Thursday, March 31, 2011

Tiếng quạ,
tiếng thơ trong trời tưởng nhớ

Vương Ngọc Minh

  
...
Giờ thì tôi nhận ra khu phố mình ở khá nhiều quạ
Nhiều đến nỗi trời mới hừng sáng tiếng chúng kêu dậy trời
Cái tiếng quạ
Thật không lẫn vào đâu được
Hễ nghe thấy nó là liền nghĩ tới những giấc chiêm bao mà chả hiểu vì lí do gì (!) bao lâu nay mình đã không còn nhớ nữa?

Hiện thời lại nghĩ tới bầy quạ đen / cây cam sai trái của phạm công thiện trong "đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất"
Nghĩ tới nhạc tom wait / giọng ca của chàng
Chất giọng phải nói suốt thời gian dài
Ám ảnh
Khiến cứ đinh ninh chàng đánh cắp cái chất giọng ấy từ tôi (...) để rồi mỗi khi bài the star-spangled banner trỗi lên
Lập tức đứng tư thế nghiêm
Một tay đặt lên ngực tay kia tôi giơ về phía chuyến lũy alamo đầu hất ra phía sau cho đến nốt cuối cùng chấm dứt vẻ mặt vẫn còn kiên quyết và da diết
...
Vâng! với tôi
Có gì đó (!) vướng mắc trong từng tiếng quạ kêu
Thậm chí có phần đau xót
Mỗi lần nhìn
Ngắm
Dẫu thoáng qua bộ lông đen bóng
Sạch sẽ
Cặp mắt buồn rầu hình như chen lẫn trách móc của chúng, tôi luôn xoay mặt về cuối chân trời có cảm giác mình tồn tại hết sức tự nhiên như thể xương
Thịt
Đã tan nhuyễn vào không khí khu phố tôi đang sống tự khi nào
...
Còn bây giờ
Phải đợi lê giang trần về lại quận cam hỏi xem ông thiện có để lại di cảo gì?
...

VNM
(Nguồn: Tiền Vệ)

Wednesday, March 23, 2011

Mộng hái sen

Nguyễn Xuân Thiệp




Mộng Hái Sen.  Viết xuống những từ này lòng chợt bồi hồi nhớ đến “Mộng Đắc Thái Liên” của Nguyễn Du.  Cùng cô hàng xóm nhỏ đi hái sen ở Hồ Tây, Nguyễn cũng có biết bài thơ Hái Sen của Nguyễn Du, cho nên khi được đọc bài của Nguyễn Huệ Chi do Bùi Huy (Tô Thẩm Huy) gởi đến thì lại càng tràn đầy xúc cảm. “… trong một bài thơ làm thời kỳ đã ra làm quan với nhà Nguyễn, Nguyễn Du bỗng mơ về cái thời trẻ trung ở Thăng Long. Ông nhớ đến một người đẹp, cô bạn hàng xóm, đã cùng ông đi hái sen ở hồ Tây. Một Nguyễn Du khác lạ bỗng đâu hiện về làm mờ hẳn Nguyễn Du già nua trước mắt. Sự xuất hiện bất thần của cô bạn gái được nhà thơ gợi tả thông qua cái bóng của cô lung linh dưới mặt nước khiến cho cảnh vật chợt bừng sáng, thời gian đảo ngược từ dĩ vãng trở thành hiện tại.”
Khẩn khúc thù điệp quần,
Thái liên trạc tiểu đĩnh.
Hồ thủy hà xung dung,
Thủy trung hữu nhân ảnh.
Thắt chặt quần cánh bướm,
Hái sen thuyền nhỏ bơi.
Nước hồ sen trong vắt,
Trong nước có bóng người… *
Ôi, mộng hái sen… Còn gì tuyệt vời bằng.
  
   Nhưng trước hết, Nguyễn xin được nói một chút về hoa sen trong đạo học và văn học Đông phương. Bông sen xuất hiện khắp các nước Á châu và được xem là hoa của những người theo Ấn giáo và Phật giáo (flowers of Hindus and Buddhists". Từ những thời xa xưa, hoa sen được xem là tượng trưng cho những gì là thuần khiết thuộc về tinh thần. Ấn giáo tôn thờ hoa sen trong hình ảnh các nữ thần Vishnu và Lakshmi thường xuất hiện trên một đóa sen hồng. Trong Phật giáo, hình ảnh Đức Phật ngồi trên tòa sen đã trở thành quen thuộc. Còn khi Phật cầm cành hoa chỉ vào mặt trăng cho ông Ca Diếp xem, Nguyễn nghĩ cành hoa đó cũng là bông sen.
   Hoa sen đẹp, nhất là trong vùng nước xanh với bóng cô gái hái sen. Trong bài thơ “Mộng Đắc Thái Liên”, Nguyễn Du cũng cho ta thấy vẻ đẹp ấy khi hẹn với cô gái nhà bên buổi sáng đi hái sen, và nào là người chưa đến mà đã nghe tiếng cười, và hoa sen thì đẹp và cuống sen có những sợi tơ vương vấn.
   Ấu thời của Nguyễn cũng gắn liền với bông sen. Tắm ở ao sen đầu làng. Những bông sen mẹ mua về cắm trên bàn thờ, hương thơm thoang thoảng khắp căn nhà lợp tranh. Có một lần Nguyễn được cùng với chị Thoa bơi chiếc thuyền thúng hái sen trên hồ Thủy Đình lúc trăng chiều vừa mới lên. Gió nhẹ thổi lá sen rào rạt. Hai chị em vừa bơi thuyền vừa cười giỡn vô tư. Rồi chị Thoa đi lấy chồng làm Nguyễn nhiều buổi nghẹn ngào nhớ chị. Và trí óc mông lung của Nguyễn còn bóng bài thơ Hái Sen (Cueillir des Lotus) bằng tiếng Pháp của ai đó, hình như cũng kể chuyện ngày xưa được cùng chị hái sen trong đầm nước xanh. Kỷ niệm với chị, nhất là chị họ, bao giờ mà chẳng đẹp và long lanh ngấn lệ. Ôi tình xưa như nhãn và sen / Dẫu tình phai khi chưa kịp hẹn...
   Huế là nơi trồng rất nhiều sen. Sen dưới hào nước chung quanh tường thành. Lê Văn Ngăn kể nhiều đêm thanh vắng, đi qua cầu vào cổ thành, chợt nghe một tiếng soạt dưới đầm, nhìn xuống thấy một bông sen nở trắng. Tôi nghĩ chắc ông thi sĩ tưởng tượng thêm vì Ngăn nổi tiếng là nhà thơ duy cảm. Và hồ Tịnh Tâm, nơi sen nở có người chờ đợi trước. Hạt sen hồ Tịnh Tâm là thứ quý như vàng, Thỏ nấu chè cho Cu ăn một mùa hè bãi trường về thăm nhà ở Vương Phủ, em còn nhớ hay em đã quên, hay là cũng do Nguyễn tôi tưởng tượng mà thôi... Và em có biết, Sen xa hồ sen khô hồ cạn / Lựu xa đào lựu ngả đào nghiêng... Còn anh xa em thì sao, ở hai bên bờ Tây và bờ Đông, có nhánh hoa lavender nào tàn úa không, hay chẳng có gì cả, dửng dưng như không, vì đời đã quen với những lúc xa nhau?* *
   Sang Mỹ, nhiều lúc thấy nhớ bông sen và lá sen. Nhớ lạ lùng. Bông như môi và lá như tay. Xin cùng Nguyễn đọc lại câu thơ rất hay của Nguyên Sa: Vẫn biết lòng mình là hương cốm / Chẳng biết tay ai làm lá sen… Ôi, trong đầm gì đẹp bằng sen. Nhưng tìm đâu thấy? Vừa mới đây thôi, trong lúc trò chuyện với những chú ve nhỏ, kẻ viết những dòng vẩn vơ này có nói tới hoa sen. Đó chỉ là một liên tưởng, và hắn có nói là mắt chưa từng được thấy cây bông sen ở xứ này. Lời ấy đã không còn đúng nữa rồi: Trong một chuyến đi đọc thơ ở Florida, mắt hắn đã được thấy cả một hồ sen nở ngát. Hồ sen của Trần Đệ.
   Thật là tuyệt vời. Anh bạn văn Trần Đệ - quê ở Mỹ Tho nơi hắn đã có một thời để sống và để mơ... - anh Đệ đã chống thuyền đưa hắn ra giữa hồ hái những bông sen trắng, sen hồng. Và trong một thoáng ngắn ngủi, hắn nghĩ đến cô bé Kiến An trong phim Ba Mùa - em đã có xem phim này, chắc em còn nhớ- cô bé nửa đêm bơi thuyền trên hồ sen bát ngát đến thăm nhà thơ bất hạnh. Cái ánh lửa từ những ngọn đèn rơi trên nước, những vùng lá và bông sen xô giạt dưới nhịp chèo, mái tóc dài bay trong gió tối... những ảnh bóng đó còn đọng trong tâm trí hắn cho tới phút giây này.


