Tuesday, December 17, 2024

VỀ THÔI

Huỳnh Liễu Ngạn
 
Hoa mơ
 
về thôi kẻo guột trăng đèo
bãi khuya cồn lấp gió nghèo truông xa
non cao thở khói mây nhòa
lòng sông rộng trải phồn hoa chưa vàng
 
đầu cây em chở mùa sang
che anh chút nắng chiều hoang dại cành
bên đời thả một vòng xanh
cho tay anh mộng đồi tranh hé rào
 
nghiêng đầu em rộn ràng trao
vai anh đã trỉu cành chao đụng ngàn
bóng ngày chưa trở màu sang
chìa tay em hái quan san giú lòng
 
mốt mai nẻo ngược đường cong
con sông và bến đò đông vẫn chờ
anh đi tìm giọt trăng mờ
gởi em bên cội hoa mơ nghìn trùng.
HLN
15.11.2024

 

  

Monday, December 16, 2024

NHÀ THƠ ROHINGYA. CHẠY NGHÌN DẶM RA KHỎI XỨ PHẬT

Phan Tấn Hải
 
Hình ảnh dân Rohingya chạy loạn năm 2017 (Youtube)
 
Nói như thế là hơi cường điệu, nhằm nêu lên điểm bi hài. Không phải chạy ra khỏi xứ Phật, nhưng là chạy trốn khỏi bạo lực của chính phủ quân phiệt Miến Điện, khi sắc dân thiểu số Rohingya năm 2017 bị tấn công, đốt làng, xua ra khỏi biên giới vì chính phủ Miến Điện gọi họ là người Hồi giáo Bangladesh. Cũng không xa tới ngàn dặm, chỉ 600 dặm là Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đã dựng lều trại cho tạm cư hàng trăm ngàn người Rohingya chạy vào Bangladesh.
 
Câu chuyện tỵ nạn này vẫn còn kéo dài cho tới năm nay, 2024. Mới mấy tuần trước, trong tháng 10/2024, hàng trăm người Rohingya đã đi thuyền vượt biển tới phía Bắc Indonesia, hy vọng tới Malaysia. Trong đó, nhiều người đã thoát nạn diệt chủng ở Miến Điện và thoát điều kiện sống gian nan trong các trại tỵ nạn ở Bangladesh. Nhiều người lên ghe còn có ý muốn đoàn tụ với gia đình đã định cư ở Malaysia,
 
Trong những người Rohingya chạy thoát hồi năm 2017, có một chàng trai sau này trở thành một nhà thơ nổi tiếng: Mayyu Ali. Tuy rằng chính quyền quân phiệt Myanmar xem sắc tộc thiểu số Rohingya cần bị đàn áp và trục xuất, phần lớn giới văn nghệ sĩ Miến Điện vẫn xem Rohingya như người trong nhà, bất kể tôn giáo dị biệt, vì các sắc dân này sống bên nhau đã nhiều thế kỷ.
 
Nhà thơ Mayyu Ali (Photo: Facebook)

Trên báo GlobalPost, ấn bản ngày 1 tháng 10/2019, ghi lại chuyện những đêm đọc thơ bí mật ở thành phố Yangon, nơi một số nhà thơ Miến Điện muốn làm cầu nối giữa các nhà thơ Rohingya (đã lưu vong năm 2017) và các nhà thơ Miến Điện còn ở Yangon, thành phố lớn nhất Miến Điện. Lúc đó, nhà thơ Mayyu Ali đang ở xa 600 dặm, trong trại tỵ nạn Cox’s Bazar, ở Bangladesh. Đêm đọc thơ đó là tháng 6/2019, một nhóm nhỏ cư dân Myanmar đã tụ tập quanh màn hình máy chiếu trong một căn hộ gác xép ở trung tâm thành phố Yangon, để nghe nhà thơ và người tị nạn Rohingya, Mayyu Ali, đọc thơ qua cuộc gọi video. Đó là bài thơ rất buồn, nhan đề “That’s Me, a Rohingya” (Đó là tôi, một người Rohingya), với những dòng chữ như tâm sự kể cho những người bạn Miến Điện:
 
"Ngay cả khi tôi sống ở đất nước nơi tôi sinh ra
Tôi không thể gọi đó là của tôi như bạn gọi.
Không có bản sắc,
Y như một người nhập cư,
Ngay cả khi tôi hít thở không khí của bầu trời
Tôi không phải là người như bạn."
Đó là buổi đọc thơ đầu tiên trong ba buổi diễn ra vào mùa hè và vào mùa thu 2019 tại Yangon, các sự kiện đã tạo không gian cho cộng đồng người Rohingya và Myanmar chia sẻ và trao đổi ý tưởng trong một xã hội vốn đã bị phân cực sâu sắc: Gần hai năm trước, quân đội Myanmar đã tiến hành một chiến dịch tàn bạo chống lại người Rohingya ở Myanmar, đẩy hơn 740.000 người Hồi giáo thiểu số bị đàn áp sang nước láng giềng Bangladesh. Một quan chức Liên hợp quốc cho biết những người ở lại Myanmar phải sống trong các khu ổ chuột đô thị.
 
Chiến dịch đàn áp đó là cao điểm của những căng thẳng xã hội và chính trị sâu sắc đã tồn tại trong nhiều thập niên ở Myanmar, nơi quốc gia chủ yếu theo đạo Phật này từ lâu đã từ chối quyền công dân của người Rohingya cùng với quyền giáo dục, chăm sóc sức khỏe, quyền tự do đi lại và các quyền con người khác. Ngay cả chữ “Rohingya” cũng là điều cấm kỵ ở Myanmar, nơi người dân gọi người Rohingya một cách miệt thị là "người Bengal", ám chỉ tình trạng nhập cư của họ từ Bangladesh.
 
Các buổi đọc thơ đã mang đến một tia hy vọng nhỏ nhoi vào thời điểm người Rohingya ở Bangladesh sống trong tình trạng bất ổn liên tục. Vào ngày 9 tháng 9/2019, Ủy ban quản lý viễn thông Bangladesh đã “chỉ đạo tất cả các nhà khai thác viễn thông đóng cửa các dịch vụ 3G và 4G trong các trại, theo Tổ chức quan sát nhân quyền, tổ chức này cũng cho biết dịch vụ tốc độ cao đã bị đóng cửa kể từ ngày 10 tháng 9. Khoảng 600.000 người Rohingya vẫn ở lại Myanmar vẫn tiếp tục sống trong cảnh giam giữ cưỡng bức tại các khu ổ chuột trong tiểu bang Rakhine, không được tiếp cận với viện trợ, viễn thông hoặc các dịch vụ cơ bản.
 
Một người tổ chức các buổi đọc thơ bí mật đó là Maung Saungkha, nhà thơ và cư dân Miến Điện, người từng bị tù 6 tháng hồi cuối năm 2015 vì viết một bài thơ nhan đề “Image” (Hình ảnh) trong đó có một dòng chửi mắng chính phủ quân phiệt. Nhà thơ Maung Saungkha giải thích với phóng viên báo GlobalPost: “Nếu bạn sống ở một quốc gia khác bên ngoài Myanmar, bạn có thể dễ dàng đứng lên bảo vệ người Rohingya. Nhưng ngay cả đối với [những người Myanmar chúng tôi ở đây], điều đó rất khó khăn và nguy hiểm.” Maung Saungkha là nhà hoạt động cho tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, cũng tự biết giới hạn.
 
