Sunday, October 29, 2023

THE WHITER SHADE OF PALE.

Tố Nghi
 
Ban nhạc Procol Harum
 
Câu "xấu đẹp tùy người đối diện" để chỉ khuynh hướng sở thích, y hình trong thẩm mỹ nghệ thuật.
Khuynh hướng sở thích ấy có lẽ bị chi phối rất nhiều, do tuổi tác thời gian, sang khả năng trình độ, và học hỏi giao tế v.v. Chưa kể là trong thương trường, còn được hướng dẫn cặn kẽ bằng "chỉ đạo nghệ thuật" - nên rồi đã có hẳn một ngành học chuyên môn về chuyện chỉ đạo ni, kêu bằng marketing, tức tiếp cận thị trường qua quảng cáo. Chỗ nào quảng được là y phép quảng liền tù tì bất kể - nhứt là quảng chùa, nghĩa là xấn đại vô nơi có đông người qua lợi, rồi xí xa xí xô chào hàng và trương biểu ngữ túi bụi.
Nói dài nói dai, rằng tại bị mà là... thích nên thấy hay, còn hổng thích thì thấy dở.
Nhac thời tui, tui nghe thấy hay nên cứ ráo riết nghe miết, rồi yên chí rằng... dòng nhạc của mình nó noble chớ hổng ồn ào hỗn độn như nhạc của đám trẻ sau này. Vậy chớ đám trẻ trong nhà chúng nói... nhạc người già cứ một giọng đều đều, buồn ngủ hết biết !
 
1-
Procol Harum PH là ban nhạc hồng mao ở thập niên 1950, sau Beatlles nhưng trước Queen band, cùng lừng lẫy một thời.
"The whiter shade of pale" của rock band Procol Harum, đã đưa danh tiếng PH lên đỉnh thiên hà giữa thập niên 60, đứng đầu top hit tại Anh trong nhiều tuần. Sang tới mỹ nó đứng hạng nhì, 1 tuần sau đó tụt thẳng xuống hàng thứ năm, rồi mất tăm mất tích - Hiện nay nó giữ vị trí 57 trong ‘The all time top 100’ theo báo The Rolling Stones.
 
Thời ấy, nghĩa là lúc măng non vừa lú mộng, tui tuyền nghe nhạc rock. Chưa hề biết tới nhạc cổ điển, mà nếu có biết chắc cũng sẽ không nghe, vì nhạc chi buồn ngủ quá xá. Tui nghe Beatles ít ít, nghe Queen và Procol Harum nhiều hơn - nhạc Pháp tui chê yếu xìu thiếu khí thế - Nghe thì nghe vậy chớ hổng hiểu chi, mà cũng chẳng cần phải tìm tòi hiểu cho tốn giờ tốn sức. Nhạc khi này thực sự là để giải trí giúp vui.
Ngộ cái là (chưa nhìn ra lý do vì sao heng) những bài hát càng có lời lãng đãng tối hù chừng mô, càng hấp dẫn tui chừng nớ. Chúng y chang những bí mật mơ hồ dấu kín trong bài thơ cô đọng, kỹ càng tới thiếu hẳn ánh quang. Dĩ nhiên tune nhạc phải dễ nhớ. Nhớ được âm diệu rồi thì lời ca cũng sẽ dễ nhớ ra mà hổng cần, chưa cần phải hiểu thấu đáo!
Mà lời của bài ‘The whiter shade of pale’ tối hù thiệt, ấm ớ tới hổng cách chi hiểu cho ra. Người nghe (ai còn hỏi) mới chụp chỗ này, giựt chỗ kia, câu giây lắp bóng lung tung nhưng nhứt định ánh quang hổng ló dạng ! Rồi nó (ai vô đây nữa) mới  rọi đèn hallogen xăm soi và lượm ra hai secret codes gợi trí tò mò : the miller's talethe 16 vespal virgins.
 
Miller's tale là chuyện kể, ghi chép trong tập ‘The Caterburry tales’ của thi hào Anh Geoffrey Chaucer hồi thế kỷ 12 xa lơ xa lắc
Ngôn ngữ tiến hóa với thời gian, độc giả của thế ký 21 đọc văn chương thế kỷ 12 cần tới phụ đề, vì văn chương thời nẳm là văn chương cổ đại đã dần dà mai một -  chừ đọc dzăng chương xã hội chủ nghĩa VC, người ta cũng cần phụ đề hiểu mới thông  -
Chaucer trong thơ văn Anh chắc tầm vóc cỡ Nguyễn Du trong thơ văn Việt.
Cả hai đều chấp bút lúc ngôn ngữ nước nhà chưa trưởng thành, chữ nghĩa còn lệ thuộc ngoại bang.
Thời của Chaucer, Pháp ngữ (cổ) là tiếng chánh thức dùng trong triều đình, do William The Conqueror mang từ Normandy sang. Thời Nguyễn Du, ngôn ngữ văn học là tiếng hán việt- hán nôm, ảnh hưởng từ thiên triều phương bắc. Thành ra… The Canterburry Tales và Truyện Kiều  đã được xếp vào dòng văn học cổ điển khai phóng (...có lẽ).
 
The miller's tale vui hay buồn tùy người đối diện. Đây là chuyện mọc sừng được người thợ cối gió kể ra mua vui. 
Sừng hổng lú nhú hươu non nha, nhưng lộc đã tồng ngồng, nấu cao nhung bán cùng làng dám cũng đủ.
Vậy mà đứa có sừng vẫn đực ra hổng hay hổng biết. Thế mới độc địa !
Số là... chú thợ mộc mèo mù MM kia, lớ ngớ sao vớ được con cá chiên CC trẻ đẹp gợi cảm, khiến tên học việc mèo sáng MS (chưa mù, chưa kịp mù) dòm ngó chảy nước miếng. MS vờn miết cũng chụp được CC chấm mút qua ngày. Rồi MS và CC bèn tương kế tựu kế đưa MM vào tròng đặng bày bàn thong thả đớp hít nhau.
 
Mèo này nói với mèo kia: Thày ơi, trò mới được trời thông tri chuyện sắp có lụt, dám lớn cỡ trận đại hồng thủy của Noê trong Cựu Ước. Thành hai thày trò ta nên bào gỗ bện cói, làm liền 3 chiếc thúng bự treo tòng teng trên xà nhà, tối tối leo vô đó ngủ cho yên. Khi mô nước dâng cao, ta cắt dây thúng mần màn thuyền ra cửa biển, hổng phải lo lắng chi ráo.
Vậy mà mù tin sáng nha trời - thì vậy mới mù - Thế là tối tối 3 đứa nó rủ nhau leo vô ngủ thúng chờ lụt. Nhưng thiệt sự chỉ có mù thôi, còn sáng và cá cũng leo, nhưng leo vào giường (của mù) mền gối với nhau, vừa rộng êm vừa ấm áp.
 
Nhà thờ trong làng, có cậu giúp việc GV nhà chúa, thấy CC yểu điệu vào ra cầu nguyện bèn sanh lòng đói bụng, tìm cách cắp CC về chấm nước mắm gừng đớp cơm. GV phong phanh biết chuyện lộc nhung nên yêu sách hẹn hò CC giữa khuya, dưới ánh trăng lu bên khung cửa sổ. Tối đó GV tới nhà thợ mộc, serenade tán tỉnh một chập, xong biểu cá đưa má cho hôn một miếng. Vốn đã thành tinh, CC bèn vạch đít chỏng mông ra - nghiêng đầu mần chi cho mỏi cổ kia chớ - Hôn được một cái GV hí hửng mừng rơn, hẹn ngày giờ trở lợi hôn tiếp. Dè đâu mèo sáng (MS) tương kế tụu kế, thế đít dùm
 
Chẳng may phong phanh biết đặng, GV bèn thủ thanh sắt lò rèn nung đỏ, đít vừa đưa ra là a lê hấp đóng triện nóng vô ngay tắp lự. MS bị phỏng ôm đít la làng "nước, nước, bớ làng xóm". MM đang ngủ trong thúng, nghe kêu nước tưởng là lụt tới, bèn thò tay cắt đứt dây chuông. Thuyền hổng trôi ra cửa biển mà rớt cái bịch xuống sàn nhà (hổng biết có head brain trauma hay bone fractures không nữa lận). Tiếng ồn ào làm cả làng đổ tới dòm chừng,  cười cợt náo nhiệt. Hết chuyện !
 
