Wednesday, July 31, 2019

ĐỌC ‘VŨ ĐIỆU KHÔNG VẦN’ TOÀN TẬP CỦA KHẾ IÊM


Phan Tấn Hải


Sách dày khoảng 630 trang, khổ giấy 6X9 inches, bên cạnh các bài thơ là những bài lý luận phức tạp, bên cạnh một số tranh minh họa của Ngọc Dũng, Thái Tuấn… cũng là các đồ hình lý luận về thơ Tân Hình Thức và cả khoa học…
Nhà thơ Khế Iêm đã xuất hiện rất mực Khế Iêm… Thơ Tân Hình Thức thường bị ngộ nhận là khó hiểu và bí hiểm. Nhưng nơi đây, độc giả sẽ không thấy thơ Khế Iêm khó hiểu hay bí hiểm… thực sự nhiều câu thơ rất dễ hiểu. Thí dụ, như bốn câu đầu bài thơ nhan đề “Tân Hình Thức và Câu Chuyện Kể” nơi trang  13, trích:

Khi tôi ngồi uống cà phê ngoài lề
đường và kể lại câu chuyện đã được
kể lại, từ nhiều đời mà đời nào
cũng giống đời nào, mà lời nào cũng…

Trong bốn câu toàn chữ dễ hiểu, chữ đời thường, không có từ nào thuộc loại Hán-Việt hay chữ cổ…  nhưng lý luận trong nhiều bài rất phức tạp, giải thích những lý do thơ kiểu Tân Hình Thức xuất hiện.
 Như vậy, tại sao thơ toàn chữ đời thường mà lại là thơ Tân Hình Thức? Có trái nghịch gì với thơ Tiền chiến và ca dao hay không?
Nhà thơ, và là nhà lý luận, Khế Iêm  trong bài viết nhan đề “Thơ Và Hiệu Ứng Cánh Bướm” nơi trang 47 đã giải thích, trích:

Tân hình thức Việt là con đường ngược chiều với Tiền chiến và ca dao lục bát, giải phóng khỏi vần và ngữ điệu hát (vần điệu), chắt lọc các yếu tố thơ cổ điển, thơ tự do và thơ không vần tiếng Anh, dùng ngữ điệu tự nhiên của những câu nói thông thường, vắt dòng và kỹ thuật lập lại (không vần), giống Tiền chiến, mượn các thể thơ 7, 8, 5 chữ như một hình thức nối, giữa truyền thống và hiện đại. Vần, nếu là yếu tố mạnh trong ngữ điệu hát, thì lại là yếu tố trở ngại trong ngôn ngữ thông thường, làm mất tự nhiên, và không còn cần thiết. Nếu thơ Tiền chiến chủ yếu dùng cách hoán chuyển chữ của ngôn ngữ độc âm, và thơ Tân hình thức Hoa kỳ quay về truyền thống, sắp xếp các âm tiết nhấn, thì thơ Tân hình thức Việt làm một khúc rẽ, không dựa vào ngôn ngữ mà vào những yếu tố ngoài ngôn ngữ trong cách vận hành của các hiện tượng đời sống, chẳng khác nào các thế võ Trung hoa hình thành từ sự học hỏi những động tác của loài cầm thú…” (ngưng trích)

Có thể ghi nhận về thơ Tân Hình Thức như giải thích trên: ngữ điệu tự nhiên, đời thường, không vần, lập lại (không vần), như thế võ từ loài thú…
Hình như Khế Iêm quên nói rằng thơ này múa theo động tác loài thú nào? Hổ quyền, hầu quyền, hạc quyền…?
Vâng, có một chỗ, hình ảnh cánh bướm được nhắc tới trong Vũ Điệu Không Vần… Nhưng, có phải cánh bướm vẫn có một nhịp điệu tự nhiên? Chỗ này lại cần tới công thức vật lý…

Tới đây, chúng ta có thể thắc mắc: Thơ Bùi Giáng, một hình thức thơ có vẫn đã hiển lộ rực rỡ nhiều thập niên qua, được nhìn dưới ống kính hiển vi của thơ Tân Hình Thức thế nào?
Khế Iêm trong bài viết nhan đề “Thơ Bùi Giáng, Một Thử Nghiệm Đọc” (trang 158-170) ghi nhận về ngọn núi thi ca họ Bùi, trích:

