tấm giấy các-tông của mấy cái thùng. Cô gái ấy sống ở phòng bên cạnh, cô gái tôi chưa từng gặp mặt.”
    “Ồ, thế à, thế à?” Harry nói.
   “Tôi có thể nghe tiếng cô gái ấy di chuyển chung quanh phòng. Đôi khi cô hát ngân nga nho nhỏ trong cổ họng và tôi có thể nghe thấy tiếng của cô. Tôi nghe cô mở cửa sổ hay đóng lại nếu trời mưa.”
   “Nhưng không bao giờ nhìn thấy cô ta?” Harry hỏi.
   “Không bao giờ, thế mới nói. Tôi tưởng chừng như tôi đã quen cô ấy, qua những tiếng động tôi đã nghe. Tôi nghe cô ấy rời phòng trọ mỗi buổi chiều chừng bốn giờ mười lăm phút. Cô ấy có tiếng bước chân nghe rất đáng yêu. Tôi đoán cô làm nghề hầu bàn ở đâu đó, hay một thứ công việc nào tương tự, bác có đồng ý không?”
   “Tôi không biết, có thể cô làm người hầu bàn, nhưng tại sao lại như thế?” Harry nói và bưng ly uống.
   “Tại sao cô ấy làm hầu bàn hay tại sao tôi đoán cô là hầu bàn?” Eddie hỏi.
   “Ừ, tôi muốn biết tại sao?” Harry trả lời có vẻ như ông ta muốn biết tại sao ông bạn đoán cô gái làm nghề hầu bàn.
   “Ồ, có thể tôi sai. Cô có một công việc khá vững như nghề hầu bàn. Cô thường về nhà đúng giờ vào lúc một giờ mười lăm khuya. Bác có thể dùng thời gian cô đi về như là đồng hồ ấy. Tôi thường nhìn đồng hồ khi cô ấy đi làm về. Bước chân của cô đầy vẻ mệt mỏi khi cô đi vào hành lang. Cô ấy phải làm việc chăm chỉ lắm. Cô ấy tra chìa vào ổ khóa và tôi nghe thấy tiếng động. Tôi ngủ không say vì lo lắng với chuyện tìm việc làm hết cái nọ đến cái kia. Lúc ấy đâu như chừng một giờ mười lăm theo cái đồng hồ của tôi. Tôi theo cái đồng hồ ấy. Tôi vẫn còn giữ nó.”
   “Có nhiều người không thích giữ đồng hồ trong phòng ngủ,” Harry nói.
   “Họ chưa từng ở phòng trọ nghèo,” Eddie nói. “Đồng hồ là món đồ rất quí giá trong gian phòng trọ. Cái đồng hồ của tôi có màu xanh lục giá tám mươi chín xu. Trong phòng trọ cái đồng hồ là bạn. Tiếng đồng hồ tích tắc làm bạn có cảm tưởng không ở một mình, nói có trời, nếu như bạn chỉ có mỗi cái đồng hồ ở chung phòng.”
   “Chưa bao giờ gặp mặt cô gái ấy – có phải bác đã nói thế?”
“Chưa gặp mặt bao giờ. Có lẽ cô ta không phải là một cô gái trẻ. Tôi không thể chứng minh cô ấy là một người phụ nữ đứng tuổi hay còn trẻ. Khi cô ngâm nga, tôi thấy giọng của cô trẻ. Buồn cười là tôi chưa bao giờ gặp mặt cô ấy ở hành lang. Chẳng có lần tình cờ nào. Nhưng tôi có nói chuyện với cô một lần.”
“Nói chuyện với cô ấy?” Harry hỏi.
“Vâng, đó là câu nói đùa. Tôi bảo với bác là tôi có thể nghe tất cả mọi tiếng động. Giường của cô ấy ở sát bên cạnh giường tôi, chỉ có cái vách mỏng ở giữa. Một buổi chiều cô ấy thức dậy và cô hắt hơi. Nghe tiếng hắt hơi bên phòng bên kia khá buồn cười. Vì thế tôi nói rất to, “Chúa phù hộ!” Tôi nhớ là cô ấy cười to. Tiếng cười của cô như tiếng của cô gái hai mươi lăm tuổi.”
“Nhưng bác không biết tuổi cô, phải không?”