2-
Chuyện lộc nhung xong, ta chiếu kiếng lúp google tiếp chuyện vespal virgins, nghĩa là các trinh nữ canh lửa tại đền Vespal thời la mã cổ đại. Chuyện vespal virgins được nét thuật ra như sau :
Hy La thời cổ đại, thần thánh nhiều vô kể, được thờ phượng trong những đền riêng. Vespal là thần nữ của mái ấm, trông coi bảo bọc che chở toàn gia đình, giữ gìn hạnh phúc an vui, tránh bất an khốn khó.
 
Năm 700 BC (trước công nguyên) thinh không vua Numa Pompilius được đại giáo sĩ vương triều bỏ nhỏ, rằng Roma là mái ấm quốc gia nên cũng cần được thần nữ Vespal bảo trợ, vì thế bệ hạ phải giữ sao cho ngọn lửa thờ phượng trong đền đừng bao giờ lịm tất, tắt cái xui thấy ông bà !
Numa hết hồn, bèn thành lập ngay Thánh đoàn trinh nữ Holy College of Virgin Women, giữ nhiệm vụ trông coi lửa thiêng tại đền.  Thánh đoàn có 6 thánh nữ do chính tay đại đế tuyển chọn, từ khi còn là bé thơ 5-6 tuổi, cho vào tu viên học nghề. Sau còn phát tâm thề hứa suốt thời gian nhậm chức giữ mình đồng trinh - phải đồng trinh thì lửa mới thiêng -
Cái ghế ngồi trong thánh đoàn không chỉ bảo đảm danh phận thánh nữ thôi mà còn toàn gia đình dòng họ. Nàng được trọng vọng, cả thần quyền lẫn thế quyền, sau lại bảo đảm cả đời sống kinh tế xã hội khi hoàn tục ở tuổi 30. Thiệt sự xuất rồi cũng khó mà lấy chồng đậng, vì đờn ông e ngại hổng dám tới gần, phần sợ, phần tránh mang tiếng đào mỏ. Hầu như các thánh nữ hoàn tục ấy tiếp tục là trinh nữ dài dài cho tới khi... dầu cạn !
 
Vào thời xa xưa, nhơn chi sơ tánh bổn thiện nên trọng lời thề, tuy chỉ thề miệng, nhưng giữ lời là việc danh dự  hổng dám... nuốt ! Thường nữ phạm tội sương sương bị ăn roi vọt, nặng nề hơn (ngoại tình chẳng hạn) bị ném đá tới chết. Thánh nữ phạm tội ngó bộ khó xử, vì máu thánh không bao giờ được tuôn đổ, nên rồi để gọn lẹ pháp đình, nàng hoậc sẽ bị thiêu sống, hoậc bị bỏ vào ngục tối cho chết dần mòn trong đói khát.
Người phạm tội chung với thánh nữ sẽ bị trừng phạt y chang, cho dù là đấng quân vương.
Sử liệu kể chuyện Elagabalus, đại đế thứ 25 của La mã, vốn nổi tiếng hoang đàng vô độ, đầu óc lại bịnh hoạn cực kỳ, nhứt định có con với thánh nữ Aquilia Severa, trong ý tưởng lệch lạc, rằng con cái thánh nữ hẳn sẽ là, phải là thánh nhơn ! Dĩ nhiên đây là việc kinh thiên động địa, nên rồi đã xảy ra chánh biến, ông bị đâm chết trong cung, đầu bị chặt treo ngoài quảng trường còn xác bị thảy xuống sông Tiber cho tôm cá rỉa thịt.
 
Năm 394 AD (sau công nguyên), đại đế Theodosius rửa tội theo thiên chúa giáo. Tất cả những lễ nghi thờ phượng đa thần trước kia đều bị hủy bỏ, trong đó có thánh đoàn trinh nữ Vespal Virgins. Tính ra thánh đoàn trinh nữ tồn tại đúng ngàn năm.
Trong kinh thánh đã có dụ ngôn hay được đọc vào mùa vọng (phục sanh và giáng sanh) về các thẩm thẩm trinh nữ này : Các trinh nữ biết lo xa lúc mô cũng sẵn sàng đèn đóm củi lửa chờ đức lang quân tương lai tới đón (chắc tuổi xuân sấp sỉ 30 heng) còn đám trinh nữ đoảng vị lơ là, hổng chuẩn bị chi ráo, chừng hoàng tử của lòng xuất hiện thì đèn đuốc tối thui lỡ dịp !
 
The whiter shade of pale có lẽ là chuyện xảy ra trong một dancing bar, vì thấy có khiêu vũ và có rượu - rươu mạnh 40-50 độ, chớ hổng phải rượu vang 12-13 độ vớ vẩn- Đây là chuyện ấm ớ dớ dẩn khề khà, "mua vui cũng được một vài trống canh"
Y hình hai nhơn vật chánh, nam và nữ, chắc cũng mới chỉ quen tại chỗ, và nếu ngồi lâu thêm chút, dám sẽ thành bạn nhậu rồi bạn khò của nhau nữa hổng chừng - khò thôi chớ sứa quá rồi, còn làm ăn gì được nữa -
Nhơn vật xưng tôi ngó bộ là đứa lầm lì, vì nhát gái hay vì đã ngà ngà say, ai mà biết cho đậng.
Quanh chúng ồn ào, đám đông bên bàn nhậu đang thành khẩn rượu vào lời ra, chuyện nổ như bắp rang, những chuyện trên trời dưới đất hổng đâu vô đâu dzáo nạo.
Một trự đã sứa mà còn lè nhè thì đương nhiên chuyện nó nói rất đầu cua tai nheo là cái cẳng. Nên dzồi người nghe (tức đám thính giả tỉnh như sáo sậu chúng ta) mới đực ra, và xúm nhau đoán.
 
The Miller's tale hẳn là chuyện tiếu lâm. Chuyện tiếu lâm thường làm người nghe đỏ mật, nhứt là đám phụ nữ. Nhưng người nữ trong bài hát nọ lại trắng bệch mật ra, khủng hoảng quá thể ! Chừng được hỏi tại sao thì nàng ngẩn người "There is no reason, And the truth is plain to see - sự thiệt trần truồng ra thế, sao với trăng chi nữa, trời "
Nhưng chắc chắn nhứt hẳn là chuyện sắc màu, the whiter shade of pale "that her face, at first just ghostly, turned a whiter shade of pale" nôm na là một gương mật lợt lạt liêu trai, nghe chuyện xong lại còn trắng bệch ra - trắng vì thích thú, vì hoảng sợ, hay cả hai hổng chừng
 
3-
Miller's tale xong, Vespal Virgins xong, nhưng nghĩa chữ trong lời hát cứ tối hù, thính giả vẫn xúm nhau đoán tiếp.
Một ký giả phê bình văn học nghệ thuật, đăng đàn giải thích, rằng bài hát ni thuộc dòng nhạc psychedelic rock, đầy hình ảnh lẫn âm thanh cuồng nộ, phát xuất từ thời đại buông thả, denied culture, bất chấp lề lối xã hội cũ nặng thành kiến đạo đức (... giả). Thành ra... lời bài ca có mù mờ ảo giác thì chúng ta đừng thèm thắc mắc. Bị vì... biết đâu khi viết lời cho nhạc, ông lyricist đang phi LSD như tất cả đám hippy thời thuợng khi ấy - LSD là thuốc tạo ảo giác, thạnh hành trong thập niên 60 của đám "make love no war" một dạo.
 
Lượm trong nét ra những chi tiết sau đây : The whiter shade of pale do Garry Brooker viết nhạc, và Keith Reid đật lời. The whiter shade of pale hay ở chỗ nào ? Nhạc chăng, lời chăng, hay cả hai ?
Tách nhạc tách lời riêng rẽ ra thì bản The whiter shade of pale chỉ là những mảnh vụn puzzles thô thiên, thiếu cảm giác cảm tính cảm nhận cảm quan... Cảm hổng có nên trượt luôn, cái kiểu lơ đãng bước lên... vỏ chuối ! Thế nhưng khi ráp chúng vào nhau thì sự việc bỗng có linh hồn, một linh hồn nhạy cảm làm giác trồi dậy tứ tung, để rồi sự sống trở mình thức giấc.
Nhưng... sự việc không chỉ ngừng lợi ở lời và nốt nhạc gắn vào lời. Sự sống ấy còn thăng hoa với lời phi lộ introduction dùng tune nhạc cổ điển nổi tiếng của J.S Bach, air on the G string.
Organ xưa rày là nhạc cụ dùng trong tế tự, nhưng ở đây, tiếng của nó có lẽ là tiếng vọng từ trời, giúp dòng nhạc theo sau nó cất cánh bay cao.
Trong clip với Denmark symphony orchestra ở một lễ hội âm nhạc 2006. Phần introduction được modified cho toàn orchestra trong đoạn đầu, rồi organ được trả chỗ lại ở đoạn 2 - Bài hát có tới 4 đoạn cả thảy, nhưng hai đoạn sau bị cắt bỏ, cả trong thu âm lẫn trình diễn do thời lượng giới hạn có lẽ -
 
