Friday, May 31, 2019

BUỔI SÁNG. NGHE TIẾNG CHIM


nguyễnxuânthiệp



Sáng nay
nghe tiếng chim
ngoài cửa sổ
nhìn nắng lên
lại nhớ. những năm
nơi lán trại mịt mùng ấy
tiếng con sơn ca
hót. trên ngọn cây
đầu suối
ngày của những hạt bo bo
màu tím
đêm chờ trăng lên
đọc câu thơ nguyệt xuất kinh sơn điểu*
bụng đói
chim ơi
bao giờ về lại
khu vườn xưa
vương phủ

*Trăng lên khiến con chim núi hoảng sợ
Thơ cổ của Vương Duy bài Điểu Minh Giản
Khe chim kêu
*tưởng nhớ Tô Thùy Yên hồi ở trại Cẩm Nhân

Thursday, May 30, 2019

PHẬN RAU RĂM


Khuất Đẩu


Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay
                                   (ca dao)
Trong một lần cứu trợ thương phế binh VNCH, do Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tổ chức (2014), nhà thơ Nguyễn Duy có gửi thư mời Tô Thùy Yên, nhưng ông không về được, chỉ gửi bài thơ Ta Về, như một chút tình đồng cảm. Bài thơ đã được đem đấu giá (không rõ được bao nhiêu tiền) để đóng góp ít nhiều vào quỹ. Điều ấy chứng tỏ ông thương người ở lại xiết bao.
Và trong một bài thơ dài (không nhớ tên), ông đã dùng 3 chữ “phận rau răm” để nói về thân phận mình. Tôi thấy không chữ nào nói lên được tình cảnh chua xót của hàng chục ngàn thương phế binh bị bỏ lại bên đời bằng ba chữ ấy, nên tôi xin mượn để đặt tên cho bài viết này.
Vì sợ chết, sợ thương tật và nhiều thứ sợ khác nữa, so với họ, tôi chỉ là một thằng hèn, (trốn lính đến những 15 năm), nên không xứng đáng để nói và viết về họ. Tôi không như một nhà văn cùng xứ, lấy cả một đoạn văn dài của Phan Nhật Nam đem vào truyện của mình, bảo rằng không đi lính, không biết lính thua trận như thế nào, nên phải mượn ký của người khác, chứ không phải đạo văn. (có được sự đồng ý)
Tuy nhiên, là một sinh vật cùng một phận người, cùng chung tiếng nói và nhất là cùng sống chung một thời quỷ ám, trước nỗi đau của họ tôi cũng cảm thấy xót xa như ông Tô vậy.
Trước 75, họ trở về trên đôi nạn gỗ hay chiếc xe lăn, mất mát quá nhiều, nhưng dưới mắt của đồng bào miền Nam, họ vẫn được trân trọng gọi là “bại tướng cụt chân”, vẫn được nhận trợ cấp hằng tháng của chính phủ, và được một số ưu tiên trong sinh hoạt đời thường.
Nhưng sau 75, dưới cái nhìn của những người thắng cuộc, họ không còn là công dân cho dù là hạng bét, họ trở thành rác rưởi thua cả đĩ điếm. Muốn dọn sạch, nhưng không thể đưa họ vào trại cải tạo, cũng không thể ném họ vào vùng kinh tế mới. Đành phải để họ lê lết mảnh hình hài thiếu chân thiếu tay theo cái kiểu dành cho những con chó con con mèo chờ chết.
Những năm ấy, những người lành lặn, đủ cả chân tay, sống được đã là một chuyện khó tin, huống chi là những người thua thiệt nhiều bề như họ. Vậy mà họ vẫn sống, không phải bằng chống nạn cày bừa vì ruộng đâu mà cày, cũng không là con buôn vì chân đâu mà chạy chợ trên buôn chợ dưới, chân đâu  trốn thuế vụ. Họ cũng không hạ mình đi ăn xin khắp hang cùng ngõ hẽm. Họ sống được là nhờ củ khoai không chỉ bẻ làm đôi mà phải bẻ đến làm tám của vợ con, bè bạn, chòm xóm…những người cùng phận rau răm như họ.
Những kẻ thắng cuộc sau khi “đốt” và “hốt” đã dần dần giàu lên. Đổi mới cho dù trở lại như cũ, vẫn là đổi mới, và khuôn mặt chế độ đã bắt đầu trở nên sáng sủa. Tiếc thay hay giận thay, cái đám thương phế binh què cụt ấy lại như một vết chàm xấu xí cứ phơi ra trước thế giới cái điều mà lịch sử viết bằng máu khẳng định rằng, chính cuộc chiến vừa qua là anh em cùng một mẹ giết nhau và thằng anh đã đánh cho thằng em tơi bời hoa lá tối tăm mặt mũi què cụt chân tay như vậy đó.
Cái vết chàm đáng nguyền rủa ấy ngày càng đen đúa xấu xí, khi có những kẻ thiện nguyện như các cha của dòng Chúa Cứu Thế và những tình nguyện viên lặn lội tận những miền quê xa hút, tận rừng núi quạnh hiu, góp nhặt những mảnh hình hài gần như không còn nhận ra họ là người nữa để trợ giúp chút ít tiền (100 đô), cho họ ăn một bữa cơm có chút cá chút thịt và uống một cốc bia để thấy những ngày cuối đời không đến nỗi lạnh lắm.
Chính vì vậy, mà lần nào tổ chức, họ cũng bị ngăn chặn, trù yểm, hạch xách, và mới đây, dường như những linh mục tận tụy khôn khéo giỏi luồn lách đã bị chuyển đi.

