Monday, April 1, 2019

‘VỀ THU XẾP LẠI...’ KỲ IV


Đ Hng Ngọc

Sách Đỗ Hồng Ngọc
 
7. Chìm dưới sương thu là một đóa thơm tho…

“Chìm khuất trong ta
Một lời nói vu vơ
Chìm dưới sương thu
Là một đóa thơm tho…”
(TCS)

Tôi ngờ rằng có một phần thưởng quý giá nào đó cho kiếp nhân sinh, mà thiên nhiên đã mất công tạo ra, không thể nào có một mục đích duy nhất là làm cho nó phải khổ đau từ lúc sanh đến lúc bệnh, lão và tử. Điều này hoàn toàn vô lý. Bởi nếu vậy thì thiên nhiên đã không tạo ra vạn vật, nhất là sinh vật. Thử nhìn xem, vạn vật luôn đẹp đẽ, sinh vật luôn đẹp đẽ muôn màu muôn sắc, Hai con bọ ngựa yêu nhau, ve vãn nhau, giao hợp, xong con đực chết ngay và trở thành thức ăn cho con cái. Con cái mang cái trứng đã thụ tinh, nuôi nấng và sinh sản, xong cũng chết. Nếu chỉ làm cái việc giao hợp rồi chết như con bọ ngựa hay những con ong đực, thì nhiệm vụ duy nhất của nó chỉ là làm vật trung gian, truyền giống, khi hoàn thành nhiệm vụ thì không có lý do gì để tiếp tục tồn tại. Vậy thì ít ra phải có chút tưởng thưởng gì cho cái vất vả của nó chứ? Có lẽ vì thế mà thiên nhiên đã tặng cho nó chút khoái lạc trong lúc giao hợp. Nhưng sự giao hợp là sự truyền trao chủng tử, còn chuyện “bố thí thân mạng” kia có ý nghĩa gì không? Có được tưởng thưởng gì không?

Chẳng hạn, ăn là một hiện tựơng để tạo năng lượng duy trì sự tồn sinh và phát triển cho đến lúc có thể “hoàn thành nhiệm vụ”, vậy mà thiên nhiện còn phải tưởng thưởng một chút khoái cảm cho cái sự ăn. Nếu không, đâu có sinh vật nào ăn làm chi cho mệt. Nó phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm lấy cái ăn, phải tranh giành vất vả để có cái ăn và phải trăm mưu ngàn kế để tìm cách ăn… cho nhiều. Từ một con mối mù lòa, rào rào ăn cột gỗ, đến một con bọ hung, hùng hục trong đống phân, tranh giành chí chóe để vo tròn được một cục phân to gấp đôi gấp ba thân hình chúng, khuân đi, đào lỗ, chôn giấu, để dành cho con bọ hung cái đang đẻ trứng có thức ăn dư trữ mà nuôi con. Các con thú – từ loại hung dữ ăn thịt sống đến những con thú hiền lành ăn cỏ – thì mạnh được yếu thua, con này làm mồi cho con khác. Có một điều ngộ nghĩnh duy nhất là con nào cũng hết lòng hết sức vì con của mình, vì sự tồn vong của nòi giống mình. Cây cỏ cũng vậy, cũng đưa những cái vòi bạch tuộc của nó ra mà hút lấy nhựa nguyên, chuyển thành nhựa luyện nuôi lá nuôi hoa, rồi ra quả ra hạt, truyền giống. Lá cứ rào rào rơi xuống làm phân cho  lá khác vươn ra. Lá rơi có buồn không?  Chắc là không. Chuyện cây cỏ hút nước, hút phân chắc cũng phải có cái gì sảng khoái, không, dại gì hút cho mệt. Con mối nhai gỗ rào rào chắc phải có cái gì sảng khoái, không, nhai làm gì cho mệt. Rồi con bọ hung giànhh nhau cục phân cũng phải có cái gì chứ… Con người cũng không khác. Các bữa ăn phải đem lại sự sảng khoái con người mới chịu ăn, và từ chịu ăn mà chịu làm, chịu giành giựt đấu đá, chém giết nhau… lúc nào cũng muốn muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ, trường sanh bất tử chứ. Cái ăn thì đã vậy, ngủ cũng phải có sự sảng khoái để tích lũy năng lượng, phục hồi sức sống. Con nào cũng ngủ, cách này cách khác. Có con treo ngược hai chân lên trời mà ngủ như giống dơi, có con co một chân đứng một chân để ngủ như giống chim. Và sản sinh năng lượng thì phải có thải bã. Con voi ăn cỏ hàng ngày thải hằng trăm ký phân chắc cũng phải khoái mới thải. Con người cũng phải thải vậy. Câu hỏi đặt ra là con người hay mọi sinh vật không sống mãi để hưởng thụ cái khoái đó của mình? Không, có lẽ còn có một cái khoái lớn, còn được giấu kỹ. Nói ra sợ người ta biết thì triệt tiêu mục đích tối thượng của sự sinh tồn. Đó là cái chết. Chết gần như là lẽ tất yếu sau khi đã sinh ra, đã sống, dù như con phù du ngẳn ngủi hay như con voi, con rùa nhiều trăm năm. Vậy chết hẳn phải là một sự tưởng thưởng cho kẻ có công sinh tồn. Và như vậy nó phải là một sự sảng khoái lớn nhất. Không phải như một triết gia bảo chỉ có cái chết mới làm cho con người đựơc nghỉ ngơi. Nói thế chưa thấy sự sảng khoái? Sảng khoái ư? Môt sự xuất tinh lúc giao hợp là một sự sảng khoai, nói không được, mô tả không được. Sảng khoái của sự “mất” đi. Mất đi hằng tỷ tinh trùng, hằng tỷ sự sống. May ra, có một tinh trùng gặp trứng và thụ tinh, còn thì tự hủy diệt. Nó đi đâu? Kẻ phóng tinh đã đựơc một sự sảng khoái đền bù vất vả. Kẻ nhận tinh cũng vất vả không kém, và cũng sẽ đựơc đền bù cách nào đó chứ.