“Không, bây giờ và về sau tôi cũng sẽ không bao giờ biết. Nhưng nếu lúc ấy cô hai mươi lăm, bây giờ cô phải ở tuổi bốn mươi, đúng không?”
“Chuyện này xảy ra bao giờ nhỉ?”
      “Tôi đã bảo chừng mười lăm, có thể mười sáu năm trước.”
“Hai mươi lăm cộng mười lăm là bốn mươi, vâng. Cô ấy có thể khoảng bốn mươi bây giờ,” Harry nói. “Cô ấy có thể chỉ là một kẻ đàng hoàng. Bác có bao giờ nghĩ thế không?”
“Harry, Harry, Harry, bác chẳng hiểu gì cả. Cô ấy không thể nào là một người hư hỏng. Một kẻ hư hỏng không cần phải sống trong loại phòng trọ tồi tàn như thế. Tôi muốn quen với cô ấy chỉ vì hai chúng tôi đều đang trải qua thời kỳ khó khăn, trước sau vẫn vậy, chúng tôi vẫn không hề gặp nhau ngoại trừ khi tôi nói ‘Chúa phù hộ.’ ”
Harry nốc hết ly rượu của ông ta và nói vui vẻ, “Không, tôi không có ý như thế. Tôi không nghĩ cô ấy là người lười biếng, vô công rồi nghề.  Vâng, tóm lại, cô ấy bây giờ có lẽ chừng bốn mươi.”
Eddie uống cạn ly và vẫy tay gọi người bán rượu. Ông ta đến rót sô-đa vào trong ly. Eddie rót whiskey vào ly và khi ông đặt chai rượu xuống ông nhìn cái chai như chờ đợi điều gì chừng một hay hai phút.
“Và ông ấy có lẽ cũng khoảng tuổi của tôi bây giờ, chừng bốn mươi chín hay cỡ ấy, phải không?” Eddie hỏi.
    “Xin lỗi bác, ông nào thế?” Harry hỏi. “Ô, nhớ rồi, cái ông ấy.”
“Người đàn ông mà tôi muốn mời đi ăn tối cùng với cô ấy để mừng lễ Giáng sinh ở một nơi sang trọng nhất. Mời cả hai người. Bây giờ tôi có rủng rỉnh tí tiền rồi. Tôi đã thoát khỏi thời gian phải sống trong phòng trọ, đúng không nào? Tôi nghĩ đến điều này lúc đi trên Đại lộ khi tất cả đèn trang trí đều được bật lên sáng rực.”
“Bác lại nói làm xàm rồi, bạn già. Người ấy là ai, còn sống hay đã chết?” Harry hỏi.
“Chuyện trong quá khứ mà. Tôi không biết ông ấy ở đâu, đã chết hay còn sống. Tôi không hề nhìn thấy mặt ông ấy. Ông ấy là người lính đã đỡ tôi đứng lên ở bên Pháp. Ông ấy nâng tôi lên từ mặt đất, trong bóng tối đen kịt, và ông ấy không cần phải làm thế.”
“Trong chiến tranh?”
“Đúng rồi, trong chiến tranh. Không phải cuộc chiến này, cuộc chiến kia cơ. Nhưng tôi dám cuộc với bác là chuyện như thế cũng xảy ra ở cuộc chiến này.”
“Lúc bác bị trúng đạn, phải không?” Harry hỏi.
“Đúng rồi, dĩ nhiên. Bác biết là tôi ghét những người lính chuyên nghiệp như thế nào rồi, mấy cái tên luôn luôn nói về cuộc chiến tranh kia. Tôi không muốn bị liệt chung vào nhóm người này.”
“Ồ, tôi biết mà, Eddie. Tôi biết. Nhưng tôi biết bác cũng phục vụ trong cuộc chiến tranh kia và bị thương.”
“Không phải là chuyện bị bắn. Chuyện chẳng có gì. Chỉ mỗi ông ấy là tôi thường nghĩ đến rất vô cớ từ nhiều năm nay. Tóm lại, đêm ấy tối đen vô cùng và hoàn toàn không tiếng súng. Ông Thượng sĩ đầu tiên tên Baker đi chung với tôi. Về sau tôi mới biết, ông ấy tử thương. Ông ấy hứng những mảnh to của quả đạn. Tôi chỉ hứng mấy mảnh nhỏ. Chúng tôi đang đi bộ trở lại cái làng nhỏ ấy để tìm chỗ ngủ.”
