Saturday, February 15, 2025

KINH VÀ KỆ

Tố Nghi
 
Kinh Thánh chữ Quốc Ngữ thời Đắc Lộ
 
1-
Tháng 11 là tháng các linh hồn. Sau lễ các thánh 1 November, là lễ các linh hồn, những người đã lìa đời. Tuần lễ 2-8 november là thời khắc để gia đình nhớ tới những người thân đã khuất. Là dịp hội họp gia đình, đi lễ cầu nguyện và ra nghĩa địa dọn dẹp. Riêng tui thì đây là dịp lết tới nhà thờ cốt để nghe kinh cầu các thánh bằng tiếng latin.
 
Nói chiệng đọc kinh tối trong gia đình là nhớ dì hai, chuyên gia hán nôm thứ thiệt: "Phục dĩ chí tôn, chân chúa cửu trùng, cao ngự tri thiên, khả tiểu phàm phu..." Hồi nhỏ hổng hiểu, chỉ nhớ được 4 câu đầu, loáng thoáng như là... “Khấu lạy đấng chí tôn, chúa thật ngự trên chín từng trời cao thẳm, đây tôi là đứa hèn mọn...".
 
Bữa nay lần trong nét và kiếm ra bài kinh Phục dĩ xưa. Kinh có tên Cảm-tạ niệm-từ, hay kinh cao sang, đọc trong ngày giỗ và trong tháng các linh hồn. Bất ngờ thêm cái nữa: Đây là một kinh cổ, rất cổ, từ thời chữ quốc ngữ chưa có hay mới chỉ chào đời - khi linh mục Đắc lộ (Alexandre de Rhodes) thuộc dòng tên Jesuits, theo bước chơn các thương nhơn hàng hải tới đàng trong rao giảng tin mừng cứu chuộc -
https://gpcantho.com/kinh-cam-ta-niem-tu/
 
2-
Tra cứu Sách vở lịch sử ra những chi tiết tóm gọn như sau:
- Thế kỷ 16, Trịnh và Nguyễn là hai công thần giúp nhà hậu Lê lấy lại sơn hà xã tắc đã mất vào tay nhà Mạc trước đó. Rồi Trịnh được phong tước chúa ở bắc hà, đàng ngoài, quyền uy rất mực. Vua Lê ngồi trên ngai vàng làm vì, quyền bính hoàn toàn trong tay chúa Trịnh.
 
- Xảy ra tranh chấp ngầm giữa Trịnh và Nguyễn. Biết mình yếu thế hơn, Nguyễn xin vua vào trấn nhậm đàng trong, một mặt củng cố thực lực, mặt khác mở mang bờ cõi biên cương xuống phía nam. Rồi tự xưng vương (tước chúa) ngang hàng với Trịnh
Cả chúa Trịnh lẫn chúa Nguyễn, tuy mặt ngoài giữ tình hoà hiếu qua lợi (gả con gái cho nhau) nhưng bên trong vẫn ngấm ngầm vây cánh chuẩn bị thời cơ loại kẻ thù, dẫn đến cuộc chiến " Trịnh-Nguyễn phân tranh" kéo dài hơn 100 năm, với sông Gianh ngăn đôi đất nước - cho tới khi một nhà Nguyễn khác, Nguyễn Tây sơn, lợi dụng việc suy yếu dần của cả hai miền, mang quân lần lượt thu giang san về một mối, thành lập vương triều Tây sơn.
 
- Theo thuyền bè thương nhân Bồ đào nha và Hòa Lan vào đàng trong buôn bán tại cảng Hội An, còn có các vị thừa sai tới rao giảng nước trời, trong đó có cha Đắc lộ dòng tên. Từ đàng trong, các giáo sĩ truyền đạo đi dần lên hướng bắc, tới luôn đàng ngoài của chúa Trịnh. Họ học nói tiếng việt, nhưng chữ viết khi ấy chưa có, buộc phải dùng hán nôm. Mãi cho tới khi cha Đắc lộ mang mẩu tự latin đưa vào chữ viết, giúp việc truyền giáo dễ dàng hơn.
 