Trong một bài viết trên CNN vào tháng 4/2018, nhà thơ Mayyu Ali ghi lại vài ký ức.
 
Vào nửa đêm ngày 25 tháng 8/2017, tôi bị đánh thức bởi tiếng súng dữ dội. Tôi không biết tiếng súng phát ra từ đâu hoặc chuyện gì đang xảy ra. Tôi đang nằm trên giường ở thị trấn Maungdaw, tiểu bang Rakhine của Myanmar. Tiếng súng tiếp tục nổ suốt đêm và đến sáng. Sau đó, thị trấn trở nên im lặng. Cả ngày trống rỗng ngoại trừ tiếng súng nổ xa xa. Không có ai ở bên ngoài. Tiếng trẻ con chơi đùa đã biến mất.
 
Lều trại dựng ở Indonesia cho dân tỵ nạn Rohingya ở tạm. (Youtube)
 
Nhưng chẳng mấy chốc, sự im lặng đã được thay thế bằng tiếng ầm ầm của xe an ninh tiến vào. Tôi thấy quân đội tiến vào và chiếm giữ các vị trí ở mọi ngóc ngách của thị trấn. Sau đó, tôi nghe thấy tiếng súng nổ từ nhiều hướng. Tôi có thể nhìn thấy khói và lửa từ các ngôi làng lân cận khi chúng bị đốt cháy. Sau đó, chúng tôi phát hiện ra rằng nhiều người đã bị thiêu sống trong nhà của họ.
 
Tiếp theo, quân đội nổ súng vào chính ngôi làng của tôi và đốt cháy nó. Họ đốt cháy ngôi nhà của tôi thành tro bụi. Bố mẹ tôi và tôi đã may mắn trốn thoát. Chúng tôi quyết định phải chạy trốn qua biên giới sang Bangladesh. Tôi tự hỏi, liệu bạn có bao giờ tưởng tượng được một người Rohingya trẻ như tôi, người lớn lên trong bóng tối của cuộc diệt chủng kéo dài hàng thập niên, sẽ như thế nào không.
 
Tôi sinh ra tại thị trấn Maungdaw vào năm 1991. Cuộc sống của tôi bắt đầu tan vỡ vào năm đầu tiên khi giấy khai sinh của tôi bị tịch thu trong một chiến dịch bán quân sự chống lại người Rohingya. Đây là thời điểm cuộc sống của tôi lần đầu tiên gắn liền với cuộc diệt chủng chống lại người dân của tôi.
 
Khi lớn lên, tôi đã chứng kiến​​một thế giới mà mọi quyền con người đều bị từ chối. Tôi đã biết rằng chúng tôi bị thiệt thòi và phân biệt đối xử về mặt tôn giáo, xã hội và chính trị chỉ vì chúng tôi là chính mình. Mặc dù vậy, tôi đã cố gắng để được học tại một trường do chính phủ điều hành ở một vùng nông thôn. Năm 2008, tôi đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp trung học, kỳ thi vào đại học.
 
Khi cha mẹ tôi già đi, tôi quyết tâm giúp đỡ họ và tin rằng sự chăm chỉ của mình sẽ giúp tôi thành công trong sự nghiệp và học vấn. Tôi nộp đơn xin làm giáo viên tiểu học, nhưng bị từ chối vì tôi sinh ra trong gia đình có cha mẹ là người Rohingya. Sau đó, tôi nhận ra mình không đủ điều kiện để làm bất kỳ công việc hoặc dịch vụ nào của chính phủ tại Myanmar.
 
Năm 2011, tôi tham gia chương trình giáo dục từ xa tại Đại học Sittwe và chuyên ngành tiếng Anh, nhưng vào năm 2012, các cuộc bạo loạn chống người Hồi giáo đã lan rộng khắp tiểu bang Rakhine. Hàng chục nghìn người Rohingya đã phải di dời và nhiều người đã chết, nhưng cho đến ngày nay vẫn chưa rõ có bao nhiêu người. Khi những kẻ bạo loạn tấn công người Rohingya, cảnh sát đã theo dõi và trong nhiều trường hợp đã tiếp tay.
 
Sau đó, người Rohingya bị cấm theo học tại Đại học Sittwe và tôi phải bỏ học. Khi đó tôi 21 tuổi. Tôi vô cùng tuyệt vọng và đầy giận dữ. Chúng tôi sống trong nỗi sợ hãi cái chết, bị từ chối mọi cơ hội có được một cuộc sống bình thường.
 
Những năm sau đó thật khó khăn đối với người Rohingya. Trong suốt cuộc đời mình, quyền tự do đi lại của chúng tôi đã bị hạn chế, nhưng điều này thậm chí còn tồi tệ hơn sau các cuộc bạo loạn. Nhiều người trong chúng tôi không thể đến bệnh viện khi chúng tôi bị bệnh hoặc đến chợ khi chúng tôi cần thức ăn.
 
Việc giết người Rohingya của lực lượng tự vệ diễn ra thường xuyên. Thường thì công nhân Rohingya mất tích, được cho là đã bị giết. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Phật giáo rao giảng chống lại chúng tôi, nói rằng chúng tôi là những kẻ xâm lược nước ngoài đang tìm cách gây hại cho đất nước. Người dân Myanmar ngày càng căm ghét chúng tôi mà không hề biết chúng tôi.
 
Và rồi vào ngày 25 tháng 8, nhà tôi đã bị lực lượng an ninh đốt cháy. Tôi trở thành người vô gia cư trên chính quê hương của mình. Hiện tôi là một trong số hơn 670.000 người Rohingya sống sót đã trốn sang Bangladesh kể từ tháng 8, ám ảnh bởi những câu chuyện về hiếp dâm tập thể, giết người hàng loạt và các cuộc tấn công đốt phá đã thúc đẩy cuộc di cư nhanh nhất thế giới kể từ cuộc diệt chủng ở Rwanda năm 1994.
 
Và tôi đã trở thành người tị nạn trong trại tị nạn tạm thời lớn nhất thế giới, nơi tôi dành cả cuộc đời để cố gắng sinh tồn, dựa vào viện trợ. Thế giới mà tôi từng biết đã biến mất. Những người tôi yêu thương đã phải di dời, mất tích hoặc đã chết.
 
Trong suốt cuộc đời mình, chúng tôi đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho thế giới về hoàn cảnh khốn khổ của mình. Chúng tôi đã cầu xin sự giúp đỡ. Quá thường xuyên, chúng tôi chỉ nhận được những lời nói suông.
 
Năm ngoái, quân đội Myanmar đã giết hơn 6.700 người Rohingya, theo Medicin San Frontieres. Tôi tự hỏi còn bao nhiêu người trong số chúng tôi phải chết nữa để mạng sống của chúng tôi cuối cùng cũng đáng được cứu.
 
Sau nhiều thập niên đàn áp người Rohingya, những nỗ lực của thế giới vẫn chưa đủ. Khi đối mặt với cái chết, chúng tôi thấy mình đơn độc. Chúng tôi vô cùng cần thêm sự giúp đỡ.
 
