Friday, September 30, 2022

TIẾNG DƯƠNG CẦM

Nguyên Minh
 
Na Na ngồi đàn
 
Tặng Na Na
 
Sài Gòn tháng 6, những cơn mưa bất chợt xối xả làm những con đường ngập nước chưa kịp rút rồi chợt nắng nhưng không biết lúc nào mây phủ kín âm u và ào ào trút nước xuống như thác đổ. Tôi bước xuống xe dừng lại quán cà phê trên đường Bạch Đằng. Như đã hẹn với một người quen cũ biệt tăm hơn 30 năm trước. Cô là con gái đầu lòng của một cặp vợ chồng nhà thơ nổi tiếng trong nền văn học miền Nam trước năm 1975.
Trong buổi ra mắt Tập san Quán Văn 87 mang chủ đề chân dung văn học Thủa làm thơ yêu em, qua điện thoại người mẹ cho biết sẵn dịp cô con gái về thăm quê hương sẽ đại diện tác giả tham dự.
Tưởng mình sẽ bỡ ngỡ không nhận ra người phụ nữ đang đối diện. Trước mặt tôi, cô gái mang kính cận, hé môi cười nhỏ nhẹ hỏi:
- Cậu nhận ra con không.?
- Na Na mà. Bản sao khuôn mặt mẹ con ngày “tôi làm con gái”.
Trước khi mở đầu chương trình buổi ra mắt Quán Văn tôi giới thiệu mọi người về người phụ nữ từ dưới khán phòng đang bước tới đứng cạnh tôi, cách đây gần 60 năm trước chỉ là con bé tôi đã từng ẵm trên tay. Khi sanh con gái đầu lòng Trần Dạ Từ viết thư báo tin cho tôi biết ở nhà bé tên là Na Na, khai sinh là Lê Thị Sớm Mai.
Sau đó những lần đến nhà tôi vẫn thường gặp cô bé lớn lên theo thời gian cho đến ngày gia đình cô biệt xứ.
 
*
Tôi và cha mẹ cô có những giao tình thắm thiết từ trước khi họ lấy nhau. Với mẹ cô như tình chị em kết nghĩa. Qua sự giới thiệu của một giáo viên trẻ người Huế cư ngụ trong nhà tôi khi tôi rời thị xã Phan Rang trở về quê nội xứ Thần kinh, với cô em gái mê văn chương, làm thơ ngay từ khi là cô nữ sinh Đồng Khánh. Còn cha cô như ông đã xác nhận trong ngày chúng tôi gặp lại nhau tại Mỹ khi chúng tôi làm Quán Văn, cả hai chúng tôi là bạn bè cùng một lý tưởng làm văn học. Tuổi tác xấp xỉ nhau.
Những năm thập niên 1970, cha mẹ cô đã thay đổi biết bao nhiêu chỗ ở. Từ ngày mới sống chung nhau trong một căn phòng nhỏ tại một building sang trọng ở Sài Gòn do một nhà báo nhượng lại nhưng chỉ một thời gian ngắn phải dọn đi vì không đủ đóng tiền nhà với số lương ít ỏi bấp bênh. Những năm tháng sau cha mẹ cô với công sức và tài năng trong nghề làm báo, cuộc sống vươn lên và họ đã mua nhà riêng rồi theo thời gian từ từ thay đổi đến căn biệt thự sang trọng hơn.
 
Cô bé Na Na được cha mẹ nuông chìu. Ngay từ lúc sinh con người mẹ đã làm thơ tặng cô bé xem như đó là vầng thái dương kết cuộc của mối tình đầu.
Cả ba mẹ cô đều mong ước cô con gái cưng của mình sẽ thành một nhạc sĩ dương cầm. Điều này đã thôi thúc người mẹ tạo điều kiện cho cô bé đi vào thế giới âm nhạc, khi bà đã chứng kiến những tang tóc đau thương của cuộc chiến năm Mậu thân ngay trên thành phố Huế trong một lần bà trở về thăm quê hương. Tiếng bom đạn dội xuống phố thị. Tiếng súng Ak cùng M 16 nổ liên hồi. Tiếng chân người chen lấn chồng chất nhau chạy lánh nạn. Tiêng trẻ con khóc thét lên vì sợ hãi. Tiếng thất thanh người đàn bà khi chứng kiến chồng mình bị ngã đạn. Những âm thanh đó đã gây bao nỗi kinh hồn, đã làm tan hoang cả thế hệ chúng tôi. Bà muốn biến những âm thanh cay nghiệt đó thành những tiếng đàn dương cầm réo rắc yêu thương cho thế hệ con mình. Tôi hiểu đó là lý do mà Na Na được vào trường Quốc gia âm nhạc và trong một ngày đẹp trời cô bé Na Na nghiêm chỉnh ngồi đưa những ngón tay bé nhỏ gõ lên phiếm đàn dương cầm Yamaha mới tinh do ba mẹ cô mới mua. Năng khiếu âm nhạc cùng tâm hồn trong sáng, hồn nhiên của cô bé lên mười đã làm tiếng dương cầm thánh thót. Những âm thanh đó gợi lên tiếng suối reo róc rách, tiếng gió vi vu qua đồi thông, tiếng hò mái đẩy trên sông, tiêng chim hót trong lùm cây xanh, tiếng cười nức nẻ của trẻ con, tiếng dế kêu ngoài đồng ruộng sau mùa gặt… Như nỗi ước ao một mai khi đất nước hòa bình.
Sau tháng tư năm 1975 tôi cũng như mọi người ở miền Nam phải trải qua một cuộc đổi đời bi đát. Ly tán. Tôi tìm nơi ẩn dật ở một vùng quê hẻo lánh. Ở đó không ai biết đến mình. Thỉnh thoảng có dịp tôi vào Sài Gòn mới đổi tên. Thành phố buồn thiu. Đường xá vắng tanh. Bỡ ngỡ với những cái biển tên đường lạ hoắc. Nhà hàng Continental sang trọng ngày xưa giờ biến thành cửa hàng ăn uống tạp nham mang tên Đồng Khởi. Tôi tình cờ ngang qua một cửa tiệm kế bên vừa hé mở, mới nhận ra người đàn bà đang ngồi trước nhà: chị Nhã Ca. Như phần đông những nhà văn nhà báo khác cùng chung số phận, gia đình họ đều lâm vào cảnh nghèo khổ. Tất cả nhà cửa cùng máy móc trong nhà in của Trần Dạ Từ đều bị tịch thu, cùng các tác phẩm thơ văn của nhà xuất bản Thương Yêu bị mang đi đốt sạch. Na Na cùng mẹ phải kiếm sống bằng việc buôn bán lẻ tẻ nơi chợ trời. Trước khi gia đình Nhã Ca bị yêu cầu rời khỏi nhà họ chỉ mang theo cây đàn dương cầm về ở đậu nhà một người bạn đã tỵ nạn qua nước ngoài.
Mẹ con Na Na sống vất vưởng theo từng năm tháng. Từ cô bé hồn nhiên trong sáng, tuổi 13, trở thành một thiếu nữ lo toan kiếm sống.
Ngày xưa, những lúc buồn phiền cô chỉ biết thả hồn mình qua từng phiếm đàn dương cầm. Na Na xem cây dương cầm này như một người bạn thân thiết nhất đời mình. Những tâm tư thầm kín nhất cô thổ lộ lòng mình qua từng giọt âm thanh như những lời tỉ tê. Khi ba mẹ cô mang cây đàn đặt sát cạnh cửa sổ trong phòng cô để qua đó thấy được những bụi hoa hồng đang nở rộ dưới ánh nắng ban chiều còn sót lại. Để dành sự ngạc nhiên đối với cô con gái cưng đầu lòng, bà mẹ phủ lên cây đàn một tấm màn nhung màu huyết dụ. Khi cô gái vừa đi học về, bước vào phòng mình thấy lạ, từng bước chân nhè nhẹ tiến tới, đôi bàn tay mưọt mà lần giở tấm màn ra. Chiếc dương cầm cùng tấm thiệp nhỏ ghi hàng chữ: Bố Mẹ ước mong con mãi mãi bên cạnh cây đàn này. Cô bé mười tuổi rón rén ngồi trên chiếc ghế dài và những ngón tay gõ từng nốt nhạc phát lên những âm thanh reo vui như đón nhận một món quà quí báu. Và như muốn gắn chặt đời mình bên cây dương cầm cô lén lấy mũi dao nhọn khắc vào bên trong nắp cây đàn vụng về hai chữ Na Na.
 