Thơ Bùi Giáng là cuộc vận chuyển không ngừng của ngôn ngữ. Và khi chuyển động, nghĩa của chữ chưa kịp xuất hiện thì ngay tức khắc bị chữ khác thay thế. Cứ như thế, thơ truy lùng thơ, ngôn ngữ truy lùng ngôn ngữ, và bài thơ này trùng lấp vào bài thơ khác. Nghĩa chữ chồng chất lên nhau, chữ này ẩn vào trong hay bị bao trùm bởi chữ khác, của bài thơ khác. Ý của thơ không còn nguyên ròng – bất định và ảo hóa. Đi tìm lại tiền thân, nhưng cũng chẳng ai biết bài thơ  nào là tiền thân của bài thơ nào. Thơ ở trên trời dưới đất, muốn đọc thì với lấy, nhặt lên, bất chợt và tình cờ, chẳng thể chọn lựa, chẳng thể dừng lại vì vòng quay có bao giờ dừng lại.
Trong lịch sử thơ Việt, chưa bao giờ lại có cuộc luân vũ mãnh liệt đến như thế, của ngôn ngữ. Và thơ, phải chăng, không nằm ở chính ngôn ngữ, mà ở khoảng khắc bốc hơi của ngôn ngữ, và chúng ta có thể tạm gọi cho đơn giản là quy trình hóa thân của ngôn ngữ. Bài thơ chẳng còn ở quá khứ hay hiện tại (và cũng chẳng phải tương lai) mà là tiến trình của thời gian. Và người đọc được mời gọi, nhập vào tiến trình ấy, để cùng hoàn tất thơ. Thơ làm khó diễn dịch và giải thích, vì vậy, chỉ còn lại người đọc và tác phẩm. Ngay tác giả cũng mờ nhạt trong định mệnh của vòng chơi. Nhưng không phải vì thế bài thơ không cần diễn dịch; sự diễn dịch cần thiết vì nếu nó kéo người đọc càng lúc càng xa tác phẩm, xa cách thơ, thì sẽ tạo nên phản ứng và nỗ lực làm người đọc tìm cách đến gần tác phẩm…”(ngưng trích)

Nghĩa là, theo Khế Iêm, thơ Bùi Giáng là: thơ truy lùng thơ, chữ chồng chất chữ, ý thơ bất định và ảo hóa, bất chợt và tình cờ, là khoảnh khắc bốc hơi của ngôn ngữ…
.
Tới đây, một câu hỏi có thể nêu lên: vậy thì, đặc tính thi ca của tuồng tích và cải lương nằm ở đâu, và vì sao lôi cuốn nhiều triệu người dân Việt trong nhiều thế hệ như thế?
Nhà lý luận Khế Iêm nhìn thế nào về tuồng tích và cải lương trong khi mời gọi các thi sĩ lên đường cho phong trào thơ Tân Hình Thức?
Trong bài “Đọc Thơ” (trang 1449-157) Khế Iêm giải thích về kho tàng thi ca trong cải lương, trích:

“…Đáng nói là từ trước đến nay, người làm thơ chỉ để ý đến tân nhạc, ngâm thơ, và đánh giá cao ca dao. Trong khi một bộ môn ít người để ý và coi thường là cải lương, lại cho chúng ta nhiều điều suy ngẫm. Bỏ qua những khuyết điểm rất lớn của cải lương là tuồng tích, thiếu chất sáng tạo và tư tưởng có tính trí tuệ, (thật ra, đối với cải lương thì đây không phải là khuyết điểm vì mục đích là phục vụ cho giới bình dân), bố cục và nút thắt đôi khi lỏng lẻo, không hợp lý, những đề tài tâm lý xã hội quen thuộc và lập đi lập lại, chủ yếu chỉ để lấy nước mắt và khêu gợi mối thương tâm, tại sao cải lương lại hấp dẫn và mê hoặc khán thính giả bình dân đến vậy. Lý do có thể tạm giải thích là, ngoài những giai điệu phong phú, sự thích nghi với mọi hoàn cảnh và thời đại, cải lương có một tính truyện, phối hợp được với rất nhiều bộ môn từ ngâm thơ, tân nhạc, kịch nghệ đến những đối đáp, và ngay cả lời ca cũng không chuốt lọc mà chỉ là những câu nói đời thường, phù hợp với những tâm trạng và đời sống của người bình dân. Không những có khả năng mở rộng, dễ biến hóa, hòa nhập mọi hình thái diễn đạt, để làm thành bản sắc, cải lương còn có thể vừa bảo tồn vốn cũ vừa tiếp nhận những cách tân, xứng đáng là một bộ môn nghệ thuật có tầm vóc. Chỉ tiếc rằng, cải lương đã không được coi trọng, càng ngày càng sa sút, một phần cũng là do sự ngáng trở của tầng lớp thị dân, sự lơ là của những người làm văn hóa…”(ngưng trích)