“Một làng nhỏ của Pháp?” Harry hỏi.
“Chứ còn cái gì bây giờ? Chuyện này xảy ra ở Pháp, Giời ạ, vì thế đó phải là một làng nhỏ của Pháp. Thế rồi, chúng nó bất thình lình thảy qua phía chúng tôi một trái và nó nổ ngay chỗ chúng tôi, bởi vì sau đó tôi thấy mình bấu tay vào bức tường của căn nhà mà chúng tôi đang đi dọc theo. Tôi cố gắng đứng lên nhưng đôi chân tôi như bị biến thành dây mềm quặt nằm dưới thân hình tôi. Khi tôi cố đứng lên chúng lại khuỵu xuống khoanh lại.”
“Bác bị trúng thương chứ còn gì,” Harry nói. “Tôi đã nhiều lần nhìn thấy đôi chân của bác lúc đi bơi, những vết sẹo vẫn còn.”
“Ồ, tôi chẳng để ý đến chúng nữa. Vấn đề là, người đàn ông ấy. Khi tôi tỉnh lại, trong bóng tối dày đặc, có người dùng chân dọ dẫm lên thân hình tôi. Và cái người ấy nói, ‘bị gì thế, bị gì thế?’ Tôi trả lời ông ấy. ‘Cặp giò chết tiệt của tôi.’”
“Đó là người đàn ông bác nói lúc nãy, phải không?”
“Vâng, đúng là ông ấy.” Eddie nói. “Rồi tôi lại ngất đi. Tôi không bao giờ nhìn thấy ông ta. Không bao giờ thấy mặt. Ông ấy có thể da trắng hay đen. Ông ta có thể là một vị thiên thần, cho đến bây giờ tôi chỉ biết có ngần ấy. Tóm lại, ông ta là người mang tôi ra khỏi cái bóng tối mịt mùng ấy, và ông không bị bắt buộc phải làm. Ông ấy có thể bỏ tôi nằm ở chỗ ấy. Và lúc ấy có lẽ tôi bị chảy máu ghê gớm. Tỉnh lại lần nữa, tôi thấy tôi đang nằm trên bàn. Đó là một trạm cứu thương ở dưới hầm của một căn nhà nào đó. Một vị bác sĩ đang rưới cả bình thuốc tê vào các cái lỗ trên chân tôi. Thuốc tê ấy trở nên lạnh kinh người nếu rót lên bất cứ cái gì. Người đàn ông không có ở đấy. Lúc ấy tôi chẳng nghĩ gì đến ông ta. Nếu không có người đàn ông tôi không hề biết mặt ấy, tôi không còn sống cho đến ngày hôm nay.”
“Hôm nay là một ngày rất đẹp để có mặt nơi này,” Harry nói.
Eddie cầm ly rượu và Harry cũng làm thế. “Đó là hai người – hai người mà tôi muốn được mời họ đi ăn tối khi đêm Giáng sinh lại về. Nhưng tôi sẽ không làm.”
“Đúng rồi, bác sẽ không làm,” Harry nói. “Không có anh quái tiên nào nhảy ra khỏi cái chai ngoài rượu Scotch.” 
John McNulty (1895 – 1956), người Mỹ, là phóng viên và nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Truyện ngắn trên đây tượng trưng cho những truyện về đời sống ở New York, là một trong những nét đặc biệt của McNulty. Ông thường viết ở tòa soạn báo The New Yorker và thường cùng các nhà văn như James Thurber, Joseph Mitchell, E.B. White uống rượu ở Costello. Tác phẩm của McNulty nằm trong chương trình Cao học Văn chương ở Đại học như Duke và Pitt.
