Thursday, November 28, 2013

TẠP BÚT LƯU NA


Đi chợ
 

                                                
                                                                 Photo: Lưu Na
 
Hôm nay lễ Tạ Ơn, cô đi chợ.  Bãi đậu xe thật là lộn xộn tấp nập, phút nào cũng có một cái xe thắng gấp và một cái xe suýt tông vào xe khác.  Cô biết thân hậu đậu nên tìm chỗ thật xa đậu xe rồi đi bộ vào cho chắc.

Nhưng cô không vào chợ ABC.  Cô chỉ đi về hướng đó vì nghe có tiếng hát oang oang trong không gian.  Trước cửa chợ, mé bên kia của lối lái xe, là một anh tay cầm micro, ngang chân một cái loa.  Anh bắt đầu hát Võ đông Sơ giã biệt Bạch Thu Hà theo tiếng đàn vọng cổ từ cái loa phát ra.  Cô lắng nghe, ngoài tiếng đàn guitar còn có tiếng đàn kìm và song la, như vậy anh cũng công phu thâu 6 câu đàn để ca ra cho ô kê.  Hỡi tứn mã hải mau dề báo hung tin cho người yêu ta được rõ, rằng Dõ Đông Sơ nay (đã) dĩnh biệt Bạch Thu…….Hà, từng từng từng tưng… cô đứng bên này trước cửa chợ, dựa cột xi măng vỗ tay om xòm.  Hát được hai phần ba bài đột nhiên đàn hát ngưng bặt, cô ngơ ngác nhìn sang, anh cười cười nhìn cô lẩm bẩm vào micro xin nghỉ một chút, em mệt góa.  Cô bật cười vang, đi qua bỏ vào ba lô anh 1 đồng.  Anh đã có cỡ vài chục tờ 1 đồng trong ba lô mở rộng, một cách kiếm tiền lương thiện và vui.

Cô bắt đầu thả bộ dọc theo hàng quán.  Trước cửa Hột vịt lộn Long An (có bán kèm nước mía tươi và cà phê sữa đá, báo Người Việt..)  và Liquor store là 2 anh bán bánh tét để trong xe đẩy của chợ.  Bánh tét to bằng bắp chân, nhân mặn nhân ngọt, 8 đồng một đòn.  Cách vài bước là cụ bán rau quả.  Cụ để hàng trong xe đẩy cá nhân để mua bán lặt vặt.  Hàng của cụ là mấy gói xu xu, vài bó rau mồng tơi, đậu phộng nấu gói sẵn từng bịch, và bưởi 3 trái một bao (hình như thứ nào cũng 2 đồng).  Xế qua vài bước trước cửa chè và bánh mì Cali là một sạp nhỏ xếp bằng 4 cái rổ nhựa vuông theo hàng ngang.  Đây là “sạp trái cây tươi” với hồng, thanh long, bưởi, mít.  Bên cạnh, một amigo với xe càng đẩy tay chất đầy mấy thùng cam, dứa, và bơ.  Cô đi thẳng xuống tiệm vịt quay Hảo Vị mua hàng.  Bước thêm vài bước là 2 tiệm trái cây tươi đứng kề nhau, treo bảng “đặc biệt hôm nay chôm chôm 20 đồng một thùng, mận (roi) 7 đồng một pound.”  Trước cửa 2 tiệm là một loạt hoa chậu nhỏ, hoa bó đủ màu rực rỡ - huệ, lay ơn, cẩm chướng, cúc nụ, cúc trắng...  Cô mua bó cúc vạn thọ mầu cam _ 4 đồng, và 2 chậu cúc vàng nâu, 7 đồng.

Đi hết dẫy chợ xổm, tới góc cô quẹo xuống tiệm thức ăn bán sẵn Kim Hương.  Tiệm nhỏ, nhưng bếp to, nấu đủ thứ và bán những món gói sẵn nho nhỏ thôi, không phải ăn một nửa vất một nửa, và tiệm luôn gắng làm vừa ý khách hàng.  Cô mua 5 đồng xôi gấc.

Cô lái xe ra về với mọi thứ cần dùng mà không phải vào chợ. 

Vào nhà, cô đi tìm cái bình đựng nước hình bán nguyệt dẹp cỡ  1 inch, dùng để đựng nước nhúng bánh tráng, rửa sạch làm bình cắm hoa.  Cô bắt đầu rửa cúc vạn thọ.  Hoa bán ở chợ xổm, bùn đất và lá chết còn dính đầy ở gốc, cô phải rửa gần nửa tiếng mới xong.  Nhưng cô thấy sung sướng _ tựa như đất bùn và cái sự nhếch nhác mang cô về lại đất quê xưa, những hôm đi chợ Vườn Chuối chợ Trương Minh Giảng đất ướt lẹp nhẹp cứ phải túm ống quần mắt ngó trước ngó sau sợ té.  Cô cắm cúc vạn thọ vào cái bình hoa “đầy tính sáng tạo nghệ thuật” ấy, và thấy thật hài long! 

Bây giờ cô đi lau bàn thờ.  Hồi mới lên đảo, cô nhớ mọi ngày giỗ và để dành từng đồng bạc được bà dì gửi cho để mua chào cháo quẩy và táo cúng giỗ trên cái thùng cạc tông trong góc lều.  Qua Mỹ vì ở chung nhiều nỗi gian nan cô đành thôi cái chuyện giỗ tết.  Khi Má qua tới, thì giỗ tết cứ là loạn cả lên, đi kèm với xào xáo với ố là la…  cô quit, thôi cứ xuống thẳng địa ngục bằng thang máy chứ chả giỗ tết để được thang chân.  Cô hì hụi lau bàn thờ đầy tàn nhang do Má cắm, và bụi.  Xong cô đặt hai chậu cúc nhỏ cỡ ba tấc lên hai bên, và xuống bếp đơm xôi gấc.  Nấu thì khó chứ đơm thì dễ ẹc, lấy cái tô đựng xôi, nén xuống cho đều cho bằng mặt rồi lật ngược vào dĩa, có ngay hai đĩa xôi tròn trịa tươm tất.  Mỗi bên ba nén nhang, xin lỗi Phật tổ Phật bà và Ông Bà Ba Cậu cái tội lung tung lôi thôi, cô xá như gà mổ thóc rồi ra bếp.

Bây giờ thong thả, cô tu một hớp rượu “13 đồng một chai ở Costco” và mở gói hàng sắp ra dĩa.  Lễ Tạ Ơn, nghĩa là gà tây, khoai tán, bánh bí, và sốt cranberry,… nhưng ớn quá.  Qua tới gà ta quay nướng nhồi hầm, cô cũng muốn khóc.  Hôm nay cô mua nửa con vịt Bắc Kinh với mớ bánh bao không ăn kẹp.  Lẩn thẩn, cô nghĩ may mà lão khọm hàng xóm không có mắt thần chứ nếu biết lão sẽ cười cô lòi cả rún.

Bỗng lão e hèm ngoài ban công bên cạnh.  Mẹ nó cho cái tĩn gà tây to bằng cái chén thì nhậu hết buổi tối cũng chưa xong.  Cô tính xông ra nói cho lão hay, không ai gọi cái phao câu là cái tĩn như tỉn nước mắm, nhưng cô biết khôn lùi lại.  Lão này lắm lời lắm, quờ quạng lão phạng cho một bài 20 ngàn chữ thì bỏ đời.  Cô đóng cửa để bịt tai vào internet.  Cái thư chúc vui ngày lễ được một ông gàn hồi đáp, có ba câu thì cô không hiểu hai, nhưng cô sợ hỏi lại ông sẽ phang thêm cho thì cũng bỏ đời, thôi.  Nhẩn nha, cô nghĩ mình sẽ với chữ qua đại dương thăm một công dân Úc thòi lòi.  Nhưng kịp nghĩ lại, ngày tư ngày tết muốn sống hay muốn thăm cái danh lam thắng cảnh của Thạch Hoàng ở nghĩa trang Peek Family?   

Cô làm dấu, tạ ơn đất trời và người, rồi bắt đầu ăn bữa ăn lạc quẻ. 

Lưu Na
11/28/2013

THƠ NGUYỄN XUÂN THIỆP


Như cây magnolia



                                                         tranh của Justin Clayton


những ngày ấy
có nắng lên trên những chùm bông giấy
có đàn hải âu bay theo bờ sóng
và hàng cọ
hàng cọ. với những tán lá màu vàng. đong đưa dưới trời
chuông xe đạp leng keng
người chạy bộ. và những giấc mơ
trên cánh buồm. la paloma
người ơi
trong căn phòng có mùi bánh nướng. và cà phê
chăn và gối
mặt trăng bên ngoài khung cửa. thức chờ
ôi. cuộc đời. và khổ đau. cơn bệnh. giờ đã quá xa
người đến với người
những ngày ấy sẽ còn mãi mãi
như cây magnolia. trong trí nhớ tôi

NXT

Saturday, November 23, 2013

TRUYỆN NGẮN LƯU NA


bóng tối

 


                                                                 Tranh Amos Imre
 
1.

Mải chơi game, Thái không biết xe đã qua những trạm nào và trạm đang dừng đây là trạm nào.  Người ào xuống chưa hết hẳn đã có chân thò lên len vào.  Thái xuống đại.  Ra khỏi trạm 2 góc đường, Thái đứng trước một club có tượng ba con khỉ nho nhỏ trên vòm cửa ra vào.  Biết chỗ nào rồi.  Thái thẩn thơ dạo phố phường, ghé một tiệm sách.  Ngày thường, tiệm không đông lắm.  Thái đứng lẩn quẩn nhìn những món đồ chơi nho nhỏ bán kèm, như một tiệm chạp phô ở quê nhà.  Đứng lâu lâu, Thái lại đi, rồi lại dừng ở một tiệm khác.  Quanh một góc đường, cờ phướn đủ sắc màu phần phật bay, những lá phướn hình chữ nhật treo dài theo chiều cột vươn cao, vẽ những logo, tranh cảnh, và hoa văn trang trí.  Tuần này nhạc hội opera diễn vở mới.  Dưới lòng đường, xe bus nhịp nhàng ghé bến rồi lại nhập vào lòng đường với taxi và những chiếc xe hơi màu sắc xinh tươi.  Taxi ở đây không “hỗn” như taxi bên Los Angeles, xe hơi chạy cũng nhanh nhưng không inh ỏi hùng hổ như những thành phố đông người nơi khác.  Quẩn quanh, dù đây là phố trung tâm thì cũng dường chỉ vài chục con đường, những địa điểm du lịch cách nhau chẳng bao xa.   