Trước khi sinh ra thì con người ở đâu? Trong cõi mênh mông đó, không thể biết. Cái phần dài nhất – trong trí tưởng của ta – là phần trước và phần sau của cõi nhân sinh. Phần dài nhất đó phải có ý nghĩa gì chứ? Có thể nó lại trở lại những thành tố riêng lẻ, chờ cấu trúc lại, như những miếng hình rời chờ lắp ghép ra một cái hình thù khác, một sinh vật khác. Nhìn qua những thành tố thì thấy nó rõ ràng không mất đi, không thêm lên. Và cả năng lượng nữa, cũng được “bảo toàn”. Nó chỉ tich trữ lại, lắp ghép lại, như một đứa nhỏ chơi trò puzzle với những lắp ghép tình cờ. Khi vật chất bị hủy diệt thì thời gian và không gian cũng không còn. Thời gian và không gian là một cách nhìn tương đối của sinh vật. Khi sinh vật không là sinh vật thì không còn thời gian và không gian. Nghĩa là một hình thái bất sinh bất diệt, và dĩ nhiên bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Nó đựơc tái sử dụng một cái phù hợp vậy thôi. Vậy thì không phải không có lý khi bảo cuộc sống sinh vật – và con người – là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, thì hẳn phải có cái thường, lạc, ngã, tịnh, cái đó chính là niết bàn rốt ráo, niết bàn vô dư, tức cái chết.

8. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

“Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa…”
(TCS)

“Nhật nguyệt”, ấy là Minh. Minh để trừ Vô minh. Vô minh dẫn tới hành rồi thức, danh sắc, lục nhập… con đường sinh sự đưa tới khổ đau, sanh tử. Bởi còn vô minh thì còn ái, thủ, hữu, còn sanh, còn lão, tử.  Tâm kinh nói “Vô vô minh diệc vô vô minh tận”. Không có vô minh mà cũng chẳng bao giờ hết vô minh!

Duy-ma-cật hỏi Bồ-tát Văn Thù:
“Những gì là hạt giống Như Lai?”
VănThù đáp:  Có thân này là hạt giống Như Lai.
Vô minh với ái là hạt giống Như Lai.
Tham, sân, si là hạt giống Như Lai.
Bốn điên đảo, năm triền cái, tám tà pháp, chín não xứ, mười bất thiện… đều là hạt giống Như Lai.
Rồi Văn Thù kết luận: Tất cả phiền não đều là hạt giống Như Lai.