3- Hán nôm - Hán việt.
Đọc tài liệu về kinh phục dĩ này xong hiểu ra vài chuyện
- Thời xa xưa nẳm nằm, VN mình có tiếng nói, tuy là giản dị nhưng là thứ tiếng riêng dân tộc Việt: tiếng việt. Chữ viết chưa có, buộc phải dùng chữ hán của trung hoa. Chỉ kẻ sĩ mới biết chữ hán.
Sau này, chữ nôm xuất hiện. Chữ nôm là của riêng người việt, đặt ra mần màn độc lập tự chủ, thoát khỏi văn hóa trung hoa thống trị ảnh hưởng lâu đời (từ lập quốc). Chữ nôm là chữ hán cải biên, cũng giun lươn y chang, nhưng âm đọc trại đi, người việt nghe hiểu nhưng người tàu thì không. Cái chi mới, nhứt là trong văn học, thường dễ sanh nghi hoặc, rồi dè bỉu chê bai... "nôm na là cha mách qué" y hình phát xuất từ vụ này.
 
- Hán nôm vẫn là lãnh vực riêng của kẻ sĩ, bởi muốn hiểu cho ra đám chữ nôm ấy cần phải có căn bản hán học. Người việt trần trụi đọc chữ nôm hổng ra, nghe chữ nôm giản dị có thể đoán để hiểu, nhưng nôm rắc rối kiểu hán-nôm (điển cố, ẩn dụ...) thì cần giải thích.
Rồi linh mục Đắc lộ dòng tên, trong mục đích truyền giáo, đưa mẫu tự latin vào ngôn ngữ việt, để dần dà sau này chánh thức thành chữ viết cho người việt, chữ quốc ngữ.
Hán việt là âm của hán-nôm, viết bằng quốc ngữ - cũng rắc rối cần giải thích y chang - Việt nam có lẽ là nước á châu duy nhứt có chữ viết bằng mẫu tự như âu mỹ thì phải, và đã sanh những nhà nho "bất phùng thời" vì... thiếu update như cụ Nguyễn khuyến. Cụ Khuyến mần thơ tiếng việt trăm phần dầu... ao thu lạnh lẽo nước trong veo, một chiếc thuyền câu bé tẻo teo... nhưng viết xuống giấy bằng chữ nôm. Thời cụ, chỉ kẻ sĩ mới đọc được, bọn thiếu học sẽ trật trờ nếu như hổng có người đọc dùm cho nghe. Đám hậu sinh sau này hiểu ron rót nhờ có bản quốc ngữ.
 
4- Phục dĩ chí tôn.
- Khung cảnh thời gian:
Thế kỷ 14-15. Trịnh-nguyễn phân tranh, cùng chọn slogan Phù lê để hạp thức hóa tranh chấp. Và họ ít nhiều xin được viện trợ quân liệu quân nhu từ "thực dân" (bồ trước đó, và pháp sau này) Tàu thuyền ngoại quốc (bồ đào nha) bắt đầu vào VN tìm thị trường. Thương nhân ngoại quốc đổ bộ vào Phố Hiến (đàng ngoài) Hội An Đà nẵng (đàng trong) buôn bán đổi chác thương mại. Tới cùng với họ là các giáo sĩ thừa sai dòng tên xứ bồ, với linh mục Đắc lộ là vị thừa sai jesuite đầu tiên.
Đi cùng cha Đắc lộ có một linh mục trẻ mới vừa chịu chức, cha Jeromino Majorica (J.M). Nhiệm vụ truyền giáo của các thừa sai dòng tên không chỉ ở VN nhưng toàn đông nam á và các đảo phụ thuộc trong vùng.
- Cùng với việc rao giảng tin mừng cứu chuộc, đã nảy sanh những nghi ngờ về mục đích truyền giáo, và những cọ xát với dân bản địa tôn trọng giáo dục khổng mạnh. Tranh chấp dần dà khốc liệt, dẫn tới việc bắt giam trục xuất giáo sĩ ngoại quốc, bạc đãi giáo dân theo tín ngưỡng mới, và còn cấm đạo triệt để trong thế kỷ 17, dưới triều hậu duệ nhà Nguyễn Gia long (Thiệu trị, Minh mạng, Tự đức)
 