Nghĩa là, nhiều người chúng ta bỏ quên và coi thường cải lương, trong khi kho tàng cải lương cần được cách tân để trở thành một bộ môn nghệ thuật có tấm vóc.
Chúng ta có thể nêu câu hỏi: nếu câu ca cải lương được vắt dòng như thơ Tân Hình Thức, có thể cứu được bộ môn cải lương đang  bị sa sút hay không? Dĩ nhiên, không có câu trả lời. Vì không thấy soạn giả cải lương nào chịu vắt dòng cho câu ca. Thí dụ, cô đào cải lương đang khóc, câu ca “Ngày mai đám cưới người ta, vì sao sơn nữ Phà ca lại buồn” sẽ được vắt dòng kiểu thơ Tân Hình Thức như:

Ngày mai đám
cưới người ta
vì sao sơn
nữ Phà ca
lại ơ… buồn?

Khán giả sẽ vỗ tay tưng bừng sân khấu? Giả thuyết thôi, vì không soạn giả nào làm như thế. Và làm thế, không chắc là đỡ sa sút hơn, vì các gánh cải lương cần bán vé, và đó là quy luật thị trường, không phải hiệu ứng cánh bướm…
Tới đây, chúng ta thắc mắc về kỹ thuật: thơ Tân Hình Thức phá vỡ quy luật thơ Tiền chiến thế nào?
Trong bài viết nhan đề “Chú Giải về Thơ Tân Hình Thức” (trang 13-23) thi sĩ Khế Iêm giải thích:

Nếu thơ Tiền chiến, cách tân bằng cách, dùng cảm xúc để thoát ra khỏi luật tắc cứng nhắc của thơ cổ điển, thì thơ Tân Hình Thức Việt (tạm gọi như vậy) sử dụng ngôn ngữ đời thường, kết hợp với một số yếu tố và kỹ thuật của thơ tự do tiếng Anh, phá vỡ âm hưởng Tiền Chiến, chấm dứt nửa thế kỷ dậm chân tại chỗ của thơ. Thơ cổ điển, theo phép làm thơ của Thơ Đường, với luật bằng (level tone), trắc (deflected tone), vần (rhyme) và cao độ (pitch, gồm 4 tone), lao tâm khổ tứ vì chữ (dùng và chọn chữ) thì thơ Tiền Chiến chỉ còn giữ lại vài yếu tố như vần (thường là cước vận), trau chuốt chữ và cách đọc ngừng ở cuối dòng. Thơ chủ vào cảm xúc, nhẹ phần nội dung, nên không ra ngoài cảm xúc và ảo giác, đôi khi lại là cảm xúc mơ hồ, được tạo ra từ những vần điệu du dương. Thơ kéo người đọc ra khỏi đời sống, và chính người làm thơ cũng lánh xa đời sống. Có lẽ vì vậy nên nhiều người tưởng lầm rằng thơ chỉ có thể cảm chứ không thể giải thích vì làm sao giải thích cái không thể giải thích, khi âm điệu và cảm xúc được coi như điều kiện thiết yếu để đánh giá là thơ hay. Thơ trở nên bí ẩn, thuộc về thế giới mộng ảo, và nhà thơ giống như một nhà soạn nhạc, viết ký âm bằng chữ (nhiều bài thơ vần phổ nhạc rất thành công cho thấy, hai thể loại này gần gũi trong cách sáng tác). Đã có nhiều nhà thơ, cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng Tiền Chiến bằng cách làm mới ngôn ngữ và cảm xúc, tuy nhiên vì vẫn sử dụng phương pháp thơ Tiền Chiến, nên không những không ra khỏi, mà còn làm mạnh thêm ảnh hưởng đó. Ngay cả những nhà thơ tự do sau này, phá bỏ thể loại và vần, nhưng vẫn nương vào cảm xúc, âm và nghĩa chữ, chỉ khác là cảm xúc trong thơ Tiền Chiến dựa vào nhạc tính của vần điệu thì trong thơ tự do, hoặc dựa vào ý tưởng và âm chữ, hoặc vẫn dựa vào cách tạo nhạc của Tiền Chiến…” (ngưng trích)
.
Như thế, nhà thơ Khế Iêm đã nói rõ là, muốn kêu gọi: “phá vỡ âm hưởng Tiền Chiến, chấm dứt nửa thế kỷ dậm chân tại chỗ của thơ…”
Cụ thể là thế nào?
Trong bài “Chú Giải về Thơ Tân Hình Thức” đã đưa ra lời kêu gọi (hay, nên gọi là tuyên ngôn?) rất rõ ràng, trích:
Chúng ta hãy cùng bước trên  một con đường, dẫn dắt nhau, chẳng phải vì một cá nhân mình, mà cho sự hưng thịnh của thơ. Sự thất bại hay thành công không phải là điều quan trọng, mà là một dấu mốc cho những thế hệ mai sau, đỡ đi những vấp ngã. Nhìn lại trong suốt một chiều dài lịch sử văn học, từ thơ cổ điển, Tiền Chiến đến tự do đã có những tác phẩm định hình cho nền thơ Việt. Ngay bây giờ, chúng ta vẫn còn phải trở lại những thời kỳ đó, để học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm và làm khác đi, mở đầu cho một nền thơ tân kỳ. Chúng ta chỉ xứng đáng, và tiếp nối được với công sức lớn lao của những thế hệ trước, nếu tìm ra được phương cách biểu hiện, tạo thành một chuyển tiếp, và chứng tỏ, thơ Việt vẫn là một nền thơ tràn đầy sức sống. Lịch sử đã sang trang, và một thời kỳ mới cũng đã bắt đầu, có một ý nghĩa vô cùng chuẩn xác. Chuẩn xác vì ai cũng biết, chúng ta không thể sống với một tâm tư cũ, những thói quen cũ. Chào đón một thiên niên kỷ hay một tân thế kỷ không phải chỉ là một lời nói suông, mà mỗi chúng ta cần phải chấp nhận sự lột xác. Sự học hỏi chỉ có ích nếu giúp cho chính chúng ta và mọi người áp dụng vào được trong sự thực hành. Chúng ta cần nhiều người tham gia vào công cuộc chung, có như thế mới thay đổi được, và chính thức bước vào một thiên niên kỷ mới…” (ngưng trích)

