Đi lễ
Lưu Na
Tối Noel Mây nằm
liệt. Chả biết cúm hay cảm, Mây chả còn
sức mà đi lễ. Nhưng rồi điện thoại lại
chớp, lại tin nhắn, lại phải bò ra đường.
Lỡ rồi, Mây lại qua chỗ của ông.
Đứng dưới sân ngó lên, một bóng im như tượng. Lên đến nơi là hai cái tượng ngó nhau, ngó ra
đường. Mây chiếm thêm một ghế cho thành
ba, ba khối sầu nhìn nhau, nhìn bóng đêm bao la và không biết làm gì cho qua
những phút nhợt nhạt của đời. Ông Thẩm
Phán lại giảng sự tích, lại nói khúc ca này bài hát nọ, son đố son mi là là... Thẩm phán nói như chỉ để nghe một âm thanh
vang dội, ông cũng nghe cũng góp lời như để đêm đen đừng lắng xuống hồn
nhau. Thẩm Phán than buồn, rằng đêm nay
mới là lễ chính mà con thì phải đến 10 rưỡi mới về tới vì còn phải tiếp đãi gia
đình chồng và bè bạn. Họ nói với nhau
những ngày phí phạm của đời tù cải tạo, những đêm không sáng và ngày qua chỉ để cho ngày tiếp. Hú vía, Mây không biết nghe. Hú vía, Mây thoát nẻo đoạn trường: Thẩm Phán
mất 10 năm, ông cũng mất 6 năm tổng cộng.
Ba cái hồn sầu ngồi vơ vẩn trong đêm Giáng Sinh, không đi lễ sao nhận
được hồng ân Thiên Chúa.
Ngày 25 nắng lên
thật đẹp. Mây tắm rửa rồi lên xe đi nhà
thờ. Mây đậu ở ngõ kề bên đi bộ ra góc
đường bấm đèn. Hai anh chào nhau, Merry
Christmas…, anh bạc ít hỏi anh bạc nhiều:
-Anh cũng đợi bữa
nay đi lễ cho vắng há
-Không đâu, tôi đi
lễ hôm qua rồi, hôm nay là đi lễ Chủ nhật
-Trời, siêng vậy
-Thì mình ở tiểu
bang khác đi cả tiếng mới đến nhà thờ, chỉ mong sao ở gần nhà thờ đi lễ cho
tiện. Bây giờ ở gần rồi, góc này nè (chỉ tay), nên cũng ráng làm siêng. Cười.
Cả lũ dắt nhau qua
đường ùa vào nhà thờ tìm chỗ đứng. Cha
vừa cất tiếng rao “Kính chào quí cụ, quí ông bà cô bác và anh chị em…”
Buổi lễ qua đi
trong ấm cúng của màu đỏ rực Poinsettia, của đèn giăng lấp lánh, của hơi ấm
thánh đường chật người đứng ngồi. Ca đoàn hát không có gì đặc sắc, vì nhạc
monotone không có hòa âm 4 bè, nhưng áo dài thật muôn màu rực rỡ. Có một cô,
mắt thật to da rất ngăm hát say sưa và luôn ngó tay ông ca trưởng. Nhìn cô thấy
ngon như một miếng kẹo dark chocolate. Mây bước ra cửa. Người đông như nêm cối.
Cha mẹ dắt con xếp hàng rồng rắn để nhận quà nơi ông già Nô en do linh mục chủ
quản đóng.
Mây dừng lại lòng
phơi phới. Bên đây là một áo đầm ngắn,
bốt cao không vớ lộ lớp da trắng nõn. Xế
xế hai váy hoa áo trench coat màu cam. Hằng
hà vô số quần jeans áo da boots đủ kiểu.
Trẻ sơ sinh mặt còn đỏ hõn nằm im trong túi đeo tòn teng trước ngực
mẹ. Áo dài bên đồ vest giầy giôn. Tóc spiked up kiểu mohawk, bông tai dây
chuyền, quần rách, và ngọng líu lo… Đâu đó, những cụ bà trùm khăn lụm khụm ra
đọc kinh trước tượng Đức Mẹ, và các ông già hớn hở bắt tay nhau… Trẻ già lớn bé quê tỉnh sát kề, thiếu điều
chen lấn. Như những ngày trước Tết đi
chợ hoa, đi chợ Bến Thành; như những ngày Tết đi hội chợ, đi công viên… Ai cũng mang trên mặt một nụ cười, ai cũng
mặc chiếc áo ưng ý của mình không quản ngại người chung quanh nghĩ gì. Đi lễ
mà. Đi lễ từ cái thuở chưa biết nói, khi
muốn gì thì cứ lăn quay ra khóc. Đi lễ,
cứ hậm hự níu tay mẹ đòi lên sờ chậu hoa, rồi thụi vào đùi mẹ vì bị từ chối. Đi lễ, ngồi bên nhau cười khúc khích làm dấu
tay nhái anh đánh chiêng. Đi lễ, chả
hiểu Cha nói gì, nhưng không đi là không xong, bỏ học bỏ cái gì cũng được chứ
không bỏ lễ được.
Mây nhớ Hồ ở sở
cũ. Buổi tối đi làm, Hồ xin lấy 2 tiếng
giờ cơm để đi lễ. Mây ngạc nhiên, sao ngoan “vấy,” cho Mây đi chung được không? Hồ cười cười, rồi chuồn êm đi một mình. Mây căn vặn, Hồ nói thật, đi với mấy bà lục đục lâu lắm. Rồi Hồ khai tiếp, không đi lễ, mai bà già rồi
mấy bà chị sẽ lần lượt qua nhà càm ràm, gọi mình dậy cho bằng được, bắt mình
phải đi với mấy bả còn phiền hơn. Mây
thấy lòng êm ả. Hồ kể tiếp, hồi đó,
chích choác bạc bài đủ kiểu, không ở nhà mà ở hotel không thôi. Có lần thằng bạn phải vào tù, ba nó chết nó
không thể xin ra mà đưa ma, nó khóc hết nước mắt. Hồ nghĩ mình cũng sẽ không gặp được mẹ nếu
còn tiếp như vầy nên về nhà. Bây giờ, Hồ
cười cười, nếu muốn yên thân thì cứ là lễ
lạy cho đều…
Mây thèm niềm tin
ấy. Mây thèm một thói quen giữ mình với
cội nguồn. Mới nứt mắt những đứa trẻ ấy
không biết gì hơn là sợ cha mẹ. Và cha mẹ
chúng sợ một đấng tối cao bí mật. Khi
chưa biết phân biệt, những đứa trẻ đó đã phải hòa nhập vào một nghi thức. Khi chưa biết chọn lựa những đứa trẻ đó đã
phải giữ một bổn phận, không phải với riêng mẹ cha mà là cùng mẹ cha với một
đấng tối cao. Hết nửa đời qua đi, đến
khi có đủ kinh nghiệm sống và tri thức, người ta mới biết nói chuyện đúng sai
phải trái và những là triết lý. Đi lễ
lúc đó đã là thói quen, là một phần của cách sống, là một nửa kia mà mình đã
chọn lựa. Đi lễ, với riêng Mây còn là
một ủi an những khi đường đời vấp phạm gian nan.
Dẫu Mây chỉ là một
chiên ghẻ, nhưng đi lễ, Mây đã thấy mình lành trong mắt mọi người. Bình an dưới thế cho người thiện tâm…
Lưu Na
Dec 25, 2011
No comments:
Post a Comment