- Hoàn cảnh văn hóa phôi thai.
Thời gian đầu, sách vở tôn giáo không có, VN dùng hán tự, rồi hán nôm. Để dễ dàng thuận lợi, sách vở giáo lý buộc phải dịch ra tiếng hán và hán nôm.
Cha Đắc lộ đã giao cho cha J.M phụ trách, bởi J.M có chút ít vốn liếng hán văn
Dòng tên xuất phát từ Lisbone đất bồ, khi sang viễn đông đã lập ra sổ "hộ tịch" của riêng dòng, ghi tên tuổi, năm sanh năm mất của các vị thừa sai linh mục lẫn các thày giảng giáo lý (catechism)  thuộc dòng, để dễ bề tra cứu sau này và cầu nguyện cho họ trong những dịp lễ. Đầu bảng là Alexandre de Rhodes Đắc lộ, theo sau là J.M v.v...  Và cha Đắc lộ đã mang mẫu tự Latin vào để thành chữ quốc ngữ như đã nói.
- Jeromino Majorica (1591-1656) : Người xứ Napoli đất ý, vào dòng tên (jesuite) năm 1605 khi mới 14 tuổi. Thụ phong linh mục khi mới ngoài 30 tuổi. 1623- 1629, cha J.M sống ở đàng trong (chúa Nguyễn). Tới 1631 mới ra giảng đạo ở đàng ngoài (chúa Trịnh).
Sự nghiệp đồ sộ ông để lại sau khi mất, trên 44 tác phẩm (44-48 quyển) phần lớn dịch thuật kinh sách từ tiếng latin sang chữ hán (rồi hán nôm)
Riêng kinh "cảm tạ niệm từ" là một trước tác thẳng (không dịch thuật) bằng hán văn.
Tất cả các tài liệu này được lưu trữ tại văn khố dòng tên ở Lisbone Portugal.
Nghe nói văn khố ở Paris cũng có, không rõ là bản sao, hay bản chánh đã được nhà dòng chuyển giao sang pháp.
 
- Cuộc tranh luận tại đàng ngoài.
Thời Trịnh Tráng, công cuộc rao giảng tin mừng cứu chuộc chỉ mới khởi đầu. Tại đàng trong, các linh mục thừa sai tới Hội an, rồi lần dần lên kinh đô phương bắc, sau tới thẳng đàng ngoài tại phố Hiến, cửa khẩu Hưng yên. Khi ấy ảnh hưởng Khổng-Mạnh và phật giáo còn bao trùm.
Thời Trịnh Tráng tại vị, ông đã mang vào phủ 10 vị quan văn, phụ trách văn học luân lý đạo đức. Đây là những vị chọn ra từ các sư tăng ở đàng ngoài, tinh thông hán học và đạo pháp.
Việc cọ sát văn hóa tín ngưỡng đã dẫn tới cuộc gặp gỡ năm 1632, giữa cha J.M và 10 vị quan văn này tại phủ chúa Trịnh . Đề tài tranh luận dựa trên nền tảng văn hóa VN, bao gồm giáo thuyết, vũ trụ nhân sanh xã hội. Hổng rõ J.M hùng biện tới cỡ nào mà sau đó đã "lung lay" được một trong 10 vị sư tăng quan văn ấy. Chúa Trịnh tráng hỡi ôi, mần màn cách chức và tống cổ luôn đứa "phản thùng" nọ ra khỏi phủ chúa. Sách vở hổng cho thêm chi tiết nên không rõ ông quan văn nọ là ai !
 
- Kinh Phục dĩ chí tôn
Tất cả các nhà nghiên cứu phê bình văn hoá đều cho đây là áng văn chương trác tuyệt trong khung cảnh văn học sử thời ấy, khi VN chưa có chữ viết riêng. Phục dĩ chí tôn là kinh nguyện đọc trong lễ an táng, giỗ chạp và suốt trong tháng 11, tháng các linh hồn.
Tuy kinh nằm trong các tác phẩm để lại của linh mục Jeromino Marorica, J.M, nhưng đây không phải bản kinh dịch từ tiếng latin sang hán tự, nhưng hoàn toàn là một trước tác viết bằng hán văn. Dù vốn liếng chữ hán J.M có, nhưng chắc chắn không đủ để có thể là tác giả biên soạn ra tuyệt phẩm này, trong khung cảnh thời sơ khai ấy. Kinh viết theo thể văn tế, kiểu sớ, đọc lên như bài kệ, nặng tinh thần thiền tông "hóa sinh trụ diệt, sinh ký tử quy" trong giáo lý phật. Đã nảy sanh nghi ngờ, rằng kinh ấy hẳn phải do một vị tinh thông hán học và phật pháp, nghĩa là một trong những cộng tác viên của J.M, viết ra. Các nhà nghiên cứu nớ mới lục lọi kiếm tìm chứng thực, nhưng... không ra thêm được chi tiết nào khác nữa.
 