Những năm tháng sau 1975 những vật dụng thường dùng trong gia đình như chén bát ly tách bàn ghế tủ lạnh ti vi cassette từ từ phải đem ra chợ trời bán rẻ để đổi lấy gạo cơm. Riêng cây đàn dương cầm cũng đã mấy lần cùng chung số phận nhưng chẳng có người mua. Đơn giản thời buổi cả nước còn ăn cơm độn với bo bo, sắn mì, khoai lang, lấy đâu ai dư tiền để mua cây dương cầm. Nhờ vậy mà cây dương cầm này vẫn còn chễm chệ cùng cô gái trong căn phòng nhỏ ấm cúng. Mãi đến khi bà ngoại cô đã bỏ Huế sau cái chết của ông ngoại trong một lần đột quỵ, bà phải nhập viện khẩn cấp cần giải phẫu, mẹ cô phải chạy đôn chạy đáo, vay mượn người thân và bạn bè. Trong lúc túng quẩn có người gợi ý và môi giới bán cây đàn dương cầm cho một người miền Bắc đã vào Sài Gòn ngay tháng 4 năm 1975. Giữa sinh mệnh bà ngoại thân yêu và cây đàn dương cầm, Na Na dĩ nhiên phải chọn một trong hai. Na Na xót xa như đứt ruột khi biết mình sẽ mãi mãi xa cây đàn dương cầm từ bao nhiêu năm gắn bó như một người bạn thân thiết.
Để chuẩn bị cho cuộc chia tay, theo lời yêu cầu thiết tha của Na Na đưa cây đàn dương cầm ra khỏi phòng riêng của cô và đặt ở một góc phòng khách để ngày mai người ta mang đi bán ở khu chợ trời. Người mẹ nhớ lại khoảng thời gian trước năm 1975 trong ngôi biệt thự mỗi lần có những người bạn là nhạc sĩ hay ca sĩ chuẩn bị buổi trình diễn những ca khúc hay sáng tác với công chúng, họ thường cất tiếng hát qua tiếng đàn đệm dương cầm của cô bé Na Na mới 10 tuổi.
Đêm hôm đó chỉ có bà, khán giả độc nhất đang ngồi co ro nơi chiếc ghế đệm cũ kỹ, mắt mơ màng nhìn về cõi xa xăm, tai lắng nghe tiếng dương cầm của con gái. Bà nuốt nước mắt khi nhớ lại lời nhắn nhủ của chồng bà qua nét chữ nắn nót trên tấm thiệp đặt trên cây đàn cho cô bé: Hãy xem cây dương cầm này như một phần quả tim con. Bỗng dung bà ngộp thở, như có ai bóp nghẹt quả tim bà.
 
Cô bé ngày ấy giờ đã thành một thiếu nữ xinh đẹp, tóc cắt ngắn ngang vai, mang đôi kính cận, đang ngồi trước cây dương cầm, những ngón tay gõ trên phiếm đàn phát ra những âm thanh như những lời thổ lộ tâm sự đau khổ thầm kín của riêng cô cùng chung số phận một thế hệ tuổi trẻ của cô. Cô xót xa khi nghĩ kể từ ngày mai cô sẽ xa mãi mãi cây đàn này. Cô không còn biết trải lòng mình, trút niềm tâm sự với ai đây.
Sài Gòn đã về khuya. Phố xá đã đóng cửa từ lâu. Con đường Tự Do một chiều vắng tanh. Trên vĩa hè dành cho khách bộ hành tưởng như trống trơn, lại có những bước chân đang thong dong gõ đều từng tiếng giầy của bốn người đàn ông ngoại quốc. Bỗng một người trong nhóm họ bước chân sãi nhanh như chạy theo ai đó để bắt gặp một cái gì quí báu. Ông ta như kẻ mộng du bị tiếng đàn dương cầm từ xa đang dẫn dắt đến gần. Người đàn ông mắt xanh da trắng đó ngạc nhiên tự hỏi: Sao có thể ai đó đàn được dương cầm trong đêm khuya nơi một đất nước sau cuộc chiến đã qua bao nhiêu năm hiện vẫn còn đang nghèo khó. Những âm thanh réo rắc từ những bản sonat của Chopin mà ông ta đã từng nghe qua đĩa nhạc trong những đêm khuya trời lạnh giá nơi căn phòng riêng những ngày còn trẻ đã từng làm ông xúc động. Ông dừng chân ngay trước ngôi nhà đang phát ra tiếng đàn dương cầm. Ông do dự trong giây lát nhưng như có ai vô hình nắm lấy bàn tay ông gõ nhẹ lên cánh cửa nhà đó đã khép kín. Bà mẹ của Na Na hoảng hốt mở cửa, trước mặt mình là những ngươi ngoại quốc. Bà luống cuống chưa biết xử lý thế nào thì ông ta chỉ tay vào cô gái đang ngồi say sưa thả hồn mình vào tiếng đàn. Ông ta ra dấu đưa ngón tay vào tai mình. Một người trong nhóm họ bập bẹ nói tiếng Việt chưa chuẩn thông dịch: Ông xin phép được nghe cô gái đàn. Mẹ Na Na chỉ vào những chiếc ghế còn trống bên cạnh bà. Những người khách xa lạ không mời mà đến, hồn nhiên như những khán giả im lặng ngồi tham dự một buổi biểu diễn âm nhạc với tiếng dương cầm của một nhạc sĩ nổi tiếng.
Từ xa, hướng về ông ta, Na Na chỉ cúi đầu, miệng nở nụ cười than thiện như một lời chào. Na Na không ngừng, đôi bàn tay vẫn tiếp tục lướt trên cây đàn. Cô cũng bị những âm thanh từ cây đàn thu hút, cuốn cô vào thế giới nào đó. Theo từng bản nhạc đưa cô vào những không gian khác nhau, cảnh tượng khác nhau. Người đàn ông yêu cầu cô đàn bản Clair De Lune, tiếng đàn như những tiếng chân cô bước nhẹ trên thảm cỏ xanh dưới ánh trăng rằm trong ngôi nhà bỏ hoang, điêu tàn sau cuộc chiến ở Thành Nội xứ Huế, quê ngoại của cô. Qua bản Sonat lại dẫn dắt cô về sông Hương lặng lẽ dưới ánh sáng vàng vọt trong buổi chiều tà. bản Hồ Thiên Nga của Tchaikovsky. Có phải cả người đàn cũng như người nghe tưởng chừng mình đang ở vài thế kỷ trước trong một đất nước ở đó không biết chiến tranh là gì, họ đắm mình vào câu chuyện cổ tích về một bầy thiên nga hiện thân của những nàng tiên lạc xuống trần gian và hồn nhiên vui đùa bơi lội trong hồ nước xanh. Chính bản Hồ Thiên Nga với tiếng đàn của Na Na đã làm xúc động người đàn ông hơn. Suốt đêm Na Na đàn không mệt mỏi, tiếng đàn càng lúc càng thiết tha hơn.
Trời gần sáng, trước khi từ giã người đàn ông có hỏi về thân thế Na Na. Ông mới bết cô đã từng theo học trường Quốc Gia âm nhạc. Mẹ cô là nhà thơ, nhà văn Nhã Ca, và cha cô là nhà thơ Trần Dạ Từ hịện còn đang bị tù tận ngoài Bắc đã hơn 10 năm. Người ta hỏi thì mình trả lời.  Thế thôi. Người đàn ông ngoại quốc xa lạ bắt tay Na Na và người mẹ như truyền hơi ấm cân tình. Âm nhạc đã làm con người gần nhau hơn, không còn ranh giới. Ông còn hẹn ngày tái ngộ. Người đàn ông nói với Na Na:
- Hẹn sẽ gặp lại nhau một ngày không xa.
Na Na cười hỏi nhỏ:
-Sài Gòn?
Người đàn ông lắc đầu:
-Không. Thụy Điển nhé.
 Na Na gật đầu:
- Ok.
Tưởng là chuyện đùa, nói cho vui. Ai ngờ thành sự thật.
 
