Cam
Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Hà trở về cao nguyên. Trở về! Nghe xúc động. Thật ra thì chuyến “trở về” này không đơn giản chút nào. Nói đó là một chuyến “ra đi” cũng đúng, bởi Hà rời nhà mà đi. Xa Sài Gòn thì khó trở lại, vì nói nôm na là phải “cắt hộ khẩu” để đi nhận việc. Ai cũng phải vậy. Nghe kỳ kỳ!
Hãy ngắm những con đường! Mới có ba năm, mà đường sá nay lởm chởm mấp mô, chứng tỏ không hề có sự tu sửa. Xe thường xuyên xóc mạnh. Hành khách trên xe, đa số là phụ nữ, hầu như đã quen với tình trạng này. Có người ngủ gà ngủ gật, có người nhìn ra cửa sổ. Người họ nẩy lên sau mỗi lần xóc. Hà thì không dám ngủ. Ai đó có lần nói đi xe đò không nên ngủ, lỡ “có gì” mình còn biết bám lấy cái thành ghế cũng yên tâm. Mải nghĩ đến sự an toàn, Hà quên mất những giọt nước mắt đã khô, rơi lúc xe lăn bánh, thấy thương nhà, thương mình mà khóc.
Này đây những ngôi chùa, những ngôi nhà thờ cũ kỹ rêu phong, thuở bé mình đã từng ngồi xe đếm mê mải trên chặng đường dài. Này đây những ngôi trường tiêu điều như đã cũ trăm năm. Nhưng có những cái mới, đó là các trạm thuế vụ. Xe nào đi ngang cũng đều phải dừng lại để kiểm soát. Mấy người phụ nữ trên xe hớt hải bước xuống năn nỉ nhân viên trong trạm, xin cho qua trót lọt mấy giỏ gạo, trà hay cà phê, miếng sống của gia đình họ.
Rồi có một lúc Hà ngủ thiếp đi, không biết bao lâu, nhưng khi mở mắt ra đã thấy ánh nắng loang loáng chiếu xiên trên cây lá hai bên đường. Trời đã chiều. Và kìa, Đà Lạt của mình hiện ra, quen thuộc, cảm động quá!
Xe vào bến. Hà chỉ có hai cái va-li. Còn đa số những hành khách kia đùm đề hàng hóa. Hà mỉm cười, vui lây với họ. Hà nghe người quen kể lại, có khi chẳng lời lãi gì, mà còn mất tiền khi qua các trạm. Nhưng người nọ rủ người kia, “đi buôn” trở thành một cái “mốt” trong thời buổi này.
Hà không phải đợi lâu, một chiếc xe đã tới đón Hà. Hà nhận ra ngay vì xe mang chữ “Viện A.” Người tài xế chào hỏi và bảo Hà lên ngồi ghế cạnh ông. Thấy Hà nhìn quanh lòng xe, ông cười:
“Xin lỗi cô Hà, hôm nay xe Viện đi công tác hết, nên tôi phải đón cô bằng xe này.”
“Dạ, xe dùng làm gì vậy thưa chú?”
“Thường ngày thì chở thức ăn của súc vật thí nghiệm, có khi chở cả thỏ.”
Hà cười thú vị:
“Ô, hay quá! Cám ơn chú. Xin lỗi chú, nghe giọng của chú, phải chú người Đà Lạt không ạ?”
“Phải. Tôi làm ở viện này từ hơn hai mươi năm cô ạ.”
“Dạ, quý hóa quá! Cháu tên Hà ạ.”
“Vâng, tôi biết. Còn tôi là Hưu. Về hưu đó cô!”
“Chú Hưu.”
Hà ngoái đầu nhìn một lần nữa phía sau xe. Chao ôi, nào cà rốt, nào rau, nào đậu, nào thóc! Mình sẽ có dịp ngắm mấy con thú đáng yêu thôi!
Viện A nằm trên đỉnh một ngọn đồi. Sinh quán của mình ở đây nhưng Hà chưa bao giờ tìm hiểu ngọn đồi nào cao nhất Đà Lạt. Chỉ thấy ngay bây giờ mình đang ở một ngọn đồi cao và đẹp. Đẹp có lẽ phần lớn nhờ viện nghiên cứu này, màu vôi vàng nhạt, kiến trúc trang trọng như một tòa lâu đài thu nhỏ.