Một bài viết trên France 24 vào ngày 9/2022 kể tiếp câu chuyện trên CNN. Bài viết nhan đề: “‘When I write, I exist and so does my community,’ says Rohingya poet Mayyu Ali” (Khi tôi viết, tôi tồn tại và cộng đồng của tôi cũng vậy,’ theo nhà thơ người Rohingya Mayyu Ali ghi nhận.)
 
"Trái đất quay quanh hai thế giới khác nhau; địa ngục và thiên đường. Tôi rời bỏ một thế giới, để khám phá thế giới còn lại." Một năm trước, vào tháng 9/2021, Mayyu Ali đã viết những lời này khi anh bước qua cánh cửa căn hộ mới của mình ở Ontario, Canada, cùng vợ và con gái nhỏ. Đó là sự kết thúc của một thử thách dài đối với nhà thơ Rohingya 31 tuổi (sinh năm 1991, bản tin viết lúc đó là 2022), người đã trải qua bốn năm trong trại tị nạn lớn nhất thế giới, Cox's Bazar ở Bangladesh.
 
Anh sẽ đến trường đại học để học văn học chuyên ngành vào ngày 6 tháng 9/2022, đúng năm năm kể từ ngày anh rời Myanmar - giống như 700.000 người Rohingya khác - để chạy trốn sự đàn áp của quân đội. Từ khi còn là thiếu niên, anh đã mơ ước trở thành người phát ngôn cho cộng đồng của mình và kể câu chuyện của cộng đồng. Anh đã xuất bản hàng chục bài thơ và gần đây hơn là một cuốn tự truyện bằng tiếng Pháp, "L'Effacement" (Éditions Grasset), mà anh đồng sáng tác với nhà báo Émilie Lopes. "Sự phân biệt đối xử, trốn chạy, bạo lực... Tôi đã chứng kiến​​và trải qua mọi thứ. Nhiệm vụ của tôi là phải nói với thế giới về điều đó", Ali nói với France 24 từ Canada.
 
Ali sinh năm 1991 tại Maungdaw, Arakan, một vùng của Miến Điện trên Ấn Độ Dương. Là con trai của một ngư dân và là con út trong gia đình có sáu người con, anh nhớ lại "một tuổi thơ vui vẻ" khi tắm sông và chơi với những người bạn theo đạo Phật và đạo Hindu.
 
"Nhưng niềm vui nhanh chóng chuyển thành nỗi sợ hãi", anh nói. Kể từ luật công dân năm 1982, người Rohingya, phần lớn là người Hồi giáo, đã trở thành người không quốc tịch, vì Myanmar coi họ là những người di cư bất hợp pháp từ Bangladesh. Tình trạng này khiến họ trở thành mục tiêu của quân đội và những kẻ cực đoan theo đạo Phật. "Một ngày nọ, khi tôi khoảng 10 tuổi, quân đội đã đột kích vào nhà của tất cả người Rohingya trong khu phố của tôi. Bao gồm cả nhà tôi", anh nói. "Họ cầm súng trên tay, thật kinh hoàng. Đó là lúc tôi nhận ra: khi tôi biết rằng họ không đến nhà những người bạn theo đạo Phật hoặc đạo Hindu của tôi, tôi nhận ra rằng chúng tôi đang bị phân biệt đối xử".
 
Trong những năm sau đó, danh sách những bất công mà gia đình và bạn bè anh phải đối mặt dường như vô tận. "Anh trai tôi bị đánh đập rồi bị tống vào tù vì bị cáo buộc không nộp thuế nhà, đất của ông tôi bị tịch thu. Những người xung quanh tôi bị ngăn cản làm việc mà không có lý do", anh nói.
 
Năm 2010, Ali bị cấm học tiếng Anh tại trường đại học vì lý do chủng tộc. Được giáo viên tiếng Anh trung học giới thiệu về thơ ca, anh đã phát triển niềm đam mê với Shakespeare và tác giả người Ấn Độ Rabindranath Tagore. Chàng thiếu niên, người đã viết một cách bí mật và vì sở thích, do đó bắt đầu nghiêm túc hơn với việc viết lách.
 
"Lúc đầu, tôi viết nhiều về thiên nhiên, tình bạn, gia đình...", anh giải thích, ngay lập tức mỉm cười khi nhắc đến nghề nghiệp của mình. "Và rồi, từng chút một, tôi hiểu rằng viết lách có thể là một hành động nổi loạn. Tôi là người Rohingya. Đối với chính phủ Miến Điện, tôi không tồn tại. Tôi là một con người không có quốc tịch, không có quyền. Nhưng khi tôi viết, tôi tồn tại và cộng đồng của tôi cũng vậy."
 
Vào thời điểm mà nạn ngược đãi người Rohingya gia tăng ở Arakan vào năm 2012, chàng trai trẻ này đã chấp nhận thử thách xuất bản các văn bản của mình, được anh viết bằng tiếng Anh và tiếng Miến Điện. Vài tháng sau, một trong những bài thơ của anh đã xuất hiện trên một tạp chí văn học Miến Điện nói tiếng Anh. "Tôi đã trải nghiệm nó như một sự tái sinh. Đột nhiên, tôi trở thành một người được công nhận với một cái tên."
 
Các bìa sách của Mayyu Ali trên Amazon.
 
"Năm đó là một bước ngoặt", anh giải thích. "Người Rohingya luôn bị phân biệt đối xử, nhưng giờ đây mục tiêu của chính quyền là khiến chúng tôi biến mất", anh nói. Anh nhớ lại những cuộc bạo loạn dữ dội, những vụ hỏa hoạn chết người, những ngôi làng đầu tiên bị phá hủy và những người đầu tiên chạy trốn sang nước láng giềng Bangladesh. Anh quyết định ở lại và tham gia vào các hiệp hội, đặc biệt là Action Against Hunger, để giúp đỡ người dân địa phương.
 
Mọi thứ đã thay đổi vào tối ngày 25 tháng 8 năm 2017. "Lúc đó tôi đang sống ở Maungdaw, cách nhà bố mẹ tôi hai giờ đi xe buýt. Tôi đang ngủ thì mẹ gọi điện cho tôi", anh kể. "Mẹ khóc trên điện thoại, giải thích với tôi rằng quân đội đã đốt làng. Mọi thứ đã bị phá hủy". Trong những ngày sau đó, anh chứng kiến ​​những gì anh mô tả là "thanh trừng sắc tộc". "Khói mù mịt khắp nơi, đạn bay tứ tung, tiếng la hét vang lên, phụ nữ bị hãm hiếp", anh kể, giọng đầy cảm xúc.
 
Giống như 700.000 người Rohingya khác, Ali và gia đình anh đành phải chạy trốn sang nước láng giềng Bangladesh. Họ phải băng qua một con sông và đi bộ trong ba ngày. "Chúng tôi phải bơi giữa những xác chết trên con sông mà tôi từng chơi khi còn nhỏ", anh nhớ lại. Cho đến tận ngày nay, cứ đến ngày 25 tháng 8, người Rohingya vẫn tưởng nhớ những ngày bạo lực đó.
 