*
Bao nhiêu năm gặp lại nhau. Tôi đã thành cụ già tóc bạc trên tám mươi tuổi. Còn Na Na giờ cũng thành người đàn bà xấp xỉ sáu mươi. Chúng tôi như trẻ lại, nhắc chuyện xưa và hỏi những sự việc đã qua làm khắc sâu trong trí nhớ. Tôi cầm tay Sớm Mai hỏi nhỏ:
-Con còn đàn dương cầm không?
Sớm Mai đưa mắt nhìn khoảng trời bao la, giọng trầm xuống:
- Cậu ơi. Con không đàn nữa.
Tôi ngạc nhiên hỏi tiếp:
- Từ lúc nào?
Sớm Mai buồn bã đáp:
- Chiếc dương cầm đã bán mất. Còn đâu. Nửa hồn con đã chết. Đã nhiều lần trở về Sài Gòn con cố tìm lại khu chợ trời đã không còn vết tích, như người mẹ tìm lại đứa con đã bị bỏ rơi. Mất tiêu rồi cậu.
Sớm Mai cho tôi biết chồng cô cũng thông cảm nỗi đau của cô, anh mua một cây đàn dương cầm lớn hơn cây dương cầm cũ đã mất đặt ngay trong căn phòng khách sang trọng như một món quà báu tặng người vợ. Sớm Mai không đàn được dù cố gắng đưa những ngón tay lên phiếm đàn. Những âm thanh không còn réo rắc như xưa. Nó như vô cảm, không hòa vào tâm hồn cô. Từ đó, sống ở Thụy Điển cô có một đời sống khác xa.
Cô không còn mảy may gì với quê hương. Có thật vậy không? Để trả lời điều này nên tôi mời cô đến Cafe Thứ 7 tham dự buổi tọa đàm về thơ Nhã Ca, diễn giả là Tiến sĩ Hoàng Kim Oanh. Gần kết thúc chương trình, tôi có phát biểu như một lời tâm sự về tiếng đàn dương cầm của Na Na đã làm thay đổi cuộc đời sau này của gia đình Nhã Ca. Thơ ca cũng như âm nhạc làm tâm hồn chúng ta tươi đẹp hơn. Những câu cuối cùng một bài thơ của Trần Dạ Từ: Người đi qua đời tôi có nhớ gì không người? Người đây tượng trung cho tất cả mọi thân yêu, như người cha, người mẹ, người yêu, người bạn, cũng có thể một con thú cưng, hay một vật dụng cận kề như cây dương cầm. Làm sao Người không nhớ gì sao Người. Nói đến đó tự nhiên tôi xúc động khi nhớ đến nỗi đau của Na Na về cây dương cầm cũ. Tay tôi cầm lấy tay Na Na đưa cô đứng dậy, giới thiệu cô với mọi người:
- Đây là Na Na con gái của nhà thơ Nhã Ca và Trần Dạ Từ ở Thụy Điển mới trở về. Hôm nay chúng ta sẽ lắng nghe tiếng dương cầm của cô.
Trên chiếc dương cầm đã đặt sẵn ở một góc trên sân khấu, người thiếu nữ đã quên hiện tại cứ nghĩ mình là cô con gái năm xưa thủa nào, những ngón tay gõ trên phiếm đàn từng âm thanh nhỏ giọt có lúc réo rắc dồn dập trong bản Love Story làm không khí căn phòng lắng xuống, mọi người đều xúc động.
Riêng tôi bị tiếng đàn dương cầm đó dẫn dắt tôi như một kẻ mộng du trở về một thời gian xa xưa trong một không gian đầy ấp kỷ niệm. Tiếng gõ mõ hòa cùng tiếng tụng kinh, tiếng chuông phát ra từ một ngôi chùa nhỏ nằm ngay đầu xóm, như một bản hòa âm làm nhẹ lòng tôi. Nơi đó tôi đã bỏ lại một mối tình đầu thơ ngây với một nàng nữ sinh đang trú ngụ. Trước khi chia tay hai người hôn nhau. Nụ hôn đầu cũng là nụ hôn cuối của mối tình. Người xưa từ trong mơ như trở về đang ngồi sát bên tôi. Tôi nở một nụ cười như vừa bắt gặp người đi qua đời tôi và mãi mãi vẫn tồn tại trong trái tim tôi.
Trước khi Na Na về lại Thụy Điển có đến cảm ơn tôi. Tôi cũng bịn rịn nói nhỏ:
- Cậu rất xúc động và mừng cho con.
Na Na bắt tay tôi như hai người bạn đồng lứa, cùng một dự cảm như nhau, khi đọc một bài thơ, khi xem một truyện ngắn, khi nghe một bản tình ca, tâm hồn mình bỏ vào đó những cảm xúc của trái tim. Na Na tâm sự trong buổi ra mắt Quán Văn và buổi giao lưu này, cô mới hiểu cốt lõi dòng thơ của Nhã Ca. Từ âu nghĩ rằng nơi quê nhà không ai còn nhớ đến, tưởng chừng vĩnh viễn đi vào lãng quên. Tôi nhận ra nỗi xúc động của Na Na khi nhìn những biến đổi từ đôi mắt rưng rưng đến nụ cười hé nở qua tiếng dương cầm thánh thót.
Tôi hỏi Na Na:
- Có phải Na Na vừa nhận ra cây dương cầm cũ đã mất.
- Sao cậu nghĩ đúng như vậy?
- Tiếng đàn hôm nay của con nói lên điều đó.
- Cậu ơi! Hình như con đang ngồi ngay trước cây đàn dương cầm ngày xưa có khắc hai chữ Na Na. Những ngón tay con như có ai dẫn dắt chạy dài trên phiếm đàn và hồn con như bay bỗng vào âm thanh kỳ lạ đó. Một nửa trái tim đã mất bỗng tìm về nhập vào tâm hồn con.
Sài Gòn tháng 7 – 2022
NM
Tập san Quán Văn số 87 

Sunday, September 25, 2022

MÙA THU VÀ NHỎ

Trần Thị Nguyệt Mai
 
Autumn trees. Source: Internet
 
Có phải mùa thu về không nhỏ?
Hình như một chút gió heo may
Một chút bâng khuâng, một chút nhớ
Dịu dàng len nhẹ buổi sáng nay
 
Nhớ nhỏ áo dài ươm trắng mộng
Đôi tà áo bướm rất tung tăng
Hỡi cô thiếu nữ thời mới lớn
Cô đã mộng gì, hẳn đẹp chăng?
 
Cặp sách vẫn theo cùng với nhỏ
Những ngày tháng ấy đẹp như mây
Như mắt như môi em mọng đỏ
Điểm tô thời tuổi đẹp thơ ngây
 
Cứ nghĩ tháng ngày êm êm mãi
Thiên đường của nhỏ chẳng trôi xa
Nhưng một ngày kia trời bắt tội
Ai đã làm nên trận phong ba?
 
Tôi thành kẻ lưu đày viễn xứ
Lên rừng đẵn gỗ núi non ngàn
Nhỏ hết học trò, quên ngôn ngữ
Chợ đời nếm trải những gian nan...
 
Tôi về một buổi thân tàn dại
Gặp lại nhau cùng ngắm xác xơ
Nhưng vui nhỏ vẫn là cô gái
Của những ngày xưa tôi ước mơ
 
Bây giờ lại một mùa thu nữa
Nhớ nhỏ ngày xưa má đỏ hây
Em giờ tóc trắng thay cho áo
Mà vẫn làm tim tôi ngất ngây...
 
Hỡi nhỏ dẫu là bao nhiêu tuổi
Vẫn xin nhỏ mãi trong hồn tôi
Vẫn cô thiếu nữ thời mới lớn
Và chúng mình vẫn mãi lứa đôi...
 
TTNM
29.7.2022 

TRANH TRƯƠNG VŨ

HỒI SINH 2
Acrylic trên bố, 48” x 36”
thực hiện tháng 9 năm 2022.

 

Saturday, September 24, 2022

BỨC TRANH… VÀ MƯA

nguyễnxuânthiệp

Bức tranh. Đinh Cường
 
BC TRANH
 
bức tranh
vẽ
một con chim
chết. treo ngoài cửa sổ
tôi ngồi nhìn
chiều. có tiếng chuông leng keng
a. dường như. chiếc ô tô ray của năm nào giữa thế kỷ vừa qua
dừng bên bờ sông vắng
ngọn đèn vàng. đong đưa. soi vừa đủ một vuông sân. ga xép
em còn chờ tôi
và mảnh trăng. gầy ốm
trên cánh đồng của chúng ta. bây giờ. cho dẫu chỉ còn những cánh môi khô
 
dường như. ở đâu đó
mặt trời. có lẽ chỉ là ảo ảnh. còn cháy trên cánh buồm rách. của con tàu nằm bệnh bao năm
và người thi sĩ ấy, đi trong chiều. của tóc và gió bay
tiếng bước. trên đường lá rụng. còn vang
 
có những bàn tay. như lá. vẫy nhau
và những đôi mắt. vẫn nhìn. qua hoàng hôn. để thấy được bóng ngày xưa
vậy cho dẫu sáng mai tôi phải xa thành phố này
xa ngôi nhà và khung cửa. với con chim chết khô
thì ở đâu đó vẫn còn tiếng chuông tàu điện leng keng
ánh đèn vàng. vẫn soi. một góc sân ga
và trên cánh đồng vẫn có một mặt trời. như trên cánh buồm của lermontov
và ở nơi nào đó. em còn đứng chờ tôi. với mảnh trăng gầy. ốm
 
cánh cửa sẽ không bao giờ đóng lại
 
 
… VÀ MƯA
 
mưa
những cuộc tình mù
trong thơ tôi
thoảng mùi hương. bão tố
 
chợt nhớ lại
những ngọn nến trong mưa
ở woodstock ngày nào
cách nay đã năm mươi năm
khi melanie safka
hát
candles in the rain
chúng ta quá gần nhau
không khoảng cách
máu chúng ta, cùng hòa chung. trong một vết thương
hãy đưa cao. những ngọn nến. trong mưa
hippie. ma túy. bùn lầy. tự do. hơi thở. và hòa bình
bức tranh siêu thực
 
và mưa
em có cùng tôi. đi trong mưa
cuộc tình mù. không ngọn nến
 
Mùa thu 2019
NXT
 
 
Melanie Safka
Candles in the rain

THÁNG CHIN. CÓ MỘT VẦNG TRĂNG ĐI TRONG MƯA

nguyễnxuânthiệp
 
Trăng trong mưa
 
Có một vầng trăng đi trong mưa…
   Câu thơ này trong bài Ánh Trăng của Nguyễn viết trong một đêm tháng 9 mưa bão ở trại tù Cẩm Nhân – Yên Bái. Cùng trại với Nguyễn hồi đó còn có Tô Thùy Yên, Huy Phương và Lâm Chương. Trong đêm ấy Nguyễn chợt nhìn thấy qua bức màn của nước và những luống gió một mặt trăng xanh nhợt nhạt như hình một hành nhân mặc áo tơi nón lá đi trong mưa. Về sau, khi ra khỏi trại tù về lại Sài Gòn được đọc thơ Thanh Tâm Tuyền -Thơ Ở Đâu Xa viết trong những ngày ở Sơn La (?) cũng tả một mặt trăng thật lạ và đẹp: Một đóa trăng tàn lẩn lút bay... Đêm nay ở thành phố Garland này, thức dậy vào lúc 2 giờ sáng trong cơn bão Ike đang kéo qua Texas, qua cửa sổ, Nguyễn lại được nhìn thấy vầng trăng ngày nọ.
   Có một vầng trăng đi trong mưa... Vâng, đúng vậy. Qua cửa sổ, ngoài trời đầy mưa và gió, vậy mà vầng trăng vẫn lướt qua bầu trời, khiến lòng này rợn lên bao ý nghĩ và cảm xúc. A, cái vẻ đẹp dị thường của nghệ thuật. Cái mà nhà văn Nam Cao không nhìn thấy nên đã lên án nó: Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối... Không, thưa nhà văn, ánh trăng này không lừa dối ai cả mà nó dẫn đường cho mắt ta đi vào thực tại. Vâng, hẹn một lúc khác sẽ thưa chuyện thêm với nhà văn.
   Bây giờ xin trở lại với câu thơ ‘Có một vầng trăng đi trong mưa’. Câu thơ nằm trong đoạn sau đây của bài Ánh Trăng. Xin mời đọc lại:
 
ôi. những vầng trăng thời biệt xứ
trôi trong tâm thức. một dòng khuya
ta nghe nước khỏa bờ lau dại
có một vầng trăng đi trong mưa
có một vầng trăng hư. mọc muộn
tóc ai còn vướng cánh đồng mua
khi trăng theo con đường đất đỏ
bước cheo leo. khúc khuỷu. ngựa thồ
ta thấy trăng soi đầm nước rộng
mùa thu. mùa thu. im cành trơ
đêm tù. bạn đọc thơ đầu núi
tưởng chim rừng động ánh trăng xưa
gió mùa thổi lộng trên miền bắc
trăng rét căm căm. vệt sáng mờ
ta thấy vầng trăng quầng khóe mắt
chiêm khê. mùa thối. cánh đồng thưa
trăng nghiêng xuống xóm làng dịch t
qua gò trâu. giọng gió ru hờ
vầng trăng nào đứng trên đầu dốc
dậy tiếng tù đóng ván giữa khuya
một thuở trăng qua miền động đất
ngời ngời muôn sợi thủy ngân sa
nhìn qua đất rạn ta còn thấy
mảnh trăng trên đồi golgotha
 
Ôi, vầng trăng đi trong mưa… của một thời oan khốc. Ta thấy đó. Có bờ lau dại. Có cánh đồng hoa mua còn vướng tóc của người bạn tù chết chôn ở đó. Có những con dốc màu đất đỏ quanh co với bóng ngựa thồ. Có những cánh đồng của thời đói kém chiêm khê mùa thối. Có xóm làng trong cơn dịch tễ gió thổi bùng qua gò trâu. Có bóng những người tù trong đêm cưa gỗ xẻ ván đóng quan tài cho bạn vừa nằm xuống. Và có ngọn đồi Golgotha với thập tự giá khi Chúa bị đóng đinh… Có biết bao là u khốc khiến sử thi phải ghi lại bằng máu và nước mắt.
Có nhiều lắm. Không như mảnh trăng của thời ở Vương Phủ khi chia tay người yêu ‘xa nhau. mùa thu. mưa trong trăng’. Hay như trăng trong mưa nhìn thấy khuya nay trong khu vườn trụi lá khi Nguyễn cùng gia đình đã định cư yên ổn trên vùng đất bao dung này.
 
Vậy đó. Tháng chin. Có một vầng trăng đi trong mưa…
NXT

 