MÓN QUÀ VÔ GIÁ
Tác giả: Stephanie Ray Brown
Những ai muốn hát luôn luôn tìm thấy bài hát Tục ngữ 
Món Quà Vô Giá của Stephanie Ray Brown được trích từ A Chicken Soup for The Soul Christmas. Chicken soup cũng giống như cháo gà ở Việt Nam được dùng để chữa những cơn cảm cúm. Có thể nó không có vị thuốc nhưng thường là sự săn sóc, tình cảm của người nấu cháo giúp người bệnh cảm thấy khỏe hơn. Jack Canfield và Victor Hansen đã tuyển chọn những truyện ngắn rất ngắn của tất cả mọi người chung quanh, có khi là nhà văn tốt nghiệp đại học như Schlimm II, có khi là một giáo viên dạy lớp một lớp hai như bà Brown. Riêng vStephanie Ray Brown, bà đã ở nhà nuôi con mười hai năm. Hiện nay bà làm việc bán thời gian dạy trẻ em lớp một và lớp hai tập đọc ở trường Tiểu học Niagara ở Henderson, Kentucky. 
Sau khi các em học trò lớp hai của tôi đã đọc xong bài chào cờ, các em ngồi xuống ghế. Nhưng Duane vẫn đứng. Duane là cậu học trò rất thông minh và tính tình rất dễ thương, nhưng hoàn cảnh gia đình tối tăm nghèo khổ.
Mẹ của em một mình nuôi con và phải đương đầu với nhiều nỗi khó khăn phức tạp. Duane và ba đứa em gái thường được Ban Xã hội mang đi mỗi khi mẹ em không thể chống chỏi nỗi với cuộc sống. Cho là đêm qua lại có chuyện không hay xảy đến với em, tôi đi đến gần em để xem việc gì. Lúc ấy em ngước lên nhìn tôi với đôi mắt đen, đầy nỗi buồn và thất vọng.
“Bà Brown, tại sao bà không mở gói quà Christmas của con?” Em hỏi tôi. “Con đặt nó trên bàn của bà.”
Khi tôi nhìn lên bàn, tôi chỉ thấy một núi giấy, các nhãn hiệu và sách. Nhìn thấy vẻ ngạc nhiên dò hỏi của tôi, Duane tiến lên lấy “gói quà” của em. Đó là một gói bọc trong tấm giấy napkin ở phòng ăn. Cẩn thận mở tờ khăn giấy, món quà của tôi trông giống như cái hộp diêm. Mặc dù chỉ mới làm cô giáo ba tháng nay, tôi học một bài học quan trọng là nên bảo đứa bé giải thích bức tranh, hay trong trường hợp này là món quà, thay vì làm cho đứa trẻ thất vọng vì lời đoán sai. Vì thế tôi bảo Duane nói cho tôi nghe về quà tặng của em.
Đầu tiên, Duane bảo tôi phải dùng trí tưởng tượng trước khi mở quà. Sau đó, cậu bé bảo tôi đây không phải là hộp diêm mà là hộp nữ trang. Bên trong, nếu tôi dùng óc tưởng tượng của tôi, tôi sẽ thấy hai viên ngọc quí.
Khi tôi mở hộp nữ trang, tôi ngạc nhiên bởi nhìn thấy hình dáng và ngửi thấy mùi của hai cái nắp chai bia. Duane bảo tôi, hãy tưởng tượng hai nắp chai bia đó là hai chiếc hoa tai bằng bạc rất quí. Cậu bé đã để ý là tôi chẳng bao giờ đeo hoa tai và vì thế cậu muốn tôi có đôi hoa tai đẹp.
Tôi bắt đầu rướm nước khi nhận ra tấm lòng của cậu bé qua món quà. Kể từ khi mới sinh ra, một lỗ tai của tôi hơi méo mó. Sợ đeo hoa tai sẽ làm người ta chú ý đến cái méo mó của lỗ tai hơn, tôi không bao giờ đeo hoa tai. Nhưng làm sao tôi có thể từ chối đeo đôi hoa tai quí giá của cậu bé đặc biệt này? Khi tôi dán hai cái hoa tai lên lỗ tai bằng băng keo, cả lớp vỗ tay khen, và Duane đứng cạnh tôi vẻ mặt rất vinh hạnh.
