Tuesday, October 29, 2024

NGÀN XƯA

Đặng Mai Lan
 
ĐMaiLan. Photo
 
Sóng sóng ngàn xưa xô động
thao thiết mời gọi em về
đi lại những đường xưa
từng bước chân mòn kiếp trước
mênh mông trắng mênh mông xanh
giữa trời không, cây reo cùng lá
hát chào mừng áo cũ một thời xa
 
Anh có nhìn thấy em mải miết
đường trưa nắng đổ tìm anh
qua bao chập chờn hư ảo
hàng phố lạ lùng mái thấp mái cao
mây một thuở biền biệt đã về đây
anh ở đâu qua bao mùa bão loạn
 
Dẫu đã chẳng còn gì
em vẫn phải quay về
đợi anh nắng sáng
mong anh mưa chiều
em chờ anh phiêu bạt
quay về trong từng hơi thở gió
 
Em tin anh vẫn còn ở đó
trong một ngôi nhà
dưới một vòm trời
giữa đời tịch mịch
phải không anh?
nơi vĩnh cửu của một đời người
là nơi những giọt sống cuối cùng nhỏ xuống
 
Em tìm anh trong âm vọng
run run tiếng khóc rộn rã tiếng cười
qua bao phố phường rừng cây sông suối
thôn dã đền đài, bia mộ nghĩa trang
em tìm nơi cất giấu những linh hồn
 
Em đã trở về
trắng mây bạc tóc
giữa trời không chiêu gọi hồn người
hồn cỏ cây đất đá của ngàn xưa
bằng câu kinh miên man thiên cổ
ĐẶNG MAI LAN
(Tháng 10/2024)
 

Monday, October 28, 2024

THẾ CHÚ ĐÃ GẶP LẠI BỐ CHÁU CHƯA?

Đinh Trường Chinh
 
Nguyễn Xuân Hoàng. ĐTC
 
Chiều 13/9/2014, nhận tin nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ra đi. Tôi còn nhớ như in, ngày này đúng 6 năm trước. Tôi lấy viết chì vẽ vội chú Hoàng theo trí nhớ, mà ly nước lọc bên cạnh không biết thế nào đổ cả lên tờ giấy. Nguyễn Xuân Hoàng nằm xuống, hơn một năm trước cú ngã của Bố tôi.
 
Con người. Rồi có lúc phải nằm xuống. Con người / những hình nhân của Giacometti. Bước đi và bước đi hoài. một mình. Chung quanh đông người thì vẫn như một mình. Đi từ trên mây-nhìn xuống vực. Từ vực-nhìn lên mây. Chúng ta cùng ở lại. giữa "Bụi và Rác," như tên một cuốn truyện của NXH. NXH còn có một cuốn sách thật hay - "Người Đi Trên Mây." Phải chăng (bất hạnh thay), chúng ta đều là những người như thế!?.
 
Thật ra, tôi chạm vào cõi viết của NXH từ khoảng năm 16 tuổi, khi đọc được truyện ngắn "Một người ngồi trong ghế bành," trích từ tập "Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta" / nxb Sóng, Sàigòn, 1974, còn sót lại trong nhà sau 1975. Đó là một truyện ngắn tuyệt hay với một không khí mới mẻ, mang chút màu xám, chút hơi lạnh, và quá nhiều u uẩn cho một cậu bé mới lớn.
 
2014. Nguyễn Xuân Hoàng. gầy. xương. tóc cước. Một ngày. Tôi bỗng nghe ra tiếng thở của người chung quanh nhỏ dần. Nguyễn Xuân Hoàng. Bố. nằm xuống. nhanh quá. như một cú gạt tắt đèn. Đôi khi tôi vẫn muốn dợm gọi ai đó, mà số phone im bặc. "the party you dialed is unavailable ..." Trong cái phone cũ của tôi vẫn còn cái saved message của Bố cuối năm 2015. "con ghé về chiều nay, gõ cho Ba bài thơ."
 
Chiều nay căn phòng đen u. Tôi bật ngọn đèn đầu nằm đọc lại "Căn Nhà Ngói Đỏ," có hai cái tùy bút về Virginia. "Những Tháng Ngày Ở Virginia" và "Trở Lại Springfield." Virginia. Mùa đông lạnh. Nơi tôi đang đọc cuốn sách này. Nơi chú NXH đặt chân đến Mỹ những năm 80's. Tôi nhớ đến chú NXH, người tiếp con đường Mai Thảo làm chủ bút tờ VĂN. Nhớ những tờ báo biếu cô Vy gửi năm xưa. Chú cẩn thận nhắn: "nhận được Văn chưa đtc? để Chú hỏi lại cô Vy." Lúc ấy, tôi còn sự hồi hộp chờ xem thơ mình gửi có được chọn đăng. Cái cảm giác đã mất lâu lắm rồi...
 
Và tôi nhớ lại vài email chú gửi riêng, thường là "than vãn." Hình như chú NXH than cỡ... Bố tôi. "Khoẻ không dt ? Chú depressed, chán đời." Đó là lúc Chú Hoàng còn khoẻ. Thì ra chúng ta đều là những kẻ bán than sỉ quanh năm lỗ vốn, vì than bán cả ký cho mình xài chứ có ai mua nhỉ.
 
À, mà tự nhiên tối nay, tôi lại muốn gọi hỏi "người đi trên mây": "thế Chú đã gặp lại Bố cháu chưa?"
ĐTC
 
*Ngày giỗ nhà văn NXH
(Nguồn Fb Đinh Trường Chinh)

Friday, October 25, 2024

HUYẾT THI. LẬN ĐẬN

Hoàng Xuân Sơn
 
 
HUYẾT THI
 
[n h ớ n g u y ễ n l ư ơ n g v ỵ]

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ (1952 – 2021)
 
Thơ từ trong máu chạy
Qua mạch li ti. ngầm
Không một đường biểu diễn
Nên thơ là huyết âm
 
Bạn ta thơ bằn bặt
Những hột huyết mang mang*
Trong mối sầu vạn cổ
Nhân thân gượng bên đàng
 
Vành thiên lương tục lụy
Thơ như chiếc trăng hoài
Ốm o vàng thế sự
Thiêm thiếp một mùa mai
 
Khoác vai bờ chân cửu
Đường ta về cùng về**
Thơ đã là thổ nhưỡng
Nghìn năm một hẹn thề
11.Oct.24
 
*hột huyết, chữ Nguyễn Lương Vỵ
**Võ Chân Cửu , nhà thơ, bạn thiết của NLV: kẻ đi trước người về sau
 
 
LẬN ĐẬN
[ Tưởng niệm Phan Xuân Sinh ]

Nhà tho Phan Xuân Sinh (1948-2024)
 
Người rụng xuống như cành
Một cành cây khô gãy
Bơi ngược phía dòng xanh*
Mà lượng đời chưa thấy
 
Đổ nát một phương nhà*
Ai reo hoan đồng nội
Mơ hồ bóng thiên nga
Uẩn khúc nồng tay gối
 
Gửi một chút thịt xương
Vào chiến trường nghiệt ngã
Ở phía nào nguồn cơn
Cho ta về với lá
 
Một nắm đất miệt mài
Rưng rưng hồn con chữ
Bài thơ của ngày mai
Đắm chìm nơi thế hệ
 
Ra đi buổi trắng tay
Về nhà với tay trắng
Hẹn cùng chuyến vơi đầy
Rót nhau tình lận đận
 
)(
H O À N G X U Â N S Ơ N
22 Octobre, 2024.
 