   Giờ đây, hái sen đối với hắn không còn là một giấc mộng nữa. Dẫu chẳng được như Lý Bạch "đọc nát vạn cuốn sách" nhưng hắn cũng là gã lãng du, mê sách mê tranh, từng đi hết vạn dặm đường. Cô gái Hàng Châu thấy Lý Bạch chèo thuyền tới thì núp bóng vào vùng lá và bông sen, nhưng cô gái Phượng thành trên trang văn của hắn thì "từ dưới vùng nước xanh ao sen mùa hạ bước lên, hai tay ôm đầy bông sen đỏ, tóc và quần áo đẫm nước dán vào da thịt"... Thế thì Lý Bạch, và cả Vương Xương Linh, Bạch Cư Dị... chắc gì có diễm phúc hơn gã thơ lãng du kiết xác, bụi bặm này. Có lẽ hắn chỉ thua Nguyễn Du, không được cùng người đẹp Tây Hồ chèo thuyền con đi hái sen thôi. Nhưng biết đâu, ở kiếp sau... Chúng ta cùng hẹn nhé?

* Nguyễn Huệ Chi
** Ca từ Trịnh Công Sơn

Tuesday, March 22, 2011

Những kỷ niệm rời cùng Khánh Ly

Đinh Cường


Đà Lạt 1964
Mùa hè Đà Lạt thường mưa buổi chiều ,mưa liên tiếp ba buổi rồi tạnh .Mưa núi buồn hơn mưa thành phố ,có thể ngửa bàn tay hứng những hạt mưa đá li ti rồi tan ngay.  Mây xám thấp, sà xuống sát núi chỉ chừa lại một loé sáng ,một màu mây nếu vẽ lên tranh sẽ thấy thật dữ dội .Những cây thông già mờ đi trong từng đám mây băng qua .Và gió se lạnh , phải kéo cao cổ áo .Chúng tôi có một buổi chiều thật đẹp ,Khánh Ly với chiếc  jupe ngắn màu xanh nhạt ,cầm khay đưa kéo cho ông Thị Trưởng Thành Phố cắt băng khai mạc phòng tranh tại Alliance francaise de Dalat ( lúc ấy là trung tá Trần văn Phấn, hiện ở tại Centreville,Virginia)


Nguyễn Xuân Thiệp, TrTá Trần văn Phấn, Đinh Cường, Thái Lãng

Tôi triển lãm ở đó vào dịp Lễ Giáng Sinh 1965 với ba mươi ba bức tranh sơn dầu ,Trịnh công Sơn nói lời giới thiêu và catalogue có ghi dòng chữ nghiêng nhỏ: dédié à Tuyết Nhung. Một không khí đầy tình bằng hữu , phương xa về có các anh Phạm Duy ,Nguyễn văn Trung,Christian Cauro(giáo sư Đại học Văn Khoa Huế và Sài Gòn , đã mất tại Paris), Marybeth Clark (giáo sư anh văn nữ trung học Đồng Khánh Huế, hiện ở San Diégo –California),từ Saigon lên ,Bửu Ý ,Hoàng phủ ngọc Tường từ Huế vào , tại ĐàLạt có anh Đỗ long Vân ,anh chị Hoàng anh Tuấn –Ngô thy Liên ,Thái Lãng ,Trịnh công Sơn ,Trịnh xuân Tịnh ,Nguyễn xuân Thiệp ,Tôn nữ Kim Phượng ,chị Thanh Sâm ….và Dì Ba , ông café Tùng . Ông Tùng mua bức tranh Thiều nữ Xanh treo ở café Tùng cho đến nay ,qua vật đổi sao dời ,tranh đã ngã màu ,hư hao …và ông Tùng cũng không còn nữa .Dãy ghế da nâu liền nhau trong quán vẫn không thay đổi ,vách bên mặt treo bức tranh sơn dầu lớn ‘’Người đánh đàn guitare ‘’ của Vị Ý ,phòng nhỏ bên trong có bức ’’Chân dung thiếu nữ” của Cù Nguyễn rất quý …còn nhớ ông hay khoe bộ báo Bách Khoa đầy đủ , đóng bìa da, để ở lầu trên  nay tan tác nơi nào?


Khánh Ly, Đỗ Long Vân, Đinh Cường, Trịnh Xuân Tịnh

Hãy trở lại những đêm Đà Lạt năm 1964 ,thời gặp hình ảnh người ca sĩ nhỏ nhắn với chiếc jupe ngắn màu xanh nhạt ở Night Club ,rồi Tulipe Rouge , ôi tiếng hát và vóc dáng mãnh mai ấy đã cuốn hút chúng tôi biết bao ,nhất là những đêm cuối tuần ngoài trời đầy sương lạnh .Tôi đã nói với Sơn không còn giọng hát nào hay hơn ,hát rõ câu chữ  như nhã từng lời buồn thánh (nhớ là khi qua Paris gần đây ,ngày nào trong bửa ăn ,Bạch thái Quốc cũng cho tôi nghe Billie Holiday hát, ôi những bài blues mê hoặc lòng người ,làm nhớ lại những lời ru của Sơn qua giọng ca KhánhLy …)Và chúng tôi đã làm quen được người nữ ca sĩ  của Đà Lạt từ năm ấy , để năm sau khi bày tranh, Khánh Ly đã là bóng dáng đẹp  nhất trong lòng bạn bè …“Nguyễn đã gặp các bạn ĐinhCường và Trịnh công Sơn rồi Khánh Ly và bao nhiêu người nữa .Giáng Sinh ,kéo nhau đi uống bia,rồi về đàn hát ở studio Đinh Cuờng trên đường Rose .Có đêm uống rượu ở kiosque Dì Ba,  hay vào Night Club dưới chân Đài Phát Thanh nghe Khánh Ly hát …”(Giáng Sinh và những đống lửa trong đêm mùa đông -Nguyễn xuân Thiệp -tuần báoTrẻ, Dallas , số ngày 23.12.2010 )




     Đỗ Long Vân, Thái Lãng, Khánh Ly, Đinh Cường, Phạm Duy,
   Nguyễn văn Trung, Pauline

Saì Gòn 1967
…”Bởi định mệnh nên đến năm 1967 ,như một sự tình cờ ,Khánh Ly gặp lại nhạc sĩ Trịnh công Sơn giữa giòng người đi lại trên đường Lê thánh Tôn,Sài Gòn ,vào một buổi chiều êm ả .Từ một đêm mưa của ĐàLạt đến một buổi chiều trên đường phố Sái Gòn ,tất cả đã bắt đầu .Ngay chiều ấy ,trên nền gạch đổ nát có một quán lá sơ sài được dựng lên với cái tên là Quán Văn . Ca sĩ Khánh Ly bắt đầu hát với nhạc sĩ Trịnh công Sơn tại đây …”
(Khánh Ly và Nhóm Bạn –website Khánh Ly )Quán Văn ,một thời làm sao quên của những người bạn ăn dầm nằm dề ở đó : hai anh em Hoàng xuân Sơn –Hoàng xuân Giang ,thời này Hoàng xuân Sơn thường đệm guitare cho Khánh Ly hát.