Thì ra vậy. Thì ra mọi thứ phiền não khổ đau của kiếp người đều là hạt giống của Như Lai. Tham sân si là hạt giống Như Lai. Mà tấm thân tứ đại ngũ uẩn này của ta cũng là hạt giống Như Lai. Đã là hạt giống thì nó phải mọc tùm lum lên mới đúng điệu chớ phải không? Cho nên tham sân si cứ còn mãi, ngày càng nhiều thêm, tranh giành đấu đá ngày càng mạnh mẽ thêm. Cái “Ngã” của ta cũng vậy, cũng ngày càng mọc sum suê hơn, lúc nào cũng muốn muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ, trường sanh bất tử…! Đừng quên, Phật là Như Lai nhưng Như Lai không phải Phật. Như Lai là Như Lai, không từ đâu đến, chẳng đi về đâu! (vô sở tùng lai diệc vô sở khứ).

Muốn dứt phiền não thì tâm phải an. Làm sao để tâm an? Tìm tâm đâu thấy? Chỉ có cách tiếp cận qua thân. Thân tâm nhất như mà.  Cho nên « giả bệnh » là cách tốt nhất của Duy-ma-cật.

Bởi bệnh thì rất bình đẳng. Mọi người đều bình đẳng trước… bệnh! Khố rách áo ôm hay đại gia tỷ phú khi đau gan thì cũng như nhau thôi. Cũng vàng da, cũng ói mửa, cũng nhức đầu đau bụng… Hoa hậu hay cô gái bán hoa khi đau ruột thừa cũng giống nhau thôi. Cho nên Duy-ma-cật nói: “ Thân này không thể tin cậy được. Nó không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta. Phải thấy thân Phật, tức thấy Pháp thân.”

Phật hỏi Duy-ma-cật: Ông quán Như Lai thế nào? Tôi quán Như Lai qua pháp thân cũng như quán Phật và tôi. Không có gì khác nhau cả.

Muốn thấy Pháp thân thì phải “quán”. Phải nhìn sâu vào bên trong, nhìn xuyên qua bên kia, qua cái “giả tướng”, cái trình hiện bên ngoài may ra mới thấy.

Còn “chúng sanh” lại là những ảo vật do nhà ảo thuật là ta tạo ra. Ta tạo ra rồi ta hồng hộc chạy theo, bám lấy, giành giật, khổ đau, hạnh phúc… Chẳng qua là những bóng hình trong gương, mặt trăng đáy nước, dấu chân chim giữa hư không…

Khi thấy biết thực tướng là vô tướng, thì hòa nhập nhau có chi ngăn ngại vì cùng bản chất, pháp tánh. Cái núi Tu-di to đùng kia mà đem đặt vừa vào đầu hạt cải, nước bốn biển mênh mông nọ mà rót đầy lỗ chân lông thì có chi là lạ? Bởi núi Tu-di cũng không mà đầu hạt cải cũng không. Nước bốn biển cũng… không mà lỗ chân lông cũng không.  Không đây không phải là không có. Vẫn có chứ, nhưng không có “tự tánh riêng biệt”, thế thôi. Cho nên mới gọi là “chân không” . Chân không mà diệu hữu, diệu hữu mà chân không.

Nghe nói tới Ma thì ai cũng sợ. Nhưng Duy-ma-cật Bồ-tát thì “nuôi” rất nhiều ma để làm « thị giả » cho mình, luôn ở cạnh mình, “trợ lý” cho mình.

