Monday, October 31, 2022

H Ả I P H Ù

Hoàng Xuân Sơn
 
Cô gái phù thủy. Hình tác giả gởi
 
Chiều nay rất mệt đầu sắp vỡ
những mảnh thủy tinh bay đầy trời
cọ cứa ngọn đồi không manh áo
nơi dung thân của một loài dơi
,
Chúng xếp hàng và đo diện tích
chiều dài của một bài phúng thi
thủy thể con ngươi dần nở lớn
nhìn khối óc câm đã nhiễm chì
,
Cầm xâu trái tim như chìa khóa
nàng thong thả đi trên cát đen
đọc hết những cái tên thần chú
bọn nam nhân chết rực dưới đèn
,
Có một loài thiêu thân của sóng
va đầu vào mỏm đá tru di
đại lục chiều nay xanh mỏi mệt
lũ dơi hoang vẫn cứ rù rì
,
Mùa thu mùa thu nơi đâu cánh
vá buồm nâu những mụn quy hồi
biển rao.  và tiếng nàng phù thủy
vào đi vào đi ngoan.  à ơi
 
)(
H O À N G  X U Â N  S Ơ N
 [một mùa biến ảo]
20 oct.21

HÓA TRANG ĐÊM HALLOWEEN

Nguyễn Thị Khánh Minh
 
Đêm Halloween
 
Có hóa trang nào mang mặt mũi của Giấc Mơ, cho tôi mang đi dự hội Halloween.
 
Hi! Tôi là Giấc Mơ đây. Những thiên thần xà xuống reo lên Treat and Kiss… Những vòng tay quây quần đêm lấp lánh.
 
Khuôn mặt chắc chắn sẽ không làm giật mình trẻ con và thi sĩ hồn nhiên. Nhưng những con ma sẽ cau mày. Xạo, làm gì có áo Hiền Mộng để mặc vào che chắn Ác Mộng đêm đen!
 
Cho dẫu thế. Tôi vẫn đi tìm một chiếc áo Giấc Mơ. Mang sắc cầu vồng phép lạ. Biến tất cả thành mộng đẹp bất cứ nơi nào mà nó đi qua. Đêm nhân gian rộn rã.
 
Tôi tìm. Đôi cánh Chagall chắp cho tôi đường bay vào những chiều không gian ảo diệu có bầy thú ngoan bay theo đôi tình nhân ru đêm hiền hậu.
 
Tôi tìm. Chiếc đồng hồ ngưng đọng thời gian. Sững bóng phút giây chảy dài nơi xứ sở ảo huyền những cánh bướm Dali. Ngày và đêm quấn quít.
 
Tôi tìm. Chiếc khăn san trắng ban mai. Đưa tôi về miền Muguet reo chuông hạnh phúc. Có bầy cổ tích mở những ngôi nhà và dân lành sống bên nhau vô cùng tử tế.
 
Tôi tìm. Màu son môi bleuet. Mang nụ cười xanh làm ánh sao băng cho trẻ thơ bình yên nói một ước mơ. Đêm trần gian tưng bừng trang sách mở.
 
Tôi tìm. Chiếc chìa khóa âm thanh. Đi vào dìu dặt Joseph Huỳnh Văn những dương cầm xanh dương cầm lạnh trao cho người phút giây diễm lệ của chiêm bao.
 
Tôi tìm. Một chiếc nơ trắng bạc ánh sao. Cài lên ve áo. Hóa trang một đóa hoa tiên tử nở cho kịp phút giây hò hẹn với thời gian.
 
Tôi tìm. Một chiếc mũ có gắn chùm hoa thần lavender tím ngát. Mở cho tôi cho xứ mộng tràn trề xanh tím rất ảo Monet.
 
Tôi tìm một trái bí da cam có ánh nến thần. Tỏa lửa xanh có hương thơm và vị ngọt của an bình có phép mầu làm tắt đi lửa đỏ đang thiêu rụi những cánh đồng và thành phố.
 
Tôi không tìm được chúng ở bất cứ đâu nên đêm nay tôi mặc chiếc áo mầu đen lặng thinh của con chim cú, một mình mặt thật đi vào cõi chập chờn nhộn nhịp quỷ ma.
 