Gió bắt đầu nổi lên nhè nhẹ và ánh trời đã dịu.  Có lẽ Thái phải về.  Thái trở lại trạm lấy chuyến ngược về và xuống ở đường John.  Giờ tan sở xe cộ tấp nập, Thái thong thả leo từng bực thang lên cầu bắc ngang đường sắt ngó xuống đám đông thân mật ấm cúng ở bên dưới.  Ga buồn hiu hiu, không biết xe lửa có còn chạy ngang qua.  Quang cảnh thật đơn sơ, tựa như cái ga xe lửa ở ngã sáu Sài Gòn năm nào _ một chút nhếch nhác một chút thờ ơ vào những buổi chiều tắt nắng, như bây giờ. 

Thái nhớ chuyến đi núi Bửu Long với Mây năm lớp 7.  Hai đứa nghe ai chỉ vẽ không nhớ, ra ga xe lửa ngã sáu mua vé đi Thủ Đức.  Xuống xe lửa bắt xe lam hay xe lôi gì đó vào núi Bửu Long.  Lên chùa trên núi vòng quanh thẩn thơ, leo trèo ngắm ngó và cãi nhau vặt với mấy thằng nam sinh cũng bầy đặt lên núi trêu gái.  Ba bốn giờ hai đứa lục đục đón xe trở lại ga để về Sài gòn.  Vui nhất là chặng băng ngang đồng vắng, chỉ có cây lau và hoa cỏ không tên hai bên đường rầy.  Thái và Mây rủ nhau ra ngồi bậc thềm xe cho mát, nhìn hàng cây chậy giật lùi khi xe lửa băng qua.  Chợt dưng một ông lính ở đâu bước ra nạt,
_Hai cô không được ngồi như vậy, nguy hiểm lắm!
_Mắc mớ gì tới ông ?
_Nhưng tôi có bổn phận giữ gìn an toàn cho dân!
_Ớ, ai làm gì đâu mà thiếu an toàn.

Lằng nhằng, Mây và Thái vẫn ngồi lì ngắm cảnh.  Ông lính không biết còn hay đã vào trong, nhưng chỉ 5, 10 phút sau Mây và Thái bật cười nghe tiếng ông trên đầu:
_... Ở đây bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, nhưng bây giờ mùa Xuân không còn nở hoa …

Ngó lên hóa ra anh đang tán một chị bà ba lụa đen da trắng nõn son phấn phơn phớt nhưng nét tỉ mỉ coi rất đẹp gái.  Thái háy Mây rồi cất to giọng :
_Ê mày, tao nhớ mình chỉ có 2 mùa mưa nắng chứ làm gì có 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông phải không?
_Đúng, mày nói đúng.  Mây cũng to mồm phụ họa mắt liếc lên.  

Chị đẹp cười tủm tỉm có vẻ ngượng vì bị tán một cách nhà quê, ông lính trợn mắt rồi đánh trống lãng nói chuyện khác…  Xe về tới ga, hai đứa nhảy uỵch xuống rồi mỗi đứa mỗi ngả về nhà cho kịp giờ cơm chiều nếu không sẽ bị cú đầu.

Những kỷ niệm vớ vẩn thời thơ dại mà nhớ hoài, Thái có cảm nghĩ mỗi đứa nhóc lớn lên trên xứ nghèo đều quí đồ chơi và kỷ niệm rất mực vì nó trở nên một phần nào đó trên thân thể tâm trí mình, đến như cái ga xe lửa một lần qua cũng vương vào óc mấy mươi năm để bây giờ Thái đứng nơi đây mà tưởng đứng tại quê nhà năm cũ.  Thái hiểu vì sao mình cắt ngắn một tuần thăm quê hương để vòng về đất Úc, chốn quê hương thứ hai những tưởng là cuối cùng.

 Trong cái lạnh bắt đầu loang theo bóng tối, Thái chầm chậm xuống bậc thang đón taxi trở về căn nhà Thái vẫn còn giữ trống từ ngày rời sang Mỹ.

 Một mình trong chốn của mình, Thái thay quần áo, mở gói giấy lấy mấy món ăn đã mua sẵn lúc xuống phố xếp ra bàn.  Thái pha một bình trà nhỏ và bắt đầu ăn bữa tối.  Căn nhà vẫn sạch sẽ ngăn nắp nhờ anh Thắng vẫn thường xuyên qua thăm ngó giữ gìn giúp Thái.  Một chốn để tình thân có nơi bám víu, như dây tơ hồng phải quấn vào một hàng rào nào đó rồi mới có thể đong đưa.  Thái ăn xong vào giường thầm nghĩ đến những việc cần phải làm ngày mai, những nơi muốn ghé, thăm hỏi người quen bè bạn.  Chỉ thoáng chốc là Thái đã sắp xếp xong những cái tên và nơi chốn.  Nằm trên giường nệm cũ, Thái nghe một nỗi hân hoan ấm áp, một chút gì đó như hơi thở phào sau cuộc phiêu lưu.  Thái không biết mình có còn trở về sống lại nơi đây nữa hay không, nhưng rõ ràng căn phòng này mảnh đất này đã giữ một phần con người Thái mà chỉ khi trở về nằm vào chỗ cũ Thái mới thấy ra cái phần thiếu vắng trong mình khi xa Úc. 

 Trong cái êm ấm của chốn rất riêng, Thái an tâm nghĩ lại chuyến đi vừa qua.  Thái chẳng biết mình đi tìm cái gì, chỉ là một thôi thúc ngày càng mãnh liệt từ ngày đến bên ông K. 

Ông K. đã nhiều tuổi lắm, nhưng dường như ông không có tuổi.  Bên những cái cằn cỗi mệt mỏi của tuổi đời hình như trong ông luôn có một tuyển thủ hằng hướng về một cuộc tranh tài nào đó một cách không mệt mỏi.  Thái luôn thấy mến trọng ông như mến trọng một đội trưởng can trường trước trận đời.  Và Thái thích ngồi bên ông để biết một mảng lịch sử đang từ từ trôi xa, xa khuất tầm mắt, xa khỏi ký ức níu kéo góp nhặt của mọi người trên đất tạm dung này.

Mỗi câu chuyện ông kể, về một người, về một việc, đều làm sống lại một phần lịch sử mịt mờ mà Thái không thể tìm thấy nơi trang sách.  Bởi vì chính ông là một trong những phần lịch sử ấy đang thoi thóp chờ ngày vào sách.  

Ông như cây thông ngàn năm đang chuẩn bị tự chết, héo mòn từ trong ruột trở ra.  Mỗi lời ông nói như tiếng lá thông xào xạc với gió, dù chỉ là những tiếng xào xạc rã rời nhưng vẫn đầy đủ hương thơm và tiếng rì rào riêng của lá thông chạm vào nhau, chạm vào cành.   Nhìn ông ngày một ngày hai tự tàn héo, lòng Thái dậy một niềm xót thương cho phận người bất lực, muốn sống tràn mà ai rồi cũng phải thua trong trận tranh tài cuối với tử thần.  Một ngày, Thái đến bên ông mà lạ sao ông không nhìn đến Thái, chỉ hững hờ nhìn ra cửa sổ hướng về phía mặt trời sắp tắt, ánh mắt trống rỗng lặng lờ.  Lúc đó Thái thấy một niềm tuyệt vọng dâng tràn, và thực buồn cười, Thái nghĩ đến câu “đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt.”  Thái chả hiểu lắm, nhưng câu nói ấy gieo vào lòng Thái nỗi lo như một lời nguyền sắp đến kỳ hạn.  Thái vẫn chưa thực hiểu ông, chưa biết hết con người ông, tựa như vẫn lờ mờ về đất nước của mình.  Ông K., Thái đến với ông quá muộn màng cho kiếp này hay quá sớm cho kiếp sau?  Ông quay nhìn Thái hay ông đang vọng về cuối chân trời?  Thái không bao giờ hiểu rõ hết cảm nghĩ của mình về ông, chỉ thấy như bị ai xô tới lao về phía ông, như bị cuốn vào một dòng nước xoáy, và ông nghĩ gì về Thái thì là một bí mật thiên thu. 

Thái chỉ biết, những khi ngồi bên ông, dù khác biệt cá tính, thời đại, và xã hội, giữa Thái và ông vẫn có một sự đồng cảm sâu xa bên ngoài lời nói, một niềm thông cảm như sợi chỉ chạy suốt từ xa xưa xuyên qua tâm hồn của hai người đến mãi sau.  Đứng trước ông Thái thấy như tìm lại được một cái tôi đã mất nhưng rồi lại như không thấy hình ảnh mình trong gương.  Và cũng có lúc Thái thấy mình bị phản bội _ ông không như là người mà Thái hết lòng mến trọng, tựa như cái quê hương mình hằng thương tưởng đó không còn phải là quê hương của mình.  Lần lữa, cái thôi thúc âm thầm dần rõ rệt.  Thái phải về để nhìn lại đất nước, tìm cho ra vóc dáng bóng hình của một con người sắp đi vào quên lãng. 

Thái về, như Từ Thức về trần, thấy mình xa lạ.  Thái co rúm như con sâu trước mọi người.  Con người chung quanh hoặc hững hờ vô cảm hoặc xăm xoi như sẵn sàng xẻ thịt con mồi, không còn dấu tích gì của chốn xưa, đứng giữa xóm nhà mà tưởng mình đi lạc. 

 Thái đến nghĩa trang Bắc Việt thăm cô Xồi.  Đất nghĩa trang mênh mông xưa đã dỡ, mồ mả hay nương rẫy đều phải chung số phận làm sân đánh golf, sân chơi tennis, cho thượng lưu mới.  Nghĩa trang ấy nay chỉ còn lại một góc sau chỗ giáp với đồng không, và mang một cái tên gì đó.  Cô Xồi vẫn ở căn nhà cũ bên mấy luống huệ và cúc vạn thọ.  Mùa này đang gieo thược dược, không bán hoa cho khách thăm mộ thì cũng giao cho các chỗ chung quanh bán tàm tạm qua ngày. 

 Căn nhà vắng lặng êm ả, thấp thoáng ngoài kia bóng vài người lần dò thăm mộ với thẻ nhang và bó hoa trên tay.  Bích mở cửa cho Thái rồi vào gọi mẹ.  Cô Xồi choắt lại như một cái nắm tay, nhưng trông khỏe khoắn và đôi mắt vẫn tinh anh.  Thái chào thăm hỏi, cô vui vẻ thân mật lắm mà Thái có cảm tưởng cô không biết Thái là ai.  Bích khẽ gật đầu xác nhận.  Lát sau cô kiếu vào nhà sau lo cơm nước.  Như đồng lòng, Thái và Bích im lặng. 

 _Chú đâu?
_Bố em đi Bắc rồi!
_???
_Thăm thiên hạ!!!  Cười to.  Chị quên bố em là người tiếng tăm rất được yêu mến sao.

Thái liếc mắt nhìn bàn viết kê kế bên cửa sổ.  Bàn sạch tuy nhiều vật dụng lỉnh kỉnh _ cái ly đựng viết, mấy miếng giấy chi chú lăng quăng, kẹp giấy, vài quyển sách… chiếm bên phải, mé cửa sổ.  Bên trái là computer với bàn phím.  
_Chú vẫn còn viết kịch?
_Ai cho viết mà viết.  Mà cho thì cũng thôi. Bố nói cái gì người ta cho thì người ta lấy lại được.  Bố chỉ làm cái điều bố muốn làm và được tự do làm, mà cái thời ấy qua rồi, chỉ còn là vang bóng. 
_Vang bóng mà được đó đây không sướng sao.
_Thì có bao giờ bố khổ đâu.
_Em nói vậy, chứ cả họ nhà mình cũng như thiên hạ, có ai thoát cảnh…
_Ừ, nhưng bất cứ nơi đâu cũng có những người “bình đẳng” hơn người khác!!!

Hai đứa cười to.  Bích cười thật vô tư, nhưng Thái nghe chút điều cay đắng.
_Chú rất được quí trọng, em biết vậy không ?
_Sao em lại không biết.  Bố có rất nhiều bạn, nhiều người thương mến.  Không những quí tài, họ còn quí nhân cách của bố. 

Thái nghe một chữ “nhưng mà” âm thầm sau lời nói của Bích.  Cô Xồi gọi hai đứa vào ăn cơm.  Thái sung sướng tìm lại được chút ấm áp của tình thân, của đất quê.  Cô Xồi luôn ép Thái ăn món này ăn món kia còn cô thì ăn rất ít, chỉ gặm gạp xương xẩu dù đồ ăn ê hề trên bàn.  Bích thản nhiên như đã quen với tính mẹ. 

_Mẹ đã quen nhường cho chồng con, cho bè bạn lúc đói khổ đến tìm mình, tới nỗi ăn sâu vào tiềm thức.  Có bố hào sảng với bạn, khí phách với kẻ thù thật hãnh diện, có mẹ đảm đang hiền lành chịu đựng thật hạnh phúc.  Nhưng giá mà được no thì hãnh diện và hạnh phúc hơn.  Lại cười to vô tư.

Thái đứng lên giúp cô Xồi dọn dẹp mâm chén, nhưng cô không cho Thái đụng tay vào, đuổi Thái và Bích ra trước ngồi chơi.  Cô bảo Bích dẫn Thái ra thăm mấy luống hoa.

Hoa huệ vừa cắt giao, chỉ còn mấy thân non yếu bị gẫy gập chờ nhổ lên trồng đợt mới.  Bích chỉ mái ngói tầm tầm ở cạnh cổng vào nghĩa trang nói “mộ ông bà đã bốc, mẹ để cốt trong chùa đó cho dễ khói nhang.  Thái nhìn không nhận ra đó là chùa, cách đó không xa cũng là một mái nhà tầm thường khác, Thái nhẹ liếc, Bích gật đầu “chị nhìn kỹ sẽ thấy thánh giá nhỏ trước cửa vào.”

Trời đã trưa, nắng gắt.  Hai đứa vào nằm trên phản gỗ.  Trời nóng nhưng nơi đây xa thành phố cũng được một khoảng thoáng gió.  Tỉ tê, Thái hỏi :

_Em có đọc kịch của bố?
_Không!
_Tại sao?
_Hồi bé thì chưa biết để đọc.  Lớn một chút thì đói xanh mắt đầu óc đâu mà đọc. 
_Trước 75 đâu đã khổ!
_Mà vẫn đói đấy vì mẹ là nữ sinh, lấy bố rồi đâu có biết làm ăn gì!

Thái mơ màng suy nghĩ.  Nhà Thái gần trường Bàn cờ, kể thì cũng hơi xa nhà cô Xồi nên chỉ có dịp giỗ chạp mới gặp dù Thái trạc tuổi Bích, chỉ chú Xồi thì vẫn thỉnh thoảng ghé thăm anh, đi uống cà phê.  Thái ngắm nghía Bích, Bích hiền lành vô tư và rất ngoan.  Bích không lấy chồng, ở vậy để chăm sóc mẹ dù bố mẹ thúc dục mãi, giờ thì đã lỡ tuổi lỡ thì, nhưng dường như Bích không bận lòng.

Bích nhìn Thái cười cười:
 
_Chị biết không, hồi mới lớn em cũng có bồ, cũng có nhiều người thăm hỏi.  Nhưng em sợ những giọt nước mắt thầm lặng trong phòng vắng của mẹ.  Em sợ tiếng vét lon gạo cuối ở đáy khạp. Em sợ bộ pyjama bố cầm về những ngày ở nhà của ai đó, những lần mẹ ngã xỉu.  Em không can đảm đánh canh bạc tình duyên.  Có lần bố đưa em ra Bắc đi cùng cô ấy hình như để vượt biên, nhưng không biết sao bố quay về chỉ để em đi với người ta. 
_Em có bao giờ hỏi vì sao?
_Không, cái em muốn hỏi là vì ai bố quay về, nhưng hỏi làm gì khi em cũng không dám biết câu trả lời.
_Nhưng em vẫn may mắn có người bố như chú.
_ Khi em đã lớn không còn bị cơn đói hành hạ, nhiều lúc lần giở những gì bố đã viết mong hiểu bố hơn, nhưng mở ra em thấy ngấn nước mắt của mẹ, lật một trang thấy nét xanh tái lúc mẹ ngã xuống.  Thôi.

Trời chợt sập xuống, trong tích tắc mưa ào ạt đổ, rồi cũng chỉ vài phút sau tạnh hẳn.  Thái ngó ra ngoài, cũng sắp tắt nắng chiều.  Thái từ giã cô Xồi và Bích, nói muốn ra thăm mộ người quen.  Thái chả quen ai, chỉ thấy thèm dạo quanh nghĩa trang mà không biết vì sao.

Thái đi vòng vòng quanh những ngôi mộ.  Mưa ướt, những ngôi mộ chưa xây chẹp nhẹp đất chẩy nhão, hoa rũ ngả nghiêng bên mấy chân nhang.  Mấy cái huyệt đào sẵn nước đã lưng như những cái ao tí hon.  Mùi đất ẩm dậy lên sau cơn mưa, Thái choáng váng khi mới hít vào, nhưng một giây sau lại thấy lâng lâng ngây ngất.  Ah, quê hương của Thái vẫn còn đó, trong gió, trong những huyệt sâu.  Trời lúc nắng lúc mưa thật khó chịu.  Thái kêu taxi ra về, những ngôi mộ ướt vẫn lờn vờn trong trí.  Qua phố vắng một chút rồi xe nhập vào dòng bụi bặm của thành phố bận rộn.  Hai bên lề những đứa trẻ chạy đuổi cười vang trong gió.  Khi nhìn bọn con nít mồ hôi mồ kê mặt đỏ bừng Thái mới thấy được chút thân quen của quê nhà.   

Xe đã  vào đường Vườn Chuối, tài xế theo địa chỉ Thái ghi tính quẹo vào con hẻm lớn nhưng Thái ra dấu xuống xe.  Bên kia đường là lối đâm ngang vào chợ, Thái chầm chậm đi bộ vào con hẻm to trước khi quẹo vào hẻm nhà mình.  Cách đường vài căn sẽ là một nhà lầu 3 tầng của nhỏ tên Minh Phụng, rất xinh và có một nốt ruồi to ngay trên sống mũi giữa 2 mắt.  Thái không biết mình nhớ con nhỏ vì cái nút ruồi lạ, hay vì cái hộp vuông vuông mà anh Thắng dạy Thái gọi là cái in-tơ-côm gắn trên tường lúc mới vào nhà nó.  Con nhỏ nói để dưới gọi lên lầu trên gọi xuống không cần phải đi.  Lúc đó Mây thấy nhà nó tân kỳ hết biết.
 
Gần cuối ngõ trước khi quẹo sang hẻm nhà Thái sẽ là hẻm vào nhà cô Trang, đồng tuổi với Thái nhưng là em họ của cậu.  Cô Trang đẹp lắm, mắt to my rậm và môi đỏ.  Hình như họ nhà Thái ai cũng da trắng má hồng.  Trong xóm vẫn khen Thái đẹp, nhưng buồn cười, năm Thái 20 cũng chưa có “một mối tình để vắt vai!”  Dường như lũ con trai thích yểu điệu thục nữ, không thích những cô chạy vòng sân Cộng Hòa tập cho chân dẻo cho hơi thở đều để thi bơi như Thái!!!

Thái vào nhà, mợ hỏi Thái thăm chú và cô Xồi ra sao.  Còn con Bích?  Thì nó vẫn ở không, mợ.  Mợ quay vào trong dọn cơm chiều.  Chỉ có hai mẹ con, ăn cơm xong mợ sang hàng xóm, Thái lên lầu.

Ngồi một mình nơi hàng ba, Thái nhìn xuống chung quanh lối xóm.  Đèn đóm sáng choang, không hiu hắt như xưa.  Không còn những tiếng cãi nhau trong một gia đình nào đó, không còn chuyện cãnh quẹ của những nhà láng giềng.  Bây giờ chỉ nghe nhạc ở máy karaoke và chương trình TV trên nhiều đài khác nhau đua tiếng, những tiếng véo von liếng thoắng Thái không nghe kịp hiểu kịp.  Người ta đi về xoành xoạch mà không thấy ai nói với ai một lời.  Ngồi cho đến khi không còn thấy gì chung quanh chỗ mình đang ngồi, Thái trở vào nhà.  Một niềm mệt mỏi cô đơn tràn ngập lòng.  Từ lúc nói chuyện với Bích, Thái cứ hỏi lòng những điều Bích nói không có gì mới lạ sao mang lại cho Thái niềm tuyệt vọng, nhưng bây giờ Thái hiểu, Bích đã vẽ cho Thái chân dung ông K., hay đúng hơn, chân dung cả một thế hệ.  Thái không hề can dự vào quá khứ, nhưng cứ có cảm tưởng mình có tội, dù nghĩ cho cùng Thái cũng chỉ là một nạn nhân nếu Thái đã có liên can đến những người ấy. 