“Ma phiền não” chẳng hạn nhắc nhở ta sẵn có bốn vạn tám ngàn cách thoát ra sao chẳng thử một vài; “Ma ngũ uẩn” thì càng thân thiết, nhắc rằng mấy thứ lăng nhăng nó quấy ta chỉ là những thứ kết hợp tạm bợ, lắp ghép lai rai như trò chơi puzzle của trẻ con, phá ra lắp lại mấy hồi; “Ma trời” (thiên ma) luôn cảnh giác ta đừng tưởng bỡ, đừng tưởng muốn « làm trời » gì thì làm nhé. Rớt vào địa ngục như chơi. Lên voi xuống chó mấy hồi. Còn “Ma chết” (tử ma) lại là bạn thiết gắn bó với ta từ thuở còn trong bụng mẹ…

Cái thấy của mắt cái nghe của tai chỉ là ‘giả tướng’. Còn cái ‘tướng thiệt’ ở đâu? Ở bên kia kìa. Vượt qua cái giả tướng mới thấy được. Phải ở bên bờ kia mới thấy được. Ta chỉ bị gạt gẫm thôi. Và lâu nay ta sướng khổ với sự gạt gẫm đó mà không biết.

“Kiến tánh” (thấy biết Tánh) là Giác ngộ. Dễ không? Còn lâu! Nói chung thì vì cái tâm mình nó lờ mờ, nó tù mù, nó u tối nên sanh ra tham lam. Gì cũng muốn. Bao nhiêu cũng không đủ. Lòng tham không đáy. Được voi đòi tiên. Tham nên mờ mắt. À không phải. Mờ mắt mới tham. Nếu sáng mắt thấy rõ các pháp “bất tăng bất giảm”, không thêm không bớt thì tham làm chi.  Rồi cũng vì cái tâm mình nó lờ mờ, nó tù mù, nó u tối nên sanh ra sân (giận). No mất ngon. Giận mất khôn. Mà không biết chân lý dưới chân núi bên này thì không còn là chân lý ở chân núi bên kia.

Nhiều khi, ta ngồi yên đây mà quên là trái đất đang bay vù vù với tốc độ ba chục ngàn cây số một giây. Một ngày đêm đã bay được hơn 2 triệu rưỡi cây số quanh mặt trời! Nhiều khi ta ngồi đây mà quên rằng cứ mỗi giây trôi qua đã có hằng trăm triệu hồng cầu trong cơ thể mình hủy diệt đi để sinh ra trăm triệu hồng cầu mới. Các chất liệu của hồng cầu hủy hoại đó chẳng mất đi đâu, nó tích chứa vào lá lách (gọi là nghĩa địa của hồng cầu) để rồi được nối ráp lại, tạo ra những hồng cầu mới, tươi mát hơn… Cái hệ tiêu hóa, ruột non ruột già của ta dài cả 5m kia cứ mỗi tuần lễ lại thay đổi toàn bộ lớp tế bào niêm mạc. Có hàng ngàn tỷ vi khuẩn đang sống trong đường ruột đó, mỗi loại hùng cứ một phương, rất ít khi tranh chấp với nhau …

Khi tôi học y khoa, cách đây gần 60 năm, người ta khiêng ra cho mỗi nhóm 8 sinh viên một chiếc giỏ cần xé (giỏ mây to) đựng xương người. Mỗi sinh viên ôm lấy một cục xương đó, học thuộc từng đường gân sớ thịt… Có bạn còn mượn một cái đầu lâu về đặt trên bàn học, mỗi ngày học thuộc từng chiếc lỗ trên đó, có những dây thần kinh nào chạy qua, rồi học về bộ não, vùng nào chịu trách nhiệm việc gì…! Môn cơ thể học dạy cho biết bộ xương người đã hình thành như thế nào, các tế bào xương tạo xương và hủy xương ra sao… Sinh lý học dạy cho biết cơ thể vận hành cách nào, làm sao có đủ nhiên liệu để xài cả đời người ? Ấy là nhờ oxyd hóa « đốt » những thứ thức ăn để tạo ra năng lượng ra sao.

Người giác ngộ hơn người khác ở chỗ trong lúc người khác đang sống thì không ai chịu nghĩ tới cái chết, còn người giác ngộ thì coi cái chết cái sống là một. Nói người giác ngộ là người đã “vượt thoát sinh tử” là vậy. Có sinh ắt có tử, có tử ắt có sinh.