Và. Tôi nghe những viên kẹo lao xao Trick or Treat bên những bé thơ bí vàng bập bùng nụ cười răng sún. Bầy dơi đen bay ra từ vầng trăng đêm hội vỗ cánh xập xình những chóp mũ đen… Happy Halloween… Happy Halloween…
 
Halloween 2015
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
 


Sunday, October 30, 2022

NHẠT NHÒA

Vũ Hoàng Thư
 
Tranh Khánh Phan
 
chiều tím pha
          trí nhớ nhòa
còn lại chăng những thiết tha rong mời?
hay tình điệu giả bộ cười
với tim phai
hát tiếng lời dở dang?
đêm gục mặt
          vực đưa đàng
tình quay lưng
          cửa bàng hoàng khép lơi
lùa cơn mộng đã chao đời
cánh hoa bay
một khoảng trời ảo huyên
nhỏ nhẹ em
mộng mị huyền
ở vườn xưa
góc bình yên về ngồi
liếp thâm
          cầm giữ em tôi
nguồn sông
cánh vỗ rực môi túy hồng
bỗng nghe sập lạnh kéo chồng
chào hồ điệp
          một cánh không vỗ dồn
ngày trọng đông
          nuột tình hôn
vọng khúc hát
những quấn ôm nhạt nhòa
 
VŨ HOÀNG THƯ
Tháng 12, 2015

  

TÌNH THU YẾU ĐUỐI

Khê Kinh Kha
 
Trời vào thu. Hình tác giả gởi
 
trời vào thu em ơi
quanh đây đầy lá úa
tình buồn theo mưa rơi
lòng sầu đầy thương nhớ
trong sương mờ
anh đợi chờ
 
đợi tình em mong manh
thương em bờ tóc ngắn
từng mùa thu không em
từng ngày từng tiếc nuối
trong tim này
thu chết em ơi
 
một mùa thu chưa say
một đời chưa quen hơi
tình nồng sao phôi phai
để tình thu yếu đuối
 
từng mùa thu xa em
tim đau bao nỗi niềm
từng ngày ta yêu em
một đời đêm tối vây quanh
 
tình mùa thu không em
không em cười trong nắng
một mình anh bâng khuâng
nhặt từng giọt nắng ấm
anh ngỡ rằng
môi em nồng
 
từng mùa thu xa em
xa bao tình yêu mến
thèm bờ môi em ngoan
lòng này còn hoang vắng
ôm lá vàng
anh khóc tình em

KHÊ KINH KHA 


TÌNH THU YẾU ĐUỐI - Nhạc Khê Kinh Kha - Ý Lan Trình Bày
https://www.youtube.com/watch?v=SqPco8p2clI
  

Thursday, October 27, 2022

ĐỌC THƠ PHẠM CAO HOÀNG VỚI DÒNG CHỮ THƠM HƯƠNG ĐẤT QUÊ NHÀ

Phan Tấn Hải 
 
 
Thơ Phạm Cao Hoàng
 
Trí nhớ là cái gì rất là mơ hồ, không nhìn thấy được, không trực diện được để chúng ta có thể truy vấn, nhưng vẫn là cái gì rất có thực, mà chúng ta không quay lưng được. Đôi khi ký ức, một số kỷ niệm nào đó, vài sợi tóc thời thơ dại, hay đôi mắt của nhiều thập niên trước, hay cái nắm tay thời mới lớn, hay mùi hương đất bay thoang thoảng trở lại… vẫn có thể làm chúng ta bâng khuâng, mất ngủ. Cho dù đã cách xa nhiều thập niên, và cho dù đã cách biệt nhiều ngàn dặm, bên kia bờ đại dương.
 
Với sức mạnh như thế, hai tác phẩm của nhà thơ Phạm Cao Hoàng --- Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương (ĐCTMMH), và Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt (MCTGMĐL) --- đã gợi nhiều nỗi nhớ trong tôi. Nơi đây, Phạm Cao Hoàng đã trải ra trên trang giấy những sương khói Đà Lạt, Phú Yên, Bình Thuận… và đã lấy ngòi bút thương nhớ chép xuống những dòng mực kỷ niệm để làm thơ, để viết lên các tùy bút hồi ức.
 
Thế đó, từ nơi rất xa quê nhà, Phạm Cao Hoàng viết lên những dòng chữ vô cùng thương nhớ, nơi có hình ảnh cha và mẹ, nơi có cánh đồng gốc rạ và mây mù lưng đèo:
 
nhớ ngày tôi đi biển khóc
bóng cha tôi ở cuối đường
và cánh đồng trơ gốc rạ
đất còn thơm mãi mùi hương
  
nhớ ngày tôi đi mẹ khóc
ruộng vườn bỏ lại sau lưng
mây mù che ngang đèo Cả
đường xa mưa gió mịt mùng
(ĐCTMMH, tr. 62- Mai Kia Tôi Là Hạt Bụi)
 
Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương là tuyển tập thơ của Phạm Cao Hoàng, gồm 41 bài thơ viết sau năm 1975. Nơi những dòng đầu thi tập là lời gửi về thân phụ:
 
thương cha một đời lận đận lao đao
cầm lấy chiếc cày
để tay con được cầm cuốn sách
thương chiếc áo cha một đời thơm mùi đất
thương đất quê mình thơm mãi mùi hương.
 
Có một cảm giác độc giả nhận được rằng thơ Phạm Cao Hoàng là đời thực, không phải kiểu lãng đãng mơ với gió và mộng với mây… Cuối tất cả những bài thơ đều ghi ngày tháng và nơi nhà thơ cầm bút sáng tác. Không phải nhà thơ nào cũng có thói quen cẩn trọng như thế. Nghĩa là, một thái độ cẩn trọng với cảm xúc lúc đó. Chúng ta đọc và không thấy chất hư cấu. Chuyện kể đời thực đã hiển lộ trong thơ anh một cách tự nhiên. Thí dụ như bài “Sau chiến tranh trở lại Tuy Hòa” cho thấy lưu giữ một phần đời thực của tác giả. Bài thơ này làm theo thể lục bát, và chỉ có tám dòng nơi trang 14, như sau.
 
khi về thăm lại cố hương
thấy quê nhà nghĩ càng thương quê nhà
hắt hiu một bóng mẹ già
một ngôi mộ cỏ xanh và khổ đau
bâng khuâng một chút vườn sau
ngậm ngùi ngõ trước lao xao nắng vàng
đã qua chưa cuộc điêu tàn
đám mây năm cũ biết tan nơi nào
--- Tuy Hòa, 1976
 
Tất cả các bài thơ của Phạm Cao Hoàng đều đời thực như thế. Nếu chúng ta nhớ lại, nhà thơ Nguyễn Du lãng đãng viết về truyện nàng Kiều, trong đó những Từ Hải, Thúc Sinh… hiện lên. Tương tự, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu viết về Lục Vân Tiên, trong đó có nàng Nguyệt Nga bay bổng trong mơ mộng Nho gia của tác giả. Không có nàng Kiều thực, không có nàng Nguyệt Nga thực nào được các phê bình gia nhìn ra đang đứng bên cạnh hai nhà thơ họ Nguyễn đó.
 
Thế rồi tới thế kỷ 20, người thực… Thơ của Vũ Hoàng Chương có nàng Tố, thơ của Nguyên Sa có cô Nga. Thơ của Bùi Giáng đa dạng hơn, nhưng cũng là đời thực, có Ni sư Trí Hải, có nghệ sĩ Kim Cương, có em mọi nhỏ nơi rừng sim xứ Quảng.
 
Chân dung Cúc Hoa. Đinh Cường vẽ
 
Trường hợp Phạm Cao Hoàng, có nàng Cúc Hoa, người con gái xứ Đà Lạt đã trở thành bạn đời và là nguồn thơ trọn đời cho anh. Phạm Cao Hoàng không chỉ làm nhiều bài thơ --- ít nhất là một ca khúc, và 8 bài thơ trong tuyển tập tặng nàng Cúc Hoa trong Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt --- và cũng viết một số bài văn xuôi, theo dạng bút ký, ghi lại truyện thật giữa nhà thơ và nàng Cúc Hoa.
 
Trong bài văn xuôi “Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt” trong tuyển tập cùng tên, được ghi là “truyện thật của tác giả” --- Phạm Cao Hoàng kể lại sự kiện năm 2011, khi Cúc Hoa gặp tai nạn xe, được xe cấp cứu chở vào một bệnh viện ở Virginia, trải qua giải phẫu. Đêm đó, bệnh viện cho Phạm Cao Hoàng ở trong bệnh viện. Tác giả kể lại, nơi trang 43:
 
“Cúc Hoa nằm đó, trong nỗi đớn đau của thân xác.
 
thương em ngày nắng Tuy Hòa
chiều mưa Đức Trọng sáng Đà Lạt sương
thương em và những con đường
một thời tôi đã cùng em đi về
bây giờ lạ đất lạ quê
bước chân phiêu bạc biết về nơi đâu
thương em nắng dãi mưa dầu
đau cùng tôi với nỗi đau riêng mình
chia cùng tôi một chút tình
của ngàn năm trước và nghìn năm sau
 
Cúc Hoa nằm đó, vẫn khuôn mặt thánh thiện nhưng có hằn lên những nét khổ đau. Một đời Cúc Hoa hết tình hết nghĩa với tôi và các con. Tôi cầu mong sao vết thương không nặng lắm để Cúc Hoa có thể vượt qua tai ách này.” (MCTGMĐL, tr. 43)
 
Đọc thơ Phạm Cao Hoàng, một điểm nổi bật là tác phong nhà giáo. Trong đời thực, bên cạnh làm thơ, anh còn đi dạy học. Đứng về nghề dạy học, Phạm Cao Hoàng có chuyên ngành nhà giáo nhiều lần hơn rất nhiều nhà giáo khác, anh đã học: Sư Phạm Qui Nhơn, Đại Học Đà Lạt (chuyên ngành Triết Học Tây Phương - học hết năm thứ ba, chưa tốt nghiệp), Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (chuyên ngành Anh Văn).
 
Một điểm cho thấy thái độ cẩn trọng rất mực sư phạm của Phạm Cao Hoàng là nơi trang 32-33 của tuyển tập Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương trong bài thơ “Bây Giờ” nơi dòng thứ 8. Bài thơ “Bây Giờ” là đề tặng “cho Cúc Hoa và tôi, một thời lưu lạc” với một trích đoạn đã đăng nơi trên. Trong đó có hai dòng:
 
bây giờ lạ đất lạ quê
bước chân phiêu bạc biết về nơi đâu (*)
 
Đó. Độc giả thấy có dấu hoa thị ghi chú đó nơi dòng thơ vừa dẫn, và chú thích là ở trang 33, ghi như sau:
 
(*) PHIÊU BẠC [飄泊]
 
Tác giả cẩn trọng từng chữ như thế. Muốn độc giả không nhầm chữ c (bạc) thành chữ t (bạt). Lại còn ghi chú nguồn từ chữ Hán. Đó là tác phong nhà giáo, rất mực cẩn trọng với chánh tả.
 
Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp khi viết Lời Bạt nơi đầu sách Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương đã nhận định về thơ Phạm Cao Hoàng là, trích:
Đọc thơ Phạm Cao Hoàng, ta thấy tâm hồn anh đầy nhân hậu, bao dung và độ lượng, luôn mở rộng đón nhận những âm vang của đất trời. Ở Phạm Cao Hoàng, không có sự ganh ghét, thù hận hay ra vẻ trí thức triết lý với đời. Thơ anh trong sáng, tự nhiên, bình dị;  nhẹ nhàng đi vào hồn người. Đọc thơ Phạm Cao Hoàng ta tìm được niềm an ủi trong tình yêu, gia đình, bạn bè, quê hương đất nước và cuộc sống chung quanh mình.” (ĐCTMMH, tr. 12)  
 
Đón nhận những âm vang của đất trời… Tất cả những gì nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp viết về nhà thơ Phạm Cao Hoàng đều đúng. Trong khi các nhà thơ đón nhận những âm vang của đất trời cho thành chữ, Phạm Cao Hoàng còn chuyển thể thành nhạc. Như ca khúc “Gửi Em, Đà Lạt” nơi trang 56, trong tuyển tập Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt. Đó là ca khúc nhà thơ họ Phạm viết tặng Cúc Hoa, khi họ mới quen nhau. Và cũng trong đêm bệnh viện, khi Cúc Hoa mới tỉnh thuốc mê sau giải phẫu, nàng Cúc Hoa yêu cầu chàng Phạm Cao Hoàng hát nho nhỏ, vừa đủ cho Cúc Hoa nghe. Lời ca khúc này như sau:
 
sáng nay mưa đã về
ngàn thông xao xuyến khách phương xa
hỡi cô em Đà Lạt
về đâu?
tôi muốn theo về với người
mưa cho đôi má em hồng
mưa cho đôi mắt nai tròn
mưa bay qua cõi vô cùng
và tôi bay giữa mênh mông
mưa âm vang suốt bên đời
mưa lang thang mấy phương trời
mưa qua như dáng thu người
đời vui thêm tiếng em cười
sáng nay mưa đã về
vườn kia hoa nở đóa tương tư
gửi cô em Đà Lạt
bài thơ tôi viết khi về với người.” (MCTGMĐL, tr. 44-45)
 
Phạm Cao Hoàng khác với hầu hết các nhà thờ đương thời trong rất nhiều điểm. Trước tiên, là tấm lòng yêu thương chân thành với người vợ. Rất nhiều nhà thơ Việt Nam trong thế hệ Phạm Cao Hoàng không có lòng trung thành như thế, và ngay cả các nhà thơ trung thành với bạn đời của họ, cũng không ai làm thơ tặng vợ nhiều như anh. Mối tình giữa Phạm Cao Hoàng và Cúc Hoa hiển nhiên là hy hữu.
 