Đã sau giờ tan sở nên khuôn viên của Viện vắng lặng. Chú Hưu đưa Hà đến trước cửa văn phòng rồi chào từ giã. Chỉ có một anh bảo vệ tiếp Hà.
“Chào cô Hà, tôi là Trung. Cô cứ vào nhà ăn, đã có cơm trong bếp, cô tự nhiên ăn nhé! Sau đó cô về nhà tập thể nghỉ, sẽ có cô Lê tiếp cô.”
Trung trao cho Hà sơ đồ những nơi cần đến rồi cũng chào tạm biệt. Hà hơi ngạc nhiên nhưng thấy vui vui. Có lẽ con người Đà Lạt là vậy. Nghĩ thế rồi Hà nhớ lại giọng nói của Trung. Hình như anh không phải người Đà Lạt. Thôi không sao. Đói bụng quá rồi! Hà xách cả va-li vào nhà ăn. Không có ai cả. Cứ theo lời Trung mà làm. Nhà bếp đây! Trên dãy lò lớn, thấy ngay một nồi cơm và một chảo đồ xào. Có lẽ trước mình đã có người ăn tại nhà ăn này. Cơm là cơm độn ba phần bo bo. Còn đồ xào là su su. Bây giờ bước vào đời sống tập thể rồi! Phải tập vậy! Hà thấy mình cũng tự nhiên lấy thức ăn vào chén bát, ra ngồi ở bàn ăn, bắt đầu thưởng thức bữa cơm xa nhà đầu tiên. Trời lạnh, cơm cứng lại, khó nhai. Hạt bo bo càng cứng như đá. Chỉ có su xào dễ ăn, nhưng nhạt xèo. Chợt nhớ những bữa cơm ở nhà, tuy cũng ăn độn – khi thì bắp, lúc thì bo bo hay khoai lang, khoai mì, nhưng ít ra mẹ cũng có làm một món đồ kho. Bỗng nhiên nhớ quá sáng nay lúc Hà ra đi, mẹ Hà nghẹn ngào dặn Hà giữ sức khỏe. Con gái lớn đi xa mẹ, chỉ có hai đứa em trai ở nhà. Hà nói sẽ cố gắng xin nghỉ phép để về thăm nhà.
Nhà tập thể ở ngay sau lưng Viện, tên gọi như vậy nhưng thật ra là một biệt thự, cũng với kiến trúc kiểu Pháp, rất dễ thương. Hà dễ dàng tìm gặp chị Lê, bác sĩ từ Sài Gòn. Hai người làm quen với nhau ngay. Chị Lê sắp xếp cho Hà ở cùng phòng với chị.
“Mình lên đây hồi tháng trước. Tụi mình là nhóm sinh viên đầu tiên vào Viện đó Hà! Sau này sẽ có thêm vài anh chị em từ các nơi khác. Trước đây Viện chỉ có nhân viên tại chỗ, đa số là người dân ở Đà Lạt này. Hà sẽ có dịp làm quen với mọi người. À, giám đốc nhờ mình báo cho Hà là ngày đầu tiên Hà được nghỉ cho lại sức, không phải vào Viện. Hà muốn đi đâu thì đi nhé! Cần gì thì mình chỉ đường cho Hà.”
“Ồ thế hở chị? Vậy em sẽ chạy đi thăm mấy người bà con của em, ở dưới phố. Em biết đường, cám ơn chị.”
Hà mở va-li, sắp xếp áo quần vào ngăn chiếc tủ nhỏ bên cạnh giường, lẩm bẩm:
“Nhưng em cũng rất nôn nóng muốn được làm việc ngay, chị Lê ạ!”
***
Đêm qua không tròn giấc vì nhớ nhà, sáng sớm Hà bật dậy vì tiếng chim hót. Chị Lê còn ngủ say. Hà rón rén đi ra phòng ngoài, mở cửa sổ nhìn ra. Đà Lạt của mình đây! Những dãy đồi cao ẩn hiện trong sương mù. Đường dốc quanh co thấp thoáng xóm nhà bên dưới. Mình sẽ quen với cảnh tĩnh mịch này thôi!