Nhưng những người thuộc phận rau răm, đâu chỉ có vài chục ngàn thương phế binh, mà còn có cả nhiều chục ngàn những người bị lùa đi cải tạo nhưng không đủ 3 năm, thường được gọi đùa một cách cay đắng là rớt H.O.
Và còn đó những người bị ném vào những vùng ma thiêng nước độc, những vùng khỉ ho cò gáy, “sống chết mặc bay” gọi là kinh tế mới.
Còn nữa, những người bị cướp mất đất như ở Thủ Thiêm hay vườn rau Lộc Hưng, những cô giáo gói trong bọc nilon để được kéo qua sông khi trời lụt, những em bé trên vùng cao trần truồng trong mùa rét như những con thú hoang…
Miền Nam bây giờ đâu chỉ có một triệu người buồn mà rất nhiều triệu người như thế đó. Mai đây, sẽ còn nhiều thêm khi giá điện nước tăng, giá xăng lùi một bước để tiến ba bước.

Những người từng tuyên bố không cho Cọng sản vào Sài Gòn ăn phở, những người thề đánh CS đến giọt máu cuối cùng nhưng đã bỏ chạy trước giờ thứ 25. Những người ấy chỉ tiếc 7 tấn vàng bị bỏ lại chứ không hề tiếc và ân hận đã bỏ lại cả một miền Nam ngơ ngác vào tay những kẻ ác.
Nhưng rồi những ngày tháng khốn khó cũng qua đi. Bằng tự thân và nhờ đất đai miền Nam mầu mỡ, sông biển đầy cá tôm, người miền Nam cũng cố đứng dậy được trên đôi chân hay đôi nạn gỗ.
Thế mà, có những kẻ, chưa hề một ngày sống trên quê hương đau khổ, trở về nước như những kẻ xa lạ, lại chê ỏng chê eo. Rằng sao không thế này, rằng sao không thế kia.
Mới đây, có một người được gọi là nhà này nhà nọ, lại chê cái đám rau răm ở lại này sao không biết lợi dụng Tầu rủng rỉnh bạc tiền qua ăn chơi để bưng bê hầu hạ khỏi phải lội xuống bùn đầy đỉa, mà lại đi căm thù người anh em đại Hán(g).  
Đâu có phải cứ (bị) sống trong cái chuồng CS đều là CS cả. Đâu có phải ai cũng giàu có ngất trời, đâu có phải ai cũng nhà lầu xe hơi. Sài Gòn, Nha Trang, Cần Thơ…ăn chơi, hàng quán mọc lên như nấm, tiếng dô dô át cả tiếng ô tô chạy. Nhưng đó là con cháu bè đảng của một triệu người vui (giờ rất nhiều triệu), từ đâu tới ai cũng biết, chứ đâu phải dân rau răm.
Tôi thành thực xin lỗi ông Tô, trộm nghĩ, không chỉ một chút rượu nồng mà cả thùng rượu đổ xuống chưa chắc đã giải oan cho cuộc bể dâu này. Ông về trời sau khi đã sống hết phận rau răm, như vậy là tốt rồi, mong linh hồn ông thanh thản.

KHUẤT ĐẨU
30/5/2019
(Bài này được viết để tiễn ông trước khi thân xác sẽ hỏa thiêu vào ngày mồng 1 tháng 6,  tại Mỹ).

Wednesday, May 29, 2019

NGẪU HỨNG. TẶNG BÁC SƠN


Trương Vũ. Trương Hồng Sơn

núi đã hồng lên sương cẩm tú
mùa hè phả lại mấy tin xuân
trường giang con lũ vừa đi khuất
đã nắng mon men bước lại gần

ừ rồi tay cọ tay cầm bút
giong ruổi đời tuỳ nụ hương pha
đuổi bóng hoàng hôn*vào đêm thẳm
dựng chút bình minh phía ngọc ngà
HOÀNG XUÂN SƠN
27 mai 2019
*nhan sách, Trương Vũ


bác Sơn ngẫu hứng tặng bác Sơn
xuân vàng bên núi ửng hương hồng
hoàng hôn về tới hoa quỳnh nở
tuần hoàn cớ sự đuổi đi đâu?
CHÚ NGHIÊM CẨN BÚT.