Một điểm cũng rất đặc biệt về Phạm Cao Hoàng, và rất khác với hầu hết các thi sĩ khác, là hình ảnh người cha trong thơ. Nhiều nhà thơ viết về mẹ. Phạm Cao Hoàng cũng viết về mẹ. Nhưng rất ít nhà thơ viết về cha. Phạm Cao Hoàng viết tràn ngập về cả mẹ và cha. Thú thật, đọc thơ Phạm Cao Hoàng, tôi tự thấy trong lòng mình có lỗi biết là bao nhiêu, vì thấy mình chưa làm được bài thơ nào để tưởng nhớ thân phụ.
 
Trong những dòng thơ đầy cảm xúc của Phạm Cao Hoàng có rất nhiều những dòng viết về cha, về mẹ. Ngay trang đầu thi tập Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương nói trên, là những dòng “thương cha một đời lận đận lao đao…”
  
Cũng hình ảnh cha và mẹ đã hiện ra với nhà thơ Phạm Cao Hoàng, trong bài thơ trước ngày sang Hoa Kỳ định cư. Bài thơ này nhan đề “Mây Khói Quê Nhà” viết tại Tuy Hòa ngày 20.11.1999. Trong 4 đoạn đó có những câu ghi ơn cha và mẹ, trích 2 đoạn giữa như sau:
 
mùi hương của đất làm con nhớ
những giọt mồ hôi những nhọc nhằn
cha đã vì con mà nhỏ xuống
cho giấc mơ đời con thêm xanh
 
mùi hương của đất làm con tiếc
những ngày hoa mộng thuở bình yên
nồi cá rô thơm mùa lúa mới
và tiếng cười vui của mẹ hiền
(ĐCTMMH – tr. 22)
 
Trong những bài thơ nổi bật của Phạm Cao Hoàng, có bài “Cha Tôi” kể về hình ảnh người cha rất mực thiết tha. Bài thơ này khá dài, khoảng 30 dòng, với câu ngắn và cả câu dài. Bài “Cha Tôi” được Phạm Cao Hoàng làm tại Virginia, vào tháng 3-2015. Trích những dòng thơ đầu bài “Cha Tôi” như sau:
 
và bài thơ tôi viết đêm nay
là bài thơ sau bốn mươi năm
kể từ hôm vượt đèo Ngoạn Mục xuống Sông Pha
chạy ra Tuy Hòa
trở vô Sài Gòn
và nhận tin cha tôi đã chết
ông qua đời khi chiến tranh kết thúc
để lại trần gian nỗi nhớ khôn nguôi  
để lại đàn con trên quê hương tan tác   
để lại trong tôi vết thương mang theo suốt cuộc đời                                                         
 
bốn mươi năm rồi con vẫn nhớ, cha ơi!
ngày mùa đông cha mặc áo tơi ra ruộng
ngày nắng lửa cha gò mình đạp lúa
những sớm tinh mơ cùng đàn bò lầm lũi đi về phía bờ mương        
                                            
rồi mùa thu cha đưa con đến trường
con thương ngọn gió nồm
mát rượi tuổi thơ những ngày đầu đi học... (ngưng trích)
 
Tôi tin rằng đó là những dòng chữ đẹp vô cùng của thi ca Việt Nam khi viết về cha. Hình ảnh của ngày mùa đông cha mặc áo tơi ra ruộng… hình ảnh ngày nắng lửa cha gò mình đạp lúa… hình ảnh ngọn gió nồm mát rượi tuổi thơ… Tôi cảm nhận trên trang giấy phả lên hơi lạnh của mùa đông, rồi nắng lửa gay gắt bỏng cháy, rồi gió nồm mát rượi tuổi thơ… Rất mực hy hữu được đọc những dòng thơ như thế.
 
Một điểm đặc biệt nữa trong thơ văn Phạm Cao Hoàng là tấm lòng trân trọng với những người bạn của thi sĩ. Như với các họa sĩ Đinh Cường, Nguyễn Trọng Khôi, Trương Vũ… như với các nhà thơ Luân Hoán, Trần Hoài Thư, Nguyễn Xuân Thiệp…
 