Nhơn chuyện này tui mới biết về sớ, sớ táo quân chẳng hạn. Sớ là bản tường trình với "bề trên" tức boss, kết quả công việc được giao phó. Sớ có lớp lang đàng hoàng, đại khái là nhập đề (tán tụng boss nhiệt liệt), thân bài (tường trình chi tiết) rồi mới kết luận (xin xỏ lung tung). Sớ mở đầu bằng term "phục dĩ" nghĩa là khấu lạy, tấu lạy. Các bài sớ phật giáo tìm ra trong nét, luôn luôn bắt đầu bằng hai chữ phục dĩ này.
 
- Khảo nghiệm và tra cứu :
Cha phillipe Bỉnh, linh mục dòng tên VN, chuyên gia về giáo sử - lịch sử của đạo công giáo ở VN - Năm một ngàn tám trăm lâu lắm trong thế kỷ 19, ông sang và ở lợi Lisbone suốt 30 năm dài, vào văn khố dòng tên tại đây, lục tung các văn kiện lưu trữ, cốt tìm cho ra... "đáp án vụ việc". Và trong đám văn kiện cổ tích ấy, đã có vài điều liên quan khả tín về kinh Phục dĩ chí tôn này.
Theo cha Phi-líp-phê Bỉnh, sáng tác gia của bản kinh không thể là ai khác hơn vị tăng sư quan văn tinh thông hán học và đạo lý cả nho học lẫn phật học, theo J.M từ thời Trịnh tráng. Tuy tên tuổi chánh xác không có, nhưng cha Bỉnh đọc được trong sổ hộ tịch nhà dòng của VN, thấy có tên " Thày phan-xi-cô thành Phao (?- 1640) " - chết vì đức tin " - nghĩa là "tử vì đạo - Thày ở đây có thể là thày (tăng lữ nhà phật), cũng có thể là thày dạy giáo lý (công giáo, catechism). Sau khi bị trục xuất khỏi phủ chúa 1632, thày được cha J.M rửa tội vào đạo 1636, với tên thánh phan-xi-cô.
 
Từng là tiến sĩ quan văn của Trịnh Tráng, khi này có thể tuổi đã cao (không có năm sanh) nên thày chỉ phụ trách những hồ sơ văn bản về truyền giáo. Và là tác giả áng văn chương hán tự Phục-dĩ lẫy lừng trong gia tài của cha J.M để lại.
Tuy chức phận trong nhà dòng không có, nhưng vì công lao giúp đỡ cha J.M quá lớn, nên tên thày đã được ghi chép vào sổ hộ tịch nhà dòng, "thày Phan-xi-cô thành Phao". Phao sơn là tên ngôi làng ở đàng ngoài, huyện Chí linh, tỉnh Hải Hưng, có chùa Phao sơn, là chỗ cư ngụ của thày trước khi đậu tiến sĩ và được chúa vời vào phủ.
Theo như cách suy luận của cha Bỉnh thì : dùng chữ thày để phân biệt với các linh mục, và thành Phao để phân biệt với những tên phan-xi-cô khác sau này. Thày phan xi cô thành Phao mất năm 1640, 8 năm sau khi theo cha J.M truyền giáo và 4 năm sau khi rửa tội vào đạo.
 
5- Litanies- Kinh cầu
- Litanie là một loại kinh đã có từ rất lâu, khi hội thánh chúa chưa hoàn chỉnh đám kinh sách căn bản. Nên rồi... trong đám kinh cầu nọ, thường khi có những chữ cổ đã mai một với thời gian, không gian, cả trong anh pháp ngữ lẫn việt ngữ.
- Litanies không nhiều, khoảng 8 bài là hết đất, trong đó dài và bài bản nhứt là kinh cầu đức bà, ngắn và gọn gàng nhứt là kinh cầu các thánh.
- Gọi kinh cầu vì đây là hình thức cầu nguyện, tán tụng, cao rao, ngợi khen, để xin ơn phước, xin cầu bầu, thương xót, chở che, bảo ban, ủi an, vững lòng trông cậy... v.v.
- Trong buổi đọc kinh chung, kinh cầu thường đọc sau cùng, có phần xướng và đáp. Câu xướng ngắn và thay đổi, còn câu đáp giản dị, lập đi lập lại y chang (xin thương xót chúng tôi hay xin cầu cho chúng tôi), nên rồi bài kinh cầu cứ thế đều đều một giọng - và người đáp thường phải cầm lòng cầm trí để đừng... ngủ gục giữa bài kinh -
 