Có xum hợp ắt phải có chia phôi - xum hoài ngó nhau miết bắt ớn - Procol Harum rã đám vì bất đồng - ôi bất đồng, mầm mống của ly tan - Garry Brooker (thành viên chánh, kiêm ca sĩ, kiêm soạn nhạc, kiêm hòa âm phối khí, kiêm lung tung xèng) linh hồn của ban nhạc, cố gáng hồi sanh rock band với nhơn sự mới nhưng không thành công. Procol Harum và the whiter shade of pale nay chỉ là dư âm của một hào quang đã tắt.
TN
 
Nghe nhạc ở đây :
 - A Whiter Shade of Pale (Procol Harum) 1967 with lyrics
https://www.youtube.com/watch?v=_BADDeIQWV
-- .Procol Harum - A Whiter Shade of Pale, live in Denmark 2006

 

 


Friday, October 27, 2023

MÙA THU BÊN CẦU WOODBRIDGE

nguyễnxuânthiệp
 
Mùa thu bên cầu
 
 Mùa thu đã về trong nắng. Tiết trời bắt đầu hơi lạnh rồiđấy. Cái lạnh, tuy vậy, chưa thấm qua chiếc áo màu tím lilac khoác trên người đâu. Vừa đi cô vừa ngước nhìn lên hang cây bắt đầu ngả sang màu vàng mơ. Rồi nhìn xuống mặt hồ. Hồ thì xanh như màu trời ngày ấy. Một đám mây trắng, như bông, nằm trong đáy nước. Những chú vịt con vẫn bơi lội tung tăng bên vịt mẹ. Cô không nghĩ đây là bầy vịt khác. Cô không muốn thay đổi mọi trật tự đã được thiết lập riêng đối với cô và người ấy. Cho nên cô vẫn cho là bầy vịt con năm xưa dường như chúng chưa bao giờ lớn từ ngày chia tay.
 Đi dưới hàng cây buổi đầu thu, cô nghĩ tới nhiều chuyện. Từ bờ hồ, cô đi về phía cầu Woodbridge. Những trái thông hô rụng đầy hai bên bờ cỏ. Trên cầu lúc này có đôi tình nhân đứng bên nhau, tay trong tay. Cô chợt thấy lại khung cảnh cách đây ngoài năm năm. Lần chia tay trên cầu ngày ấy hóa ra là vĩnh biệt. Sẽ không bao giờ nhìn thấy nhau nữa. Cônhẩm lại lời ca: Em ra đi mùa thu... Hình như mắt cô chợt  bắt gặp một hình ảnh khi nhìn sang bên kia cầu, chỗ đậu xe dưới hàng cây phong trước tiêm sách Barnes and Noble. Vẫn còn ai đứng đó, yên lặng nhìn về phía cô. Và có tiếng gọi ơi…ơi… trong gió. Rồi trong chớp mắt, tiệm sách biến mất, bãi đậu xe biến mất. Chỉ còn hàng cây phong với những chiếc lá đổi màu lả tả bay. Một mình cô đứng lặng dưới trời thu...
NXT

  

Wednesday, October 25, 2023

15 BÀI THƠ NGẮN KHÔNG TỰA ĐỀ

Nguyễn Đức Nhân

Hoa tường vi. Photo by KM
1
Con bướm nhỏ
Đậu vào bài thơ
Hút mật
 
2
Chiều tạnh cơn mưa
Ai bên cửa sổ
Nhớ chiều mưa xưa
 
3
Mùa xuân đi rồi
Đóa hoa nở muộn
Tìm mãi dáng người
 
4
Em qua cầu tre
Ta nhìn bóng nước
Có nhìn em đâu
 
5
Cửa sổ mở toang
Phòng thơ ngập nắng
Cùng hương dạ lan
 
6
Long lanh hạt sương
Từ đâu sương đến
Nơi nào cố hương
 
7
Ngồi trên bãi vắng
Bao chuyện buồn vui
Gởi vào biển mặn
 
8
Em đang đợi ai
Ai đâu chẳng thấy
Chiếc bóng đổ dài
 
9
Chồng đã không còn
Thiếu phụ nhìn sững
Một vừng trăng non
 
10
Ai lỡ đánh rơi
Một vừng trăng nhỏ
Giữa lòng biển khơi
 
11
Trăng khuya lạnh buồn 
Đồi xa vọng lại
Ngân dài tiếng chuông
 
12
Trăng đã qua sông
Chùm hoa nguyệt quế
Vẫn còn sáng trăng
 
13
Nho nhỏ thuyền nan
Thuyền đang chở khẳm
Nỗi lòng ngổn ngang
 
14
Ngoài sân hoa nắng
Một đóa tường vi
Một con bướm trắng
 
15
Gió mưa thầm thì
Mùa đông về lại
Buồn buồn thu đi
 
NĐN 
2023
  

Monday, October 23, 2023

THẦY TUỆ SỸ: NHƯ MỘT VẦNG TRĂNG SÁNG

Nguyên Giác Phan Tấn Hải
 
Thầy Tuệ Sỹ. Nguyên Giác vẽ
 
Mỗi khi suy nghĩ về Thầy Tuệ Sỹ, tôi luôn luôn tự thấy rằng mình không tìm đủ lời để ca ngợi, để nói minh bạch những suy nghĩ của mình về Thầy, một trong những cột trụ của Đại Học Vạn Hạnh, nơi đã xây dựng một Tàng Kinh Các cho nền Phật học quê nhà từ hơn nửa thế kỷ trước. Tôi từng suy nghĩ về sự may mắn của dân tộc, và của bản thân mình, rằng nếu không có Đại học này, nếu không có những tác phẩm nơi này, và nếu không có các bậc thầy nơi đây, cõi thế gian (của tôi, và của rất nhiều bạn khác) sẽ tội nghiệp biết là bao nhiêu.
 
Tôi học bên Đại học Văn Khoa, không phải sinh viên Đại Học Vạn Hạnh, nhưng đã luôn luôn tìm đọc và trân quý các tác phẩm của Thầy Minh Châu, Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Thầy Tuệ Sỹ, Ni sư Trí Hải, và nhiều vị nữa. Tôi đã say mê đọc các dòng thơ siêu xuất của Bùi Giáng, của Phạm Công Thiện, của Hoài Khanh… và thỉnh thoảng bước vào lang thang nơi các hành lang Đại Học Vạn Hạnh chỉ để cảm nhận bầu không khí học Phật nơi đây, và rồi lên xem Thư Viện Vạn Hạnh ở trên một tầng lầu rất cao, và rồi ra quán cà phê nơi đường Trưởng Minh Giảng, ngồi một chút rồi phóng xe đạp về. Dĩ nhiên, những gì tôi thấy, tôi nghe, tôi cảm nhận như thế chẳng thơ mộng chút nào, so với các trang giấy tôi đọc, so với những gì tôi đọc từ bản dịch Thiền Luận của Thầy Tuệ Sỹ.
 
Rồi có lúc, trong khi đọc một truyện Bản Sanh, tôi đã tin rằng thế hệ những người xây dựng Đại học Vạn Hạnh hẳn phải là những vị đã từng có cơ duyên tụ hội nơi một góc rừng, ngồi quanh Đức Phật Thích Ca và được Thế Tôn dặn lời huyền ký là hơn hai ngàn năm sau hãy tới bên bờ Biển Đông để dắt dìu bọn học trò như tôi. Đối với tôi, chữ của Đại Học Vạn Hạnh có sức mạnh như thế, và trong đó cũng là những công trình của Thầy Tuệ Sỹ.
 
Cho tới bây giờ, tuy đã vào tuổi xưa nay hiếm, tôi vẫn chưa trực tiếp gặp Thầy Tuệ Sỹ, chưa có cơ duyên nghe trực tiếp từ Thầy. Những cơ duyên tôi nhìn thấy và nghe giọng Thầy chỉ là qua Zoom, và trước đó thật lâu còn là qua PalTalk. Tôi đã từng được đọc và nghe kể từ những người có cơ duyên thân cận xa xưa với Thầy Tuệ Sỹ, như Ni Trưởng Tuệ Hạnh (đang ở Úc châu, người gom các bài thơ của Thầy và cầm ra hải ngoại khi Thầy bị giam), như nhà báo Tâm Huy Huỳnh Kim Quang (cựu tăng sĩ, học trò của Thầy Tuệ Sỹ khi ở Quảng Hương Già Lam, và trở thành bạn thân với tôi, thường xuyên gặp nhau), như nhà thơ Nhã Ca (học trò của Thầy Trí Thủ và thân cận với quý Thầy Già Lam), và nhiều vị nữa.
 