Nhiều năm sau, hộp diêm vẫn được giữ trên bàn của tôi. Nó nhắc tôi nhớ đến tấm lòng nhân hậu của cậu bé và bài học tuyệt vời cậu đã dạy tôi. Cũng giống như câu chuyện người góa phụ tặng cái gia tài hai đồng xu của bà, Duane đã cho tất cả những gì cậu có -đó là tấm lòng của cậu bé. Mặc dù tình trạng gia đình của cậu không yên ấm, Duane vẫn nhìn thấy những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Hai cái nắp chai bia là một sự nhắc nhở tình trạng bất an trong xóm cậu bé nhưng Duane đã biến nó thành vật đẹp – hai viên ngọc quí. Mặc dù lỗ tai tôi méo mó, Duane vẫn muốn tôi có đôi hoa tai đẹp. Mặc dù chiếc hộp diêm đã chứa những chiếc diêm để đốt những điếu thuốc gây bệnh ung thư, tấm lòng dịu dàng rất đáng ngạc nhiên của cậu bé đã cho chúng ta nhìn nó như là một hộp chứa kho tàng chứ không phải là một vũ khí nguy hiểm. Mặc dù Duane không có tiền cậu vẫn muốn tặng quà cho người. Bất cứ lúc nào tôi nhìn thấy món quà của Duane trên bàn tôi, nó khuyến khích tôi. Nếu tôi không thể thông cảm một học sinh, tôi cố hành động như Duane và cho em học sinh ấy một phần tấm lòng của tôi. Khi tôi có một ngày không như ý, nhìn thoáng qua hộp diêm nhắc tôi nhớ về một cậu bé ngày nào cũng gặp khó khăn nhưng vẫn có thể tìm thấy kho tàng trong rác.
Từ tấm lòng quí giá của cậu bé học trò lớp hai, một cô giáo luôn luôn có một món quà để quý trọng. Nhiều mùa Giáng sinh đến rồi đi, nhưng kỷ niệm của món quà hộp diêm bao giờ cũng làm ấm lòng tôi và nó không bị xóa nhòa trong trí óc tôi.
Hy vọng chúng ta sẽ không bao giờ thất bại trong việc cho phép những tâm hồn nhỏ bé nhất dạy dỗ chúng ta. Các em sẵn lòng dạy nhưng chúng ta phải sẵn sàng bỏ thì giờ ra để thật sự lắng nghe.

Stephanie Ray Brown ở nhà nuôi con mười hai năm. Hiện nay bà làm việc bán thời gian dạy trẻ em lớp một và lớp hai tập đọc ở trường Tiểu học Niagara ở Henderson, Kentucky.
Hai truyện rất ngắn Món Quà Vô Giá của Stephanie Ray Brown và Âm Thanh và Tinh Thần Giáng Sinh của John E. Schlimm II được trích từ A Chicken Soup for the Soul – Christmas (Cháo Gà Cho Tâm Hồn – Giáng Sinh) do Jack Canfield và Mark Victor Hansen biên soạn.

ÂM THANH VÀ TINH THẦN GIÁNG SINH
qua tai người phụ nữ bị điếc
Tác giả: John E. Schlimm II
Giáng sinh không chỉ là một ngày, một
buổi lễ để chào đón rồi nhanh chóng lãng quên.
Giáng sinh là một tinh thần nên được thẩm thấu
vào tất cả khía cạnh trong cuộc đời của chúng ta.
William Parks 
Hằng năm vào tháng Sáu, thành phố Nashville tổ chức tiếp đón hằng chục ngàn người yêu âm nhạc đổ xô về Thành Phố Âm Nhạc (Music City) để gặp gỡ những ngôi sao âm nhạc sáng chói nhất mà họ ngưỡng mộ, tham dự Đại Nhạc Hội Nhạc Đồng Quê[1] (Country Music Association’s Fan Fair). Là người phụ trách việc ngoại giao cho John Berry lúc bấy giờ, tôi cùng đi với ngôi sao này đến tham dự đại nhạc hội năm 1997. Tôi hoàn toàn không ngờ âm thanh và tinh thần Giáng sinh đã đến với tôi hơi sớm hơn thường lệ.
Ở một gian rạp nhỏ trang trí giống như một hiên trước của nông trại ở tiểu bang Georgia, John ngồi trên ghế (loại ghế xích đu có thể nhích tới nhích lui), và mời khán giả ngồi lên những cái ghế xích đu chung quanh ông. Trong khi tôi đứng yên lặng một góc, lặng lẽ quan sát hiện trường, khán giả ùa vào đầy trong hiên.