Là một người tị nạn tại Cox's Bazar, Ali vẫn tiếp tục viết. Nhưng những câu thơ của anh bắt đầu mang một chiều hướng khác, vì anh cũng muốn ghi nhớ mọi thứ mình nhìn thấy. Thông qua công việc của mình với các tổ chức nhân đạo và các nhà báo, những người mà anh hướng dẫn qua các nơi trú ẩn tạm thời, anh đã thu thập được hàng trăm lời khai. "Tôi đã viết mọi thứ vào sổ tay. Các bé gái bị hãm hiếp, giết người, tham nhũng, đói khát, điều kiện vệ sinh tồi tệ", ông nói. "Và tôi hy vọng rằng một ngày nào đó nó sẽ phục vụ cho công lý".
 
Vì những hành động này, các lực lượng dân quân vũ trang đồn trú trong trại đã đe dọa sẽ giết anh. "Tôi đã phải ẩn náu trong nhiều tháng", ông nói. "Nhưng cũng nhờ điều này mà tôi có thể rời khỏi Bangladesh. Các hiệp hội đã huy động để cung cấp cho tôi một lối thoát".
 
Giữ gìn văn hóa Rohingya bằng mọi giá. Mặc dù Ali đã có thể đến Canada cách đây một năm, anh vẫn luôn nhớ đến Cox’s Bazar mỗi khi nói chuyện với người thân. "Bố mẹ và anh chị em tôi vẫn ở đó", anh nói. "Họ nói với tôi rằng tình hình ngày càng tệ hơn qua từng tháng. Ngày càng bất ổn hơn. Mỗi khi thời tiết xấu, các nơi trú ẩn lại bị phá hủy. Bệnh tật đang gia tăng", anh nói.
 
Theo Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), các trường hợp mắc bệnh kiết lỵ đã tăng 50% so với năm 2019 tại các trại tị nạn và các bệnh nhiễm trùng da, chẳng hạn như ghẻ, đang bùng phát. Người Rohingya cũng lo ngại về sự gia tăng tội phạm, vì khoảng 100 vụ giết người đã xảy ra trong năm năm, theo số liệu của AFP. Một số nạn nhân bao gồm các nhà lãnh đạo cộng đồng, những người có thể là mục tiêu trả thù của phiến quân. Những người trẻ tuổi, không có triển vọng cho tương lai, không được phép rời khỏi trại tị nạn hoặc đi làm. Để giải tỏa các trại tị nạn, chính quyền Bangladesh đã chuyển khoảng 30.000 người tị nạn đến Bhashan Char, một hòn đảo ngoài khơi Vịnh Bengal.
 
Nhà văn trẻ vẫn rất muốn giúp đỡ. Khi không vận động cộng đồng quốc tế công nhận "cuộc diệt chủng" của người dân mình, anh đang nỗ lực hết mình để cung cấp quyền tiếp cận giáo dục cho trẻ em ở Cox's Bazar, một số em được sinh ra bên trong các trại tị nạn tạm thời. "Một số trẻ em đã ở đó trong năm năm, trong thời gian đó, chúng đã bị tước mất quyền được giáo dục. Tôi không muốn thế hệ này trở thành thế hệ hy sinh", anh nói. Anh đã xoay xở để thành lập hai trường học, với sự giúp đỡ của các hiệp hội địa phương, nơi học sinh học chương trình giảng dạy của Miến Điện. "Nếu một ngày nào đó, bằng một phép màu nào đó, chúng trở về Miến Điện [Myanmar], chúng sẽ có thể quay lại trường học", Ali nói.
 
"Khi chúng ta nói về vụ thảm sát người Rohingya, chúng ta nghĩ đến sự ngược đãi và bạo lực về thể xác. Nhưng văn hóa và ngôn ngữ của chúng ta cũng đang bị tấn công", anh nói. "Khi là người tị nạn, chúng ta mất đi gốc rễ văn hóa của mình. Chúng ta phải đấu tranh chống lại điều đó. Nếu văn hóa của chúng ta tồn tại, thì dân tộc của chúng ta cũng vậy."
 
Ali tiếp tục dành phần thời gian còn lại cho niềm đam mê của mình – lấp đầy các trang giấy. "Tôi muốn tiếp tục viết, được xuất bản ở nhiều quốc gia, tiếp tục đấu tranh cho dân tộc mình và khuyến khích cộng đồng quốc tế hành động", anh nói. Vào tháng 3 năm 2022, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên công nhận "cuộc diệt chủng" do quân đội Miến Điện gây ra đối với người Rohingya. Nhà thơ kết luận: "Một dân tộc, sau nhiều thập niên, vì là một nhóm thiểu số Hồi giáo, vẫn còn dưới lưỡi kiếm và đạn. Vẫn còn trong sự áp bức thù địch, vẫn còn bị hãm hiếp và giam cầm. Vẫn còn trong lửa và sợ hãi. Ôi! Thật là bạo lực!"
 
Sau đây là bài thơ của Mayyu Ali, nhan đề “Họ là những kẻ sát nhân tử tế” (They’re Kind Killers), viết dựa trên lời khai của một nạn nhân Rohingya sống sót. Đây là một bài thơ dành tặng cho tất cả những người Rohingya sống sót sau cuộc diệt chủng.
 
HỌ LÀ NHỮNG KẺ SÁT NHÂN TỬ TẾ
 
Một dòng máu tuôn ra
Từ nơi chồng và con trai tôi bị giết.
Tôi đã chứng kiến
Con tôi bị giật khỏi tay tôi,
Bị ném vào đống lửa trước mắt tôi.
Nó thậm chí còn không thể khóc hết bài ca,
Bị đốt cháy thành nhiên liệu trong một phút.
Ít nhất thì tôi không phải nhìn thấy xác chết như những người khác,
Tôi cũng không phải chôn cất chúng.
Họ là những kẻ sát nhân tử tế.
Những kẻ giết người thích thú với cuộc săn đuổi.
Một kẻ đòi tiền và vàng,
Tôi đã cho đi mọi thứ tôi có, kể cả đôi bông tai của tôi
Và họ đã cưỡng hiếp tôi. hết người này đến người khác.
Kẻ cuối cùng nói:
Tôi sẽ không dùng dương vật của mình với cô
Thay vào đó, hắn đã dùng dao.
Họ thiêu sống tôi và bỏ mặc tôi cho đến chết.
Tôi thấy mình im lặng và chảy máu.
Thế giới quá can trường để chứng kiến ​​chúng tôi bị giết.
(Dựa trên lời khai của một nạn nhân Rohingya sống sót sau vụ hiếp dâm trong vụ thảm sát Tula Toli do quân đội Myanmar thực hiện trong chiến dịch giải tỏa khu vực vào tháng 8 năm 2017)
 
Sau đây là bài thơ “Một Kẻ Tỵ Nạn Rohingya” (A Rohingya Refugee) của Mayyu Ali.
 