Thái muốn khóc mà không khóc được.  Có những lúc Thái thèm khóc dễ dàng như Mây, nhưng chỉ thấy ráo hoảnh.  Muốn không là mình cũng không phải dễ.  Mây nào biết, Thái phải trốn Mây cả tuần chỉ vì sợ những giọt nước mắt sẵn sàng tuôn ra ấy.  Hôm ông K. được mời làm diễn giả, Thái đến lúc cuối giờ định đón Mây và ông đến một tiệm ăn.  Nhưng ông điềm nhiên giả lả rủ Thái đi cùng các người “ái mộ, ” tưởng chừng như Thái cũng là một trong những con thiêu thân.  Thái lui lại, quay mặt nhìn quang cảnh nhốn nháo quanh mình.  Bên trong, bóng Mây thấp thoáng sắp ra đến cửa rồi không biết sao lại trở vào.  Thái chuồn thẳng để khỏi phải nhìn câu hỏi trong mắt Mây.  Bây giờ nằm trong bóng đêm Thái nhớ ông K., đến cái quan hệ không thể giải thích ấy.  Giải thích e buồn hơn.  Mợ đã về và đã vào giường ngủ từ lâu mà Thái vẫn còn thao thức.  

Thấy Thái chỉ quanh quẩn trong nhà không đi đâu, mợ hỏi :
_Sao con tính ra Bắc mà lại không đi? 
_Để lần tới, mợ. 

Đi Bắc hay đi đâu chăng nữa trên mảnh đất này, Thái có hy vọng tìm được gì không?  Quê hương không thể thiếu con người, Thái mong gì một quê hương đổi khác khi lòng nhân không bắt đầu từ chính chỗ nằm của mỗi người, từ trong cái dúm nhỏ xíu giữa vợ, chồng, cha mẹ và con.  Thái mong gì một nén hương giải oan cho nhau khi mình không nhận được với nhau điều lầm lỗi để tự giải oan.  Ừ, thì mỗi người có quyền được giữ cho mình một bí mật, một niềm riêng, nhưng Thái thấy dường như tất cả chúng ta đã không sòng phẳng với nhau khi có thể _ chúng ta chỉ dối nhau khi có thể!!!  Gia sản để lại ngày một hao hớt mà khi xem lại cũng chỉ toàn đồ giả, những đứa trẻ sẽ lớn lên, như Thái như Bích như Mây, rồi nó có sẽ thất vọng?  Sẽ rất may nếu nó không biết chúng ta là ai và sẽ rất buồn vì như vậy nó không có quá khứ.  Thái nhớ một bài hát đã nghe :

Rồi ngày nao yên vui
Ở một nơi xa xôi
Tim chợt nhớ tới người phương trời
            Nghe một tiếng chim kêu lẻ loi giữa cây…

Thôi đất đã chua cành đã chết
Xin lấy dao chia lòng luyến tiếc…
Rừng người cây xanh tươi
Biển người như tay nôi
Ru người sống trong tình yêu người

Xin hãy nhớ quê hương tả tơi đắng cay
Nơi máu đã xây thành đắp núi
Nơi có gươm trong từng tiếng nói
Và lưới đời giăng khắp nơi… ***

Thái cắt ngắn một tuần lễ ở Việt Nam, lấy vé ghé lại Úc.  Hôm từ giã mợ, Thái vào bàn thờ thắp hương cho cậu.  Một giọt nước mắt tủi cực rơi trong lòng Thái.  Mai sau, cho dẫu cái lý do khiến Thái bỏ quê không còn, nhưng khi đó Thái vẫn là một công dân hạng nhì như đã sinh ra, sao cam.  Cậu, con ước xương con được rữa trong cái huyệt võng nước kia hòa cùng máu xương cậu.  Con ước hồn con quấn lấy cành huệ gẫy dập kia quyện với hồn mợ khi đó chắc cũng đã về với đất.  Đó nào phải chuyện cao vời, nhưng bước chân đi thì đã xóa đường lấp lối _  có còn cái huyệt võng nước nào cho con.  Ôi, cậu, con ước cậu được nghe bài hát ấy, con mừng cậu đã không phải hát bài hát ấy.   

Thái cùng mợ mang va li ra taxi.  Thái về thường xuyên nên mợ đã quen giã biệt, không khóc như lần đầu Thái về thăm.  Chỉ riêng Thái vẫn khóc hoài khi đã ngồi trong lòng phi cơ dù khi về tới Sài gòn chỉ vài ngày là Thái đã nhấp nhổm muốn rời.  Úc, Thái về để tìm nhặt nốt những mảnh vụn.  Ở chốn rất riêng ấy Thái sẽ có thì giờ chắp vá lại mọi mảnh vụn mong tìm ra mình trong gương vỡ. 

Thái với tay tắt đèn ở đầu giường, nhưng vẫn chưa ngủ ngay.  Đêm đất Úc thì cũng như đêm  mọi nơi, nhưng nó cho Thái được chôn một mảnh hồn khi đến cư ngụ, nó là nơi Thái chôn những kỷ niệm còn sót lại khi bỏ quê nhà đến đây xây lại cuộc đời.  Ngày mai, sau khi đã thăm viếng gia đình bè bạn, Thái biết mình sẽ lại về ga xe lửa lúc xế chiều.  Và Thái biết, khi trở lại Mỹ Thái cũng sẽ lại đến ngồi bên ông K., dù một chút lòng đã héo.  Cái chưa kịp bắt đầu đã chết từ một lúc nào, chậm rải, từ từ, thắt thẻo. 

2.

Chiều mai Thái sẽ về tới.  Mây vẫn còn một tác phẩm phải đọc trước khi kết thúc phần biên soạn về ông K., và Mây muốn mình hoàn tất công việc mà không bị ngoại cảnh chi phối.  Mây lấy một ngày nghỉ. 

Cuốn truyện không khó đọc, nhưng sao một nỗi mệt mỏi chán chường chợt thấm nhập lòng Mây.  Một cuộc tình tay ba, một cuộc ngoại tình bắt đầu ngay từ chỗ chưa ai là của ai, những dằn vặt âm thầm, những lời nghi ngờ những cử chỉ cảm xúc mơ hồ tưởng là vô nghĩa được tách bạch phơi bày trần trụi.  Mây chợt nhận ra mọi trang sách ông đã viết đều chỉ là nhật ký, của chính ông, trá hình dưới các nhân vật.  Thiên biến vạn hóa, mọi lời nói chính là của ông _ nói với chính mình, nói với cuộc đời; chi li từng hạt bụi, cũng chỉ là ông trước cuộc đời, là trang nhật ký viết dài theo ngày tháng với những kỷ niệm, những cuộc chơi.  Những cuộc chơi, a ha, Mây nghĩ mình đã bắt được ông trong những cuộc chơi.  Tình yêu, ở cuốn truyện này, cũng như các mối tình trong những cuốn sách khác, đều có một khuôn mẫu: người ta tự nghi ngờ tình cảm của mình hoặc người ta mổ xẻ, thử thách cái cảm xúc của mình.  Mọi mối tình đã ghi đều như những que diêm bật sáng, soi một cái gì đó trong lòng ông để ông ghi lại khi nó tắt đi, soi một góc tương lai của ông để ông hồi tưởng tương lai ấy ngay khi còn trong tuổi thanh xuân, tựa như sau khi hớp cạn lớp bọt bia trắng lạnh thì ông ngồi tỉ mỉ tả lại cái mầu vàng nâu đã nguội nhạt.  “Làm phì nhiêu người tình” _ đó là lời, là ước vọng _ vô vàn chân thật, nhưng ông có bao giờ nghĩ, biết, rằng khi yêu là khi mình chả biết mình đang yêu, mình chả nghĩ được gì cả và mình chỉ thấy nao nao bồi hồi thắt thẻo?  Phì nhiêu hay không, không phải rằng chính đồng cỏ yêu đương dậy mầm tươi ướt run rẩy tự nói hay sao?  Không thể lắng nghe, không thể soi ngắm.  Ông quá tỉnh táo trong những mối tình thì ông chả yêu ai, chỉ yêu cảm xúc suy tư của riêng mình, tựa như người đi trong bóng tối nhìn ngắm kẻ khác.  Bóng tối nào che lấp hay chính ông đã tự tạo bóng tối để che lấp mình?  Từng lời nói của từng nhân vật, tất cả đều thật, thật như chính ông có lần nói “khi viết, điều kiện đủ là thành thật cho đến cùng, sự thành thật biểu lộ trong những cái mình viết, chứ không phải trong ý nghĩ.” 

 

Một mình trong căn nhà của mình, hình ảnh ông K. đi lại như hiện rõ rệt trước mắt Mây, những lần hội họp, gặp gỡ, những lời đã nói những cử chỉ vô nghĩa…  Ông như nhà diễn kịch tài ba trên sân khấu cuộc đời, không cần kịch bản, chỉ thuận theo hoàn cảnh mà diễn xuất.  Tất cả những người từng có mặt trong những buổi gặp gỡ ấy đều trở thành nhân vật trong truyện của ông, đứng cùng ông viết từng chương sách vào không gian.  Những lời ông nói, bất cứ lời nào ông nói, có khác gì đâu những câu Mây đã đọc, ở bất cứ tác phẩm nào của ông.  Ông đã sống xong cuộc đời mình mấy mươi năm trước.  Ông đã nhỏ xong giọt lệ “tiếc thương tuổi trẻ” tiếc thương một “nguyên đán của tình yêu.”  Còn gì không cái quãng đời còn lại?  Cái quan hệ giữa ông và Thái và những người chung quanh, tất cả, chỉ còn là khúc phim quá khứ quay chậm trước mắt Mây, bao vây tầm nhìn của Mây.  Mây chợt thấy mình hết hơi.  Thái, Thái có sợ mình sẽ thành, có biết mình đã thành một nhân vật của ông?  

Mây buông cuốn sách.  Thôi.  Bây giờ phải làm cho xong một công việc đã định trước khi hết can đảm hết sức lực. 