Khánh Ly, Đinh Cường

Hoàng ngọc Tuấn, Ngô vương Toại, Trịnh công Sơn, Khánh Ly…đã đi vào truyện ngắn Ở một nơi ai cũng quen nhau của Hoàng ngọc Tuấn : …"Bọn con trai nằm ngủ trên chiếu ,chiếc ghế bố duy nhất trong căn  phòng được dành cho Lệ Mai(1) ,nàng mặc một bộ áo pyjama đàn ông rộng thùng thình Và khi cái gáy của nàng đã đặt trên gối ,mái tóc xổ tung ,khuôn mặt không son phấn , đôi môi và đôi mắt bình yên khép kín Nàng nằm đó,nhỏ nhoi và bình thường như một thiếu nữ còn êm ấm với mẹ cha trong gia đình ,nhưng trên vầng trán của nàng đã hằn rõ một vài nếp nhăn phiền muộn,dấu hiệu của những người sớm cô độc bước vào cuộc đời Khi giấc ngủ đến với nàng ,có người đã nhìn thấy tiếng cười thơ dại và những vết nhăn trên vầng trán cuả nàng cùng một lúc chan hoà với nhau thành một hình ảnh đẹp .Có người đã nghĩ rằng nàng như một nữ thánh .Ban ngày Lệ Mai nghịch ngợm như một con chim rừng xanh ,nhưng ban đêm, đôi khi nàng có những giọt lệ âm thầm …” (OMNACQN ,trang 45 ,Hoà Bình xuất bản ,Virginia 2007) . Hoàng ngọc Tuấn có làm bài thơ hiếm quý (thời ấy, tôi có làm đôi ba bài thơ ,tiếc thay thơ không chịu gắn bó với tôi mãi mãi…Nhật ký -Thời Tập  trang 54 ) tình cờ vừa đọc lại :

Khánh Ly

Đêm vang vang xa màu tóc rối
Nàng ngồi hát bàng hoàng
Bài ca đớn đau
Trên quan tài tình nhân
Cánh chim nào từ núi lạ
Đã mang tay ngà ra khơi chưa
Tôi ngồi đây thắp ngọn lửa hồng
Ao ước nàng hoá thân vành khuyên bé bỏng
Mỗi đêm tóc xoã môi phai
Bàn chân trần mướt xanh trên cát
Hơi thở mẩu thuốc tàn
Mà giọt lệ không bao giờ rơi
Âm thanh như đêm
Xoá nhoà linh hồn cũ

Đời quá muộn cho lời ao ước
Môi xin câm cho khỏi vỡ tan
Ôi sao em làm thân đàn bà một đời không sân ga dừng lại
Còi tàu khuya thúc hối khởi hành
Tiếng ca nào và khúc nhạc thầm
Hát trong bếp lửa ấm hong môi
Đêm mùa đông xa nhà
Đêm chua xót dấu vết tình yêu trên môi khô
Người đừng bao giờ nói đừng bao giờ nói
Vì giấc mơ là cánh chim sa mạc bay mù
Khi thành lời .

 (Nhật ký ,Thời Tập. tuyển tập nhà văn trẻ
trang 52 ,phát hành 6.74 ,chủ trương :Viên Linh)

California 1989
Khánh Ly ,người bạn chân tình ,làm sao tôi quên những tháng đầu tiên mới đến Mỹ ,năm 1989 ,chị đã gởi vé máy bay cho tôi từ Utah về thăm bạn bè ở California, có Nguyễn xuân Hoàng, Nguyên Khai ,vợ chồng Nguyễn thị Hợp-Nguyễn Đồng ra đón ở sân bay John Wayne …và Nghiêu Đề đã lái xe từ San Diégo lên thăm …cho tôi tin tưởng hơn là sẽ lái xe được, vì Nghiêu Đề còn vụng về hơn tôi …



                               Khánh Ly ,sơn dầu trên giấy 18 x24 in .DC

Năm 1992 gặp tại Montréal ,Canada khi cùng qua thăm Sơn ,ngồi nơi căn phòng ăn nhà người em gái Sơn ,Trịnh vĩnh Tâm –Hoàng tá Thích  ,Sơn tập cho Khánh Ly hát ,Khánh Ly hay lấy que tre ngắn thay trâm cài tóc…Chị là người bạn có duyên với những cuộc bày tranh của tôi ,từ năm 1965 Đà Lạt rồi năm 1974 Triển lãm tại Hội Việt Mỹ Huế và Trung tâm Văn Hoá Pháp Sài Gòn… cho đến tháng giêng năm 2008,là cuộc gặp gỡ đầy kỷ niệm: triển lãm tranh Đinh Cuờng và Nguyễn đình Thuần bên cạnh một chương trình ca nhạc Trịnh công Sơn qua giọng hát Khánh Ly với sự góp mặt của thi sĩ  Hoàng xuân Sơn từ Canada qua do bác sĩ Hồ phan Hà và nhóm bạn tổ chức tại Việt Art Gallery , Houston –Texas ,một đêm thật đẹp và cảm động …Khánh Ly đã nhiệt tình  giới thiệu phòng tranh cùng người thưởng ngoạn,cũng như năm xưa Đàlạt đã cùng Trịnh công Sơn làm cho buổi khai mạc thêm ấm cúng ,sóng sánh những ly rượu vang đầy thân yêu của bạn bè, không bao giờ quên…Cho tôi thắp nén nhang chiều nay ,chiều giáp tết , để  nhớ lại từng khuôn mặt  thân quý không còn nữa :Tôn nữ Kim Phượng , Christian Cauro , Đỗ long Vân ,Hoàng Anh Tuấn ,Hoàng xuân Giang,Hoàng ngọc Tuấn với lời ghi tôi nhớ mãi : “Từ đau đớn và truân chuyên ,tôi gởi đến mọi người hạnh phúc vững bền của chữ nghĩa “
Cũng như: Khánh Ly …đời mãi hát …hát cho đời ,cho người-hát với người, cùng người …mãi hát …(Khánh Ly và nhóm bạn –website KL )

   CD mới nhất cuả chị ‘’Nụ cười trăm năm “ gồm 12 lời ca thơ của Trần dạ Từ làm trong trại cải tạo Gia Trung sẽ ra mắt vào ngày 13 .3.2011 tại Quận Cam .Khánh Ly viết văn hay ,nói giỏi (đừng nói nhiều ),là ca sĩ -nghệ sĩ  xứng đáng được ngợi ca cùng với những giọng ca hàng đầu của miền Nam Việt Nam như Thái Thanh, Lệ Thu ,Thanh Thuý, Hà Thanh, Kim Tước, Quỳnh Giao, Lê Uyện, Khánh Hà …Riêng với nhạc Trịnh công Sơn , nhiều ý kiến cho rằng nghe KhánhLy hát là thấm nhất.Thật vây,  chị có đủ tình thân -từ thời thanh xuân , qua bao truân chuyên của đời sống ,cả một thời tan tác , đau thương của chiến tranh ,chia xẻ đựợc những lời ca Sơn viết …Riêng trong tôi khi nhớ đến chị là cứ nghe như vang lên Nguời nằm co như loài thú khi mùa đông về .Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình .Từng tiếng người nhiều tiếng người gọi hoài giữa đêm .Người nằm co như loài thú trong rừng sương mù …(Phúc âm buồn 1965 in trong Ca khúc Trịnh công Sơn ,An Tiêm xuất bản 1967 )
Trong sương tuyết trắng trời chiều nay ,tình cờ đọc được bài thơ trên báo Xuân (2) ,tôi cũng như nhìn thấy lại bóng dáng của hai người bạn , Sơn và Mai của Đàlạt một thời xa xưa ,một thời mộng mị …trời xanh trên mái nhà thờ .

Virginia , 2.2011
ĐINHCƯỜNG


(1)Khánh Ly sinh ngày 6 tháng 3 năm 1945 ,tên thật là Nguyễn thị Lệ Mai. Hiện cư ngụ tại Cerritos California .Phu quân của Khánh Ly là cựu ký giả, nhà văn ,nhà báo Nguyễn hoàng Đoan .Khánh Ly có 4 người con 2 trai , 2 gái , đều đã trưởng thành .

(2) CON TÀU NGÀY ẤY
Buổi sáng quá bình yên
chúng tôi ba người Huế
Nhìn nhau
Im lặng
Muà hạ đang ngoài kia
Ném lửa hàng long não
Dòng sông đang ngoài kia
Trong xanh ảo

Chiến tranh mới đi qua
Lần đầu ,chẳng ngờ lần duy nhất
Gặp Trịnh công Sơn
Dáng hao gầy
Nhà ai Khánh Ly hát
Thảng thốt trời xanh trên mái nhà thờ

Bữa ấy
Tôi kịp nói trong tiếng còi tàu
Nhạc Trịnh
Nhạc của thiên đàng
Lời Trịnh
Đau đáu trần gian

Một mình tôi lên con tàu chợ
Chưa quên
Con tàu ngày ấy nhả nhiều khói quá

NGUYỄN XUÂN THÂM
(Văn Nghệ ,Tết Tân Mão ,Hội nhà văn Việt Nam ) 

Sunday, March 20, 2011


14 Tháng 3 Năm 2011

Ngu Yên



Trời đổ mưa
Rải buồn ướt 6 giờ sáng
Con kiến trốn nước bỏ bạn
Bò lên mây
Đâu biết trên cao lạnh lẽo
Chủ Nhật: Phạm Công Thiện chết
Thứ Ba: Nguyễn Đức Quang đang chết
Chai rượu năm 2002
Trả lại cho tôi
Kẻ ra đi đã mửa
Kẻ còn lại uống ngùi

Trong garage Vũ Huy Quang 1991
Phạm Công Thiện, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Bá Trạc, Ngu Yên dàn hàng ngang.
Đóng kịch nhậu
Hát bia
Đàn thuốc lá
Và tưới cây trước hiên nhà
Sớm vợ đón về xanh như tàu lá hôi khai

2005 Nguyễn Đức Quang hát
Y hệt tuổi trẻ vẽ thêm râu sơn tóc bạc
Tiếng đàn thâm trầm hơn
Sầu kêu lên kéo nhiều gân cổ
Tôi đêm đàn theo lòng nước dâng tràn

Kiến già kiến bệnh bỏ bạn lên mây
Hỏi: - Bên kia sông có thật mặt trời?
-Sau lưng đời có ý thức mới?
Hay cả một bầy thảng thốt là chơi?