Trong đám người yêu nhạc, một phụ nữ đã thu hút toàn vẹn tâm hồn chúng tôi khi nàng nhắc nhở chúng tôi rằng tinh thần Giáng sinh không chỉ giới hạn ở trong một thời điểm, một nơi chốn, hay một loại âm thanh. Chúng tôi, khán giả, được chứng kiến một phép lạ của Giáng sinh trong khi hằng ngàn người khác đang lượn lờ chung quanh.
Tên của nàng là Mary.[2]  Mary bị điếc, chỉ có một vài loại sóng siêu âm thanh có thể thâm nhập vào thế giới hoàn toàn im lặng của nàng. John là ca sĩ nàng yêu thích nhất, và nàng đến để yêu cầu John một điều từ trước đến nay hoàn toàn chưa có người nào yêu cầu. Dù không thể nghe được, các giác quan khác của Mary rất nhạy bén cho phép nàng được hưởng ân huệ của đời sống, bằng những phương pháp nằm ngoài sự hiểu biết của người thường. Nàng cảm nhận âm nhạc, không qua thế giới âm thanh với những bộ phận phức tạp của búa, đe, hay mấy cái vòng ngáng chân khi cưỡi ngựa, mà qua những đầu ngón tay.
Trong khi chúng tôi xem, Mary ngồi ghế bên cạnh John, giải thích với ông là nàng sẽ nhẹ nhàng đặt bàn tay lên trên bộ máy phát âm thanh nổi để thưởng thức nhạc của ông bằng cách cảm nhận sự rung chuyển.
Trong môi trường dường như huyền ảo siêu thực, giữa những cơn xoáy của hàng triệu ánh đèn chói lòa, những cuộc hòa nhạc, những buổi tặng chữ ký, Mary đã yêu cầu món quà to lớn nhất mà một người có thể tặng một người – món quà thương yêu.
“Xin ông hát bài ‘O Holy Night’ (Đêm Thiêng Liêng) cho tôi nhé?” Mary yêu cầu bằng giọng rất khiêm tốn, nghe hơi khó hiểu vì đã nhiều năm đôi tai của nàng trở nên yên lặng. “Đây là bài hát tôi yêu nhất.”
Bài hát Giáng sinh bất hủ này là bài hát đã tạo nên tên tuổi của John.
Khi nhận ra tầm quan trọng của lời yêu cầu có một không hai này, ông giản dị nhìn vào đôi mắt của Mary và trả lời, “Tôi rất vinh dự.”
Nhắm mắt lại, Mary nhẹ nhàng đặt đôi tay lên cổ của John. John nhìn đăm đăm vào vị khán giả đặc biệt này, bằng giọng capella[3] tuyệt vời nhất, và ông hát bài hát theo phong tục chỉ dành cho lễ nửa đêm.
   “Đêm thánh vô cùng, những vì sao chiếu sáng rực rỡ. Đêm nay là đêm Chúa giáng trần. . .”
Đối với chúng tôi, những người đứng xem, Mary là thiên thần của dương thế, được gửi đến để dạy chúng tôi bài học về tinh thần của Giáng sinh và cuộc sống. Ít có tiếng chuyện trò, lúc ấy chỉ có tiếng của John với những câu hát không thể nào quên được.
   “Bây giờ thế giới đang ngủ say, trong tội lỗi và lầm lỡ quay cuồng, cho đến khi ngày xuất hiện và tâm hồn nhận ra giá trị của nó. . .”
Tôi chỉ là người xem, người được ân sủng, có thể nói là ơn trên chọn lựa, cho tôi đứng trong nhóm khán giả, chung quanh cái gian rạp ngày hôm ấy. Tất cả chúng tôi đứng yên lặng chung quanh mái hiên để thưởng thức buổi trình diễn đầy hứng thú này, chúng tôi thoát khỏi thế giới ồn ào chỉ cách chúng tôi vài mét.
Nước mắt rơi từ đôi mắt nhắm nghiền của Mary, dịu dàng chảy dài trên má nàng. Mắt John cũng dâng đầy nước mắt mặc dù giọng tenor của ông vẫn vững chắc mạnh mẽ.
“Hân hoan vì hy vọng, thế giới mệt mỏi trở nên vui, ở ngoài xa ngày bắt đầu lên và buổi sáng rạng ngời. . .”