Lời kêu gọi đó đưa ra vào Mùa Xuân 2000… và bây giờ, khi tuyển tập Vũ Điệu Không Vần ấn hành là mùa hè 2019. Kể như sau 20 năm.
Trong Thư Cảm Tạ (trang 9), nhà thơ Khế Iêm viết:

Tập sách gồm 3 phần: Vũ Điệu Không Vần, Cách Làm Thơ, Thơ và Không Thơ, với 35 tiểu luận cùng phần dịch thuật, cung cấp thông tin chi tiết về ngôn ngữ, luật tắc trong sáng tác và thưởng ngoạn. Viết về thơ, không hẳn chỉ là công trình biên khảo, mà còn là sự ghi nhận những chặng đường tìm kiếm trong sáng tạo của người làm thơ. Bài viết, vì thế, có thể coi như một dạng thơ văn xuôi. Đó là lý do tại sao, tập sách đã kéo dài suốt 18 năm. Trong quá trình viết, in ấn, chúng tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của một số thân hữu, đặc biệt là các nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, Điểm Thọ, Nguyễn Đình Chính, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nguyễn Lương Ba, Xuân Thủy. và Phạm Quyên Chi. Sau cùng, chúng tôi chân thành cảm tạ bạn đọc đã dành chút ít thì giờ quan tâm tới những vấn đề chuyên biệt của thơ. Và, cũng như bất cứ những việc làm nào khác, sự sai sót là điều không thể tránh khỏi, xin quí thân hữu và bạn đọc lượng tình tha thứ…”

Ngắn gọn, tuyển tập cần đọc kỹ càng. Độc giả không thể đọc nhanh được, vì nhiều trang lý luận rất phức tạp. Tuyển tập do Tan Hinh Thuc Publishing Club ấn hành.
Câu hỏi liên lạc qua Email: baogiaytanhinhthuc@gmail.com
Trang web đọc thêm ở:

Nhưng nhà thơ Khế Iêm là ai?
Câu hỏi trên muốn được trả lời, nên đặt theo thể vắt dòng:

Nhưng nhà
thơ Khế
Iêm là
ai?

Theo tiểu sử chính thức, nhà thơ Khế Iêm là:
Tên thật Lê Văn Đức sinh năm 1946 tại Lê Xá, Vụ bản, Nam Định. Chủ trương Tạp Chí Thơ tại Hoa Kỳ và phong trào thơ Tân hình thức Việt. Thơ dịch của ông xuất hiện trên Xconnect (volume III, Issue II), Literary Review (Winter 2000) và The Writers Post; tiểu luận dịch trên The Writers Post. Ông tham gia hội nghị hàng năm lần thứ 56 (2004) của Hiệp hội Nghiên cứu Á châu (Association Asian Studies) về thơ các quốc gia vùng Đông Nam Á, gồm Thái Lan, Phi Luật Tân và Việt Nam, với chủ đề, “Poetry as a Window on History and Change in Southeast Asia” (Thơ, cửa sổ qua lịch sử và biến đổi tại Đông Nam Á).
Chủ biên Blank Verse (Thơ Không Vần, 2006) và Thơ Kể (Poetry Narrates (2010), cả hai là thơ Tân hình thức Việt, ấn bản song ngữ. Tác Phẩm: Hột Huyết (kịch, Sàigòn 1972), Thanh Xuân (Văn Mới 1993), Dấu Quê (Traces of My Homeland, ấn bản song ngữ. Tan Hinh Thuc Publishing Club, 2013), Thơ Khác (Other Poetry, ấn bản song ngữ, Tan Hinh Thuc Publishing Club, 2011). Stepping Out, Essays on Vietnamese Poetry (Bước Ra, ấn bản song ngữ, Tan Hinh Thuc Publishing Club, 2012).”