Dịp 1st Novemver nghe kinh cầu các thánh bằng tiếng latin, rồi lan man sang dì hai và kinh Phục dĩ.  Đọc kinh tối với dì hai, trong thánh các linh hồn, y phép sẽ được nghe kinh phục dĩ hán nôm, ngoài tháng sẽ là kinh cầu đức bà cũng hán nôm luôn. Ngộ cái, nguyên họ ngoại hổng ai thuộc ráo, chưa chừng còn hổng hiểu chi, ngay cả bà ngoại lẫn má !
Thời sanh tiền, ông ngoại rất trọng chữ nghĩa nên cho bác cả (anh của mẹ) và dì hai đi học đàng hoàng. Má cũng được đi học cho tới khi cha mất. Dì hai có học, nhưng ngó chừng lười biếng đọc sách so với má. Má do mặc cảm thiếu chữ, nên chăm chỉ tục ngữ ca dao và tự lực văn đoàn, rồi truyền lợi con gái út. Trời thần ơi, nếu hổng có má, dám giờ này tui mù tịt văn hoá việt hổng chừng !
 
Chừ nghe và hiểu rốt ráo khung cảnh thời gian lịch sử nhơn văn thì hết hồn. Mẹ cha tôi ơi, làm sao và cách nào mà dì hai đã download nổi hai bài kinh dài thoòng hán nôm thứ thiệt nọ vô đầu. Hổng biết dì có hiểu nội dung không hay chỉ thuộc như két. Giả như hổng hiểu, có thể vì nhạc tánh câu kinh đã giúp dì hai nhớ thuộc lòng chăng ?
Mỗi bận đọc kinh chung gia đình có bà ngoại và má, tới kinh Phục dĩ y phép dì hai thành solist thứ thiệt, ngân nga trầm bổng có âm có điệu đàng hoàng. Nguyên đám backup singers tụi tui (cả má và bà ngoại nữa) chỉ lên giọng Amen mần màn gia tăng hiệu ứng cầu nguyện.
Sau đây là link đầy đủ về kinh nguyện này, cả tiếng hán lẫn hán nôm và cách "ngâm" theo nốt nhạc, với bản dịch từng câu và bài phóng tác sang thơ quốc ngữ - dễ hiểu dễ nhớ hơn... chút nẹo ! Ngó nó một chập tui sanh hoa mắt nhức đầu, lòng cảm phục dì hai lên thẳng đỉnh thiên hà. Tuy vẫn được coi là có trí nhớ tốt, nhưng ngó chừng tui chưa xách được dép cho dì hai.
https://giaoxuchauson.com/chuyen-de/mot ... -1895.html
 
Từ chuyện dì hai - thuộc lòng kinh cầu Cảm tạ niệm-từ, trước tác hán nôm của thày Phan-xi-cô thành Phao - tui lần ra thêm được một kinh hán nôm nữa, cũng do dì hai đọc : kinh cầu đức bà. - chỉ nhớ láng thoáng câu "căng liên thần đẳng" thôi, kỳ dư thì hổng nhớ thêm chi khác nữa. Rà nét thì liên biến thành lân "căng lân thần đẳng" -
Cảm tạ niệm từ là kinh soạn ra bằng tiếng nôm ở thế kỷ 14-15, hổng phiên hổng dịch chi ráo. Nhưng kinh cầu đức bà là kinh dịch từ tiếng latin.
Thời nẳm kinh sách soạn rồi, phải chờ toà thánh chuẩn phê (sau khi sửa đổi chút nẹo). Và kinh cầu đức bà này đây đã được tòa thánh chánh thức cho phép phổ biến từ thế kỷ 16, chánh xác là năm 1587.  Bản dịch chữ nôm (còn gọi là quốc âm), y chang kinh Cảm tạ niệm từ, đọc lên thiệt trần ai khoai củ chớ hổng trơn tru dễ dàng chi.
Khi chử quốc ngữ chào đời và hoàn chỉnh từ từ, thì kinh cầu đức bà được "dịch" từ quốc âm sang quốc ngữ, nghĩa là chữ việt chúng ta nói và viết ngày nay. Dễ hiểu nên dễ nhớ và dễ thuộc. Thời dì hai, bảo đảm kinh cầu đức bà bằng quốc ngữ đã có rồi, có lâu rồi.
 