Chủ Nhật Phạm Công Thiện chết
Thứ Ba Nguyễn Đức Quang sẽ chết
Thứ Tư ai chết?
Thứ Năm ai chết?
Thứ Sáu ai chết?
Thứ Bảy, khoan chết, gặp nhau cuối tuần.

Wednesday, March 16, 2011

Âm nhạc the beatles &
mùi hoa nhài trên đất ngàn năm

Nguyễn Xuân Thiệp

Âm nhạc và Cách  mạng
Hoa nhài và Cách mạng
Âm nhạc The Beatles ngày ấy đã vượt biên thùy và bức tường ý hệ đến tận những căn hầm tối gọi là ưu ngôn cốc ở Praha, trở thành vật xúc tác làm bùng vỡ cách mạng nhung 1989 tại Tiệp Khắc, ảnh hưởng sang tới các trường học Mascơva, Liên Sô.
Và mới đây, hoa nhài đã trở thành biểu tượng gợi hứng cho cách mạng ở Tunisia, Ai Cập, và đang lan tới Libya, Yemen, Trung Quốc…  Những sinh viên, trí thức trẻ cùng đám dân cùng khổ bị áp bức, đã đứng lên.
Hôm nay, vẫn đang mùa đông xám, Nguyễn tôi ngồi làm thơ về âm nhạc The Beatles và hoa nhài, như trẻ em thả những quả bóng lên trời.

1.
Tôi lớn lên. ở những năm đầu sáu mươi. khi chiến tranh việt nam còn trong những cánh rừng xa. nghe âm nhạc của các anh. let it be. let it be. ôi những hoàng hôn xẩm tối. bình minh trong mưa. cơn sốt của tâm hồn. thành phố cười. phượng đỏ. mái ngói buổi yêu đầu. ơi em


all my loving
âm nhạc. và tình yêu
chỉ là ánh nắng một ngày thu trên hàng cây. hay cơn bão tuyết qua hải cảng buồn. trăng lên trên mái phố. lời thì thầm hai người yêu nhau. hay tiếng nức nở của mưa đêm.
và rồi. all things must pass. yesterday…
tất cả rồi qua đi. hôm nay. hôm qua
bình minh tắt. ngày xám rơi
như chiếc lá khô
lời chia tay. khoảnh khắc
này em. lắng nghe
rừng tà dương gió bão. gào rú của đám đông. revolution. revolution
âm nhạc ấy phát ra từ một cảng sương mù. liverpool. nơi có những cánh buồm bão tố
và những người đàn ông râu rậm ngồi uống bia trong pubs. những mối tình nồng
                                                                                                           mùi da thịt


và rồi
vượt qua. vượt qua
qua những biên thùy chó săn, tới những căn hầm u tối. những ưu ngôn cốc. của praha
âm nhạc the beatles
tiếng khóc. tiếng cười
những âm thanh bập bùng. yeah. yeah
những vết thương
những cánh dã quỳ vàng cháy
những bầu trời không bóng tượng thần
tất cả. mở ra


imagine
hãy yêu nhau
hãy yêu anh. yêu em
yêu hết thảy mọi người
tự do. tự do. đập vỡ mặt trống. xuyên thủng những bức tường mê muội. hú trên đồi trăng. tóc dài. rũ lệ…




2.
và giờ đây
trên đất ngàn năm
một bông hoa nhài
triệu bông hoa nhài
sẽ nở
như từ giấc mơ tôi. buổi ấu thời

em ơi
đất ấy như lòng ta
sân gạch hồng
những cây bàng lá đỏ
và hoa nhài
hoa nhài
thơm những lu nước mưa. trăng
như mắt em
nhìn trời
trời thì cao. trong. mà đất đầy bóng tối
anh yêu em
như yêu hoa nhài
nhớ không
những bông nhài thuở ấy
kết thành chuỗi. treo trên cánh tay khẳng khiu của những em bé ngoài bến cảng
trong khách sạn majestic
ở mái hiên. bia và cà phê. continental
từ tiếng khóc lầm than. tới giấc mơ trong đêm nhiệt đới
bình minh. không mặt trời
em ơi
chính là hận thù. sự nghèo đói. và mơ mộng của thi sĩ. làm nở những bông hoa nhài
những năm ba mươi. bốn mươi
phố ôn như hầu. mặt trăng treo đầu ngọn khuya
khái hưng. bị hành quyết. hồn còn vương trên bến lú
và dòng sông thanh thủy. cuộn mây trời
ôi. mùi hoa nhài. trong đất tai ương
chiều
phố cổ
có người con gái. tên marguerite
khi xa sài gòn
nhớ mãi. mùi nhài thơm
của bầu trời. nhiệt đới
jasmine
revolution
có không em. như ở tunisia bây giờ
và ai cập  
những bông hoa nhài trắng muốt xâu thành chuỗi
đặt trên trang kinh koran
trên thánh kinh
trên màu kinh địa tạng
từ đó mùi hương lan đi
trí tuệ. và tâm vô úy. màu xanh bầu trời
máu đã chảy trên đường phố
và cách mạng. với hoa nhài. treo đầu ngọn súng
ôi tiếng hát của những bàn chân không giày
ngợi ca. ngợi ca
hoa nhài. và tự do. và cách mạng



và giờ đây
trên đất ngàn năm
một bông hoa nhài
triệu bông hoa nhài
sẽ nở
như từ giấc mơ tôi. buổi ấu thời

anh đã nhìn thấy
những bông hoa nhài
mỉm cười
trước ống kính của người phóng viên
ở một tiệm mcdonald
thành phố bắc kinh
hoa nhài. từ lục địa đen. sang xứ của mùi hương mộc dược. và tơ lụa
bao giờ. bao giờ cách mạng xô sập những thành đá câm
tới đất nước gió mùa. và sương muối
việt nam ơi

vẫn là giấc mơ. thời thơ ấu
cho anh. cho em. cho hết thảy mọi người
nhớ không
xóm vườn lài
nơi. ngày nhỏ. em cầm vợt. đi vớt mặt trời. rụng
và lều cỏ. mưa hoàng hôn
căn chòi của người chăn vịt
gió
kêu
những ngọn đèn. khuya khoắt
tất cả. rồi sẽ sáng lên
hòa âm gỗ đá
bởi cách mạng nở bung. trên đất ngàn năm
ôi. tự do. tự do. và quyền có một mái nhà. có một linh hồn. những cuốn sách không bị cấm. những bữa ăn trong chiều mùa đông ấm lửa. và khúc phố vui. điệu blues trong chiều nostalgia
cho một cuộc đời khác
những con quỷ hãnh tiến. loài chó điên
ám hại đời ta
và lũ buôn người
chúng sẽ phải đầu hàng. gục ngã
người thi sĩ. ở vương phủ. bao năm. khổ. và đói
ngồi vẽ mãi bức tranh bồ đề đạt ma
bỗng rộ cười. trong nắng. với các bé thơ nghèo
cuộc đời từ nay. có tự do. thơ. và thịt. cá
ôi. nhoa nhài
hoa nhài. trên môi anh. trên môi em
ôi. hoa nhài việt nam
trong giấc mơ tôi

Tháng 3. 2011
NXT






Sunday, March 13, 2011

thằng Josh
truyện ngắn nguyễn thị thảo an

 
    Rai Chiman là kẻ giết người.
    Hơn thế nữa, người ông giết là đứa con dâu và thằng cháu nội còn nằm trong bụng mẹ.

    Ngày xử Rai, tôi đến tòa thật sớm, nhưng cộng đồng da đen còn đến sớm hơn. Họ tụ tập trước tòa từ tối hôm qua. Sáng nay, trên tay nhiều người vẫn còn cầm ngọn nến đã tắt. Một đám đông bao vây, hô hào, giương biểu ngữ, đòi xử tử Rai. Những người đi đường ngang qua giơ tay lên vẫy vẫy, biểu lộ sự đồng tình. Ai cũng muốn Rai đền tội.
    Rai Chiman không đích thân giết người. Kẻ cầm súng bắn là Don Samuel, một người da đen. Trước tòa hắn khai, hắn không biết nạn nhân là ai. Sau khi Nicole chết, hắn mới biết nội tình qua báo chí. Rai thuê hắn giết con dâu vì Nicole là người da đen, người cùng màu da với hắn. Hắn thú tội. Hắn hối hận. Và oán hận Rai, kẻ  mướn hắn giết người, đã biến hắn thành kẻ kỳ thị màu da chính hắn. Cả cộng đồng da đen làm sao tha thứ cho một người phản bội màu da của chính mình? Trước vành móng ngựa, Don Samuel lộ vẻ đau khổ đến cùng cực. Đôi mắt của cô gái trẻ đầy ngạc nhiên và kinh hoàng như vẫn còn mở to trong tâm trí hắn. Buổi sáng hôm đó hắn rình cô gái ở bãi đậu xe. Đoành. Đoành. Súng nổ. Ngón tay của hắn lúc đó vụt khỏi tầm kiểm soát. Hắn nói trong tiếng nấc, hắn ước nếu được lui về trong thời khắc trông thấy cô gái, hắn sẽ hạ súng xuống. Hắn có thể đánh đổi bất cứ điều gì kể cả mạng sống để cô gái có cái bụng bầu vẫn còn đi đứng đâu đó trên thế gian này.
    Cả tòa mủi lòng. Tức thì, tất cả mũi dùi đồng loạt chĩa sang Rai Chiman.
    Rai Chiman là một người Ấn. Ông là chủ một motel và vài tiệm thực phẩm nhỏ ở Atlanta. Rai Chiman còn là một thành viên trong ban quản trị cộng đồng. Một khuôn mặt lớn, một tấm gương thành công về mọi mặt của cộng đồng di dân Ấn. Vị thế này nhân lớn gấp mười lần hơn nếu ông về Ấn. Thế mà con trai ông, Ricky Rai, một kỹ sư trẻ, đẹp trai, đầy triển vọng lại đi yêu Nicole, một đứa con gái da đen. Điều đó là cơn ác mộng của Rai trong suốt thời gian dài. Người con gái da đen này đã tạt một vệt mực trong toàn bộ công trình mà cả đời ông xây dựng. Hơn thế nữa, nó lôi thằng con ông xuống bùn đen. Làm thế nào ông nhìn họ hàng, về quê hương được nữa. Phong tục Ấn, xã hội Ấn, chủng tộc, tôn giáo, dòng họ sẽ khinh bỉ và loại trừ ngay những kẻ không cùng đẳng cấp. Cưới một đứa con gái da đen, chấp nhận một người con dâu như vậy, thà chết còn sướng hơn. Ông như ngồi trên lửa từ khi thằng con dẫn con bạn gái về nhà. Ông thuyết phục, giảng dạy, giận dỗi, nổi cáu, đe dọa rồi xuống nước năn nỉ, thiếu điều muốn sụp lạy nó mà nó vẫn khư khư. Mọi biện pháp ai bày ông đều đem ra sử dụng. Cúp tiền trợ cấp, thu hồi xe, tạo khó khăn để nó quay về nhà. Nhưng thằng con vẫn bỏ nhà đi. Nhiều đêm, ông cặm cụi ngồi sau quầy ngắm hình “đứa con dâu”. Phải nhìn nhận, nó xinh đẹp. Đôi mắt mở to, lay láy một cái nhìn sáng ngời. Một thứ ánh sáng đen, rất kỳ lạ. Ông mải miết nhìn nó hàng giờ. Ánh sáng lan trên da dẻ nó một màu đen nhệch nhạt. Ông đã từng ước thay da cho con nhỏ này. Nếu nó da trắng, là Tàu, là Nhật, hay Thái thì sao? Ông thề, ông sẽ cắt nửa gia sản tặng cho kẻ nào làm cho con trai ông đổi ý. Ông không hề có ý định giết người. Nhưng ma xui, quỷ khiến “con dâu” ông có bầu. Chẳng bao lâu nó sẽ sanh ra một thằng nhỏ. Một thằng bé đen thùi lùi, tóc xoăn tít và mông cao ngồng. Lớn lên, mặt mũi thô to, môi thười lười. Hàm trăng trắng nhởn tương phản với cái màu da đen nhẻm. Hình ảnh một thằng cháu nội “phá gia chi tử” (mà mọi tội lỗi phạm pháp của người da đen trên ti vi, báo chí ông đều gán cho nó) đang nhảy múa trong lòng ông. Hậu duệ của ông đấy. Kẻ thừa tự. Dòng máu di truyền từ ông đến đời thằng cháu nội từ đỏ biến thành đen. Và nếu đen rồi thì dù ông trời cũng không làm nó đỏ lại được. Có họa sĩ nào trên đời pha màu đen thành đỏ? Chỉ có ông. Ông là người duy nhất có khả năng và nhiệm vụ ngưng ngay sự pha trộn này. Dòng họ ông không thể biến thành một dòng họ đen. Người Ấn da đen mang họ Rai. Không thể được.
    Ra trước tòa, Rai Chiman nói, ông thành thật xin lỗi gia đình nạn nhân và cộng đồng da đen. Nhưng ông khẳng định, ông không hề kỳ thị. Hằng năm ông vẫn quyên góp, ủng hộ cho cộng đồng da đen vùng Jackson. Điều này có chứng cớ hẳn hoi. Vài người hàng xóm da đen được mời lên làm chứng. Không ai tin Rai kỳ thị đến nỗi giết người. Bình thường ông tử tế, vui vẻ, và rất sẵn lòng giúp đỡ người da đen. Ông giơ cánh tay chỉ vào màu của chính mình để chứng minh, da người Ấn cũng đâu có trắng.
   “Vậy thì tại sao ông không chấp nhận con dâu da đen?” Tòa hỏi.
   Rai ú ớ. Trong phút chốc, ông ta suy sụp hẳn.
   Tòa nghị án. Bồi thẩm đoàn một phần ba là người Ấn. Cộng đồng da đen tỏ vẻ bất mãn. Đây là một lợi thế cho Rai. Nhưng chưa chắc. Cộng đồng Ấn không muốn dư luận vơ đũa cả nắm. Người Ấn không thể vì Rai mà bị mang tiếng kỳ thị chủng tộc. Gần cả triệu người đang sống trên đất nước này. Có lẽ, họ sẽ lên án Rai thật nặng để chứng minh, Rai phạm tội chỉ là trường hợp cá thể.
   “Chiman Rai, 68, was convicted and sentenced to life in prison for arranging the murder of his daughter-in-law.” Tòa phán.
    Bản án chung thân nhanh chóng được truyền ra. Một vài người lao nhao phản đối. Nhưng Rai đã 68, ở tuổi đó chung thân chỉ là một bản án tử hình được xử chậm.

   Trong một tác phẩm, nhà văn Stephen King đã viết, “Đoạn đường từ phòng tử tội đến khi ngồi trên ghế điện, người ta gọi là “green mile”. Đó là chặng đường cuối của một đời người. Green Mile là tên của cuốn sách viết về những người tử tù. Cuộc sống của họ được đếm từng ngày, từng giờ, từng phút rồi từng bước. Người ta chán nản, người ta tuyệt vọng, tinh thần sụp đổ, người ta nổi điên,… Có người cóc cần, cũng có người chấp nhận một cách bình thản. Green Mile, tiếng Việt có nghĩa là Dặm Xanh hay Chặng Đường Xanh. Chặng đường này tôi không đi. Bởi vì, trong kế hoạch tôi chỉ đi tới đầu Dặm Xanh là dứt.
   Tôi không phải là một người can đảm. Thú thật, tôi chính là kẻ tham sống sợ chết.Tôi yêu màu xanh cây cỏ, yêu từng bước đi lọ mọ của những con sâu, con kiến quanh nhà. Tôi yêu cuộc sống. Tôi yêu cuộc đời. Tôi yêu tôi, một. Tôi yêu con, mười. Mười lần nhân lên cái tình tôi yêu chính bản thân mình. Chính vì vậy mà sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định giết Josh.
   Giả sử những người đang thụ án giết người trong lao tù nếu được trả về cái thời khắc trước khi phạm tội, họ sẽ nghĩ gì. Đa số hành động trong lúc thiếu suy nghĩ, khi ở tù người ta mới thấy không có gì quý hơn sinh mạng của mình. Nhiều người ở trong tình trạng bất khả kháng, đôi khi người ta không có quyền chọn lựa. Nhưng hầu hết ai cũng nhận mình ngu. Người khôn ngoan không giết người. Mà tại sao phải giết người? Tại sao tôi lại phải giết Josh? Mà Josh là ai?


   Josh là một thằng da đen.
   Khi tôi biết thì nó và con gái tôi đã trở thành một cặp “Romeo và Juliet” ở trường.
  Tôi khẳng định một trăm phần trăm, tôi không phải là người kỳ thị chủng tộc. Tôi không ưa đảng KKK1, tôi lên án nạn phân biệt chủng tộc, tôi bênh vực và luôn hào sảng với những người da đen thất cơ lỡ vận. Nhưng cũng giống như Rai Chiman, những điều đó không có nghĩa là tôi sẵn sàng chấp nhận màu da đen trong huyết quản.
   Bạn không thế ư?
   Trước khi lên tiếng, bạn hãy thử đặt mình trong trường hợp tôi hay Rai Chiman cái đã.
   Josh đã quật ngã tôi ngay phút đầu tiên. Lúc nào nó cũng giống như một bóng ma chập chờn đe dọa trong tâm trí tôi. Tôi là một Rai Chiman thứ hai.Tôi đau như Rai từng đau. Rồi làm những chuyện mà Rai từng làm.
   Tôi giải thích.
   Tôi năn nỉ.
   Tôi khóc lóc.
   Tôi giận dỗi. Cả hai, ba tháng tôi lầm lì nhốt mình, không nói chuyện.  
   Tôi nổi điên.
   Tôi hăm dọa.
   Một người quen, cảnh sát Mỹ đã về hưu bảo, “Cách nay ba mươi năm, mày có thể xách súng ria chung quanh nhà nó, nhưng bây giờ thì không.” Ông ta cười hề hề, “Đừng nhé. Tù đấy.”
   Tôi tìm cách lôi kéo “đồng minh”. Mới vô đề, con gái út đã nhăn mặt.
   “Mẹ kỳ thị.”
   “Mẹ, ở trường dạy không được kỳ thị. Đó là luật.” Thằng con trai ra điều hiểu biết.
   “Trời đất ơi!” Tôi kêu thầm, “Người ta dạy, hai cộng với hai là bốn.” Trong nhất thời, tôi làm sao cho chúng nó hiểu. Có những điều con người ta phải tự học lấy bằng chính kinh nghiệm hay cần phải có thời gian để suy nghiệm. Tôi mơ hồ nhận ra trong vụ này, tôi là người lẻ loi.

   Đêm hôm qua tôi nằm mơ thấy Josh. Mà đêm hôm trước, đêm hôm kia nữa, nữa. Tôi vẫn nằm mơ thấy Josh. Và mỗi buổi sáng thức dậy, người đầu tiên tôi nghĩ tới- là Josh. Sáng trưa chiều tối, hình ảnh nó bám vào tâm trí, ám ảnh tôi không rời. Nếu trong một lúc bất ngờ nào đó, ngước lên thấy Josh, chắc là tôi sẽ không ngạc nhiên. Vì nó chỉ đứng đâu đó trong tâm trí, hoặc trong ngõ ngách nào gần đó bước ra. Cái dáng nó lêu khêu, hai tay khẳng khiu, lúc nào cũng đút vào túi quần. Thường, nó hay đứng tựa lưng đâu đó, màu da hòa lẫn góc tối của vách nhà, của góc phố,… Hình như tôi chưa bao giờ trông rõ hình dáng nó với mọi đường nét. A! Tôi sực nhớ, chính vì đôi mắt. Đôi mắt mở lớn, tròng trắng nổi bật, hàng mi rậm cong, tia nhìn mạnh và ấm. Đó là một đôi mắt có điện.
   Theo lời mọi người, Josh không phải là một thằng tệ. Hình như phải chấm nó xuất sắc mới phải. Đó là điều tôi không mong mỏi. Ước chi, nó là thằng ngu ngốc, lừa đảo, ba gai, lưu manh,… thì dễ cho tôi biết mấy. Nhắc đến Josh, thằng con trai tôi kêu,
   “Josh thông minh dễ sợ. Anh ta đoạt 3 giải Toán cấp tiểu bang trong 3 năm liền đó mẹ.”
   “Vậy à?” Tôi ơ hờ, hỏi.
   “Josh tốt lắm, sinh nhật nào cũng gửi quà cho con.”Con bé út “bơm” thêm.
   “À, há.” Bất công chưa? Quà cáp tôi mua cho nó lâu nay có thể chất đống thành núi vậy mà bây giờ không bằng một món đồ vớ vẩn của thằng Josh.
   “Mẹ không hiểu Josh.” Con gái tôi trách. “Josh là người hiếu học, đứng đắn, có chí hướng và đầy trách nhiệm.”
   “Người hiếu học? Tất cả đại học trên thế giới cộng lại cũng không đủ chỗ ngồi cho những người hiếu học.” Tôi phản bác. “Còn người đứng đắn, có chí hướng và trách nhiệm- cũng không hiếm. Thế giới đang đi lên, có phải không? Cuộc sống nhân loại vẫn tốt đẹp hơn đâu phải chỉ nhờ vào một vài người có chí hướng và trách nhiệm.”
   “Mẹ, mẹ không nói chuyện với Josh, không chịu hiểu Josh. Tại sao mẹ không “thấy” Josh chứ?” Con gái tôi tức tối, kêu.
   “Tôi không thấy Josh ư?” Tôi kêu thầm. “Phải giải thích như thế nào đây?”
   Công tâm mà nói, Josh là một thằng con trai tốt. Nhưng dù có tốt hay tài giỏi gì đi nữa thì cũng không chấp nhận được. Tôi vẫn thích anh chàng Denzell Washington đấy chứ. Denz, tài tử da đen, phong cách chững chạc, mạnh mẽ. Anh chàng diễn vai giàu, nghèo, chính diện hay phản diện tôi đều thích. Bởi Denz có cái sức thuyết phục của một con người trung thực. Denz làm tôi thán phục. Hay Will Smith, người ta phải rơi nước mắt khi Will đóng vai một người cha da đen homeless dẫn đứa con đi lang thang trên những chuyến xe bus chỉ cốt tìm chỗ ngủ nhờ.2 Denzell Washington, Will Smith là những người da đen tài ba, nổi tiếng và giàu có. Thì đã sao? Nếu không kể thêm Obama. Điều duy nhất tôi ưa Obama là hình ảnh ông đích thân đi phát những tờ truyền đơn vận động tranh cử nghị sĩ tiểu bang. Thời ấy, nhiều người quay lưng, có người xua ông, nhưng ông vẫn kiên nhẫn trước những ánh mắt lãnh cảm trên đường phố. Tôi bỏ phiếu cho Obama không phải tin tưởng những kế hoạch của ông mà vì nước Mỹ cần có một tổng thống da đen. Xóa bỏ mặc cảm bị kỳ thị hay tạo niềm tin và hy vọng cho mấy chục triệu người da đen còn quan trọng hơn việc chấm dứt chiến tranh, phục hồi kinh tế. Obama hay Jonh McCain, khi ngồi trên cổ xe cơ chế của nước Mỹ rồi cũng sẽ chạy trên cùng một quỹ đạo. Khác nhau chăng, tốc độ sẽ nhanh hay chậm hơn một chút.
   Tôi từng tưởng tượng, có thể Josh là hình ảnh những người da đen tài giỏi thuở hàn vi. Rồi thì sao? Bởi, tôi không những “thấy” nó mà còn “thấy” cả con của nó nữa kia. Trong những cơn ác mộng, thường xuất hiện một thằng bé đen nhẻm, tóc xoăn tít, đi lẫm đẫm và giơ tay về phía tôi bập bẹ gọi, rồi té nhào. Tôi đỡ thằng bé dậy, xoa đầu nó. Trăm lần như một, đúng cái lúc đụng vào tóc nó là tôi giật mình dậy. Tôi không thể nào quên được cái cảm giác trên đầu mấy ngón tay. Một cảm giác ghê ghê, tê tê… khi đụng vào tóc thằng bé. Mái tóc cứng ngắt, rối nùi như một nắm bùi nhùi. Da nó rắn giống như được nắn bằng đồng. Một thằng bé như vậy, làm sao tôi nâng niu? Làm sao tôi bảo vệ nó khi chưa ra đời thì đã có ngay một số phận rẻ rúng trong xã hội?
   Tôi xác định, tôi không ghét Josh. Tôi chỉ không chấp nhận màu đen trong huyết quản. Người Việt lai Nhật, lai Tàu, lai Hàn dù sao cũng còn là giống da vàng. Nhưng lai đen thì không nhận ra Việt nữa. Cái màu đen kỳ dị, cứ pha lẫn với màu nào thì nuốt chửng ngay màu đó.
  “Mẹ là dân redneck3.” Con gái tôi giận dỗi.
  Josh trở thành một lằn ranh giữa mấy mẹ con.
  Từ đó, chúng tôi tránh, không đả động về màu da.
  Tôi có kỳ thị không? Tôi tự phân tích, mổ xẻ mình cả ngàn lần. Một ngày nào đó, tương lai không xa, giòng giống Việt cũng có những người da đen gốc Phi, gốc Mỹ, người Việt mình có chấp nhận không? Chúng ta có kỳ thị không?
   Người ta nói, những dân tộc suy yếu thường viết sử bằng những truyện cổ tích. Trong cổ tích, người ta dùng những điều hoang đường để giải thích nguyên nhân, sử dụng các phép mầu để giải quyết những bế tắc. Mấy lúc gần đây tôi thường mơ có một thứ bùa phép nào đó để thay da cho Josh. Hay chạy ngược thời gian trở về thời Josh chưa gặp con bé, chưa học chung trường,… Cái thời chưa có Josh.
    Nếu không có Josh, cuộc đời con tôi nhất định không rẽ vào khúc quanh tăm tối. Cái bước ngoặt này sẽ đẩy nó trôi mất tăm ra khỏi nguồn cội.
   Tôi là người duy nhất phải cứu nó. Dù phải trả bằng bất cứ giá nào.
   Ôi, nếu trên đời không có Josh,…

   Hồi nhỏ, mỗi lần xem phim thần thoại, tôi mơ ước có được chiếc đũa thần. Điều mầu nhiệm của chiếc đũa chỉ vào ai là người đó biến mất. Tôi thường thắc mắc, sau khi biến mất thì người ta đi đâu. Bây giờ, tôi cũng muốn Josh biến mất.
  Thần hôn quỷ ám cho những ai có ý định giết người. Tôi tin, thủ phạm cũng đau khổ như nạn nhân, nhất là khi giết những người không đáng chết. Rằng đó là hành động bất đắc dĩ, một chuyện chẳng đừng. Sự trừng phạt đối với quỷ Satan không phải là địa ngục hay cái chết mà chính là sự kinh tởm bản thân, sự xa lánh của đồng loại, đời đời không được đứng dưới ánh sáng mặt trời.
  Cái cảm giác phạm tội thật kinh khủng. Nó như lưỡi gươm Damocles đang treo lơ lửng trên đầu. Nhìn ai, tôi cũng thấy như họ thấu được tận gan ruột.
  Tôi không muốn giết người.
  Tôi chỉ muốn Josh biến mất.
  Nhưng biến đi đâu?
  Một vụ mất tích. Một nghi án giống như tai nạn.
  Xảy ra ở Mỹ ư? Không thể được. Làm sao qua mặt được cảnh sát, FBI, CSI, SSA,… và hằng hà các cơ quan an ninh khác?
  Ở Việt Nam? Có thể lắm. Một cái chết giống như một tai nạn.Thí dụ khi băng qua đường, lúc đang lái xe, ngay cả đang đứng chơi trên vỉa hè cũng có thể bị xe tông,… Với tình trạng giao thông tồi tệ, người ta không thể nghi ngờ một tai nạn thường ngày như cơm bữa. Nhưng Josh không biết chạy mô-tô. Thấy xe cộ loạn xạ trên đướng phố, có thể nó cũng không chịu băng qua đường. Thằng này tính tình cẩn thận, cứ trông cách ăn mặc đi đứng của nó thì biết.
  Tôi nghĩ đến những tai nạn khác như lội sông, tắm suối, leo núi,… Gần đây, những loại này xảy ra khá nhiều, du khách ngoại quốc chết, công an địa phương thường dấu nhẹm, lờ đi hoặc chỉ điều tra chiếu lệ. Nhưng làm cách nào để tai nạn xảy ra? Josh là một thằng da đen, tay chân nhanh nhẹn, chạy nhảy thuần thục như những tay cầu thủ chuyên nghiệp. Bản năng sinh tồn mạnh mẽ của giống da đen di truyền trong máu của nó. Người da den sống sót ở những miền hoang vu không có nước, cỏ không mọc, chim không bay,… Tổ tiên họ sống giữa bầy thú dữ, chạy đua với sư tử, hổ báo,… Cho dù có cả chục tai nạn xảy ra, chưa chắc gì hại được nó.
   Chỉ còn một cách cuối là ám sát. Tôi không thuê sát thủ. Đa số những rắc rối bị đổ bể đều từ những tên giết mướn.
   Tôi thông báo, mùa Hè cả nhà sẽ về Việt Nam. Có thể rủ Josh cùng đi. Bọn nhỏ reo hò tở mở.
   Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ đi từ Nam ra Bắc. Trạm dừng chân trên những vùng cao nguyên hoang vắng ở những tỉnh địa đầu, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn,.... Chúng tôi sẽ ở lại Sa Pa, đỉnh Mẫu Sơn, thăm những nấc ruộng bậc thang màu xanh mơn mởn… Tôi sẽ nghiên cứu thật kỹ địa hình. Tổ chức một buổi du ngoạn, thể thao, leo núi,… để tạo tình huống. Từ sườn núi bên này bắn qua sườn đồi bên kia. Súng phải là loại dễ tháo rời và lắp ráp nhanh. Ống nhắm và những bộ phận phụ thuộc sẽ được gắn vào những thiết bị hoặc vật dụng khác để dễ di chuyển. Súng, ở Việt Nam người ta gọi là “hàng nóng”, mua bán kiểu “trọn gói”, đầy dẫy ở các chợ trời rải rác dọc theo biên giới phía Bắc, ở Lào, hay Campuchia. Giá tương đối rẻ, bao gồm luôn khâu vận chuyển. “Hàng nóng” đi kèm theo những thứ hàng lậu thuế nhập khẩu trên lưng những người dân cửu vạn. Đường dây cửu vạn bây giờ cũng “hiện đại hóa”. Họ mang cellphone, rada dò sóng hoặc máy định vị di chuyển trong rừng để tránh những đơn vị bộ đội tuần tra. Hàng hóa nhập khẩu bằng con đường này cũng tương đương với khối lượng nhập khẩu chính thức. Điều nghiên kế hoạch này tôi phát giác ra, những vụ chận bắt chuyển vận vũ khí ở Tân Sơn Nhất đều là những màn trình diễn. Muốn đánh bóng tên tuổi đảng phái hay muốn lập thành tích trong nghành, ai biết được. Những tổ chức đó chắc chắn đó không phải là những tổ chức có thực lực. Nhưng tôi không muốn nói nhiều về điều này. Dù chuẩn bị hoàn hảo tới mấy cũng vô ích nếu không có Josh đi cùng.

   Một ngày cuối tuần, như thường lệ, tôi làm chả giò. Món này thằng Josh ưa lắm. Phải làm thân với nó, tạo niềm tin và lấy cớ rủ rê thật tự nhiên. Tôi vừa dọn bàn, vừa gọi điện thoại. Con gái tôi không bắt máy. Gọi Josh, nó cũng không trả lời. Tôi gọi lần thứ hai, thứ ba, và để tin nhắn. Đến chiều, cũng không ai gọi lại. Chúng nó đi đâu? Tôi bắt đầu lo lắng. Những chiếc chả giò nguội ngắt, cong queo.
  Đến chập tối, tôi không chờ nữa. Lấy xe, chạy đến nhà Josh. Căn nhà vắng tanh, đèn đuốc tối om. Tôi nghĩ, chúng nó đi chơi, hay ngồi tình tứ ở một chỗ nào đó, hoặc đang hôn nhau. Nghĩ tới đó, tôi khóc ngon lành. Đau như xé ngực.
 Lái xe loanh hoanh một hồi, rồi tôi về. Mãi đến 9 giờ tối, con gái tôi gọi lại.
 “Mẹ ơi, Josh tự tử.” Giọng nó nức nở kêu.
 “Cái gì?” Tôi kinh ngạc đến nỗi đứng không muốn vững. “Trời ơi!”
 “Bây giờ nó sao rồi?” Trong tích tắc, tim tôi như ngưng đập. Một nỗi mừng nhè nhẹ thoát ra.
 “Josh OK rồi. Bác sĩ đã bơm ruột. Bây giờ Josh đang ngủ.”
 “Vậy thì tốt rồi.” Tôi nén tiếng thở dài.
 “Con đang ở đâu vậy?”

 Khi tôi đến bệnh viện thì cha mẹ Josh vừa về. Tôi nhìn thấy bóng họ nhập nhòa ở cuối hành lang. Con gái tôi vẫn còn ở đó. Mới buổi sáng xinh tươi tung tăng ra khỏi nhà, thế mà bây giờ… Trông người nó suy sụp hẳn, mắt mũi sưng húp, mặt tái xanh. Nó ngồi cạnh giường bệnh, không muốn rời. Thằng Josh vẫn thiêm thiếp. Tôi hỏi.
   “Tại sao nó tự tử?”
   “Josh mới vừa nhận học bổng ở Georgetown University, nhưng cha mẹ nó lại muốn nó đi làm. Cha Josh mới thất nghiệp.” Con gái tôi nói, “Josh bảo, nếu bắt nó bỏ học, trở thành một đứa long nhong trên đường phố thì để nó chết, sướng hơn.”
   “Rồi cha mẹ nó nói sao?”
   “Josh là hy vọng duy nhất của cha mẹ nó. Mẹ Josh nói, nếu nó chết, bả cũng không muốn sống nữa.”
   Điều này, tôi tin. Hồi nãy, trông dáng đi của họ thì biết. Tôi hoàn toàn hiểu nỗi đau khổ của một người mẹ trong tình huống này.
   Tôi ở lại trông Josh cho con gái về nghỉ ngơi, tắm rửa, rồi trở lại.
   Một mình tôi với thằng con trai này. Nó đang ngủ. Nét mặt bình thản như sẵn sàng chịu đựng hết mọi áp lực, khó khăn từ sau cái chết hụt.
  Nếu nó chết, lần này hay… lần khác. Trời đất ơi! Không có nghĩa tôi giết một mình nó, mà còn có cha nó, mẹ nó, em nó,… và có thể cả con gái tôi nữa. Tính mạng của một người không phải chỉ của riêng người đó, mà là của mọi người.
  “Của mọi người.” Buồn chân, tôi đi qua, đi lại trong phòng, đầu óc lẩm bẩm chỉ mấy chữ này. Trên chiếc bàn nhỏ, một vài vật dụng chắc là của Josh được gom để đó. Tôi tò mò lại xem. Một chiếc chìa khóa. Vài tờ giấy bạc nhăn nhúm. Một cục kẹo cũ mèm. Một mẩu giấy gấp nếp. Tôi mở ra đọc. Thì ra, đó là một bài thơ.
  “Khi tôi sinh ra, tôi màu đen.
  Khi tôi lớn lên, tôi màu đen.
  Khi tôi đi dưới nắng, tôi màu đen.
  Khi tôi sợ, tôi màu đen.
  Khi tôi bệnh, tôi màu đen.
  Và khi tôi chết, tôi vẫn màu đen.
  Còn bạn, này người da trắng.
  Khi đi dưới nắng,bạn màu đỏ.
  Khi bạn lạnh, bạn màu xanh.
  Khi bạn sợ, bạn màu vàng.
  Khi bạn bệnh, bạn màu xanh lá.
  Và khi chết đi bạn thành màu xám.
 Thế mà bạn gọi tôi là da màu ư???4”
   Người da đen từ đâu tới? Ai sinh ra họ? Ai mang họ tới thế giới này để chịu sự đày đọa bởi màu da? Những lời thơ làm tôi rơi nước mắt. Nhìn thằng Josh đang ngủ ngon như đứa trẻ, thân thể nổi bật trên dra nệm trắng. Tôi cứ nhìn thế thôi. Và thở dài.

    Quá nửa khuya, con gái tôi mới trở lại. Thằng Josh cũng bất chợt tỉnh dậy. Thấy tôi, nó ngạc nhiên kinh khủng.
 “Ms. Nguyen?”
 Tôi bóp nhẹ tay nó, vỗ về. Không hiểu hết, nhưng nó ra vẻ cảm động và mừng rỡ lắm.
 “I’m alright. You can go home.” Nó ái ngại khi thấy tôi ở đây cả đêm.
 Trên đường về nhà, con gái tôi nói.
 “Mẹ, chúng con không trách mẹ.” Tôi nhìn nó, ngạc nhiên.
 “Con biết, không phải một mình mẹ kỳ thị, cả nước Việt Nam mình đều không thích người da đen.”
 “Sao con biết?” Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên.
 “Chúng con tự tìm hiểu lấy.”
  Có thể. Đi đâu tôi cũng thấy thằng Josh lận trong túi quần một cuốn tự điển English-Việt Nam nhỏ xíu của Lê Bá Kông. Cái cuốn này hồi xưa tôi mua khi mới qua Mỹ, vậy mà bây giờ nó lượm ở đâu ra? Con tôi nói, “Josh cũng đang học tiếng Việt đó mẹ. Tụi con muốn học phong tục Việt Nam. Nhưng con không đủ chữ để dạy cho Josh.” Nghe tiếng con than thở, một thứ cảm xúc tự nhiên dâng lên làm mắt tôi ứ lệ.
  Chiều hôm sau, Josh xuất viện. Tôi gửi cho nó một bó hồng vàng và một bài thơ Việt Nam. Bài thơ Đen

 “Một người da đen một khúc hát đen
  Bầu trời đen sâu không cùng
  Những giòng nước mắt
  Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
  Bằng giọng của máu của tủy của hồn bắt đầu ngày tháng
  Giữa rừng không lời rừng mãi trống không
 Ném mình ném đám đông vào trần truồng tủi cực hờn xác thịt
 Tan vỡ hôm hôm qua hôm nay kể gì ngày mai
 Tội rằng không quên chẳng thể được quên
 Vì Blues không xanh vì điệu Blues đen
 Trên màu da nức nở
 Trong hộp đêm
 Bắt đầu chảy máu thầm kín khóc cổ họng mình
 Ngón tay cấu lấy ống kèn như một bùa thiêng
 Chọn ngoài thể xác ngoài thương yêu ngoài dữ tợn
 Chọn thế giới va chạm những loài kim réo gọi
 Thời gian mềm
 Không gặp thời gian
 Không gian quay thành những vòng kỷ niệm
 Rồi một buổi nào Blues hiện về xanh.5”

“Bài thơ này của Việt Nam à? Tác giả là ai vậy mẹ?”
“Đây là bài thơ viết cho người da đen của Thanh Tâm Tuyền.” Tôi nói, “Không phải người Việt nào cũng không thích người da đen đâu. Vẫn có nhiều người có trái tim rộng mở… Nhưng người mình sợ dị biệt, sợ khác người, sợ áp lực dư luận,… Có thể một ngày nào đó tâm lý số đông chấp nhận thì màu da không còn là vấn đề nữa.”
Điệu Blues qua thanh âm, qua hơi thở của người da đen đã trở thành huyền thoại. Họ trở thành những phù thủy của âm thanh. Người da đen chơi Blues. Blues và đen. Đen và Blues. Hai thứ đã trở thành một thứ đặc trưng của nhau. Nên câu thơ “Vì Blues không xanh vì điệu Blues đen” hàm ý mọi người bây giờ chỉ nhìn thấy Blues là màu đen thôi.
   Ánh mắt con gái tôi buồn hiu.
   Tôi an ủi nó. Nhưng mà, “Rồi một buổi nào Blues hiện về xanh.” Tôi nói, “Câu thơ nói lên ước vọng của con người. Sẽ có một ngày người ta không còn phân biệt màu da. Mọi người rồi sẽ thấy Blues là xanh. Mà là Xanh thật xanh kia.”
“Một ngày nào đó hả mẹ?”
“Ừ, một ngày nào đó…”

nguyễn thị thảo an
Jan. 2011

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
1.KKK Đảng KKK hay 3K là tên đảng Ku Klux Klan là tên một đảng kín ở Hoa Kỳ được thành lập sau cuộc nội chiến 1865. Đảng chủ trương thuyết da trắng thượng đẳng, bài người da đen, Do Thái, Công giáo, chống chủ nghĩa Cộng Sản, chống đồng tình luyến ái. Đảng KKK hoạt động mang tính bạo lực như giết người, đốt nhà thờ…
2.Phim Pursuit of Happyness do Will Smith thủ vai chính.
3.Redneck: dân cổ đỏ. Ý chỉ những người cao bồi cỡi ngựa thường quàng chiếc khăn chéo màu đỏ ở cổ, dân nhà quê miền Nam thời lập quốc, thường kỳ thị người da đen, người nam Mỹ và những di dân khác.
4.Bài thơ Đen Và Trắng đoạt giải bài thơ hay nhất năm 2005 của một em bé Châu Phi
5.Bài thơ Đen của Thanh Tâm Tuyền (trong thi tập“Liên, đêm mặt trời tìm thấy” năm 1964.