Trong văn phong của Phạm Cao Hoàng, chúng ta nhận ra một mô hình lý tưởng của truyền thống nhiều ngàn năm lịch sử Việt Nam: nhà thơ bước vào nghề giáo. Lệ thường, các nho sĩ Việt Nam làm cả hai việc một lúc, vừa là nhà giáo để giữ vững giềng mối đạo lý xã hội, vừa là nhà thơ để ghi lại những cảm xúc riêng. Thực tế, nhà thơ bước vào nghề giáo cũng rất mực đa dạng: đó là Nguyễn Khuyến, là Nguyễn Đình Chiểu, là Vũ Hoàng Chương, là Nguyên Sa, là Cao Huy Khanh… Và Phạm Cao Hoàng cũng là một thi sĩ rất mực thơ mộng trong một kiểu nhà giáo rất mực hiền lành, rất mực gương mẫu trong thời kỳ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21: anh trung thành và miệt mài làm thơ tặng vợ, anh thương nhớ làm thơ tặng cả mẹ và cha, anh hoài niệm làm thơ để ủ mùi hương đất quê nhà lên trang giấy… Phạm Cao Hoàng là một nhà thơ rất mực hy hữu tuyệt vời. Chữ trong thơ anh có những dòng sáng rực như ngọc quý, với đầy những thiết tha thương nhớ.
 
Tôi đọc thơ anh và nhớ lại một vài kỷ niệm lãng đãng, đã rất xa. Một vài buổi sáng sương mờ trong ký ức. Nơi chân cầu Đại Ninh với lối đường mòn đi vào ngôi chùa của cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm. Rồi hình ảnh tên bạn có nhà trên đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt, nơi một tường nhà treo chân dung Bồ Đề Đạt Ma trên giấy xưa cũ ố vàng vẫn cứ mãi hiện lên đôi mắt rực sáng. Và hiển lộ trong tôi những cánh đồng gốc rạ vàng rực nắng nơi quê nhà. Trân trọng cảm ơn những dòng thơ của Phạm Cao Hoàng.
PHAN TẤN HẢI
 
Sau đây là tóm lược Tiểu sử Phạm Cao Hoàng.
Sinh năm 1949 tại Phú Thứ, Tuy Hòa, Phú Yên.
 
Đã học qua các trường: Tiểu Học Phú Thứ, Trung Học Bồ Đề (Tuy Hòa), Trung Học Nguyễn Huệ (Tuy Hòa), Sư Phạm Qui Nhơn, Đại Học Đà Lạt (chuyên ngành Triết Học Tây Phương - học hết năm thứ ba, chưa tốt nghiệp), Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (chuyên ngành Anh Văn). Do hoàn cảnh riêng, do chiến tranh và thời cuộc, việc học dở dang nhiều lần và phải học đi học lại nhiều lần. Văn bằng cao nhất: Cử Nhân Anh Văn. Từ 1969 đến 1999 dạy học qua các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Lâm Đồng. Cùng vợ và 3 cô con gái định cư ở Mỹ từ năm 1999 và hiện sống tại tiểu bang Virginia.
 
Khởi viết từ năm 1969. Trước 1975 có thơ đăng trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn: Văn, Bách Khoa, Vần Đề, Khởi Hành, Thời Tập, Ý Thức… Sau 1975 ngưng sáng tác và mãi đến năm 2005 khi định cư ở Hoa Kỳ mới cầm bút trở lại. Ngoài thơ và truyện ngắn còn viết một số ca khúc.
 
Ngày 10 tháng 4.2012 hình thành trang Blog Phạm Cao Hoàng. Đây là nơi giới thiệu và lưu trữ các sáng tác của  Phạm Cao Hoàng và bằng hữu.
 
Từ 10 tháng 7.2017 Blog Phạm Cao Hoàng được chuyển thành Trang Văn Học Nghệ Thuật Phạm Cao Hoàng với địa chỉ mới: http://www.phamcaohoang.com/
 
 
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN
 
TRƯỚC 1975
 
1.  ĐỜI NHƯ MỘT KHÚC NHẠC BUỒN (Thơ, NXB Đồng Dao, Sài Gòn, 1972).
2.  TẠ ƠN NHỮNG GIỌT SƯƠNG (Thơ, NXB Đồng Dao, Sài Gòn, 1974).
 
SAU 1975
 
1. MÂY KHÓI QUÊ NHÀ (Tuyển tập thơ, NXB Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ, 2010; gồm những bài thơ chọn lọc từ 2 tập xuất bản trước 1975).
2.  MƠ CÙNG TÔI GIẤC MƠ ĐÀ LẠT (Truyện và tạp bút, NXB Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ, 2013).
3.  ĐẤT CÒN THƠM MÃI MÙI HƯƠNG (Thơ, NXB Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ, 2015).
 