   Trong khi chúng tôi xem, sức mạnh và lòng thành của Mary làm rung động cả những góc sâu thẳm nhất trong tâm hồn của mỗi chúng tôi. Nàng cho chúng tôi cái hân hạnh được là thành viên trong thế giới của nàng trong khoảnh khắc đặc biệt ấy. Trong vài phút giây ngắn ngủi, Mary cho phép chúng tôi được viễn du với nàng trong chuyến du hành tuyệt vời đến một nơi rất thánh thiện rồi quay trở lại, đạt đến đỉnh cao xúc động nhất với câu kết thúc rất sống động của John:
“Quì xuống để nghe giọng hát của thiên thần, hay là sự thánh thiện trong đêm, trong đêm khi Chúa xuống trần, ôi đêm, ôi đêm thánh thiện.”
Tấm lòng trần tục trong tôi thầm mong giây phút này đừng bao giờ chấm dứt. Tuy nhiên, những giây phút đặc biệt này theo lẽ tự nhiên, không thể kéo dài mãi mãi. Về sau tôi hiểu ra những giây phút vô thường này chỉ để nhìn thoáng qua và cảm nhận khi chúng bay vượt lên bên cạnh chúng tôi và xuyên qua chúng tôi như một ngôi sao băng chiếu sáng rạng rỡ rồi mờ dần vào bóng tối để lại cho khán giả một ấn tượng và cảm hứng không thể nào tan biến.
Trong im lặng tiếp nối, Mary mở mắt và nhìn vào mắt John một đỗi. Sau đó nàng chỉ nói vỏn vẹn, “Cám ơn ông,” rồi lặng lẽ đứng lên đi ra khỏi hàng hiên, không yêu cầu gì nữa cả.
John ngồi yên lặng một lúc, nhìn theo bóng Mary khi nàng bước đi.
Cũng yên lặng và bất ngờ như khi nàng bước vào cuộc đời của mỗi chúng tôi, Mary một lần nữa bị chìm vào trong đám đông to lớn đang ồn ào tới lui tìm kiếm những vì sao băng của họ.
Tôi, lúc sau, cũng hòa lẫn vào đám đông, nhưng cùng với tất cả mọi người đã bị Mary và John cuốn đi, tôi mang trong tôi món quà Giáng sinh bất ngờ, buổi chiều hôm ấy. Tôi học được một điều là chúng ta không hưởng thụ tinh thần Giáng sinh chỉ trong ngày Giáng sinh. Tốt nhất là hãy để nó ở với chúng ta hằng ngày và chúng ta cần mở rộng tâm hồn để cảm nhận và hiểu biết những giây phút quí giá của cảm hứng sáng tạo.
Chỉ có định mệnh biết Mary, John, và tất cả chúng tôi sẽ có bao giờ gặp lại nhau. Cái định mệnh thiêng liêng tạm thời kết hợp chúng tôi cũng ngầm bảo rằng chúng tôi sẽ không gặp lại nhau, nhưng sự gặp gỡ của chúng tôi là sự ràng buộc vượt qua cuộc đời này; nó là một phần của cuộc đời vĩnh cửu. Tất cả mọi người đứng vòng quanh cái hiên ấy trong cái nóng hừng hực một buổi chiều tháng 6 ngày hôm ấy ở Nashville sẽ mãi mãi có chung một tình thân quí giá mà trong đó mỗi chúng tôi, đặc biệt nhất là Mary, đã cho một chút gì của nhau trước khi quay lại với thế giới của riêng mình.
   John E. Schlimm II là tác giả của các tác phẩm như: Corresponding with History, Straub Brewery, The Straub Beer Cookbook, và The Pennsylvania CelebritiesCookbook. Ông có bằng Cao học Giáo dục ở đại học Harvard. Ông sinh ra và lớn lên ở St. Mary, Pensylvania.
[1] Dịch chữ Country Music theo Wikipedia Tiếng Việt. Có thể độc giả không mấy hài lòng với cách dịch này nhưng tôi không nghĩ ra được chữ nào khác. Độc giả có thể thay thế bằng dân ca, nhạc miền Viễn Tây, nhạc miền Nam nhưng chữ nào cũng có cái bất toàn vẹn của nó.
[2] Tên được đổi để bảo toàn tính cá nhân
[3] Giọng hát dành cho những bài thánh ca
 Nguyễn thị Hải Hà dịch và chú thích




No comments:

Post a Comment