Tuesday, September 20, 2022

NHỚ THƯƠNG CẬU HỐI

Trần Yên Hòa
 
Họa sĩ Vũ Hối
 
   Thật ra, tôi và họa sĩ Vũ Hối không có bà con máu mủ gì. Nhưng mà đã từ lâu, từ thuở còn bé, khoảng 8, 9 tuổi gì đó, tôi đã gọi ông là cậu Hối rồi. Nguyên nhân là: Vũ Hối quê ở làng Dương Đàn (quê tôi gọi là Diên Đàn), tên xã hồi VNCH là Kỳ Long, Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông có người chị lớn lấy chồng về quê tôi, bà là vợ ông Trịnh Tường, một giáo viên tiểu học. Nhà ông Trịnh Tường và nhà tôi gần nhau, cho nên con trai ông Trịnh Tường là Trịnh Tộ, bạn thân của tôi, thường gọi ông là cậu Hối, nên tôi bắt chước gọi theo.
    Tôi biết tên Vũ Hối từ ngày đó.
    Cũng những năm tôi được 14, 15 tuổi, một hôm, Trịnh Tộ đem đến khoe với tôi một cuốn Thế Giới Tự Do, trong đó có đăng hình ông Vũ Hối. Ông được đi thăm nước Mỹ, được mời vào tòa Bạch Ốc để vẽ hình cho tổng thống Kenedy. Tôi thấy điều đó thật hãnh diện. Cầm tờ báo Thế Giới Tự Do trên tay, nhìn ông Vũ Hối bận đồ đẹp, lịch sự, đứng bên mấy bức tranh của ông được giải thưởng, tôi thấy nễ trong bụng quá.
    Thời gian như nước chảy qua cầu, thời cuộc cũng xoay chuyển, 30-4- 75 đến làm thay đổi bao nhiêu cuộc đời. Tôi vào tù vì tội sĩ quan chế độ cũ, còn họa sĩ Vũ Hối cũng vào tù vì tội văn nghệ sĩ phản động. Sau này qua Mỹ, gặp ông Vũ Hối, nghe ông nói đã bị cai tù đánh hư một con mắt, và ông được hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc bảo trợ ông qua Mỹ.
    Khoảng 2001, tôi có viết một hồi ức có tên là "Ký Ức Mẹ, Đi Về Phía Hoàng Hôn" đăng sâu rộng trên các báo Việt Ngữ ở Mỹ, sau đó được trích đăng trong nhiều tờ báo ở Úc, Pháp... trong đó có đoạn như sau:
    "Trong những ngày phát động chiến dịch cải cách ruộng đất, tôi luôn nhớ những đêm tối có những tiếng loa vang vang khắp thôn xóm. Tiếng loa thông báo hôm nay có đấu tố tên địa chủ nào, ở đâu, và kêu gọi đồng bào đi tham dự đấu tố. Tôi còn nhớ hai lần mẹ tôi đã đi. Mẹ tôi bỏ hai ngày làm ruộng cùng dân chúng trong xã lên đến tận xã Kỳ Long, nơi có cuộc đấu tố ông Vũ Ấn, được gọi là “tên địa chủ ác ôn” (ông Vũ Ấn là cha giáo sư Vũ Ký và họa sĩ Vũ Hối) và cuộc xử tử ông Hồ Đệ, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng."
    Không biết ông Vũ Hối đã đọc bài đó ở báo nào nên có cảm tình với tôi. Sau đó, họa sĩ Vũ Hối từ tiểu bang Maryland gọi điện thoại cho tôi, tôi  gọi ông bằng cậu, như người cậu ruột thịt của mình vậy, và ông cũng xưng là cậu với tôi.
    Dù nói chuyện qua điện thoại, tôi cũng có nhận xét là giọng nói của ông nhẹ nhàng. Trong lần nói chuyện đầu tiên, tôi đã có cảm tình vì nghĩ ông rất hiền, vui vẻ, cởi mở.
    Sau đó mấy tháng, họa sĩ Vũ Hối có dịp qua Cali, tham dự họp đồng hương Quảng Nam, hay ra mắt sách, triển lãm thư họa gì đó. Ông gọi điện thoại cho tôi và trong một buổi sáng đẹp trời ở Nam Cali, tôi đến đón họa sĩ từ nhà người bà con ông ở, rồi đưa ông đi ăn phở, uống cà phê, tâm sự.
    Đối diện với một họa sĩ mà tôi đã phục, đã mến yêu từ thuở thiếu thời, đến bây giờ cũng mấy mươi năm sau, gặp ông bằng xương bằng thịt, tôi vô cùng sung sướng và cảm động.
 
Thư họa Vũ Hối
 
Tiểu sử ông được tóm gọn như sau:
"Vũ Hối là một họa sĩ nổi tiếng khắp nước, ông đã là một tên tuổi lớn của nền văn học nghệ thuật nước nhà và quốc tế. Ông được mời vẽ chân dung tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy, vẽ chân dung Đại tướng Creighton W. Abrams. Đã nhận Giải Khôi Nguyên Hội Họa Quốc Tế năm 1963 tại Hoa Kỳ. Sáng lập trường phái Luân Vũ Họa (Paintings In Motion) và Thư Họa (Handwriting Painting).
Tên tuổi của Vũ Hối cũng đã đi vào Bách Khoa Tự Điển Larousse, bộ tự điển nổi danh nhất của Pháp và thế giới
Có tên trong Văn Học Tự Điển thời Việt Nam Cộng Hòa."
(theo Đằng Giao, báo Người Việt)
 
    Thế mà khi ông ngồi trên xe tôi chở đi, ông nói chuyện giọng Quảng Nam đã pha giọng nam, rất hiền hòa, từ tốn và luôn luôn xưng cậu với tôi. Ông biết nhà tôi ở Quán Rường, biết mẹ tôi là bà Khiêm, biết cha tôi là ông Khái, nhà có bức tường bằng quánh bao quanh, mỗi khi ông từ Diên Đàn xuống thăm người chị ruột ở gần nhà tôi... Ôi, chuyện ở quê, chuyện ngày tháng cũ... hai cậu cháu ngồi cà phê nói hết không hết lời.
     Rồi cậu Hối về lại Maryland, cậu lại điện thoại qua cho tôi, nói tôi gởi bài Ký "Ức Mẹ - Đi về phía hoàng hôn" cho cậu, để ông gởi đăng báo bên đó. Tôi về gởi cho cậu liền, sau đó cậu gởi tôi tờ báo Kỷ Nguyên Mới, có đăng bài đó của tôi.
 
Trần Yên Hòa & Vũ Hối
 
     Trong thời gian 15 năm, khi cậu còn khỏe, cậu đã đi qua Cali khoảng trên dưới 10 lần, lần nào tôi cũng được gặp cậu. Khi cậu đến nơi là ông gọi cho tôi, cậu Hối đây, cậu mới qua hồi hôm, con đến chở cậu đi uống cà phê nhe. Thế là tôi liền lên xe đi chở ông đi uống cà phê...đều đều như vậy. Trong đó có 2 lần tôi chở ông về nhà tôi "nhậu" chơi. Một lần tôi có mời nhà văn Phạm Phú Minh và nhà thơ Thành Tôn cùng dự... Buổi họp mặt rất vui vẻ, thắm đượm tình văn nghệ và đồng hương.
 
     Qua những lúc không có ông, tôi thường lục tìm đọc lại những tác phẩm  của ông. Những bài thơ ông đã viết, những hoạ phẩm ông đã triển lãm, những bức thư họa ông viết được treo trên tường, trên liễn, trên đĩa sứ, khắp nơi.
     Có lẽ đã từ lâu, tôi ảnh hưởng của thơ mới, giọng thơ, lời thơ, ngôn ngữ thơ của các nhà thơ mới... Nên tôi chỉ cảm nhận thơ Vũ Hối nhìn về khía cạnh ý nghĩa và văn phong, rất hiền hòa, nhẹ nhàng, thật thà.
   Ví dụ như bài:
 
MEN CHIỀU CALI
 
Vẽ cả trong tranh khung trời lộng gió
Vẽ cả men tình, một độ lên ngôi
Nâng niu ta vẽ cành hoa Nhân Ái
Những đóa hoa cười, nở mãi trên môi!
 
Nắn nót tình thơ, khung trời lộng gió
Mười ngón tay hoa, vướng nhạc bỗng trầm…
Ta về đâu ướp lạnh miền Đông Bắc
Nhớ Cali, từng vạt nắng hanh vàng
 
E ấp hành trang: men chiều kỷ niệm
Phong kín gửi người: nỗi chứa chan!
Vẽ người thương, giữa khung trời lộng gió,
Vẽ mình ta, ngồi đếm nỗi cô liêu
 
Vẽ cánh chim rừng, một trời lạc xứ
Cali ơi! Xin gởi nồng ấm men chiều!
(từ báo Người Việt)
 
     Về hội họa và thư pháp cũng vậy, tôi đã xem những bức tranh chụp lại của Vũ Hối như Mộng Hòa Bình vẽ những con chim bồ câu bay lên từ tay một thiếu nữ. Bức tranh vẽ  bút pháp nhẹ nhàng, không cầu kỳ khó hiểu. Về Thư pháp có nét chữ lạ, có sắc thái riêng.
     Như vậy, với Vũ Hối, một tâm hồn bình dị, nhẹ nhàng, hiền hòa, hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng, nên ông đã thu hút cảm tình của nhiều người, nhất là cộng đồng Quảng Nam ở khắp nơi. Những người đồng hương từ già đến trẻ, từ những bạn thuộc lớp Văn Học Nghệ Thuật hay không, ông đều vui vẻ tiếp chuyện, thăm hỏi ân cần, chụp hình kỷ niệm. Cho nên tôi rất không ngạc nhiên khi thấy những bạn tôi ở khắp mọi nơi, như San Jose, Texas, Maryland, nam Cali, khi họa sĩ Vũ Hối mất, họ đã post lên trên FaceBook nhiều hình chụp với ông để tiếc thương và có những lời lẽ cảm tình nồng hậu.
 