*Bơi Trên Dòng Nước Ngược,
Đứng Dưới Trời Đổ Nát - tác phẩm của Phan Xuân Sinh

Monday, October 21, 2024

BUỒN TAY, LÀM THƠ CHƠI CHƠI

Vương Ngọc Minh
 
Poetry painting. Source Internet
 
một cuộc đời.
-rốt cùng
tôi vừa đóng thế vai
người khác, đóng
vai mùi-vừa làm hề
loại hề chuyên nhào lộn trên dây, cứ thế
ánh sáng/bóng tối
 
trở tới trới lui
đến chóng mặt
 
nhưng không sao
-nói gì nói
đóng thế vai mùi
thực không dễ
tôi phải lấy hình mẫu từ picasso
dẫu khập khiễng/nhưng cố diễn
thì chả đến nổi tệ
 
có thể
khi đấy
chả còn chút hơi/dù hơi tàn
tuy nhiên, nhờ nỗi bất an đơn độc nơi tâm hồn
nên tôi đóng (nhập vai)
 
khá đạt
 
(tự khoác vào vẻ đẹp khốc liệt
của cuộc sống
qua hình mẫu picasso, hoàn toàn tái ngược với con người tôi
diễn đến đâu
bắt mắt đến đấy!)
 
hiện
trong cái cùng tận
-kiếp tôi
bèo cứ giạt
huê cứ trôi..
 
muốn tỉnh (thức) mỗi ngày
đành đi dây
luồn lách trên tầng tầng kí ức, sâu vô trong bộ não
đã bị vắt kiệt
lúc nào cũng nóng ran
 
và hiện tại
như một cái nồi nén áp xuất
bốc hơi nghi ngút, thiệt khó đở
tôi làm xiếc!
..
VNM 

Saturday, October 12, 2024

CHIỀU.

Ý Nhi
 
Thu về trên phố. Tranh Lâm Đức Mạnh
 
   Chỉ định ghé vào tiệm sách mua mấy chiếc bao thư và một lọ hồ dán mà ông lại lang thang giữa các quầy sách gần 2 giờ đồng hồ để rồi cuối cùng, cầm trên tay cuốn  tiểu thuyết Đốn hạ của Thomas Bernhard, khi lướt qua quầy sách văn học, chợt nhớ đã đọc ở đâu đó bài viết giới thiệu tác giả và tác phẩm này.
   Vậy mà chiều rồi, ông nghĩ khi nhìn lên bầu trời đang sẫm lại với những vạt mây màu xám, như sắp sửa một cơn mưa.
   Vội vã rời bỏ những bậc cấp trước thềm tiệm sách, ông rẽ trái, đi ngược lên phía ngã tư, nơi có lối sang đường rồi khi đến con phố đối diện, ông lại đi ngược lên một đoạn để đến một ngã tư khác, hòa với dòng người qua đường, chạm chân lên con phố nhà mình. Nhưng, ông vừa đặt bước lên vỉa hè thì những giọt mưa đầu tiên táp vào mặt, rơi lộp bộp trên bìa cuốn Đốn hạ.
   Ngay trước mắt ông là một quán cà-phê và một Gallery, kề vách với nhau. Quán cà phê Cloud Coffee được viết theo kiểu fantasie rất điệu đà, màu xanh biển trên nền vàng. Gallery có một tấm biển lớn đặt xéo ngoài tiền sảnh với hai chữ Mảnh vỡ màu đen trên nền trắng.
   Dù sao, vào lúc chiều muộn, các bức tranh vẫn thích hợp hơn một ly cà-phê.   
   Ông vừa dứt ý nghĩ đã thấy mình đứng giữa một căn phòng có ánh sáng trắng đục với vài chục bức tranh treo kín ba mặt tường.
   Dù sao thì mình cũng ở trong tình thế hai chọn một dù sao thì hai từ Mảnh vỡ cũng có sức lôi cuốn hơn mấy chữ Cloud Coffee như đánh đố kia dù sao thì cũng chỉ là cách để tránh một cơn mưa, ông tự nhủ khi đứng trước bức tranh đầu tiên: một chiếc giày nhà binh nằm nghiêng trên vệ cỏ ven đường.Bức thứ 2 là một cây vĩ cầm không có archet đứng tựa vào bức tường màu xám, bức thứ 3 là một chiếc áo trong móc phơi, lơ lửng giữa khoảng không, bức thứ tư là một chiếc khăn quàng mỏng vắt trên cành cây trụi lá, bức thứ 5 là một con diều lớn màu đỏ nằm xoãi mình trên nền xi măng của một khoảng sân trống trải, bức tiếp theo là một cuốn sách mà tựa sách bị chìm đi trong mảng màu tối sẫm…
   Cứ như thế, vài chục bức tranh là vài chục vật phẩm đơn lẻ nằm, đứng, bay trên những không gian, những mặt phẳng đông cứng, lạnh lẽo.
    Thay vì các chú thích mềm mại, tạo cảm hứng cho người thưởng ngoạn thì chỉ là những chú thích tối giản, trơ trụi: giày, vĩ cầm, áo, khăn, diều, sách…
 
    Cảm thấy khô rát cổ, dấu hiệu của những lúc căng thẳng, ông bỏ dở việc xem tranh, lại ngồi bên chiếc bàn kê gần cửa ra vào.
    Trên mặt bàn có một cuốn sổ lớn, một cây bút Bic và mấy tấm thiệp mời.
   Ông mở cuốn sổ, lật vài ba trang. Chưa có dòng chữ nào. Ông cầm đọc thiệp mời, sửng sốt vì giờ này, ngày này chính là lúc khai mạc Mảnh vỡ.
   Một buổi khai mạc không có chủ nhà, không có khách, không có hoa…
   Gần như ngột thở, ông tất bật rời khỏi căn phòng.
   Tiếng kèn Saxophone vọng ra từ Cloud Coffee dường như muốn kéo ông ra khỏi một cơn mơ nhưng ông không sao nhớ ra tên người chơi kèn cũng như tên bản nhạc.
    Ông cắm cúi bước dưới hàng cây bằng lăng được trồng dọc theo con phố thi thoảng rơi xuống những giọt mưa còn đọng lại trên cành lá suýt chút nữa thì bỏ qua con hẻm rẽ vào nhà mình.
 
*
   Sau giấc ngủ chập chờn, ông thức dậy lúc 4 giờ, pha một ấm trà thật đậm rồi ra balcon ngồi nhìn con phố vẻ như còn ẩm ướt sau cơn mưa, phía xa, tháp chuông nhà thờ bật sáng chuẩn bị cho buổi lễ đầu ngày.
    Nhà thờ này nằm sát cạnh tiệm sách. Bất giác ông nghĩ, nhà ông, tiệm sách và gallery Mảnh vỡ, là 3 đỉnh của một tam giác cân, chiều dài mỗi cạnh, tính theo đường chim bay, sẽ vào khoảng chừng dăm bảy trăm mét, rồi lại nhớ ra, bản quyền của phát kiến “tam giác cân” này là của P.
   Hồi đó, trong một lần đi chơi 3 người, P. bảo, nhà tớ, nhà V. và nhà cậu là 3 đỉnh của một tam giác cân, chiều dài mỗi cạnh, nếu tính theo đường chim bay đâu chừng dăm trăm mét.
    Khoảng cách đó được tồn tại một thời gian dài, rồi dần dà co giãn, tùy theo độ đậm nhạt của các mối quan hệ, tùy theo tình cảm của họ với nhau. Lúc thì giữa ông và P. chỉ còn vài trăm mét, có khi còn gần hơn thế, khi thì giữa V. và P. đang lúc rút ngắn lại chợt dài thêm ra hàng ngàn mét…Chính vào lúc khoảng cách giữa ông và V. thu ngắn lại thành một điểm, P. biến mất. Hơn mươi năm sau là sự ra đi của V. Cái tam giác cân ấy đã bị xóa nhòa cùng với thân phận của mỗi người trong bọn họ.
Vào buổi sáng tinh mơ ở một nơi cách xa chốn cũ hàng ngàn cây số, cách xa những người bạn thuở xưa hàng mấy chục năm trời, ông lại nhớ đến câu chuyện về cái tam giác cân ấy để rồi bỗng nhiên nhận ra, họ, cả 3 người, không ai thốt lên tiếng kêu nào khi phải rời bỏ mối tình đầu đời.Những cuộc chia tay mới êm đềm làm sao. Ông bật cười rồi xuýt xoa vì lạnh.
   Trên tay ông, chén trà đã nguội từ khi nào.
   Khi quay vào nhà, định thay trà thì chân ông vấp phải một vật cứng trên sàn. Đó là cuốn Đốn hạ ông bỏ rơi xuống đất từ đêm qua, khi loay hoay mở cửa.
    Lúc cúi xuống nhặt cuốn sách, tự nhiên ông thấy tay mình run lên như vừa chạm vào một vật thể lạ.
    Mãi một lúc sau, khi đã bật sáng tất cả các ngọn đèn, khi đã nhìn rõ cuốn sách trên tay mình, ông mới bình tĩnh tự trấn an, ít nhất, nó sẽ kìm chân ông, giữ cho ông không vội vã vượt qua quãng đường ba bốn trăm mét của cái cạnh tam giác oái oăm này, để nhào đến phòng tranh ấy một lần nữa, hòng tìm ra dấu vết một… mảnh vỡ nào đó.
    Ông dự tính sẽ nhốt mình trong phòng để đọc sách nhưng mới đọc được dăm chục trang ông đã gấp sách đặt sang bên cạnh.
    Ông không thể chịu đựng nổi dòng độc thoại ào ạt xối xả lộn xộn, chồng chéo các sự kiện, các nhân vật, các mốc thời gian, không thể chịu đựng nổi giọng nói nghiệt ngã, bỉ báng của nhân vật đang ngồi trên chiếc ghế bành cạnh cửa ra vào tại một sa lông nọ nói về giới trí thức, giới nghệ sĩ thành Vienna, nước Áo.…
    Ông chợt nhớ đã đọc ở đâu đó một cuộc phỏng vấn Thomas Bernhard, người từng trả lời thẳng thừng, càng nhiều tuổi tôi càng cay nghiệt.
    Ông thấy ớn lạnh, rồi thiếp đi.
 