XIN TẠ ƠN EM


Khê Kinh Kha

Bouquet of flowers by the window
Source: Internet

Xin tạ ơn đời
cuộc đời đã mang em đến trong đời tôi
em gieo mơ ước trong đời
em ươm cuộc tình mê say
cho tôi xây mộng đời dài
cho tôi một đời gắn bó trong tình lứa đôi

em
em đã cho tôi
ngày tháng mặn nồng
em đã cho tôi
tình nghĩa vợ chồng
cho tôi
niềm tin cùng nỗi sống

em
em đã bên tôi
qua ngàn con sóng
em đã cùng tôi
qua đêm thanh vắng
qua ngày gian nan
xin tạ ơn em
người tình của đời anh

KHÊ KINH KHA

"Xin Tạ Ơn Em" của Khê Kinh Kha
Hoàng Lan Chi Cảm Nhận

Chưa phải là cuối tuần nhưng có chút gì đó để tôi tưởng như là hôm nay ngày thứ bẩy!

Có lẽ bởi trời cuối đông, lạnh giá không còn.
Có lẽ bởi giàn mai vàng hoa chi chít.
Có lẽ bởi lòng tôi dường như đang chuẩn bị cái gì đó…

Và trong cái man mác của chiều đông, tôi mở nghe “Xin tạ ơn em” của Khê Kinh Kha sau cái ‘thỉnh cầu” của tác giả!

Quen từ vài năm, hiểu tính tôi nên KKK lúc nào cũng “năn nỉ” cái gì đó. Mà tôi thì hay “bắt nạt” bạn bè. Tính “xấu” thật nhưng trong cái “bắt nạt” (đúng ra có khi là giả vờ bắt nạt) là cái “ sẵn lòng”. Và vì thế bạn hữu vẫn ở quanh tôi...

Tôi thoáng ngạc nhiên khi dòng nhạc mở đầu. Bình thường nhạc cho người tình trăm năm rất nhiều gượng ép. Tôi đã từng thực hiện một chương trình “Nhạc cho người tình trăm năm” và nhận thấy vậy. Quả kỳ lạ, nhạc cho mẹ có thể hay nhưng nhạc cho vợ sao hiếm bài sống lâu dài trong lòng người thưởng ngoạn? Tuy vậy, khi nghe hết “Xin tạ ơn em” của Khê Kinh Kha, tôi nhận thấy lời có vẻ rất “trôi” với nhạc. Tôi nghe lại lần hai rồi lần ba, bốn cho ngấm hơn.

Cảm tưởng của tôi là giai điệu nhẹ nhàng, âu yếm, thủ thỉ. Giai điệu này có vẻ dễ hát cho mọi người. Toàn thể dòng nhạc toát lên những điều ấy. Không ảo não rên siết và cũng chẳng kích động ồn ào.

Nhẹ nhàng và có chút u hoài ở phút đầu :

“Xin cám ơn đời, cuộc đời đã mang, em đến trong đời tôi.”.

Nốt nhạc chìm xuống nhẹ nhàng và sau đó hơi vút cao
“ Em gieo mơ ước, trong đời,
em ươm cuộc tình mê say,
cho tôi xây mộng đời dài,
cho tôi một đời gắn bó trong tình lứa đôi”.
Giọng hát thật dịu dàng và thủ thỉ. Tôi thoáng ngạc nhiên vì lời nhạc. Những lời viết cho người tình trăm năm thật dễ thương

Em đã cho tôi ngày tháng mặn nồng
em đã cho tôi tình nghĩa vợ chồng
cho tôi niềm tin cùng nỗi sống

Ừ nhỉ những gì chia sẻ của vợ chồng phải chăng là mặn nồng ngày thán,  là tình nghĩa,  là niềm tin để cùng nhau tiến bước.

Em đã cùng tôi qua ngàn con sóng. Tôi rất thích câu này. Gói đủ. Đủ để nói lên sự đồng hành của đôi lứa. Sau những cám ơn em, nốt nhạc hạ xuống thật dịu dàng “Người tình của đời anh”.

Kể ra Khê Kinh Kha đã có nhiều cố gắng để đưa những hình ảnh của đời sống vợ chồng vào nhạc, những hình ảnh mà tôi thấy có thiện cảm vì không dung tục mà nói lên cái đạo vợ chồng của một đời người thăng trầm với nhiều sóng gió. Câu cảm ơn này làm tôi thích lắm vì còn gì hơn món quà “con ngoan” của người vợ tặng chồng? Bao đêm mặn nồng gối chăn mà ngôi nhà vắng lặng tiếng trẻ thơ thì hạnh phúc ấy chưa là trọn.

xin tạ ơn em
người tình muôn thuở
em đã cho tôi
từng ngày yêu đương
cho tôi vạn ngàn âu yếm
cho tôi nồng ấm gia đình
cho tôi con cái ngoan hiển
cho tôi thiên đàng ở trần gian


Tôi mỉm cười khi nghe câu hát “thiên đàng trần gian”. Sau bao sóng gió, thiên đàng ấy hẳn trước kia là “địa ngục” cũng không dưới vài lần? Nhưng có cái gì đẹp đẽ mà không có giá của nó phải thế không? Hạnh phúc chỉ có giá trị khi từng có sự hiện diện của đau khổ kia mà ! Trái ngọt không phải một sớm một chiều mà là công khó vun trồng của cả quãng đời dài..

Tưởng như là thứ bẩy đi bạn nhé để mời “người ấy” cùng nghe “Xin tạ ơn em”:


Hay Youtube: