Monday, December 5, 2011


Chiều hát nhạc Nguyễn Đình Toàn
Nhắc người nhớ nhau 

Bài và hình: Tiểu Tử


   Chương trình giới thiệu nhạc Nguyễn đình Toàn mở ra với lời cáo lỗi phải đóng cửa vì hết chỗ.  Không thiếu những lời cằn nhằn sao không bán vé.  Nghe nhạc free mà còn khiếu nại?  Vì mua vé mới giữ được chỗ.  Chính nhạc sĩ cũng phải đứng vào hậu trường nhường chỗ cho quan khách.  Tiểu Tử đến từ 6 giờ, 7:30 pm khai mạc thì đã phải cùng bạn đứng lên nhường chỗ cho Doãn Quốc Sỹ và cho một cụ bà trên 70.  Đây không phải lần đầu tiên người ta hát nhạc Nguyễn Đình Toàn, và trên thị trường cũng đã có những dĩa nhạc Nguyễn Đình Toàn rồi.  Nhưng có hẳn một chương trình để chính thức giới thiệu nhạc Nguyễn đình Toàn thì đây mới là lần đầu.


   Hát suốt, không nghỉ.  Cả một chương trình khoảng 20 bài hát, chỉ thuần túy phục vụ nghệ thuật, hát bởi những tâm hồn yêu nhạc.  Một vài ca sĩ hát chuyên nghiệp, còn đa số là ca sĩ tài tử nhưng hoặc từ trường nhạc ra, hoặc dày kinh nghiệm ca hát.  Riêng ông bầu dấu tên nghe đâu chỉ mới “bầu” vài show.  Họ gộp nhau lại cùng hát với một lòng tha thiết.  Có em chưa hề biết Sài Gòn khi hát ca khúc Nước Mắt Cho Sài Gòn (Quang Thái, Khang Huy).  Có em hát thật hay, thật tới, mà thực ra em nói tiếng Việt không thạo lắm: Hàn Phúc. 


          Từ trái qua phải: Kim Ngân Viện Việt Học, Tạ Chương, Mộng Thùy, Quang Thái, Khang  
          Huy, Bích Huyền, Pianist Quốc Vũ, Bà Nguyễn Đình Toàn, Thanh Thúy, Vương Lan,
          Thanh Vân, Nguyễn đình Toàn, Jenny, Hàn Phúc
   Hàn Phúc có nét mặt lạnh lùng, cách hát thật tha thiết và cũng thật buốt giá, như lửa cháy trong khối băng (Em còn yêu anh).  Bên cạnh, Bích Huyền làm Tiểu Tử thật thích thú và ngạc nhiên.  Tiểu Tử đã từng nghe Bích Huyền hát, nhưng Đường Đưa Bước Em Đi làm cho Bích Huyền trở nên người hát thành công nhất trong chương trình, theo thiển ý.  Như thể tìm được đúng dòng nhạc cho tiếng hát của mình, tiếng hát ấy bỗng cất cánh.  Tạ Chương cũng là một tiếng hát được mong đợi của chương trình.  Giọng Tạ Chương ấm, vang, và có người nói là rất manly (Tiểu Tử đồng ý dù không đủ trình độ đế phán quyết!!!!)  Nếu như nhịp chậm lại một tý thôi, thì 
Dù có đau thương cũng còn tình riêng
Được sống với nhau dẫu đời khó khăn
sẽ khó có ai hát hay hơn Tạ Chương.

                                                                        Tạ Chương


                                                                        Bích Huyền

   Có một vài giọng hát với Tiểu Tử thì chưa tới vì không đủ lực hoặc thiếu kỹ thuật.  Nhưng khó chịu nhất là cách trình diễn đầy kịch tính.  Nhạc Nguyễn đình Toàn không thể hát bằng giọng kịch, vì tự nó đã là những vở kịch bi thương của đời sống.  Không cần diễn thêm mà cần nhập nỗi lòng.  Có nhiều lúc Tiểu Tử phải nhắm mắt lại để chỉ nghe mà không phải nhìn, nên những lúc ấy không chụp được bức hình nào.  Anh bạn ít nói của Tiểu Từ khi ra xe đã phán, nhạc của “ổng” đã lên cao xuống thấp thì chớ, lời lẽ lại rất khó khăn đâu phải ai cũng hát được.  Khó khăn, nghĩ cho cùng không phải vì chữ khó hay chữ mới.  Cái chính xác trong ca từ của Nguyễn đình Toàn cũng còn là bề nổi.  Cái thơ trong cách nhìn cũng là cái còn dễ nhận ra.  Dấu vết nhà văn trong dòng nhạc Nguyễn Đình Toàn mới là điều gây nỗi khó khăn cho người hát.  Cũng vẫn cái tỉ mỉ nhức nhối, những ghi nhận nhậy bén, và cách dùng chữ làm cho chữ quen thành mới, chữ cũ thành chưa biết bao giờ.  Như mới biết tim ta là bể đau khi yêu: mình biết bể tình bể khổ, nhưng bể đau khi yêu?  Chữ thì xưa rích mà bể đau thì chữ không lạ chỉ là chưa ai dùng, và chỉ là quá đau.  Người hát thường chỉ hát tới được nỗi buồn, khó hát cho ra được nỗi đau.  Ông viết nhạc mong có người hát cho tới, mình nghe nhạc mong có người hát cho ra nhạc, nhưng nếu phải có cả một hồn đau mới hát nổi thì cũng hơi khó cho nhau!!!
   Ngẫm nghĩ rồi quanh mắt nhìn.  Ông đứng ở một góc tối nơi hành lang hậu trường.  Các ca sĩ xong bài bước vào trong, ông ôm từng người cảm tạ lời riêng.  Ân cần, nó ý nghĩa trong thầm lặng.  Khi ông viết xuống những giọt nước mắt đau thương của những số phận, ông đã chia xẻ cách riêng của mình.  Khi nhắc đến một quê hương khốn khổ, chung cuộc ông chỉ muốn nhắc người nhớ nhau.  Bước ra sân khấu nói lời cảm tạ, cái giọng khàn đục như mang theo một giọt nước mắt khô.  Ông vẫn mang theo mình một nỗi lẻ loi, tựa như suốt buổi đứng một mình trong cõi riêng để nghe những tiếng hát ấy, nghe lại tiếng lòng.
   Cõi riêng, dĩ nhiên không phải ai cũng thấu.  Mỗi khi ngồi trong bóng đêm nhìn ngắm muôn sao ông có thầm mong có người nghe ra tiếng nhạc?  Vốn, ông viết chỉ để ngày nào xa biết mà nhớ nhau… 

Tiểu Tử
12/04/2011


No comments:

Post a Comment