…Ông vẫn ngồi trên chiếc ghế đá đặt đưới gốc phượng già trong vườn hoa nhỏ cạnh nhà.
    Nằm lọt thỏm giữa những khối nhà bê tông, khu vườn tựa như một ốc đảo giữa sa mạc với cỏ cây hoa lá xanh tươi và một bồn nước được tạo hình như một đóa sen với những chiếc vòi phun xinh xắn, không ngừng phun lên những cột nước nhỏ, trong veo, lấp lánh ánh nắng trong chiều muộn. Ấy vậy mà, cái nơi chốn thanh bình ấy chỉ thu hút mấy ông già, mấy người khách vãng lai, dừng chân giây lát. Cư dân quanh vườn cứ mở mắt ra là phóng xe đi tận đẩu đâu, chiều tối về lại rúc vào những chiếc tổ bê tông của họ…
    Một ai đó im lặng ngồi xuống bên ông khi ông đang mải mê nhìn lũ chim sẻ kéo về tắm trong vũng nước đọng lại sau cơn mưa.
    Nghĩ là người hàng xóm, ông trách, sao ra muộn thế, mặt trời sắp lặn rồi. Người đó cười khẽ, tôi ở xa lắm. Ông giật mình quay sang, gần như ngay lập tức nhận ra Thomas Bernhard với khuôn mặt nhìn nghiêng trên bìa gấp cuốn Đốn hạ.
   Thấy ông im lặng, người kia cất lời, không sao. Không chỉ mình ông không chịu nổi tôi. Trước ông và có thể sau ông, ở nơi này và có thể nhiều nơi khác ,thâm chí, ngay ở đất nước tôi, nhiều người đã và sẽ không chịu nổi tôi.
    Lời phi lộ của Thomas Bernhard khiến ông cảm thấy thoải mái, chờ đợi một cuộc trò chuyện thú vị:
    - Vậy, hẳn ông biết rõ nguyên cớ của cái sự “không chịu nổi” ấy?
    - Biết chứ, (giọng ông ta gần như hào hứng), người ta bảo tôi cay nghiệt, đáo để, thậm chí ác độc.
    - Biết, sao ông vẫn chọn lối viết ấy.
    - (Ông ta bật cười), vì đó là tôi, là kẻ không chịu nổi sự giả dối, kẻ muốn lột bỏ những chiếc mặt nạ của thiên hạ.
    -Nhưng nó có vẻ tàn nhẫn sao đó.
    -Tôi viết bằng bút, không phải bằng súng.Trên trang giấy, là các con chữ, không phải những viên đạn. Nếu có người cảm thấy bị đụng chạm thì đó là vấn đề của anh ta hay vấn đề của đất nước ấy, nền văn hóa ấy. Hồi tôi xuất bản Đốn hạ, mới 4 ngày đã bị một tay nhạc sĩ khởi kiện và tác phẩm bị cấm phát hành một thời gian ngắn.
    -Vì sao ạ.
    -(cười). Anh ta nghĩ là tôi ám chỉ anh ta,bỉ báng anh ta qua nhân vật một nhạc sĩ. Ô hay! Sao thiên hạ cứ phải vơ vào mình vậy nhỉ.
    - Ông có làm thơ không
    -Lúc trẻ thôi. Có lẽ tôi không thích hợp với thơ. Đúng ra, đến một chặng nào đó, thơ không còn thích hợp với tôi.
    -Nghe nói nhân vật chính của ông thường ngồi trên một chiếc ghế cố định ở quán cà-phê, ở các sa lông của giới trí thức để “luận thiên hạ”. Vì sao lại có sự lựa chọn ấy?
    -Đơn giản thôi. Ngồi ở một vị thế như vậy dễ quan sát cái đám đông nhốn nháo ngoài kia mà không bị họ để ý. Ở đó, chẳng có gì, chẳng có ai lọt khỏi mắt mình.
    -Ông nghĩ sao về tiêu chí đánh giá một nhà văn kiệt xuất. Tôi đọc thấy các nhà phê bình gọi ông là người khổng lồ của văn học Đức ngữ?
    - Ôi, các nhà phê bình! Họ nói những gì họ muốn nói thôi.
      Phần mình, tôi nghĩ, nhà văn lớn là kẻ tuyệt đối đáng ghét (trong mắt người cùng thời) vì sự không thỏa hiệp, thích quậy phá, đào xới mọi sự yên ổn mà xã hội cố gắng duy trì, là kẻ gieo rắc nỗi bất an, gây thù chuốc oán. Sự hiểm độc, theo cách thiên hạ gán cho tôi, đó là một trong những nét quyến rũ của tôi.
    -Một sự quyến rũ chết người?
    -Phải, thuốc đắng dã tật. Đó là một thành ngữ của quê hương ông. À, mà ông là nhà văn hay nhà phê bình?
    -Không. Tôi chỉ là một người thích đọc sách thôi.
    -Xin lỗi, vì sao ông chọn tôi để đọc?
    -Thú thực, một phần cũng là “về hùa”với các nhà phê bình, theo cái cách mà đám trẻ gọi là “đu trend” ấy. Người thì kêu ông cay nghiệt, muốn phơi trần mọi thứ người lại bảo tác phẩm của ông mang chứa một nỗi buồn mênh mông, một sự tuyệt vọng, một lời cảnh báo…Nghe thật hấp dẫn, phải không ạ.
    -Cũng chớ nên tin quá vào các nhà phê bình.Có quá nhiều lý do để họ khen hay chê một ai đó, tâng bốc hay hạ bệ một ai đó. Có điều, người đọc nói chung nên tìm đến cái tầng sâu nhất của tác phẩm, cái mảnh vỡ dưới bề mặt tưởng như lành lặn của đời sống.
     Ông kêu thầm “mảnh vỡ” rồi bật dậy.
 
     Ông bạn già đang ngồi bên bàn nhìn ông cười cười: tôi mang bàn cờ ra vườn, định mời ông một ván. Đợi mãi chẳng thấy đâu, quay về đây, thấy cửa giả toang hoang, ông thì nằm chèo queo như một… con chó ốm, ông tiếp lời.
 