Tuyển tập Vũ Điệu Không Vần có thể mua trên mạng với giá 12 đôla, sau khi vào Amazon.com xin gõ nhóm chữ: “vu dieu khong van tu khuc va nhung tieu luan khac”…
Đây là một tác phẩm cần có  đối với tất cả những người quan tâm về thi ca Việt Nam thế kỷ 21.


CON ONG VÀ CHÚ BÉ


nguyễnxuânthiệp

A bee. By Angie Renfro
Source: Internet
Đêm
anh ngồi đọc. emily dickinson
gặp chú ong
ngày nào
và đứa bé
đi tìm mặt trăng. trong đám lá khô
đứa bé cười vui. với nắng
chú cùng với con ong
chui vào bụi rậm. rồi ngủ. say. trong mùi mật hoa
cho tới khi mặt trời. như trái chín. rụng
tôi phải đánh thức. gọi chú về
hê. con ong. như chiếc thuyền nhỏ. bay đi
ôi. con ong. con ong của chú bé
và những ngày vui

còn con ong nhỏ của tôi
em ơi
đã chết. trên cánh đồng của tóc khô. và những cây
                                                                  gai nhọn
NXT


Monday, July 29, 2019

NGÀY GIÓ LÊN


Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh


1
Bác sĩ bảo cứ để cho Mẹ ăn uống thứ gì Mẹ thích. Thế nhưng Mẹ không thích nữa. Đúng hơn là Mẹ không thể thích. Mẹ hầu như đã mất khẩu vị. Lúc trước, cảm thấy thèm ăn, mỗi ngày Mẹ ra một “menu” cho tôi mua hoặc nấu, khi thì bún bò, khi thì bún riêu, rồi nào là phở, mì, bánh xèo, cơm tấm… Món gì Mẹ ăn cũng thích thú. Tôi không thấy bận rộn gì thêm, bởi vì phần lớn là tôi mua, chứ không thể bày ra nấu nướng, trừ những ngày nghỉ. Tôi quá bận rộn với việc sở. Có khi không kịp ăn sáng, tôi cứ vừa lái xe vừa gặm chút bánh mì, cũng xong. Nhưng tôi cảm thấy thích thú với những món ăn Mẹ yêu cầu. Nếu Mẹ cứ ăn được như vậy hoài thì quá tốt.
Chỉ mới đầu tháng trước, Mẹ trở nên biếng ăn. Chuyện này trùng hợp với kết quả xét nghiệm đột ngột xấu hẳn đi. Mẹ không còn đáp ứng với thuốc nữa. Các bác sĩ hội chẩn và quyết định ngừng trị liệu. Cả nhà đều biết phải làm gì.
“Mẹ ơi! Ly sữa nguội quá rồi!”
“Mẹ biết. Cứ để đó, khi nào Mẹ uống thì Mẹ hâm lại.”
“Mẹ cứ nói, con hâm.”
“Ừ. Con cho Mẹ vào máy một chút.”
Tôi kéo cái bàn lưu động bên trên có đặt cái laptop đến gần cho Mẹ, giúp Mẹ ngồi thẳng lên. Mẹ vẫn thích vào máy để viết email, dù không ngồi được lâu. Mẹ lẩm bẩm:
“Bây giờ người ta không có dùng lịch giấy, lịch bóc hàng ngày… thì mình vào máy, coi ngày giờ trong máy vậy.”
Tôi mỉm cười:
“Mẹ thích coi lịch giấy, con đi mua cho Mẹ, thiếu gì ngoài tiệm.”
Mẹ lắc đầu:
“Không cần đâu con! Mẹ xem trong này. Không cần bóc lịch, họ đã ghi sẵn mỗi ngày. Đây rồi! Mình… còn một tháng nữa.”
Tôi rùng mình.
“Một tháng… sao hở Mẹ?”
“Mẹ đau lưng quá! Mẹ muốn nằm.”
Tôi đỡ Mẹ nằm xuống. Mẹ nhắm mắt lại. Mẹ có vẻ vui vì được có tôi bên cạnh. Tôi đã báo bệnh để nghỉ ở nhà một ngày. Tôi đã ở bên Mẹ quá ít chăng? Cả những gì Mẹ suy nghĩ trong đầu, tôi cũng không biết. Thôi thì cứ giúp Mẹ đi tới đi lui khi còn có thể đi được, rồi thì ngồi lên, nằm xuống. Biết đâu có lúc Mẹ khỏe, Mẹ lại kể chuyện đời xưa cho nghe.
Thế nhưng Mẹ hiếm khi kể chuyện đời xưa. Mẹ chỉ nói về hiện tại. Hiện tại là Mẹ đang chống chọi với căn bệnh ung thư. Bệnh khởi phát sau khi Mẹ sinh ra tôi. Mẹ chiến đấu rất quyết liệt. Có lúc tưởng chừng bệnh đã khỏi, thế nhưng gần đây lại tái phát. Và nay đã đến lúc Mẹ phải dừng lại. Mẹ đã chấp nhận.
Tự nhiên tôi có một cảm giác lạ kỳ bùng lên trong lòng. Từ trước đến giờ, tôi và cả nhà đều biết Mẹ sống chung với căn bệnh là hết sức khó khăn, điều đó đã quá rõ. Nhưng ngay lúc này đây, tôi thấy tôi sắp để vuột mất một cái gì. Ý nghĩ đó làm tôi chới với. Mẹ đang ngủ, hoặc chỉ là nhắm mắt. Tôi thấy tôi đang ngồi gần Mẹ, và cũng đang dần xa Mẹ.
“An nè!”
Tôi giật mình, chợt nhận ra mình vui mừng vì Mẹ còn đang sống.
“Dạ?”
Mẹ mở mắt, nói nhẹ như gió:
“Hồi nãy Mẹ xem ngày trong máy, Mẹ muốn nói với con điều này.”
“Sao hở Mẹ?”
“Mẹ… muốn nói đến cái ngày Mẹ chết.”
Tôi hoảng hồn:
“Mẹ ơi! Đừng, Mẹ…”
“Cho Mẹ nói đi! Ít ra, Mẹ muốn An biết cái điều Mẹ mong muốn. Từ trước đến nay, Mẹ luôn nghĩ đến một ngày. Cái ngày đó ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tư của Mẹ. Mẹ tưởng Mẹ đã chôn được nó rồi, chôn thật sâu rồi… Nhưng không, Mẹ vẫn sống với nó hằng ngày. Các con không thể biết đâu!”
“Tại sao tụi con không thể biết hở Mẹ?”
“Bởi vì Mẹ không muốn. Mẹ thì không dứt bỏ được cái ngày đó. Cho nên, ước nguyện cuối cùng của Mẹ là được ra đi vào đúng ngày đó con ạ!”
“Con chưa hiểu…”
Mẹ cười nhẹ:
“Ông bà mình ngày xưa, có người hay lắm, biết trước ngày giờ mình chết. Mẹ thì không giỏi như vậy. Mẹ chỉ cầu mong được như vậy. Mẹ chỉ còn một tháng. Mẹ sẽ gắng… sẽ kéo được đến ngày đó.”
“Không, Mẹ ơi! Bác sĩ đâu có nói Mẹ còn một tháng. Mẹ sẽ khỏe. Mẹ sẽ lành bệnh mà!”
“Mình không tự lừa dối mình được đâu, An! Hãy cảm thông với ước nguyện của Mẹ. Mẹ muốn ra đi vào đúng ngày đó, ngày ba mươi tháng Tư.”
Mẹ không nói tiếp được nữa. Mẹ khóc nức nở. Tôi không dám hỏi thêm. Ôi, tôi có thể làm gì cho Mẹ bây giờ đây? Tôi vỗ về Mẹ như dỗ một em bé, mong Mẹ sẽ ngủ cho sâu.