***

Mây đón Thái về, vừa kịp lúc ông K. ngã xuống.  Hai đứa bước vào thấy ông đang nôn thốc tháo rồi nằm lịm.  Mây gọi ambulance, khi xe đã đưa ông đi, Mây đưa Thái về nhà lấy xe rồi hai đứa cùng lái xe theo vào nhà thương.  Họ đã đẩy ông vào phòng thử nghiệm.  Lúc họ đưa ông trở lại phòng, ông K. đã tỉnh.  Ông nằm như tàu lá chuối te tua héo úa trên chăn nệm để mặc những bàn tay khéo léo chuyền dây thay áo.  Bác sĩ vắn tắt về những xét nghiệm cần thiết rồi biến mất.  Dưới ánh đèn bệnh viện ông mệt mỏi khép hờ đôi mắt, bất động, chỉ bàn tay nắm lấy bàn tay của Thái là dấu hiệu của sự sống còn hiện diện.  Khi ông đã thiếp vào giấc ngủ, Mây nhắc Thái về nhà tắm rửa, Mây sẽ ở lại chờ. 

Ngồi một mình, Mây chợt ý thức mình đã quen với sự im lặng bên cạnh ông những ngày Thái vắng mặt, đến nỗi nó không còn là điều phải quan ngại, dù ngay bây giờ ông K. đang nằm bịnh.  Giường bên cạnh, thân nhân đã lần lượt chào ra về vì đã gần hết giờ thăm.  Ông K. đã thức từ lâu vì những cuộc chuyện trò thăm hỏi ở sát bên.  Ông khẽ khàng nhắc Mây cứ về đi, không cần phải trông chừng ông.  Mây đứng lên ra ngoài lấy thêm tấm chăn cho ông K.  Đi đến cuối hành lang thì gặp Thái vừa ra khỏi thang máy.  Hai đứa đứng lại, Mây vắn tắt những gì bệnh viện đã làm cho ông K. trong lúc Thái về nhà.  Trao tấm chăn cho Thái, Mây hẹn mai sẽ trở lại, hai đứa sẽ có thì giờ nói chuyện nhiều hơn. 

Thái bước nhẹ nhàng ngang qua giường bên ngoài, ông K. nằm giường trong.  Sau tấm màn, ông vừa bấm điện thoại gọi cho ai đó.  Thái nhìn vào phone trên tay mình, gần 9 giờ tối.  Ông từng nói không nhớ được số phone nữa, mà lại sẵn một số để gọi, vào lúc này, giờ này?  Ông K. gọi một cái tên, Thái lật đật lui ra cửa, đi dạo dọc theo hành lang.  Khi Thái trở lại, ông vẫn chưa dứt cuộc nói chuyện.  Thái ngẫm nghĩ rồi lặng lẽ mang tấm chăn bỏ vào chỗ chờ giặt, ra về.   

Gió đêm thoảng nhẹ, Thái quay kính xe xuống đón chút hơi mát, rũ những sợi tóc ướt chưa kịp sấy khô lúc tắm ra.  Thái lái xe chầm chậm qua hàng cây, rời khỏi khu vực nhà thương và không biết phải đi đâu vì Thái không muốn về nhà, để khỏi phải nghĩ ngợi.  Mây chắc còn thức, nhưng có lẽ Mây cũng cần sự tĩnh lặng sau nửa ngày loay hoay nơi bịnh viện.  Những hàng cây mờ mờ dưới ánh đèn lướt qua lướt qua.  Ngang một khu mobile homes đến một bãi trống, Thái đã ra đến bờ biển.  Hai ống khói cao nghệu của nhà máy lọc dầu tuôn khói trắng mờ trên nền trời đen.  Xe cộ đã thưa thớt, nhưng trên cầu vẫn còn những bóng người dắt nhau ra ngắm biển đêm.  Thái cũng tắt máy xe ngồi lắng nghe tiếng sóng.  Một cảm giác êm ả len vào lòng.  Sóng gầm rú dập vùi khi trên biển khơi, sóng dồn đập ghềnh đá những đêm đen nơi trại tỵ nạn, sóng rạt rào những lúc gió lên, sóng òa reo trải trên bãi cát.  Đủ loại âm thanh nhưng có bao giờ sóng tung lời gian dối.  Thái lắng im nghe, càng lúc lòng càng lắng xuống.  Thiên nhiên có dối lừa ai không?  Núi có dối lừa ai không?  Đêm càng lúc càng trong, sắc đen như sâu thẳm.  Thái quay xe ra về. 

Buổi sáng khi Mây vào, Thái đã ngồi bên ông K.  Trông ông tươi tỉnh, mặt mũi đã rửa sạch sẽ, mái tóc cũng chải gọn.  Tấm áo nhà thương được tấm chăn kéo đến gần ngực chặn lại gọn ghẽ.  Dẫu hơi xanh yếu, trông ông vẫn tươm tất.  Thái đã dựng giường lên để ông có thể ngồi đọc báo, đầu bàn phần ăn sáng đã úp lại chờ người dọn phòng ghé lấy.  Mây mỉm cười nhớ câu thơ gì đó, đại khái “tặng em cái lược chải đầu để trong giấc ngủ gặp nhau cho đàng goàng.”  Ông đã sẵn sàng đi gặp diêm vương lúc này.  

Mây và Thái kéo ghế xích ra cửa sổ, ngồi chỗ này có thể nhìn xuống hàng cây bao bọc chung quanh bãi đậu xe và cũng đủ khoảng cách cho ba người nói chuyện thoải mái.  Thái kể chuyện Việt Nam, chuyện mợ và họ hàng, Thái tả chỗ ở bên Úc.  Bác sĩ ghé vào dặn hôm nay ông K. phải làm thêm vài thử nghiệm rồi mới được về, nhưng có vẻ yên ổn.  Bạn bè lục đục ghé thăm, sáng nay có người gọi, ông đã báo tin nằm bịnh viện.  Nhìn quanh, Mây và Thái đồng loạt đứng lên rủ nhau đi ăn hẹn sẽ trở lại.  

3.
 
Chiếc xe đã chật cứng đồ dùng, Thái và Mây lên đường lòng phơi phới.  Lộ trình vạch ra là đến  Bryce Canyon, qua Zion park, rồi dừng lại ở Grand Canyon.  Đi chơi cái kiểu Tây ba lô rất thú và thích hợp với Mây.  Hai đứa băng ngang Las Vegas ăn bữa lỡ lúc 11 giờ sáng rồi đi tiếp.  Hóa ra phải tới Zion trước rồi mới đến được Bryce Canyon.  Thái cười cười như ngầm nói “đồ ngu!” 

Zion National Park thì đẹp, nhưng gặp lúc nước cạn, giòng suối không ồ ạt được mà chỉ thắt thẻo ngang bắp chân nên Mây mau chán.  Chiều tắt nắng thì Thái và Mây đã thẳng tới Bryce Canyon.  Vào một nhà trọ, hai đứa vội vã vào nhà tắm bật cái bếp gas tí hon nấu hai gói mì ăn với gói rau xà lách thập cẩm mua sẵn, vài miếng chả lụa cho xong bữa rồi lăn quay ra ngủ.  Lơ mơ trong cái mệt mỏi ê ẩm của một ngày trên đường, hình ảnh ông K.lủi thủi một mình bên bàn ăn như chờn vờn muốn gọi Mây thức giấc, nhưng không, Mây mệt quá rồi… 

Hừng sáng, Thái gọi Mây dậy lên đường.  Ly cà phê sáng cho một ngày rong chơi thơm chi lạ, thú nhất là biết mình sắp đến được cái nơi muốn đến, chứ có khi đến rồi lại hỡi ơi.  Đường dài khô khốc, nhiều bụi lùm xùm chứ không có cây cao, nắng sáng thì chưa sao nhưng đến 10 giờ thì đã muốn tươm mồ hôi dù xe bật máy điều hòa.  Mây bắt đầu lôi thức ăn vặt ra ăn lai rai giết thì giờ.  Có hai đứa con gái đi chơi, mà mua nào là khô bò, kẹo, bánh, trái cây khô, mứt khô để ăn vặt; rồi là ruốc, giò lụa, lạp xưởng, mì gói, mì ly, dầu ăn, xì dầu, nước mắm, gạo, một nồi cơm điện nhỏ, một bếp gas nhỏ, một cái soong nhỏ nấu bá vạn thứ, và một bình nấu nước sôi bằng điện, trà, cà phê…  Tuy nhiều món lặt vặt vậy, nhưng Thái xếp gọn ghẽ trong hai thùng giấy, và cốp xe vẫn đủ chỗ cho một cái lều với 2 túi ngủ.  Nhìn Thái xếp đồ dùng vào xe, Mây tự hỏi không biết Thái ngủ giường nhiều hay ngủ lều nhiều?  

Bryce Canyon thiệt đẹp, thiệt thỏa lòng Mây hằng mong trở lại.  Hai đứa ghé vào chỗ có bán thức ăn và nước uống, ăn no một bụng rồi lấy bản đồ bắt đầu tìm lối vào núi.  “Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn…”  Mây ư ử hát, cái bản đồ chỉ, có nhiều tuyến cho du khách tản bộ thăm cảnh, mỗi tuyến ghi rõ khoảng cách, mức độ khó khăn và những đặc điểm của vùng.  Biết sức mình nên Mây đề nghị đi tuyến dễ nhất ngắn nhất.  Hình như đây cũng là tuyến được đi nhiều nhất, đường phẳng mòn vì bước chân, lúc nào cũng nghe có tiếng lao xao cười nói của tốp người đã đi qua, của tốp người sắp đi tới. 