Luân hồi luôn đi với sanh tử. Luân hồi sanh tử. Nghe cứ rờn rợn. Nhưng… không còn sanh tử, không còn luân hồi nữa, sống đời đời kiếp kiếp thì… chán chết! Không luân hồi sanh tử nữa thì mọi thứ khựng lại. Trái đất chẳng buồn quay. Chẳng còn xuân hạ thu đông. Chẳng sáng trưa chiều tối. Chẳng vô thường. Chẳng đổi thay. Chán chết! Cho nên cứ phải luân cứ phải hồi, cứ phải sanh cứ phải tử hoài hoài. Lòng vòng  luẩn quẩn loanh quanh vậy mới công bằng, mới phải điệu. Ba cõi sáu đường phải thênh thang rộng mở cho chúng sanh lũ lượt vào ra mới phải điệu!

”Luân hồi sanh tử”, “nghiệp báo oan gia” các thứ… ở đâu mà ra? Thì ở đâu nữa. Ở ngay trong ta thôi. Ôi, cát bụi tuyệt vời! Khi vẽ được bản đồ hệ gene người, các nhà khoa học bật ngữa thấy tinh tinh, chuột bọ, cải ngồng, cổ thụ… đều có những gène y như vậy với một tỷ lệ khác nhau nhiều ít. Tinh tinh có đến 99% cấu trúc gen giống hệt bộ gen người, chuột bọ thì có đến 97,5% gen người… Ai dám bảo hôm nào đó chẳng “luân” chẳng “hồi” một phen, cho tinh tinh thành cải ngồng, cải ngồng thành chuột bọ…? Có cái nhìn xuyên suốt ngàn năm chắc thấy biết, còn ta mắt trần (nhục nhãn) chưa thấy được đâu, đành lớ ngớ, loay hoay.

Thực ra luân hồi sanh tử không chỉ vậy! Luân hồi sanh tử còn là tiến trình tâm trong mỗi sát-na. Từ sáng đến chiều, từ trưa đến tối ta đã… lang thang sáu nẻo biết bao lần. Hết thiên, nhân lại đến atula rồi ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, xà quần không ngưng nghỉ. Sáng bảnh mắt ra, tắm táp xong, người sảng khoái, lâng lâng, quần là áo lượt có thua gì… tiên đâu, vậy mà tới trưa nghe một cú điện thoại từ đâu đó bỗng đùng đùng nổi giận, đỏ mặt tía tai, bầm gan tím ruột, lọt tõm vào địa ngục… Chỉ một thoáng thôi, đã từ thiên đàng rơi xuống địa ngục, từ thiên nhân thành Atula, ngạ quỹ…

Biết rõ “cơ chế” bệnh sinh thì điều trị không khó. Có khi chỉ cần chữa triệu chứng. Có khi phải điều trị căn nguyên để không còn tái phát. Cái gì làm ta xà quần nổi trôi trong cõi luân hồi sanh tử? Cái gì có vẻ như mãi cợt đùa không mệt mỏi với ta? Chính cái “Ta” đó. Nó đó. Nó tạo nghiệp. Nghiệp từ thân, khẩu, ý mà nên. Cho nên chỉ có “ta” mới cứu được “ta” thôi! Cho nên phải quay lại với mình, phải nương tựa chính mình, còn tìm kiếm đâu xa?  Khi nhận ra “không phải của ta/ không phải là ta/ không phải là tự ngã của ta” thì có lẽ đã có một nụ cười thanh thản, an nhiên.

Phật có đến có đi. Có từ bi có hỷ xả. Có nói năng có im lặng. Có thể dùng âm thanh dùng ánh sáng dùng chuông mõ, tiếng tụng niệm mà thấy Phật. Nhưng Như Lai thì không. Không thể dùng âm thanh, ánh sáng mà thấy Như Lai. Kinh nói Như Lai thọ lượng mà không nói Phật thọ lượng vì Phật thọ lượng chỉ có hơn 80 năm! Kinh nói Như Lai thần lực mà không nói Phật thần lực vì Phật chẳng ưa chuyện thần thông. Kinh nói vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai mà không nói vào nhà Phật, mặc áo Phật, ngồi tòa Phật… Cho nên, Phật là Như Lai, mà Như Lai không phải Phật. Như Lai là Như Lai. Nó vậy đó.

ĐỖ HỒNG NGỌC
Saigon, 2.2019
(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment