Wednesday, September 17, 2014

TÙY BÚT BAN MAI




Lá thư tay


Hoa quỳnh. Đinh Cường

Tôi không nhớ đã bao lâu rồi tôi không nhận được một lá thư viết tay.
Thời thiếu nữ, những giấc chiều tôi thường hay đứng trước hiên nhà trông ngóng, đón bác đưa thư. Mỗi lần ông đi ngang, tôi đều hỏi có thư của cháu không, những xao xuyến, chờ mong đều gói trọn vào túi xách sau chiếc xe đạp của ông.
Tôi hồi hộp nhìn, một cái lắc đầu là ngày đó tôi buồn bã.
Nhưng khi thấy ông cười là tôi hân hoan, tràn ngập hạnh phúc, vì biết chắc mình có thư. Cầm lá thư trên tay, với con tem bên góc tôi biết mình đang nhận thư ai. Vẫn chừng ấy tình cảm, vẫn những dòng thư nhưng sao tôi vẫn yêu, vẫn thích khi cầm trên tay nét chữ người gửi. Chạm vào lá thư như chạm vào người viết, nó cho tôi cảm giác người bạn hiện hữu. Ngàn cánh thư điện tử chỉ tích tắc Delete, hộp thư sẽ trống rỗng, ta rơi vào hư không. Nhưng một dòng viết tay trong phong thư sẽ là mãi mãi.
Người ta nói “Văn là người” nhưng với tôi “Chữ cũng là người”.

Đêm nay dọn lại chồng sách cũ, bỗng rơi xuống mảnh giấy ngã vàng, loại giấy đen xỉn của thời bao cấp, với những dòng chữ viết tay địa chỉ một người. Tôi run khi cầm mảnh giấy trên tay, chỉ là vài dòng chữ nhỏ nhưng tôi đã cố công tìm nó mấy chục năm nay.
Khoảng đầu những năm 1990, một buổi sáng tôi đang làm việc tại trường, ông trưởng phòng hành chính đến báo cô có một người bạn từ Mỹ về thăm, ông nhìn tôi với vẻ dò xét. Tôi bấn loạn, có phải những người bạn học ra đi năm 1979 trở về tìm tôi, dãy hành lang khoảng vài chục mét nhưng sao lúc này dài hun hút. Tôi nghe cả nhịp đập thôi thúc của trái tim mình.

Một người đang đứng đợi tôi bên tiền sảnh, tôi cười chào nhưng với tôi anh thật xa lạ.
Anh hỏi tôi có nhớ anh là ai không, tôi ngượng ngập nói một lô tên họ mấy người bạn ngày nhỏ, nhưng anh lắc đầu. Anh nói mới về hôm qua, đến nhà thăm ba mẹ tôi, biết tôi đang làm việc trên trường nên anh đến tìm. Anh nói mọi vật đều lạ lẫm, anh không biết ai hết, chỉ nhớ có mình tôi, ngày mai anh phải đi rồi. Cuối cùng, tôi cũng nhớ ra, anh ở trong  con đường đối diện nhà tôi, thời tiểu học chúng tôi học cùng nhau, ba anh làm cảnh sát hay quân cảnh gì đó, nên  gia đình anh  ra đi trước tháng 4 năm 1975, ngày ấy tôi chỉ là một con  bé con.
Làm sao anh hiểu, cuộc sống với bao nỗi lo toan  quay cuồng ở nơi này, làm con người không còn thời gian để nhớ lại những ngày xưa cũ.
Tôi hẹn sẽ gặp lại, anh viết địa chỉ trên mảnh giấy xé vội nói tôi hãy liên lạc. Thế nhưng, mấy ngày sau tôi mới đến tìm, và anh đã đi.

Rồi thời gian trôi qua, bao nhiêu lần chuyển đổi, mảnh giấy thất lạc. Tôi đã muốn viết lời cảm ơn, thăm hỏi gia đình nhưng không tìm ra địa chỉ, tôi nhớ anh nói đang sống ở Quận Cam tại Cali.

Giờ đây, cầm mảnh giấy trên tay, tôi phân vân không dám viết thư. Mấy chục năm rồi, anh có còn ở nơi chốn cũ?
Tôi muốn nói lời cảm ơn anh. Cảm ơn cái tình, anh đã nhớ đến tôi, có lẽ ngày nhỏ tôi và anh  thân nhau lắm, nên khi trở về anh đi tìm tôi. Với tôi cử chỉ ấy là một can đảm, là một nghĩa tình. Vì ngày ấy, những người ở nước ngoài trở về còn rất hy hữu, đó là những năm đầu mở cửa, ai cũng sợ hãi nên không dám về, có lẽ anh là người đã trở về sớm. Lần gặp ấy, tôi và anh chưa nói được gì dưới cái nhìn tò mò chung quanh nên cả hai đều bối rối.
Nghĩ lại, tôi thấy tội nghiệp cho những ngày tháng xưa, giá như ngày ấy là bây giờ thì  mọi việc sẽ tự nhiên và cởi mở hơn nhiều. Và anh sẽ không trở về trong buồn bã.

Thời công nghệ thông tin, người ta nói chuyện với nhau bằng điện thoại, email, tin nhắn… và giờ đây là mạng xã hội facebook.
Những dòng thư điện tử thời @ lên ngôi, nhanh chóng và tiện lợi đã giết chết những lá thư tay. Ngành bưu tá đang hấp hối, không chỉ riêng nước tôi, có lẽ trên toàn cầu.

Cho dù hàng ngày tôi vẫn sử dụng email, tin nhắn, liên lạc facebook, nhưng với tôi những lá thư tay, những dòng chữ viết  bao giờ cũng mãi giá trị trường tồn.
Lâu lắm rồi, tôi thèm đọc một lá thư viết tay.

Quy Nhơn, 5.2014
BM

No comments:

Post a Comment