Nhân Sĩ Quảng Nam
    Gia đình họa sĩ Vũ Hối là một gia đình theo Việt Nam Quốc Dân Đảng từ lâu, và trên bước đường đấu tranh cho một Việt Nam - Dân Tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc - gia đình ông đã bị cộng sản giết một số anh em, (đâu khoảng bảy, tám người). Đường lối đấu tranh của ông là một đường lối đấu tranh ôn hòa nhưng bất khuất. Họa sĩ Vũ Hối, một đời hoạt động văn hóa, để lại một gia tài thơ văn, hội họa, thư họa...cho bà con cùng quê, cho cộng đồng. Ông chưa làm hội trưởng một hội đồng hương ở địa phương nào cả, nhưng nói đến ông, ai cũng biết, ai cũng quí mến ông, yêu thương ông, kính nễ ông.
     Tôi nghĩ con người sống trên đời rồi sẽ mất đi, nhưng ông đã để lại tiếng tốt, tiếng thơm cho hậu thế. Ông xứng đáng được gọi là Nhân Sĩ Quảng Nam.
 
Gặp cậu lần cuối.
    Cách đây khoảng hơn 5 năm, cậu từ Maryland qua Nam Cali. Cậu đến nơi là điện thoại cho tôi ngay. Tôi cũng tới nhà cậu ở đón cậu đi uống cà phê như thường lệ. Cậu nói cậu sang để ra mắt tập sách 60 năm Văn Học Nghệ Thuật Vũ Hối. Buổi ra mắt sách tại Viện Việt Học ngày...giờ.. Và mời tôi tham dự.
   Tôi nói với cậu tôi sẽ tham dự.
 
     Đến giờ hẹn, tôi đến Viện Việt Học, thì thấy cửa phòng sinh hoạt đóng im ỉm, không có một bóng người. Tôi bèn gọi điện thoại cho cậu thì điện thoại không liên lạc được. Đành chịu. Từ đó, tôi không liên lạc được với cậu nữa.
     Đến năm 2018, tôi có dịp đi chơi ở Mayrland, nhân cơ hội này, tôi quyết tâm đi tìm thăm cậu. Tôi rủ nhà văn Nguyễn Đình Từ Lam (đang ở Maryland) cùng đến thăm cậu theo địa chỉ của cậu cho mỗi khi tôi gởi sách báo qua cho cậu. Đến nơi, nhà cậu của là một người khác, dò hỏi thì cậu đã dời đi, không ai biết địa chỉ mới. Thế là tôi không gặp cậu nữa rồi.
      Rồi đến nay, được tin cậu mất (lúc 5 giờ 15 phút ngày 19/08/2022, tại Maryland), lòng tôi với bao thương tiếc không nguôi.
 
     Xin vĩnh biệt cậu. Chúc cậu sớm về Cõi Phật.
     Thương Tiếc Họa sĩ Vũ Hối, một tài hoa Quảng Nam, một nhân sĩ Quảng Nam, đúng nghĩa.
 
TRẦN YÊN HÒA
 

Sunday, September 18, 2022

ĐỌNG LẠI. PHÍA MI MẮT

Hoàng Xuân Sơn
 
Ekaterina Grigorleva

Không phải là nước mắt
lệ đã khô lâu rồi
một ai đã từng hát
[như thế ]
 
Chiếc mùi soa thời tình
không còn ai nhớ lấy
những tay áo quẹt ngang
những lằn mắt sưng tấy
 
Thời đại của đa dụng
giấy lau rồi bỏ đi
những chuyện tình quên đi
những người tình bỏ đi
 
Chữ không còn lồng nhau
những cái tên bứt lìa
chiếc khăn mầu phóng xạ
 
Cái gì còn đọng lại
trên mi mắt bồi hồi
ôi chỉ là hạt bụi
của một thời man khai
 
)(
 
H O À N G  X U Â N  S Ơ N
7.9.22 

TỪ ĐỒI CAO

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
 
Đà Lạt

   Hà trở về cao nguyên. Trở về! Nghe xúc động. Thật ra thì chuyến “trở về” này không đơn giản chút nào. Nói đó là một chuyến “ra đi” cũng đúng, bởi Hà rời nhà mà đi. Xa Sài Gòn thì khó trở lại, vì nói nôm na là phải “cắt hộ khẩu” để đi nhận việc. Ai cũng phải vậy. Nghe kỳ kỳ!
 
    Hãy ngắm những con đường! Mới có ba năm, mà đường sá nay lởm chởm mấp mô, chứng tỏ không hề có sự tu sửa. Xe thường xuyên xóc mạnh. Hành khách trên xe, đa số là phụ nữ, hầu như đã quen với tình trạng này. Có người ngủ gà ngủ gật, có người nhìn ra cửa sổ. Người họ nẩy lên sau mỗi lần xóc. Hà thì không dám ngủ. Ai đó có lần nói đi xe đò không nên ngủ, lỡ “có gì” mình còn biết bám lấy cái thành ghế cũng yên tâm. Mải nghĩ đến sự an toàn, Hà quên mất những giọt nước mắt đã khô, rơi lúc xe lăn bánh, thấy thương nhà, thương mình mà khóc.
   Này đây những ngôi chùa, những ngôi nhà thờ cũ kỹ rêu phong, thuở bé mình đã từng ngồi xe đếm mê mải trên chặng đường dài. Này đây những ngôi trường tiêu điều như đã cũ trăm năm. Nhưng có những cái mới, đó là các trạm thuế vụ. Xe nào đi ngang cũng đều phải dừng lại để kiểm soát. Mấy người phụ nữ trên xe hớt hải bước xuống năn nỉ nhân viên trong trạm, xin cho qua trót lọt mấy giỏ gạo, trà hay cà phê, miếng sống của gia đình họ.
 
    Rồi có một lúc Hà ngủ thiếp đi, không biết bao lâu, nhưng khi mở mắt ra đã thấy ánh nắng loang loáng chiếu xiên trên cây lá hai bên đường. Trời đã chiều. Và kìa, Đà Lạt của mình hiện ra, quen thuộc, cảm động quá!
    Xe vào bến. Hà chỉ có hai cái va-li. Còn đa số những hành khách kia đùm đề hàng hóa. Hà mỉm cười, vui lây với họ. Hà nghe người quen kể lại, có khi chẳng lời lãi gì, mà còn mất tiền khi qua các trạm. Nhưng người nọ rủ người kia, “đi buôn” trở thành một cái “mốt” trong thời buổi này.
    Hà không phải đợi lâu, một chiếc xe đã tới đón Hà. Hà nhận ra ngay vì xe mang chữ “Viện A.” Người tài xế chào hỏi và bảo Hà lên ngồi ghế cạnh ông. Thấy Hà nhìn quanh lòng xe, ông cười:
    “Xin lỗi cô Hà, hôm nay xe Viện đi công tác hết, nên tôi phải đón cô bằng xe này.”
    “Dạ, xe dùng làm gì vậy thưa chú?”
    “Thường ngày thì chở thức ăn của súc vật thí nghiệm, có khi chở cả thỏ.”
    Hà cười thú vị:
    “Ô, hay quá! Cám ơn chú. Xin lỗi chú, nghe giọng của chú, phải chú người Đà Lạt không ạ?”
    “Phải. Tôi làm ở viện này từ hơn hai mươi năm cô ạ.”
    “Dạ, quý hóa quá! Cháu tên Hà ạ.”
    “Vâng, tôi biết. Còn tôi là Hưu. Về hưu đó cô!”
    “Chú Hưu.”
 