Hà đi bộ xuống phố. Cảnh vật hai bên đường vẫn không khác gì so với ngày trước. Vẫn những ngôi nhà xây theo kiểu Pháp, đặc trưng của xứ này. Thông xanh, hoa cỏ muôn màu, gợi lên tuổi nhỏ của Hà nơi đây.
Nhà của cậu ở ngay trung tâm thành phố. Nhưng không còn là tiệm buôn nhộn nhịp trước kia, mà đóng cửa lặng lờ. Cậu đã vào rẫy. Vào rẫy! Nghe lạ tai. Nhưng đó là một cái “nghề” của nhiều người dân Đà Lạt hiện giờ.
Hà lại đi, đi bộ, tìm lên rẫy của cậu. Đi một chặp lại leo dốc. Con dốc cuối cùng cao ngất ngưởng so với kinh nghiệm ít ỏi của Hà. Lên đến nơi chỉ còn biết thở dốc. Hà tự chế nhạo mình, và nghĩ không biết ai đã đặt ra chữ “thở dốc” nghe hay thật.
Cậu của Hà kìa! Không còn nhận ra cậu nữa. Lần gần nhất gặp cậu là lúc cậu cùng gia đình “hồi cư” về Đà Lạt sau thời gian “chạy giặc” về Sài Gòn, so với người trước mặt Hà bây giờ là một trời một vực. Cậu ốm o, tiều tụy. Của cải mồ hôi nước mắt lương thiện làm ra đã bị khép vào của “tư sản mại bản” và bị tịch thu sạch. Cậu suy sụp hẳn đi. Cậu như biến thành một người khác. Hà bật khóc, ôm lấy cậu. Cậu cũng khóc, như trút nỗi uất ức.
Rồi một lát sau, chính cậu lại an ủi Hà:
“Không sao đâu, cậu đã làm quen với chuyện này rồi! Ba năm rồi cháu ạ! Làm rẫy, ngoài chuyện kiếm cái ăn cho gia đình, còn là một cách giải tỏa nỗi buồn. Cháu coi, cậu đã trồng được nhiều thứ, khoai, bắp, rau, đậu… Thỉnh thoảng còn đào được nấm mối mang về.”
“Nhưng cậu làm trong rẫy một mình, buồn quá!”
“Thì mợ phải bán hàng của mợ. Chiều tối cậu lại gánh rau củ về cho cả nhà ăn. Không buồn đâu cháu! Vả lại, cháu biết không, coi hoang vắng vậy chứ thật ra xung quanh đây cũng có lối xóm làm rẫy. Rảnh cậu sẽ dẫn cháu qua thăm họ. Bao giờ cháu đi làm?”
“Dạ ngày mai.”
“Vậy cháu lo công việc của mình trước đã. Còn nhiều chuyện để khám phá trên vùng rẫy này. Hôm nay có cháu, cậu cháu mình mang khoai củ về sớm chút. Mọi ngày chiều tối cậu mới về.”
“Dạ, vậy cháu giúp cậu.”
“Không sao, cậu gánh hết. Cháu xách không nổi đâu!”
Hà trố mắt nhìn cậu mang ra một đôi quang gánh. Cậu đã chất sẵn khoai củ đầy hai thúng. Rồi cậu kê vai vào cây đòn gánh. Thân hình còm cõi của cậu oằn xuống. Hà muốn khóc. Cậu nói:
“Đi cháu!”
Hà không biết gánh, chỉ việc đi theo cậu.
***
Ngày đi làm đầu tiên của Hà.
Hà cùng chị Lê đến Viện. Tới cổng, đã có anh Trung ở đó đón Hà. Trung nói:
“Tôi dẫn cô vào phòng Tổ chức nhé!”
Trước khi vào phòng Tổ chức, Hà kịp nhìn thấy cảnh các nhân viên đến làm việc. Phần đông họ đi bộ, một số người đi xe đạp, chỉ có rất ít xe gắn máy. Và họ cũng kịp nhìn ra Hà là người mới. Những ánh mắt thiện cảm. Hà có ngay trong đầu ý nghĩ: người Đà Lạt!