Tuy dễ cũng phải lên cao xuống thấp.  Khi đứng dưới lòng khe núi nhìn lên khoảng trời hẹp xanh biếc trên cao, nhìn những bờ vách cam cam dập dờn lượn vòng lúc thụt sâu lúc vươn ra che lối đi bên dưới Mây thấy lòng lao xao như miếng lá khô sắp vỡ mà vẫn bay là là trong gió cho đến tận cùng của sức đưa.  Những cây phong.  Mùa này nơi Mây ở lá chỉ mới hơi chớm vàng.  Lần đầu tiên thấy rừng lá chuyển màu khi thu đến, Mây thấy không có gì kỳ diệu hơn.  Mây thích những cây phong thân trắng lá đỏ, thân cây thon nhỏ vừa vừa như một hàng rào xinh xắn dọc đường, đẹp như một bức tranh.  Dần dà, tầm mắt đưa lên, Mây bắt đầu thích những cây sycamore cao với nhiều màu sắc xanh vàng cam nâu đỏ cùng lúc reo vui trong gió, cây sugar maple cao tàn thâm nâu cành rậm đan vào nhau như thể một trời lá vàng che phủ trên đầu.  Những loại cây to này có sắc lá đậm đà chứ không thắm trong như phong Na Uy, phong Canada.  Đến một lúc nào đó, Mây thấy có những cây lá thu không khoe sắc.  Thân cổ thụ rất to và cao, mầu trắng mốc loang lổ, lá xanh xạm như có lớp lông mịn che mờ.  Bọn hắn đứng bên đường, trong công viên rộng, nơi sân trường, sừng sững mà như xa lánh trần gian.  Những chiếc lá cũng vàng theo với mùa thu, nhưng không thắm sắc như những loại phong khác.  Loại cây này chỉ đẹp khi lá vàng khô.  Những chiếc lá to dầy, đeo dai dẳng trên cành đu đưa theo gió cho đến khi giờ của nó điểm, nó phải lìa cành.  Nó chao chao như diều bay la đà trong không gian rồi đáp xuống mặt đất lao xao rộn rã chứ không rơi lả tả như đám lá phong đỏ quặt quẹo héo rũ quắt queo (!)  Dưới thân cây cô tịch, những chiếc lá dầy khô chồng lên nhau thành một biển lá dầy mấy tấc, và vỡ tan lạo xạo dưới bước chân người.  Từ lúc nghe được “tiếng” thu thì lòng yêu mến của Mây dành cho cây phong trắng lá đỏ như phai lạt bớt, Mây thấy những thân cây trắng muốt với lớp lá màu đỏ chói chang quả đúng là một thứ trang sức, tựa như những trái cầu thủy tinh hay những ngôi sao lấp lánh treo trên cành thông cho dịp Giáng Sinh, một thứ trang sức, không thực là thu _ của đất trời, của tiếng êm đềm tịch lặng, của phong sương…
 
Cứ ngửa mặt mà mơ tưởng, Mây suýt té vì vấp phải mô đá trên đường mòn.  Thái đã kịp thời túm Mây lại, không quên mắng cho mấy câu té tát cái tật đứng nơi này tưởng nhớ nơi kia.  Mây cười, xin ngồi nghỉ thêm một lúc.  Chặng đường mà bản đồ ước lượng một tiếng rưỡi được hoàn tất sau ba tiếng vừa đi vừa nghỉ, vì Mây không đủ sức đi đường dài như Thái.  Hai đứa lên tới điểm vọng cảnh thì trời cũng sắp tắt nắng, Thái dục Mây đi thêm vài nơi trước khi về chỗ ngủ. 

Trên đường ra khỏi park, Mây và Thái ghé một cái chợ nhỏ mua ít rau cải.  Hai đứa lấy phòng xong thì bắt đầu nấu nướng “lén.” Nồi cơm điện cắm dưới đất, trên mặt bàn phòng tắm đặt bếp ga nấu chút canh rau cải, sau đó chiên vài cái lạp xưởng.  Cơm chín, hai đứa ăn cơm với lạp xưởng, ruốc và canh.  Cuối một ngày ăn bữa cơm của mình thấy đã, biết chắc mình không bao giờ lạc mất khi còn ăn được món ăn của quê hương.   

Thứ bảy, Thái và Mây đến Grand Canyon.  Mây nhớ lần đầu tiên bước chân đến nơi này đã nín thở.  Grand Canyon, hai tiếng vĩ đại mà người ta cứ gán cho nhau cho một công trình gì đó của loài người trở thành lố bịch trước cái hùng vĩ của thiên nhiên.  Thái vào đất cắm trại ghi tên rồi tìm vào miếng đất của mình sửa soạn hạ lều.  Mây chỉ đứng bên làm thợ vịn để đưa Thái những thức cần, nắm cái này kéo cái kia.  Sau 1 tiếng loay hoay, lều đã dựng xong.  Thái và Mây đi rửa mặt rồi bắt đầu đi thăm cảnh.  Núi đá sừng sững, trùng trùng điệp điệp, màu sắc rực rỡ thay đổi theo ánh nắng theo thời tiết ấm lạnh.  Những nơi khuất nắng, màu núi xanh tím và như có ánh biếc.  Những nơi nắng chói chang, màu cam vàng bạc xám đua nhau lấp lánh.  Xa xa những vầng sương mây bao quanh núi, thỉnh thoảng có những cánh chim ưng chao liệng như những vệt đen mờ đâm thẳng xuống vực sâu.  Trời đứng gió, trong và ấm. 
_Thái có đọc Đường Xưa Mây Trắng?
_Sao?
_Có chương “Con hãy học hạnh của đất,” đại khái đất thu chứa mọi thứ nhơ bẩn của thế gian nhưng bản chất nó không dơ, không vì thế mà dơ.  Giờ đứng nơi đây, Mây cảm nghĩ hạnh của núi e còn to tát hơn.  Nắng mưa cây cỏ cùng muông thú, mây trời, sương, gió, những cơn bão lốc hay thú dữ… mọi thứ chỉ như làn gió thoảng, bám lấy núi mà không xao động được núi, nương lấy núi mà không thêm không bớt được gì cho cái vĩ đại thâm sâu.  Núi đứng im lặng bình thản, như dung chứa như chấp nhận như che chở như thờ ơ…  Mây nghĩ…
_Mà Mây có nghe được tiếng núi?
_Không.
_Không phải ai cũng nghe được.

Mây nhìn Thái ngẩn ngơ.

Chiều đã tắt.  Mây và Thái về lều làm bữa cơm chiều.  Hai đứa ăn cơm trong yên ắng của núi đá.  Chỉ có tiếng gió xào xạc chung quanh.  Cái lạnh chụp xuống thật nhanh chóng.

Vào lều chui vào túi ngủ, bây giờ Mây mới cám ơn Thái vì cái ngăn nắp và thành thạo trong việc chuẩn bị những thức cần khi đi trại vùng khí hậu lạnh.  Thái đã dắt Mây đến chỗ chuyên bán đồ dùng cho sinh hoạt ngoài trời để mua loại túi ngủ, mền lót lưng, cũng như quần áo ngủ, làm bằng loại hàng đặc biệt _ nhẹ nhưng giữ ấm đủ cho nơi băng giá.  Loại quần áo đồ dùng thông thường không thể đáp ứng được khí hậu khắc nghiệt của miền núi.

Trong lều, hai đứa bật ipad lên xem phim Mây đã download sẵn. 

_Điên.  Mây nói.  Ở nhà êm ấm coi TV màn ảnh lớn thì không, rồi lên đây lạnh giá gập ghềnh để xem phim bằng cái thứ nhỏ như tấm bảng của học trò Bàn Cờ!
_Thú đau thương, Thái nháy mắt với Mây.

Nhưng chỉ xem được một lúc thì 2 đứa cùng chán, xoay ra tán dóc. 
_Sao mày bỏ Úc tới đây?
Thái trầm ngâm. 
_Tao nghĩ mình đã không cẩn thận để lạc bước tới đất này, và tao đã hối tiếc.  Bằng lòng ở lại là chuyện đẩy đưa, nhưng rồi tao hiểu rõ hơn điều gì quan trọng với tao. 
_Nghĩa là?
_Tao vốn không bỏ đất Úc đến đây vì ông K.  Quá khứ và danh tiếng của ông không là gì với tao, tác phẩm của ông cũng là vô nghĩa.  Ông K. nghĩ gì về tao là một chuyện mù mờ, mà tao cũng không mong muốn một quan hệ gì hơn là tình bạn.  Nhưng có những lằn ranh đi qua rồi không lùi lại được. 
_Đâu có gì ngăn mày bước qua lối khác?
_Có những cảm thông sâu xa không thể ép uổng hay chối từ, điều đó làm tao lưu luyến.  Nhưng có lẽ bản chất của tao làm cho việc bước đi khó khăn hơn.
_???
_ Thi bơi, thắng hay thua không quan trọng.  Quan trọng là phút vươn tay rẽ nước sãi tới trước, chạm bàn chân vào thành hồ búng mình xoay lại tiếp vòng sau.  Giây phút vượt lên, nước rẽ tuôn theo tấm thân thấy như mình vừa được sinh ra vừa tan trong nước.  Vượt lên, vượt lên.  Thắng, huy hoàng trong 5 phút, thua _ buồn mấy tháng, nhưng nước là vĩnh cữu, cuộc chơi là vĩnh cữu, đồng đội là vĩnh cữu. 

_Dính líu gì tới ông K.?
_ Tao đọc tất cả những gì ông đã viết, để thấy tâm hồn và khối óc đó lớn tới nỗi tao tiếc những dấu vết thế hệ đã bám trên con người ông, tao tiếc những nếp gấp trong cư xử của ông, tao tiếc những vạt bóng tối đã bao quanh ông.  Gạt đi những eo sèo nhân thế, ông là một người bạn lớn, trọn nghĩa chữ lớn, một người bạn tao hết lòng cảm quí.  Sao đành bỏ đồng đội trong một cuộc giao tranh, bỏ bạn trong một cuộc thử thách?  Tao không bỏ bạn.

 Những lời của Thái nhắc Mây nhớ một cái chết, tình bạn của 2 người lính.  Một người vượt đại dương để đến với một người những giây phút sau cùng.  Người ấy ân cần chăm sóc nâng đỡ chùi rửa, nắm chặt bàn tay nhau để bạn mình thơ thới đường hoàng phút tử sinh.  Và người ấy khóc giọt nước mắt can trường thương bạn phải đau đớn lúc lâm chung.  Ôi, Mây đổi kiếp này và nhiều kiếp nữa để được gặp những phút ân tình đó, để được chia cái tình tinh tuyền ấy, cái tình trong ngần như nước mưa mà Thái đã làm cho ông K.  Nơi nhà thương Thái đã không lăng xăng âu yếm chăm lo cho ông như những bà vợ, những người tình _ trong những  yêu thương ấy còn có bóng dáng cái tôi, vì chưng người ta có sự ràng buộc với nhau.  Thái chỉ tận tình săn sóc ông với tất cả chân thành yêu mến để một người đã quyết không lỗi hẹn với tử thần được ung dung thư thái đàng hoàng bước tới điểm hẹn. 

Khi nãy Thái hỏi Mây có nghe được tiếng núi.  Đêm núi im mà lại rất nhiều âm thanh không thể phân biệt được là tiếng gì.  Chỉ muôn loài sinh vật cỏ cây quanh núi có thể nghe và hiểu tiếng núi.  Bây giờ trong cái trong lặng của trời đêm, Mây nghe như có tiếng u u mơ hồ từ vách núi, vọng lại những âm vang của ý tưởng trong đầu Mây.  Gió thổi không mạnh nhưng đủ tạt vách lều, làm cho mảnh trời sao trên cao cũng như đong đưa theo gió.  Trong cái hoang vu, Mây tự hỏi, lần này nữa là bao nhiêu lần Thái đã đi, đến một nơi nào đó, đến bên núi, một mình?  Thái dường quen thuộc và thân mật với núi.  Bên cạnh, Thái im lặng ngước nhìn bầu trời qua màn lưới trong ở chóp lều.  Mây thấy hối mình đã dồn bạn tới chỗ khó khăn, nhưng vẫn không dừng được niềm thắc mắc.   

_Mày vẫn không nói được tại sao chưa bước đi? 

Thái vẫn lặng im.  Ánh đèn măng xông tạt ngang khuôn mặt trắng như thạch cao của Thái, bao bọc nó bằng một ánh vàng trong.  Những tia máu hồng li ti dưới má của Thái như ửng lên, nhưng nét mặt Thái không tỏ một cảm xúc gì.  Thái mím môi, thong thả nói:

_Nhiều lúc tao cũng tự hỏi mình một câu từa tựa như vậy.  Ngồi bên ông K., có những lời không nói, như tiếng núi, âm thầm mà lại vang xa, khiến mình mãi lắng nghe.  Những điều buộc tao với ông dường như quanh quẩn với kiếp người với đất nước.  Lâu dần có lúc tao cảm nghĩ ông là một miếng quê hương còn sót lại, trôi giạt  trên đất này, miếng quê hương mà tao muốn hay không cũng không thể buông bỏ dẫu đi xa đến đâu… 

Thở dài.  Thái sẽ còn đi, Mây biết vậy. 

_Thái có e một lúc nào đó mình không về kịp?
_Phải đành.  Xuống nước, không muốn chết chìm thì đừng đương cự với nước.  Cách thua tốt đẹp nhẹ nhàng nhất là chấp nhận mình thua.  Và bước đi.  Tao đang tập thua, tập bước đi.   

Tiếng núi u u dồn vang lên như tới chỗ bao la của một bản hòa tấu.  Mây thấy bồi hồi.  Cũng đành.  Thái, thì cứ vậy đi.  “Thua, thua nữa, thua cho bảnh,” Mây bật thốt.  Thái nhìn Mây đợi một lời giải thích.  “Fail, fail again, fail better,”  Nguyễn Quốc Trụ dịch.  Thái im lặng.  Mây cũng im lặng.  Hai đứa ngó nhau, bất chợt cùng thốt “điên” rồi bật cười vang.  Tiếng cười dội vào bóng tối. 

Lưu Na
11/02/2013 

***Nhìn Lại Em Đi Anh, Nguyễn Đình Toàn.

 

 

 

 

 

THƠ HOÀNG XUÂN SƠN


  
                                                               tranh Van Gogh

b á t  p h ở  c ủ a  p h o n g

                        living abroad, I
                                    see in the tonkinoise soup
                                    my long lost country
                                    B.P (*)

 
từ khi bứng khỏi cội nguồn
thấy trong tô phở
mối buồn lưu vong

 
m ù a.  n ơ i  đ â u

nằm nghe
tiếng hụ còi
                        buồn
chợt hình nhân đã
rơi
            tuôn
lối nào
chiều vàng
với xác hanh hao
với mùa lay thức
cổng chào xin đi
tiếng ai khua                lặng
diên trì
lần lửa hẹn đến
phồn nghi một ngày
mà rồi vẫn cứ thu tay
nơi an nhược một chút
gầy thanh xuân
ngó lên cây.  hiện.  rất gần
con mắt bóng lá
nhìn năn nỉ
                        về
thôi.  đường đã chậm hà khê
sông ơi.  cứ chẩy cho bề bộn
theo

HoàngXuânSơn
4 nov. 2013

(*)Song Thao - Phiếm 10, “Phở”

 

TRUYỆN NGẮN HOÀNG NGA


MIên
 
 
 
                                                                      Tranh  Đông Hương

 

tháng bảy mưa ngâu hay em khóc
chiều về cây khế hỏi vì sao

Trung Hậu

 

   Trời Sydney mưa như thác đổ. Miên gọi điện thoại cho tôi, nói, “thằng” mô mà đòi trời không mưa anh cũng lạy trời mưa là em bắn bể đầu liền. Tôi phì cười.
    Nhưng chắc Miên không nghe tiếng tôi cười. Mưa ngoài khung cửa rộng mở át mọi thanh âm chung quanh tôi. Miên lập lại phía bên kia đầu giây, em nói thiệt, trời như ri mà còn cầu trời mưa, không điên thì cũng khùng, không bắn không được.
    Và Miên chậc lưỡi, mưa chi mà mưa lạ mưa lùng, mưa kiểu ni, em không có nhà chừng hai tuần chắc cây khế của em chết quá. Tôi để cho Miên thở than. Cây khế Miên khuân từ tiểu bang này qua tiểu bang khác, cưng như cưng con. Lúc tôi mới về lại miền nam bán cầu, gặp nhau chưa kịp hết mừng, Miên đã khoe em có trồng cây khế, mai mốt chị tới nhà em cho coi. Vừa từ vùng trời lạnh lẽo Âu Châu qui cố hương, nghe nói đến cây khế, tôi thích quá, hớn hở theo Miên tới nhà xem. Sau thấy Miên cực khổ, tẩn mẩn như nuôi bịnh, tôi la làng. Tôi bảo:
   - Ngoài Cabramatta bán một ký khế mười hai đồng, tau đi mua về cho mi năm ký ăn phồng lưỡi, khỏi trồng trọt chi hết.
   Miên nhăn mặt:
 - Chị không hiểu chi hết thì có. Ai thèm ăn khế mà đi trồng khế. Đây là cả một bầu trời thương yêu nằm trong cây khế của em.
   Tôi hỏi cổ tích hả, ăn khế trả ngàn vàng hả. Miên làm thinh. Lát sau Miên tỉ tê hỏi chị nhớ nhà của em hồi nớ không. Tôi đáp răng không. Nhà Miên thuở ấy nằm ngay trên đường tôi đi học, gần một quán cà phê nổi tiếng của thị xã. Vườn thơm lá, cỏ ngoan hương. Ở thành phố, nhà có mảnh đất có thể nói đã hiếm hoi, huống gì nhà Miên còn mênh mông cây trái, nên không cần mời mọc trưa nào tôi cũng cố gắng đi sớm để ghé lại nhà Miên, ngồi dưới gốc mận, gốc xoài, ôn bài với chị của Miên.
   iên lúc ấy còn nhỏ, hay chạy theo bắt tôi kể chuyện phim. Phim kiếm hiệp, Vương Vũ, Địch Long, Khương Đại Vệ. Tôi nhắc, hồi nớ mi hay ngồi trên cây khế. Mỗi bận tôi tới, Miên từ trên cây khế leo xuống chạy ra mở cổng. Về Sydney lâu, Miên kể:
   - Em ngồi ngó qua nhà hàng xóm, anh em nhà bên nớ chơi vũ cầu hay lắm.
   Tôi nói giữa rừng già tau có thấy người mô. Miên cười. Hồi chị tới nhà em, người ta đi du học rồi. Tôi trợn mắt ngó Miên:
   - Rứa thì mắc mớ chi mà mi leo lên cây khế ngó qua nhà người ta?
   Miên không nói gì. Bỗng một hôm, Miên phone cho tôi:
   - Nì chị, cái người nớ đang ở đây nì.
    Tôi ngạc nhiên hỏi người mô. Miên thở dài. Hàng xóm nhà em hồi nớ. Tiếng thở dài của Miên làm tôi chưa kịp nghe chuyện, đã thấy có điều gì uẩn khúc, không mấy vui. Tôi im một hồi, kiên nhẫn chờ nghe chuyện lòng của Miên. Khá lâu sau, Miên nhỏ giọng:
    - Ngày xưa lúc người ta đi rồi, em cứ buồn buồn mà không hiểu tại răng buồn. Cái tình cảm hồi nớ nhỏ nhít quá, không định hình chi hết, nên không biết đặt tên chi cho hợp. Tới hồi lớn lên, em lờ mờ hiểu những điều thiên hạ hay nói, định mệnh, duyên phần. Rồi em cũng nghĩ tới những thứ linh cảm mà con người không biết giải thích răng cho đúng. Cái thứ linh cảm tình yêu... Chị thấy đó, đâu phải đợi tiếp xúc nhiều lần, hay phải hiểu nhau như rõ lòng bàn tay mới yêu nhau phải không?
   Tôi im. Miên nói tiếp, những giòng sông chảy ra biển lớn là những giòng sông rộng, theo lẽ tự nhiên của đất trời nên sông được hòa vào với biển, còn giòng sông của em là giòng sông quay ngược về nguồn. Miên thở dài. Sông của em là sông hiu hắt, sông buồn. Miên kể hai người tình cờ gặp lại nhau trong một buổi họp, đi ăn trưa, chuyện trò, nhắc nhở chuyện ngày xưa. Khi nghe đến những trưa hè rộn rã, những chiều vàng xôn xao nắng cuối vườn, và chuyện cô bé hay trèo leo chỉ để xem hàng xóm chơi vũ cầu, người đàn ông tất tả đi mua cây khế về tặng cho Miên. Cây khế nằm trong chậu, loại khế Thái Lan trái lớn, ngọt đậm đà, tuy không mấy giống như loại khế nhà Miên trồng ngày trước, nhưng Miên đã cảm động đến muốn khóc. Và sau đó Miên tha món quà hết tiểu bang này sang tiểu bang nọ, thành phố này đến thành phố kia, từ Adelaide qua Melbourne, từ Gold Coast lên tận Darwin, từ miền bắc xuống thủ đô,  từ miền tây lại qua miền đông, rồi cuối cùng về tới Sydney.
    Cây khế cho đến khi tôi nhìn thấy, cao chừng một mét, tàn lá chỉ vừa đủ che khuất một khoảng hành lang bé tí tẹo. Mỗi bận sang nhà Miên chơi, tôi hay bắc ghế ra ngồi với Miên, nhìn nắng reo trên những nhánh lá xanh mỏng mảnh. Dưới gốc cây, Miên không nhổ cỏ mà để tự nhiên vài đám rêu phong, vài cành xương gẫy. Miên nói đi ra đi vào thấy gốc khế um tùm cỏ dại là bớt nhớ quê nhà. Bớt nhớ khoảnh vườn ngày cũ.
   Tôi đùa quê nhà có chi mô mà nhớ. Miên nói thiệt tình là không có chi ngoài một mảnh đời nho nhỏ, một khoảng trời nắng mưa mỏng mảnh như bàn tay. Thêm một vài kỷ niệm không đặc biệt gì cho mấy. Nhưng nói vậy mà nhiều hôm tôi tới nhà Miên, cũng chỉ để ngồi nhắc nhở chuyện quê nhà, chuyện xưa, chuyện cũ đến hằng tiếng đồng hồ. Miên bảo bạn tôi mất sớm, Miên coi tôi như chị. Tôi đáp hết người, mi chọn chi tau, người có cuộc đời cũng buồn như lá rớt. Miên nói làm đàn bà là thấy buồn rồi, cần chi kể tới gian truân, đoạn trường.