     Chiều hôm sau, thay vì ra vườn hoa, chơi một vài ván cờ cùng ông bạn già như đã hứa, ông cuốc bộ trên quãng đường dăm bảy trăm mét của con phố ken dày cây bằng lăng để đến gallery Mảnh vỡ.
     Định bụng sẽ bắt đầu xem lại tất cả nhưng khi ông bước vào đã có một người phụ nữ đang đứng trước những bức tranh đầu tiên.
     Ông đành phải đi xem ngược trở lại.
     Thoạt tiên là một cuộn khói rất mảnh bay lên từ nền ruộng trơ gốc rạ, tiếp theo là một gốc cây lớn bị cưa, phơi mặt gỗ với những đường vân xoáy tròn, rồi một chiếc lá vừa nhuốm vàng,vẫn còn lưu ánh xanh nằm hờ hững trên gờ tường, rồi một túp lều tranh sơ sài trên lưng chừng đồi, một người với chiếc bóng đổ dài trong một vũng sáng, một dòng chữ viết hoa : Times Is A River Without Banks màu nâu đỏ trên mảng xanh đậm tràn lấp khung hình…Và, vẫn chỉ là những chú thích giản đơn đến độ lạnh lẽo cho mỗi bức tranh: khói, gốc cây, lá, nhà, bóng, dòng chữ.
     Kỳ lạ, ông kêu thầm khi cơn khô rát cổ lại ập đến.
     Ông đành quay lui về chiếc bàn kê bên cửa ra vào.
     Trên bàn không còn tấm thiệp mời nào, cuốn sổ ghi cảm tưởng mở rộng với 2 trang trắng.Cây bút Bíc đặt ngay ngắn bên cạnh.
     Từ nơi này, ông nhìn thấy người phụ nữ đang lướt qua các bức tranh rồi dừng lại nơi bức tranh cuối cùng của dãy tranh bên tay trái căn phòng.
     Bà mặc một chiếc áo khoác đen khá dài, tóc búi gọn sau gáy, thoáng hiện một mẩu khăn choàng màu nâu hoặc màu mận chín, hai tay khoanh lại trước ngực.
     Ý nghĩ mình đang quan sát người khác từ phía sau khiến ông đỏ mặt vừa khi ông có cảm giác người phụ nữ thoáng quay nhìn lại.
     Bỗng dưng, ông muốn có thể nhìn thấy bức tranh mà người phụ nữ đã dừng lại nhìn ngắm hồi lâu.
Một cảm giác háo hức, thôi thúc đến độ ông đã toan đứng dậy.
     Thế nhưng, người phụ nữ vẫn đứng đấy, bất động như thể đã được “cố định” bằng một cách nào đó.
     Mình đã kịp dừng lại một hành động có thể gây nên tình cảnh lố bịch, ông nghĩ, khi lặng lẽ ngồi lại bên bàn, lơ đãng nhìn ra con phố đã bắt đầu nhốn nháo vì giờ tan tầm.
     Rồi, ông nhìn thấy, đúng hơn là cảm thấy, một bóng người vừa bước ra khỏi căn phòng biến mất vào dòng người trên phố để lại sau lưng một khoảng không trong màn sáng mờ đục.
     Ông chạy ào tới chỗ bức tranh.
     Đó là những hình tam giác cân lồng vào nhau, chồng chéo, đan dệt thành một khối hình rối rắm rất lạ mắt trên nền đen.
     Ông cúi xuống tìm đọc tựa đề: Tam giác cân hay Không đề- cái tên dài nhất trong phòng tranh Mảnh vỡ.
     Một cơn đau bất chợt dội thẳng vào ngực khiến ông phải tựa mình vào một vật nào đó phía sau lưng.
     Khi ông rời đi thành phố đã lên đèn.
 
     Phải 3 ngày sau ông mới quay lại.
     Chính nơi ông nhớ có một Gallery với cuộc triển lãm Mảnh vỡ giờ đây lại là một cửa hàng bán hoa có tấm biển lớn Gánh hàng hoa với những bó hoa, những lẵng hoa tươi tắn. Cô chủ thấp thoáng sau quầy với chiếc váy sặc sỡ, nhiều màu, tựa hồ một bó hoa di động.
     Không để ý đến vị khách đang đứng sững trước quầy, cô cầm chiếc bình phun nước màu vàng, phun những tia nước nhỏ lên mặt hoa, thi thoảng cúi xuống sửa lại một nhánh cây, một cánh hoa nào đó.
     Nếu không có tiếng kèn Saxophone vọng ra từ quán Cloud Coffee, hẳn ông đã không thể dời bước.
     Ông nghĩ, giờ đây, Cloud Coffee là bằng cớ duy nhất chứng minh sự tồn tại của Gallery Mảnh vỡ, hơn thế, sư tồn tại tri giác của chính ông.
     Không chút ngần ngại, ông bước vào quán.
    Quán không rộng nhưng khá sâu với những cụm bàn ghế cách xa nhau, đủ cho những cuộc trò chuyện riêng tây.
   Trong quán đã có khá đông khách, hầu hết là những người trẻ tuổi. Nhiều người đọc hay viết gì đó trên máy tính,vài cặp nam nữ đang rì rầm trò chuyện, xa hơn, trong góc sâu là một nhóm khá đông các chàng trai cô gái hình như đang thảo luận một điều gì đó khá nghiêm túc nhưng không lớn tiếng.
    Các nhân viên phục vụ mặc áo thun xanh lá cây, chạy đi chạy lại, khéo léo lách mình qua những khoảng cách nhỏ, với chiếc khay đầy ly tách trên tay.
    Hơi bối rối vì sự lạc lõng của mình, ông chọn chỗ ngồi gần cửa ra vào, gọi một ly cà phê đen ít đường, ít đá.
    Nhận ra vị khách mới, cô chủ quán tự mình mang cà phê cho ông với nụ cười nhã nhặn, cháu mời bác. 
    Không để ý đến cử chỉ của cô, ông vội vã nói như sợ lỡ mất một cơ hội, cháu ơi, cho bác hỏi.
    Nhưng rồi, đúng vào lúc cần nói lên câu hỏi của mình ông lại có cảm giác ngại ngùng, lo lắng, vừa như sợ mình sẽ trở thành một ông già gàn dở, lẩm cẩm trước cô gái vừa như đã dự cảm về một điều không được như ý sẽ xảy đến.
    Ông do dự một chút rồi chuyển sang một câu hỏi khác, à, bác thấy tên quán hơi lạ nên muốn hỏi cháu, vì sao lại là Cloud Coffee.
    Cô chủ quán cười khẽ, dạ, cũng không có chi, chúng cháu nghĩ mình bắt đầu việc kinh doanh vào lúc cả xã hội, nhất là các bạn trẻ đang sống trong bầu khí của công nghệ thông tin, Cloud trong tên quán muốn nhắc đến thuật ngữ khoa học “điện toán đám mây” vốn quen thuộc với mọi người thôi ạ.
   Thực ra, chúng cháu cũng phải tranh luận khá lâu mới thoát khỏi những cái tên theo lối cũ như chớm thu, nỗi nhớ, phút đợi chờ…cuối cùng mới chốt hạ cái tên hợp thời này bác ạ.
    Thấy cô định rời đi, ông lại vội vã cất lời, này cháu, cháu ơi.
    Nhận ra sự khẩn thiết trong tiếng gọi của ông, cô chững lại, với tay lấy chiếc ghế trống ở bàn bên cạnh rồi ngồi đối diện với ông, dạ, cháu có thể giúp gì cho bác. Hôm nay hơi vắng khách, cháu có chút thời gian.
    Ông khúc khắc ho, hồi lâu mới cất lời, chuyện thế này, cách nay vài ngày, bác có đến cái Gallery bên cạnh, nay không thấy nữa, họ dọn đi từ khi nào vậy.
    Cô gái mở tròn mắt nhìn ông, một cái Gallery ạ.
    Phải rồi, sát vách nhà cháu đây này.
    Cô kêu to, vài vị khách gần đó quay sang nhìn họ, không thể nào, không thể nào. Cháu mở quán này cùng lúc với quầy bán hoa bên cạnh, cũng hơn 2 năm rồi. Cô ấy là bạn cháu. Bọn cháu vẫn đùa với nhau, hy vọng khách mua hoa sẽ sang uống cà phê, khách uống cà phê sẽ ghé đến mua hoa.
    Ngừng một chút như chờ đợi phản ứng của ông, cô cười, mà cháu cũng chưa khi nào bước vào một cái Gallery đâu ạ.
    Nhìn thấy vẻ mặt sững sờ của ông, cô vội nói thêm, giọng như dỗ dành, bác ơi, Cloud Coffee có mấy chi nhánh nằm rải rác ở các quận trong thành phố. Hay bác nhầm nơi này với một quán Cloud Coffee khác, cái quán có phòng tranh bên cạnh ấy.
    Ông nhìn cô, rồi lặp lại câu nói của cô, không thể nào, không thể nào.
    Với giọng nói như bị bóp nghẹt, ông vừa lặp lại mấy từ không thể nào không thể nào vừa lập cập bước ra khỏi quán.
     Nén một tiếng thở dài, cô gái gọi với theo, bác ơi, bác đi cẩn thận ạ.
 