2
Ngày ba mươi tháng Tư! Chắc chắn không phải là ngày sinh hay ngày mất của một ai trong gia đình, họ hàng. Và phải là một ngày rất đặc biệt để Mẹ ước mong ra đi vào đúng ngày đó. Trực giác bảo tôi phải tìm hiểu. Tôi vào máy, gõ “April 30 Vietnam” và tôi đã thấy. Ôi, tôi nhớ mình nghe đã lâu rồi, rằng Ba Mẹ chạy khỏi Việt Nam, nhưng tôi không hề biết ngày ba mươi tháng Tư là ngày gì. Hay là Ba Mẹ đã có nhắc đến mà tôi không ghi nhớ?
Hai anh em tôi sinh ra trên đất Mỹ. Những gì gọi là “chất Việt Nam” chúng tôi có được là từ cha mẹ, và từ tiếng Việt mà cha mẹ và chúng tôi nói với nhau trong nhà. Lớn dần, đi học, đi làm, chúng tôi cũng đã pha trộn rất nhiều trong tiếng Việt đó. Chúng tôi đi học ở những trường không có người gốc Việt. Nơi chúng tôi sống cũng không có người gốc Việt. Thế đó! Tôi tự trách mình không hiểu nhiều. Và cũng băn khoăn vì sao Ba Mẹ không nói nhiều cho chúng tôi nghe về những điều đó.
Ngày ba mươi tháng Tư, Fall Of Saigon, theo như internet đã nói. Vài năm sau cái ngày đó, cha mẹ tôi đã ra đi. Họ là những người còn rất trẻ, tuổi đôi mươi, vượt biển không gia đình không họ hàng. Họ gặp nhau ở đảo. Hai người cô đơn. Họ cần nhau, yêu nhau. Khi đã qua định cư yên ổn ở Mỹ, họ cưới nhau. Chuyện gia đình tôi là như thế, chúng tôi được cha mẹ kể cho nghe rất gọn gàng. Còn những gì mà chuyện gia đình tôi trải qua dưới mắt chúng tôi thì không gọn gàng chút nào. Anh em chúng tôi lớn lên trong bầu không khí “chiến tranh lạnh” giữa cha và mẹ. Họ cư xử với nhau rất lịch sự, nhưng tình yêu không còn. Ba quá khác Mẹ. Ba năng động, thích làm ra nhiều tiền, thích giao thiệp rộng, thích đi du lịch, thích hưởng thụ. Mẹ trầm lặng, kín đáo, thích dành dụm, thích làm việc thiện. Thời gian bị bệnh trở tới trở lui, Mẹ vẫn đi làm. Những ngày phải “chemo” thì Mẹ nghỉ ở nhà, sau đó lại làm việc. Có khi cả tháng trời Ba và Mẹ không nói với nhau một câu. Anh em chúng tôi bị khủng hoảng tinh thần như đang sống với một trái bom nổ chậm. Cho đến một ngày, bom nổ. Rất gọn gàng, Ba Mẹ mời anh em tôi ngồi lại, “xin” cho Ba Mẹ được ly dị. Hai anh em khóc, khóc rất nhiều. Nhưng chúng tôi đã đồng ý. Thôi thà như vậy mà tốt cho mọi người hơn. Chúng tôi cũng đã lớn. Anh tôi học xong, ra trường, đi làm xa. Tôi ở với Mẹ. Rồi tôi cũng sẽ đi. Chuyện đơn giản như những gia đình bình thường ở Mỹ.
Sau khi ly dị, có vẻ như Ba và Mẹ được bình yên hơn. Ba có công việc kinh doanh với thân nhân ở Việt Nam. Ba thường về Việt Nam. Và Ba cưới một người vợ ở đó, cùng Ba lo việc làm ăn. Ba hoàn toàn thích nghi với những gì mới mẻ. Mỗi khi về Mỹ, Ba và vợ cùng nhau ghé thăm Mẹ và anh em tôi. Còn Mẹ, Mẹ giữ nhịp sống bình thường, thanh thản. Nhưng có nhiều lúc, tôi thấy Mẹ như chìm hẳn vào một không gian khác.