*

   Tháng bảy Sydney trời bớt mưa nên lao xao nắng, nhưng lạnh tái tê. Miên than lạnh quá chắc cây khế của em không ra hoa nổi. Năm ngoái cây khế của Miên trổ được chùm hoa nhàn nhạt màu tím hồng. Miên gọi tôi đến, gọi luôn cả pizza nói để ăn mừng. Tôi phì cười trêu Miên khế đơm hoa, lẽ ra phải ăn thịt bò tái chấm mắm nêm mới phải. Miên khui chai rượu đỏ, nói khi mô cây khế của em có trái, mình sẽ ăn khế chua, uống ba xi đế cho đậm đà màu sắc quê hương.
    Tháng sáu, tháng bảy ở quê nhà mùa hè, cây khế đơm bông kết nụ, thời tiết xứ người khắc nghiệt não nề, cây khế của Miên hắt hiu vàng tai tái lá. Miên than trời đã nghịch ngợm mùa đông, còn lạnh thấu xương thấu thịt kiểu ni, người ta thiếu điều chết cóng huống chi cái cây khế tội nghiệp của em... Tôi nói mi nhận cây khế của người ta, là nhận nợ trăm năm. Tôi vui miệng nói chơi, không ngờ Miên thở dài. Chị nói trăm năm, thiên thu, nghe mà tủi. Tôi lặng người, lờ mờ hiểu ra chuyện tình yêu của Miên. Không trăm năm, không thiên thu... Tôi ngập ngừng hỏi:
   - Không trăm năm, không thiên thu thiệt hả Miên?
   Miên buồn rầu như sắp khóc:
   - Không. Tình của em là tình trà dư tửu hậu. Tình thêm mắm dặm muối, thêm hương thêm vị cho đời sống có chút nồng nàn thôi chị.
   Tôi nghẹn lời, không dám lên tiếng. Tôi nhớ đến mối tình của mình, nhớ nỗi đau đớn không chịu đoạn lìa, thấy thương thân, thương Miên đến muốn khóc. Miên nói người ta có hậu cứ, có một nơi để quay về, còn em thì sầu đàng trước mặt, khổ đàng sau lưng. Và Miên cười buồn:
   - Hồi nhỏ mẹ em dạy khi lớn lên, phải sống cho tử tế với tha nhân, để khi buồn có người sẵn sàng làm bờ vai cho mình dựa, rồi ngược lại cũng phải cố gắng trở thành bờ vai cho người khác nghiêng đầu khi cần... Cuộc đời, thiệt là... Có những bờ vai cứ tưởng là của mình, nhưng khi buồn, thì lại không được phép nghiêng đầu.
   Khi buồn, Miên nghiêng mặt xuống kỷ niệm, xuống những hạnh phúc  nhỏ nhoi của mình. Từ một đôi câu nói ân cần an ủi, từ một vài gặp gỡ vội vàng, đến trang thư, cuốn sách được tặng, Miên đều chắt chiu gìn giữ. Tôi nói với Miên ca dao bảo, anh buồn có chỗ thở than, em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya, và tiếp, đời người đàn bà không có chỗ thở than buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya, mi không biết răng. Miên lập lại câu nói của tôi, đáp làm đàn bà thiệt khổ. Tôi đùa:
   - Hay là mi quăng cây khế đi cho đời bớt khổ.
    Miên nhìn lên bầu trời trên cao:
    - Mà chắc tới lúc mô đó cũng phải quăng đi mới dễ sống.
    Miên thêm. Quăng đi, như quăng những món đồ không vừa vặn hằng ngày. Tôi nắm lấy bàn tay Miên, những ngón tay gầy guộc, với các nếp gân xanh xao, tôi hỏi, mi đủ sức quăng đi không. Miên chậc lưỡi cười, không trả lời.

    Thình lình một hôm Miên gọi điện thoại bảo Miên sẽ đi xa hai tuần và đòi chở cây khế xuống nhà tôi. Tôi nói tôi không chịu trách nhiệm nhưng Miên cứ tỉnh bơ căn dặn một tuần tưới nước mấy lần, cửa sổ phải mở ra như thế nào cho có ánh sáng lọt vào phòng. Tôi la:
    - Mi đừng có khùng. Tau không có chăm sóc, tưới tắm chi hết.
    Miên làm thinh. Cũng chẳng thèm nghe lời tôi phản đối. Một ngày trước khi đi, Miên khệ nệ mang chậu cây tới. Nhìn cái rờ moọc lớn tướng Miên mượn của ai đó móc đàng sau xe, chung quanh chèn đủ loại cây dài cây ngắn, rồi gỗ đá, thùng bộng lung tung xèng để giữ chậu cây thăng bằng, tôi lại la:
   - Mi đi hai tuần chớ bộ ngày dài tháng rộng chi mà mang cái thứ ni tới đây.
    Miên không trả lời, cứ lụi hụi tháo gỡ mớ dây ràng rịt quanh chậu khế. Mãi cho đến khi mang được món quà tình yêu đặt trên thềm nhà tôi, và ngồi phệt ngay xuống tam cấp, Miên mới khẽ nói:
    - Em đi chuyến ni sanh tử một mối tình. Về, lỡ có buồn, em để cái cây ở lại đây luôn.
    Tôi nhăn mặt:
   - Cái con ni “vui” hỉ. Mi sanh tử tình yêu mắc mớ chi tới tau mà bắt tau gánh cái trách nhiệm tưới tắm chăm sóc vô duyên ni chớ.
    Miên cười buồn:
    - Em giao cho chị. Nếu cái cây chết mà tình vui, thì không có chi để than trách. Còn buồn, cứ coi như em tìm ra được người đoạn tuyệt kỷ vật.
    Giọng của Miên nghe tỉnh như nói chuyện đi chợ, đi mua sắm quần áo, nhưng xót xa không chịu được. Tôi tò mò ngồi xuống bên cạnh Miên:
    - Răng khi không mi quyết liệt dữ rứa? Chuyện chi mà mi đòi sanh tử?
     Miên ngồi im một lát rồi nhỏ giọng, thì em có nói tới giai đoạn mô đó, phải có một thái độ rõ ràng cho đời sống mình. Miên thở ra:
    - Không hiểu răng tự nhiên lúc gần đây, em có cảm giác mình già rồi, nên muốn trắng ra trắng đen ra đen.
    Tôi rớt mắt trên cụm rêu non bám trên gốc khế. Hai chữ già rồi của Miên nghe thương chi lạ. Tôi chạnh lòng nghĩ đến đời sống của chính mình và cái hạnh phúc nhiều người hất hủi, ruồng rẫy trong khi tôi và Miên kiếm tìm mỏi đời vẫn không với tới được. Trái tim tôi chới với đập lên mấy nhịp xót xa. Miên co hai chân lên, mặt nghiêng trên cánh tay để vòng quanh gối, mắt u hoài nhìn cây khế như nhìn người yêu. Giọng Miên rưng rức, đã tới lúc phải quyết định hoặc có hoặc mất hết chị nờ. Tôi đáp Miên nói giống y như đang đánh bạc. Miên giễu, chị không nghe cải lương nói đời là một ván bài hả. Tôi hỏi, mà em với anh là những con tẩy lủng phải không. Miên cười. Lát sau Miên nói, giọng buồn thiu:
    - Đàn ông yêu đương, nhiều khi giống y như nhu cầu cần ăn cơm, uống nước. Ăn xong, no. Uống nước xong, hết khát. Còn đàn bà mình răng mà khổ quá. Cứ cưu mang, day dứt triền miên. Em làm hết cách để thoát ra khỏi nỗi buồn, nỗi khổ tâm mà không được. Muốn tìm cái kết thúc cho nhẹ lòng đây chị.
    Tôi cũng gắng tìm một câu để an ủi Miên nhưng mãi vẫn chẳng biết phải nói điều gì. Lòng tôi tàn hoang như cái nắng tháng bảy mong manh đang tàn vội trên hiên nhà.
    Chúng tôi ngồi thêm với nhau một lát rồi loay hoay mang chậu khế vào phòng. Miên bịn rịn mân mê nhánh lá, dặn lại lần nữa tưới tắm chăm sóc cho kỷ vật của Miên như thế nào. Tôi ậm ừ. Và làu bàu. Cây khế trồng trong chậu là coi như đã bị bức tử, bị đem vô nhà không nắng không mưa, có chăm sóc tưới tắm cách chi cũng uổng công. Tôi thêm, kiểu chi rồi cũng không thọ, kiểu chi rồi cũng phải thành kính nghiêng mình, tiễn đưa linh cửu. Miên bật cười. Đột ngột Miên buông tay, nói thôi em về rồi đi thẳng ra ngoài. Y hệt như khi Miên đến.
    Tôi đứng lại với cây khế. Không tiễn Miên, nhưng tôi lắng nghe tiếng xe Miên vang lên. Nhỏ dần. Nhỏ dần. Và cuối cùng là im ắng. Mất hút. Lòng tôi nặng trĩu. Nhớ tới lời Miên nói có những bờ vai cứ tưởng là của mình, nhưng khi buồn, thì lại không được phép nghiêng đầu, nước mắt tôi bỗng ứa ra. Tôi biết chắc chắn Miên sẽ chẳng bao giờ đòi hỏi một đổi thay nào đó có thể mang đau thương lại cho kẻ khác, cũng chẳng bao giờ chọn phần hơn về phía mình...
   Miên của tôi... Chắc chắn rồi sẽ về một mình với đường không bóng lá. Sẽ lòng rỗng tay trơn với mưa rơi, nắng hạn. Và hẳn, sẽ một đời không vòng tay.
    Miên của tôi...
    Trời tối nhá nhem, nhưng tôi cứ đứng mãi, nghĩ đến đoạn đường dài tăm hơi khi Miên về. Tôi biết chắc, cây khế nếu còn sống, sẽ hỏi vì sao Miên cười mà nuốt lệ.

HOÀNG NGA