Nhưng đó là những giai thoại, phần nhiều có thể tìm đọc qua Internet, một số chuyện tôi nghe kể riêng thì chỉ để bụng theo dõi, như khi Thầy Tuệ Sỹ sang Nhật Bản chữa trị ung thư. Bản thân tôi trong cương vị nhà báo, gần 3 thập niên ngồi dịch tin cho Việt Báo, đã có cơ duyên quan sát thời sự quê nhà, tình hình Phật Giáo và những thông tin về Thầy Tuệ Sỹ qua những dòng tin từ các phóng viên quốc tế. Cũng có lúc tôi thắc mắc vì sao khi Thầy Nhất Hạnh tới Chùa Già Lam tìm thăm, Thầy Tuệ Sỹ lại nhập thất, không tiếp, nhưng tôi không bao giờ đưa mọi chuyện thành vấn đề. Tôi luôn luôn tự xem mình như một đứa nhỏ, một cậu nhóc học Phật chưa bao giờ trưởng thành, và nhìn mọi chuyện trong sân nhà chùa như chuyện trong sân nhà chùa, nơi các nhà sư trong mắt tôi đã trở thành những Bồ Đề Đạt Ma và những Huệ Khả. Nơi đó, trong mắt tôi, Thầy Tuệ Sỹ là một pho tượng gỗ, trong cơ duyên nào đó đã hóa thân thành người, để biết đi, biết ngồi, biết nói, biết cười, biết dịch Kinh luận, và biết làm thơ. Và rồi, khi có ai muốn níu kéo Thầy Tuệ Sỹ về lại những tranh cãi thế gian, Thầy liền treo bảng nhập thất và hóa thân lần nữa để làm tượng gỗ.
 
Có một thời gian, khi nghiên cứu về Early Buddhism (Phật giáo sơ kỳ, Phật giáo sơ thời), tôi khám phá ra Tạng Kinh A Hàm do Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Thích Đức Thắng dịch, lưu giữ ở mạng Sutta Central. Tôi tìm ra hai nhóm Kinh Nhật Tụng của chư Tăng ni trong thời Đức Phật còn sinh tiền là hai phẩm cuối của Kinh Tập (Phẩm Tám, và Phẩm Con Đường Qua Bờ Kia). Tôi tìm tất cả các bản tiếng Anh có thể có, để đối chiếu và để dịch sang tiếng Việt cho ở mức mà tôi tin gần với ý Đức Phật nhất. Trong khi dịch như thế, phần tham khảo các Kinh khác trong Tạng Pali (do Thầy Minh Châu dịch) và Tạng A Hàm rất cần thiết để hiểu ngôn phong của Đức Phật trong những năm đầu khi mới hoằng pháp. Không gì so sánh được với cảm nhận hạnh phúc khi dò tìm những lời xưa nhất của Đức Phật; thí dụ, hình ảnh Kinh Kim Cang và Kinh Pháp Bảo Đàn trong Tạng A Hàm và Tạng Pali (Nikāya) vừa dẫn; thí dụ, cách nói là “bình an,” thay vì nói là “Niết bàn” như thói quen của người học Phật nhiều thế kỷ sau; thí dụ, cách nói “hiểu biết về danh sắc” thay vì nói là “tứ niệm xứ”; thí dụ, tìm hiểu dị biệt giữa Theravada và Early Buddhism, và nhiều vấn đề khác… Dĩ nhiên, tôi dựa phần lớn cũng vào những cuộc nghiên cứu khác của các nhà sư viết tiếng Anh, vì tự thân mình không hiểu tiếng Pali và Sanskrit. Trên con đường học Phật như thế, tôi đã thấy một số mũi tên nơi các dấu mốc do Thầy Tuệ Sỹ (và nhiều Thầy khác, trong đó có Thầy Minh Châu, Thầy Nhất Hạnh, Thầy Thích Đức Thắng…) cắm dọc theo lối đi xuyên qua cánh rừng vô minh.
 
Tôi luôn luôn nhớ rằng Thầy Tuệ Sỹ đã hiển lộ những nét phi thường từ khi còn niên thiếu. Một lần, khi đọc Kinh Pháp Cú, tôi sững sờ khi đọc bài Kệ 382. Bản dịch của Thầy Minh Châu như sau:
 
382.
"Tỷ kheo tuy tuổi nhỏ
Siêng tu giáo pháp Phật,
Soi sáng thế gian này,
Như trăng thoát khỏi mây."
 
Có phải Đức Phật đã huyền ký như thế về Thầy Tuệ Sỹ? Hay chỉ là trùng hợp? Thầy Tuệ Sỹ là một vầng trăng sáng. Đúng như thế. Vầng trăng sáng còn là hình ảnh khuôn mặt của Thế Tôn. Tôi nhớ rằng, trong Kinh Bản Sanh số 1, bản tiếng Anh là “Apannaka Jātaka: Crossing the Wilderness” (Jat 1) khi Đức Phật chuẩn bị kể truyện cho ngài Cấp Cô Độc và 500 tăng chúng nghe, “Khuôn mặt Đức Phật hiện ra như một vầng trăng tròn và thân Ngài được vây quanh bởi hào quang sáng ngời…” (The Buddha’s face appeared like a full moon, and his body was surrounded by a radiant aura…). Xin nhắc rằng, khi viết lý luận, tôi không bao giờ muốn nhắc tới những chuyện thần kỳ. Nhưng nhìn cho kỹ, có gì trên đời này mà không thần kỳ? Thỉnh thoảng, có những lúc, bạn cũng sẽ thấy tất cả thế gian này đều hiện ra như một cõi Phật bất khả tư nghì…
 
Đối với những người hữu duyên, Thầy Tuệ Sỹ đã hiện ra như một vầng trăng sáng, lặng lẽ soi đường cho những người đi ban đêm. Vầng trăng sáng cũng là một hạnh sống ẩn dật, bất kể là nơi núi cao hay rừng sâu, đưa ánh sáng cho người cần tìm lối đi. Đọc lại Kinh Pháp Cú, tôi cũng thấy bài Kệ 173, Thầy Minh Châu dịch như sau:
 
173.
"Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che."
 
Một điểm cũng rất tương ưng với đời sống của Thầy Tuệ Sỹ, nói theo ẩn dụ trong Kinh Phật là: Thầy đã sống y hệt như mặt trăng, như bàn tay giữa hư không, và không bị dính mắc hay trói buộc nào. Kinh Nguyệt Dụ SN 16.3, ghi lời Đức Phật, trích bản dịch của Thầy Minh Châu:
 
“… Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, hãy giống như mặt trăng khi đi đến các gia đình, thân phải dè dặt, tâm phải dè dặt, luôn luôn là người mới giữa các gia đình, không có đường đột xông xáo…. Rồi Thế Tôn vẫy bàn tay giữa hư không: —Ví như, này các Tỷ-kheo, bàn tay này giữa hư không, không bị dính vào, không bị nắm lấy, không bị trói buộc. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, là vị Tỷ-kheo đi đến các gia đình, tâm không bị dính vào, không bị nắm lấy, không bị trói buộc, nghĩ rằng: ‘Những ai muốn được lợi, hãy được lợi! Những ai muốn công đức, hãy làm các công đức…’”
 
Đối chiếu suốt cuộc đời của Thầy Tuệ Sỹ tới giờ, cũng có thể nghĩ rằng hình ảnh của Thầy tương ưng với thơ Thiền Việt Nam: nơi đây, không gọi là Có, cũng không gọi là Không. Nơi đây, Thầy Tuệ Sỹ là hiện thân hệt như ánh trăng hiện ra dưới mặt hồ, rất mong manh, rất sương khói, đưa ra ánh sáng cho đời, nhưng không gì lưu giữ được, và cũng không dính mắc vào đâu.
 
Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072-1116) từng có bài thơ như sau:
 
Tạc hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thuỷ nguyệt,
Vật trước hữu không không.
 
(Dịch nghĩa: Nói có, thì nhỏ như hạt bụi cũng có. Nói không, thì trọn thế gian đều là không. Có với Không chỉ là như mặt trăng hiện dưới nước. Đừng dính mắc vào Có với Không làm chi.)
 
Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) đã dịch như sau:
 
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì?
 
Sự thật như thế. Với tôi, Thầy Tuệ Sỹ đã hiện ra như một vầng trăng sáng trong bóng đêm lịch sử, lặng lẽ, không dính mắc, không bận tâm vào bất cứ những gì, dù là có với không. Với tôi, Thầy không phải là có, vì bốn đại vốn không, năm uẩn không thực, thì lấy gì gọi là có. Với tôi, Thầy không phải là không, vì đã có một vầng trăng sáng như thế, lơ lửng trên bầu trời đêm, lấp lánh nơi mặt nước hồ, rọi sáng những gì cần được biết tới.
 
Nơi đây, xin ngợi ca Thầy bằng mấy dòng thơ:
 
Một thời đầy những nghi vấn
tôi tìm về lời Đức Phật,
Thầy Tuệ Sỹ như trăng sáng
hiển lộ lời rất ẩn mật.
(Trích từ Kỷ yếu Tri ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Hội Đồng Hoằng Pháp ấn hành, 2023 – hoangphap.org)
PTH

  

Sunday, October 22, 2023

MÙA THU

nguyễnxuânthiệp
 
Mùa thu. Photo by Duyên

mùa thu
trăng không về nữa
chim đã bay xa
tôi đi. một mình
tìm lại giấc mơ. và mái tóc dạ hương
chỉ nghe tiếng gió
thổi. như từ đồi charlie
xưa
 
NXT
October 2023 

Saturday, October 21, 2023

TỪ ĐẾ CHẾ PHÙ NAM - KHMER TỚI CON KÊNH LỊCH SỬ FUNAN TECHO CỦA VƯƠNG QUỐC CAM BỐT

NGÔ THẾ VINH
 
     Gửi 20 triệu cư dân ĐBSCL
     Gửi Nhóm Bạn Cửu Long 
 
Hình 1: Dự án Funan Techo Canal, sẽ là Con Kênh Lịch sử
của Vương quốc Cam Bốt 2024-2028 kết nối Cảng Phnom Penh
ra tới Vịnh Thái Lan.
 
DẪN NHẬP: Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên (BCE). Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]


ĐẾ CHẾ PHÙ NAM-KHMER
  Phù Nam là tên gọi một quốc gia cổ đại đã tồn tại trong vùng Đông Nam Á, từ trước Công nguyên, với di tích cảng Óc Eo nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long [ĐBSCL], nơi trao đổi buôn bán từ Trung Hoa xuống và từ Địa Trung Hải qua. Nguyên là một vương quốc hùng mạnh bao gồm cả vùng đất phía nam Việt Nam sang tới Thái Lan và bán đảo Mã Lai. Vương Quốc này chỉ tồn tại tới thế kỷ thứ VII, sau đó bị Chân Lạp thôn tính.
  Nhưng rồi Chân Lạp bị phân hóa thành Thủy Chân Lạp phía nam và Lục Chân Lạp phía bắc luôn luôn bị đội quân hải đảo Java xâm lăng. Tới thế kỷ thứ IX, vua Jayavarman II kết hợp được dân chúng nổi dậy giành lại được độc lập từ Java, và Chân Lạp trở thành Đế quốc Khmer hùng cường. Tới thế kỷ XII, vua Jayavarma VII, sau khi đánh thắng quân Champa đã khai sinh ra một triều đại huy hoàng nhất của Đế quốc Khmer với Angkor Wat là một kỳ quan kiến trúc của thế giới. Khi Jayavarman chết, cũng là ngày suy tàn của Đế quốc Angkor Khmer, và sau đó chỉ còn một đất nước Cam Bốt  thăng trầm cho tới ngày nay. 
 

Hình 2: trái, sơ đồ Vương quốc Phù Nam vào khoảng thế kỷ thứ III
bao gồm các vùng đất phía nam Việt Nam, Cam Bốt sang tới Thái Lan
và bán đảo Mã Lai. Phù Nam chỉ tồn tại tới thế kỷ thứ VII sau đó bị Chân Lạp / Chenla
thôn tính; kế tục Chân Lạp là một Đế Quốc Khmer hùng mạnh ra đời từ thế kỷ thứ IX; phải,
sơ đồ Vương quốc Khmer với diện tích bao trùm nam Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Thái Lan và
bán đảo Mã Lai, và rồi tiêu vong vào thế kỷ thứ XV. Kế tiếp chỉ còn lịch sử một Vương quốc Cam
Bốt  thăng trầm cho tới ngày nay. (nguồn: Wikipedia)
 
Ý NGHĨA DANH XƯNG “PHÙ NAM-KHMER”
  Đế quốc Phù Nam và đế quốc Khmer là hai thời kỳ lịch sử riêng biệt, nhưng có mẫu số chung là hai nền văn minh cổ xưa ấy đã để lại trên cùng dải đất những di tích về các công trình thủy lợi. Người Phù Nam, từ thế kỷ thứ V họ đã biết đào kênh, tạo nên mạng lưới giao thông kết nối các thị trấn Angkor Borei (Nam Phnom Penh), Óc Eo (núi Sập, núi Ba Thê - Long Xuyên), và Thị Trấn Trăm Đường (Đông Nam Kiên Giang) (6)
  Tới cuối thế kỷ 20, sau thời kỳ Khmer Đỏ đầy tang tóc, đất nước Cam Bốt  đã xuất hiện một “con người của thời cuộc”: đó là Hun Sen, có gốc là Khmer Đỏ ly khai, theo Việt Nam và có một giai đoạn bị đánh giá rất sai lầm là “bù nhìn của Hà Nội”. Nhưng không, với thời gian Hun Sen đã chứng tỏ là một chính khách bản lãnh và đầy tham vọng, đã đưa đất nước Cam Bốt ra khỏi quỹ đạo Việt Nam. Hun Sen được kể là vị Thủ Tướng trị vì đất nước Cam Bốt với bàn tay sắt, và đã tại vị lâu năm nhất trong lịch sử Cam Bốt và của cả thế giới hiện tại [gần 4 thập niên từ 1985 tới 2013]. Và nay thì con trai ông là Tướng Hun Manet tiếp nối cha đảm nhận chức Thủ Tướng Cam Bốt từ tháng 7/2023. Nhưng trên thực tế, Hun Sen vẫn có quyền lực bao trùm của một Thái Thượng Hoàng.
  Và không phải là tình cờ khi ông Hun Sen đã chọn tên Phù Nam, gắn liền  với Techo là một phần danh hiệu rất dài của ông: Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen / có nghĩa tổng quát là Ngài Thủ Tướng Samdech Hun Sen kiêm Tư lệnh Quân đội Tối cao (Wikipedia).
  Chỉ riêng chữ Techo được chính ông Hun Sen giải nghĩa: “Ai vinh dự mang tên ấy có sứ mệnh đánh đuổi quân xâm lăng đất nước Cam Bốt” [Who carry the honorific Techo are destined to fight off the invaders of Cambodia. _The Cambodia Daily 4/2/2010]. Với người dân Cam Bốt thì họ hiểu rằng, quân xâm lăng ấy không ai khác hơn là từ hai nước láng giềng Việt Nam/ Youn và Thái Lan/ Siam. 
Funan Techo Canal sẽ như một di sản mà Samdech Techo Hun Sen muốn để lại cho đất nước Cam Bốt, nó sẽ có ý nghĩa hơn một tượng đài, luôn luôn gợi nhớ về một quá khứ hào hùng của dân tộc Khmer và cũng gián tiếp gửi một thông điệp cho Việt Nam rằng có một thời kỳ vùng châu thổ ĐBSCL trong lịch sử đã là phần lãnh thổ của Đế Chế Angkor Khmer.

 
Hình 3: Sơ đồ Dự án kênh Funan Techo Canal dài 180 km của Vương Quốc
Cam Bốt, tổn phí lên tới 1.7 tỷ USD được tài trợ bởi Trung Quốc qua quỹ Sáng kiến
Một Vành Đai Một Con Đường (Belt and Road Initiative / BRI), dự trù khởi công năm
2024, sẽ hoàn tất và vận hành 4 năm sau (2028). [Nguồn: Mekong River Commission / MRC]
 
THÔNG SỐ KỸ THUẬT KÊNH ĐÀO FUNAN TECHO
   Chính phủ Hoàng Gia Cambodia, thông qua Bộ Công chánh và Vận tải [Public Work and Transport / MPWT] đã gửi một Thông Báo ký ngày 8 tháng 8 năm 2023 tới Tiến sĩ Anoulak CEO Ban Thư Ký Ủy Hội Sông Mekong về một Dự án Kênh đào nội địa “Funan Techo Canal” (1) với các chi tiết kỹ thuật như sau:
_ Tên Dự án: Kênh Đào Nội địa “Funan Techo Canal”
_ Vị Trí của Dự án, gồm hai phần:
 
Phần I: khởi điểm từ dòng chảy thiên nhiên Prek Takeo thuộc huyện Kien Svay và được nối với dòng chảy thiên nhiên Prek Ta Ek thuộc huyện Saang, tỉnh Kandal.
Phần II: khởi điểm từ dòng chảy thiên nhiên Prek Ta Hing, huyện Kothom, tỉnh Kandal và nối  dòng chảy thiên nhiên Prek Takeo thuộc hai tỉnh Kapot và Kep. 
_ Đề xuất Sử dụng: Trên phụ lưu của con sông Mekong trong phần I. Trên phụ lưu của con sông Bassac trong phần II.
_ Mục đích của Dự án: Kênh Nội địa cho mục đích vận tải và giao thông đường thủy.
_ Dự trù triển khai:
Khởi công 2024
Hoàn tất xây dựng 2027
Bắt đầu vận hành 2028
_ Mô tả Dự án
  Dẫn nhập: nhằm phục hồi dự án đường thủy “Funan Techo Canal” đã được xây dựng và vận hành từ Triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên (BCE). Công trình này nhằm phục hồi và cải thiện giao thông đường thủy trong nội địa. Con kênh này có chiều dài khoảng 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án phục hồi thủy vận là kết nối lại với lịch sử và cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền và tôn trọng những quyền hạn và lợi ích chính đáng. [… in line of principles of the foreign equality and respect for rights and legitimate interests.]
Những Yếu Tố Kỹ Thuật chính:
Trọng tải:  1.000 tấn (DWT / tons deadweight)
Chiều dài: 180 km
Độ sâu và độ rộng: 4,7m x 50m
Độ thông cầu: 16m x 53m (Bridge Navigation Clearance)
Mẫu tàu: 60m x 12m x 3,6m (Length x Width x Full Draft)
 
Công trình âu tàu (Lock Works):
Kích thước âu tàu: 135m x 18m x 5,8m (Dài x Rộng x Sâu)
Công suất: 7,04 triệu tấn / năm (mỗi âu tàu)
Số âu tàu:  3
Lượng nước xả tối đa: 3,6m3/ giây
Đào đất và lấp
Xây dựng các âu tàu
Xây cửa âu tàu
Xây các cơ sở hỗ trợ công trình
Mạng lưới điện cho âu tàu
Hệ thống liên lạc cho âu tàu
Hệ thống điều khiển tự động cho các âu tàu
Hệ thống phòng hỏa cho các âu tàu
 
Công trình Kênh thủy vận
Đáy rộng 2 chiều 50m
Độ sâu 4,7m
Bán kính cong tối thiểu 300m (Minimum Radius of the Canal)
Bờ nghiêng con kênh: 1:3 ~ 1:5
 
Số cầu: 11
Chiều dài cầu chính 161m
Cầu vượt 520m (Length for Approach)
 
_ Lượng Giá Ảnh hưởng Môi trường/ EIA:
 
Ảnh hưởng về lượng nước trên hệ thống sông:
  Do có 3 âu tàu trên kênh, nên lượng nước được kiểm soát hiệu quả. Lượng nước xả tối đa cho một âu tàu là 3,6 m3/ giây (trung bình mỗi ngày), con số đó không đáng kể so với dòng chảy của hệ thống sông Mekong. Và như vậy sẽ không có ảnh hưởng đáng kể nào trên lượng nước sông Mekong. [sic]
 
Ảnh hưởng tích cực của dự án:
   Cải thiện giao thông và vận tải bằng đường thủy cho các cộng đồng cư dân phía nam Cam Bốt.
Giảm thiểu lũ lụt ở một số vùng như các tỉnh Kandal và Takeo.
Tạo thêm môi trường sống bền vững cho cá, các loài động vật dưới nước, các loại chim muông và rong tảo.
   Bảo đảm an toàn lương thực cho cư dân địa phương bằng phát triển ngư nghiệp.
Gia tăng tiềm năng du lịch do cải thiện hệ thống giao thông.
 
Ảnh hưởng tiêu cực của dự án:
  Ô nhiễm bụi và tiếng ồn trong giai đoạn xây cất.
  Vấn đề nước, đường sá và bảo vệ đất đai trong giai đoạn xây cất với rác thải.
 
Giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án:
  Xây dựng 3 âu tàu nhằm kiểm soát được lưu lượng dòng chảy của con kênh, kiểm soát được dòng chảy tràn / outflow của con sông Bassac qua con kênh đổ ra biển và chống lại nạn nhiễm mặn xâm nhập từ biển.
  Bảo vệ môi trường với các biện pháp kiểm soát theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo tồn cây xanh, giảm thiểu xói mòn và giảm thiểu ô nhiễm trong giai đoạn xây dựng và cả thời gian vận hành.
_ Những Kết Luận
  Dự án Kênh Nội địa “Funan Techo Canal” sẽ giúp các cộng đồng cư dân địa phương Cam Bốt cải thiện mạng lưới thủy vận, kích thích phát triển về kinh tế và xã hội trong vùng. Sẽ không có ảnh hưởng đáng kể hay tiêu cực trên lưu lượng dòng chảy của hệ thống sông Mekong. Ba âu tàu, có khả năng điều hợp hữu hiệu dòng chảy của con kênh; cũng như ảnh hưởng trên môi trường và xã hội tối thiểu trong thời gian xây dựng và vận hành con kênh về sau này.(1) [Hết trích dẫn]
  Trong bức thư của Chính Phủ Hoàng Gia Cam Bốt gửi MRC có nhắc tới  Điều Khoản 1 & 2 và Điều khoản 4.3.2 của Quy trình PNPCA của Hiệp Định Sông Mekong 1995, vậy các điều khoản đó là gì?
 
ĐIỀU KHOẢN 1 & 2 CỦA HIỆP ĐỊNH SÔNG MEKONG 1995
 
Về Mục tiêu và Nguyên tắc Hợp tác
_ Điều 1. Các lãnh vực hợp tác: Hợp tác trong tất cả các lãnh vực phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực Mekong, bao gồm các lãnh vực chính sau: tưới, thủy điện, giao thông đường thủy, kiểm soát lũ, thủy sản, thả bè, giải trí và du lịch để đạt được mức tối ưu trong sử dụng đa mục tiêu và cùng có lợi cho tất cả các quốc gia ven sông và giảm tới mức thấp nhất các ảnh hưởng có hại gây ra bởi các hiện tượng tự nhiên và các hoạt động của con người.
_ Điều 2. Các dự án, các chương trình và lập quy hoạch
  . Thúc đẩy, hỗ trợ, hợp tác và điều hợp trong việc phát triển mọi tiềm năng vì lợi ích bền vững của tất cả các quốc gia ven sông và ngăn ngừa sử dụng lãng phí nước trong Lưu vực sông Mekong, chú trọng và ưu tiên các dự án phát triển chung có quy mô lưu vực và các chương trình lưu vực thông qua lập quy hoạch phát triển lưu vực nhằm xác định, phân loại và lập hạng ưu tiên cho các dự án, và các chương trình hỗ trợ và thực hiện ở cấp lưu vực.
 
ĐIỀU KHOẢN 4.3.2 CỦA QUY TRÌNH PNPCA
  Cho dù theo Hiệp Định Sông Mekong 1995, không một quốc gia nào có quyền phủ quyết / veto power nhưng các dự án sông Mekong vẫn phải trải qua 3 giai đoạn tham vấn viết tắt là PNPCA bao gồm:
_ Giai đoạn I Thủ Tục Thông Báo [PN / Procedures for Notification]: Ủy Hội Sông Mekong sẽ được chính phủ liên hệ thông báo chính thức về dự án.
_ Giai đoạn II Tham Vấn Trước [PC / Prior Consultation]: với khoảng thời gian 6 tháng, nhưng nếu các nước thành viên chưa đạt được sự đồng thuận thì khung thời gian này có thể được gia hạn.
_ Giai đoạn III Chuẩn Thuận [A / Agreement], dự án sẽ khởi công khi đạt được sự chuẩn thuận của các nước thành viên.
 
