Monday, January 6, 2025

THƠ CHO ĐINH CƯỜNG

nguyễnxuânthiệp
 
Đinh Trường Chinh. Nhớ bố Đinh Cường
 
tiếng còi tàu đã tắt. chiều rơi
con chim màu đỏ không về nữa
bóng người đội chiếc mũ xanh. đã khuất.
                                                sau rừng thông
tiếng gió
không quán cà phê starbucks
chỉ có những trang thơ. nhóm lên đống lửa.
                                                    của một thời
sưởi ấm
ôi. đinh cường. bạn tôi
 
NXT
Khi ở Garland. đầu năm 2019
 
 

Saturday, January 4, 2025

KHÁNH TRƯỜNG. RƯỢU BIẾT RÓT VỀ ĐÂU

Lê Chiều Giang

Tranh Khánh Trường
 
“… Soi gương nhìn kỹ mặt mày
Cũng râu cũng tóc đủ đầy giống… ta!
Thế nhưng trong cõi ta bà
Nhiều khi những tưởng mất cha cái mình…”
[Khánh Trường]
 
Tôi bị ám ảnh triền miên bởi những hình tượng ốm đau, kiệt quệ. Những lặng lờ thấp thỏm, sợ hãi đợi chờ cho một ngày cuối cùng, chấm hết… Nên đã rất ít khi tôi còn dám thăm hỏi ai thêm về chuyện thở ít, thở nhiều hay đã gần ngưng thở.
Anh Khánh Trường mỗi khi tôi nhớ đến, phải là hình ảnh của một giang hồ. Một tay chơi luôn cười cợt, ngạo nghễ với đời, để nếu cần, đang ngồi café cứ quăng đại chiếc ghế lên trời cho hả cơn giận dữ. Dễ thương và may mắn nhất là anh có được những tiếng cười xòa thông cảm, những tiếng cười phá chấp từ bè bạn.
Sau 1975, anh Nghiêu Đề và tôi hay ghé phòng dạy vẽ của Khánh Trường bên Phú Nhuận. Phòng tranh nhỏ với xao xác chỉ vài em và là nơi anh nhận vẽ truyền thần, sao lại hình Ông Bà… Khi hăng hái chuyện rong chơi, anh cười cười đuổi học trò về, miễn luôn học phí cho ngày hôm đó. Anh vội vã đóng cửa lớp, phòng tranh cho dễ bề lang thang café thuốc lá. Những ly café mà khề khà từ sáng đến trưa, với những nói cười say sưa cùng khói thuốc, những câu chuyện còn đậm đà hơn cả những bình rượu trắng ngày càng trở nên hiếm hoi.
 
Anh Duy Trác, người sống vô cùng ngăn nắp cũng đã có lần trong một ngày giáp tết, ngồi nhà Khánh Trường cho đến 3 giờ sáng. Chúng tôi ngồi vui với cháo gà của chị Khánh Trường. Một con gà nhỏ, với rất nhiều loại rau, và 12 người bạn. Nước lã, tôi xúi chị Khánh Trường đổ thêm và đổ thêm cho nồi cháo càng lúc càng đầy hơn, chỉ cần thoáng chút hương vị gà thôi chắc là cũng đủ… Chúng tôi và Nguyễn Đình Toàn, Duy Trác, Trần Quang Lộc, Nga Mi, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Tôn Nhan… ngồi hát hò, thơ phú cho đến hết đêm. Những đêm Saigon không dài. Đêm xao xác. Đêm hoang mang và đêm rất ngắn.
Đó là những tháng ngày chúng ta vừa vuột mất quê hương. Nói như anh Nguyễn Đình Toàn, thời gian đó nếu chúng tôi không có một nhóm để rong chơi, ca hát thì chắc là đã… chết hết.
Rồi đã chẳng còn những gặp lại, chúng tôi chợt tan tác muôn phương, kể cả có bạn bè đôi ba lần cứ phải vào tù ra khám...
 
oOo
 
California.
Nơi có tiếng réo gọi của rất nhiều gương mặt cũ.
Khi gặp lại anh Nguyễn Trọng Khôi từ Boston qua CA ghé San Diego cùng với Phạm Việt Cường và Khánh Trường. Chúng tôi ngồi… đếm. Những mất mát gần gũi và xa xôi, những bạn bè rớt rơi còn hay mất. Ôm đàn hát mải mê, hát miên man mà Nguyễn Trọng Khôi… khóc.
            Nước mắt, có khi không cần nói gì và hỏi gì thêm. Nước mắt, thông điệp của mọi thứ và mọi điều có khi hiểu ra hết và đôi khi chẳng ai hiểu gì. Nguyễn Trọng Khôi hát cho những ngày lê thê, tê tái ở Saigon trước khi anh lên máy bay ra đi…
Rộn rã nhất chắc là khi Khánh Trường có Hợp Lưu. Văn thơ đủ thứ làm anh bận rộn thêm với cả tỷ những bạn bè cũ, mới. Cái dễ thương của Khánh Trường là dù cuộc vui lớn nhỏ thế nào cũng phải hò hét hết bạn bè đến tham dự. Không đủ ly thì rót rượu đỏ trong ly giấy, không có tiền thì in báo thiếu chứ nhất định phải là… ca múa với rong chơi.
Chuyện hay hay là một trong những lần gật gù, bàn bàn tán tán về văn chương, Mai Thảo lỡ nói vài câu kiểu… Mai Thảo. Cái kiểu rất là Mai Thảo! Lạ là không ai ngạc nhiên gì khi Khánh Trường tạt nguyên chén nước mắm vào anh. Mọi người chỉ đành cười ngượng ngập, trong khi Mai Thảo rất bình tĩnh, giọng khề khà như trầm xuống hẳn: “Ừ, thì ngày mai “nó” sẽ đi tuyên truyền rằng “nó” mới hắt nước mắm vào mặt Mai Thảo”.
Nhưng với tôi, sau ngày không vui đó, chính nước mắm đã là một chất keo sơn đầy hương vị, dán quãng đời còn lại của Mai Thảo với Khánh Trường. Nhất là những tình những nghĩa, những tận tâm chăm lo, săn sóc của Khánh Trường đối với Mai Thảo, suốt từ khi Mai Thảo bắt đầu ốm đau cho đến giờ phút phải ra đi.
Đặc biệt là anh Khánh Trường rất chán và dị ứng với cái phong thái trịnh trọng của một số vị làm văn chương, chữ nghĩa. Anh cứ nhất định gán cho họ là nhóm “Văn nghệ sĩ cung đình”.
Trong tiệc cưới Bé Búp, tôi lúng túng tổ chức một mình vì không còn anh Nghiêu Đề. Bàn 12 người, chỉ có anh Khánh Trường nói ra lời khiếu nại: “Chị ơi, làm ơn xếp tôi chỗ khác, tôi mà phải ngồi với những ông “Văn chương cung đình” này thì vui sao nổi?”. Khánh Trường cứ thế mà tuyên bố khơi khơi, nói ngay tại chỗ, làm 11 người còn lại khó chịu. Tôi vội vàng mời anh ngồi với nhóm bạn của Bé Búp, để chú Khánh Trường tha hồ cụng ly cùng… các cháu. Tiệc cưới rất đông thiên hạ, mà tôi vẫn nghe ra tiếng anh hò hét, nói cười bên một đám trẻ, thế hệ chẳng cần biết, chẳng đoái hoài gì đến văn chương, thi phú… Những thứ mà theo Khánh Trường, nó chỉ làm cho cuộc đời thêm lôi thôi, lung tung và rắc rối.
 
 Chừng tháng sau, tôi lên Santa Ana tham dự hôn lễ con trai của anh chị Hồ Thành Đức. Có chuyện bày ra bốc thăm sao đó, chợt tên tôi được mời lên sân khấu để nhận… tranh tặng. Ngay lập tức thiên hạ nghe anh Khánh Trường nói vọng lên, rất lớn: “Sao hôm nay chị xui quá vậy, còn phải mang tranh Bé Ký về tới tận San Diego". Có tiếng cười vui ào ào của tất cả bạn bè và dễ thương nhất là có cả tiếng cười rất vang của anh Hồ Thành Đức. Đặc biệt, chính Khánh Trường là người tình nguyện mang tranh Bé Ký ra xe giúp tôi.
 
oOo
 
Sau một thời gian dài bỏ San Diego ra đi. Tôi trở lại CA như một người rất mới.
Những Văn nhân, Thi sĩ cung đình hay những vị giang hồ Thơ Văn lang bạt. Nhiều người đã bỏ đời ra đi. Tôi ngồi với các bạn lứa tuổi của mình, những bạn bè rất mới.
Mới đây, chị Nguyễn Thị Khánh Minh ra mắt thơ “Đêm”, là ngày tôi gặp lại chị Thùy Hạnh. Một ánh trăng sáng mơ màng trong văn thơ của nhiều Thi sĩ.
Sức sống mãnh liệt ban cho chúng ta lòng can đảm và có thêm luôn cả sự mạo hiểm không ngờ. Đã không còn dùng được tay phải, chị lái trên freeway với chỉ một tay trái, băng qua những dòng xe như thác, chạy bạt mạng và chạy như điên, chỉ vì: “Cô đơn là điều chúng ta sợ hãi nhất”, chị than thở cùng tôi.
Chị Thùy Hạnh và tôi nhắc lại chuyện từ những năm xưa. Thời Thùy Hạnh đẹp thơ mộng, lúng liếng với đôi mắt rất đa tình. Chị hát và ngâm thơ rất hay, có thêm một giọng nói dịu dàng như lá. Thuở mà chị chưa mang bịnh, chưa ốm đau.
22 năm đã qua đi, chúng tôi còn nhận ra nhau để cùng ngậm ngùi, tiếc nuối nhắc nhớ về lần gặp cuối cùng. Phòng khách nhà chị, nơi có bóng nắng nhạt mờ xuyên qua chút ánh chiều sắp tắt. 22 năm về trước, chúng tôi ngồi hát với nhau, những bản nhạc đẹp ngời của Phạm Duy, Cung Tiến. Cao Xuân Huy, người luôn có nụ cười tươi vui và ấm áp, đỏ mặt với rượu tràn lan cùng Hoàng Khởi Phong và Khánh Trường. Hiếm khi nào cả ba cùng trầm lặng như thế. Thùy Hạnh ngâm thơ Quang Dũng, Hoàng Cầm,  tôi hát Sombre Dimanche, dù hôm đó là chiều thứ bảy.
Chưa bao giờ tôi thấy anh Khánh Trường hăng hái gì với ca ca hát hát. Duy nhất hôm nhà chị Thùy Hạnh anh uống rất nhiều, uống đủ để ngất ngưởng với thơ, ngâm thơ và để say với “Hồ Trường”.
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường…
 
oOo
 
Đã rất lâu rồi tôi không gặp lại, cũng chẳng ghé thăm. Vẫn biết anh đã không còn đủ hơi để lo lắng thêm cho bất cứ một điều gì. Nhất là anh đã chẳng bận tâm chi nữa đến chuyện hội họa với văn chương… Dù mới đây thôi tôi còn biết rằng, có lúc Anh đã phải dùng dây và băng keo, bó cây cọ vẽ vào cánh tay phải, rồi dùng bàn tay trái cũng đã rất yếu, di chuyển và lê lết màu sắc lên những tấm canvas. Vẽ, phải chăng chỉ là tiếng kêu la thảng thốt, chút níu kéo, chút trì hoãn thảm thương? 
“... Ta có hai bàn chân
Đi hoài không tới đích
Ta có một sợi xích
Trói hoài đôi bàn tay…”
[Khánh Trường]
 
Kèm theo bài viết này tôi sẽ dùng bức tranh của anh như một minh họa. Bức tranh mà khi anh xuống San Diego trong ngày giỗ Nghiêu Đề, tôi đã phải nói lời xin lỗi vì tranh anh vẫn dựa lẻ loi bên tường. Tôi chưa kịp treo tranh anh cùng tranh bè bạn… Anh liền buông một câu ẩn chứa chút ngạo mạn: “Tranh Khánh Trường, chỗ đúng nhất phải là… dựng ngay dưới đất”. Và, anh đã cùng tôi cười vang, tiếng cười bạt mạng, tiếng cười chỉ có ở Khánh Trường.
Tôi đang viết gửi anh thay cho một lời thăm hỏi.
            Đặc biệt là đã chẳng có một lời hỏi thăm nào dài lê thê bất tận, với rất nhiều thứ kỷ niệm mà gia đình tôi đã có cùng Anh. Nhất là những ngày của năm 1999, dù rất bận với Hợp Lưu, anh đã cùng anh Nguyên Khai bỏ nhiều thì giờ  đẹp cho sách Tranh của anh Nghiêu Đề. Cuốn sách mà mỗi khi đọc lại, tôi vẫn đếm xem đã có bao nhiêu bạn bè viết về, nói đến và góp lời thương tiếc Nghiêu Đề, giờ cũng đã bỏ ra đi…
LÊ CHIỀU GIANG
 

TRĂNG THIỀN

nguyễnxuânthiệp
 
Họa sĩ/nhà văn Khánh Trường
 
Giữa mình và Khánh Trường có chút tình văn nghệ tuy thỉnh thoảng mới gặp nhau. Nay Khánh Trường vừa ra đi xin đăng lại một bài viết về Trăng Thiền cách đây cũng đã nhiều năm nhân Khánh Trường triển lãm một loạt tranh mới chủ đề Đáo Bỉ Ngạn và có gởi cho Nguyễn hình chụp một số bức để đưa lên Phố Văn. Xin mời bạn đọc theo dõi bài viết.
 
Những ngày gần đây, báo chí và các trang mạng đồng loạt đưa tin và bài về họa sĩ/nhà văn Khánh Trường. Tạp chí Ngôn Ngữ đã ra một số chủ đề Khánh Trường (số 22 tháng 11.2022) với bài viết của các tác giả Hoàng Khởi Phong, Lữ Quỳnh, Luân Hoán. Trương Vũ, Lê Chiều Giang… Nguyễn vốn có mối thân tình với người chủ trương Hợp Lưu, nhân đây, xin đăng lại một bài tản mạn viết trước đây nhân cuộc triển lãm tranh Thiền của bạn vào tháng 2. 2012 ở Sùng Nghiêm Zen Center, California.
 
Có không, trăng thiền? Hay chỉ do trí óc đầy huyễn hoặc của một con người đang bước liêu xiêu giữa cõi đời tưởng tượng ra và nghĩ là mình nhìn thấy thật?
 
Vâng. Quả là đêm nay, một đêm cuối năm, người viết ngồi nhìn qua khung cửa sổ thấy một mảnh trăng treo lơ lửng trên đỉnh cây phong trụi lá. Và do ảnh hưởng  những bức tranh thiền của Khánh Trường vừa gởi tới, trong đó có những bức vẽ vầng trăng khuyết, nên Nguyễn đã nghĩ ra như vậy. Một phần nữa cũng là vì mình vừa trải qua một mất mát quá lớn trong đời nên muốn tìm tới ý nghĩa cốt lõi, dung dị mà thâm sâu của đời sống này. Vì vậy nên Nguyễn mượn hình ảnh mảnh trăng nghiêng kia để nói về những bức tranh Thiền của Khánh Trường. Ôi, cũng thật là đầy mộng và ảo, nên xin bạn đọc tha thứ giùm cho.
 
Nhưng trước hết xin thưa cùng bạn đọc: Người viết và Khánh Trường quen nhau cũng đã hơn mười lăm năm nay, từ hồi Khánh Trường còn khỏe mạnh tươi vui và còn làm tờ Hợp Lưu. Còn nhớ trong lần giới thiệu thơ của Nguyễn Nam An và Phan Ni Tấn tại hội trường báo Người Việt vào năm 1996 có sự hiện diện của Mai Thảo, Phạm Duy, Thái Thanh, Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Nghiêu Đề, Lê Uyên Phương, Thảo Trường… Khánh Trường đã mời Nguyễn đi dự tiệc chung với mọi người. Đây là lần đầu tiên Nguyễn tiếp xúc với anh em văn nghệ Cali.
 
Tiếp đến những tháng năm sau, Khánh Trường lâm trọng bệnh phải vô ra nhà thương nhiều lần. Do ảnh hưởng của bệnh, Khánh Trường nói rất khó khăn và phải đi xe lăn. Chúng ta hãy nghe Đinh Cường: “Đời sống tâm linh đã cứu rỗi con người, một con người tưởng như đã chết đi và sống lại, sống lại lẫm liệt để Qua Bờ.” Thật vậy, Khánh Trường đã phấn đấu ngày đêm để có thể làm việc và vẽ trở lại. Bây giờ, với 30 bức tranh Thiền sẽ trưng bày ở 11561 Magnolia Street, Garden Grove, CA, vào dịp Tết này Khánh Trường đã cho thấy sự bình an tĩnh lặng trong anh. Thật vậy, Khánh Trường bộc bạch: “Nhẹ nhàng, thoải mái, giữ cho tâm thân lúc nào cũng an bình. Với cá nhân tôi, Thiền chỉ giản dị thế thôi. Nên khi vẽ những bức tranh liên quan đến chủ đề Thiền, tôi luôn tự nhủ sẽ tuyệt đối trung thành với ý niệm trên. Vì vậy 30 bức tranh trong lần triển lãm này đều được gạn lọc, hạn chế tối đa từ đường nét, màu sắc đến đề tài; cũng như không để mình bị cuốn vào những lãnh địa mới, lạ mà hầu hết họa sĩ đều mong thử nghiệm, khai phá. Cũng có nghĩa tôi dùng một bút pháp rất chân phương, mộc mạc để chuyển tải những giáo lý cơ bản nhất của Phật giáo với mong ước ai cũng có thể tiếp cận và hiểu dễ dàng “.
 
“Lời bộc bạch trên của tác giả -vẫn theo Đinh Cường- như dẫn chúng ta đi vào tranh anh, một thế giới khác so với những thập niên trước, một con người năng động, đầy sắc màu trong văn chương nghệ thuật, cũng phải kể đến thời sung mãn khi anh đứng mũi chịu sào làm tờ Hợp Lưu, một tờ nguyệt san đẹp về hình thức lẫn nội dung, cho đến nay Đặng Hiền vẫn tiếp tục, trong tình hình kinh tế khó khăn, hai ba tháng ra một số…”
 
Vâng, mười năm trước Khánh Trường bị tai biến mạch máu não. Đôi chân hầu như bất khiển dụng, phải ngồi xe lăn, hai tay lọng cọng, cầm đũa rớt lên rớt xuống, viết, vẽ không được. Mắt mờ, nhìn một thành hai. Nói năng ngọng nghịu khó khăn. Một năm sau bị thêm 2 bạo bệnh, ung thư thanh quản và loét bao tử…Thế mà Khánh Trường vẫn tiếp tục sáng tác được, dù vô cùng khó khăn. Anh đã hoàn thành đến gần 100 tác phẩm. Đây là lần triển lãm thứ 3 sau cơn bệnh.
 
Đinh Cường nhận định tiếp: “Xem qua 30 bức tranh trên internet không bằng đứng trước những tấm toile nhưng sự xúc động đã đến với tôi, tôi bắt gặp ở đó sự chân thật của xúc cảm và sáng tạo, vẫn Khánh Trường với màu xanh trong mênh mông, vẫn vầng trăng, núi đồi, vẫn tĩnh vật mấy quả táo, vẫn chiếc khăn phơi, vẫn những kỷ niệm từ một thời niên thiếu bên triền cát trắng, đến thời thanh niên với những lần hành quân qua Khe Sanh miền địa đầu giới tuyến trùng điệp núi rừng, bom đạn … để bây giờ là Bầu Rượu Bể, là Tịch Lặng, là Khổ Hải, là Vô Thường… để đi đến Hành Trình Giác Ngộ như trong Thập Mục Ngưu Đồ… Khánh Trường đã thõng tay vào chợ, chỉ còn một vòng trống không …người trâu đều quên .Và thật sự Khánh Trường, người họa sĩ tài hoa, nhiều nghị lực ấy đã quên chưa Nghiệp Chướng?”
 
Với Nguyễn, như đã nói từ đầu, tranh Thiền của Khánh Trường gợi ra trong trí óc Nguyễn một vầng trăng khuyết. Như Nguyễn đã nhìn thấy nó ở buổi ấu thời, nơi Vương Phủ, hay sau này trong những bước trắc trở của cuộc đời, hay như mới đây khi Dung bỏ Nguyễn ra đi. Nó không hẳn là vầng trăng tật nguyền nổi trên biển khổ như Khánh Trường miêu tả. Mà là những mảnh trăng trong Hành Trình Giác Ngộ của bạn. Nó vẫn là hình ảnh đẹp  của cõi huyễn này nhưng nó bất toàn, bị rơi rụng đâu mất một phần. Và Nguyễn gọi nó là Trăng Thiền để chứng cho cái mà mình có giữa đời này -hạnh phúc chăng- có thể là thế nhưng đôi khi rưng rưng lệ.
NXT




MỘT NGỌN NẾN CHÁY

nguyễnxuânthiệp
 

Ngọn nến cháy trên bàn
một ngọn nến cháy*
cây thông trong vườn
thức đợi
em đâu rồi. lara
còn đây khúc hát
và bầu trời thuở xưa
nhưng em không còn nũa
tôi đi trong đêm mùa đông
hồn lạnh giá
bao giờ
bao giờ về tới
khu vườn ở hokaido
với những vị bụt tí hon
tô cơm. bát canh rau rừng
và bếp lửa…
NXT
 
*Thơ Pasternak

Friday, January 3, 2025

LATERALISATION.

Tố Nghi
 
 
Lateralisation là việc thuận tay (phải hay trái).
Cơ thể bên ngoài, bao gồm đầu mình và tay chơn, bao giờ cũng đối xứng, y chang kiểu ngó kiếng, hàm nghĩa tuyệt đối không sai sẩy khác biệt - nhưng... các phần bên trong lại... phi đối xứng -
Thần kinh não bộ vốn "lắt léo mè dòng lô", cũng bởi luồng thần kinh lan truyền trong cơ thể y chang luồng điện, nên rồi người "mè dòng lô" thường được dán nhãn "dội, đụng, đứt" thần kinh, trong nghĩa điện não bộ bị... chạm !
 
Mà "lắt léo mè dòng lô" là cái chi dzậy ? Thưa nó xuất hiện trong một truyện từng kỳ, đăng ở nguyệt san (hay bán nguyệt san) Phổ Thông của nhà văn nhà báo Nguyễn Vỹ. Nguyệt san Phổ Thông khổ nhỏ, loại Reader's Digest, nội dung văn hóa thường thức, phát hành đâu đó đầu thập niên 60 ở... thế kỷ trước.
Truyện xảy ra ở miền nam lục tỉnh, thời tranh tối tranh sáng khi Việt Minh chống pháp dành độc lập.
Truyện đích xác thế nào tui hết còn nhớ, chỉ biết term lắt léo mè dòng lô được nhắc tới thường xuyên ở vùng nhà quê hẻo lánh, dân làng hiền lành chất phác, để ý tới nương rãy vụ mùa hơn là những vấn đề chánh trị to tát mà họ bị/được học tập từ đám cán bộ giáo dục, lâu lâu tới tuyên truyền chánh sách. Và rồi phát sanh term "lắt léo mè dòng lô" hài hước nọ.
Lắt léo thì ai cũng hiểu, là hổng thẳng thớm "trước sau như một", nhưng lòng vòng quanh co. "mè dòng" phiên âm từ maison tức nhà, và l'eau tức nước - cũng bởi bản chất nhà nước nọ vốn lắt léo. Y hình trong truyện có ông cán bộ đỉnh cao, tỉnh bơ dịch term "nhà-nước" (chánh phủ) thành tiếng tây để đám trẻ nít biết tiếng tây hiểu... cho thông.
 
Thuận tay ở đây là cử động theo phản xạ tự nhiên khi thiếu kiềm kẹp - kiểu của mấy ông ra đường một mình, day qua ngó gái vì phản xạ. Chừng có vợ nhà bên cạnh, y phép phản xạ nọ lập tức bị ức chế liền. Cái ni kêu bằng... phản xạ có điều kiện -
Việc thuận phải thuận trái dính dáng tới bán cầu "dominant" của não. Dominant là tánh "chủ", tánh khuynh soát của quý bà trong hội... thờ chồng.
Và bán cầu não kia trở thành non-dominant tức tánh "tớ", tánh dễ dạy của hầu hết qúi ông trong hội thờ bà.
Do có giao thoa vận động ở cổ, nên bán cầu não trái sẽ điều khiển cử động cơ thể bên phải, và ngược lại.
Thế nghĩa là... người thuận tay phải có dominant bên trái, và người thuận tay trái dominant bên phải.
Thông kê khảo cứu biểu tới 70-80% dân số loài người thuận tay phải, đám thuận tay trái chỉ chiếm 10%.
Lý do : trời cho sao phải nhận vậy, hổng nên cãi, nhứt là... cãi vợ !
Nhưng cũng có những đứa vốn lì (hay bị bắt phải lì) đã mần màn cãi bướng. Và chúng được xếp vô nhóm sửa sai (corrected)
Sửa hầu như ở đây là sửa trái thành phải, cũng bởi thói quen xưa rày coi đám tay trái là nghịch lý, ngược đời.
Để chê ai lọng cọng, đám tây thực dân gắn liền cho nó cái nhãn "trái", il est gauche hàm nghĩa thằng nọ vụng về!
 
Thuận tay trái (dominant phải) có lợi điểm chi thì hổng biết, chưa biết, nhưng khảo cứu y học biểu chúng dễ mắc vài chứng bịnh tâm lý thần kinh, dyslexia, TADH (attention deficit hyperactive), autism và còn cả... schizophrenia (hết hồn hông trời)
Rồi chắc để an ủi bọn tay trái,  khảo cứu y học mới nói vầy: giữa hai bán cầu phải trái có cây cầu nối, là nhửng sợi thần kinh dẩn truyền qua lợi đôi bên. Ở bọn tay trái, đám sợi thần kinh nọ nhiều hơn, rậm đám hơn ở bọn tay phải.
Hổng rõ nhiều và rậm vậy có giúp việc giao hảo khá hơn không, nhưng có vẻ (tức hổng chắc lắm) chúng hổng "gauche" chi ráo trong lãnh vực nghệ thuật!
 
Dà... thuận tay trái nên làm cái chi tui cũng dùng tay trái, trừ cầm bút.
Bị bắt phải viết bằng tay phải từ nhỏ (cứ uýnh miết rồi sợ, và sợ thành quen), chừ cho viết bằng tay trái, tui cũng hổng làm đặng nữa.
Việc nọ dẫn đến hồ nghi, rằng phải trái chi cũng từ học tập mà ra, với cái tựa bắt tai là... corrected right-handed, trong nghĩa vụng về cách chi rồi cứ cố gắng là thành khéo léo hết - hô khẩu hiệu "kiên trì chiến đấu nhứt định thắng lợi" đỉnh cao -
Tay trái vậy nên tui dính dyslexia chút nẹo, chánh xác là dyscalculia (thành hổng giữ tiền nổi). Tui biết mình còn dính cả TADH, và có thể autism sơ sài, nên  ngôn ngữ thường linh tinh, việc nọ xọ việc kia sanh thậm thà thậm thượt.
Nghe tướng công nói có thể tui đang êm ái tiến dần vô schizophrenia cho đủ bộ nữa cà. Nên tui đâm... lo ra, rồi càng lo lại càng thậm thượt thêm nữa !
 
*
Dominant tuy dính dáng tới tất cả mọi vận động nhưng chừa ngôn ngữ ra, cho dù việc nói cần cử động một số cơ mồm miệng (thanh quản, lưỡi, vòm hầu...) Trung tâm ngôn ngữ  của não hầu như luôn luôn ở bán cầu não trái - chưa nghe  sách vở y học đề cập việc ngoại lệ bao giờ, hay có mà tui hổng hay, chưa hay - Ngôn ngữ xuất phát từ trung tâm này ra, và ngôn ngữ là để tiếp xúc, bày tỏ, giao tế với thế giới bên ngoài - có lẽ vậy, nên đám sợi thần kinh chat-online ở bọn tay trái đã rậm đám hơn bọn tay phải chăng ?
Trung tâm ngôn ngữ có hai khu riêng biệt : khu hiểu ở thuỳ trán, và khu diễn đạt ở thuỳ thái dương. Tuy khác "tổ dân phố tức hộ khẩu nóc gia" nhưng lại cùng "phường khóm" nghĩa là cùng bên bán cầu não trái. Hai khu khác biệt rạch ròi nhưng chúng cũng "chat online" để trực tiếp trao đổi tín hiệu thông tin với nhau. Và khu nào bị tổn thương cũng làm ngôn ngữ trục trặc ráo nạo.
 
Đối thoại là qua lợi trong nghĩa đối đáp (hiểu và.. "phản hồi"), tưởng khơi khơi dễ dàng chớ lắt léo mè dòng lô lắm lận.
Khả năng nghe (thu nhận âm) còn nguyên, nhưng nghe mà hổng hiểu. Và nghe rồi hiểu, nhưng lại mất khả năng nói (diễn đạt ý) thì cũng huề tiền.
Term y học kêu chung trục trặc ngôn ngữ là aphasia, nhưng phân biệt aphasia-hiểu và aphasia-nói, dính cái nào cũng kẹt.
Với những người hiểu nhưng nói hổng ra âm, ta nên hỏi những câu giản dị để họ trả lời bằng gật hay lắc.
Với người hổng hiểu nhưng nói vẫn ra, câu trả lời sẽ lộn xộn, tối hù.
 
Khi não bị chấn thương (stroke vs trauma), nếu chấn thương hổng chạm tới trung tâm ngôn ngữ, chiệng nhận thức sẽ giúp học hành hồi phục nhanh hơn.
Tại stroke floor, câu hỏi đầu tiên là thuận tay nào. Chiệng thuận tay nọ sẽ giúp đám therapist dòm ra tiên lượng và trị liệu cho từng trường hợp.
Ở những người hiểu mà nói không ra, nhưng viết trả lời đâu vô đó, là người hổng tổn thương não bộ, nhưng trục trặc cục bộ ở hệ thống phát âm (lưỡi, vòm hầu...)
Nếu phải trị bịnh nhơn dính stroke có aphasia thì... therapist thích người hiểu (nhưng nói hổng ra) hơn là người hổng hiểu (nhưng vẫn nói được). Vậy chớ... lắm khi rất tức cười.
Xin giúp vui một chiệng ngoài lề cho bớt tẻ nhạt - bịnh tật thì tẻ là cái cẳng -
Có ông kia ahasia nói, nghe chi cũng hiểu ráo (dĩ nhiên là những câu giản dị trong khả năng còn có thể hiểu được) nhưng hồi trả lời lại chỉ phát được một âm duy nhứt "f..u..c..k, f..u..c..k, f..u..c..k.... " và ông fuck vậy suốt buổi hổng ngưng.
BS hỏi sức đâu ra mà ép hoài dậy, cái ông nã đại liên fuck tiếp, nguyên floor vui vẻ ồn ào, rần rần như nhóm chợ.
Đồng nghiệp đi ngang, ghé vô cho lời cố vấn, rằng nô để nó nghỉ xả hơi chút đi, chớ ép hoài vậy trước sau cũng khiêng nó vô nhà xác !
Nên rồi... bữa mô bực bội công ăn việc làm, mình bèn ghé vô hỏi hắn một vài câu, để nghe hắn ấm áp ép dùm cho mình... hạ hoả !
Có thể là tiện lợi đôi đàng - bị biết đâu nó đang nói ra cái nó muốn nói trong "ý đồ"... giải toả ẩn ức.
 
Hổng chừng chuyện này vui hơn nè.
Một ông khác cũng aphasia-nói, và là VN - vợ ông đổ bánh xèo bỏ mối ngon số dách -
Ông nọ y chang, nhưng phát được tới hai âm lận :  "đu.. đu.. đu.. me, đu.. đu..đu.. me..."
BS của ổng hỏi chừng : nô ơi nô ổng nói cái chi dzậy ? Nô biểu, ờ ổng nói "tạ ơn trời, tạ ơn trời..."
Từ đó... nhơn viên lầu đó gặp nhau. chúng tạ ơn trời suốt lượt... mãi tới khi tướng công đổi sở sang làm bên này.
Chả hỏi vợ nhà: em dạy chúng nói cái chi dzậy hử ???
TN

  

Wednesday, January 1, 2025

ANH EM LÀ NGƯỜI BẠN TRỜI CHO

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
 
Hình Anh Em (Cam Li)

1
Mi viết trong tin nhắn:
“Anh Du có nhớ lúc nhỏ mình cùng bú chung bầu sữa mẹ?”
Du viết trả lời:
“Đúng ra là hai đứa hai bên.”
“Ừa, khỏi cần giành nhau.”
 
Má thường nhắc:
“Hai đứa, bú chung bầu sữa mẹ, nên thân nhau lắm!” 
Một đứa sinh tháng Giêng, một đứa sinh tháng Mười Hai cùng năm. Thế mà lại bú chung bầu sữa mẹ. Mi sinh tháng Giêng nhưng là vai em. Du sinh tháng Mười Hai, là vai anh. Mẹ của Du phải ra ngoài buôn bán phụ bà nội. Mẹ của Mi làm người nội trợ, ở nhà chăm con. Từ ngữ “nội trợ” tự lúc nào đã được dùng như để chỉ một cái nghề, một thứ nghề nghiệp không ăn lương. Nhưng nếu có dịp nào phải khai giấy tờ thì Má ghi “Nghề nghiệp: nội trợ” rất thoải mái.
Hai người mẹ là chị em bạn dâu, nhưng không “như bầu nước lã” mà người ta vẫn nói theo một câu tục ngữ. Má tình nguyện làm người mẹ thứ nhì để thay bác gái cho Du bú sữa. Hai đứa hai bên, khỏi cần giành nhau. Buồn cười mỗi lần nhắc lại.
Người ta nói chia chung bầu sữa mẹ thì tính cách giống nhau. Không hẳn đúng, vì trong thực tế anh chị em ruột có khi tính tình trái ngược nhau. Nhưng có lẽ điều đó đúng với hai anh em này. Khác cha khác mẹ mà tính cách giống nhau nhiều. Mi lớn hơn nên Má bảo nhường cho Du phần được Má bồng. Vâng, thì nhường, không giận hờn ganh ghét. Hai anh em lớn lên bên cạnh nhau trong mái nhà của ông bà
nội. Lúc Mi được bốn tuổi, Ba chuyển về Sài Gòn. Không vì thế mà hai anh em hết thân nhau. Trái lại, còn có cớ để mỗi năm vào dịp nghỉ hè Du được về Sài Gòn hoặc Mi được lên Đà Lạt. Thuở đường sá còn dễ dàng, đi đi về về là chuyện bình thường. Cứ vậy, Du và Mi được đi chung trên những chuyến xe nối hai thành phố, đương nhiên là phải đi chung với người lớn.
Trẻ con thật ngộ, nói những câu chuyện vu vơ không chán, nhưng người lớn nghe sẽ phì cười, đại khái:
“Ngày xưa cái nhà biết nói há!”
“Ừa, ngày xưa cây chổi biết nói há!”
“Ừa, ngày xưa cái cây biết nói.”
“Ngày xưa, trái bí biết nói.”
“Í, ngày xưa con mèo, con chó cũng biết nói.”
“Ờ ha! Vậy ngày xưa tất cả mọi vật đều biết nói.”
Nói ba xàm chán, hai anh em chuyển qua việc khác: đếm nhà thờ, đếm chùa. Chao ơi, trên đường Sài Gòn-Đà Lạt có biết bao là nhà thờ, biết bao là chùa! Đứa này đếm mỏi, giao lại cho đứa kia đếm tiếp. Có khi ngủ gục, mở mắt ra, không biết đã đếm bao nhiêu. Lại đếm. Không bao giờ có con số chính xác. Hai anh em hẹn lần sau đếm lại. Lần sau, có nghĩa là hè năm sau.
 
2
“Tại sao người ta lại phải tập xe đạp nhỉ?”
Thỉnh thoảng Du và Mi có những câu hỏi bất thình lình mà rất “lãng nhách” như vậy. Nhưng nhờ vậy mới có việc để làm. Trẻ con đúng là có nhiều thì giờ nhàn rỗi. 
Du biết đi xe đạp rất sớm, có lẽ do bác trai thường xuyên đi xe đạp. Mi thì không, cho nên có câu hỏi lẩm cẩm như vậy. Mà hóa ra lại hay! Mùa hè năm hai anh em được mười ba tuổi, Mi về Đà Lạt, thấy các bạn nhỏ ở khu Số Bốn đứa nào cũng biết đi xe đạp, cảm thấy mình “quê” quá! Du vốn tính lanh lợi, tình nguyện tập xe đạp cho Mi. Coi dễ mà không dễ! Chiếc xe đạp chỉ có hai bánh, làm sao giữ thăng
bằng đây? Thuở nhỏ tí teo, đứa nào cũng có chiếc xe đạp ba bánh, tha hồ mà chạy.
Bây giờ leo lên chiếc xe đạp hai bánh mà lại cao nữa, biết làm sao đây? Không dám đặt chân lên cả hai bàn đạp, không dám ngồi lên yên, thế là Mi cứ chạy kiểu “cà thọt” làm Du la lên:
“Ngồi lên yên đi! Bỏ hai chân lên!”
“Không được! Ghê lắm!”
“Được mà! Tau nói được là được!”
Mi ngồi lên yên, chân đạp nửa vòng tròn rồi đạp ngược lại. Du đứng bên vệ đường, kêu:
“Đạp tròn đi! Đạp tròn, đừng đạp nửa vòng.”
“Sợ lắm!”
“Đúng là con gái, nhát như thỏ! Đạp tròn mau lên, không thôi tau đi về!”
Mi sợ Du bỏ về, bèn đạp tròn. Chiếc xe chao đảo. Mi hét lên. Cả xe và người lủi xuống cái mương đầy cỏ ướt. Du phá lên cười.
Sau cú té đó, Mi quyết tâm đạp tròn. Hóa ra lại thành công. Tập xe đạp cũng đâu có gì khó! Hai đứa khao nhau một túi xí muội mua ở quán của bà Tư ở cuối dốc.
Trẻ con đúng là có quá nhiều thì giờ nhàn rỗi! Tập xe đạp chán rồi lại lang thang đi nhặt lá thông và hái hoa ngũ sắc, nhiều người gọi đó là hoa trâm ổi. Hai anh em về ngồi ở thềm nhà, xỏ lá thông vào từng nụ hoa ngũ sắc nhỏ xíu, làm thành những xâu hoa đủ màu rất đẹp. Có khi lại còn hái trái trâm ổi để ăn. Mùi vị trái này gần giống trái ổi. Nhưng có người nói trái trâm ổi độc. Tụi con nít nghe độc mà vẫn ăn vì nó ngọt. Ăn hoài mà đâu có chết! Du chơi theo Mi, nhưng thường chê đó là trò của con gái. Rồi thì hai anh em chui tọt lên gác. Ông bà nội mất rồi, bác trai vẫn dành căn gác làm nơi thờ Phật và thờ ông bà. Đối với Mi, căn gác có vẻ bí ẩn lắm, nó quá rộng để làm gác thờ. Mi không dám lên gác một mình, toàn là kéo Du lên theo. Có một nơi hai anh em rất thích, đó là chỗ để cái máy hát cũ. Cái máy hát đĩa không biết có từ bao giờ. Dễ chừng tuổi nó còn hơn cả tuổi của bác trai. Đầu tiên là mở cái nắp hộp sờn cũ lên. Phải “lên dây thiều” cho nó hát. Khi đặt cái đĩa hát to tướng vào xong, phải cầm cái cần đã gắn kim đặt lên đĩa, thế là tiếng hát cất lên. Du và Mi ngồi nghe thích thú. Nhạc tây có, nhạc ta có. Còn có cải lương “Tôn Tẫn Giả Điên” nữa. Hai đứa bò ra cười khi nghe đến chỗ Tôn Tẫn bị “cà lăm” vì gặp chỗ đĩa bị hư, phải nghe một câu lặp đi lặp lại nhiều lần. Thế là người nghe phải nhấc cái cần lên, đặt kim vào vị trí khác. Cứ vậy mà nghe hết đĩa này qua đĩa nọ, có khi mất cả buổi chiều. Khi nhìn ra cửa sổ thấy trời hết sáng, bên trong căn gác tối mù mù, Mi đâm hoảng. Du cười khì khì, chạy đi thắp từng ngọn đèn dầu trên
các bàn thờ. Rồi hai anh em chạy xuống nhà, tìm cái gì ăn.
Trong nhà ai cũng biết Du và Mi thân nhau. Ai cũng biết hai anh em từng chia nhau bầu sữa mẹ. Nhưng có một hôm bác gái nói với hai đứa: “Nè, tụi con lớn rồi, không còn nhỏ nhít gì nữa, không được xưng hô mi mi tau tau nữa. Anh ra anh, em ra em nghen!”
Hai anh em “dạ” và nhìn nhau. Từ nhỏ đã quen miệng gọi nhau như vậy rồi. Hơn nữa, Mi ỷ mình lớn tháng hơn nên mạnh miệng nói mi, tau, giờ nghĩ lại thấy có lỗi quá! Nhưng xưng hô anh em thì… nghe kỳ kỳ thế nào ấy!
 
3
“Anh Du có nhớ những món đồ xưa ở trong nhà không?”
“Có chứ! Từ đời ông nội để lại. Nhớ nhất là cái máy hát.”
“Còn cái mâm đồng nữa, dùng để dọn cơm ăn. Mình cứ hay giành nhau chùi cho nó sáng bóng. Nhưng nó nặng ơi là nặng, bưng muốn còng cả lưng!”
“Ờ há!”
“Nhiều đồ xưa lắm, nhưng sao nhớ nhất là hai món đó.”
“Chắc tại vì gần gũi với mình nhất.”
“Rồi sau khi nhà sập, mình có lượm lại mấy món đồ xưa đó không?”
“Mất hết, không còn gì.”
“Ôi, tiếc quá!”
Không phải là chuyện ba xàm nữa. Hai anh em ngồi trầm ngâm trên thềm của nơi trước đây là nhà ông bà nội, cũng là nơi Du và Mi được sinh ra. Chỉ là cái nền nhà trơ trụi. Đống đổ nát đã được dọn sạch trước đây hai năm. Vào cái Tết năm đó, Tết Mậu Thân, nhiều nhà trong khu Số Bốn đã tan hoang. Người dân dọn đi nơi khác cũng nhiều. Không còn gặp lại mấy đứa bạn nhỏ năm nào đứng bên vệ đường nhìn
Du tập xe đạp cho Mi. Nhớ nhất là con Gái dễ thương khi cười nhe răng sún. Tụi con nít lóc chóc mà đáng yêu. Đứa nào cũng mặc áo len, đội mũ len, hai gò má đỏ hồng vì trời lạnh.
“Giờ tụi mình không giống con nít nữa ha Mi!”
“Chắc vậy.”
“Mi đã viết văn từ sau cái Tết đó. Mi nhớ viết nhiều về Đà Lạt của mình nữa nghen!”
“Chắc chắn.”
“Du cũng sẽ xin về Sài Gòn học đại học. Ở mãi nơi xứ này thấy buồn quá!”
Không hẹn mà hai anh em cùng thở ra như tiếc rẻ một điều gì. Mi chợt reo lên:
“Đi mua xí muội đi!”
Họ chạy xuống cuối dốc. Không còn cái quán nhỏ của bà Tư ở đó.
 
4
Nếu hình dung mỗi người chạy trên một đường thẳng, thì Du và Mi đang vẽ hai đường song song. Thỉnh thoảng có nhìn qua nhau, và nhắc chuyện cùng chia bầu sữa mẹ. Vui.
Đổi đời. Con đường học đại học của Mi bị khựng lại. Du cũng vậy. Những ngày cuối, người ta chạy, thất tán. Người yêu của Du xuống tàu đi mất. Mi nhìn bạn bè vơi dần trong lớp, những người thân yêu cũng xa mất trong đời. Ngẩn ngơ…
Du về lại xứ lạnh. Gia đình bị kiểm kê tài sản vì bác có một tiệm bán đồ điện nho nhỏ, cũng bị coi là “tư sản mại bản.” Bác trai xuống tinh thần, tiều tụy, mỏi mòn.
Anh Hy của Du trở về từ chiến trận miền Tây, đi “tù cải tạo” mấy tháng rồi về, bỏ nhà đi vào rẫy sống. Du nản chí, bỏ học, theo cha và anh lên rẫy trồng khoai sắn.
Một đôi lần Du vượt biên không thành, càng nản chí hơn.
Mi tiếp tục học. Rồi cũng ra trường, có việc làm. Ai xui, Mi được phân công lên Đà Lạt. Hai anh em có dịp ở gần nhau hơn. Cuối tuần Mi vào rẫy, còn không thì cùng Du đi cà phê, nghe nhạc Christophe. A! Sao lại là nhạc Christophe? Vì nhạc miền Nam bị cấm, bị cho là ủy mị, đồi trụy, bị đặt tên là “nhạc vàng.” Một số người dân, phần lớn là thanh niên sinh viên, không muốn nghe “nhạc đỏ” nên đã có xu hướng nghe nhạc ngoại quốc. Du và Mi tìm đến các tiệm cà phê có đặt nhạc hòa tấu, thả ý tưởng của mình qua những nốt nhạc; hoặc nghe nhạc Pháp, thưởng thức giọng hát Christophe trẻ trung, dễ thương mà cũng sâu sắc lắm.
Hai anh em lập gia đình cùng một năm, người trước kẻ sau. Lại một lần nữa, Mi dọn về Sài Gòn, Du vẫn ở Đà Lạt.
Hơn hai mươi năm sau, vẫn là hai đường thẳng song song. Vẫn đôi khi nhắc lại “chung bầu sữa mẹ.”
Mi được chị bảo lãnh, cả nhà đi Mỹ. Du ở lại chứng kiến Đà Lạt thay đổi dần. Cái thay đổi này không nằm trong mong ước của Du. Hình như Du co người lại, sống khép kín trong sự yên lặng của chính mình, trong khi Đà Lạt mỗi ngày một ồn ào, đông đúc hơn. Để kiếm sống, Du làm nghề lái xe vận tải chở hàng đi nội trong tỉnh. Chí thú nuôi vợ con. Mỗi tuần một lần chạy xe gắn máy vào rẫy chơi với anh Hy. Du đã có một vẻ ngoài bình an. Du và Mi chỉ còn liên lạc với nhau qua email hoặc đôi khi qua điện thoại.
Du và Mi có một lần điện thoại cho nhau, chỉ để khóc lóc. Anh Hy mất rồi! Một buổi sáng cuối tuần, Du vào rẫy và thấy anh Hy nằm bất động trên chiếc giường bố. Anh đã mất tự đêm qua. Nguyên nhân rất rõ: nhồi máu cơ tim! Không ai hiểu vì sao trái tim anh Hy không muốn đập nữa.
Du im bặt không liên lạc với Mi cả mấy tháng. Thôi thì cứ để cho Du bình tâm.
Dòng đời, có những giây phút buồn bã, rồi cũng cứ trôi. Và đến một ngày, Du gửi cho Mi ảnh chụp những trang nhật ký của anh Hy, dặn Mi đừng cho ai khác đọc.
Hóa ra là anh Hy quá buồn. Anh trở về trong ngày buông súng. Điều đó không nằm trong ý muốn của anh. Anh đã trút sự phẫn uất vào nắm đấm, nện vào tường bật máu. Anh đã thề không bao giờ trở lại Sài Gòn. Anh ẩn mình trên rẫy, sống cô độc cho đến chết.
 
5
Du viết trong email:
“Mi ơi! Nay thì anh Hy đã yên nghỉ. Đưa đám anh xong, Du trở về với công việc hàng ngày. Cuộc sống sao mà nặng nề như những chuyến xe! Mỗi ngày Du cứ đứng nhìn người ta chất hàng lên đầy xe và mình thì lái xe đi… À, Mi ơi! Những kiện hàng đầy rau và legumes làm Du nhớ đến giàn su của ông nội. Hồi còn bé anh chị em tụi mình mê giàn su đó lắm. Chưa hết, vườn của ông nội có những cây to, trái nhiều bắt mê! Tụi mình còn nhỏ nên thấy cái gì cũng to lớn, lạ kỳ. Khu vườn cũng đầy vẻ bí ẩn, giống như căn gác thờ vậy. Có lúc Du trở về đứng trên nền nhà trơ vơ, mới thấy mọi thứ đã khác. Mình thì già thêm, còn cảnh vật thì như co lại, hoặc biến mất…”
 
Ở một email khác:
“Mi ơi! Có một ai đó đã nói “anh em là người bạn Trời cho.” Điều này chưa chắc đúng, nhưng hình như nó đúng trong trường hợp anh em mình? Mi còn nhớ những kỳ nghỉ hè, bọn con nít mấy nhà tụi mình xúm lại chơi đùa, nghịch như quỷ sứ?
Nhà nào cũng đông con nên tụi nhóc làm gì cũng như đi đánh trận. Có lúc ngủ chung xúm xít trong một căn phòng, kể chuyện rầm rì suốt đêm. À, Mi có nhớ lúc ông nội mất không? Người lớn không cho tụi mình tới gần ông nội. Cả lũ con nít đứng dọc đầy hết các bậc cầu thang, nhìn từ xa thấy ông nội đi dần trong tiếng tụng kinh. Đêm đó, cả lũ dồn hết vào một phòng, ngồi thắp những khúc đèn cầy ngắn dài. Đèn cầy ở đâu mà nhiều quá! Tụi mình gỡ những miếng sáp vụn dồn vào một cái chén, nung chảy ra, cho mấy sợi tim vào, lại tiếp tục làm thành một cây đèn nến mới, ấy vậy mà hết đêm. Nhớ lại vui thật!”
Hình như lại không có chỗ cho nỗi buồn.
Mi viết trong một email:
“ Anh Du có nhớ chuyện ăn độn su su? Ở Mỹ, trái su không phải là loại rẻ. Vậy mà ở quê mình, có một thời thiếu gạo, nhà vườn trồng được cái gì thì ăn cái nấy, miễn cho no bụng. Nhà vườn Đà Lạt ăn độn với bắp cải, với su su. Còn Mi lúc ra trường, lên Đà Lạt, eo ơi, mỗi tháng chỉ được mua “tiêu chuẩn” nửa ký gạo, còn lại mười mấy ký là độn. Độn khoai sùng, bắp đá, bột mì mốc, và một thứ gọi là bo bo…
Còn hột gạo được coi như hột ngọc. Mi nhớ cái hột bo bo, khủng khiếp thật! Siêng thì đi xay cho nó bể ra, nấu ăn còn đỡ, còn không thì nấu nguyên hột cứng ngắc, ăn muốn chợt cả dạ dày…”
“ …Hết là trẻ con, mình đâu còn thì giờ nhàn rỗi. Anh Du có nhớ lần đi cải táng? Anh Du chở Mi trên chiếc Suzuki, chạy trên đường đất đá gập ghềnh, lên những dốc cao, anh Du “chì” thiệt! Trời chưa sáng, mọi người đã có mặt để chứng kiến người ta đào mộ. Lần đầu tiên, “những đứa trẻ đã lớn” tận mắt thấy rõ tác động của thời gian. Cảm giác sâu đậm nhất, là so sánh ông nội ngày xưa từng bồng ẵm mình với ông nội giờ chỉ còn là những mảnh xương dưới làn vải áo dài chưa phai hẳn màu. Anh Du còn nhớ khu Mả Thánh, được gọi vui tên “Đà Lạt Hai,” rộng thênh thang, nay đã dời hết sang khu Du Sinh? Rồi đây “Đà Lạt Hai” sẽ là nơi người ta cất nhà, trở thành vùng đất cho người sống.”
Rồi đến một email cho thấy Du không vui.
“Du có một cảm giác kỳ lạ lắm Mi ạ! Mi biết là gì không? Là mặc cảm có tội. Không hiểu sao, sau ngày anh Hy mất, Du thường nghĩ đến cuộc sống gian khổ của anh Hy, rồi so sánh với đời sinh viên an lành của mình. Bọn con trai lứa tuổi mình được hoãn dịch để học đại học, trong khi các anh thì đi trận mạc. Xưa thì mình thấy đó là điều bình thường. Nhưng nay, ý nghĩ đã khác. Những trang nhật ký của anh Hy sao cứ ám ảnh Du hoài. Du trách mình vì chưa từng hiểu anh Hy, cho đến khi quá trễ...”
 
 
6
Sau một lần mổ tim, Du đã có sự thay đổi trong ý nghĩ. Khi đứng chênh vênh giữa hai trạng thái sống và chết, có lẽ con người sẽ chọn một cách nào đó cho mình được an vui. Phải thoát khỏi sự u hoài và sống vui trong thực tại, nếu còn được sống. Gia đình, người thân, chẳng phải là những báu vật Trời ban hay sao?
Du nghỉ việc, không lái xe hàng nữa vì sức khỏe không cho phép. Du bắt tay vào việc ương cây để bán. Xứ Đà Lạt, vùng đất của hoa cỏ, dù thay đổi thế nào cũng còn chỗ để Du tìm sự êm ả, vừa dưỡng bệnh, vừa giữ sự cân bằng cho chính mình.
“Mi ơi! Chăm cây cối, hoa cỏ, cũng giống như chăm con. Nhất là khi mình gầy một cái cây lên từ hột giống. Chứng kiến cây lớn lên, rồi khi trao cho khách, nhìn thấy họ nâng niu, mình cũng thấy hả dạ. Đôi khi Du chợt nghĩ, mình trồng cây bây giờ sao có vẻ “quý tộc” quá – chữ này anh em mình thường nói vui ấy mà! So sánh với cái thuở ba của mình cuốc đất trồng khoai trong rẫy, sao buồn ghê! Từ một ông thương gia cần cù, hiền lành, bị cướp hết tài sản, trở thành ông làm rẫy bất đắc dĩ, cằn cỗi, tuyệt vọng. Rồi anh Hy nữa. Anh Hy đâu muốn giam đời mình trong rừng rẫy như một cái bóng. Nghĩ mà đau xót quá!
A, Mi hãy khoan phê bình Du nhé! Vì Du đã nhanh chóng tự điều chỉnh. Du không dám để mình suy nghĩ yếm thế đâu! Người thân bên cạnh mình là nguồn an ủi lớn nhất. Có điều, những ý nghĩ từ trong sâu thẳm, Du chỉ có thể chia sẻ với người bạn Trời cho là Mi thôi. Vì hai anh em có quá nhiều điểm chung. Hi hi, lại điệp khúc “vì chung bầu sữa mẹ” phải không Mi?báo tin vui cho Mi, thằng con đã tốt nghiệp ra trường, lại có bạn gái nữa, giỏi chưa? Tụi mình già hết rồi!”
 
7
Mấy đứa con nít chạy vòng quanh như đang chơi đuổi bắt. Chúng nó làm những động tác y hệt mình ngày xưa. Tuổi thơ đẹp và vui quá! Rồi có một đứa trẻ, một thằng bé, gương mặt rất giống với mình, vấp ngã. Nó gượng đứng dậy nhưng không được. Nó mệt mỏi. Nó kiệt sức. Trong giấc mơ mình thấy mình cầu xin Ông Bụt hãy hiện ra. Và Ông Bụt hiện ra. Phải chăng cái gì mình quá ao ước thì sẽ thành sự thật? Thường thì, như trong chuyện cổ tích, Ông Bụt sẽ hỏi câu “Tại sao con khóc?” Nhưng mình không dám khóc. Đàn ông con trai không có khóc. Và Ông Bụt không hỏi gì cả. Nhưng mình đã nói trước:
“Con xin Ông Bụt, Ông Bụt hãy cứu thằng bé!”
Ông Bụt hỏi:
“Nó là gì của con?”
“Nó là con trai của con. Nó bị bệnh nan y. Ông Bụt ơi! Nó còn quá trẻ. Ông Bụt ơi, xin Ông Bụt cứu nó. Con thà chịu thay cho nó.”
Ông Bụt cười thật hiền từ:
“Ta không thay được số mạng của ai. Cuộc sống là đáng quý, đừng đánh đổi.”
“Vì cuộc sống là đáng quý nên con muốn xin cho con của con được sống. Con đã sống đủ, Ông Bụt ơi!”
Ôi, tôi có nằm mơ không? Một giấc mơ dài cả năm trời. Đó thật là một cơn ác mộng. Nhưng có phải nhờ Ông Bụt thương xót, nên giờ đây thằng con đã hết bệnh? Nó đã ra trường, và sắp cưới vợ. Tôi phải làm chút gì cho nó. Tôi cũng quên mất tôi đã nói gì với Ông Bụt. Tôi chỉ biết là tôi rất vui, tôi đã giúp con chuẩn bị cho đám cưới thật hoàn hảo.
Tôi thấy mình quần áo chỉnh tề, đứng trên sân khấu, trước mặt hai họ, nói lời cảm ơn. Gương mặt ai cũng rạng rỡ tươi cười. Tôi bỗng làm một động tác máy móc, đưa tay lên chỗ trái tim. Một cảm giác lạ kỳ chạy qua nơi đó, đàng sau vết mổ. Anh Hy, anh Hy đã từng có cảm giác này chăng?
 
8
Anh Du có một điều gì chưa nói với mình. Hai anh em, mỗi người một khối việc bận rộn, tuy vậy vẫn thăm hỏi nhau và biết diễn tiến bệnh tình của thằng cháu. Mừng nó đã qua khỏi. Có lẽ vì sức trẻ đã giúp nó thắng bệnh tật. Nghe vui vì cháu lại sắp cưới vợ.
Điều gì anh Du chưa nói? Trực giác bảo Mi như vậy, mà Mi không thể hiểu được,.Nhưng đúng lúc Mi cũng đứng trên sân khấu, trước mặt hai họ, cũng nói lời cám ơn, không những thế, còn đàn hát cho đám cưới của con, thì Mi hiểu hết. Anh Du ơi, chia chung bầu sữa mẹ khi còn bé, ai hiểu mình bằng anh em mình? Mi như thấy rõ trước mắt, hình ảnh Du ngã xuống, miệng còn cười tươi, còn đang muốn nói gì thêm. Bàn tay Du ôm ngay chỗ trái tim, ngay nơi vết mổ. Ngực vẫn ấm. Tiếng người lao xao. Có một người nào gọi thật lớn. Rồi mọi thứ dừng lại hết…
 
Mi tự rót cho mình một ly nước, ngồi xuống ghế. Trong một động tác vô ý thức, Mi đưa tay ôm ngực. Trái tim của mình sao cũng nhói đau. Không còn nghe tiếng nhạc, mà là một âm thanh nhẹ nhàng đến lạ kỳ. Mi thiếp đi trong một cảm giác ngọt ngào như đang được nếm dòng sữa mẹ.
 
9
Con đường vẫn như xưa. Chỉ khác là người ngồi trên xe thấy nó không quá dài. Có lẽ vì đi nhiều, sống nhiều, nên những gì của tuổi thơ nay mình thấy như nhỏ bé hơn. Anh Du có nói sẽ cố gắng xin đi Mỹ thăm Mi, nhớ không? Thế nhưng Mi lại về thăm anh Du trước. Hồi trước nói rằng không muốn về Đà Lạt, sợ có cảm giác xa lạ vì Đà Lạt đã đổi thay, nhưng giờ thì Mi đang ngồi trên xe để về đó. Anh Du đã viết rằng Đà Lạt dù có thay đổi, ồn ào đến đâu, vẫn có chỗ cho Du tìm thấy sự yên tĩnh, sống theo ý của mình. Mi sẽ cố gắng tìm những nơi yên tĩnh đó. Du dặn Mi nhớ viết nhiều về Đà Lạt của mình. Vâng, Du ơi, Đà Lạt của lá thông xanh, của hoa ngũ sắc. Đà Lạt của gió núi vi vu, của nhạc Christophe êm ái thời nào. Mi mỉm cười, mở tập giấy ra, hơi cổ điển, ha Du! Tức cười, còn định xưng hô mi mi tau tau!
Khoan đã! Có một việc quan trọng phải làm. Đếm nhà thờ, đếm chùa. Chao ơi, trên đường Sài Gòn-Đà Lạt có biết bao là nhà thờ, biết bao là chùa! Mấy mươi năm qua, cảnh vật hai bên đường có thay đổi, quãng đường vẫn dài bấy nhiêu cây số, không đổi. Nhưng bây giờ số nhà thờ, số chùa tăng hay giảm nhỉ? Không biết. Cứ đếm đi! Bây giờ Mi đếm một mình. Đếm mỏi thì ngưng. Có một lúc, ngủ gục, mở
mắt ra, đếm lại từ đầu.
CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH 

Tuesday, December 31, 2024

THÁNH CA

nguyễnxuânthiệp
 
 

đêm
trong ngôi nhà. của những chiếc lá thông. khô
ngồi thấy lại
người nghệ sĩ. áo sờn vai
đi trong chiều lộng gió
qua phố xưa
ai. còn ai. đứng đợi người
giấc mơ
dòng sông
phiến đá. lãng quên
dài bao nhiêu năm
cho tôi về lại
căn gác
của mùi hoàng lan
trong ký ức
mái tóc. và mặt trăng
tiếng hát
thánh ca
bầu trời. tím rũ. của tôi
NXT