 

Wednesday, October 26, 2022

Ở CHỖ NGÀY

Vương Ngọc Minh
 
Vô đề. Trừu tương của hs Nguyễn Cường
 
do
không muốn nghĩ đến bất kì bài thơ
nào nữa
.. tôi đứng trước các quyển sách
không phải tiếng mẹ đẻ
trước hiệu sách nổi tiếng thành phố
city lights
chụp cái ảnh
 
và
khi không tính chưng ra
trong bài thơ
tôi đã cầu nguyện
với
tuyền những hình ảnh chó chết
bám trong đầu
rất muốn khóc
nhưng - khóc chả giải quyết được gì
 
nên tôi nói
tiếng cực nhỏ
tuy nhiên thiên hạ vẫn nghe
thấy
họ đến
vây quanh tôi
 
có kẻ bạo dạn đấm vô cạnh sườn
ba / bốn
cái liền
phải nói- đau điếng
tôi rên rĩ
thì họ dựng dậy
vỗ mặt "bốp bốp!" khiến mồm
miệng
há rộng - quái dị- sương
một màu xám ngoét từ dưới đóc họng
phả
 
mù trời
 
tôi cầu nguyện
lần này
thành lời
chả biết thiên hạ có nghe (!)
họ tự động tản mác vào sương mù
..
thời dịch
bệnh Covid - 19
thực sự
chẳng có gì làm hài lòng
 
giả
có thấy gì
quả chỉ thấy tuyền đời tăm tối
chết giấp!
..
VƯƠNG NGỌC MINH.
 
 

Friday, October 21, 2022

ĐOẢN THI. MÙA HƯ ẢO

nguyễnxuânthiệp

Astract painting. Source: Internet
 
THƠ TÔI
 
từ mái tóc
dòng sông. và đôi mắt ấy. tôi đi
cùng với thơ
ôi. những giọt mưa
rơi. âm. trên mái cọ
tiếng chim kêu
cành hoa
trên ngôi mộ đá
cơn giông. nhiệt đới. qua trời
ngọn đèn
trong căn lều. của người chăn vịt
những lóng xương khô
nấm mồ. gió chạy. biển xa
 
ôi. thơ tôi
như cánh bướm
như nụ cười
cái chết.
 
 
ĐÊM. TRONG NGÔI NHÀ G
 
đêm. trong ngôi nhà gỗ
giấc mơ. cánh bướm
những chiếc lá bàng
cánh cổng. màu cổ thi
lại hiện về. trong trí nhớ tôi
trong thơ tôi
 
ôi. đã về đâu
những chia ly. dài bao nhiêu năm
cánh cửa thời gian khép mở. âm. dương
xin cho tôi về lại
như kẻ lãng du. về lại
nơi từ đó tôi đi
tuổi thơ
làm chú sa di đuổi quạ*
chiều
cổ tích. trăng lên
 
**mượn ý của Vĩnh Hảo trong truyện ngắn Nghề Đuổi Quạ
 
 
bếp chiu
 
cháy. trong vườn lãng quên
chiều nghiêng. đốm lửa
người tù xa lâu năm. trở về
bên mái nhà. và bờ ao
mùa thu. tàn ố
khòm lưng. nấu bát cháo ngoài hiên
nấm mộ đá ong
dế khóc
 
Mùa thu 1982
 
 
HI HOA S. CHÙA XƯA
 
mai sau
em về. bên dòng sông ấy
ghé hỏi giùm tôi
những chùm bông sứ. ngủ quên. trên mái chùa xưa
có nghe mưa rơi
lời kinh bát nhã
 
 
ĐI GIA NHNG T KINH
 
tôi đi giữa những tờ kinh
nắng. hong trên màu lá
vàng. xưa
có tiếng gọi
trời hư vô. nghiêng bóng cây
chim ơi. chim. sao không về lại
mình tôi đi giữa những tờ kinh
còn nghe. tiếng gió. trên gác chuông. chùa cũ
vị sư già. đã rời đi
con bướm. hoàng hoa. trên phương trượng 
còn thức. đợi. người
 
 
MÙA THU
ĐIU BLUES
 
mùa thu
không còn những con ve sầu. khúc ca
                      của người nghệ sĩ không nhà
với chiếc mũ dạ. của pablo neruda. và áo khoác vai
tôi đi trong hoàng hôn. tắt nắng
không còn mùi hương cà phê. từ quán chateau
tôi đi tìm. chiếc lá bàng. bàn tay ấm
em có chờ tôi
bên hiên nhà
với nụ cười. như ánh lửa trong cây
mùa thu
con quạ bay qua
kêu lên một tiếng
chuyến xe buýt cuối cùng. vừa rời đi
bỏ lại người da đen
và nỗi sầu. của điệu blues
không cánh
mùa thu
 
