Sunday, November 3, 2013

TẠP BÚT LƯU NA

mơ màng

 
 
 
Cà phê 10 giờ bữa nay cũng lại rập rình như đã chờ từ lâu lắm, dù chỉ mới gặp nhau chưa kịp quên. Con ghiền sách đi ra đi vào, mỗi lúc một ly cà phê nóng mới xong. Một ổ bánh mì cắt làm ba (ăn đồng chia đủ!!), cái thú chộn rộn lao xao ấy tươi rói như thuở còn thơ được dịp lông bông cùng bè bạn.

Ngồi yên rồi, lại 2 cuốn sách _ Tạp Bút trong bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến, và Mấy Chân Dung Văn Nghệ Hiện Đại của Huỳnh Hữu Ủy. Chuyền tay xem qua mấy bức hình in trong sách, gọi tên người này, nhắc kỷ niệm kia. Con ghiền sách lại nói “sách,” bữa nay qua chuyện keo bao nhiêu độ thì vừa với cái vất vả của Trần Hoài Thư (e cũng là một con nghiện lớn), trầm trồ máy làm sách hai ngàn đô ở con hẻm bên Tây. Qua tới cái chuyện in nhiều và in ít thì hệ quả gì, khác biệt ra sao nơi trang giấy, con ghiền ngớ ngẩn bèn ngớ ngẩn hỏi có phải ông Thành làm nhà in. Cười khà, không (dĩ nhiên là không _ đồ ngớ ngẩn). Không, nhưng vẫn tiếp chuyện khâu sách đóng sách và cũng tiếp luôn chuyện vợ nói rằng “cổ chưa biết là anh vừa khâu sách vừa cười tủm tỉm như đang sướng lắm.”

Con ghiền nhà văn không thua, mơ màng với ca-dê (tệp) giấy mới in một mặt, còn thơm mùi mực còn lóng lánh tân kỳ của trang sách in dở dang chưa một ngón tay chạm tới. Niềm say sưa bừng trên ánh mắt. Con chữ, nó có ma lực gì để lôi những cuộc đời xoay quanh nó như lá khô rụng vần xoay theo gió cuốn? Ông mê chữ nhảy về Việt Nam với “Nhan Sắc” của Dương Nghiễm Mậu bán cả ngàn cuốn ngoài đất Quảng, khi đó ông là sinh viên dạy học trò rằng có một cách nhìn khác về Từ Hải; rồi nhảy qua chữ của Phan Khôi, “tóc gió,” cái chữ tân kỳ ấy đã được Phan Khôi dùng để dịch một bài thơ Đường, dù tóc gió là một hình ảnh nơi quê nhà đất Quảng với những cô con gái tắm nguyên cả quần áo dưới sông và trên đường về nhà thì mái tóc ướt bay lất phất theo chiều gió, nhảy tới chữ “chìa tay” cũng của đất Quảng mang hàm ý ôm ấp yêu thương. Phan Khôi mừng tuổi vợ (bằng Chương Dân thi tập):

Chúc mình mà tớ không mua rượu 
Nhưng vẫn chìa tay mẹ nó, nào! 

Trúng chỗ, con ghiền nhà văn dấn thêm vào: chữ “nào” đó ý nghĩa lắm đấy. ???. Cái đồ ngu ơi, đây này, thơ yết hậu

Sớm tối còn lo việc văn bài
Mỏi cả xương sườn mỏi cả vai
Việc ấy hôm nay thôi gác lại
Mai!

Văn bài gì cái việc lông bông
Mình hãy chìu em một chút, bồng
Cứ hẹn hôm mai rồi lại mốt
Không!!!!!!!!!

Ngủ chung lắm chuyện bực mình sao
Mình muốn yên thân nó cứ gào
Muốn chết thì đây ông cho chết
Nào!

Nào. Nào. Nào. Cười đã lắm, nhưng đã nhất là khi buột miệng tuôn ra một câu thơ đã nấp trong lòng không biết tự thuở nào. Con ghiền sách ngậm ngùi nhớ 9 năm tù đất Bắc. Một buổi, lê lết chặt được 10 cây nứa theo “chỉ tiêu đề ra,” đang ì ạch kéo về thì bị một nhân dân 8 tuổi rượt. Tám tuổi, học trò miền núi đứa nào cũng đeo bên mình một con dao quắm, nó thấy mình thì rút dao ra rượt miệng hô “ngụy, ngụy…” Cải tạo chạy thụt mạng, lôi bó nứa kê trên vai kéo lê sau lưng từ thung lũng băng ngược dốc lên đồi. Chú bé chỉ là rắn mắt nên không dí theo. Ngã xuống được một cội cây thì miệng bật ra câu thơ Tô Thùy Yên ta ngắt một cành sậy, làm cây sáo thổi cạn hồn sầu. Ôi những câu thơ những con chữ, nó đã đưa bao thân xác vào huyệt khô và cũng cứu bao mảnh hồn sầu lúc bị dập vùi… Cà phê bỗng đắng. Điện thoại reo cứu tỉnh mấy con đồng _ “ông ơi, tới giờ đón cháu rồi đó,” “bố đã ăn gì chưa em chờ,” “mua cho mẹ gói xôi.” 

Ba con đồng dạt ba ngả, mơ màng. 

Lưu Na
10/23/2013

 

No comments:

Post a Comment