PHÂN TÍCH VỀ BẢN THÔNG BÁO THIẾU SÓT VỚI NHIỀU ẨN SỐ
 
_ ĐIỀU ĐƯỢC NÓI RA
  Trong Thông Báo gửi MRC, khi nói về mục đích của Dự án chỉ vỏn vẹn có một câu: “Con kênh nội địa có mục đích vận tải và giao thông đường thủy”, với lợi ích rất rõ ràng:
Chặng đường sông nếu phải qua ngả Việt Nam khoảng 433 km, nay với con kênh Phù Nam Techo khoảng cách chỉ còn 237 km, rút ngắn được 196 km, như vậy sẽ giảm thiểu thời gian di chuyển và bớt nhiên liệu tiêu thụ, – cũng có nghĩa là giảm đáng kể chi phí vận chuyển và quan trọng hơn nữa là tạo được một trục / hub giao thương mới mà không cần phải đi qua khúc sông Mekong của Việt Nam. Tất cả nhằm tăng tính cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư, giảm thiểu chậm trễ và giảm chi phí về tiếp vận.
  Dự án này đã được một đại Công ty Trung Quốc China Communications Construction Company / CCCC thực hiện cuộc nghiên cứu về tính khả thi và sẽ được Chương trình Belt and Road Initiative / BRI tài trợ 1,7 tỷ USD.
  [Tưởng cũng nên có thêm ít dòng về công ty CCCC đầy tai tiếng này, có liên hệ với Chiến lược “Một Vành Đai Một Con Đường” đã từng bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt vì có tệ trạng tham nhũng, lũng đoạn tài chánh, tàn phá môi trường và những lạm dụng khác trên khắp thế giới. Và nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không được phép sử dụng công ty này và các công ty quốc doanh khác như thứ vũ khí bành trướng. _ Silk Road Briefing, Aug 27, 2020]
  Chúng ta hãy nghe John Yip Weiyan, Giám đốc Đầu tư Quỹ Một Vành Đai Một Con Đường [The Belt and Road Initiative] của Trung Quốc nhận định: “Dự án hạ tầng Funan Techo Canal sẽ là một game-changer/ một nhân tố thay đổi hệ thống hậu cần/ logistics và sẽ ảnh hưởng tới sự phân phối các thùng hàng/ containers của Cam Bốt từ cảng biển sâu  Sihanoukville và cảng Phnom Penh. Sẽ có nhiều thùng hàng hóa được vận chuyển tới các cảng địa phương theo con kênh đào này sau khi hoàn tất. Sử dụng con kênh đào cũng có tác dụng kích thích phát triển thêm những cảng quốc tế khác như dự án cảng quốc tế đa năng Kampot / Multi-Purpose Logistics and Port Centre, tạo thêm một hành lang vận chuyển cho thủ đô Phnom Penh.” (2)
 
_ NHỮNG ĐIỀU KHÔNG ĐƯỢC NÓI RA
  Nhưng trong thực tế Funan Techo sẽ là một con Kênh Đào Đa Năng / Multipurpose, với rất nhiều mục đích khác mà chính phủ  Hoàng gia Cam Bốt đã không nói ra, chúng ta có thể kể:
  _ Con kênh nước ngọt ấy lấy nước từ con sông Mekong và con sông Bassac chảy qua 4 tỉnh, với 1,6 triệu dân sống hai bên kênh, khi có được  nguồn nước vô giá, con kênh không những giúp cho việc tiêu tưới mở rộng diện tích canh tác / agriculture mà còn tạo những hồ nước nuôi trồng thủy sản / aquaculture, bảo đảm lương thực và cải thiện đời sống các cộng đồng cư dân trong vùng.
  _ Trong các cuộc bàn thảo của Diễn đàn Vận Tải và Hậu Cần 2023 (Transport and Logistics Forum 2023), người ta còn bàn tới sự gia tăng giá trị đất đai và bất động sản ven con kênh, khi có thêm được những cảng phụ / subordinate ports, tạo thêm công ăn việc làm, đồng thời với phát triển các khu gia cư cùng với nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt.
  Như vậy, với con kênh đào 180 km chiều dài ấy đâu có phải chỉ cần có 80 triệu m3 nước và một lượng nước xả từ mỗi âu tàu (ship-lock) là 3,6 m3 / giây (trung bình mỗi ngày) để mà kết luận rằng: con số đó là không đáng kể so với lưu lượng dòng chảy của hệ thống sông Mekong. (1)
  
Hình 4: hình chụp cắt từ Google Maps, và chấm đỏ nơi tỉnh Prek Takeo
trên bản đồ là khởi điểm của con kênh đào Funan Techo dài 180km.
 
  Với tình huống bất định đó, Kỹ sư Thủy học Đỗ Văn Tùng, P.Eng. rất giàu kinh nghiệm và từng là kỹ sư tham vấn cho nhiều công ty Mỹ và Canada, cho rằng: “Nếu con kênh này bắt đầu từ Prek Takeo (chấm đỏ ở bản đồ đính kèm) nối dòng chính sông Mekong và sẽ gặp sông Bassac ở hạ lưu.Sau khi hoàn thành, con kênh dài 180 km này sẽ cần khoảng 80 triệu mét khối nước để thông thương. Sau đó lưu lượng dòng chảy trong kênh sẽ tùy thuộc vào chênh lệch cao độ giữa đầu và cuối con kênh, cùng với ảnh hưởng của thủy triều. Lưu lượng nước này sẽ lấy từ sông Mekong và Bassac. Ảnh hưởng như thế nào ở mỗi mùa đối với BiểnHồ Tonle Sap và ĐBSCL vẫn chưa rõ. Cần phải có một mô hình điện toán về thủy lực [Hydraulic modeling] mới tính được chính xác. Nhưng có một điều chắc chắn là trong mùa khô nước ở ĐBSCL sẽ ít hơn làm vấn đề nhiễm mặn trầm trọng hơn”.
  Kỹ sư Phạm Phan Long, P.E. Giám đốc điều hành Việt Ecology Foundation, nhận định rằng: “Báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM (TbEIA/ Transboundary Environmental Impact Assessment, Technical Review Report) của con kênh đào Funan Techo vô cùng quan trọng và là trách nhiệm của Cam Bốt, Việt Nam không thể đánh giá dự án này dựa trên một bản Thông Báo / Prior Notification rất sơ lược (1) mà không có những chi tiết thiết kế và các thông số về quy trình vận hành.” KS Phạm Phan Long cũng nói tới mối quan tâm xa hơn là khi đã có con kênh nước ngọt này rồi, Cam Bốt có thể đơn phương bơm nước từ 180km con kênh này để tưới cho khắp vùng châu thổ 4 tỉnh từ Takeo xuống tới Kep trước khi đổ ra Vịnh Thái Lan, và như vậy thì lưu lượng nước lấy từ con sông Mekong và con sông phụ lưu Bassac không phải chỉ 113 triệu mét khối mỗi năm mà sẽ nhiều lần lớn hơn và Việt Nam ở cuối nguồn không thể nào lường trước được. [hết trích dẫn] (5)
 
TỪ KÊNH VĨNH TẾ TỚI KÊNH FUNAN TECHO
  Năm 1819, khi Thoại Ngọc Hầu được lệnh vua Gia Long đào một con kênh lớn chạy thẳng từ Châu Đốc xuống đến Kiên Giang, nhập vào sông Giang Thành ra tới Hà Tiên đổ vào Vịnh Thái Lan. Kênh Vĩnh Tế bắt đầu từ tả ngạn sông Hậu (tên Bassac bên phía Cam Bốt), dọc theo đường biên giới, dài 90 km, rộng 30 m, sâu 2,5 m; với nguồn nước từ sông Hậu đổ vào. Con kênh Vĩnh Tế ở giai đoạn thời kỳ Nam Tiến chủ yếu là một con hào chiến lược có giá trị quốc phòng hơn là giá trị kinh tế. Tuy lấy nước từ sông Hậu, nhưng theo TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Giám Đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí Hậu (DRAGON Institute], Phó Giáo sư Khoa Tài Nguyên và Môi Trường Đại Học Cần Thơ viết: “Kinh Vĩnh Tế nối từ sông Hậu ở Châu Đốc đến sông Giang Thành thuộc Hà Tiên. Lưu lượng chảy ra Biển Đông gần như không đáng kể vì độ dốc ngược, biên độ thủy triều ở Vịnh Thái Lan rất thấp nên không tạo ra độ chênh mực nước lớn. Con kinh này ngày xưa vua nhà Nguyễn cho đào với mục tiêu chính là bảo vệ phần đất Việt Nam với Cam Bốt và một phần giao thông đườngthủy chứ không có mục tiêu thoát nước.”
  Đến với con Kênh Vĩnh Tế cũng là đến với một chặng đường lịch sử trải dài ngót 200 năm với nhiều máu, mồ hôi và nước mắt. Vĩnh Tế đã để lại một vết hằn thù hận trong tâm khảm người Cam Bốt.
  Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay, với một ĐBSCL đang thiếu nước canh tác, tình trạng ngập mặn ngày thêm trầm trọng do ảnh hưởng chuỗi đập thủy điện dòng chính thượng nguồn từ Trung Quốc [11 đập] xuống tới Lào [9 đập] và cả vô số những con đập phụ lưu trong khắp lưu vực, chưa kể những bước phát triển sai lầm tự hủy của chính Việt Nam nơi ĐBSCL. Nay lại sắp có thêm con kênh Phù Nam Techo của Cam Bốt chắc chắn không thể không gây mối quan tâm cho nhiều người Việt Nam, mà nạn nhân trực tiếp không ai khác hơn là 20 triệu cư dân nghèo khổ nơi ĐBSCL bấy lâu không được quyền có tiếng nói. Nếu chỉ về kích thước với chiều dài, bề rộng và độ sâu thì con kênh Vĩnh Tế nhỏ  hơn con Kênh Phù Nam Techo rất nhiều, còn về cấu trúc cho tới phương thức vận hành tự động hóa thì đây sẽ là một thủy lộ không những rất lớn mà còn rất hiện đại.
 