 
MÙA ĐÔNG. TING CHIM HÓT TRONG MƯA
 
mùa đông. xám
một mình. trong căn nhà. không đốm lửa
nghe khúc hát
của phượng thành. ngày xưa
hàng sầu đông. rũ tóc
mảnh trăng gầy. trên mái rạ. mắt em
cây cầu. như cánh chim. bắc qua dòng sông
hoàng hôn. tắt
con đường. đẩy xe cây. và những vệt máu. khô
gió. cát. những tiếng ho khan
ngày qua. những trang sách. bụi
bỗng nghe. bỗng nghe
một tiếng chim. hót. vọng trong mưa
 
 
CHIU. VN SIÊU THC. CHIU
 
em có nghe
em có nghe
vẫn tiếng còi tàu
buổi chiều
âm vang qua khu rừng. natick*
những cánh dã quỳ. tứa máu. run rẩy
người không còn ngồi vẽ. trong quán
                                                         cà phê xưa
nơi khung cửa
con bướm monarch. nhìn thấy trong giấc mơ nào
đang vỗ cánh
gây ra những chấn động. màu hổ hoàng
trên phế tích. mùa qua
anh thấy mình ngồi
đốt lại đống lửa
lá thông khô
những khuôn mặt bạn bè. chợt hiện
đinh cường. lê uyên phương. kim phượng
thanh sâm
và tiếng ai
gọi mình trong gió
thiệp ơi. thiệp ơi
về đi
 
chiều. vẫn siêu thực. chiều
 
*khu rừng sau nhà Đinh Cường, ở VA
 
 
GÃ DU CA
 
gã du ca
sao người không ở
sao người vội đi
bếp lửa đang ấm
bình sake còn đầy
 
tiếng quạ. trong trăng

 
ĐỌC THƠ HAIKU
 
đôi khi
đọc câu thơ haiku
nghe trong buổi chiều
tiếng ve. kêu
mùa hạ
 
cũng có khi
nghe mưa đá
lộp bộp
rơi
trên lều cỏ
một người ngồi thiền
tĩnh lặng
 
mùa thu
ơi mùa thu
dường như. qua khe cửa
có tiếng gió
hay tiếng dế kêu
anh và em
xa nhau
ánh trăng. không soi tới
 
 
NGƯỜI V. QUÁN CÀ PHÊ XƯA
 
*nhớ Đinh Cường
 
lặng nghe
tiếng còi tàu
buổi chiều
âm vang qua khu rừng natick
những chiếc lá trên cây
bắt đầu vàng
người trở về
mùa thu
quán cà phê starbucks
tượng hình
một bóng
bên góc tường. đá. xanh
 
Garland, vào thu 2016
 
 
HÀNH GI VÁC TRĂNG
QUA BÃI QUNH
 
hành giả
từ túp lều cây chuối
bước ra
mang theo những câu thơ haiku
và nắm xôi
vừa đi. vừa đọc thơ. vừa nhai
chợt đâu nguyệt thực
buông hết
một mình vác vầng trăng. đỏ
đi qua bãi sông hằng
trời mạn đà la
hahaha
 
 
MÙA THU VÀ BP LA
 
chiều mùa thu
và một bếp lửa
để về
tôi đọc thấy. trên trang văn khánh minh. ngày nọ
nhưng chiều nay
thấy lạnh
hai tay. và mái tóc
tôi chợt ngộ ra
không. tôi không có một bếp lửa nào
một mái ấm nào. để trở về
mà chỉ là người hành giả
đi trên đường chiều
cô độc
một quán trọ
một ngôi chùa
bốn phương. nào thấy
thèm được vị thiền sư
tặng chiếc áo. và vầng trăng
thiền sư ơi
chiều rơi
chiều không lửa ấm
 
 
Hoa qu. t k Đá
 
buổi chiều
đứng ngắm
bông dã quỳ
mọc từ kẽ đá
hồn tịch lặng
ôi. đá xưa. đâu. người
 
 
BUI SÁNG. NGHE TING CHIM
 
sáng nay
nghe tiếng chim
ngoài cửa sổ
nhìn nắng lên
lại nhớ. những năm
nơi lán trại mịt mùng ấy
tiếng con sơn ca
hót. trên ngọn cây
đầu suối
ngày của những hạt bo bo
màu tím
đêm chờ trăng lên
đọc câu thơ nguyệt xuất kinh sơn điểu*
bụng đói
chim ơi
bao giờ về lại
khu vườn xưa
vương phủ
 
NXT
 
*Trăng lên khiến con chim núi hoảng sợ
Thơ cổ của Vương Duy bài Điểu Minh Giản. Khe chim kêu
*Tưởng nhớ Tô Thùy Yên hồi ở trại Cẩm Nhân, Yên Bái