MỘT NGƯỜI TỊ NẠN ROHINGYA
 
Tôi có thể bị giết ở đây tại Bangladesh.
Xác tôi có thể được tổ chức tang lễ tử tế.
Gửi tôi trở lại Myanmar là hành động ấu trĩ,
Thậm chí không có sự bảo đảm về một đám tang ở đó!
.
Khơi dậy ý định tự tử ở trại Cox’s Bazaar
Trong khi các chị em gái tôi bị buôn người và các anh trai tôi bị bắt cóc.
Mọi người tị nạn đều muốn trở về nhà,
Tại sao tôi phải chối bỏ bản thân mình?
.
Mặc dù bộ phim trong tâm dài nhất,
Tôi vẫn kêu gọi công lý.
Những gì tôi muốn là được sống lại trong chính ngôi nhà của mình,
Một cuộc sống an toàn, để hưởng các quyền của mình.
.
Thế giới mà tôi từng biết đã biến mất,
Người dân của tôi đã bị giết và phải di dời.
Đây là lần thứ tư tôi chạy trốn khỏi Bangladesh,
Đời tôi chỉ để ra sức sống sót.
.
Tôi luôn tự hỏi mình trong quá trình hồi hương:
“Liệu đây có phải là lần cuối cùng không?”
“Liệu tôi có đủ may mắn để trốn thoát một lần nữa không?”
Lần này thì khác. Trái tim tôi đang hỏi tôi.

Thơ của Mayyu Ali buồn là như thế. Có một thực tế là thế giới đã quá mệt mỏi với những cuộc chiến sắc tộc và dòng người tỵ nạn vẫn cứ như dường bất tận. Mới trong tháng 10/2024, vẫn có thêm ghe thuyền nhân Rohingya tấp vào biển Indonesia. Các cơ quan Liên Hiệp Quốc không thuyết phục cho hòa bình được ai, dù là ở Myanmar, Bangladesh, Gaza hay Ukraine. Bao giờ những ngọn lửa căm thù trên thế giới sẽ bị dập tắt bởi những dòng thơ của yêu thương?
PTH
 
 

Tuesday, December 10, 2024

DẠ KHÚC MỘC LAN

nguyễnxuânthiệp

Moonllght serenade
 
Trong khu vườn gitanjali
chiều xuống
những bông siêu ly đỏ
vẫn thức. chờ người
sinh nhật
của hạnh. và thơ
lặng nghe
bản dạ khúc mộc lan
về
trên môi ấm
NXT
10.12.2024

Monday, December 9, 2024

BÁO CHÍ VIỆT NAM CŨ.

Tố Nghi
Bào Sài Gòn xưa
 
Đây là chiệng nhựt báo bán tại những sạp ở lề đường thời VNCH trước.
Sạp lúc nào cũng ở ngay sát vệ đường, để giờ tan làm, khách có thể dừng xe mua báo dễ dàng.
Y chang xe hủ tiếu của các chú, sạp báo nhỏ hìu, là một quầy trống thiếu vách, một cái hộp gỗ 6 mặt vuông trên có mái che. Mái dựa trên 4 cột nhỏ ở 4 góc sạp.
Mặt trên hộp tức mặt sạp báo là chỗ bày báo, rộng ngót ngét cỡ thước vuông rưỡi là cùng. Mặt này mở lên được vì có bản lề. Lòng sạp dưới nó là cái hộp, có khóa để khóa lợi. Mái che hẳn để tránh mưa nắng, nhưng vì thiếu vách, nên khi cần ông bà chủ sạp trải lên trên đống báo bày ấy mội tấm bạt nylon trong (...trẻo) đặng có thể thò tay vô rút đúng tờ nhựt báo cho khách hàng.
Lúc dẹp tiệm thì đám báo dư được chủ sạp bỏ hết vô "hộp sạp" khóa lợi trước khi ra dìa. Đám báo dư nọ sẽ hoàn trả cho toà soạn, rồi thanh toán tiền nong trên số báo đã bán ra.
 
Nhà tui trên đường Lê văn Duyệt khu Hoà hưng. Sạp báo nằm ngay trước tiệm giặt ủi Quang Trung, gần ngã ba giao thoa với hẻm Hoàng đạo. Sạp nằm sát lề lòng đường đối diện với nhà, và sát bên cột đèn đường
 - Cột điện ấy là chỗ thỉnh thoảng đám nít trai lối xóm chung quanh lui tới giấc tối, trong đó có một thị mẹt duy nhứt, đứa lận lưng dàn ná và đám sỏi sạn, rồi cùng nhắm bóng đèn đường mà thi đua xạ tiễn -
Chủ sạp báo là 1 cặp bắc kỳ trẻ, vui vẻ lễ phép, cần cù chí thú làm ăn. Ngoài nhựt báo, họ không bán thứ nào khác nữa.
 
Vì các tờ báo chỉ xuất bản vào giấc xế chiều, nên rồi đâu khoảng 2 giờ thì ông bà chủ ra sạp trống mần màn quét dọn, móc giây thép vô đám đinh đóng sẵn quanh 4 góc cột, để khi cần có chỗ sẵn treo báo lên. Đâu đó lối 2 giờ rưỡi hay 3 giờ thì báo mới về tới. Báo được cột thành từng bó từng chồng cốt dễ dàng chuyển vận. Lâu quá tui hổng nhớ rõ, đám báo nớ được người bỏ mối từ hãng in mang tới, hay chính ông chủ sạp tới hãng khiêng về nữa lận. Rồi hai ông bà chủ mới cởi giây, gấp đôi từng trang báo lợi, xong lồng các trang ấy vào nhau theo thứ tự số trang, xong bưng bày xếp lớp trên mặt sạp, chuẩn bị... mậu dịch bán buôn.
 
Báo bán lẻ do bà phụ trách. Phần ông thì đi giao báo tận nhà, ông bỏ các tờ báo vô cái túi đeo sau lưng, tới thẳng nhà khách hàng mua báo tháng, nghĩa là trả trước, để giao báo. Thỉnh thoảng cũng có những khách hàng quen, mua báo lẻ đòi giao ở nhà - hổng rõ báo lẻ giao tận nhà giá có nhỉnh hơn không - Tía đặt báo giao theo lối tháng này. Ông chủ tới tận cửa nhà, nhét tờ báo cho lọt thẳng qua ngạch cửa.
Hai ông bà bán báo giao báo vậy, đâu lối 8 giờ tối thì đóng cửa sạp, bởi sau giờ này khách hàng hầu như không còn nữa, vì giờ tan làm hoàn toàn đã qua.
 
*
 
Hồi nhựt báo khởi sự đăng truyện dịch võ hiệp kỳ tình Kim Dung, tức truyện chưởng, thì thì thinh không các nhựt báo tăng số bán. Thế là sửa soạn tới hổng kịp. Mỗi bữa, tui từ đường bên này ngóng qua bên kia chờ báo về tới. Vừa thấy đống báo cái là tót liền sang, đứng chờ chủ sạp gấp xếp trao tận tay, rồi tót về đưa cho anh tư và chị năm đọc, bởi cả hai nóng lòng tới hổng thể chờ nổi báo giao tới nhà nữa. Tui còn nhỏ nên chưa biết đọc kiếm hiệp lúc này.
Khi nớ đèn sách đã học trước với má cả rồi, nên rảnh rang lêu lỏng theo đám con trai phá làng phá xóm (và bắn ná).
Hồi ở không hưỡn quá, tui bèn lần mò sang luôn bển phụ chủ sạp gấp báo xếp báo và đưa báo tới tận tay đám khách hàng đậu xe vô mua báo lẻ. Lần hồi 1 chập, chừng sạp bớt khách thì thợ phụ được quyền rút báo trên sạp đọc cầm hơi, chỉ đọc tên tờ báo, những tựa lớn ngay trang nhứt có kèm hình ảnh phụ đề. Đọc vì tò mò, chớ còn hiểu thì thường khi hổng hiểu rốt ráo.
 