    Hà ngoái đầu nhìn một lần nữa phía sau xe. Chao ôi, nào cà rốt, nào rau, nào đậu, nào thóc! Mình sẽ có dịp ngắm mấy con thú đáng yêu thôi!
    Viện A nằm trên đỉnh một ngọn đồi. Sinh quán của mình ở đây nhưng Hà chưa bao giờ tìm hiểu ngọn đồi nào cao nhất Đà Lạt. Chỉ thấy ngay bây giờ mình đang ở một ngọn đồi cao và đẹp. Đẹp có lẽ phần lớn nhờ viện nghiên cứu này, màu vôi vàng nhạt, kiến trúc trang trọng như một tòa lâu đài thu nhỏ.
    Đã sau giờ tan sở nên khuôn viên của Viện vắng lặng. Chú Hưu đưa Hà đến trước cửa văn phòng rồi chào từ giã. Chỉ có một anh bảo vệ tiếp Hà.
    “Chào cô Hà, tôi là Trung. Cô cứ vào nhà ăn, đã có cơm trong bếp, cô tự nhiên ăn nhé! Sau đó cô về nhà tập thể nghỉ, sẽ có cô Lê tiếp cô.”
     Trung trao cho Hà sơ đồ những nơi cần đến rồi cũng chào tạm biệt. Hà hơi ngạc nhiên nhưng thấy vui vui. Có lẽ con người Đà Lạt là vậy. Nghĩ thế rồi Hà nhớ lại giọng nói của Trung. Hình như anh không phải người Đà Lạt. Thôi không sao. Đói bụng quá rồi! Hà xách cả va-li vào nhà ăn. Không có ai cả. Cứ theo lời Trung mà làm. Nhà bếp đây! Trên dãy lò lớn, thấy ngay một nồi cơm và một chảo đồ xào. Có lẽ trước mình đã có người ăn tại nhà ăn này. Cơm là cơm độn ba phần bo bo. Còn đồ xào là su su. Bây giờ bước vào đời sống tập thể rồi! Phải tập vậy! Hà thấy mình cũng tự nhiên lấy thức ăn vào chén bát, ra ngồi ở bàn ăn, bắt đầu thưởng thức bữa cơm xa nhà đầu tiên. Trời lạnh, cơm cứng lại, khó nhai. Hạt bo bo càng cứng như đá. Chỉ có su xào dễ ăn, nhưng nhạt xèo. Chợt nhớ những bữa cơm ở nhà, tuy cũng ăn độn – khi thì bắp, lúc thì bo bo hay khoai lang, khoai mì, nhưng ít ra mẹ cũng có làm một món đồ kho.    Bỗng nhiên nhớ quá sáng nay lúc Hà ra đi, mẹ Hà nghẹn ngào dặn Hà giữ sức khỏe. Con gái lớn đi xa mẹ, chỉ có hai đứa em trai ở nhà. Hà nói sẽ cố gắng xin nghỉ phép để về thăm nhà.
   
    Nhà tập thể ở ngay sau lưng Viện, tên gọi như vậy nhưng thật ra là một biệt thự, cũng với kiến trúc kiểu Pháp, rất dễ thương. Hà dễ dàng tìm gặp chị Lê, bác sĩ từ Sài Gòn. Hai người làm quen với nhau ngay. Chị Lê sắp xếp cho Hà ở cùng phòng với chị.
    “Mình lên đây hồi tháng trước. Tụi mình là nhóm sinh viên đầu tiên vào Viện đó Hà! Sau này sẽ có thêm vài anh chị em từ các nơi khác. Trước đây Viện chỉ có nhân viên tại chỗ, đa số là người dân ở Đà Lạt này. Hà sẽ có dịp làm quen với mọi người. À, giám đốc nhờ mình báo cho Hà là ngày đầu tiên Hà được nghỉ cho lại sức, không phải vào Viện. Hà muốn đi đâu thì đi nhé! Cần gì thì mình chỉ đường cho Hà.”
    “Ồ thế hở chị? Vậy em sẽ chạy đi thăm mấy người bà con của em, ở dưới phố. Em biết đường, cám ơn chị.”
    Hà mở va-li, sắp xếp áo quần vào ngăn chiếc tủ nhỏ bên cạnh giường, lẩm bẩm:
“Nhưng em cũng rất nôn nóng muốn được làm việc ngay, chị Lê ạ!”
 
***
     Đêm qua không tròn giấc vì nhớ nhà, sáng sớm Hà bật dậy vì tiếng chim hót. Chị Lê còn ngủ say. Hà rón rén đi ra phòng ngoài, mở cửa sổ nhìn ra. Đà Lạt của mình đây! Những dãy đồi cao ẩn hiện trong sương mù. Đường dốc quanh co thấp thoáng xóm nhà bên dưới. Mình sẽ quen với cảnh tĩnh mịch này thôi!
 
     Hà đi bộ xuống phố. Cảnh vật hai bên đường vẫn không khác gì so với ngày trước. Vẫn những ngôi nhà xây theo kiểu Pháp, đặc trưng của xứ này. Thông xanh, hoa cỏ muôn màu, gợi lên tuổi nhỏ của Hà nơi đây.
    Nhà của cậu ở ngay trung tâm thành phố. Nhưng không còn là tiệm buôn nhộn nhịp trước kia, mà đóng cửa lặng lờ. Cậu đã vào rẫy. Vào rẫy! Nghe lạ tai. Nhưng đó là một cái “nghề” của nhiều người dân Đà Lạt hiện giờ.
    Hà lại đi, đi bộ, tìm lên rẫy của cậu. Đi một chặp lại leo dốc. Con dốc cuối cùng cao ngất ngưởng so với kinh nghiệm ít ỏi của Hà. Lên đến nơi chỉ còn biết thở dốc. Hà tự chế nhạo mình, và nghĩ không biết ai đã đặt ra chữ “thở dốc” nghe hay thật.
    Cậu của Hà kìa! Không còn nhận ra cậu nữa. Lần gần nhất gặp cậu là lúc cậu cùng gia đình “hồi cư” về Đà Lạt sau thời gian “chạy giặc” về Sài Gòn, so với người trước mặt Hà bây giờ là một trời một vực. Cậu ốm o, tiều tụy. Của cải mồ hôi nước mắt lương thiện làm ra đã bị khép vào của “tư sản mại bản” và bị tịch thu sạch. Cậu suy sụp hẳn đi. Cậu như biến thành một người khác. Hà bật khóc, ôm lấy cậu. Cậu cũng khóc, như trút nỗi uất ức.
    Rồi một lát sau, chính cậu lại an ủi Hà:
    “Không sao đâu, cậu đã làm quen với chuyện này rồi! Ba năm rồi cháu ạ! Làm rẫy, ngoài chuyện kiếm cái ăn cho gia đình, còn là một cách giải tỏa nỗi buồn. Cháu coi, cậu đã trồng được nhiều thứ, khoai, bắp, rau, đậu… Thỉnh thoảng còn đào được nấm mối mang về.”
     “Nhưng cậu làm trong rẫy một mình, buồn quá!”
     “Thì mợ phải bán hàng của mợ. Chiều tối cậu lại gánh rau củ về cho cả nhà ăn. Không buồn đâu cháu! Vả lại, cháu biết không, coi hoang vắng vậy chứ thật ra xung quanh đây cũng có lối xóm làm rẫy. Rảnh cậu sẽ dẫn cháu qua thăm họ. Bao giờ cháu đi làm?”
     “Dạ ngày mai.”
     “Vậy cháu lo công việc của mình trước đã. Còn nhiều chuyện để khám phá trên vùng rẫy này. Hôm nay có cháu, cậu cháu mình mang khoai củ về sớm chút. Mọi ngày chiều tối cậu mới về.”
     “Dạ, vậy cháu giúp cậu.”
     “Không sao, cậu gánh hết. Cháu xách không nổi đâu!”
     Hà trố mắt nhìn cậu mang ra một đôi quang gánh. Cậu đã chất sẵn khoai củ đầy hai thúng. Rồi cậu kê vai vào cây đòn gánh. Thân hình còm cõi của cậu oằn xuống. Hà muốn khóc. Cậu nói:
     “Đi cháu!”
     Hà không biết gánh, chỉ việc đi theo cậu.
 