Sau phần chào hỏi, ông Đậu, trưởng phòng Tổ chức nói với Hà:
“Để nhanh gọn, tôi xin nói lịch trình làm việc dành cho cô. Tuần đầu tiên là lao động, tuần kế tiếp là bắt đầu làm chuyên môn, cô sẽ được phân về phòng X. Ở đó có người hướng dẫn cho cô.”
Hà thắc mắc:
“Dạ… tuần lao động là sao ạ?”
“À, đó là tuần làm việc ở rẫy của Viện. Viện có một khu đất ở Trại Mát, làm khu canh tác “đời sống” cho nhân viên. Mọi người luân phiên tới đó lao động cuối tuần. Riêng các anh chị mới ra trường về làm việc, sẽ được dành hẳn một tuần để làm lao động.”
“Dạ, vậy lao động gồm những việc gì thưa ông?”
Ông Đậu nhướng mắt tỏ vẻ lạ lùng:
“Ủa, cô không hiểu? Lao động ở rẫy thì là cuốc đất, gieo hạt, tưới nước, thu hoạch.”
“Dạ, tôi đã hiểu ạ.”
“Tốt! Vậy cô sẽ chờ nhận dụng cụ nhé! À này, hôm nay cô về nhớ làm bản lý lịch, ngày mai nộp cho tôi nhé!”
Trong lúc chờ Trung đi lấy dụng cụ, Hà dõi mắt nhìn những dãy phòng cửa kính đóng im lìm, tưởng tượng ra khung cảnh làm việc bận rộn bên trong. Chao ôi, mình vẫn chưa được hòa vào đó. Một tuần lao động! Nghe lạ tai quá, nhưng là chuyện thật!
“Cô Hà có quần áo gọn gàng để mặc đi lao động không?”
“Dạ có, quần jeans áo thun được không ạ?”
“Ứ ừ… thôi cũng được. Cô nhớ mang giày ba-ta. Đất đỏ dữ lắm! Và nhớ đừng mặc quần ống loe nhé!”
Hà bật cười:
“Dạ không có đâu!”
“Vậy cô nhận cái này, ngày mai bắt đầu nhé!”
Dụng cụ là một cây cuốc, kèm theo là chiếc nón lá.
Buổi chiều chị Lê tan sở, gặp lại Hà. Nghe kể chuyện Hà trình diện sáng nay, chị Lê lắc đầu:
“Mình quên nói với Hà, mình cũng đã trải qua một tuần lao động rồi mới nhận việc chuyên môn. Nghe lạ phải không? Nhưng thôi, cái gì cũng sẽ qua hết.”
“Em biết. Em không nệ hà. Chính khi đi thăm cậu của em trên rẫy, em cũng muốn làm được để phụ giúp cậu. Nhưng một tuần lao động ở đây thì… em không hiểu mấy. Nó có giúp ích gì cho việc chuyên môn không?”
Chị Lê nhún vai:
“Không giúp gì hết. Có điều là mình không thể suy đoán theo cách nghĩ trước đây, mà phải nghĩ theo cách của họ.”
“Của họ?”
“Họ, không phải chỉ là ông Đậu hay anh Trung. Cũng không phải chỉ là bà quyền viện trưởng. À, Hà sẽ không gặp bà trong thời gian này đâu, vì bà được cử đi học.”
“Bà đi học ạ? Chắc bà giỏi lắm? Mà… sao chỉ là quyền viện trưởng?”
“Bà ấy làm tạm, sau này sẽ có viện trưởng khác. Nghe mấy người kể, lúc tiếp quản, bà ấy ở “Rờ” ra. Bây giờ có tạm đủ người giúp rồi, bà được đi học.”
“Vậy bà học ở đâu hở chị?”
“Bổ túc văn hóa. Bà ấy có trình độ lớp Ba.”
Những ngọn đồi còn lãng đãng trong trí nhớ tuổi nhỏ, ngày xưa Hà chỉ đi qua, bây giờ được ghé lại. Trời đã tan sương. Xe Viện, lần này là chiếc xe chở người, không phải xe chở thức ăn thỏ, đưa Hà và một người khác, chị Hai, lên đó. Chị Hai tự giới thiệu là nhân viên văn thư.
“Chị Hai, em sẽ làm gì đây?”