Rồi... teng teng teng tèng... dẫn tới phong trào thuê báo
Thuê báo là mướn báo bữa đó đọc, qua bữa sau sẽ trả lợi để thuê tờ báo của ngày sau.
Thuê báo có hai điều lợi: hổng tốn tiền như mua báo, và hổng phải giữ lợi tờ báo cũ chi cho chật nhà.
Thuê báo như vậy, lợi cho người đọc báo và cho cả chủ sạp báo, nhưng lỗ lã cho chủ nhơn tờ nhựt trình, đứa con cưng thinh không biến thành gái thanh lâu. Báo làm ra, tiếng là đông bạn đọc nhưng tiền lại hổng vô. Khổ quá xá khổ!
 
Hổng rõ... chiệng thuê báo khởi sự từ khi nào, và do ai khởi xướng nữa cà.
Chỉ nhớ một bữa... thinh không ông chủ sạp ghé qua hỏi, vậy chớ tía có muốn đổi chương trình, từ mua báo tháng sang thuê báo tháng hay không? Ông nói: đọc xong tờ báo giữ lợi, qua bữa sau lúc giao tờ báo mới, ông sẽ lấy lợi tờ cũ rồi trả về cho toà soạn. Thảo nào... ông chủ vác túi báo tháng đi giao, chừng về báo vẫn đầy túi hổng suy suyển. Dĩ nhiên má hào hứng việc thuê báo - thì dzậy nên đờn bà mới... hổng cao hơn ngọn cỏ - nhưng tía và anh hai cực lực lắc, biểu ai cũng làm vậy rồi toà soạn trị sự sống làm sao?
 
Rồi làm chi với đống báo cũ nọ hử, cả báo thuê lẫn báo dư bữa trước giữ trong hộp sạp?
Thưa... bà chủ mang kéo cắt phần trên trang bìa trước, chỗ có tên tờ báo và ngày tháng xuất bản, bỏ vô bìa thư to đùng sau khi đếm số lượng, làm bằng chứng trong thanh toán tiền nong với hãng phát hành, đám giấy báo còn lại thàng rác, được trút vô cái thùng phuy to đùng - thời nớ chưa có tự ên recycle như bây giờ heng - mang bán ký cho các chú ve chai
Thành ra... báo Chính luận của chủ nhiệm Đặng văn Sung tiếng là đứng top list về số độc giả, nhưng thực tế lợi nhuận không nhiều.
 
Hồi quý nữ còn nhỏ hìu thì tía đọc Tự do. Tự do chú trọng thông tin chánh trị xã hội nặng nề. Khác với tờ Ngôn Luận và Tiếng chuông cùng thời, trọng tâm hướng sang những đề tài nhẹ nhàng giải trí (ca nhạc điện ảnh...).
Sau đó xuất hiện tờ Chính Luận của chủ nhiệm Đặng văn Sung (chủ bút là ai tui quên rồi).
 Đường hướng của Chính luận nằm giữa Tự do và Tiếng chuông, phù hạp thị hiếu của mọi giai từng xã hội.
Mặt trong có tranh hoạt hoạ cho thiếu nhi, và có mục Ao Thả Vịt của VIP-KK.cho người lớn
VIP viết tắt tiếng anh "very important person", và KK tức |"caca" tiếng lóng viết tắt của tiếng pháp. Vịt ám chỉ những chiệng có thiệt lẫn không có, được hài hước hóa để tránh lưỡi kéo kiểm duyệt của bộ thông tin. Và đám vịt lội trong ao nớ do bác VIP-KK thả vào, từng đàn từng đàn trong mỗi bài viết. Cả tía lẫn chú tư đều thích đọc mục này, độ trúng sai hổng cần biết, đọc rồi hể hả cười sảng khoái - bổ cả tì vị, lẫn bình cà phê và phin lọc - Nghe đồn y hình bác VIP-KK chính là nhà văn Chu Tử không khác.
 
Ông Đặng văn Sung sau thành thượng nghĩ sĩ, vô ngồi trong hội trường Diên hồng, đường Bến bạch đằng.
Cách đó không xa, cùng bên đường là ngân hàng trung ương của thống đốc Phạm quang Uyển.
Đối diện bên kia đường là một công viên lớn bên cạnh bờ sông, đầu tận cùng của kênh Nhiêu Lộc đổ ra sông Sài-Gòn thì phải (?). Dịp nghỉ hè, tối trời nóng nực, tui thường theo đám cousins con dì hai cuốc bộ dọc Trình Minh Thế ra đây - tránh công viên Bạch đằng náo nhiệt đông đúc  - nhẩn nha ghế đá công viên ngồi hóng gió, rồi mua mía ghim đớp cho bớt buồn cái miệng.
Nhớ mài mại là... nghe nói là... dịp loạn lạc trong ngày mất nước, bác VIP-KK sợ rằng hổng còn chỗ thả vịt sẽ thất chí buồn rầu.
Còn bác Chu tử thì lên tàu rời Sài gòn ngày 30 tháng tư đen sóng gió, bị tàu Việt cộng rượt theo bắn chết, xác phải thả xuống biển, theo hồi ký của Nhã ca.
 
Một anh bạn kể, thời sinh viên phải đi làm thêm kiếm tiền tiêu vặt, anh vào làm trong hãng in báo, đảm đương nhiệm vụ nhét mấy tờ flyers quảng cáo vô trang giữa. Theo lời xếp của anh lúc đó thì... đây là công việc quan trọng nhất trong ngành báo chí, tự vì đa số độc giả mua báo cốt để xé cúp-pông mua hàng được giảm giá từ tờ quảng cáo nọ. Tờ báo thời đó vẫn sống được nhờ tiền bán quảng cáo chớ tiền bán báo thì không đủ sở hụi.
Khi đó, mấy tờ nhật báo khổ to thường phải rọc mép trang mới mở ra coi được, làm vậy để khách khỏi coi ké rồi trả lại. Trong nhà in người ta xài cuộn giấy bự, bề ngang cỡ tấm phản, đưa vô máy in một lượt tất cả các trang, xong xếp lại làm tư hoặc tám, còn dính liền phần gáy và phần bìa ở trên, nếu để y nguyên hông cắt thì hông thể lật từng trang.
Tới 1990 kiosque bán báo còn thấy ở mấy góc đường bên Tây, bên Mỹ, bây giờ thì không có ai mua báo ngoài đường nữa. Sạp báo kiosques báo dẹp tiệm hết.
 