TINH THẦN SÔNG MEKONG MỘT MẪU SỐ CHUNG
  Tiếp sau bản Thông Báo của Vương quốc Cam Bốt gửi Ủy Hội Sông Mekong ký ngày 8/8/2023, trong hơn hai tháng qua, là một cuộc tranh luận sôi nổi trên khắp các diễn đàn trong nước và hải ngoại, kể cả sự giận dữ trước tình cảnh rất bị động của Việt Nam như hiện nay.
  Nếu nói Sông Mekong là sợi chỉ đỏ nối kết các quốc gia trong lưu vực nhưng thực tế thì ngược lại. Mekong đang trở thành một con sông chia rẽ do những tranh chấp quyền lợi riêng tư của mỗi quốc gia trong vùng. Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn, với một Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam vô hiệu và bất lực, hơn bao giờ hết đây là lúc Việt Nam phải có ngay một Toán Đặc Nhiệm / Task Force Sông Mekong – điều lẽ ra phải làm từ lâu, nhằm đề ra được một chiến lược lâu dài có khả năng đối phó với mọi tình huống.
 
  Điều trước tiên về phía người Việt, hãy quên đi thứ Văn hóa Chiến tranh [Culture of War], một cuộc “chiến tranh vì nước”, và ngay từ bây giờ, từ giới lãnh đạo cho tới người dân cần hành động bằng một đầu óc tỉnh táo, thay vì nhiều giận dữ như hiện nay. Vị thế Việt Nam và Cam Bốt năm 2023 đã khác xa với 40 năm trước. Việt Nam không thể hành xử như một “Tiểu Bá” – chữ của Bắc Kinh gán cho Việt Nam.
  Với Dự án Kênh Funan Techo 2024-2028, hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Cam Bốt, cộng thêm với quyết tâm của vị vua thời hiện đại là Samdech Techo Hun Sen, với hậu thuẫn toàn diện của Bắc Kinh nằm trong Chiến lược Một Vành Đai Một Con Đường, Việt Nam đã không có một thế đối trọng để ngăn cản, hay cấm đoán Cam Bốt thực hiện dự án này. Nói vậy, không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn bó tay mà thực ra có rất nhiều việc phải làm để đối phó ngay với Dự Án Funan Techo và giới hạn mức độ tổn thất.
 
1_ Lập ngay một Toán Đặc Nhiệm “Funan Techo” có quyền hạn mà trụ sở đầu não là Khoa Tài Nguyên Môi Trường của Đại Học Cần Thơ, với Ủy Ban Sông Mekong phải là một thành viên trong đó.
2_ Tòa Đại Sứ và Lãnh Sự Việt Nam ở Nam Vang phải có ngay các “tùy viên môi sinh” – như một dạng tình báo môi sinh, trực tiếp theo dõi tại thực địa từng bước diễn tiến của dự án này.
3_ Một khoản đầu tư xứng đáng để thuê toán chuyên gia quốc tế thực hiện một cuộc khảo sát đánh giá một cách khoa học và khách quan với cả một mô hình thủy học / Hydraulic Modeling là không thể thiếu.
 
KS Thuỷ Học Đỗ Văn Tùng, Canada có 3 góp ý thêm về phần 3_
  Nếu chưa có một mô hình thuỷ học mới, Việt Nam - Cam Bốt có thể ứng  dụng mô hình MIKE 11 để tính toán ảnh hưởng của dự án kênh đào Phù Nam Techo, với ưu điểm là nó đã có sẵn, tương đối phổ biến trong Uỷ Hội Sông Mekong MRC, nhiều người đã quen sử dụng nên dễ trao đổi thảo luận với nhau hơn.
 
Quan trọng hơn nữa là cần có một quy chế rõ ràng giữa Cam Bốt và Việt Nam về việc chia sẻ số liệu, nhất là về lưu lượng nước sông Mekong và  Bassac chảy vào con kênh Phù Nam Techo. Những số liệu này sẽ được dùng thường xuyên trong mô hình MIKE 11 để (i) đánh giá độ tin cậy của số liệu, và (ii) tính toán ảnh hưởng và thiệt hại ở ĐBSCL.
  Cam Bốt và Việt Nam nên có một tầm nhìn xa hơn, nhắm tới mục tiêu có một thoả ước về việc tính toán và đền bù ra sao nếu như phía Cam Bốt lấy qúa nhiều nước gây thiệt hại kinh tế và môi trường nơi ĐBSCL. Nếu thoả ước này thực hiện được thì nó sẽ là một hướng đi tốt có thể áp dụng cho toàn Lưu vực sông Lancang Mekong.
4_ Ở một mức cao hơn nữa, giữa hai chính phủ, Việt Nam phải tận dụng “Quyền Lực Mềm / Soft Power” qua ngả chính trị ngoại giao bằng sự thuyết phục, và cả chứng tỏ sự thành tâm hợp tác nhắm tới những phúc lợi cho cả hai bên, cùng với một nỗ lực “giải một lời nguyền” xóa dần mối thù hận có tính cách lịch sử giữa hai dân Việt - Khmer trong quá khứ.
 
  Và như vậy không phải chỉ có hô hoán những khẩu hiệu kích động thêm sự hận thù như “Hun Sen kẻ phản bội” – người đã từng tốt nghiệp trường Đảng Hồ Chí Minh, hay bi đát hơn là lời than vãn “Kênh đào Phù Nam là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài ĐBSCL”.
  Thách thức của con kênh Phù Nam Techo là có thật cho Việt Nam, và mọi người dân Việt cần trầm tĩnh, tập trung năng lượng và chất xám để đối phó, nhằm giới hạn mức tác động thiệt hại của con kênh chiến lược này. Nếu vô tình gây thêm thù hận và chia rẽ giữa hai nước Cam Bốt và Việt Nam là trúng sách lược “chia để trị” của Trung Quốc.
  Tương lai Việt Nam không cần thêm một cuộc chiến tranh vùng, mà đang cần tới một giới lãnh đạo có trí tuệ, có một tầm nhìn lịch sử để không đẩy cả dân tộc vào một chặng đường tứ diện thọ địch bi đát như hiện nay.
NGÔ THẾ VINH
California, 10/10/2023
 
THAM KHẢO
1/ Notification of The Inland Waterway Project “Funan Techo Canal”. Kingdom of Cambodia. Cambodia National Mekong Committee. Date of Submission 08 Aug 2023
2/ Funan Techo Canal – Opening Cambodia to the World
KhmerTimes, May 31, 2023 https://www.khmertimeskh.com/501298529/funan-techo-canal-opening-cambodia-up-to-the-world/
3/ Funan Techo Canal Approved to Link Bassac and Kep. B2B Cambodia 23/05/23 https://www.b2b-cambodia.com/news/funan-techo-canal-approved-to-link-bassac-and-kep/
4/ Study on Bassac River-Kep sea waterway link finished. Hom Phanet, Phnom Penh Post 24/04/2022.
https://www.phnompenhpost.com/business/study-bassac-river-kep-sea-waterway-link-finished
5/ Đại Vận Hà Phù Nam của Cam Bốt, trước âm mưu thâm độc của Bắc Kinh. Phạm Phan Long, P.E. Viet Ecology Foundation, October 09, 2023
6/ Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng. Ngô Thế Vinh, Nhà xuất bản Văn Nghệ, California 2000.