    Ông trở lại Cloud Coffee vào một buổi sáng, khi gần như cô chủ quán đã quên cuộc gặp lần trước, bác ghé để gửi tiền ly cà phê.
    Cô cười đáp lễ, có chi đâu ạ. Để cháu pha ly khác mời bác.
    Ông đưa tay ngăn lại, bác uống chè mạn quen rồi. Bác cũng đến để cảm ơn cháu nữa đấy.
Cháu ấy ạ, cô hỏi lại.
    Phải, là cháu, chính là nhờ được gặp cháu đấy. Bởi vậy, bác muốn cháu là người đầu tiên nghe bác.
    Ông bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những lời thì thầm, như chỉ nói với riêng mình, những va đập thức tỉnh, những va đập…
    Nhưng gần như ngay lập tức ông nhận ra vẻ căng thẳng của cô gái khi cô không ngừng xoay chiếc điện thoại của mình trên mặt bàn, xin lỗi cháu, cháu đừng lo, chẳng có chi quan trọng, chẳng có chi to tát đâu, chỉ là vài suy nghĩ chợt lọt vào cái đầu già nua này thôi, chỉ là, bác vừa hiểu ra cái điều tưởng là đơn giản này, tưởng là hiển nhiên này, hình như trong suốt cuộc đời, không hiểu vô tình hay hữu ý, ta đã tự mình xóa đi mọi dấu vết, nhằm tạo nên một bề mặt phẳng phiu, lành lặn, ta yên ổn sống với cái bề mặt ấy, ta chường ra trước thiên hạ cái bề mặt ấy, gọi đó là một cái mặt nạ ta tự đeo cho mình cũng chẳng ngoa đâu.
    Cô gái reo lên hào hứng, như Người Dơi, phim Batman phải không ạ.
    Ông quay sang nhìn cô nhưng câu hỏi ngây thơ của cô không làm đứt mạch suy nghĩ của ông, thế rồi, một buổi chiều nào đó trong vô vàn buổi chiều của đời mình, chẳng biết là rủi ro hay may mắn, ta đột nhiên nhận được một sự dẫn dắt, buộc ta hay gọi là cho phép ta cũng được, trong giây lát, nhìn thấu suốt vào cái tầng sâu kín từng bị khỏa lấp kia, để nhìn thấy…
    Ông chợt ngưng nói khi nhận ra vẻ bối rối trong ánh mắt của cô gái.
    Đặt nhẹ bàn tay gầy xanh của mình lên bàn tay mềm mại của cô, ông nói nhỏ, mà thôi, cháu đừng nghe bác. Bác cũng mới nghiệm ra điều này nữa, đừng bắt những người trẻ tuổi phải lắng nghe mình. Người ta không sống bằng kinh nghiệm của người khác, cháu ạ.
    Ông để tờ năm mươi ngàn xuống mặt bàn rồi rời quán.
 
*
    Cô chủ quán chạy vội theo, đặt vào túi ngực ông mảnh giấy nhỏ ghi đầy đủ địa chỉ các quán Cloud Coffee nằm rải rác tại những nơi khác trong thành phố.
Ý NHI
SG 9/2024.
 
 
 

Tuesday, October 8, 2024

NHỚ NHÀ THƠ BÙI GIÁNG

Đinh Trường Giang
 
Nh ngày nhà thơ Bùi Giáng đi xa (7 tháng 10 năm 1998)



         Bùi Giáng by Đinh Trường Giang

 

NHỮNG MỐI TÌNH TRONG ‘ĐƯỜNG VỀ THỦY PHỦ’

Phan Tấn Hải
 
Đường về Thủy Phủ. của Trịnh Y Thư
 
Hiếm có một tiểu thuyết như Đường về thủy phủ của Trịnh Y Thư. Không phải là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, nhưng lại làm người đọc phải bâng khuâng nghĩ về những chặng đường đã trải qua của dân tộc. Không phải là một tiểu thuyết diễm tình, nhưng lòng độc giả sẽ chùng xuống khi khép trang sách lại và ngậm ngùi cho những mối tình tan vỡ. Bạn có thể đọc xong, tuần sau đọc lại, vẫn còn thấy có những gì như cần đọc nữa. Chữ của Trịnh Y Thư như dường không cũ tí nào, vì nó luôn luôn gợi tới những gì sâu thẳm trong tim mỗi người, những ước mơ về một mối tình rất mực kỳ ngộ, rất mực dị thường.
    Tôi do dự khi nghĩ tới cách viết cảm nghĩ về tác phẩm này. Đã có vài người viết về Đường về thủy phủ. Như Bùi Vĩnh Phúc khi viết Tựa, như Nguyễn Thị Khánh Minh khi viết Bạt. Hay những cảm nghĩ sau khi đọc, từ Đỗ Anh Hoa, từ Nina Hòa Bình Lê. Làm sao tôi có thể chép những cảm xúc rối bời của mình xuống giấy, sau khi đọc tiểu thuyết của Trịnh Y Thư. Như dường rất là khó.
    Tôi đã đọc Trịnh Y Thư từ nhiều thập niên. Đọc cả trong văn chương, và đọc cả trong hành xử đời thường. Bản thân tôi thiệt sự là một nhà báo, quen nhìn đời qua đôi mắt của một nhà báo (cho dù đôi khi tôi làm thơ, hay viết truyện), nên rất mực thán phục những người có thể viết được văn học thật sự – cần ghi chú rằng tôi không muốn nói là những người viết ra chữ, chỉ muốn nói là những người viết ra được cái đẹp của ngôn ngữ, cái đẹp của dòng sống sinh động chung quanh mình. Nghề báo của tôi chỉ là mô tả sự kiện, thường là chuyện bất trắc, chuyện xui xẻo, mới thành tin (thí dụ, đụng xe, cháy nhà…) Trong khi đó, những nhà văn thực sự như Trịnh Y Thư luôn luôn biết cách chỉ ra cái đẹp của ngôn ngữ và cái đẹp trong đời sống bình thường, bất kể là khi không có chuyện đụng xe và cũng không có chuyện cháy nhà.
    Tôi đã từng nghĩ, rằng cái giá trị của văn học là khi nhà văn mô tả một cô gái không đẹp, dòng văn vẫn có một sức mạnh lôi cuốn, hấp dẫn. Bởi vì nhân vật nữ trong đa số (có thể không hẳn đa số, nhưng là rất nhiều) truyện đều là những người đẹp, có thể làm say đắm lòng người khi nhìn tới hay nghĩ về. Trường hợp một nhân vật nữ không đẹp, đã được Trịnh Y Thư mô tả bằng ngôn ngữ rất đẹp, mới là siêu xuất. Tôi muốn nói về nhân vật xưng tôi trong Đường về thủy phủ, khi còn là một cậu bé ở Hà Nội, đã cùng vài bạn nhỏ rình xem một chị trong làng tắm truồng, và hình ảnh thân thể của chị này in vào trí nhớ “tôi” suốt đời. Mà hình ảnh đó không thơ mộng, không gợi dục, chủ yếu chỉ nghịch ngợm. Tôi ưa thích cách sử dụng các tĩnh từ (mà bình thường thì tôi sợ tĩnh từ, vì nó làm rối đầu mình) của Trịnh Y Thư.
    Nơi trang 37-38, tác giả Trịnh Y Thư kể về những hình ảnh không thơ mộng trong đầu cậu một một lần theo các bạn ngó một chị trong làng tắm truồng, và khi chị này biết thì chị chạy “tất tả” vào nhà:
    “…Chỉ được cái nước da trắng lốp. Khuôn mặt cô bầu bĩnh, mắt lá răm, hai môi dầy, người thấp lùn, nhưng đôi mông thì to lắm. Điều này tôi biết chắc, bởi lúc ôm đống quần áo tất tả chạy vào nhà, cô quên rằng nguyên phía sau cô lõa lồ, không một tí vải che từ đầu đến chân, và trước khi tụt xuống gốc cây bàng tôi đủ thời gian dán mắt vào đôi mông ấy. Núng nính. Nủng nỉnh. Như hai túi bột ai túm lại rồi lắc lắc. Đôi mông vẫn theo tôi ám ảnh mãi đến tận cuối đời, bây giờ.”
    Tội nghiệp cô gái, khuôn mặt bầu bĩnh thì không đẹp, mắt lá răm cũng không đẹp, môi dầy dĩ nhiên là không đẹp, thấp lùn hiển nhiên là bất lợi, “đôi mông thì to lắm” dĩ nhiên là hình ảnh thường trực xuất hiện trong phim hài. Nhưng cậu bé nhân vật “tôi” đó thì “dán mắt vào đôi mông ấy. Núng nính. Nủng nỉnh. Như hai túi bột ai túm lại rồi lắc lắc. Đôi mông vẫn theo tôi ám ảnh mãi đến tận cuối đời, bây giờ.” Một thiếu nữ không đẹp, được mô tả bằng nhiều tĩnh từ bất lợi, vậy mà đôi mông đó đã ịn vào đầu cậu bé tới tận cuối đời. Cái hay của văn học là thế. Đọc xong đoạn văn đó, độc giả khó thể nào quên hình ảnh đôi mông như túi bột. Trời ạ, lại thêm hai chữ “núng nính” lặp đi lặp lại. Cái hay của ngôn ngữ là như thế, làm cho dòng nhữ như dường núng nính theo đôi mông trong truyện.
    Nhìn theo giá trị báo chí, kiểu văn trên chỉ là một dòng (hay hai dòng) rất khô khan. Thí dụ, tôi sẽ viết là, “Khi thiếu nữ tắm truồng, nhận ra mình đang bị bọn nhóc rình ngó, liền chạy vào nhà.” Cũng như khi kể chuyện đụng xe, thì nói là ai chết, ai bị thương, thế thôi. Tôi đã từng ưa thích văn phong kiểu Hemingway, ngắn gọn, tránh tĩnh từ, về chi tiết thì tối thiểu, chỉ nhằm cho độc giả tự nghĩ ra. Tuy nhiên đọc đoạn văn Trịnh Y Thư vừa dẫn, mới thấy ở chiều ngược lại, chính những trạng từ, những tĩnh từ mới làm cho trang giấy xao xuyến, và rồi đôi mông của thiếu nữ trong làng cứ “núng nính” mãi “hai túi bột” trong đầu cậu bé tới suốt đời.
    Tiểu thuyết này của Trịnh Y Thư dễ dàng bị “đấu tố”, bởi vì anh nhìn vào sự thật ở lòng người trong những dòng chảy lịch sử, và nói lên một số sự thật. Kiểu như lời quy chụp nhiều thập niên trước, đó là “tư tưởng tiểu tư sản” rất là ưa ngờ vực và ưa nói thẳng về những góc tối trong lòng người. Như khi mô tả về Toại, một chàng trai say mê chủ nghĩa Marx trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Trịnh Y Thư viết:
    “Càng nghĩ tôi càng thấy anh là người tài giỏi và có lý tưởng. Lúc đó tôi không hề biết con đường từ lý tưởng đến cuồng tín chỉ là một khoảng cách rất ngắn, ngắn lắm, chỉ vài milli-mét thôi, và chỉ cần một lực tác động nhẹ vài milli-gam là đủ cho một con người ôm ấp lý tưởng trở thành kẻ sát nhân, sẵn sàng chém giết đồng loại để thực hiện lý tưởng của mình.” (Đường về thủy phủ, trang 69).
    Nhận định đó vẫn đúng cho tới nhiều thập niên sau, như chúng ta đã thấy trong Huế những ngày Tết Mậu Thân 1968 và nhiều nơi khác trên quê nhà. Nhưng cần nói rõ rằng, tiểu thuyết này không can dự chi tới chính trị, không can dự chi tới cuộc nội chiến (dù là có nhiều trang kể chuyện thời kỳ sau năm 1975, chuyện về người đi cải tạo, về một phụ nữ với lòng tự trọng đã có lúc phải đi bán thân xác, hay chuyện một bác sĩ quân y Bắc quân về lại quê miền Bắc với phần thân thể “đàn ông” đã bị trúng đạn và không xài được nữa). Không, sách này là văn học, không có ý lý luận chính trị. Trịnh Y Thư chỉ muốn kể truyện, những gì anh nghe nơi này, nơi kia, những gì vui và buồn, và anh ghép lại thành một bức tranh toàn cảnh. Cuộc đời nó thế là thế, tác giả không muốn lèo lái cuộc đời phải thế này hay thế kia. Bởi vì, chính các nhân vật xưng “tôi” trong truyện, dù có khi là nam, có khi là nữ, có khi là cậu bé, có khi đã trưởng thành, có khi là cô nữ sinh viên gốc Việt tại Hoa Kỳ tự thấy mình chỉ là ảo và tự thấy như là nhân vật trong truyện của cuốn tiểu thuyết của vị giảng viên đại học…
    Cái đẹp của tiểu thuyết này là cái như ảo, như thật. Mọi chuyện như hiển lộ trong mơ, nơi đó tất cả chúng ta đã khóc rất nhiều, vì những khổ nạn của trần gian, và cũng hạnh phúc rất nhiều trong những bất ngờ thoáng qua của thời gian. Trịnh Y Thư trong Lời Ngỏ đã ghi rằng anh không hề có ý viết tiểu thuyết chiến tranh hay lịch sử, và cũng không đưa ra luận đề nào hết (dĩ nhiên, bạn đọc có thể thấy khác, cũng như một viên ngọc đa sắc, đừng bắt phải chỉ hiện lên một màu).
    Tất nhiên là có nhiều hư cấu. Nhân vật xưng “tôi” khi còn thiếu niên, trên đường chạy lên Yên Bái để vào vùng chiến khu Việt Minh, khi vào quán phở Thăng Long ở thị trấn Vân Đình, đã gặp các văn nghệ sĩ, như họa sĩ Tạ Tỵ, nhà thơ Đinh Hùng, các nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy…  Tất nhiên là vui, khi nghe các đỉnh núi văn học nói chuyện xưng mày tao với nhau.
    Một điều có thể thấy rằng Đường về thủy phủ (ba tập in thành một cuốn) là một tiểu thuyết chỉ ra được cái lãng mạn trong đời sống thường ngày. Như hình ảnh chàng nhà văn không mưu sinh nổi bằng nghề văn, nên phải sống bằng nghề dạy học. Hay cô nữ sinh viên tự nhận cô là nhân vật nữ bước ra từ tiểu thuyết của chàng. Nơi đó, có những đoạn văn ghi chuyện làm việc cực nhọc của nghề nông, mà không thấy cái nặng nhọc, ghi chuyện đứng giã gạo (lẽ ra là mệt kinh khủng) vậy mà nhân vật xưng tôi lại nhận ra “thân thể nhựa sống căng tràn” của cô thôn nữ đứng bên, và “các cô thôn nữ này toát ra một mùi vị lạ lùng” (tôi kinh hoàng thắc mắc, mùi là ngửi bằng mũi, còn vị là nếm bằng lưỡi, không rõ tác giả Trịnh Y Thư muốn nói là nếm chỗ nào). Mà lại lưu mãi trong ký ức nhân vật xưng tôi suốt đời.
    Trịnh Y Thư viết rất thơ mộng trần gian về ngôi làng kháng chiến đó như sau: “Tôi thích giã gạo vì vừa vận động cơ thể vừa được dịp tán chuyện gẫu với một cô thôn nữ thân thể nhựa sống căng tràn và tiếng cười giòn giã, đứng sát vào nhau nhịp nhàng nện chiếc chày bằng thanh gỗ to tướng treo trên xà ngang giã thình thịch xuống cái cối đá đường kính cả thước chôn dưới đất. Thân thể các cô thôn nữ này toát ra một mùi vị lạ lùng, khó diễn tả bằng lời. Nó  ngai ngái như mùi hoa dại, mà nồng ấm ngọt ngào chứ không chua.  Cái mùi ấy quyện lấy tôi trong lúc giã gạo và lưu lại mãi trong khứu giác tôi.” (trang 88-89).
    Nhân vật xưng tôi khi 19 tuổi làm dân quân du kích, chưa được dự trận đánh nào với quân Pháp. Nhưng chàng có niềm vui riêng: mối tình với cô gái H’Mông tên là Xụ Phụn Phèn (trời ạ, tên khó nhớ quá, viết lại dễ sai chính tả). Nàng mới 15 tuổi. Chính trong thời kỳ tham gia kháng chiến và trong khi lòng chàng thơ mộng dịu dàng với hình ảnh của nàng Xụ Phụn Phèn, nhân vật xưng tôi nhìn thấy những hình ảnh hãi hùng của cuộc kháng chiến. Như khi kể về đơn vị quyết tử của Việt Minh có nhiệm vụ ôm bom ba càng chạy vào cho nổ xe tăng hay lô cốt quân Pháp, và họ cũng nổ tan xác theo, để mở đường cho đơn vị khác đánh đồn. Trong đêm trước khi họ hy sinh, khuôn mặt họ lạnh lẽo, bất kể là văn nghệ sân khấu tưng bừng tới đâu. Nhưng đêm đó, trước khi hy sinh, lính cảm tử được một ưu đãi cuối đời.
    Trịnh Y Thư viết, rất buồn: “Mãi khuya mọi người mới lục tục đứng dậy ra khỏi ngôi nhà, chui vào lán đi ngủ. Tôi thấy một nhóm phụ nữ ăn mặc như dân quân đến nắm tay các anh cảm tử quân. Mỗi chị nắm tay một anh. Từng cặp, họ chui vào những gian buồng quây bằng nan trông như bồ lúa sát vách sau ngôi nhà. Và tôi hiểu.” (Trang 101).
    Nhân vật xưng tôi, tên là Minh, cũng là tên khai sanh của tác giả Trịnh Y Thư, có vẻ như may mắn trong tình trường. Bởi vì, như dường các cô tới với anh ở vị trí chủ động trước.
    Như mối tình với cô H’Mông 15 tuổi, thì: “Cô hẹn tôi ở một nơi khác, mãi tận khúc suối trên nguồn cách xa cả cây số, vắng vẻ…” (Trang 107).
    Xin đọc kỹ, “cô hẹn tôi” chứ không phải “tôi hẹn cô” và nơi ấy thì “Tại đây có một cái lán xiêu vẹo  bỏ  không, tôi sửa sang, dọn dẹp thành căn lều lý tưởng cho hai chúng tôi yêu nhau.” (Trang 107).
    Than ôi, “yêu” là những cảm xúc trong lòng người, nhưng nơi đây tác giả lại biến thành một chuyển động của thân xác. Chữ Việt hay không ngờ.
    Tác giả mô tả kỹ lưỡng hơn, cũng là nàng chủ động, nàng nhìn chàng âu yếm rồi nàng cởi áo, rồi, “Cô cảm động nhìn tôi âu yếm rồi cởi áo, cầm tay tôi đặt lên ngực mình. Vú cô bé lắm, chỉ nhỉnh hơn quả cau một chút, nhưng đầu vú to, màu hồng. Tôi thích nghịch vú cô. Cô biết thế. Tôi đưa môi hôn cô, tay mân mê đầu vú xinh xắn, ngọt ngào.” (Trang 107).
    Cuối cùng, cô Xụ Phụn Phèn chết, trong khi cô có thai vài tháng với nhân vật xưng tôi. Cô và cả bản làng của cô, có lẽ cả trăm người, bị ông Lê Lân, Tiểu đoàn trưởng Việt Minh, xử bắn toàn bộ vì người dân H’Mông cũng hiếu khách với cả lính Pháp, cho nên bị nghi là giúp đỡ người Pháp.
    Đoạn cuối của Phần I, viết như một cuộc nói chuyện trong mơ của nàng Xụ Phụn Phèn với đứa con trong bụng, nơi đó, cô hứa với đứa con là sẽ đưa con về thủy phủ để gặp bố: “Đúng vậy, con ạ. Họ cùng về thủy phủ với mình, nơi không còn bom đạn hay hận thù, nơi mẹ con mình sẽ gặp bố, bố sẽ yêu thương bảo bọc mẹ con mình. Thôi con nhé, con hãy ngủ đi, khi nào mặt trời mọc là mình đến nơi.”
    Truyện rất là buồn. Tới Phần II, những nỗi buồn cũng rất đậm trong bối cảnh khác. Phần II còn gọi là “Dưới những gốc nho biển”.
    Một điều dễ nhận trong văn của Trịnh Y Thư là chất thơ mộng. Và truyện tình. Luôn luôn là phải có một mối tình giữa chàng và nàng trong một ngang trái nào đó. Chúng ta không nên hiểu chữ ngang trái như kiểu truyền thống. Thí dụ, một kiểu truyền thống là chàng và nàng yêu nhau, thế rồi có người thứ ba xen vào. Hay một hình thức ngang trái khác: tôn giáo dị biệt, hay gia đình một phía ngăn cản. Trong truyện của Trịnh Y Thư không có kiểu ngang trái truyền thống như thế.
    Trong mối tình đầu, là nhân vật tên Minh, xưng tôi trong truyện, yêu say đắm với cô gái 15 tuổi H’Mông. Chàng là dân quân Việt Minh. Nhưng một tiểu đoàn trưởng Việt Minh ra lệnh xử tử toàn bộ ngôi làng H’Mông của nàng. Thế là nàng chết trong khi còn mang thai mấy tháng. Và trong một đoạn kết viết kiểu như một giấc mơ, tác giả kể lời nàng nói chuyện với em bé chưa sinh trong bụng.
    Một mối tình cũng dị thường, cũng khó gọi là mối tình một cách bình thường. Bối cảnh ban đầu là miệt Khánh Hội, quận Tư ở Sài Gòn. Nhân vật nữ không được ghi rõ tên, trong truyện chỉ ghi là “cô” – có chồng đi học tập cải tạo, và đã chết trong trại. Cô phải nuôi một đứa con gái. Cô làm tiếp viên cho một quán cà phê vườn. Và đôi khi, cô bán thân. Một hôm, ông anh chồng của cô vượt biên, và dắt theo đứa con gái của cô. Lúc đó, cô không có mặt ở nhà, nên không cản được. Và như thế, cô trở thành một phụ nữ độc thân.
    Nhân vật nam trong mối tình này là một Bác sĩ quân y cũa Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, tức là bên thắng cuộc. Tác giả không cho nhân vật này tên, chỉ ghi là “gã” – một đại danh từ ngôi thứ ba, dùng cho nam giới, hẳn là để phù hợp với “cô” dùng cho nhân vật nữ. Vị bác sĩ quân y này say mê cô. Liên tục tới quán cà phê suốt ba tháng, và rồi một hôm gã ấp úng nói với cô, xin gặp riêng cô. Cô không trả lời, lúc bưng tách cà phê ra, cô để trên khay một mảnh giấy nhỏ, ghi địa chỉ và nơi hẹn. Đó là một căn nhà tồi tàn trong một hẻm quận Tư.
    Câu chuyện bắt đầu dị thường hơn. Cô bảo gã tắt đèn, hẳn là vì cô sẽ mắc cỡ khi trần truồng. Gã nói đừng tắt đèn, và gã ngăn cản khi cô cởi khuy áo. Gã không nằm, chỉ ngồi ngắm cô. Câu chuyện như dường không thể có thực trên đời này.
    Tác giả Trịnh Y Thư viết:
    Thấy gã, cô nằm xuống nhường chỗ ngoài mép giường cho gã. Gã lại ngồi lên giường bên cạnh cô. Gã phải ngồi gượng nhẹ lắm vì tiếng cót két  của  chiếc  giường  cũ  ọp ẹp  cứ  kêu lên liên hồi. Gã rút trong túi  ra  một xấp giấy bạc còn thơm mùi tiền mới nhét dưới gối cô nằm. Cô bảo gã:
    “Anh đi tắt đèn.”
    “Không, tôi thích để đèn.” Giọng gã từ tốn, êm nhu.
    Cô đưa tay lên lần cởi khuy áo nhưng gã giơ tay cản lại. Cô nhìn gã ra vẻ thắc mắc, gã bảo cô:
    “Cô cứ để nguyên quần áo. Tôi chỉ ngồi đây ngắm cô thôi.” (Trang 158-159).
    Độc giả có thể tự hỏi rằng, gã ngắm những gì nơi cô, trong khi cô vẫn mặc áo quần? Ngắm xem vải màu xanh hay trắng, bạc màu chưa, hay ngắm những đường cong được áo quần che kín đáo? Nếu gã là họa sĩ, hẳn là muốn ngắm cô khỏa thân?  Không, đây là một nỗi buồn, chuyện rất buồn của quê nhà.
    Nhà văn Trịnh Y Thư kể chuyện gã ngắm cô một cách say đắm:
    “Gã ngồi ngang đùi cô, từ vị trí đó, gã có thể ngắm mặt cô rồi đến bộ ngực vun tròn, và xuống dần hạ thể nơi cặp đùi đàn bà săn chắc hiện rõ dưới lớp vải mỏng của chiếc quần tây màu đen. Gã ngồi nhìn cô như thế cả nửa giờ đồng hồ, hai người không nói gì với nhau. Cô nhắm mắt lại, lim dim, như tránh cặp mắt u buồn của gã. Cái nhìn của gã không phải để tìm kiếm hưng phấn nhục cảm. Nó chẳng biểu hiện tí gì lòng say đắm ngây dại của người đàn ông bình thường trước thân thể một người nữ đang nằm chờ đợi mình đi vào. Nhưng nói nó vô cảm phẳng lì cũng không đúng. Nó xa vắng buồn bã đến lạ lùng như có điều gì u uẩn chất chứa nhiều năm tháng trong tâm tư. Cô phải công nhận gã có đôi mắt đẹp, hiếm thấy ở một người đàn ông. Đen sâu, long lanh như hai hạt nhãn. Da mặt gã trắng xanh như tất cả các anh bộ đội mới ở trong rừng ra, nhưng đó là khuôn mặt của một người hiểu biết và nhạy cảm.” (Trang 159).
    Hiểu biết và nhạy cảm… đó là những chữ để khen ngợi một Bác sĩ quân y bộ đội. Mối tình giữa gã và cô còn kéo dài, và cô theo gã về làm dâu xứ Bắc. Truyện càng lúc càng buồn. Chỗ này, độc giả có thể tìm đọc thêm qua những dòng chữ cực kỳ thơ mộng của Trịnh Y Thư.
    Mối tình thứ ba trong tiểu thuyết này cũng rất mực dị thường. Những dòng chữ khởi đầu cho Phần III của tiểu thuyết không dễ gặp trong đời thường, của một nhân vật nữ xưng tôi. Cô tự xem cô là nhân vật trong tác phẩm tiểu thuyết của gã nhà văn, và vì là nhân vật nên nàng cũng có cảm xúc riêng, và nàng nói rằng nàng căm thù chàng nhà văn đã sáng tạo ra cô:
    “Tôi thù gã nhà văn khôn tả. Tôi thù gã đến độ tôi muốn giết chết gã. Tôi ao ước có một mũi dao nhọn sắc lẻm cho tôi ấn sâu vào ngực gã với động tác êm nhẹ, từ tốn để trái tim gã khi bị mũi dao đâm thủng vẫn không hay biết đang bị đâm mà tiếp tục hân hoan đập những nhịp đập hối hả như thể sợ ngày mai không còn được đập.” (Trang 217).
    Câu chuyện này là của nàng xưng tôi với người nam được gọi là “gã nhà văn.” Cô tự giới thiệu rằng cô là nhân vật nữ trong truyện của gã nhà văn trong cơ duyên nào đó, đã được bước ra đời thường như một thiếu nữ bình thường. Cô say đắm với gã nhà văn, người đang dạy ở một trường đại học, nhưng cô cũng sa ngã với một gã sinh viên trong trường đại học này.
    Trịnh Y Thư kể về mối tình như hư ảo này: “Cuộc sống tôi trở nên phẳng lặng một cách nhàm chán, mỗi tối gã vẫn dắt tôi vào ăn tại các nhà hàng sang trọng có bồi bàn thắt nơ đen đứng hầu, nhưng khi về phòng gã lăn ra ngủ bỏ mặc tôi lên cơn thèm khát. Tôi là sản phẩm của gã nhưng một khi gã ném tôi ra ngoài này, tôi có cuộc sống của riêng tôi và tôi nổi loạn. Điều đó không có gì là bất thường và mỗi tuần hai ngày, khi gã có lớp dạy chiều, tôi mò lên phòng tên sinh viên làm tình với hắn. Tên sinh viên tôi gặp tại quán cà phê trước cổng trường đại học.” (Trang 230).
    Tới nhiều trang sau, nhân vật xưng tôi là gã nhà văn, chàng kể về cô gái: “Tôi chú ý cô gái ngay hôm khai giảng lớp học. Cô ngồi bàn đầu, cô gái Á Đông duy nhất trong lớp học. Lớp này tôi phụ trách dạy gần mười năm nay từ khi về nhận làm giảng viên nơi đây, một trường đại học nhỏ nằm ngoài rìa một thị trấn mặc dù có tên trên bản đồ nhưng nói ra chẳng ai biết. Khu đại học tiếp giáp với cánh rừng phong bạt ngàn. Tôi ghét nghề dạy học nhưng nó giúp tôi có tiền sinh sống trong lúc cặm cụi viết sách, chờ ngày một nhà xuất bản nào đó chịu xuất bản tác phẩm của mình.”(Trang 237).
    Và rồi nhiều trang sau, gã nhà văn kể rằng, một hôm cô gái tự nhận là nhân vật nữ trong tiểu thuyết của gã nhà văn. Trịnh Y Thư viết: “Không hiểu bởi nguyên cớ gì cô tự nhận cô là nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết của tôi. Tôi có hai cuốn tiểu thuyết đã xuất bản, một cuốn tôi viết từ khi còn là sinh viên, cuốn kia ra mắt ba năm sau đó có một chút tiếng vang, nhưng ba tập bản thảo thì không nhà xuất bản nào chịu in. Thú thật tôi chẳng bao giờ có can đảm đọc lại những gì mình viết. Hai cuốn đã xuất bản, tôi bán đứt tác quyền cho nhà xuất bản và kiếm được món tiền kha khá, nhưng bọn phê bình đã viết những lời lẽ cay độc chê bai cả hai cuốn và kết quả sách tôi bán ra cho công chúng chẳng được bao nhiêu.” (Trang 242).
    Câu chuyện còn nhiều chuyển biến dị thường nữa. Nhưng việc đó, xin để cho các bạn đọc tiếp. Văn của Trịnh Y Thư thực sự là một thế giới rất mực siêu thực, như dường không có trong đời này. Nổi bật trong tiểu thuyết Đường về thủy phủ là ba mối tình chúng ta sẽ rất hiếm gặp trong cõi này. Các nhân vật đều rất thơ mộng trong cõi riêng của mỗi người. Chỉ cần gặp một người như thế trong đời này là đủ để chết trọn một kiếp rồi.
    Nhân vật nữ người H’Mông 15 tuổi rất mực ngây thơ, yêu chàng người Kinh 19 tuổi đang tham dự cuộc chiến chống Pháp trong cương vị dân quân du kích. Thế rồi nàng và cả bản làng bị ông Tiểu đoàn trưởng Việt Minh xử tử toàn bộ vì nghi bản làng giúp đỡ người Pháp.
    Rồi tới nhân vật nữ trong giới trí thức miền Nam, có chồng chết trong trại tù cải tạo, có đứa con gái duy nhất được ông anh chồng vượt biên dắt theo. Cô gặp một bác sĩ quân y Bắc kỳ 75. Chàng say mê nàng, theo đuổi nàng, rồi rụt rè xin gặp riêng nàng để tặng tiền, chỉ để ngắm thân thể nàng trong tư thế nằm, với đầy đủ áo quần.
    Rồi tới nhân vật nữ tự nhìn thấy cô như bước ra từ tiểu thuyết của một nhà văn đang mưu sinh bằng nghề dạy học ở một đại học rất nhỏ ở Hoa Kỳ, vì nhà văn này không thể sống bằng viết sách được. Mối tình giữa cô sinh viên và chàng nhà văn, cũng là giảng viên, bị trở ngại vì trường cấm ngặt chuyện giảng viên giao du tình cảm với sinh viên. Mà nàng cũng đâu có hiền gì, vẫn dan díu với những chàng sinh viên khác.
    Truyện của Trịnh Y Thư thơ mộng là thế, đau đớn là thế. Cũng y hệt như cõi đời bất toàn này. Khi chúng ta buông ngòi bút xuống, rời bàn giấy, là các nhân vật trong truyện trở thành các hóa thân rực rỡ trong đời thường. Khi chúng ta khép lại trang giấy, và ngẩng đầu lên, chung quanh chúng ta bật sáng lên các nhân vật nữ của cõi mộng ngàn năm thi ca. Có phải rằng trong thâm sâu mỗi nhà văn vẫn luôn luôn là một chàng Tú Uyên, vẫn đang chờ đợi một nàng Giáng Kiều bước ra từ một bức tranh cổ họa để cùng bước bên nhau trong cõi đời bất trắc này? Và có phải Trịnh Y Thư chính là người đã hình tượng hóa những giấc mơ sâu thẳm đó bằng các mối tình trong Đường về thủy phủ?
PHAN TẤN HẢI