Chị Hai có nụ cười rất hiền, nói:
“Mình cùng làm, cô Hà ạ! Hôm nay mình cuốc đất để chuẩn bị trồng khoai.”
Xem ra cũng đơn giản lắm, Hà cuốc nhát đầu tiên. Nghe tiếng chị Hai cười khúc khích, Hà lúng túng.
“Không phải vậy, cô Hà! Cầm cuốc như vầy mới đúng, rồi đứng như vầy nè! Đứng như cô Hà, tối về sẽ đau lưng.”
Hóa ra không đơn giản! Chị Hai làm mẫu cho Hà xem, và nói đùa:
“Cô Hà cẩn thận, đừng cuốc vô chân.”
“Dạ, em sẽ cố gắng không cuốc vô chân.”
“Tôi có chuẩn bị cơm trưa cho hai người. Mình ăn xong, làm thêm một chút nữa rồi được đón về. Hôm nay mình được đi xe. Có lúc tụi tôi phải đi bộ, mất hai tiếng.”
“Nhân viên của Viện cũng làm lao động hở chị Hai?”
“Đúng rồi cô! Mỗi tuần mình làm lao động một ngày, tính vào ngày công. Nhưng các anh chị mới ra trường được phân công về thì làm liên tục một tuần, mình thấy thương quá! Nói thật, nhiều người trước giờ chỉ biết đi học, làm gì biết cày cuốc! Tụi mình nhờ nhà có vườn nên còn biết chút ít, nhưng cũng không bằng những người làm rẫy chuyên môn.”
“Dạ. Chắc sau này tụi em cũng sẽ làm lao động mỗi tuần một ngày ha chị!”
“Đúng rồi! Họ gọi là “làm đời sống” đó cô Hà! Mình có đất thì trồng khoai trồng bắp. Có nơi còn nuôi heo nữa đó, nhất là ở thành phố, mình nghe kể vậy.”
Rồi chị Hai cười hóm hỉnh. Hà thấy mến chị. Chị còn giữ một chút nét hồng hào của người phụ nữ Đà Lạt trên đôi má đầy đặn. Buổi trưa, nghỉ tay, lấy cơm ra ăn, hai chị em ngồi dưới bóng mát của một cây bơ. Chị Hai đã chuẩn bị cho Hà một lon “gô” cơm nấu độn với bo bo, cùng một cái trứng luộc. Khá sang trọng!
Họ làm thêm hai tiếng đồng hồ nữa. Trời tuy mát nhưng nắng rát da, chịu hết nổi. May nhờ có nón lá. Hà thấy mình ngộ nghĩnh, mặc quần jeans đội nón lá, không giống chị Hai mặc quần đen, ra vẻ nông dân thực thụ. Hà nhớ lại vẻ miễn cưỡng của Trung khi chấp nhận Hà mặc jeans. Cũng không lạ, vì Hà đã từng chứng kiến việc các cô giáo bỏ áo dài, mặc quần đen áo ngắn đến lớp dạy học, nếu không muốn bị phê bình. Có lẽ về một mặt nào đó, Hà được chút “ưu tiên” chăng?
Sẽ qua một tuần lao động, Hà tự nói với mình. Hà sẽ mặc “blouse” trắng, đến phòng thí nghiệm, ra vào tòa nhà khang trang sạch sẽ trên đỉnh ngọn đồi thơ mộng. Nhưng, ôi, Hà cũng bắt đầu có tình cảm với ngọn đồi “lao động” này rồi sao? Cũng như với ngọn đồi rẫy rừng ngất ngưởng của cậu, lên đến nơi mệt gần tắt thở, cảm thấy mặt đất như kéo gần sát lại mặt mình. Có một điều giống nhau, đó là đứng ở ngọn đồi cao nào, nhìn xuống xóm nhà bên dưới, cảm xúc cũng đều lâng lâng lạ kỳ.
Công lao một ngày “lao động” của mình là cuốc được một mảnh đất nhỏ. Hà buồn cười cho chính mình, nhưng thầm cám ơn chị Hai, hy vọng đêm nay về ngủ không bị đau lưng.
Tháng 8, 2022
CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
*Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 100, tháng 9/2022
No comments:
Post a Comment