***
    Ngày đi làm đầu tiên của Hà.
    Hà cùng chị Lê đến Viện. Tới cổng, đã có anh Trung ở đó đón Hà. Trung nói:
    “Tôi dẫn cô vào phòng Tổ chức nhé!”
    Trước khi vào phòng Tổ chức, Hà kịp nhìn thấy cảnh các nhân viên đến làm việc. Phần đông họ đi bộ, một số người đi xe đạp, chỉ có rất ít xe gắn máy. Và họ cũng kịp nhìn ra Hà là người mới. Những ánh mắt thiện cảm. Hà có ngay trong đầu ý nghĩ: người Đà Lạt!
     Sau phần chào hỏi, ông Đậu, trưởng phòng Tổ chức nói với Hà:
    “Để nhanh gọn, tôi xin nói lịch trình làm việc dành cho cô. Tuần đầu tiên là lao động, tuần kế tiếp là bắt đầu làm chuyên môn, cô sẽ được phân về phòng X. Ở đó có người hướng dẫn cho cô.”
Hà thắc mắc:
     “Dạ… tuần lao động là sao ạ?”
     “À, đó là tuần làm việc ở rẫy của Viện. Viện có một khu đất ở Trại Mát, làm khu canh tác “đời sống” cho nhân viên. Mọi người luân phiên tới đó lao động cuối tuần. Riêng các anh chị mới ra trường về làm việc, sẽ được dành hẳn một tuần để làm lao động.”
    “Dạ, vậy lao động gồm những việc gì thưa ông?”
    Ông Đậu nhướng mắt tỏ vẻ lạ lùng:
    “Ủa, cô không hiểu? Lao động ở rẫy thì là cuốc đất, gieo hạt, tưới nước, thu hoạch.”
    “Dạ, tôi đã hiểu ạ.”
    “Tốt! Vậy cô sẽ chờ nhận dụng cụ nhé! À này, hôm nay cô về nhớ làm bản lý lịch, ngày mai nộp cho tôi nhé!”
     Trong lúc chờ Trung đi lấy dụng cụ, Hà dõi mắt nhìn những dãy phòng cửa kính đóng im lìm, tưởng tượng ra khung cảnh làm việc bận rộn bên trong. Chao ôi, mình vẫn chưa được hòa vào đó. Một tuần lao động! Nghe lạ tai quá, nhưng là chuyện thật!
    “Cô Hà có quần áo gọn gàng để mặc đi lao động không?”
    “Dạ có, quần jeans áo thun được không ạ?”
    “Ứ ừ… thôi cũng được. Cô nhớ mang giày ba-ta. Đất đỏ dữ lắm! Và nhớ đừng mặc quần ống loe nhé!”
    Hà bật cười:
    “Dạ không có đâu!”
    “Vậy cô nhận cái này, ngày mai bắt đầu nhé!”
     Dụng cụ là một cây cuốc, kèm theo là chiếc nón lá.
     Buổi chiều chị Lê tan sở, gặp lại Hà. Nghe kể chuyện Hà trình diện sáng nay, chị Lê lắc đầu:
    “Mình quên nói với Hà, mình cũng đã trải qua một tuần lao động rồi mới nhận việc chuyên môn. Nghe lạ phải không? Nhưng thôi, cái gì cũng sẽ qua hết.”
     “Em biết. Em không nệ hà. Chính khi đi thăm cậu của em trên rẫy, em cũng muốn làm được để phụ giúp cậu. Nhưng một tuần lao động ở đây thì… em không hiểu mấy. Nó có giúp ích gì cho việc chuyên môn không?”
    Chị Lê nhún vai:
    “Không giúp gì hết. Có điều là mình không thể suy đoán theo cách nghĩ trước đây, mà phải nghĩ theo cách của họ.”
    “Của họ?”
    “Họ, không phải chỉ là ông Đậu hay anh Trung. Cũng không phải chỉ là bà quyền viện trưởng. À, Hà sẽ không gặp bà trong thời gian này đâu, vì bà được cử đi học.”
    “Bà đi học ạ? Chắc bà giỏi lắm? Mà… sao chỉ là quyền viện trưởng?”
    “Bà ấy làm tạm, sau này sẽ có viện trưởng khác. Nghe mấy người kể, lúc tiếp quản, bà ấy ở “Rờ” ra. Bây giờ có tạm đủ người giúp rồi, bà được đi học.”
    “Vậy bà học ở đâu hở chị?”
    “Bổ túc văn hóa. Bà ấy có trình độ lớp Ba.”
 
    Những ngọn đồi còn lãng đãng trong trí nhớ tuổi nhỏ, ngày xưa Hà chỉ đi qua, bây giờ được ghé lại. Trời đã tan sương. Xe Viện, lần này là chiếc xe chở người, không phải xe chở thức ăn thỏ, đưa Hà và một người khác, chị Hai, lên đó. Chị Hai tự giới thiệu là nhân viên văn thư.
    “Chị Hai, em sẽ làm gì đây?”
    Chị Hai có nụ cười rất hiền, nói:
    “Mình cùng làm, cô Hà ạ! Hôm nay mình cuốc đất để chuẩn bị trồng khoai.”
    Xem ra cũng đơn giản lắm, Hà cuốc nhát đầu tiên. Nghe tiếng chị Hai cười khúc khích, Hà lúng túng.
    “Không phải vậy, cô Hà! Cầm cuốc như vầy mới đúng, rồi đứng như vầy nè! Đứng như cô Hà, tối về sẽ đau lưng.”
    Hóa ra không đơn giản! Chị Hai làm mẫu cho Hà xem, và nói đùa:
    “Cô Hà cẩn thận, đừng cuốc vô chân.”
    “Dạ, em sẽ cố gắng không cuốc vô chân.”
    “Tôi có chuẩn bị cơm trưa cho hai người. Mình ăn xong, làm thêm một chút nữa rồi được đón về. Hôm nay mình được đi xe. Có lúc tụi tôi phải đi bộ, mất hai tiếng.”
    “Nhân viên của Viện cũng làm lao động hở chị Hai?”
    “Đúng rồi cô! Mỗi tuần mình làm lao động một ngày, tính vào ngày công. Nhưng các anh chị mới ra trường được phân công về thì làm liên tục một tuần, mình thấy thương quá! Nói thật, nhiều người trước giờ chỉ biết đi học, làm gì biết cày cuốc! Tụi mình nhờ nhà có vườn nên còn biết chút ít, nhưng cũng không bằng những người làm rẫy chuyên môn.”
    “Dạ. Chắc sau này tụi em cũng sẽ làm lao động mỗi tuần một ngày ha chị!”
    “Đúng rồi! Họ gọi là “làm đời sống” đó cô Hà! Mình có đất thì trồng khoai trồng bắp. Có nơi còn nuôi heo nữa đó, nhất là ở thành phố, mình nghe kể vậy.”
    Rồi chị Hai cười hóm hỉnh. Hà thấy mến chị. Chị còn giữ một chút nét hồng hào của người phụ nữ Đà Lạt trên đôi má đầy đặn. Buổi trưa, nghỉ tay, lấy cơm ra ăn, hai chị em ngồi dưới bóng mát của một cây bơ. Chị Hai đã chuẩn bị cho Hà một lon “gô” cơm nấu độn với bo bo, cùng một cái trứng luộc. Khá sang trọng!
    Họ làm thêm hai tiếng đồng hồ nữa. Trời tuy mát nhưng nắng rát da, chịu hết nổi. May nhờ có nón lá. Hà thấy mình ngộ nghĩnh, mặc quần jeans đội nón lá, không giống chị Hai mặc quần đen, ra vẻ nông dân thực thụ. Hà nhớ lại vẻ miễn cưỡng của Trung khi chấp nhận Hà mặc jeans. Cũng không lạ, vì Hà đã từng chứng kiến việc các cô giáo bỏ áo dài, mặc quần đen áo ngắn đến lớp dạy học, nếu không muốn bị phê bình. Có lẽ về một mặt nào đó, Hà được chút “ưu tiên” chăng?
    Sẽ qua một tuần lao động, Hà tự nói với mình. Hà sẽ mặc “blouse” trắng, đến phòng thí nghiệm, ra vào tòa nhà khang trang sạch sẽ trên đỉnh ngọn đồi thơ mộng. Nhưng, ôi, Hà cũng bắt đầu có tình cảm với ngọn đồi “lao động” này rồi sao? Cũng như với ngọn đồi rẫy rừng ngất ngưởng của cậu, lên đến nơi mệt gần tắt thở, cảm thấy mặt đất như kéo gần sát lại mặt mình. Có một điều giống nhau, đó là đứng ở ngọn đồi cao nào, nhìn xuống xóm nhà bên dưới, cảm xúc cũng đều lâng lâng lạ kỳ.
    Công lao một ngày “lao động” của mình là cuốc được một mảnh đất nhỏ. Hà buồn cười cho chính mình, nhưng thầm cám ơn chị Hai, hy vọng đêm nay về ngủ không bị đau lưng.
Tháng 8, 2022
CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
 
*Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 100, tháng 9/2022