3
Tháng Tư, trời vẫn đang mùa xuân. Với tôi, Mẹ vẫn chưa già. Tôi nghĩ, giá không bị bệnh này, chắc Mẹ còn sống lâu lắm. Tôi chưa có dịp dẫn Mẹ đi chơi đây đó. Bây giờ thì không thể nào. Mẹ không còn ăn uống được. Mẹ đang được chăm sóc theo cách “hospice tại nhà.” Mẹ gầy rộc đi. Một hôm Mẹ bảo tôi ngồi sát lại gần, nói bằng giọng yếu ớt:
“An, Mẹ có một lá thư viết lâu rồi, gửi cho con, nhưng con hãy hứa với Mẹ là chỉ đọc nó khi Mẹ đã đi rồi nghen con!”
Tôi ngạc nhiên:
“Thư gì hở Mẹ?”
“Chỉ là những lời dặn dò thôi. Mẹ sợ đến một ngày Mẹ không còn nói hay viết nổi. Con hứa với Mẹ đi!”
“Dạ con hứa.”
“Mẹ cất lá thư trong hộc tủ kia.”
“Dạ.”
“Cám ơn con. Mẹ yên tâm đợi ngày ba mươi.”
Mẹ nhắm mắt lại, nằm yên. Mẹ mấp máy môi, tôi nghe thoang thoáng:
“Ngày ba mươi… tháng Tư… mười hai giờ trưa… Tôi đã sống đủ hơn bốn mươi năm…”
Mỗi ngày, Mẹ đều muốn vào máy một chút. Mẹ nhìn ở góc dưới bên phải của màn hình, coi ngày tháng và cả giờ phút. Mẹ đếm những tờ lịch tưởng tượng của mình, như cô gái trong truyện của O. Henry đếm từng chiếc lá héo hắt ngoài song. Ngày ba mươi sẽ là chiếc lá cuối cùng. Tôi ao ước có ai đó vẽ giùm tôi chiếc lá cuối cùng để nó sẽ không bao giờ rơi. Tôi ao ước thời gian ngừng lại ở ngày 29 để Mẹ đừng ra đi, đừng xa chúng tôi…
Ngày 29. Mẹ đã không còn hơi sức. Mẹ thở rất yếu. Y tá đến, cho Mẹ thở oxy. Mẹ hầu như không nhìn thấy gì. Nhưng Mẹ vẫn hướng mắt nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường, và đưa cánh tay khẳng khiu chỉ về phía hộc tủ. Tôi nói nhỏ vào tai Mẹ:
“Mẹ yên tâm. Con nhớ lời Mẹ dặn.”
12 giờ khuya. Tôi nói nhỏ vào tai Mẹ:
“Mẹ ơi, đã qua ngày 30.”
Mẹ gật đầu nhè nhẹ. Tôi bỗng thấy mình mạnh mẽ lên cùng với Mẹ. Tôi trở thành người đồng hành để Mẹ yên tâm thực hiện điều ước cuối cùng. Mẹ muốn đi lúc 12 giờ trưa. Tôi ngồi sát bên Mẹ, đếm với Mẹ từng giờ. Trời sáng dần. Mẹ thở thoi thóp. Mẹ ơi ráng lên!
9 giờ sáng, Mẹ đi. Mẹ không còn đủ sức chờ.

4
“An yêu thương của Mẹ,
Đây là lời dặn dò mà Mẹ mong đứa con gái cưng của Mẹ làm giúp cho Mẹ một khi Mẹ đã ra đi. Xin làm đám tang cho Mẹ thật đơn giản, không nhận hoa phúng điếu. Hai con hãy đặt một thùng “donation” để xin tiền quyên góp tùy tâm, và nói rõ là quyên góp tặng cho những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đang còn ở tại quê nhà. Mẹ còn một số tiền đã rút từ ngân hàng, con hãy gom chung với tiền quyên góp để làm giùm Mẹ chuyện đó. Mẹ rất yên tâm vì hai con đã có thể tự lo liệu cuộc sống của mình. Vậy hai con giúp Mẹ làm tròn ước nguyện của Mẹ nhé! Những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa sống lây lất nghèo khổ trên khắp đất nước, không nhận được một sự cứu giúp nào hết, rất thương tâm. Chúng ta có làm cũng chỉ là làm một phần nhỏ nhoi cho một số vị nào đó thôi. Con có biết rằng những người thương phế binh đó là một phần đời của Mẹ? Phần đời đó đã khắc sâu trong Mẹ. Cho dù có thích nghi với những hoàn cảnh mới, góc rất khuất trong tâm hồn đó vẫn còn nguyên vẹn.
Nếu có thể được, hai anh em đi về Việt Nam một lần, nhờ một ngôi chùa hay nhà thờ giúp mời quý ông bà họp mặt và trao quà tận tay họ. Mẹ hy vọng Ba cũng sẽ cùng đi. Hãy xin họ nhận tấm lòng của một người vô danh, một người đã từng săn sóc họ trong những phút giây họ đau đớn. Vâng, nỗi đau của họ cũng chính là nỗi đau của Mẹ. Mười hai giờ trưa ngày ba mươi tháng Tư năm 1975, Mẹ lúc đó vẫn còn đang khoác áo “blouse” trắng, bất lực đứng nhìn họ bị đuổi ra khỏi quân y viện, vết thương còn đỏ máu, người mù cõng người què, lê lết không biết đi về đâu…
Mẹ cám ơn con, cám ơn hai anh em đã cho Mẹ những phút giây vui sướng được làm mẹ. Riêng Mẹ, Mẹ chờ đợi được thanh thản ra đi vào ngày giờ đó, cái ngày cái giờ Mẹ không quên. Mẹ chờ đợi đã hết sức. Đã tạm đủ. Hơn bốn mươi năm…”

Tháng 6/2019
CAM LI NGUYN THỊ MỸ THANH

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 85