À... nhớ thêm chiệng này về nhật báo thời VNCH cũ:
Tui giữ nhiệm vụ đọc báo cho má nghe, đọc xong y phép hai tay đen thùi lùi, cũng bởi mực in hồi nớ hổng mấy tốt, nên sanh lấm lem tùm lum.
Rồi trước khi dô giường ngủ (và nghe la dô với tía má) thì y phép tía nhắc chừng quý nữ ra sàn nước rửa cả tay lẫn chơn cho sạch.
Sàn nước sau hè, tối tối anh hai ôm guitare ra ngoải xài chiêu song thủ hổ bác, vừa tremolo vừa đuổi muỗi - hổng hiểu sao muổi cứ thích chun vô tấn công cả bình lẫn phin lọc nữa cà. Riêng em quý nữ thì chúng tấn công mặt tai ót và da đầu.
Nghe xong bản Requierdos de la Alhambra, hồi dô giường y phép gãi lung tung - và được tía má gãi phụ -
 
Rồi một bữa, trang trong số báo cuối tuần, thinh không có ông (BS) bun-shịt gyneco la làng trong mục y tế, rằng mấy bà tới khám vì nhiễm trùng sanh dục, chừng hỏi tới y phép có chồng đọc báo trong giường giấc tối. Chiêng da bun-shịt hồ nghi chiệng vi trùng vi khuẩn đã từ đám mực in lọt vô do bất cẩn.
Tía nói thôi từ nay mình đừng sai nó đọc báo nữa. Má biểu đâu được nà, nó yếu ớt hổng dám cho tới trường, thành phải giáo dục dạy dỗ cách này - mình cố đừng quên, nhắc nó rửa tay chơn với xà bông là được -
Nói nào ngay, ra sàn nước tui chỉ nhúng tay chơn đầu cổ ướt làm kiểng thôi, đời nào mà rửa kia chớ.
Nhưng có lẽ mấy con vi trùng trong mực ớn tui, thành chúng tránh tui trước!
 
Thế kỷ 21, người ra hổng ôm báo nữa, nhưng ôm laptop dô giường, vậy cho hạp vệ sanh thường thức.
Chiệng laptop còm-piu-tưa tui ấm ớ hổng rành, đọc báo bằng laptop coi như hổng tưởng
Mà hổng lẽ... tới tuổi này rồi còn ghi danh ôm cặp học I.T, rồi học bao lâu mới ra trường đặng!
TỐ NGHI 

Sunday, December 8, 2024

BÀI THƠ NĂM ẤY

Vương Ngọc Minh

Tranh Nguyên Khai
 
giữa kí ức
bầu trời bữa đó(!) thực sáng láng
không có chủ ý tò mò
tìm hiểu-xem
tại làm sao bầu trời sáng láng đến vậy..
 
chẳng gì, tôi đã gặp phải vô số những cạm bẫy giăng sẵn ở đó(!)
chờ tóm gọn mình
do
khi nào tôi cũng đang nghĩ tới một nàng thơ..
và cố gắng ngăn mình chìm vô mộng
-yah
ví dụ như, lúc nhìn vào khoảng trống
trắng
từ màn hình laptop-tôi luôn thấy nàng thơ rất thích thú ăn "dark chocolate"
 
vậy là, tôi thể hiện
nguyên vẹn vài khía cạnh nghiêm túc
vẻ điềm tĩnh, khá cường điệu
nhưng theo lối cực dịu dàng và "man" nhất, trong bản chất đa sầu
đa cảm
của mình..
 
kìa, nàng thơ cho tay chùi mép, gạch dấu chấm thang
-chú thích
một đoạn văn, sau đây "anh vẫn chưa nói "đã đến lúc chúng ta chia tay" ở sự câm nín ấy, em thấy anh run run, ngấn cổ, với từng cái nấc, đứt quãng, ôi, sao nước mắt anh lại cứ chực ứa ra? trên đôi gò má láng lẫy kia, anh có dám thề-lạy đất trời lòng lành, con nào có khóc!" thế rồi anh cười nắc nẻ, nom cái bụng phệ của anh, càng phệ thêm."
 
đấy, với đoạn văn trên
đọc lên, tôi cứ như thể sẽ nói lời ưu ái
dành cho các chữ cái, cật ruột
ngay đây
-nhưng
do có sự trầm lắng uể oải(!)
nó khuấy động cảm xúc dữ dội, tôi tra từ điển
quay qua bắt chuyện nàng thơ..
..
VƯƠNG NGỌC MINH.

ƠN TRONG TỪNG PHÚT GIÂY

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
 
Tạ ơn đời
Hình Internet
 
   Một người bạn nói với tôi rằng có những bài thơ hoặc những đoạn văn nằm hoài trong đầu của mình từ hồi còn nhỏ, nên khi được nhắc tới thì tự động tuôn ra. Tôi thấy có lý.
   Mỗi khi có dịp nói chuyện với ai về lòng biết ơn, tôi cứ như theo quán tính, chia sẻ một bài thơ ngày xưa tôi học ở bậc Tiểu Học. Không hiểu vì sao! Vì mình có tính hoài cổ? Hay vì đầu óc tuổi nhỏ dễ khắc ghi? Hay vì đây là bài học bắt buộc trong sách giáo khoa? Hay chỉ đơn giản là vì bài thơ có lời lẽ giản dị mà sâu sắc? Bài thơ như sau:
 
GIC MNG (1)
 
Nằm mộng thấy nông phu lại bảo:
“Ra công làm kiếm gạo từ đây
Tao thôi chẳng có nuôi mầy
Phải lo trồng trọt cấy cày cho siêng”
Người dệt cửi dặn mình làm áo
Chú thợ hồ lại bảo cầm bay
Bơ vơ chẳng kẻ đoái hoài
Tôi mang thơ thẩn đọa này cùng nơi.
Tôi túng thế vái Trời cứu thử
Lại thấy kia sư tử trên đàng
Tỉnh ra, thấy sáng, mơ màng
Tiểu công hút gió, rộn ràng trên thang.
Nghe máy dệt rần rần tiếng chạy
Ruộng đâu đâu cũng cấy đã xong
Phận mình nghĩ lại thong dong
Mới hay dưới thế ai không nhờ người.
Từ ngày rõ cuộc đời đắp đỗi
Cám thương người xã hội như nhau
Dập dìu kẻ trước người sau
Sức riêng một ít giúp vào lợi chung.
(Nguyễn Ngọc Ẩn)
 
   Bài thơ không hề có chữ “biết ơn” hay “cám ơn”, nhưng mặc nhiên đã dạy chúng ta ghi nhớ những gì mà mỗi người chúng ta được hưởng hàng ngày, không phải đương nhiên, mà là do công sức của biết bao người, của biết bao nghề. 
   Trong kho ký ức của tôi, âm thanh lưu lại khá sâu đậm có lẽ là tiếng “leng keng” ngày xưa. Tiếng leng keng phát ra từ chiếc xe vận tải lấy rác. Đi học sáng sớm, nghe tiếng leng keng trước khi nhìn thấy chiếc xe to tướng. Còn trong các con hẻm, những người phu đổ rác làm công việc của mình, vất vả nắng mưa.   Ở xứ mình hiện nay cũng vẫn còn cảnh người lấy rác mỗi ngày gom những bịch rác trước từng nhà cho vào chiếc xe nhỏ của mình rồi đem ra đường lớn. Thường đó là những chiếc xe ba bánh cũ kỹ, ọp ẹp. Sẽ vẫn luôn có cảnh ấy, vì vẫn còn những xóm nghèo, những khu ổ chuột, nhà mọc chen chúc, với lối đi bề ngang chỉ vừa cho một hay hai chiếc xe đạp. Ở những xứ tiến bộ, mọi việc đều được cơ giới hóa, người công nhân vệ sinh ít khi phải ra khỏi xe. Họ có phương tiện bảo vệ cá nhân tốt hơn. Công việc nâng các thùng rác, đổ rác vào thùng xe lớn, trả thùng rỗng lại chỗ cũ… tất cả đều do máy làm. Nhưng mỗi khi nghe tiếng máy xe chạy vào sáng sớm một ngày cố định trong tuần, có lẽ không ít người cảm thấy nao lòng như tôi, vì khi mình còn nằm trong chăn ấm thì họ, những người công nhân, đã phải ra đường làm việc rồi!
   Sao tôi lại nói về chuyện đổ rác nhiều như vậy? Có lẽ vì đó là bài học sống khá sâu sắc cho tôi khi nghĩ về ơn đời, mà những khía cạnh của cuộc sống đã được bài thơ “Giấc Mộng” hầu như đã nói lên đầy đủ.
   Trong mọi sinh hoạt của chúng ta, ơn hiện diện hàng ngày. Ơn chỉ được gọi là “ơn” khi chúng ta biết nó. Và từ sự “biết ơn” đi đến “cám ơn” còn có một khoảng cách. Người phương Tây nói “cám ơn” rất dễ dàng, để tỏ lòng biết ơn thật sự cũng có, vì lịch sự cũng có. Có người trách người Việt không biết cám ơn, điều này thật oan. “Văn hóa biết ơn” luôn có, được minh chứng qua cách giáo dục ở nhà và ở trường. Tuy nhiên, để biểu lộ thành lời “cám ơn”, quả thật có chút khác với “văn hóa cám ơn” của người phương Tây.
   Biết ơn không chỉ một ngày, một mùa. Bởi ơn đời đến với chúng ta trong từng phút giây. Nhưng nói ra được, bày tỏ được, càng hay hơn nữa. Người bán cám ơn người mua, người mua cám ơn người bán, dễ thương vô cùng!
   Một bác người Việt, sống ở Mỹ, luôn giữ ý kiến cho rằng người Mỹ cám ơn hay xin lỗi chỉ là “đầu môi chót lưỡi” chứ không thật lòng. Cũng hơi oan cho người Mỹ. Nếu không có cái gọi là “đầu môi chót lưỡi” đó, cuộc sống sẽ đáng chán lắm. Tưởng tượng nếu mình vào ăn trong một tiệm, khi đi ra, thực khách nói “cám ơn” nhưng chỉ nhận lại những đôi mắt nhìn mình trơ trơ mà không có tiếng “cám ơn” thì chắc là buồn lòng lắm, và chắc cũng sẽ không muốn trở lại tiệm ăn này.
   Chữ “tạ ơn” trong tiếng Việt rất hay. Định nghĩa chữ “tạ” trong Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (đầu thế kỷ 20) cho thấy “tạ” là “có lời nói với ai để cám ơn hay xin lỗi.” Như vậy đã rõ, từ biết ơn đến tạ ơn, có một khoảng cách. Khoảng cách đó ngắn hay dài, còn tùy vào mỗi người.
   Trong gia đình, thường người ta có tâm lý cho rằng những gì người thân làm cho mình là chuyện đương nhiên, nên lời cám ơn ít khi được nói ra. Thật hơi tiếc! Ơn không chỉ là những gì to tát, thậm chí trừu tượng. Ơn là những gì chúng ta làm cho nhau rất bình thường. Một tách trà, một cốc cà phê để sẵn mỗi buổi sáng, một bữa ăn ấm áp gói ghém mang đi… cũng xứng đáng nhận lại một lời cám ơn.
   “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy” là đạo lý “biết ơn” của người Việt. Nếu không được đến trường, đó là nỗi bất hạnh lớn. Được đến trường, và lại được hưởng một nền giáo dục “nhân bản, dân tộc và khai phóng” là một đại phước.
  
   Một bác người Việt khuyên con cháu rằng:
   “Biết ơn, không chỉ “nói” mà còn chứng tỏ bằng hành động. Biết ơn cha mẹ, người ta thường sống cho thật tốt để không uổng công cha mẹ sinh dưỡng mình. Biết ơn thầy, thì hãy làm những việc có ích cho xã hội để khỏi phụ công thầy dạy dỗ. Vợ chồng, anh em biết ơn nhau thì trân quý nhau vì chỉ sống với nhau một kiếp. Biết ơn người chiến sĩ thì xin đừng làm tủi nhục màu cờ đất nước và bộ quân phục cao quý của họ!”
   Người Việt tha hương còn có quê hương thứ hai hoặc thứ ba trên đường đi tìm tự do. Những người cưu mang, giúp đỡ mình, họ không cần sự đền đáp, trả ơn. Cũng như người Việt mình nói “thi ân bất cầu báo” vậy. Đổi lại, khái niệm “pay it forward” khiến chúng ta làm những việc tốt đẹp cho những người khác, như một cách trả ơn cho ân nhân của mình. Biết ơn quê hương thứ hai hay thứ ba này, không chỉ đóng thuế là đủ, mà còn phải gìn giữ những giá trị cao đẹp, như tự do, dân chủ, công chính, công bằng…của đất nước mình đã chọn đến.
   Từ một câu trong bài thơ khá dài “On Love” của nhà thơ, họa sĩ Kahlil Gibran (người Mỹ gốc Lebanon, 1883-1931), được dịch sang tiếng Việt (xin lỗi, người viết chưa biết chính xác tên của dịch giả):
 “…Wake at dawn with a winged heart and give thanks for another day of loving…”

“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Tôi có thêm ngày nữa để yêu thương”

   Nhiều người “pay it forward” qua việc hiến tặng tiền bạc, vật phẩm, thức ăn cứu giúp người nghèo; qua việc tặng tóc, hiến máu, hiến nội tạng, hiến thân xác cho khoa học. Đó là những cách Cám Ơn Đời.
Chúng ta vẫn không quên thời đại dịch COVID-19, trận dịch đã giết chết hàng triệu người trên thế giới. Lòng biết ơn của chúng ta càng đặc biệt sâu nặng dành cho những nhân viên y tế ở tuyến đầu, những người cứu chữa bệnh nhân. Có khi họ hy sinh bằng cả mạng sống của chính mình. Xin tri ân các nhà khoa học nghiên cứu vaccine, các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm để có được vaccine an toàn và hiệu quả. Những ngày “shelter-in-place” càng làm chúng ta vô cùng biết ơn những người đã hy sinh cung cấp các dịch vụ thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, nước sạch, đổ rác, bưu điện, những người giao hàng v.v… Chưa hết, trong thiên tai như cháy rừng, bão lụt, chúng ta còn nhận ơn từ những người lính cứu hỏa, nhân viên cứu nạn, tình nguyện viên khắp nơi… Kể sao cho hết Ơn Đời!

Tôi nhớ lại hình ảnh một em bé còn nhỏ xíu, với ánh mắt của bé nhìn mẹ khi được mẹ cho bú. Đó là ánh mắt tỏa ra sự sung sướng, thỏa mãn, và biết ơn. Nhưng tôi nghĩ, lòng biết ơn không đơn giản là bẩm sinh, mà còn đến từ sự giáo dục, đi vào trí óc, từ đó, chiếu rọi vào mạch tim.

CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
 (1)Còn có tựa là “Giấc Mộng Kinh Hoàng”