Hổng hiểu tại sao dì hai lại sính chữ nôm dữ dzậy? Sách "Lịch sử công giáo" nói vầy : Trong thế kỷ 17, khi vào VN để giảng đạo, các linh mục dòng tên Bồ đào nha đã dùng bảng mấu tự latin để tạo ra quốc ngữ - phân biệt với chữ quốc âm, tức chữ nôm biến thể từ chữ hán - Tới thế kỷ 19, kinh sách công giáo hầu như vẫn bằng chữ nôm. Mãi cho đến giữa thế kỷ 20, chữ quốc ngữ mới phổ cập và thực dụng. Dì sanh đầu thế kỷ 20 (1919), tuy theo tây học, nhưng vì ở họ đạo miệt quê thành đã nghe trường kỳ kinh tiếng nôm rồi thuộc lòng chăng, còn bằng không chắc là dì làm màn chảnh, chơi nổi lấy tiếng !
Vì Cảm tạ niệm từ hổng có bản quốc ngữ, nên dì hai phải "hát" nó bằng quốc âm thì còn xính xái. Chớ tới kinh cầu đức bà, dì vẫn nhứt định đọc bằng tiếng nôm thì thiệt là hỉểu hổng ra, bởi dì là người duy nhứt  có thể "hiểu" ý nghĩa bài kinh đang đọc. Đám chorist - backup singers quanh dì - hổng ai hiểu chi, bảo đảm ngay cả bà ngoại và má.
Câu hỏi to đùng ở đây là: dì hai nhứt định xài tiếng nôm với dụng ý gì ? Chảnh là cái chắc, còn không thì... có thể do dì chỉ thuộc tiếng quốc âm chớ hổng quốc ngữ. Mà cứ đọc miết vậy, dần dà đã thành thói quen.
 
Mãi tới khi cháu gái dì làm màn vùng dậy giành độc lập tự chủ cho tiếng việt với bản quốc ngữ của kinh cầu đức bà, thì... dì hai đành chịu phép, nhường microphone lợi cho nó làm soliste, và nó chăm chỉ chu toàn bổn phận. Lần cầu kinh gia đình, bất kể ở đâu (cả bên nội lẫn bên ngoại) cứ tới kinh này là... a-lê-hấp, nó mình ên xướng từ A tới Z, và toàn thể thành viên hội kinh thưa theo !
Mà rồi... ai đứng đằng sau yểm trợ cuộc cách mạng văn hoá kinh sách nớ hở? Thưa... còn ai khác hơn là tía và anh hai. Tía biểu: Hai, con ráng kiếm cho ra bản kinh cầu đức bà tiếng việt, để mẹ dạy em học thuộc, chớ nghe di hai bay ngân nga tía nổi da gà, mà hổng ai hiểu ráo trừ người đọc nọ. Rồi anh hai mang bản kinh về và tui được má dạy đọc và học thuộc không vấp váp.
 
Mấy chục năm trước, tui thuộc như két hai kinh cầu: các thánh và đức bà. Thuộc tới độ cứ ngỡ như sẽ không thể, không bao giờ có thể quên được. Mấy chục năm sau, trí nhớ mờ nhạt dần vì không còn dịp đọc lại chúng. Dịp lễ các thánh tui lần tới nhà thờ nghe kinh cầu các thánh bằng tiếng latin (y chang tiếng vọng từ trời cao). Nhưng... kinh cầu đức bà hầu như không còn dịp nghe lại nữa - tiếng việt, tiếng pháp tiếng latin cũng không luôn - Rồi yên trí minh đã quên hẳn bản tiếng việt thời nhỏ dại... Dè đâu...
Lần vào nét, tui tìm ra bài kinh cầu đức bà, đọc chỉ hai lần thôi là đã nhớ lại hết 100%. Vậy mà ông kia hổng tin heng, biểu em nói xạo. Tui bèn đọc luôn phần xướng, bắt ổng đọc phần thưa cho đủ, viện cớ kinh cầu như bài thuộc lòng đã học rồi, chừ đọc lợi phải đủ đuôi đầu từ A tới Z, thứ tự nhịp nhàng khuôn phép đề ra.
Tui đề nghị "hổng thôi... tối tối vô giường, mình đọc chung kinh cầu này làm màn hợp quần gây sức mạnh". Ông kia biểu để suy nghĩ cái đã trước khi trả lời. Ông nói: Kinh chi mà từ đầu tới cuối tuyền những lời ca tụng cao rao danh tánh phẩm hạnh cốt dọn đường, đã đời đã điếu để rồi xin xỏ lung tung. Anh mà là đức bà đức mẹ, bảo đảm từ chối hết mọi chuyện, nịnh nọt cầu lợi thôi chớ chắc gì đã thiệt lòng thiệt dạ! Giê-su, maria, giu-se... xin chúa tha tội cho thẳng ... amen!
TỐ NGHI 

No comments:

Post a Comment